SỰ KHÁC NHAU GIỮA TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA ĐÊ-MÔ-CRÍT VÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA Ê-PI-QUYA NÓI CHUNG
KARL MARX (1818-1883)
Tác phẩm "Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đê-mô-crít và triết học tự nhiên của Ê-pi-quya " của C.Mác là một phần của tác phẩm nghiên cứu khái quát về lịch sử học cổ đại mà ông dự định viết ngay từ năm 1839. Trong quá trình nghiên cứu những vấn đề đó Mác đã sơ bộ soạn thảo "Những ghi chép về triết học Ê-pi-quya" (xem tập này, tr.39-260), mà ông đã sử dụng cả khi viết tác phẩm này. Đầu tháng tư 1841 Mác gửi nó đến khoa triết trường Đại học tổng hợp Giê-na làm luận án để được xét học vị tiến sĩ triết học. Ông được phong học vị bác học ngày 15 tháng Tư. Đồng thời Mác dự định cho đăng tác phẩm của ông trên báo chí. Nhân đó Mác đã viết lời đề tặng và lời tựa đề ngày tháng là: tháng Ba 1841. Tuy vậy việc công bố tác phẩm đã không thực hiện được, mặc dù Mác trở lại với dự định đó vào cuối năm 1841 - đầu 1842. Bản thảo của tác giả đã không tìm thấy. Chỉ còn lưu giữ được bản sao chép tay không đầy đủ bản thảo đó do một người nào đó tiến hành, cùng với những bổ sung và sửa đổi do chính tay Mác ghi. Mục bốn và mục năm phần thứ nhất của luận án, cũng như "Phụ lục", trừ một đoạn mà chỉ giả thiết là có trong luận án, và phần những chú thích của tác giả viết cho "Phụ lục" không còn lưu giữ được. Điều đó thấy rõ khi so sánh văn bản của luận án với bản mục lục do Mác biên soạn (xem tr. 279-280). Trong mỗi mục của phần thứ nhất và mỗi chương của phần thứ hai đều có cách đánh số riêng đối với các chú thích của tác giả. Những chú thích này dưới dạng sao lại các đoạn trích bằng tiếng Hy Lạp và La-tinh từ những nguồn tài liệu gốc và các chú giải bổ sung, cũng được lưu giữ được không đầy đủ cho đến hôm nay. Phù hợp với bản sao bản thảo còn lưu giữ được, những chú thích này được dịch ra tiếng Nga và đặt sau nội dung chính của luận án và khác với các chú thích và phụ chú của ban biên tập, chúng được đánh số thứ tự kèm theo ngoặc đơn, những chữ viết không rõ ràng, đã được sửa lại. Những thay đổi quan trọng về nội dung, do Mác đưa vào bản sao bản thảo, đã được nói rõ thêm trong các chú thích cuối trang của ban biên tập. Trong lần công bố thứ nhất luận án của Mác - K.Marx, F.Engels und Ferdinand Lassalle. "Aus dem literarischen Nachlaõ". Bd. 1, Stuttgart, 1902 - đã bỏ sót hầu như toàn bộ chú thích của tác giả, trừ một số đoạn trích và đoạn đã được nhắc tới. Nó được Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây) công bố toàn văn lần đầu tiên năm 1927 khi xuất bản tập thứ nhất MEGA (Karl Marx - Friedrich Engels, "Historisch - Kritische Gesamtausgabe". Erste Abteilung, Bd, 1. e Erster Halbband, S. 1-81). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
LỜI TỰA
Hình thức của tác phẩm này có lẽ một mặt sẽ mang tính chất khoa học chặt chẽ hơn mặt khác, ở một số phần, nó sẽ ít mang tính chất cầu kỳ thông thái hơn, nếu như ban đầu nó không được dành cho bản luận văn tiến sĩ. Song những nguyên nhân bên ngoài buộc tôi phải cho ấn hành tác phẩm này ở dạng đó. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng trong tác phẩm này tôi đã giải quyết được một vấn đề cho đến nay chưa giải quyết được thuộc lịch sử triết học Hy Lạp. Những người am hiểu vấn đề biết rằng xét về chủ đề của tác phẩm này thì chưa có bất kỳ tác phẩm nào trước đó tỏ ra phần nào hữu dụng. Cho đến nay người ta vẫn tiếp tục nhai lại lời lẽ ba hoa của Xi-xê-rông và Plu-tác-xơ. Gát-xăng-đi người đã giải thoát Ê-pi-quya khỏi sự cấm đoán áp đặt lên ông này bởi các cha cố giáo hội và tất cả chế độ thời trung cổ, cái thời đại kết tinh sự điên rồ ấy, ông đã đưa ra trong những bài bình luận của mình, có chỉ một điểm đáng chú ý. Ông ta cố gắng bằng cách nào đó giải hoà lương tri công giáo của mình với tri thức đa phần giáo của mình, giải hoà giữa Ê-pi-quya với giáo hội, dĩ nhiên đó là một thứ công sức uổng phí. Điều đó chẳng khác nào muốn choàng bộ y phục của nhà tu Thiên chúa giáo lên thân thể đầy nhựa sống và nở rộ của La-i-xa Hy Lạp. Nói đúng hơn bản thân Gát-xăng-đi đã học triết học ở Ê-pi-quya chứ không thể dạy chúng ta về triết học Ê-pi-quya được. Chỉ nên xem tác phẩm này như là một sự báo trước về một tác phẩm quy mô hơn, trong đó tôi dự định phân tích cặn kẽ một chùm các học thuyết triết học của Ê-pi-quya, của phái khắc kỷ và của phái hoài nghi trong mối quan hệ của những học thuyết ấy với toàn bộ hệ tư duy tư biện Hy Lạp[1]. Trong đó sẽ khắc phục những thiếu sót của tác phẩm này cả về mặt hình thức, cũng như về những phương diện khác. Tuy rằng Hê-ghen, xét về toàn cục, đã xác định những nét chung của các hệ thống triết học đã nêu, nhưng với đề cương rộng lớn đến kinh ngạc và táo bạo của ông về lịch sử triết học - mà nói chung chỉ từ đó mới mở đầu lịch sử triết học - ông đã không thể đi vào các chi tiết. Mặt khác, quan điểm của Hê-ghen về điều mà ông gọi là tư biện par excellence1*1*, đã cản trở nhà tư tưởng vĩ đại ấy thừa nhận các hệ thống triết học kể trên có một ý nghĩa cao đối với lịch sử triết học Hy Lạp và đối với tinh thần Hy Lạp nói chung. Những hệ thống triết học ấy là chiếc chìa khoá cho lịch sử đích thực về triết học Hy Lạp. Có thể tìm thấy sự chỉ dẫn sâu sắc hơn về mối liên hệ của các hệ thống này với đời sống Hy Lạp, ở trong tác phẩm của người bạn tôi là Khuếp-pen "Phri-đrích Đại đế và những người chống đối ông"[2]. Nếu như có bổ sung phần phụ lục phê phán cuộc luận chiến của Plu-tác-xơ chống lại thần học của Ê-pi-quya, thì sở dĩ có việc bổ sung ấy là vì cuộc luận chiến ấy không phải là cái gì có tính chất đơn lẻ, mà nó có tính chất tiêu biểu đối với một xu hướng nhất định, thể hiện rất rõ mối quan hệ của tư duy thần học đối với triết học. Ngoài những điều khác ra, phần phê phán này cũng không đụng chạm đến việc xét xem nói chung quan điểm của Plu-tác-xơ không đúng đến mức nào, khi Plu-tác-xơ đưa triết học ra trước sự phán xử của tôn giáo. Về điểm này chỉ cần đưa ra - thay cho mọi sự suy xét - một đoạn trong tác phẩm của Đa-vít Hi-um: "Đối với một hệ thống triết học mà quyền uy tối cao của nó phải được thừa nhận ở khắp mọi nơi, thì dĩ nhiên điều sỉ nhục đối với hệ thống đó chính là tình trạng hễ có bất cứ dịp nào là người ta cứ buộc nó phải xin lỗi về những lợi thế của nó, và buộc nó phải tự biện minh trước mọi thứ nghệ thuật và mọi môn khoa học mà nó không làm vừa lòng. Việc đó làm người ta nhớ lại một ông vua bị quy tội phản quốc chống lại các thần dân của mình"[3]. Chừng nào trong trái tim hoàn toàn tự do và chế ngự cả thế giới của triết học còn một giọt máu đào, thì nó sẽ luôn luôn tuyên bố - cùng với Ê-pi-quya - với các địch thủ của mình như sau: "Kẻ vô thần không phải là kẻ bác bỏ các vị thần của đám đông, mà chính là kẻ hùa theo ý kiến của đám đông về các vị thần"[4]. Triết học không giấu giếm điều đó. Sự thú nhận Prô-mê-tê: Thật ra, tôi căm ghét tất cả các vị thần2*, chính là sự thú nhận của chính triết học là châm ngôn của chính nó chống lại tất cả các vị thần nào ở trên trời và ở dưới đất lại không thừa nhận sự tự ý thức của con người là vị thần tối cao. Bên cạnh vị thần ấy không thể có một vị thần nào cả. Đáp lại những kẻ hèn nhát tỏ ra đắc ý trước vị thế của triết học hình như đã kém đi trong xã hội, triết học nhắc lại điều mà Prô-mê-tê đã nói với Héc-mét, đầy tớ của các vị thần: Người hãy nhớ rõ là Ta sẽ không đem những nỗi đau của mình để đổi lấy Sự hầu hạ như kẻ nô lệ: Ta thà bị xích vào núi đá, Còn hơn là trở thành tên đầy tớ trung thành của thần Dớt3*. Prô-mê-tê là vị thánh cao thượng nhất và là kẻ tuẫn tiết trong lịch triết học. Béc-lin, tháng Ba 1841
[1] Dự định của Mác muốn viết một cuốn sách lớn hơn về lịch sử triết học Ê-pi-quya, chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa hoài nghi đã không thực hiện được. 1* - chủ yếu [2] C.F. Kửppen. "Friedrich der Grosse und seine Widersacher" Leipzig 1840, S.39. Cuốn sách này đề tặng Các Mác. [3] Ở đây Mác trích dẫn cuốn sách của Đa-vít Hi-um: "A treatise of human nature" ("Luận văn về bản chất của con người") căn cứ vào bản dịch tiếng Đức "Über die menschliche Natur", Erster Band, Halle, 1790, S. 485 [4] Mác trích dẫn một đoạn trong bức thư của Ê-pi-quya gửi Me-nôi-cây về cuốn sách thứ mười của Đi-ô-gien La-éc-xơ, mục 123; đoạn trích này cũng như các đoạn trích khác của Ê-si-lơ, do Mác dẫn ra bằng tiếng Hy Lạp (so sánh với tập này, tr: 42-44). 2* Ê-si-lơ. "Prô-mê-tê bị xiềng” 3* Ê-si-lơ. "Prô-mê-tê bị xiềng” |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC