Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương VI

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

 

CHƯƠNG VI

 

1.− Vậy chúng ta hãy để lại vấn đề này. Tốt hơn là chúng ta khảo sát điều thiện một cách tổng-quát để biết nó ở chỗ nào. Cố nhiên sự sưu tầm khó khăn vì thuyết ý-niệm do những bạn của chúng ta đề xướng. Có lẽ như mọi người đều thú nhận, để cứu-vãn chân lý, nên và phải hy sinh những ý-kiến riêng của chúng ta, và càng nên và càng phải hy-sinh, vì chúng ta cũng là triết-nhân. Người ta có thể yêu bạn và chân-lý, nhưng luận-lý là ở chỗ yêu chân lý hơn[1].

2.− Thế mà những ai sáng-tác thuyết ấy không cấu tạo những ý niệm trong đó người ta đếm xỉa đến tiên-thủ-tính và hậu thủ tính vì vậy họ không có ý-niệm về số. Thế mà điều thiện được biểu lộ trong tinh hoa, tính chất và tương quan của nó. Và cái gì tồn tại tại thân và chính bản thể đều tự nhiên có trước cái gì chỉ có nhờ tương quan, tức là phần ngoài và ngẫu nhiên của thực thể. Vì vậy, không thể tặng dữ cho những phạm trù khác nhau ấy một ý-niệm chung.

3.− Vả lại, điều thiện cũng có nhiều phạm trù như thực thể; thực vậy, là bản thể, điều thiện tối thượng gọi là Trời và trí-tuệ; là phẩm thì điều thiện là những đức hạnh ; là lượng, thì là sự chừng mực đúng đắn ; là tương quan, thì là sự ích lợi ; trong thời-gian, thì là cơ hội ; trong không gian, thì là những miền mỹ-tục[2], và cứ như thế mãi. Vì vậy, cố nhiên điều thiện không phải là một tính chất chung nào đó, tổng quát và duy nhất. Vì nếu như vậy, người ta không thể đặt nó vào tất cả các phạm-trù, mà chỉ vào một phạm trù duy-nhất.

4.− Vả lại, vì chỉ có một khoa-học duy-nhất cho tất cả cái gì chứa đựng trong một ý niệm duy-nhất, thì về tất cả điều thiện cũng vậy, chỉ có một khoa-học duy nhất. Trái lại, có nhiều môn học, ngay về cái gì được xếp vào một phạm trù. Tôi cho thí dụ : môn học về cơ hội trong chiến tranh, gọi là chiến lược; về bệnh tật, là y học, về sự tiết độ trong ăn uống, cũng là y học ; về sự luyện tập thân-thể, là thể dục[3].

5.− Người ta rất lúng túng khi phải nói rõ cái mà những triết-nhân gọi là mỗi vật tại-thân, vì rằng con người tại thân và một người cùng chung một định nghĩa duy nhất, định nghĩa của con người. Vì theo trình hạn người là người, những định nghĩa không khác nhau một chút nào. Nếu như vậy, thì về điều thiện cũng thế.

6.– Nhưng chắc chắn tính-chất vĩnh viễn của điều thiện không làm tăng bản tính của nó, cũng như màu trắng của một vật không tăng-gia nếu vật đó lâu bền hơn một vật khác chỉ trắng có một ngày.

7.− Những môn đệ của Pythagore, về vấn đề này, diễn đạt ý tưởng với một giọng truyền tín hơn, vì họ đặt cái Đơn-nhất trong phạm trù của những điều thiện[4]. Cho nên Speusippe[5] đã theo họ một cách hiển nhiên.

8.− Vậy thì về điểm ấy, chúng ta sẽ bàn lại vấn-đề. Nhưng về những điểm mà chúng ta đã trình bày, một cuộc thảo luận mở đầu : người ta có thể nói rằng sự lý-luận không áp dụng cho toàn thể điều thiện, nhưng chỉ cho một phạm-trù điều thiện, những điều thiện mà chúng ta tìm kiếm và ưa thích vì chính nó : trái lại, những điều thiện có hiệu lực sáng tạo, bảo toàn, che chở những điều trên chống lại chướng ngại vật, chỉ được gọi là điều thiện một cách tương đối, vì vai trò của nó và một cách khác.

9.− Vậy rõ ràng là người ta có thể phân biệt hai loại điều thiện, những điều thiện tại thân và những điều thiện chỉ là điều thiện một cách tương-đối với những điều thiện trên. Sau khi đã phân biệt điều thiện tại thân với cái gì chỉ ích lợi cho điều thiện ấy, chúng ta hãy xem xét có thể xếp cả hai loại điều thiện vào một ý niệm.

10.− Những điều thiện nào người ta có thể nhìn nhận là điều thiện tại thân ? Có phải là những điều thiện mà chúng ta theo đuổi vì chính nó, tách riêng hẳn ra, như là tư tưởng, thị dục, vài lạc thú và danh vọng ? Là vì dầu chúng ta theo đuổi những cái ấy bởi một lý do nào khác, người ta vẫn có thể liệt kê những cái ấy vào loại những điều thiện tại thân hay chỉ coi như là một ý niệm, đến nỗi ý-kiến ấy chung qui rút lại thành một hư ảo.

11.− Vậy nếu những điều thiên ấy phải xếp vào những điều thiện tại thân, phải nhìn nhận rằng một quan niệm đồng nhất về điều thiện xuất hiện trong những đối tượng ấy, như là ý niệm trắng xuất hiện nơi tuyết và diên-bạch. Tuy nhiên, những quan niệm về danh dự, tư tưởng, lạc thú coi như những điều thiện chấp nhận những định nghĩa đa tạp và khác nhau. Vậy điều tối thiện không phải là cái tính nết chung mà một ý niệm duy nhất có thể thu gồm được.

12.− Vậy thì người ta hiểu điều tối thiện thể nào ? Những danh từ ấy[6]không đồng âm một cách ngẫu nhiên. Vậy phải chăng phải thừa nhận rằng những điều thiện ấy bắt nguồn ở một điều thiện duy nhất, hay là hướng tất cả về một cứu cánh ? hay là đúng hơn, đó là hậu quả của một sự tương tự ? Như thị giác đối với thân thể cũng đóng một vai trò như là trí tuệ đối với tâm hồn và như vậy mãi.

12.− Nhưng có lẽ hiện bây giờ, nên bỏ lại vấn đề này - vì một sự cứu xét tỉ mỉ về vấn đề này tùy thuộc một phần khác của triết học[7]. Và ý niệm cũng vậy. Vì nếu người ta quả quyết rằng điều thiện đơn nhất và chung cho toàn thể sự vật, hay nó tồn tại một cách riêng biệt và bởi nó, cố nhiên nó không thể thực hiện được cho con người và không thể thủ đắc được. Thực ra, chính là điều trái ngược mà người ta kiếm ở đây.

14.– Rất nhanh chóng, người ta thấy rằng việc tốt hơn là biết điểm ấy, nhờ căn cứ vào các điều thiện mà người ta có thể đạt tới và thực hiện được. Nếu có một cái mẫu ngay trước mắt, chúng ta sẽ biết đúng hơn những điều thiện hợp với chúng ta, vì biết chúng ta sẽ đạt tới dễ dàng hơn.

15.– Lý luận ấy không phải là không truyền tín ; tuy nhiên, điều rõ ràng là nó mâu thuẫn với nhiều kiến thức khác. Bởi vì tất cả kiến thức nhằm một điều thiện nào đó và tìm kiếm cái gì thiếu sót để thủ đắc điều thiện ấy. Tuy nhiên, một điều rất vô lý là tất cả những người chuyên nghiệp đều không biết sự cứu giúp quý hóa ấy và cũng không tìm cách để thủ đắc[8].

16.– Nhưng người ta cũng rất lúng túng khi phải nói rõ điều ích lợi mà một người thợ dệt hay một người thợ mộc rút ở sự điều thiện tại thân hoặc điều dễ dàng mà y học hay chiến lược tìm thấy ở sự chiêm ngưỡng ý-niệm ấy. Cố nhiên một y-sĩ không bao giờ làm thế khi xem xét sức khỏe; ông ta chỉ chú ý về sức khỏe của con người hay, hơn thế, của một người nào riêng biệt. Vì ông ta chỉ điều trị những cá nhân.

 


 

 

 


[1] Tư-tưởng đáng tôn kính. Nhưng đối với Platon và học thuyếtcủa ông, Aristote không luôn luôn xử nhẹ như thế.

[2] Trong từ-điển Larousse của thế-kỷ thứ XX, chữ moeurs có một nghĩa tuyệt đối là mỹ tục; ở đây, nên hiểu là miền mỹ tục.

[3] Nói tóm lại, Aristote trình bày 3 bác luận :

1) Theo lý luận chặt chẽ, và theo chính Platon nữa, không có ý niệm điều thiện tại thân.

2) Điều thiện phân phối trong những phạm trù khác nhau. 3) Có những môn học khác nhau về những điều thiện khác nhau.

[4] Đối chiếu : Siêu hình học của Aristote, q. I

[5] Coi Siêu hình học, chương VII, 13, lời chú thích.

[6] Tức là những danh từ dùng đề chỉ điều thiện khác nhau.

[7] Siêu-hình-học.

[8] Điều này được soi sáng bởi đoạn sau.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt