Triết học Hy Lạp

Những suy niệm của Marcus Aurelius. Quyển 2

 

Những suy niệm của Marcus Aurelius

 

MARCUS AURELIUS (121-180)

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Trích dịch từ Marcus Aurelius. Meditations, Books 1-6. Christopher Gill translated with an Introduction and Commentary. Oxford University Press, 2013, pp. 9-13.


 

§ 1

(1) Việc đầu tiên trong buổi sáng là anh hãy tự nhủ: tôi sẽ gặp những người hay nhiễu sự, vong ân bội nghĩa, hung hăng, xảo trá, ganh ghét và khó hòa đồng. (2) Họ nhiễm những thói hư tật xấu này vì họ không biết cái gì là tốt và cái gì là xấu. (3) Nhưng tôi hiểu rõ bản chất của cái tốt và thấy rằng nó là điều đúng đắn, và bản chất của cái xấu và thấy rằng nó là điều sai trái, và bản chất thực sự của bản thân người làm điều sai trái[1], và thấy rằng anh ta có họ hàng với tôi, không phải vì tôi và anh ta cùng máu mủ, mà vì tôi và anh ta có chung với nhau cái năng lực lý tính và cùng là một phần của thần linh. Cho nên tôi không thể bị thương tổn bởi bất cứ ai trong số họ, vì không ai có thể lôi kéo tôi vào những điều sai trái[2]. Tôi cũng không thể trở nên giận dữ hay căm ghét người họ hàng của mình. (4) Chúng ta được sinh ra để hợp tác với nhau, như chân, như tay, như mí mắt, như hai hàm răng. (5) Cho nên cản trở lẫn nhau là trái với tự nhiên; oán giận và hắt hủi được coi là cản trở người khác.

§ 2

(1) Cái làm nên thực thể này của tôi là thịt da, là chút hơi thở và trung tâm điều khiển. (2) Buông sách xuống đi - đừng để mình xao lãng với chúng thêm nữa; điều đó chẳng đảm bảo gì cho anh đâu. Như thể anh đang trong giờ phút lâm chung, màng chi đến thịt da nữa - chỉ là máu, xương, và mạng lưới các dây thần kinh, tĩnh mạch, và động mạch thôi mà. (3) Hãy xét xem hơi thở này là loại sự vật gì: một dòng khí, và không bao giờ như nhau, mà ở mỗi lúc được thở ra rồi lại được hít vào. (4) Phần thứ ba của bạn là trung tâm điều khiển. Hãy xem xét nó theo cách này: anh là một lão già; đừng để bộ phận này của anh bị nô lệ thêm bất cứ phút giây nào nữa; đừng để nó bị động cơ vị kỷ lôi kéo theo hướng này hay hướng khác như một con búp bê; đừng để nó bất hòa với số phận hiện tại hay e ngại số phận sau này của nó nữa.

§ 5

(1) Bất cứ thời khắc nào, anh hãy dồn toàn lực, như một người La Mã và như một con người[3], để thực hiện nhiệm vụ trước mắt anh với phẩm chất trung thực và chân thật, ân cần với người khác, tự do và công chính, và gác hết mọi mối quan tâm khác lại. (2) Anh sẽ đạt được điều này nếu anh làm bất việc gì như thể đó là việc làm cuối cùng trong đời anh, thoát ra khỏi mọi sự tùy tiện, mọi sự thù ghét đối với sự chỉ dẫn của lý tính và rủ bỏ thói giả dối, sự tự ái, đừng bất mãn với những gì đã được định sẵn cho anh. (3) Anh sẽ thấy những gì anh cần làm chủ được chúng để có thể sống một cuộc sống yên ả và đạo hạnh là ít ỏi đến dường nào; thần linh sẽ không đòi hỏi gì thêm đối với ai giữ vững các nguyên tắc này.

§ 8

Thường thì, anh không thấy được những kẻ bất hạnh vì họ không để ý đến những gì xảy ra trong tâm trí người khác; nhưng những ai không theo dõi chặt chẽ những biến chuyển trong tâm trí của chính mình, người đó tất sẽ bất hạnh.

§ 9

Ta nên luôn ghi nhớ những điều này: bản tính tự nhiên của cái toàn bộ này là gì, bản tính tự nhiên của tôi là gì, và làm thế nào mà bản tính của tôi lại quan hệ với bản tính của cái toàn bộ, và nó là loại bộ phận nào của cái loại toàn bộ kia, và không ai có thể ngăn tôi luôn hành động và nói những gì hợp với tự nhiên mà tôi là một phần trong đó.

§ 10

(1) So sánh những việc làm sai trái (người ta thường hay đưa ra những so sánh như vậy), Theophrastus nói như một triết gia thực thụ khi ông nói rằng do dục vọng mà làm sai thì nghiêm trọng hơn do giận dữ mà làm sai. (2) Khi ai đó đang giận dữ, xem ra anh ta chỉ quay lưng lại lý tính với một nỗi đau và sự quặn thắt vô ý thức nào đó trong tâm hồn; nhưng khi ai đó làm sai trái vì dục vọng và vì thế buông mình theo những lạc thú, anh ta trở nên bê tha hơn, mất tư cách đại trượng phu hơn theo cách nào đó trong việc làm sai trái của mình. (3) Như thế, Theophrastus nói một cách đúng đắn và không hổ danh là một triết gia khi ông nói rằng việc làm sai trái liên quan đến lạc thú đáng chê trách hơn việc làm sai trái liên quan đến nỗi đau. Nói chung, trường hợp sau xem ra chỉ là chuyện ai đó đã làm điều gì đó sai trước hết với chính mình, rồi bị đẩy tới chỗ trở nên giận dữ do đau đớn, trong khi đó trường hợp trước, tự mình lao đầu vào những việc làm sai trái, bị đẩy tới chỗ hành động theo dục vọng.

§ 11

(1) Trong mọi hành động, lời nói, suy nghĩ của anh, hãy ý thức rằng anh có thể rời khỏi cõi đời này bất cứ lúc nào. (2) Nhưng việc rời khỏi loài người không có gì đáng sợ cả, nếu như có thần linh; thần linh sẽ không để cho anh dính líu vào bất cứ sự tồi tệ nào. Và nếu không có thần linh, hay thần linh chẳng quan tâm gì tới sự việc của con người[4], thì tại sao tôi phải sống trong một vũ trụ không có thần linh và chẳng có thiên hựu? (3) Nhưng thần linh có tồn tại, có quan tâm đến sự việc của con người và đặt ở nơi con người một năng lực[5] để con người không bao giờ sa vào điều thực sự tồi tệ. Đối với những thứ khác[6], nếu bất cứ thứ gì trong số chúng là tồi tệ, thần linh hẳn cũng đã ban sẵn cho ta những biện pháp để không vấp phải nó. (4) Nếu một điều gì đó không làm cho con người trở nên tồi tệ hơn, thì làm sao nó có thể khiến cho cuộc sống của anh ta trở nên tồi tệ hơn được? (5) Không thể có chuyện bản tính tự nhiên của cái toàn bộ[7] bỏ qua những điều này, do không biết hoặc là cho dù biết nhưng do không đủ khả năng để ngăn chặn hay điều chỉnh chúng. Cũng không thể có chuyện nó phạm sai lầm nghiêm trọng, do thiếu năng lực hoặc do thiếu kĩ năng, để những điều tốt và những đều tồi tệ xảy ra như nhau cho cả người tốt lẫn người xấu mà không có sự phân biệt nào. (6) Nhưng trên thực tế, sống và chết, danh tiếng và không có danh tiếng, đau khổ và vui sướng, giàu và nghèo - tất cả những thứ này đều xảy ra như nhau với mọi người, dù anh tốt hay xấu, vì bản thân chúng không đúng cũng sai; do đó chúng không tốt cũng không xấu.

§ 14

(1) Cho dù anh có sống tới ba nghìn năm hay ba vạn năm đi nữa, hãy luôn nhớ rằng không người nào mất bất cứ cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống mà anh ta hiện đang sống hay sống bất cứ cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống mà anh ta đang mất. (2) Sống thọ nhất hay chết yểu nhất chung quy cũng cùng một thứ như nhau. (3) Cái hiện tại là như nhau đối với tất cả mọi người và do đó những gì quá vãng cũng đều như nhau và hóa ra cái đang bị mất chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, (4) vì không ai có thể mất quá khứ và tương lai. Làm sao ai đó lại mất cái anh ta chưa có cơ chứ? (5) Cho nên luôn nhớ hai điều này. Thứ nhất, tự mảy may mọi thứ đều cùng một loại và tái lặp theo vòng tuần hoàn; và chẳng có sự khác biệt nào xảy ra cho dù anh có thấy những thứ như nhau ấy một trăm năm, hai trăm năm hay vô tận. Thứ hai, cả người sống thọ nhất lẫn người chết yểu nhất chung quy là như nhau. (6) Giây phút hiện tại là thứ duy nhất mà bất cứ ai có thể bị tước bỏ, ít ra nếu đây là thứ duy nhất anh ta có và anh ta không thể mất đi cái mà anh ta không có.

§ 17

(1) Trong đời sống của một con người, thời gian của ta là một thoáng chốc, sự hiện hữu của ta là dòng lưu chuyển không ngừng, tri giác mờ yếu, thể tạng của toàn bộ cơ thể đang tàn tạ, tâm trí lan man, số mệnh khó đoán dò, danh vọng thì phù du. (2) Nói tóm lại, bất cứ thứ gì thuộc về thân xác đều là dòng sông, và bất cứ thứ gì thuộc về tâm trí đều là huyễn mộng; (3) đời là một trận chiến và tạm cư nơi đất lạ, và danh tiếng sau khi chết chỉ là sự lãng quên.

(4) Vậy cái gì có thể dẫn đường chỉ lối ta đi trong cõi đời này? Chỉ có một thứ - triết học. Cái này [triết học] cốt ở chỗ giữ cho tinh thần chiến binh bên trong ta không bị xâm phạm hay tổn hại, làm chủ được mọi xúc cảm vui buồn, không để nó hành động tùy tiện, trở nên sai lầm hay bịp bợm, không cần phải có ai đó làm hay không làm điều gì. Và do đó, chấp nhận những gì xảy ra và những gì được định phần cho ta, vì đến từ cùng một nguồn với chính bản thân ta; và trên hết, đón đợi cái chết với tâm thái tự tin, vì cái chết chẳng qua chỉ là sự phân tán các yếu tố cấu thành nên mọi sinh thể trên đời. (5) Nếu đối với bản thân các yếu tố chẳng có gì lo sợ khi chúng liên tục chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, thì cớ làm sao ta phải lo sợ sự biến chuyển và phân tán của tất thảy các yếu tố ấy? Đó là thuận theo tự nhiên, và thuận theo tự nhiên thì chẳng có gì tồi tệ cả.



[1] Đây là nguyên tắc cơ bản của thuyết Khắc kỷ: chỉ có đức hạnh mới thực sự là cái duy nhất tốt, và cái xấu bao giờ cũng là cái xấu; còn mọi thứ khác mà ta nghĩ là tốt hay xấu, thực ra chỉ là những cái "trung tính" về mặt giá trị đạo đức.

[2] Robin Waterfield cho rằng ở đây Marcus đang ám chỉ tới câu nói nổi tiếng của Socrates trong tác phẩm Socrates tự biện của Plato 30c-d: "Những kẻ kết án tôi không thể làm hại tôi được, bởi lẽ theo tôi người tốt hơn bị kẻ xấu hơn gây hại là điều trái với luật thần linh." Ý tứ Marcus muốn nói ở đây là chỉ có ta mới gây hại cho ta được, chứ người khác thì không. Người khác chỉ là cái bên ngoài như bao thứ khác, thuộc lãnh vực "không thuộc về ta", do đó chỉ là những cái trung tính, dửng dưng, dù họ có thể ... đập ta chết nhưng không thể làm hại phẩm hạnh của ta được.

[3] Cách kết hợp của Marcus giữa cái chung và cái riêng, giữa chuẩn mực đạo đức phổ quát và chuẩn mực đạo đức đặc thù La Mã.

[4] Ở đây Marcus nhắm đến thần học phái Epicurus là học thuyết khẳng định rằng thần linh không quan tâm tới việc của con người. Thần linh sống hạnh phúc trong cõi "liên-thế giới" (inter-worlds), không can thiệp vào cuộc sống của con người, vì thế chẳng có thiên hựu thần linh.

[5] Năng lực được nói ở đây là quan năng lý tính giúp ta phân biệt được phải trái, đúng sai, có được những lựa chọn sáng suốt để bảo vệ vẻ đẹp tôn nghiêm của một con người.

[6] "Những cái khác" Marcus nói ở đây là những cái khác với đức hạnh.

[7] Cái toàn bộ (the whole) ở đây là toàn bộ giới tự nhiên hay thế giới.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt