ARISTOTE ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE
QUYỀN THỨ NHẤT ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.
CHƯƠNG V
1.– Sau khi nghị-luận lạc đề ấy, chúng ta hãy tiếp tục lý luận. Không phải là không có lý do mà mọi người, như ta thấy rõ, quan niệm điều thiện và hạnh phúc theo chính cuộc đời của họ. 2.– Quần chúng và những người thô tục để hạnh phúc trong khoái lạc; cho nên họ biểu lộ sở thích về một cuộc đời toàn hưởng lạc. Thật sự có ba cách sống thượng đẳng rõ ràng: cách sống mà chúng ta vừa mới nói tới; cách sống với cứu cánh là hoạt động chính trị; cách sống với cứu cánh là sự chiêm ngưỡng. 3.– Quần chúng, hiển nhiên không khác nô lệ một chút nào, lựa chọn một cuộc đời đầy thú tính và viện dẫn gương các nhà cầm quyền chỉ sống một cuộc đời chơi bời dâm dật. 4.– Giới thượng-lưu và những người hoạt động để hạnh-phúc trong danh vọng; bởi vì chính đó là mục đích của đời chính trị; nhưng chính cứu cánh ấy thông thường hơn cứu cánh mà chúng ta tìm kiếm; vì nó có liên hệ với những người ban danh vọng hơn là những người nhận danh vọng. Nhưng, theo sự phỏng đoán của chúng tôi, điều thiện chân chính có tính cách cá nhân và không thể lấy mất nơi người chấp hữu. 5.– Vả lại, một điều rõ ràng là người ta chỉ theo đuổi danh vọng để làm cho mình tự tin giá trị của mình; để viện giá trị của mình mà khiến các người thông minh, các kẻ quen thuộc trọng vọng mình. Điều hiển nhiên là đối với những người ấy, tài trí là điều thiện tối thượng. 6.– Có lẽ người ta có thể giả thiết rằng đức hạnh là cứu cánh của đời dân sự; nhưng điều rõ ràng là đức hạnh[1] không thật hoàn toàn, bởi vì hình như người đức hạnh có thể sống một cuộc đời tịnh chỉ, không hoạt động; hơn thế, có thể bị những nỗi đau đớn, những cảnh khổ sở thê thảm nhất; trong những điều kiện ấy, không ai muốn tuyên bố người ấy sung sướng, trừ phi muốn đề xuất một thuyết nghịch-lý. Về vấn-đề này, nói thế là đủ; vì những "Chỉ dụ"[2] của chúng ta nói khá nhiều về vấn đề ấy rồi. 7.− Lối sống thứ ba có cứu-cánh là sự chiêm ngưỡng; chúng ta sẽ khảo sát cuộc đời ấy trong những trang sau[3]. Còn nhà doanh nghiệp là một người bất thường và cố nhiên sự giàu có không phải là điều tối thiện mà chúng ta tìm kiếm. Bởi vì sự giàu có chỉ ích lợi mà thôi và có một cứu cánh khác hẳn nó. Cho nên ai là người không thích hơn những cứu cánh mà chúng ta đã nói? Ít ra người ta cũng ước muốn những cứu cánh ấy chính vì nó, nhưng điều rõ ràng là những cứu cánh ấy không phải những cứu cánh chân chính. Tuy nhiên, về vấn đề này, có nhiều cuộc thảo luận đã chồng chất lên rồi. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC