PARMÉNIDE
PLATON (khoảng 427-347tcn) Lê Tôn Nghiêm dịch
Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Bản dịch của Lê Tôn Nghiêm | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Văn Sướng thực hiện
CÉPHALE, ADIMANTE, GLAUCON, ANTIPHON
Từ Clazomène quê hương của chúng tôi, thoạt vừa bước chân vào đô thị Athènes, trên quảng trường đông người, chúng tôi đã bắt gặp được Adimante và Glaucon. Bắt tay tôi Adimante niềm nở nói: “Thực là hân hạnh, Céphale, được anh tới chơi; nếu có chuyện chi giúp đỡ được, chúng tôi xin sẵn sàng”. “Đó chính là điều khiến chúng tôi tới đây, tức là yêu cầu các anh một việc”. Tôi đáp – Adimante săn đón: “Anh cứ việc cho biết”. Lập tức tôi hỏi anh ta: “Người em cùng mẹ ruột với anh tên gì nhỉ? Tôi lỡ quên mất. Đã lâu lắm rồi, vào dịp từ Clazomène, tôi đến đây lần đầu tiên, lúc đó anh ta mới là một đứa con nít. Hình như tên cha anh là Pyrillampe thì phải”. – “Đúng thế” Adimante đáp “và tên anh ta là Antiphon. Nhưng anh muốn biết điều đó để làm gì chứ?” Tôi trình bày: “Đây là những triết gia chính cống trong số những đồng hương của tôi. Họ nghe rằng: Antiphon, phải chính Antiphon, đã thường giao dịch với một ông nào đó tên Pythodore, đồ đệ của Zénon và nhiều lần anh ta đã được nghe kể lại những luận chứng trình bày cho Pythodore, đến nỗi anh ta đã thuộc lòng. Đó là cuộc đối thoại xưa kia Socrate, Parménide và Zénon đã tranh luận với nhau. “Đó là một sự thật”. Adimante đáp. “Vậy thì chúng tôi muốn được nghe thuật lại chính những luận chứng đó” tôi nói. “Thế thì không có gì khó khăn cả, anh ta tiếp, em tôi đã dày công học thuộc lòng chúng ngay lúc còn thiếu niên. Nhưng hiện giờ, trở về với những sở thích của ông tổ cùng tên, nó lại lấy việc đua ngựa làm say sưa nhất; nó vừa ở đây về nhà, và cư ngụ rất gần đây, ở Mélite thôi”. Vừa dứt lời, chúng tôi liền lên đường và gặp Antiphon tại nhà, đang trao cương ngựa cho thợ rèn sửa. Khi anh ta vừa xong việc với bác thợ thì các anh ta đã giới thiệu với anh về mục tiêu cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Lập tức anh ta đã nhớ rõ rệt có gặp tôi, vào dịp tôi đến đây lần đầu tiên và chào hỏi tôi. Nhưng khi nghe chúng tôi xin anh thuật lại cuộc đối thoại thì thoạt tiên anh hơi ngần ngại và nói: đó là một việc trọng đại. Tuy nhiên, anh ta cũng thuật lai cho chúng tôi đầu đuôi câu chuyện.
PYTHODORE, SOCRATE, PARMÉNIDE, ARISTOTE
Vậy theo Antiphon, Pythodore đã thuật lại rằng: một hôm cả Zénon, cả Parménide đã tới dự lễ toàn dân thành Athènes. Parménide thì đã cao niên, tuy đầu tóc bạc phơ, nhưng lại có một tướng mạo đường đường, oai phong; thực ra thì ông ta đã gần sáu mươi lăm tuổi. Zénon thì mới gần bốn mươi, nhưng tầm vóc đẹp, bộ điệu duyên dáng và được thiên hạ coi là thân mến của Parménide. Cả hai đã xuống nhà Pythodore, ở Céramique ngoại thành. Socrate cũng tới đó và cùng với ông còn có cả một đoàn tùy tùng, gồm toàn những người ham nghe đọc tác phẩm của Zénon. Vào dịp đó quả là lần đầu tiên mà đoàn tùy tùng này vào đây, nhờ sự giới thiệu của hai du khách: lúc ấy Socrate hãy còn là một chàng thiếu niên rất trẻ tuổi. Và Zénon đã đọc tác phẩm cho họ nghe. Đang khi đó Parménide tình cờ phải ra ngoài. Nên theo lời Pythodore thì việc đọc những luận chứng đã gần hoàn tất, khi chính ông ta bất chợt cùng với Parménide trở về, có thêm Aristote, một người trong nhóm Ba mươi[1] cùng đi vào. Vì vậy họ chỉ nghe được ít dòng cuối cùng của tác phẩm, ngoại trừ Pythodore người đã được chính Zénon đã đọc cho nghe trước đây rồi. [1] Danh xưng gán cho những thành viên của một hội đồng chính trị thiểu số do những người Spartiates áp đặt trên những người Athéniens, sau khi đại tướng Lysandre đã chiếm đóng đô thị của họ. Hội đồng này đã khét tiếng là một chế độ chuyên chính kỳ quái và đã bị Thrasybule trục xuất. Critias và Théramène là những thành viên nổi tiếng nhất (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC