Triết học Hy Lạp

Gorgias hay Kháng biện luận về tu từ pháp - Toát yếu

GORGIAS HAY KHÁNG BIỆN LUẬN VỀ TU TỪ PHÁP  – MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU

 

TRỊNH XUÂN NGẠN

 


Platon. Gorgias hay Kháng biện luận về tu từ pháp. Trịnh Xuân Ngạn dịch theo bản dịch tiếng Pháp “Gorgias ou sur la rhétorique, réfutatif” (1935). 1960. | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Thị Quỳnh Như thực hiện.


 

 

Lời mở đầu — Socrate và Chéréphon lại nhà Calliclès để hỏi Gorgias xem Gorgias làm nghề gì. Chéréphon hỏi Gorgias — Polos bất thình lình can thiệp để ca ngợi nghề nghiệp của Gorgias.

Socrate tiếp lời, yêu cầu một câu trả lời đích xác khiến cho Gorgias phải cho biết rằng y là thày dạy khoa tu từ pháp.

PHẦN THỨ NHẤT: SOCRATE và GORGIAS

Tìm kiếm một biện chứng để định nghĩa một cách chính xác khoa Tu từ pháp.

1) Tu từ pháp là nghệ thuật đàm thoại

2) Tu từ pháp trong các nghệ thuật mà sự ăn nói là cần thiết hơn cả.

3) Tu từ pháp trong những nghệ thuật thuộc về chính trị.

4) Trong những nghệ thuật kể sau này, tu từ pháp cốt để gây lòng xác tín.

5) Lòng xác tín ấy như thế nào? Làm cho ta hiểu biết hay làm cho ta tin tưởng.

6) Lòng tin tưởng với khoa học khác nhau thế nào ? Tu từ pháp cốt để gây lòng tin tưởng. Socrate tỏ vẻ nghi ngờ về mục tiêu thực sự của tu từ pháp. Gorgias trả lời rằng sức mạnh của tu từ pháp thực là bao quát và tuyệt diệu, nhưng phải biết xử dụng cho đúng, không nên đổ lỗi cho tu từ pháp vì có kẻ đã lạm dụng tu từ pháp.

Lớp phụ của cuộc đối thoại:

Socrate tỏ vẻ nghi ngờ về quan niệm công lý của Gorgias và giải thích quan niệm của ông. Các thính giả tỏ ý muốn cuộc tranh luận tiếp tục. Cuộc tranh luận giữa Socrate và Gorgias tiếp tục. Socrate yêu cầu Gorgias cho biết tu từ pháp có miễn cho ta khỏi phải có ý thức về công lý hay là tu từ pháp bao hàm cả công lý, vì lẽ theo Gorgias thì tu từ pháp có thể biện luận về mọi vấn đề một cách khiến cho ta tin tưởng mà khỏi cần phải có một chút ý thức nào về vấn đề ấy.

Gorgias trả lời rằng tu từ pháp sẽ cho kẻ chưa có ý niệm về công lý biết rõ về công lý.

Socrate hỏi lại Gorgias tại sao một diễn giả có thể bất công theo lời nói của chính Gorgias ?

Polos can thiệp bất thình lình và trách Socrate đã ngụy biện. Socrate trả lời sẵn sàng tranh luận với Polos miễn là y đừng ăn nói tràng giang đại hải nữa.

PHẦN THỨ HAI: SOCRATE và POLOS

Socrate định nghĩa tu từ pháp cho đó là một học thuyết dựa vào kinh nghiệm, chứ không phải là một nghệ thuật và kinh nghiệm học thuyết này là một bộ phận của một toàn thể thuộc về thuật nịnh hót. Theo Socrate, thuật nịnh hót, xu phụng chỉ có mục tiêu là sự khoái lạc, chứ không phải là điều thiện; thuật nịnh hót đã bày đặt ra bốn tập quán dựa vào sự kinh nghiệm: sự trang điểm, phép nấu bếp, ngụy biện pháp, tu từ pháp, bốn tập quán ấy chỉ là sự ngụy tạo của bốn nghệ thuật chân chính: thể thao, y học, pháp luật, công lý.

Polos cãi rằng các diễn giả là những người được dân chúng trọng vọng và họ là những người có rất nhiều quyền thế. Socrate trả lời rằng như thế không có nghĩa lý gì, nếu cho rằng quyền thế là có ích lợi cho những ai có quyền thế. Quyền thế của các diễn giả thực ra không phải là quyền thế nếu họ làm lạc về mục đích chính của họ là sự cải thiện.

Polos hỏi rằng Socrate có phải đã ghen ghét những người đã được tự do hành động ở thành Athènes không? Socrate trả lời không, vì theo ý ông, không có gì tai hại bằng sự bất công và chỉ có sự công bình là tốt mà thôi.

Polos phản đối và để chứng tỏ rằng kẻ bất công có thể sung sướng, viện dẫn tỉ dụ của bạo chúa Archélaos. Socrate trả lời rằng ông không chấp thuận lối tranh biện như vậy, chứng ngôn không phải là bằng chứng. Người đối thoại của ông phải tự mình dẫn chứng. Ông giữ nguyên lập trường của ông: người bất công, không thể sung sướng và kẻ phạm tội không chịu phép của công lý khổ sở hơn là kẻ đã chịu phép của công lý.

Socrate đặt vấn đề và biện chứng: ông chủ trương rằng:

1) Làm diều bất công còn tệ hại hơn là chịu sự bất công vì như thế xấu hơn và cũng tai hại hơn.

2) Không đền một tội phạm còn tệ hại hơn là đã bị xử phạt, vì lẽ sự trừng phạt giải thoát ta khỏi sự bất công là tai hại lớn nhất trong các tai hại. Tiếp đó, ông kết luận về các mối tương quan giữa công lý và hạnh phúc.

Sau hết, là lời kết luận chung về sự ích lợi thực sự của tu từ pháp.

PHẦN THỨ BA: SOCRATE và CALLICLÈS

Calliclès hỏi Socrate có phải ông có ý chế riễu mọi người. Socrate trả lời bằng cách ví kẻ say mê Démos với kẻ say mê triết học.

Thuyết của Callielès: Thiên nhiên và luật pháp:

Theo trật tự tự nhiên, sức mạnh là luật pháp tối cao và kẻ mạnh phải được hưởng phần lớn hơn, đó là điểm mà triết học không thể cho ta hiểu biết. Callicles khuyên Socrate nên từ bỏ triết học để làm chính trị. Socrate trả lời bằng cách khen ngợi châm biếm.

Tranh luận về thuyết của Calliclès:

Socrate hỏi Calliclès quan niệm kẻ mạnh nhất như thế nào mà có thể tránh khỏi mọi sự mâu thuẫn. Calliclès chủ trương liên tiếp rằng sức mạnh là bản chất của những người thông minh và can đảm nhất trong lãnh vực chính trị; sau hết, bị Socrate dồn hỏi, Calliclès chủ trương rằng người phù hợp nhất với trật tự của thiên nhiên là người có nhiều tình dục và có thể nuôi dưỡng được những tình dục ấy. Cuộc tranh luận hướng về thuyết do Calliclès de ra: 1) trước hết tranh luận bằng những tỷ dụ đượm vẻ học thuyết Pythagore 2) tiếp đến, hai biện chứng luận chống với thuyết chủ trương sự đồng nhất tính giữa khoái lạc và sự tốt.

Kết luận:

Có những sự khoái lạc tốt nghĩa là có ích và có những sự khoái lạc xấu nghĩa là tai hại. Ta nhằm mục tiêu tìm kiếm hạnh phúc cho ta, như vậy cần phải có một nghệ thuật, một phương pháp để phân biệt giữa những khoái lạc tốt và khoái lạc xấu.

Cuộc tranh luận trở lại vấn đề do Calliclès nêu ra:

Thực ra, vấn đề là chọn trong hai quan niệm nhân sinh, đời sống quan niệm theo tu từ pháp và đời sống quan niệm triết học. Trở lại cuộc tranh biện với Polos lúc trước về những môn học chỉ có mục đích tìm sự khoái lạc cho thân thể hay tâm hồn, các môn học chỉ là những nịnh hót, xu phụng và về những môn học mà mục tiêu là hạnh phúc của thân thể hay tâm hồn, những môn học này mới thực là những phương pháp để học. Các diễn văn chính trị thuộc môn học nào ? Các diễn giả đã có nhiều ở tại thành Athènes có giá trị gì? Họ có làm cho nhân dân thành Athènes tốt hơn không ? Vấn đề tiên quyết là hạnh phúc của tâm hồn như thế nào ? Muốn có thì phải làm gì ? Theo Socrate, hạnh phúc của tâm hồn cốt nhất ở trong sự trật tự và sự điều hòa và ông phản đối sự vô trật tự, sự vô cưỡng bách do Calliclès đề xướng: phải có sự trừng phạt các tâm hồn tội lỗi.

Lớp phụ của cuộc đối thoại:

Calliclès bỏ cuộc và chỉ trả lời chiếu lệ.

PHẦN THỨ TƯ: SOCRATE NÓI MỘT MÌNH

Socrate đi đến kết luận là muốn đạt được hạnh phúc, người ta phải cố hết sức và phải dùng hết khả năng của nhân dân để có được công lý và sự tiết độ. Do đó, ông nói về vấn đề lựa chọn giữa hai cách sống: 1) Triết học có thể không bảo đảm đời sống cho ta, nhưng là phương pháp độc nhất để chống với sự bất công vì sự nịnh hót, sự tìm cách bắt chước cho giống hệt người trên sẽ đưa đến sự bất công ; vả lại, điều cốt yếu không phải là để tự cứu lấy đời ta mà là sống cho phải lẽ, 2) Nếu phân biệt các môn học ra làm hai loại, thì khi ta làm chính trị, ta phải có mục tiêu duy nhất là làm thế nào cho nhân dân tốt hơn lên ; theo tôn chỉ này thì các diễn giả do Calliclès viện dẫn làm tỉ dụ để bênh vực tu từ Pháp, đáng được bài xích — có lẽ, họ đã là những kẻ đã phụng sự nhân dân một cách đắc lực, nhưng một cha - khi họ chỉ tìm cách thỏa mãn thị dục của dân chúng mà không tìm cách sửa chữa trước những làm lỗi của nhân dân, họ đã khiến cho dân chúng mất cả những thắng lợi mà dân chúng đã đạt được trước kia, mà có thể các thế hệ mai sau còn phải chịu đựng những hậu quả tai hại của các hành động của ông Socrate đưa ra một nghịch thuyết về sự các chính khách không thể bị hy sinh một cách bất công cho đồng bào của họ. Ông kết luận:ống sẽ trung thành với nhiệm vụ tự ông đã ấn định cho ông, ông sẽ không tìm cách làm vừa lòng mọi người mà chỉ có mục đích là tìm kiếm điều thiện ; nếu vì thế mà nguy hại cho an ninh và đời sống của ông, ông sẽ không có lỗi làm nào để tự trách và sẽ không lo âu, sợ hãi gì để đương đầu với cái chết.

Kết luận thần bí:

Đời sống vị lai và sự phê phán của các người đã chết.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt