Triết học Hy Lạp

Parménide: Parménide và Aristote - Nếu cái Đơn nhất là đơn độc I

 

PHẦN THỨ HAI

PARMÉNIDE VÀ ARISTOTE

 

1. GIẢ THUYẾT KHẲNG ĐỊNH

Nếu cái Đơn nhất là đơn độc[1]

 

PLATON (khoảng 427-347tcn)

 


Lê Tôn Nghiêm dịch từ: Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Phiên bản điện tử tiếng Việt do bạn Nguyễn Văn Sướng thực hiện.


 

 

A) LẬP TRƯỜNG TUYỆT ĐỐI: Giả thuyết thứ nhất: cái Đơn nhất là cái Đơn nhất. Các hệ quả: nó không phải là a) : một toàn diện cũng không phải là các thành phần.

Hình như Parménide đã nói tiếp: - “Vậy chúng ta hãy khởi sự: nếu là đơn độc, thì cái Đơn nhất không thể là có nhiều được phải không?” –  “Làm sao có nhiều được?” –  “Vậy thì nó sẽ không thể có những thành phần cũng không thể là một toàn diện được?” –  “Tại sao vậy?’ –  “Tại vì thành phần thì phải là thành phần của một toàn diện”. –  “Đương nhiên”. –  “Và toàn diện há không phải là một cái gì trong đó không thể thiếu một thành phần nào không?” –  “Nhất định”.

b) : không thẳng, không tròn (không hình dạng)


 

“Vậy nếu được gán cho các thành phần thì cái Đơn nhất sẽ có tính phức hợp cả về hai mặt, phải không?” –  “Tất nhiên”. –  “Vậy, về cả hai mặt đó cái Đơn nhất sẽ là nhiều chứ không còn phải đơn độc nữa”. –  “Đúng thế”. –  “Nhưng theo luận cương thì nó không thể là nhiều được mà phải là đơn độc”. –  “Đó là luận cương”. –  “Vậy nếu cái Đơn nhất là đơn độc, thì nó sẽ không thể là toàn diện, nó cũng sẽ không thể có những thành phần được”. –  “Đương nhiên”. –  “Vậy nó không thể có những thành phần, thì nó sẽ không có khởi đầu, cũng không có tận cùng, không có khoảng cách giữa được vì những phân biệt như vậy sẽ làm cho nó có những thành phần”. –  “Đúng thế”. –  “Mà nói tận cùng hay khởi đầu là nói giới hạn”. –  “Dĩ nhiên”. –  “Vậy cái Đơn nhất sẽ là không giới hạn sao, nếu có không có khởi đầu cũng không có tận cùng”. –  “Không giới hạn”. –  “Vậy nó cũng sẽ không có hình dáng, vì nó không tham dự vào cái tròn hay cái thẳng”. –  “Tại sao?” –  “Vì chỉ là hình tròn cái gì mà những chu vi của nó ở đâu đâu cũng cách quãng đồng đều với trung tâm”. –  “Phải”. –  “Và chỉ là thẳng cái gì mà trung tâm của nó làm bình phong cả hai đầu”. –  “Dĩ nhiên”. –  “Vậy cái Đơn nhất sẽ có những thành phần, và đa tính, nếu nó tham gia một hình dáng, hoặc thẳng hoặc tròn”. – “Đương nhiên”. –  “Vậy nó sẽ không là thẳng cũng không là tròn, vì nó không hề có những thành phần”. –  “Đúng vậy”.

c) : không tồn tại trong chính mình, không tồn tại trong một cái gì khác (không vị trí)

 

- “Nhưng nếu là thế, nó sẽ không ở đâu cả, vì nó không thể tồn tại trong cái gì khác nó cũng không tồn tại trong nó”.[1] –  “Thế sao?” –  “Một khi tồn tại trong cái gì khác với mình được, nó sẽ bị bao quanh vòng tròn do cái gì trong đó nó tồn tại, và, cũng cùng với cái khác đó, thông qua nhiều cứ điểm, nó sẽ có rất nhiều va chạm với cái khác đó. Nhưng cái gì đơn độc và đơn giản và không tham dự gì với vòng tròn cả thì cũng không thể có nhiều đụng chạm ở chu vi như vậy được”. –  “Dĩ nhiên”. –  “Ngược lại, một khi chỉ tồn tại trong chính mình, thì nó cũng sẽ bị bao bọc, nhưng không bị bao bọc bởi một cái gì khác hơn là bởi chính mình, vì nó chỉ tồn tại trong chính mình mà thôi, vì tồn tại trong một cái gì đó mà không bị bao bọc là điều không thể”. –  “Dĩ nhiên là không thể”. –  “Vậy cái bao bọc cái khác, cái bị bao bọc thì khác, vì không phải bằng chỉnh thể của nó mà nó sẽ có được đồng thời hai khả năng vừa là cái bao bọc, vừa là cái bị bao bọc. Như thế cái Đơn nhất sẽ không còn là đơn độc nữa mà là hai mất rồi”. –  “Phải, nó sẽ không còn là đơn độc nữa rồi”. –  “Vậy cái Đơn nhất không còn tồn tại ở đâu cả, không trong chính bản thân nó, cũng không trong cái gì ngoài bản thân nó”. –  “Không ở đâu cả”.

d) : không im lìm và không vận động

 “Theo những điều kiện đó hãy cứu xét xem nó có thể là im lìm không hay nó là vận động”. –  “Tại sao nó lại không thể như thế?” –  “Vì rằng vận động mà nó có sẽ là sự chuyển dịch hay là sự đổi khác. Ngoài hai loại vận động đó không còn loại vận động nào khác”. –  “Đúng vậy”. –  “Mà nếu có tự thay đổi trong bản thân nó được, thì cái Đơn nhất không còn thể là đơn độc được nữa”. –  “Đúng, nó sẽ không thể”. –  “Vậy nó không thể còn vận động đổi khác”. –  “Hình như không”. –  “Nó sẽ có chuyển dịch không?” –  “Có lẽ”. –  “Sự dịch chuyển đó của cái Đơn nhất sẽ là hoặc quay tròn tại chỗ hoặc di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác”. –  “Tất nhiên”. –  “Sự quay tròn của nó có nhất thiết căn cứ trên một trung tâm không và nó sẽ có phần còn lại của những thành phần của nó, bị động chung quanh trung tâm đó không? Nhưng cái gì không thể có trung tâm hay những thành phần, có bao giờ có cách gì cho nó được di chuyển vòng quanh trên một trung tâm không?” –  “Không có cách gì cả”. –  “Vậy một khi thay đổi chỗ được, nó có dời đến chỗ này, rồi khi thì dời đến chỗ kia được và như là nó vận động, phải không?” –  “Tất nhiên như thế”. –  “Nhưng chúng ta đã không thấy sao: nó không thể tồn tại trong bất cứ cái gì được cả”. –  “Thấy chứ”. –   “Có phải nó nó càng không thể vươn tới đó được không?” –  “Tôi không hiểu tại sao?” –  “Vươn tới cái gì có phải tất yếu là chưa có đó bao lâu người ta vẫn còn đang vươn tới đó, nhưng không phải hoàn toàn, tồn tại ở ngoài, nếu ở đây xét thấy rằng người ta còn đang vươn tới đó, không?” –  “Tất yếu”. –  “Trái lại, nếu một cái gì đó có thể như thế được[2] thì chỉ như thế được nếu nó có những thành phần, tiếp đó một thành phần của nó sẽ đã ở bên trong, còn thành phần kia thì ở bên ngoài. Ngược lại cái gì không hề có thành phần thì tưởng tượng rằng bất cứ bằng cách nào nó cũng không thể, với cái chỉnh thể bất phân của nó, tồn tại bên trong hay bên ngoài của một sự vật nào đó.” –  “Đúng thế”. –  “Còn về cái gì không phải một tập hợp những thành phần, cũng không phải một toàn diện, có phải nó càng không thể hiểu nhiều hơn nữa, vươn tới ở đâu đó, trong khi nó không thể vươn tới đó hoặc bằng những thành phần hoặc bằng trọn cả khối không?” –  “Hình như không thể”. –  “Vậy nó có chuyển dịch nhờ đó nó được chuyên chở tới một mục đích hay được đẩy tới một đích điểm, cũng không phải sự quay tròn tại chỗ, cũng không có đổi khác”. –  “Hình như không”. –  “Vậy cái Đơn nhất không bị động bởi một loại vận động nào cả sao?” –  “Không bằng một loại nào cả”. –  “Tuy nhiên như ta đã nói, tồn tại trong bất cứ cái gì là điều không thể đối với nó”. –  “Quả như ta đã nói”. –  “Vậy nó cũng sẽ không bao giờ ở cùng một chỗ”. –  “Tại sao vậy”. –  “Vì rằng chính vì sự kiện nó có thể ở cùng một chỗ mà nó sẽ chính là cái đó”. –  “Tuyệt đối chính xác”. –  “Mà luận cương lúc ban đầu của chúng ta đã giả thiết rằng nó không thể tồn tại trong bản thân nó cũng không thể tồn tại trong một cái gì khác nó”. –  “Quả thực nó không thể”. –  “Vậy cái Đơn nhất không bao giờ tồn tại ở cùng một vị trí”. –  “Hình như không bao giờ cả”. –  “Nhưng cái gì không bao giờ ở cùng một vị trí, thì không có im lìm cũng không có bất động”. –   “Phải, nó không thể”. –  “Vậy hình như cái Đơn nhất không là bất động cũng không là vận động được”. –  “Xem ra kết luận là tất yếu”.

e) : không đồng tính và không khác biệt

- “Nó cũng sẽ không đồng tính với cái khác mình cũng không đồng tính với cả mình, cũng sẽ không khác biệt với chính mình cũng không khác biệt với cái gì khác mình”. –  “Tại sao như vậy được?” –  “Vì khác biệt với chính mình, nó sẽ khác với cái đơn độc và do đó nó không còn đơn độc nữa”. –  “Đúng thế”. –  “Vì đồng tính với cái khác cái đơn độc và khác với chính mình nó sẽ là cái khác đó, chứ không còn phải chính mình nữa; như thế, theo cách thức đó, có lẽ nó sẽ không còn là đơn độc như nó là nữa, mà là khác với đơn độc”. –  “Quả thế”. –  “Vậy nó sẽ không đồng tính với cái gì khác hơn là chỉ đồng tính với chính mình và chính nó sẽ không khác với chính mình”. –  “Dĩ nhiên không”. –  “Nhưng khác với một cái gì khác, nó sẽ không thể, bao lâu nó là đơn độc; vì rằng cái gì đơn độc không thể khác biệt; vì sự khác biệt thì đòi hỏi những đơn vị khác biệt và không tồn tại ở chỗ nào khác ngoài chính mình được”. –  “Ngài có lý”. –  “Vậy không phải vì là đơn độc mà nó sẽ là khác biệt. Chàng có ý kiến gì khác không?” –  “Dĩ nhiên không”. –  “Nhưng nếu không phải vì vậy mà nó khác biệt, thì cũng sẽ không phải vì nó mà nó khác biệt; nếu không phải vì nó mà nó khác biệt thì chính nó cũng không bao giờ khác biệt. Vậy nếu chính nó không bao giờ khác biệt được thì nó cũng sẽ không khác biệt với một cái gì cả”. –  “Chính xác”. –  “Nó cũng không đồng tính với chính nó”. –  “Tại sao lại không?” –  “Vì cái Đơn nhất và cái đồng tính không hề là cùng một bản chất”. –  “Tại sao vậy?” –  “Tại vì trở thành đồng tính với cái gì không phải trở thành một”. –  “Xin ngài giải thích”. –  “Trở thành đồng tính với nhiều cái tất nhiên là trở thành nhiều cái rồi chứ không phải trở thành một”. –  Đúng thế”. –  “Nhưng nếu cái Đơn nhất và cái đồng tính không khác nhau gì cả, thì có lẽ trở thành đơn nhất sẽ luôn luôn là trở thành đồng tính và có lẽ trở thành đồng tính sẽ luôn luôn là trở thành đơn nhất”. –  “Hoàn toàn đúng”. –  “Vậy, đối với cái Đơn nhất, là đồng tính với chính mình sẽ không phải trở thành một với chính mình; nếu thế, chính nó là đơn độc sẽ không còn đơn độc nữa[3]. Nhưng chắc chắn đó là điều không thể; nên không thể rằng cái Đơn nhất vừa khác biệt với một cái khác vừa đồng tính với chính mình”. –  “Chắc chắn không thể”. –  “Như vậy cái Đơn nhất sẽ không khác biệt cũng không đồng tính với chính mình hay với cái khác mình”. –  “Chắc chắn không”.

f) : không tương tự và không bất tương tự

- “Đàng khác, nó cũng sẽ không tương tự hay bất tương tự, đối với chính mình, cũng như đối với cái khác nhau”. –  “Tại sao?” –  “Vì cái gì tương tự cũng phải bao hàm một đồng tính nào chứ”. –  “Phải”. –  “Nhưng chúng ta đã thấy rằng bản chất của cái đồng tính thì phân biệt với bản chất của cái Đơn nhất”. –  “Chúng ta đã thấy rồi”. –  “Nhưng cho rằng một khi cái Đơn nhất được ghép thêm một tính chất nào phân biệt với chính tính đơn nhất của nó, thì vì chính sự ghép thêm đó, nó sẽ trở thành một cái gì thêm cho cái đơn nhất, thì đó là điều không thể”. –  “Vậy không có cách gì theo đó cái Đơn nhất đã được làm cho đồng tính với cái khác cũng như với chính mình sao?” –  “Hình như không còn cách nào”. –  “Vậy nó không thể tương tự với cái khác nó cũng không thể tương tự với nó”. –  “Hình như không”. –  “Nhưng cái Đơn nhất không thể được phép là khác biệt; vì như vậy nó sẽ được phép là nhiều hơn một”. –  “Quả vậy nó sẽ có thể nhiều hơn một”. –  “Nhưng một khi cái gì tiếp thu cái đồng tính mà là tương tự thì cái gì tiếp thu sự khác biệt với chính mình hay với cái khác mình, cái đó sẽ bất tương tự với chính mình hay với một cái khác”. –  “Chính xác”. –  “Vậy nếu như cái Đơn nhất, thoát ly được mọi khác biệt, thì không cách gì nó lại bất tương tự với chính mình hay với cái gì khác được”. –  “Không cách gì”. –  “Vậy cái Đơn nhất sẽ không tương tự cũng không bất tương tự, với cái khác mình hay cả với mình”. –  “Hình như vậy”.

g) : không ngang bằng và không bất ngang bằng

- “Vì lý do ấy, nó cũng sẽ không ngang bằng cũng sẽ không bất ngang bằng với chính mình hay với cái khác mình”. –  “Tại sao?” –  “Vì ngang bằng, nó sẽ có cùng những kích thước như cái mà nó ngang bằng với”. –  “Vâng”. –  “Lớn hơn hay nhỏ hơn, nếu so sánh với những kích thước mà nó được đo lường với, nó sẽ có những kích thước nhiều hơn những cái yếu ớt hơn nó, và có những kích thước ít hơn những cái mạnh mẽ hơn nó”. –  “Vâng”. –  “Tùy theo những kích thước mà nó được đo lường với, thì ở đấy nó sẽ mang những kích thước nhỏ bé hơn, ở kia nó sẽ mang những kích thước to lớn hơn”. –  “Dĩ nhiên”. –  “Đối với cái không hề tham gia vào cái đồng tính thì không thể là đồng tính hoặc trong những kích thước của nó hoặc trong bất kỳ cái gì khác, phải không?” – “Hoàn toàn không thể”. –  “Vậy thì nó sẽ không ngang bằng với chính mình hay với cái khác mình, vì không bao giờ nó sẽ có cùng kích thước”. –  “Hình như phải kết luận như thế”. –  “Hãy giả định cho nó những kích thước to lớn hay nhỏ bé hơn: theo đó, nó có bao nhiêu kích thước, nó sẽ có bấy nhiên thành phần. Do đó nó cũng sẽ thôi không còn là đơn độc nữa và sẽ được nhân gấp lên bấy nhiêu lần, tùy theo những kích thước nó sẽ có”. –  “Chính xác”. –  “Nếu chỉ có một kích thước, thì có lẽ nó trở thành ngang bằng với kích thước đó. Nhưng như đã chứng minh, nó không thể ngang bằng với một cái gì cả.” –  “Quả thực, đã được chứng minh.” –  “Như vậy, nó không có chân trong một kích thước; một cách tuyệt đối, nó sẽ bị loại ra khỏi mọi tham dự vào cái đồng tính. Vậy nó không bao giờ ngang bằng với chính mình hay với cái gì khác.” –  “Kết luận như thế hoàn toàn đúng”.

h) : không già hơn và không trẻ hơn (không tồn tại trong thời gian)

- “Sao? Già hơn, trẻ hơn, ngang bằng về tuổi tác, có phải đó là những quan hệ có thể gán cho cái Đơn nhất không?” –  “Tại sao lại không thể?” –  “Có lẽ vì bằng tuổi với chính mình hay với cái khác, có nghĩa là tham dự vào tính ngang bằng và tính tương tự theo quan hệ thời gian. Nhưng như đã nói, cái Đơn nhất bị loại trừ khỏi mọi tham dự vào hoặc tính tương tự hoặc tính ngang bằng. –  “Đúng, chúng ta đã nói thế”. –  “Và hơn nữa, nó cũng không tham dự vào tính tương tự hay tính ngang bằng , điều đó chúng ta cũng đã nói.” –  “Hoàn toàn đúng.” –  Thế thì trong những điều kiện đó làm thế nào nó sẽ có thể lớn hơn, nhỏ hơn, hay bằng tuổi với bất kỳ cái gì được?” –  “Không thể bằng cách nào cả.” –  Như vậy, dù có so sánh nó với chính mình hay với những cái khác, cái Đơn nhất sẽ không già hơn, không trẻ hơn, cũng không bằng tuổi.” –  “Hiển nhiên.” –  “Nhưng có phải bằng những phủ định đó mà cái Đơn nhất bị loại khỏi chính thời gian không? Tồn tại trong thời gian có phải tất nhiên luôn luôn trở thành già hơn chính mình không?” –  “Tất nhiên chứ.” –  “Nhưng già hơn luôn luôn đối nghịch với trẻ hơn không?” –  “Thưa thế nào ạ”. –  “Vậy trở thành già hơn chính mình là lần lần trở thành trẻ hơn mình, nếu đã chấp nhận phải có một cứ điểm so sánh theo đó người ta trở thành già hơn”. –  “Ngài muốn nói gì ạ?” –  “Điều này: không cái gì có thể trở thành khác biệt với cái gì đã là khác biệt; nhưng đối với cái gì đang khác biệt, nó đang khác biệt; với cái gì đã khác biệt, nó đã khác biệt; với cái gì sẽ khác biệt, nó sẽ khác biệt. Đối với một đơn vị nào đang trở thành khác biệt, không thể một đơn vị khác đã có thể hay sẽ có thể hay đang có thể là khác biệt được; nó chỉ đang trở thành hay, một cách tuyệt đối, nó không trở thành thế thôi”[4]. –  “Hoàn toàn tất yếu”. –  “Nhưng già hơn là một khác biệt đối với trẻ hơn chứ không đối với một cái gì khác”. –  “Quả thế”. –  “Vậy thì cái gì trở thành già hơn chính mình phải đồng thời và tất yếu trở thành trẻ hơn chính mình”. –  “Hình như vậy”. –  “Nhưng cũng không hề trở thành một tổng số thời gian lớn hơn hay ít hơn mình: mà chỉ bằng cùng một tổng số thời gian mà nó mới có thể trở thành, là, đã là, sẽ là”. –  “Cả ở đây nữa, câu kết luận cũng không tránh khỏi”. –  “Thế thì cả kết luận sau đây nữa hình như cũng không tránh khỏi tức là tất cả những gì tồn tại trong thời gian, tất cả những gì thông dự vào thời gian trong mỗi trường hợp đều có cùng một tuổi như chính mình và đồng thời trở thành vừa già hơn vừa trẻ hơn chính mình”. –  “Rất có thể như thế”. –  “Nhưng cái Đơn nhất đã không bao giờ tham dự vào những trạng thái loại đó cả”. –  “Quả thực không bao giờ”. –  “Vậy thì nó cũng không thông dự vào thời gian; nó cũng không ở trong một thời gian”. –  “Chắc chắn không; ít ra đó mới là điều luận chứng muốn chứng minh”.

i) : nó thoát ly khỏi tồn tại và nhận thức

- “Nhưng sao? ‘Đã là’, ‘đã đã là’, ‘đã trở thành’ há không biểu lộ sự tham dự vào thời gian xưa kia đã là sao?” –  “Nhất định có”. –  “Chúng ta hãy tiếp tục: ‘sẽ là’, ‘sẽ trở thành’, ‘sẽ đã trở thành’ há không báo hiệu thời gian sắp tới hay sao?” –  “Có chứ”. –  “’Là’, ‘đang trở thành’ há không biểu thị hiện tại hay sao?” –  “Hiển nhiên”. –  “Vậy nếu cái Đơn nhất không tham dự vào một thời gian nào cả, thì có phải rằng: trong quá khứ nó đã đã không là, đã không trở thành, đã không là, không? Và cả hiện tại, nó đã không trở thành, không trở thành hay không là, không? –  “Thực không gì chí lý hơn”. –  “Vậy ngoài những cách thái nêu trên ra, còn những cách thái tham dự nào khác vào tồn tại không?” –  “Không hề có”. –  “Vậy thì cái Đơn nhất không tồn tại bằng một cách nào cả sao?” –  “Hình như vậy”. –  “Vậy nó cũng không đủ tồn tại để có thể tồn tại là đơn độc nữa, vì nếu thế, nó sẽ có thể là và sẽ có thể có chân trong tồn tại. Trái lại, hình như rõ ràng cái Đơn nhất không đơn độc và cũng không tồn tại, nếu có thể tin tưởng vào lối lập luận đó”. –  “Tôi hơi e ngại”. –  “Vậy cái gì không tồn tại, có thể chính vì nó không tồn tại như vậy mà lại có thể có một cái gì thuộc về nó hay của nó không?” –  “Làm sao có thể được?” –  “Vậy thì không có một danh xưng nào thuộc về nó; ở đó cũng không có định nghĩa, không có kiến thức, không có cảm giác, không có thường kiến”. –  “Hình như vậy”. –  “Vậy cũng không có ai để gọi tên nó, để phát biểu nó, để phỏng đoán nó hay để truy nhận nó; cũng không có một ai để có cảm giác về nó”. –  “Không một ai”. –  “Vậy đối với cái Đơn nhất có thể như thế được không?” –  “Theo tôi thì không thể”.

 

 


[1] Đọc trong Sextus (Adv. Math. VII 69 et 70), trình bày về lập luận của Gorgias, một trình bày lại trùng hợp với bản đúc kết do quyển De Melisso, Xenophane, Gorgia (997b, 20-25). Nếu tồn tại là vĩnh cửu thì nó không có khởi đầu; vậy thì nó là vô hạn; vậy thì nó không ở đâu cả. “Nếu nó ở đâu đó, nó sẽ tồn tại là cái gì khác với nó: như vậy, một khi bị bao bọc bởi cái gì khác, nó sẽ không còn là vô hạn, vì cái bao bọc thì đương nhiên lớn hơn cái bị bao bọc. Nhưng nó cũng sẽ không bị bao bọc bởi chính nó, nếu không phải cái bao bọc cũng như cái bị bao bọc và tồn tại sẽ thành hai: nơi chốn và tồn tại”. Lập luận này đã do Platon chuyển hóa và sửa đổi. Gorgias, cũng như Melissos (frgt. 2, Diels, Vorsokr. II, 186), đã từ tính vĩnh cửu của tồn tại mà kết luận rằng: nó có tính vô hạn về không gian. Platon thì tránh kết luận luẩn quẩn đó vì rằng cái Đơn nhất của ông không có những thành phần, nên nó cũng không có những giới hạn và hình dáng và, do đó, mà không tồn tại ở đâu cả. (Đó mới là vô hạn thực sự về không gian, - chú thích của Lê Tôn Nghiêm).

[2] Tức là đang vươn tới, đồng thời đang tồn tại ở đó rồi – (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm).

[3] Từ nguyên lý: đồng tính không phải độc tính, người ta rút ra hệ luận: “vậy, là đồng tính, thì không phải là đơn độc” (être identique, c’est ne pas être un). Theo đó, kết luận sẽ trở thành ngụy biện như người ta đã cố tình tìm kiếm cho được trong đó, tức là đối với cái Đơn nhất, là đồng tính với chính mình là thôi không còn đơn độc nữa. Kết luận ngụy biện với giả thuyết đang bàn ở đây.

[4] Quyển Républiques đã đề cử ra những quy luật về quan hệ đó: lớn hơn tất yếu song song với nhỏ hơn; lớn hơn nhiều song song với nhỏ hơn nhiều; cái gì đã lớn hơn song song với cái gì đã nhỏ hơn; cái gì sẽ lớn hơn song song với cái gì sẽ nhỏ hơn (438 b-c)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt