Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương II

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

CHƯƠNG II

 

1.– Nếu đúng là những hành-vi của chúng ta có một cứu cánh mà chúng ta mong muốn chính vì cứu-cánh ấy, còn tất cả cứu cánh khác chỉ được theo đuổi vì cứu cánh trên, nếu quả thật chúng ta cũng không quả quyết hành động trong mọi trường-hợp, bằng cách truy nguyên từ cứu-cánh riêng biệt này đến cứu cánh khác, vì người ta sẽ lạc-lõng trong cõi vô-biên và khuynh hướng của chúng ta sẽ hết sạch cả nội-dung và trở nên vô hiệu quả, thì cố nhiên cứu-cánh cuối cùng có thể là điều thiện và, hơn nữa, điều thiện tối-thượng.[1]

2.– Phải chăng đối với đời người, sự hiểu biết điều thiện ấy rất quan trọng, và khi đã hiểu biết, như những xạ-tốt thấy trước mắt cái đích phải bắn trúng, chúng ta may ra sẽ khám phá cái gì nên làm.

3.– Nếu đúng như vậy, chúng ta phải cố gắng ấn-định, dù một cách sơ lược, điều thiện ấy là gì và nói rõ nó phụ thuộc những môn học nào và những phương-tiện hành động nào.

4.– Hình như điều thiện ấy phụ thuộc môn học tối thượng, môn học này có hiệu lực tổ chức đến tột điểm[2].

5.– Ấy hiển-nhiên là chính-trị-học. Môn này ấn-định những môn học nào cần thiết cho mỗi quốc-gia, những môn học nào mỗi công-dân phải học và học trong trình-hạn nào. Thật thế, những môn học được tôn trọng đều phụ thuộc chính-trị-học, thí-dụ như các môn quân sự-học, kinh tế-học và tu từ-học.

6.– Vì chính trị-học sử-dụng những môn học thực hành khác, và lập nên những qui-lệ về cái gì nên làm và nên tránh, mục đích của nó có thể bao trùm mục đích của các môn học khác, đến nỗi có thể là điều thiện tối thượng của con người. Dẫu cho rằng điều thiện của cá nhân đồng nhất-hoá với điều thiện của quốc gia, thì điều hình như quan trọng hơn nhiều và phù hợp hơn với những mục đích chàn chính vẫn là việc nắm trong tay và bảo toàn điều thiện của quốc gia. Điều thiện của một cá nhân cố nhiên đáng ước muốn; nhưng khi là của cả một dân tộc, một quốc-gia, nó tốt đẹp hơn và thần bí hơn.

 


.

.


[1] Hãy coi lời bác luận của Kant (Phê-bình về lý-trí thực hành).

[2] Thuyết này bắt lý luận phải tùy thuộc chính trị, gây ra nhiều bác-luận nghiêm trọng. Thái độ hiện tại khác hẳn.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt