Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương I

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE[1]

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

CHƯƠNG THỨ NHẤT

 

1.– Nghệ thuật nào và cuộc sưu tầm nào, cũng như hành động nào và sự thảo luận nào có suy nghĩ cũng đều hình như hướng về điều-thiện. Vì vậy,người ta hoàn toàn có lý khi định-nghĩa điều thiện là : cái gì khiến, trong mọi trường-hợp, người ta hướng về đấy[2]. Tuy nhiên, hình như có một sự sai biệt giữa các cứu cánh.

2.– Có khi, sự hoạt động diễn ra là vì sự hoạt động ; có khi, thêm vào sự hoạt động, kết quả là những hành vi. Trong trường hợp người ta nhận thấy ít nhiều cứu cánh thêm vào những hành vi, thì những kết quả của sự hoạt động quan trọng hơn sự hoạt động. 

3.– Vì có những hành vi, những nghệ thuật và những khoa học phức-tạp, nên có những cứu cánh phức tạp: sức khỏe là cứu cánh của y-khoa; chiếc tàu thủy, cứu-cánh của kỹ-nghệ đóng tàu ; sự thắng trận, cứu cánh của chiến-lược ; tài sản, cứu cánh của kinh-tế học.

4.– Tất cả những nghệ thuật và những môn học riêng biệt ấy đều phụ thuộc một khoa-học chủ-yếu ; thí dụ như sự chế-tạo hàm thiếc ngựa và tất cả đồ nhu yếu của kỵ binh đều phụ thuộc kỵ-thuật học; những nghệ thuật ấy, cũng như tất cả hành động về chiến-tranh đều phụ thuộc môn quân-sự học ; những môn học khác cũng vậy, cũng đều phụ thuộc. Như vậy, cứu-cánh của tất cả các môn kiến-trúc-học quan trọng hơn cứu cánh của những môn học phụ thuộc.

5.– Chính người ta theo đuổi những môn thứ nhì một cách phụ thuộc vào những môn thứ nhất. Vả lại, điều này ít quan trọng: hoặc chính sự hoạt động là mục-đích những hành-vi của chúng ta, hoặc người ta tìm kiếm, thêm vào sự hoạt động, một kết quả khác, như trong những môn học mà người ta vừa mới chỉ định.

 


 

 


[1] Nhan đề của cuốn sách (bằng tiếng Pháp, có tiếng Hy-lạp đối chiếu của dịch-giả Pháp Jean Voilquin do nhà sách Garnier Frères xuất bản là "Ethique de Nicomaque". Chính dịch giả đã dịch nhan đề ấy và cuốn sách ấy ra tiếng Việt. Theo vài cuốn sách khác (tự điển Larousse thế kỷ thứ XX chẳng hạn), nhan-đề là «Ethique à Nicomaque».

[2] Người ta không biết rõ định nghĩa ấy của ai. Đó là một định nghĩa căn-bản trong triết học Aristote.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt