Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương IV

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

 

CHƯƠNG IV

 

1.– Về thính giả, về đường lối chứng-minh phải theo, và về ý-định của chúng ta, đã nói đủ rồi. Nhưng chúng ta hãy đặt lại vấn đề; vì tất cả quyết-định tự do đều nhằm một điều thiện nào đó, vậy cứu cánh mà chúng ta chỉ định cho chính trị và điều thiện tối thượng hoạt động chúng ta là gì ?

2.– Ít ra về tên của nó, hầu hết mọi người đều đồng ý ; ấy là hạnh-phúc[1] theo quần chúng và theo giới thượng lưu, đều tưởng rằng sống dật-lạc và thành-công là đồng nghĩa với đời sung-sướng ; nhưng về tính chất của hạnh-phúc, người ta không thông-cảm nhau nữa và những giải thích của các nhà đạo lý và quần chúng bất đồng với nhau.

3.– Người này xét đoán rằng hạnh phúc là một điều thiện hảo cố nhiên và rõ ràng, như là lạc thú, sự giàu có, danh vọng ; kẻ khác trả lời khác ; và thường, ở cùng một người, câu trả lời thay đổi: tỷ dụ như, khi đau ốm người ấy thích sức khỏe hơn cả, sự giàu có hơn cả khi nghèo khổ. Người nào ý thức được sự dốt nát của mình lắng nghe một cách cảm phục kẻ xảo ngôn và những kỳ vọng của họ ; trái lại, vài người nghĩ rằng thêm vào những điều thiện ấy, có một điều thiện khác bản nhiên có sẵn chính là nguyên nhân của tất cả điều thiện khác.

4.– Cứu-xét tất cả những ý-kiến ấy hiển nhiên khá vô-ích và cứu-xét những ý kiến phổ-biến nhất và có một nền tảng hợp lý là đủ.

5.–  Chúng ta đừng quên sự sai biệt giữa những lý-luận đi từ nguyên tắc và những lý luận có khuynh hướng đặt ra nguyên tắc một cách hợp lý. Và điểm này, chính Platon cũng lúng túng — một cách hợp lý — và ông tìm cách chỉ rõ phương-pháp lý-luận đi từ nguyên-tắc[2] ; cũng như người ta có thể tự hỏi những người chạy đua tại sân vận động phải chạy từ chỗ những giám-khảo chấm lực-sĩ[3] đến đầu sân vận động hay ngược lại. Điều chắc chắn, là phải đi từ điều đã biết ; thể mà điều này được biết bằng hai cách : tương đối với chúng ta và một cách tuyệt đối.

6.–  Ở đây, hình như thực là chúng ta phải đi từ điều đã biết. Vì vậy phải có sẵn một nền giáo-dục luân-lý tốt đẹp nếu người ta muốn nghe bàn luận một cách bổ ích về những điều lương thiện, công bình ; nói tóm lại, về chính trị.

7.–  Thế mà nguyên-lý trong phạm-vi ấy là sự kiện; nếu sự kiện hiện ra một cách hiển nhiên đầy-đủ, chúng ta không còn hỏi tại sao[4]. Một người ở trong trường hợp ấy đã có những nguyên lý rồi, hay ít ra cũng có thể thủ đắc những nguyên-lý này một cách dễ dàng, nhưng người nào không có một trong những lợi-thế ấy phải nghe những lời của Hesiode[5]:

Người nào tự mình mà biết tất cả là người có sự thượng đẳng tuyệt đối;

Người khôn là ngoan, người nghe những lời khuyên bổ ích; 

Những người nào tự mình không biết gì cả và không biết ghi khắc trong lòng lời kẻ khác, là người tuyệt đối vô dụng.


.



[1] Đối với Aristote, hạnh phúc hỗn đồng với đức hạnh. Nhưng chỉ định hạnh-phúc là cứu cánh của cuộc đời, phải chăng là cho luân lý một căn bản hẹp hòi.

[2] Có lẽ trong tác phẩm Cộng Hòa, của Platon, q. VI

[3] Tức là các người chấm các cuộc đua.

[4] Thuyết duy nghiệm khá kỳ lạ.

[5] Trong thi phẩm Công việc và Ngày tháng, câu 293 (thế-kỷ VII trước Công nguyên).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt