Triết học Hy Lạp

Tác phẩm Gorgias hay “Kháng biện luận về tu từ pháp” của Platon

GORGIAS HAY KHÁNG BIỆN LUẬN VỀ TU TỪ PHÁP  – MỤC LỤC

 

TIỂU DẪN

 

TRỊNH XUÂN NGẠN

 


Platon. Gorgias hay Kháng biện luận về tu từ pháp. Trịnh Xuân Ngạn dịch theo bản dịch tiếng Pháp “Gorgias ou sur la rhétorique, réfutatif” (1935). 1960. | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Thị Quỳnh Như thực hiện.


 

Cuốn Gorgias còn có tiểu đề là: « Bàn về Tu từ pháp ». Tuy nhiên, không nên lầm tưởng rằng trong cuốn sách này, Platon khảo về nghệ thuật viết, nói hay sáng tác, như là trong cuốn Phèdre chẳng hạn. Ở đây, tác giả bàn về Tu từ pháp theo giá trị môn này về phương diện chính trị và luân lý và tố cáo Tu từ pháp một cách hết sức nghiêm khắc, coi như là một nghệ thuật nói dối, tai hại cho các quốc gia cũng như cho các cá nhân. Đúng ra, nhan đề cuốn đối thoại thư này có thể ghi là: « Để phản đối lại Tu từ pháp ».

Về một vài phương diện, có thể đem so sánh cuốn Gorgias với cuốn Protagoras. Trong hai cuốn đối thoại, tác giả công kích học thuyết « Ngụy biện » đương thời mà tham vọng chính yếu là đào tạo những nhà thức giả và nhất là những diễn giả. Học thuyết của Platon đượm màu học thuyết của Socrate. Văn chương của hai cuốn sách rất phong phú. Cuốn Gorgias tuy không có nhiều nhân vật, văn không bay bướm, duyên dáng, linh động như cuốn Protagoras, nhưng có nhiều đoạn, nhiều trang mà lối nghị luận mạnh mẽ, nhiệt thành, chứa chan thi vị, đầy vẻ thần bí khiến người đọc phải cảm xúc trước thiên tài của Platon.

I

CHỦ ĐỀ CỦA CUỐN GORGIAS

Muốn hiểu rõ chủ đề của cuốn Gorgias và những lời phê phán nghiêm khắc của Platon đối với Tu từ pháp, cần hiểu biết trong những trường hợp nào và dưới hình thức nào Tu từ pháp đã thể hiện trước mắt Platon.

Trong bản hiến pháp dân chủ của thành Athènes, các diễn giả có một địa vị đặc biệt. Như lời Fénelon, ở Athènes « mọi việc đều do nhân dân quyết định » mà « nhân dân lại do các diễn giả chi phổi ». Trong các hội nghị, trước các tòa án, đâu đâu lời nói cũng là chúa tể. Một công dân có nhiều tham vọng, hay muốn chiếm một địa vị trong chính quyền, phải có tài hùng biện. Cho đến giữa đệ ngũ thế kỷ, muốn có tài hùng biện chỉ có cách là tập dàn dần và nói gương các diễn giả đã dày kinh nghiệm. Đến hồi đó thì tình thể khác hẳn: các « ngụy biện gia » và các « tu từ gia » ở đảo Sicile mở trường dạy khoa ăn nói. Tiền học rất cao, các con nhà giàu đua nhau theo học thuyết ngụy biện và tu từ pháp. Học như thể có lợi là vừa thỏa mãn được tính hiếu học của những người ham học, lại đào tạo thanh niên thành những người thành thuộc với quyền chính, điều mà mọi công dân, nhất là con cái các quý tộc đều mong muốn. Như vậy, tu từ pháp trở nên một phương pháp rèn luyện trí óc, tinh thần và đào tạo tương lai cho các thanh niên.

Chỉ có Socrate là phản đối cách học hỏi như thế. Theo ông, chỉ có công lý và chân lý là đáng kể, các ngoại vật và sự thành công trước công chúng không có nghĩa lý gì, và người ta chỉ đi tới sự tận thiện, tận mỹ sau khi đã xem xét tất cả mọi luồng tư tưởng đương thời. Vì thế cho nên Socrate không những chỉ tranh biện với các « ngụy biện gia » và môn đồ của họ, ông lại còn tìm cách đào tạo môn đồ và đối với các người này, ông không phải chỉ dạy học thuyết suông mà còn chỉ dẫn cho họ một lý tưởng thực tiễn mới, một cách sinh sống mới, khuyến cáo họ xa lánh hẳn các hội nghị, các tòa án và chính quyền, khiến cho tâm hồn của họ đạt được cái thư thái của người đã cố sức tìm kiếm công lý trong đời sống hiện tại và đời sống vị lai.

Học thuyết của Socrate đối lập với học thuyết ngụy biện. Tuy nhiên, có vài môn đồ của ông đã tìm cách dung hòa hai học thuyết, chẳng hạn như Xénophon vừa là môn đồ của Socrate vừa là môn đồ của Prodicos, một ngụy biện gia, và cách xử thế của Xénophon ôn hòa và khôn ngoan hơn; còn Isocrate thì sáng lập nên một học thuyết gồm vừa những phương pháp dạy ăn nói vừa những qui tắc về đạo lý, học thuyết của Isocrate là kết tinh của sự dung hòa hai học thuyết của Gorgias và Socrate.

Đối với học thuyết của Isocrate, Platon đã có hai thái độ. Nếu trong cuốn Phèdre và trong cuốn Ménexène, ông đã ca ngợi Isocrate, thì trái lại, trong cuốn Euthydème, ông đã cực lực công kích nhà học giả này.

Về phần Isocrate, thì nhà học giả ấy không có thiện cảm đối với Platon và những phương pháp của nhà hiền triết.

Ta không thể quả quyết rằng trong cuốn Gorgias Platon có đả kích Isocrate hay không, nhưng có một điều chắc chắn là Platon không thể coi Isocrate vốn là một người mà bản tính lương thiện, như một kẻ phi đạo đức giống như Calliclès; Platon đã công kích Isocrate qua Gorgias, khi ông lên án tu từ pháp một cách nghiêm khắc và tuyệt đối.

II

CÁC NHÂN VẬT VÀ BỐ CỤC

Trong cuốn Gorgias có bốn nhân vật cùng nhau tranh luận. Ba người đại diện phái Tu từ là Gorgias, Polos và Calliclès lần lượt tiếp tay nhau. Đối lập với họ là Socrate; sau khi tiếp tục tranh luận với ba người, Socrate phát biểu ý kiến của mình và kết luận bằng một thần thoại. Chérophon, người bạn già của Socrate, chỉ giữ một vai phụ, không đáng kể.

Socrate, Gorgias và Polos, trong cuộc đối thoại, mỗi người vẫn giữ nguyên bản sắc đã có xưa nay. Socrate có lối biện luận linh lợi và minh bạch, sau cùng thì thần bí. Gorgias điều khiển tu từ pháp một cách điêu luyện, lúc nào cũng tỏ ra là người phong nhã cổ hết sức tránh những lời nói thiếu lễ độ. Polos, ít tuổi hơn và sắc mắc hơn, có vẻ hợm hĩnh hơi buồn cười; tuy nhiên, khi nhận thấy học thuyết của mình có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm, Polos đã tỏ vẻ thoái lui. Còn Calliclès thì thật là « đứa con ngỗ nghịch » của tu từ pháp, thật là một nhà phi đạo đức đã mạnh dạn đi tới cùng và đẻ đối kháng với lối biện luận của Socrate đã không ngần ngại gạt bỏ ra một bên nền luân lý cổ truyền hầu bênh vực tu từ pháp.

Calliclès có lẽ là một nhân vật do Platon tạo ra đẻ tượng trưng cho các học thuyết mà Platon thấy nẩy nở hồi đó ở các giới trong xã hội tại Athènes. Ta nhận thấy Calliclès là một người còn trẻ tuổi, là một người giàu có, đầy tham vọng, muốn có một địa vị trong chính trường và đương cố gắng tiến tới đích bằng cách học hỏi các ngụy biện gia. Socrate có vẻ khinh thị Calliclès; Callicles thì nóng nảy, giận dữ, luôn luôn giả vờ muốn bỏ dở cuộc đối thoại, nhưng rồi, theo lời yêu cầu của Gorgias, cũng tranh luận chiếu lệ cho tới cùng, thái độ càu nhàu của Calliclès thực là buồn cười. Cuốn đối thoại thư chia ra làm bốn phần riêng biệt, mỗi phần có một đối tượng có giới hạn và một kết luận phân bộ.

1) Socrate và Gorgias, - Hai người tìm kiếm một định nghĩa của tu từ pháp bằng cách ấn định dụng đích của học thuyết này. Tu từ pháp ảnh hưởng đến lòng xác tín của con người, nhưng không phân biệt chân giả như khoa học, tu từ pháp chỉ đưa đến lòng tin tưởng lúc thực, lúc giả.

2) Socrate và Polos.– Tu từ pháp không phải là một nghệ thuật căn cứ vào việc nhận chân sự thật, tu từ pháp chỉ là một học thuyết, dựa vào sự kinh nghiệm cổ hủ, đặt ra đẻ nịnh hót và làm khoái trá người khác.

3) Socrate và Callielès. Theo Calliclès thì mục đích của tu từ pháp không quan hệ gì, nếu sự khoái lạc mới là hạnh phúc của con người và là mục tiêu tối thượng của đời người. Còn Socrate thì chủ trương rằng sự khoái lạc chỉ là một ảo ảnh trong đời sống hiện tại và là một tai hại cho đời sống vị lai.

4) Socrate nói một mình và kết luận một cách thần bí về đời sống vị lai.

Người xưa đã bàn cãi rất nhiều về chủ đề của cuốn đối thoại thư Gorgias, cuốn sách này có phải chỉ bàn luận về tu từ pháp hay về luân lý hay về một học thuyết về đời sống vị lai? Điều rất rõ rệt là cuốn Gorgias nói về tu từ pháp quan niệm theo giá trị của học thuyết ấy đối với hạnh phúc của người đời, và theo Platon thì giá trị của tu từ pháp sẽ được ấn định rõ ràng, sau khi ta đã giải đáp các câu hỏi nêu lên trong ba phần cuối cùng của bản đối thoại. Bốn phần của cuốn đổi thoại thư có liên quan mật thiết với nhau, sự kiện này không thể chối cãi được, và hơn nữa bốn phần liên lạc với nhau do sự người đọc, khi đi từ đầu câu chuyện cho tới cuối câu chuyện, càng đi sâu vào câu chuyện càng cảm xúc mạnh mẽ thêm lên ; cuộc tranh luận khởi đầu bằng một vấn đề có tính cách hoàn toàn chuyên môn, đối tượng của Tu từ pháp, đã kết thúc bằng những điều quan sát cao siêu và hùng biện về vận mệnh của con người.

Còn về những học thuyết do Calliclès trình bày, những học thuyết này có được đề ra do các cuộc tranh luận trước hay không, và cớ sao, Platon lại ghi những học thuyết ấy vào trong cuốn Gorgias?

Cố nhiên là những lý tưởng của Gorgias và Polos không có dính líu với chủ nghĩa phi đạo đức của Calliclès. Nếu Tu từ pháp chỉ ảnh hưởng đến lòng xác tín của con người, chứ không phải là một khoa học, và nếu người ta có thể tin tưởng vào sự giả dối, cái đó cũng không phải là lỗi do tu từ pháp, vì trong đời có những trường hợp, cần phải quyết định ngay và trong những trường hợp đó, phải tin tưởng vào sự tự chân, vào những điểm có vẻ giống như sự thực.

Triết gia khi phải hành động phải đành lòng chấp thuận sự kiện ấy vì nếu không làm như thế thì không tài nào hành động được. Lòng xác tín có thể nhằm đưa người ta vào đúng chỗ, và bên cạnh những sự vật đã được chứng minh, theo Platon, có những ý kiến đúng với sự thật, mà người ta có do một trực giác thần bí, là phương sách duy nhất để cho trí tuệ hoạt động.

Như vậy, cớ sao Platon lại công kích chủ nghĩa phi đạo lý của Calliclès cùng một lượt với những học thuyết vô hại của hai nhà học giả ngay thật Gorgias và Polos? và tại sao Polos lại tỏ vẻ nghiêm khắc đối với cả học thuyết tu từ pháp nói chung?

Muốn hiểu rõ thái độ của Platon, có lẽ cần phải tìm hiểu xã hội ở thành Athènes lúc bấy giờ.

Xã hội ở Athènes lúc đó, dưới mắt Platon, là một xã hội vô luân thường đạo lý. Xem qua cuốn Gorgias, nhất là trong những đoạn khảo về ảnh hưởng của các diễn giả đối với dân chúng ta thấy rằng Platon tin tưởng vào một sự suy đời không ngừng của xã hội ấy. Việc Socrate sau này bị kết án, mà trong cuốn đối thoại thư nhiều lần ám chỉ tới cho việc ấy là một việc đã định trước, không tài nào tránh được, lại càng khiến cho Platon bị quan. Vì lẽ các diễn giả là những thầy dạy dỗ nhân dân, như vậy trong học thuyết của họ phải có một nguyên lý tai hại và nguy hiểm. Nhà hiền triết có quyền tìm biết nguyên lý đó để hiểu rõ căn nguyên của nỗi đau khổ của xã hội đương thời. Platon chủ trương rằng căn nguyên của sự đau khổ của người đời là do sự phi đạo lý của một nghệ thuật có tham vọng thống trị mọi người, mà mục đích không phải là để tìm ra chân lý. Nghệ thuật ấy là Tu từ pháp. Theo Gorgias hay theo Isocrate thì mục đích của tu từ pháp không phải là chỉ để tìm kiếm chân lý hay công lý. Trái lại theo Socrate hay theo Platon, thì trong đời người chỉ có sự tìm hiểu chân lý là đáng kể. Triết học không phải là chỉ để làm thỏa mãn tính tò mò của trí óc con người, triết học là sự dày công tìm kiếm một cách kiên nhẫn sự vật gì khiến cho người đời được hưởng hạnh phúc thực sự ở đời này cũng như ở đời sống vị lai. Triết học có thể coi như là một tổn giáo theo định nghĩa hiện đại của hai chữ ấy. Triết học không phải là một mớ lễ nghi hay tín ngưỡng có tính cách quốc gia và tương đối, triết học có tính cách tuyệt đối để khảo về con người và tất cả con người. Tu từ pháp khi chủ trương rằng tư tưởng phải thống trị mọi sự vật là kẻ thù cần được bài trừ dưới mọi hình thức. Platon đã lên án Tu từ pháp một cách nghiêm khắc. Đó là cái hay của cuốn Gorgias, đó cũng là cái bất công của cuốn sách này.

Tuy nhiên Platon không kết tội những diễn giả đã nhận lỗi và dùng Tu từ pháp để làm phương pháp ăn năn, sửa đổi cũng như ông không đả kích một người đã nhờ có triết học mà biết phân biệt điều tốt, điều hay, rồi mới theo học tu từ pháp. Thực ra, những trường hợp vừa mới kể ít khi xảy ra. Những kẻ theo học tu từ pháp thường từ bỏ sự tìm kiếm để hiểu biết sự thực.

Platon sau khi biện luận một cách trừu tượng đã xem xét hành động của các chính khách ở thành Athènes, rồi căn cứ vào đó mà lên án Tu từ pháp. Platon đã công nhận rằng bên cạnh khoa học thuần túy còn có những ý kiến đúng với sự thực, mà sự quan trọng tạm thời trên phương diện thực tế của những ý kiến ấy không thể chối cãi được. Nhưng trong cuốn Gorgias, không thấy Platon nói gì tới phương pháp để tìm ra sự thực vừa kể ở trên. Trong cuốn Gorgias, Platon đã bút chiến với các học thuyết ngụy biện và tu từ.

Tất cả các chính khách thành Athènes đã bị Platon phê bình một cách nghiêm khắc, kể cả những người có danh tiếng nhất như Thémistoche, Cimon, Périclès, chỉ trừ có Aristide.

Platon có một thái độ như thế, có phải chăng là vì ông thiên về quí tộc? Xin thưa là không, là vì Aristide, theo cuốn « Hiến Pháp thành Athènes ) của Aristote, là đảng trưởng đảng bình dân. Như vậy, Platon chỉ đả kích các chính khách ở Athènes trên lãnh thuần túy triết lý và luân lý, ông ít để ý đến ý kiến chính trị đảng phái của họ. Ông công kích các chính khách đã khuyến khích bản tính hiếu chiến của dân, đã cho đóng tàu chiến, thiết lập những xưởng chế tạo vũ khí, xây thành đắp lũy, và đã thi hành một chính sách đế quốc, chứ không dạy dỗ cho dân xử sự công bình hơn và có tiết độ hơn. Platon đã lên án tất cả các chính khách không phân biệt các trường hợp đã bó buộc các chính khách phải có chính sách này hay chính sách khác, không phân biệt các trận chiến tranh xâm lăng ngoại quốc hay để bảo vệ đất nước. Theo ông thì bằng chứng rõ rệt nhất là các chính khách ấy đã tỏ ra là những lãnh tụ khiếm khuyết với nghĩa vụ của mình là việc các chính khách này, chẳng hạn như Cimon và Périclès, sau khi được nhân dân Athènes hoan nghênh nhiệt liệt đã bị nhân dân ruồng bỏ. Platon ví các quốc trưởng như những người chăn cừu, chăn ngựa, ông không lúc nào tự vấn xem một kẻ cưỡi ngựa giỏi có thể ngã ngựa được hay không?

Cuốn Gorgias khác hẳn với các cuốn đối thoại thư khác trong đó Périclès không bị chỉ trích một cách nghiêm khắc như thế. Trong cuốn Phèdre, Socrate ca ngợi sự thông minh và sự hoạt động hữu hiệu của Périclès. Sở dĩ Platon đã có một thái độ như trên là vì trong cuốn Gorgias, ông không đứng trên phương diện đảng phái hay thực tế, ông đã bênh vực một lý tưởng, một tôn giáo.

Và cũng chính vì thế mà cuốn Gorgias nếu có những đoạn tỏ ra là tác giả đã bất công đối với các người mà ông phẩm bình, thì trái lại, lại có những đoạn thật là hay, thật là đẹp. Mộng tưởng của Platon muốn được thấy trên trái đất này một nền công lý tuyệt đối không khiếm khuyết khiến cho các cá nhân và các quốc gia chỉ còn một mục đích là tìm cách đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ, thật là một mộng tưởng cao quý. Hơn nữa văn chương nhiều trang trong cuốn Gorgias rất phong phú và đó là những lời hay, ý đẹp nhất của Platon.

III

GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CỦA CUỐN GORGIAS

Trước hết, nên nói qua về những cái hay mà các bản đối thoại của Platon thường có, lời nói chuyện tự nhiên, lối hành văn phong vận tao nhã, tính cách của mỗi nhân vật một khác và phù hợp với vai trò của họ, tài làm nổi bật lên những chi tiết quan trọng, những hồi, những đoạn trong cuộc tranh luận.

Đáng để ý nhất là bản diễn văn của Calliclès và bản diễn văn của Socrate ở phần cuối cuộc đối thoại.

Calliclès đã nhập cuộc một cách rất hào hứng. Trong suốt thời gian Socrate tranh luận với Gorgias, rồi với Polos, Calliclès không nói gì cả, trừ ra chỉ nói một vài lời chào đón khách là Socrate và Chérophon lúc đầu mà thôi. Calliclès là người hoàn toàn tin tưởng vào tu từ pháp. Cho nên sau khi thấy Gorgias và Polos nhượng bộ trước Socrate, Calliclès đã nổi giận. Khi thấy Polos bị dồn vào ngõ bí trước lối biện luận của Socrate, Calliclès đã nhảy vào cuộc tranh luận với những tư tưởng rất mạnh mẽ và những lời nói rất hăng hái, sự can thiệp của Calliclès đã rất là đột ngột. Cuộc tranh luận đã hầu tàn lại trở nên sôi nổi Calliclès còn trẻ tuổi, lại là người giàu có, nhiều lòng tự tín, nên đã trình bày chủ nghĩa phi đạo đức với tất cả lòng xác tín của một tân tín đồ và tỏ vẻ thương hại thái độ thận trọng nhưng nhút nhát của Gorgias và Polos. Calliclès lại còn phóng đại chủ nghĩa trình bày, tưởng rằng làm như thế sẽ khiến cho đối phương đâm ra lúng túng. Luân lý mà Socrate giảng dạy là thứ luân lý của kẻ nô lệ, đó là thứ luân lý của đàn cừu đứng trước đàn sư tử. Luân lý chính đáng phải là luân lý của thiên nhiên chứ không phải của con người, đó là luân lý của sức mạnh. Có mạnh thì sẽ có mọi thắng lợi, ngoài ra mọi chuyện đều không đáng kể.

Trong các lời lẽ của Calliclès, ta nhận thấy học thuyết thiên nhiên đối lập với luật pháp của phái ngụy biện, nhưng Callicles đã trình bày học thuyết này với một tài hùng biện đặc sắc.

Calliclès đã hung hăng, kiêu ngạo từ đầu chí cuối; nhân vật này đã được Platon diễn tả rất đúng. Mặc dầu Calliclès đã bị Socrate đánh bại, y vẫn không chịu thua. Khi không còn phương thể nào để đối đáp với Socrate, y đã giả vờ khinh bỉ lối biện luận của đối phương không thèm trả lời. Gorgias giữ y lại thì y ở lại, nhưng để cho Socrate thuyết lý vào chỗ thinh không, chỉ trả lời chiếu lệ, mỗi lúc lại tỏ ra cho đối phương biết là y không để ý đến lời nói của đối phương.

Calliclès thật là một nhân vật linh động. Thái độ của Socrate đối với một người có tính khinh suất, lúc nào cũng phô trương thanh thể, lại tự cho mình là giỏi giang thật là cao cả ; trước hết, Socrate châm biếm họ nhẹ nhàng, sau rồi tư tưởng của ông tiến lên một cách dễ dàng tới tột đích. Thoạt tiên, ông phá tan lập luận của Calliclès theo đó luật pháp, — một sản phẩm của kẻ yếu để đối phó với kẻ mạnh, một sản phẩm của đàn cừu để đối phó với đàn mãnh sư –, trái ngược với thiên nhiên vì thiên nhiên lúc nào cũng chỉ muốn nhìn thấy mãnh sư và kẻ mạnh thẳng thế. Theo Socrate, một khi mà các kẻ yếu đã buộc được các kẻ mạnh phải tuân theo luật pháp của họ, lúc đó chính họ mới là những kẻ mạnh và lúc đó luật pháp phù hợp với thiên nhiên.

Socrate lần lượt mổ sẻ và phá tan các lý lẽ của Calliclès và cuộc tranh luận tiếp tục một cách tỉ mỉ hơi quá đáng nhưng dầu sao cũng mạnh mẽ. Cuối cùng, Calliclès chịu thua và thôi không tranh biện như trước nữa.

Lúc đó, mọi người yêu cầu Socrate thuyết trình các ý kiến của ông về đời sống hiện tại và đời sống vị lai. Trước hết Socrate nói về đời sống của một người công minh chính đại trong hiện tại, rồi nói về số mệnh dành cho người ấy sau khi đã chết đi.

Trong đoạn này, Socrate đã có một tài hùng biện riêng biệt, khác hẳn lối hùng biện thường thấy. Không có hoa hòe, hoa sói, không có những từ thức, lời lẽ không văn hoa, rất giản dị, nhưng khiến cho người đọc cảm thấy rõ rệt một tư tưởng diễn tiến đều đều để đi tới một lý tưởng cao siêu. Ta có cảm tưởng rằng diễn giả đương nghe theo một tiếng nói linh thiêng và tâm hồn của diễn giả đương tràn ngập một viễn ảnh. Khi ta rời bỏ các vật trần tục để tiến sang các vật của bên kia thế giới, khi ta rời bỏ thực tại để tiến tới chỗ thần bí, lời nói của Socrate vẫn sâu xa, mạnh mẽ. Lúc nào tư tưởng cũng diễn tiến đều đều, êm dịu, người đọc cảm xúc trước cảnh đẹp, trước sự xác tín của diễn giả và tiến tới mãi. Đó là cái hùng biện đặc biệt của Socrate trong đoạn cuối cuốn Gorgias.

IV

CUỘC ĐỐI THOẠI ĐÃ CÓ VÀO HỒI NÀO?

Trong một đoạn của cuốn Gorgias có nói tới cái chết của Périclès. Périclès mất năm 429. Nên biết rằng Gorgias đã được cử làm đại sứ của xứ Léontium tại Athènes lần đầu tiên vào năm 427. Như vậy, cuộc đối thoại diễn ra tại nhà của Calliclès đã có vào hồi đó. Tính theo tuổi của Démos, con của Pyrilampe, và là bạn của Calliclès theo cuốn Gorgias, thì cuộc đối thoại đã có vào khoảng năm 427. Nhưng có vài đoạn trong cuốn Gorgias đã kể lại vài sự kiện đã xảy ra sau năm 427 nhiều, chẳng hạn như việc Socrate được cử làm chủ tịch Quốc dân Hội nghị vào năm 406. Polos có nói tới Archélaos, vị bạo chúa xứ Macédoine, mà Archélaos đã lên ngôi vào năm 413. Vì vậy cho nên có người cho rằng cuộc đối thoại đã xảy ra vào năm 405.

Thực ra thì Platon không hề tôn trọng thời gian tính của các sự vật. Cuộc đối thoại có thể có vào hồi Gorgias làm Đại sứ ở Athènes, nhưng ở nhiều đoạn văn, Platon đã thêm thắt nhiều sự kiện đặng diễn tả tư tưởng của ông mà không tôn trọng nhật kỳ của những sự kiện ấy.

V

CUỐN GORGIAS ĐÃ ĐƯỢC SOẠN THẢO VÀO HỒI NÀO?

Vì không có bằng chứng cụ thể, cũng hơi khó để biết rõ cuốn đối thoại thư này đã được soạn thảo vào hồi nào? Cuốn đối thoại đượm màu học thuyết của Socrate khiến cho ta có thể cho rằng cuốn sách đã được viết ra vào hồi Platon mới dấn thân vào trường đời. Trong cuốn Gorgias có ám chỉ tới việc Socrate bị kết án, như vậy, có thể Platon đã viết cuốn Gorgias vào lúc trí óc ông chưa quên được việc ấy. Trái lại, trong những cuốn sách sau cùng của Platon, ông đã có sức tìm hiểu sự phức tạp của các sự vật. Dầu sao cũng không thể căn cứ vào những điều nói trên để biết rõ đích xác cuốn Gorgias đã được viết vào năm nào. Chỉ biết rằng cuốn Gorgias đã được soạn thảo cùng một lúc với cuốn Protagoras vào những năm 395 cho đến 390, hồi Platon trở về thành Athènes sau khi đã đi du lịch tại nhiều nơi xa xôi.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt