Triết học Hy Lạp

Những lời dạy của Epictetus Q1.ch.7

 

Những lời dạy của Epictetus

(Quyển 1, chương 7)

Về cách sử dụng các tiền đề hàm hồ, các luận cứ giả thiết và những thứ tương tự

EPICTETUS

Đinh Hồng Phúc dịch

 

Hầu hết mọi người đều không nhận thấy rằng việc xử lý những luận cứ có chứa tiền đề hàm hồ và tiền đề giả thiết, và thêm nữa, những tiền đề tạo nên các tam đoạn luận qua quá trình tra hỏi, và nói chung là việc xử lý tất cả những luận cứ nào như thế, đều có liên quan đến các nghĩa vụ ở đời. Vì trong bất cứ vấn đề nghiên cứu nào, mục đích của chúng ta là phát hiện xem làm thế nào mà người tốt và có đức hạnh lại có thể tìm ra con đường mình nên theo trong cuộc đời và cách cư xử đúng mực. Cho nên, người ta nói rằng người tốt sẽ không dây vào mấy cuộc tranh luận hỏi đáp hoặc nói rằng nếu có dây vào thì con người ấy sẽ chỉ hỏi đáp cho có chuyện. Nếu không chấp nhận hai khẳng định này thì họ thì họ phải thừa nhận rằng cần phải có một cuộc nghiên cứu nào đó về chủ đề mà câu hỏi và câu trả lời sẽ xoay quanh này.

Ta lập luận để làm gì? Để xác lập cái đúng, loại bỏ cái sai và tạm gác phán đoán đối với những trường hợp còn nghi ngờ. Thế thì, biết được mỗi điều này như thế đã đủ chưa? 

- Đã đủ, ai đó đáp. 

- Nhưng nếu ai đó không muốn bị sai lầm trong việc sử dụng tiền bạc lại được người khác mách bảo lý do tại sao nên chọn những đồng tiền drachma thật và loại bỏ những đồng tiền giả, như thế đã đủ chưa? 

"Chưa, điều đó là chưa đủ". 

Vậy cần phải thêm điều gì nữa? Còn điều nào khác ngoài năng lực kiểm tra đồng tiền thật và đồng tiền giả và phân biệt chúng với nhau? Và tương tự như thế, trong việc lập luận cũng vậy, chỉ những lời lẽ được phát biểu ra thôi là chưa đủ, có phải vậy không? Trái lại, chẳng lẽ nó không cần thiết cho việc phát triển năng lực thẩm tra cái đúng, cái sai, và cái không chắc chắn và phân biệt những thứ này với nhau hay sao? 

"Điều đó quả thực là cần thiết."

Ngoài ra, ta còn cần điều gì khác nữa trong lập luận? Bạn phải chấp nhận kết luận được rút ra từ những tiền đề mà bạn đã cho là đúng. Và đây nữa, chỉ cần biết đến điều vừa nói này thôi thì có đủ không? Không, chưa đủ, ta còn phải biết cách thức sự việc này là hệ quả logic của những sự việc nào đó khác, và đôi khi cách thức sự việc này được rút ra từ một sự việc khác và đôi khi từ nhiều sự việc kết hợp lại. Chẳng lẽ có thêm năng lực này là không cần thiết hay sao nếu ta muốn lão luyện trong lập luận, không những có thể tự mình chứng minh được từng luận điểm của mình, mà còn nắm bắt được những cách chứng minh của người khác, và không bị người khác đánh lừa bằng các thủ thuật ngụy biện. Và điều này đã khiến cho chúng ta phải nghiên cứu và tập luyện các luận cứ suy diễn và các kiểu hình logic, và rõ ràng là những điều này là cần thiết.

Nhưng lưu ý điều này, có những trường hợp ở đó ta đã đảm bảo rằng các tiền đề đều đúng nhưng kết luận nào đó được rút ra từ chúng lại là một kết luận sai. Thế thì tôi nên làm gì? Chấp nhận kết luận sai lầm này? Làm sao có thể như thế được? Thế thì tôi có nên nói rằng tôi đã sai khi chấp nhận các tiền đề không? Ta không được phép nói như thế được. Hay nói: Nó không phải là hệ quả logic từ những tiền đề đã được chấp nhận? Điều này cũng không được phép. Thế thì tôi phải làm gì trong những hoàn cảnh này? Nó không giống với chuyện nợ tiền bạc sao? Chỉ mỗi việc vay tiền nhân dịp nào đó thôi là không đủ để làm cho ai đó trở thành con nợ, mà cần phải thêm vào đó việc anh ta tiếp tục nợ tiền và chưa trả được khoản vay ấy; cũng giống như vậy, việc ta chấp nhận các tiền đề là chưa đủ để buộc ta phải chấp nhận kết luận, mà ta phải tiếp tục chấp nhận các tiền đề. Nếu cho tới giây phút cuối cùng mà các tiền đề vẫn không có gì thay đổi như lúc ta chấp nhận chúng thì ta cần phải tiếp tục giữ lấy chúng và thừa nhận những kết luận được rút ra từ chúng; ... [nếu ngược lại thì ta không nên]. Đối với chúng ta, trong trường hợp ấy, và từ quan điểm lúc bấy giờ của chúng ta, kết luận ấy không còn rút ra được nữa, bởi lẽ chúng ta đã loại bỏ sự chấp nhận của chúng ta đối với các tiền đề ấy rồi. Cho nên điều cần thiết là ta phải khảo sát các tiền đề thuộc loại này, khảo sát những sự biến đổi và thay đổi [ngữ nghĩa] ở chúng, vì nếu trong quá trình hỏi và đáp, hay khi rút ra những kết luận hay ở bất cứ công đoạn nào khác của lập luận, các tiền đề đã trải qua những sự thay đổi nghĩa này và nó sẽ làm cho những ai thiếu kinh nghiệm trở nên bối rối nếu như họ không thấy được chuỗi lập luận.[1] Tại sao ta cần phải làm điều này? Để trong vấn đề này ta không thể hành xử một cách thiếu phù hợp, tùy tiện và mù mờ lẫn lộn.

Và điều này cũng đúng đối với các giả thiết và các luận cứ giả thiết. Vì đôi khi ta cần phải thiết định một giả thiết nào như là một bước đệm cho luận cứ sau đó. Vì thế, ta có nên cho là đúng bất cứ giả thiết nào đó được đề ra, hoặc không phải tất cả chúng, không? Và nếu không phải tất cả thì đó là giả thiết nào? Và một khi chấp nhận một giả thiết nào đó, ta có nên giữ mãi nó và tiếp tục duy trì nó, hoặc có những lúc nào ta nên từ bỏ nó không? Và ta chỉ nên chấp nhận những kết luận tất yếu được rút ra từ nó và bác bỏ những kết luận nào trái ngược với nó?

"Thưa phải."

Nhưng người ta nói: "Nếu một khi anh chấp nhận giả thiết về điều có thể, bằng lập luận tôi sẽ buộc anh chấp nhận điều không thể." Một người thận trọng khôn ngoan có từ chối tranh luận với người này không, né tránh mọi sự trao đổi và bàn luận với người ấy không? Thế nhưng, ai là người hơn cái con người khôn ngoan thận trọng ấy trong việc lập luận hợp logic, lão luyện hơn anh ta trong nghệ thuật hỏi đáp, và lạy Zeus, trừ anh ta ra thì ai mới có thể chống lại được các ngụy biện bịp bợm tinh vi? Thế nhưng anh ta sẽ đồng ý tranh luận nhưng không bận tâm đến các thao tác bất cẩn và tùy tiện trong lập luận chứ? Nếu như vậy, thì anh ta sao có thể là một loại người mà chúng ta đang hình dung về anh ta? Và nếu không có bước tập luyện và chuẩn bị như thế này thì làm sao anh ta có thể bảo vệ được chuỗi lập luận của mình? Chỉ cần cho thấy rằng anh ta có thể làm được điều đó, tất cả mọi nghiên cứu này sẽ trở nên thừa thải và phi lý, không nhất quán với ý niệm mà ta đã có về người tốt.

Tại sao chúng ta vẫn cứ mãi lười nhác, dễ dãi và chậm chạp, luôn tìm cớ tránh né công việc nhọc nhằn, không chịu sớm khuya gắng công vun bồi lý tính của mình?

"Nhưng sau hết, nếu tôi phạm lỗi trong lập luận thì đấy không phải là tôi đã giết cha đấy chứ?"

Anh nô lệ kia ơi, cha anh có ở đây để anh giết đấy à?

Thế thì, anh hỏi xem anh đã thực sự phạm lỗi gì? Anh đã phạm một lỗi duy nhất có thể phạm trong trường hợp này. Ta cũng đã nói y như thế với thầy ta là Rufus khi thầy trách là ta đã không phát hiện ra một bước thiếu sót trong một tam đoạn luận nào đó. Ta nói: "Ơ hay, thầy nói cứ như thể tôi đã đốt thành Capitol vậy." Và ông đáp: "Anh nô lệ kia, bước thiếu sót ở đây  kinh thành Capitol đấy!" Ngoài việc đốt thành Capitol và giết cha ra, còn có lỗi lầm nào khác không? Xem xét các ấn tượng của mình một cách thiếu suy xét và thiếu phương pháp, không nắm bắt được một luận cứ, một chứng minh hay một sự ngụy biện, nói tóm lại, trong quá trình hỏi đáp, không thấy được điều gì là nhất quán với lập trường của mình và điều gì là không - tất cả những thứ này chẳng phải là lỗi lầm chăng?

 



[1] Để minh họa cho ý này của Epictetus, ta hãy xét một luận cứ tam đoạn luận như sau:

"Chất thạch tín có hại cho sức khỏe.

Nước mắm truyền thống có chứa chất thạch tín.

Do đó, nước mắm truyền thống có hại cho sức khỏe."

Xét từng mệnh đề, cả hai phát biểu đầu tiên đều là những phát biểu đúng hay chân thật, vì ta có thể kiểm chứng nội dung của chúng bằng những dữ kiện thực tế và thấy chúng đúng với các dữ kiện ấy; nhưng khi ta đưa chúng vào mối quan hệ logic để làm tiền đề nâng đỡ cho kết luận ("Nước mắm truyền thống có hại cho sức khỏe.") thì nghĩa của hạn từ "chất thạch tín" ở phát biểu thứ nhất khi chuyển sang phát biểu thứ hai đã có sự thay đổi, cụ thể là nghĩa "chất thạch tín vô cơ" từ câu thứ nhất đã biến thành "chất thạch tín hữu cơ" trong câu thứ hai. Và như thế, sự biến đổi về nghĩa trong quá trình lập luận này sẽ gây khó khăn cho những ai thiếu kinh nghiệm về logic học trong việc đánh giá luận cứ ấy có tốt hay không. Và quan trọng là chính điều này đã khiến cho chúng ta lập tức có thái độ không tốt và có những hành xử không đúng mực với ngành nghề nước mắm làm từ cá, và hệ quả là chúng ta đã đẩy ngành nghề này vào tình trạng khốn quẩn.

Đây cũng là minh chứng cho luận điểm của Epictetus nói riêng và thuyết Khắc kỷ nói chung rằng năng lực xử lý các luận cứ logic "có liên quan đến các nghĩa vụ ở đời" của chúng ta. (chú thích của người dịch)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt