Triết học Hy Lạp

Thuyết Epicure

 

THUYẾT EPICURE

 

BRIAN DUIGNAN

NGUYỄN HUY CƯỜNG dịch

 


Nguồn: Brian Duignan (biên tập). Lịch sử triết học. Quyển 1: Triết học cổ đại. Britannica | Bản dịch tiếng Việt do nhóm dịch thuật gửi cho triethoc.edu.vn


 

Tư tưởng của Epicurus (341 – 270 TCN), người cùng thời với Zeno, cũng đã thiết lập nên một trường phái triết học phòng vệ trong một thế giới nhiễu nhương. Theo nghĩa hẹp, thuyết Epicure đơn giản chỉ là triết lý được răn dạy bởi Epicurus; Theo nghĩa rộng, đây là một hệ thống đạo đức học bao quát mọi quan niệm hay hình thức của cuộc sống có thể được tìm thấy trong các nguyên lý triết học của ông. Trong các cuộc luận chiến cổ đại, và thường xuyên kể từ đó, thuật ngữ này thậm chí được sử dụng theo nghĩa còn bao trùm hơn nữa (và rõ ràng là sai lầm) như tương đương với chủ nghĩa khoái lạc (hedoism), một học thuyết cho rằng khoái lạc hay hạnh phúc là cái thiện chủ yếu. Theo cách nói bình dân, thuyết Epicure có nghĩa là sự đắm chìm vào lạc thú, sự thoải mái, và cuộc sống cao cấp với phong cách tao nhã nhất định.

BẢN TÍNH CỦA THUYẾT EPICURE 

Có vài khái niệm nền tảng đặc trưng cho triết học của Epicurus. Trong vật lý học, là thuyết nguyên tử, một quan niệm cơ giới về tính nhân quả – tuy nhiên, vẫn bị hạn chế bởi ý tưởng về sự vận động tự phát, hay “sự chệch hướng” của các nguyên tử can thiệp vào tác động tất yếu của nguyên nhân vốn là sự vô hạn của vũ trụ và sự cân bằng của tất cả các lực bao quát các hiện tượng của nó theo chu kỳ; và sự tồn tại của các thần linh được nhận thức như có bản tính bất tử và được ban phước hoàn toàn tách biệt khỏi các sự kiện diễn ra trong trần thế. Trong đạo đức học, các khái niệm cơ bản là sự đồng nhất cái thiện với khoái lạc và  đồng nhất cái thiện tối cao và mục tiêu tối hậu với việc không có đau đớn về thể xác và tâm hồn – mà nếu vượt qua giới hạn này thì khoái lạc không tăng tiến mà chuyển hóa; việc quy giản các mối quan hệ con người về nguyên lý vị lợi, được thể hiện cao nhất trong tình bạn mà nhờ đó ta đồng thời vượt qua nguyên lý này;  và theo mục đích đó sự giới hạn tất cả ham muốn và việc thực hành các đức hạnh, sự thoái ẩn và một cuộc sống tĩnh lặng không làm mất đi lạc thú.

Về nguyên tắc, đạo đức lạc thú của Epicurus hoàn toàn đối lập với đạo đức bổn phận của phái Khắc kỷ. Tuy nhiên, hệ quả cả của hai trường phái đều giống như nhau: cuối cùng thì người theo phái Epicure cũng buộc phải sống chừng mực và công chính như người Khắc kỷ. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cực kỳ quan trọng nhất: Các bức tường của thành phố Khắc kỷ là những bức tường của thế giới và quy luật của nó là quy luật của lý trí; và những giới hạn của phái Epicure là giới hạn của một khu vườn và quy luật của nó là quy luật của tình bạn. Mặc dù khu vườn này cũng có thể vươn đến ranh giới của thế giới, trung tâm của nó luôn luôn là mỗi cá nhân con người.

CÁC TÁC PHẨM VÀ HỌC THUYẾT CỦA EPICURUS

Các bậc tiền bối của Epicurus bao gồm Leucippus và Democritus trong vật lý học, và Antiphon Sophista, Aristippus xứ Cyrene, và Eudoxus xứ Cnidus (một nhà hình học và thiên văn học) trong đạo đức học. Khác với những vị này, Epicurus có tinh thần hệ thống và tính thống nhất mà ông cố gắng mang lại cho mỗi ngành triết học. Ở khía cạnh này, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết học và các bài giảng của Aristoteles – kế thừa các điều cốt yếu trong học thuyết của Aristoteles và theo đuổi các vấn đề mà Aristoteles đã đề ra. Vào năm 306 TCN, Epicurus đã thành lập một trường phái trong khu vườn của ông tại Athens, được biết đến với cái tên trường phái Khu vườn.

Phù hợp với mục tiêu mà ông đã ấn định cho triết học, các bài giảng của Epicurus mang tính giáo điều [nghĩa là khẳng định mà không chứng minh–ND], trong nội dung lẫn hình thức. Ông gọi các luận thuyết của mình là dialogismoi, hay “những cuộc đàm luận”. Vì tính vị lợi của các học thuyết nằm trong việc ứng dụng, ông đã tóm lược chúng trong những điều gọi là stoicheia, hay “các nguyên lý cơ bản.” mà người theo thuyết này cần phải nhập tâm. Khối lương đồ sộ các tác phẩm của Epicurus và các môn đệ thể hiện một năng lực lý thuyết ấn tượng. Nhưng không kém phần quan trọng là hành động thực hành bằng cách sống theo các đức hạnh do ông giảng dạy và tôn trọng nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau vì tình bạn. Trong các nỗ lực này, Epicurus đã liên tục hỗ trợ các môn đệ ngay cả khi già yếu, ông vẫn chuyên tâm vào việc viết những lá thư răn dạy, hướng dẫn và an ủi – thuyết giảng khắp nơi sứ điệp của ông về sự an bình, và nhân danh lạc thú, mời gọi mọi người hướng đến tình yêu.

Đối với Epicurus, Triết học là nghệ thuật sống, nó vừa nhắm đến việc đảm bảo hạnh phúc đồng thời cung cấp phương tiện để đạt được nó. Còn đối với khoa học, Epicurus chỉ quan tâm đến mục tiêu thực tế trước mắt. Nếu có thể, ông ắt sẽ không dùng đến nó. Ông viết “Nếu chúng ta không gặp rắc rối bởi các thắc mắc về các hiện tượng của trời đất và cái chết, cũng như bởi sự thất bại trong việc hiểu được giới hạn của nỗi đau và ham muốn, ắt chúng ta chẳng cần đến khoa học tự nhiên làm gì”. Nhưng khoa học này lại yêu cầu một nguyên lý để đảm bảo cho sự khả thi và chắc chắn của nó, cũng như một phương pháp để xây dựng nó. Nguyên lý và phương pháp này chính là đối tượng của bộ quy tắc “Canon,” mà Epicurus dùng thay thế cho môn Logic. Tuy nhiên, vì ông viết bộ quy tắc “Canon” như là phần giới thiệu cho phần “Vật lý học”, công trình triết học của ông chia ra làm hai phần là “Vật lý học” và “Đạo đức học”.

Cái tên “Canon”, với nghĩa “quy tắc”, trích ra từ một công trình đặc biệt có tựa đề “Bàn về tiêu chuẩn, hay Bộ quy tắc (On the Criterion, or Canon).” Bộ quy tắc này cho rằng tất cả các cảm giác và biểu tượng đều đúng và đóng vai trò là các tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, lạc thú và nỗi đau là những xúc cảm cơ bản mà từ đó mọi cái khác đều có thể dựa vào. Trong số các tiêu chuẩn, cái được gọi là các gợi nhớ (Prolepsis) cũng được xem là đúng, chúng bao gồm một sự hồi tưởng về những gì thường trình diện ra cho ta từ ngoại giới. Do đó, con người phải luôn luôn bám vào những điều được suy nghĩ một cách căn nguyên trong quan hệ đến mỗi một ‘hạn từ’ và bám vào điều tạo nên bối cảnh của nó. Vì chân lý được chứng thực bởi mỗi tiêu chuẩn đều được phản ảnh trong các hiện tượng (phainomena), con người nên bám vào chúng, dùng chúng như là “các dấu hiệu”, và phải “phỏng đoán” những gì “không thể hiện ra”. Tuy nhiên, việc sử dụng các dấu hiệu và sự phỏng đoán sẽ dẫn đến cấp độ phán đoán, và suy nghĩ sẽ được nâng lên đến mức độ mà sai lầm có thể diễn ra, trạng thái này xảy ra ngay khi các hạn từ riêng biệt được gắn chặt vào một mệnh đề. Sai lầm, vốn là những gì “phán đoán của ta thêm vào” bằng chứng hiển nhiên, gồm có hai loại, một loại liên quan đến thứ gì vốn không phải là đối tượng của kinh nghiệm [thần linh chẳng hạn – ND], loại còn lại liên quan đến đối tượng của kinh nghiệm mà bằng chứng về nó thì còn mù mờ. Mỗi loại có một phương pháp riêng để kiểm tra. Áp dụng các nguyên lý và phương pháp trong bộ quy tắc “Canon”, Epicurus đã đi đến thuyết nguyên tử luận, giống như thuyết của nhà tự nhiên thời cổ đại Democritus, người đã dạy rằng các nguyên tử, khoảng không gian trống rỗng mà trong đó nguyên tử chuyển động, và các thế giới đều vô tận. Nhưng tương phản với Democritus, người đã theo con đường tư duy diễn dịch, cho rằng tri thức của các giác quan là không xác thực, Epicurus, lại theo con đường qui nạp, cho rằng chân lý là các cảm giác và quy giản trí tuệ thành cảm giác. Trên cơ sở toàn bộ các vấn đề mà Aristoteles đặt ra trong tác phẩm Vật lý học (Physics), Epicurus đã điều chỉnh toàn bộ lý thuyết cơ giới về nguyên nhân và vận động của Democritus và bổ sung vào đó khái niệm tính tất yếu tự nhiên, mà ông gọi là giới tự nhiên, và khái niệm nguyên nhân tự do, mà chỉ nó mới có thể giải thích sự tự do vận động của con người và động vật. Vì mục đích này, ông phân chia ra ba hình thức vận động của nguyên tử: một dạng tự nhiên là rơi theo đường thẳng, do sức nặng của nó; một dạng cưỡng bức do những tác động; và một dạng vận động nghiên tự do, hay có xu hướng chệch đi khỏi đường thẳng. Tiếp theo, ông hạn định lại các hình thức vận động của nguyên tử để giới hạn lại số lượng các phẩm tính khả giác, vì mỗi dạng sẽ sinh ra một loại phẩm tính riêng biệt, và ông chủ trương rằng thuyết nguyên tử toán học cũng như thuyết nguyên tử vật lý. Tuy nhiên, để tránh tính vô tận (infinity) của các phẩm tính khả giác được sinh ra từ tính vô tận của các cách kết hợp (nếu không phải là từ các cách kết hợp của nhiều loại nguyên tử), Epicurus đã phát triển qui luật về sự cân bằng phổ quát của tất cả các lực, hay sự bình đẳng (isonomy), dựa trên chính khái niệm sự vô tận này. Dựa vào quy luật này, khi gom các trường hợp vào trong một vòng tuần hoàn, ông đã thiết lập nền tảng cho lý thuyết quy hồi chu kỳ.

Là một phần trong vật lý học, tâm lý học của Epicurus cho rằng linh hồn phải là thực thể. Nó được tạo thành từ những nguyên tử vô cùng mỏng manh, thuộc bốn loại khác nhau – động (motile), tĩnh (quiescent), hỏa (igneous), và ê-tê (ethereal) – loại cuối cùng, mỏng manh nhất và linh hoạt nhất, dùng để lý giải cho cảm năng và tư duy. Từ một góc nhìn khác, với cấu tạo như vậy, linh hồn gồm hai phần: một phần phân tán trong toàn bộ cơ thể và phần còn lại tập trung trong trái tim. Phần thứ nhất là trú sở của các cảm giác và các tác động thể chất về đau đớn và lạc thú; phần thứ hai (hoàn toàn không có liên hệ với phần thứ nhất) chính là tâm lý chính hiệu – là trú sở của tư tưởng, cảm xúc, và ý chí. Tư duy không phải do sự truyền dẫn các vận động cảm giác mà do việc tri giác hình ảnh được tạo thành bởi các màng mỏng liên tục được phát ra từ tất cả vật thể và, vẫn giữ nguyên hình dạng, đến với tâm lý qua các lỗ chân lông. Sự tự trị và tự do hoàn toàn của tâm lý được đảm bảo, khi mà nhờ vào sự lĩnh hội, nó tóm lấy ở mỗi khoảnh khắc những hình ảnh mà nó cần, trong khi vẫn làm chủ các xúc cảm của nó.

Đối tượng của đạo đức học là nhằm xác định mục đích và những phương tiện cần thiết để đạt được nó. Trực nhận từ trải nghiệm, Epicurus đã dựa vào thế giới động vật để tìm lời giải. Từ trực nhận này, ông rút ra kết luận rằng mục đích chính yếu là lạc thú. Ông phân biệt ra hai loại – lạc thú “động (kinetic)” thuộc giác quan và lạc thú “tĩnh (static)”, cốt yếu ở sự vắng mặt nỗi đau – và chủ trương lạc thú giác quan là tốt, mặc dù nó không tốt khi xét đơn thuần là sự vận động nhưng đúng hơn là sự vận động thuận theo bản tính của giác quan thu nhận. Về bản chất, lạc thú là trạng thái cân bằng giữa cái tồn tại với chính nó, hiện hữu bất cứ nơi nào không có nỗi đau.

Epicurus kết luận rằng “thoát khỏi nỗi đau thể xác và phiền não trong tinh thần” là mục tiêu tối hậu của cuộc sống hạnh phúc. Những mất mát và thuận lợi sau khi đạt được bất kỳ ham muốn nào nào phải được đo lường bằng sự tính toán, thậm chí nỗi đau cần phải được đương đầu bằng lòng can đảm nếu lạc thú tiếp sau đó sẽ lâu dài hơn.

Tuy nhiên, khi đem mệnh lệnh trên vào cuộc sống, người minh triết cũng phải đảm bảo sự an toàn cho chính họ. Ta có thể đạt được điều này theo hai phương cách – bằng cách tiết giản nhu cầu bản thân đến mức tối thiểu và thoái ẩn, tránh xa những tranh giành của con người và phiền nhiễu của thế gian, để “sống ẩn dật"; và bằng cách gắn kết giao ước của tình bằng hữu riêng tư vào giao ước cộng đồng mà chính từ đó luật pháp phát sinh. Chắc chắn là tình bằng hữu bắt nguồn từ lợi ích; nhưng một khi được hình thành, nó trở thành mục đích tự thân. Epicurus còn thêm rằng “vì yêu quý tình bạn mà ta thậm chí phải đặt chính tình yêu đó vào sự nguy hiểm"; Vì mỗi tồn tại, khi cô quạnh, đều cần đến tồn tại khác. Ông viết “Khi ăn uống mà không có bạn bè ta sẽ ngấu nghiến như loài sói hay sư tử”. Do đó, ích lợi tự thăng hoa và biến thành tình yêu. Nhưng vì mọi tình yêu đều dũng cảm, thì đối với người minh triết “nếu bạn của họ bị cực hình”, họ “sẽ đau khổ như chính mình đau khổ” và, nếu cần,  “sẽ hy sinh vì bạn mình”. Do đó, khi dấn thân vào một thế giới đẫm máu thời bấy giờ, Epicurus đã kêu gọi: “Tình bạn là một màn luân vũ trên thế gian mang đến cho ta những lời hiệu triệu để thức tỉnh và ngợi ca”.

Nếu sự bất hạnh của con người chỉ bắt nguồn từ những ham muốn hão huyền của bản thân và nguy hiểm phàm tục, thì sự minh triết này chỉ cần được dựa trên sự khôn ngoan là đủ. Nhưng bên cạnh những nguyên nhân này của bất hạnh còn có thêm hai nỗi khiếp sợ nữa: khiếp sợ cái chết và quỷ thần. Tuy nhiên, nếu khoa học có hiệu quả trong việc phát hiện ranh giới của dục vọng và (như đã thấy) trong việc chế ngự nỗi khiếp sợ thánh thần, nó cũng có khả năng xoa dịu nỗi khiếp sợ cái chết. Xem linh hồn như một thực thể trong một thực thể khác, khoa học hình dung rằng khi thân xác tan rã thì linh hồn cũng tan biến theo. Cái chết, khi đó, “không là gì cả đối với ta, bao lâu chúng ta còn sống, cái chết sẽ không ở cùng ta; nhưng khi cái chết xuất hiện, ta sẽ không còn tồn tại nữa.” Người ta sợ cái chết không chỉ vì những gì chờ đợi họ ở cõi bên kia mà còn vì chính bản thân nỗi khiếp nợ cái chết. “Tôi không sợ hãi cái chết” nhà hài kịch Epicharmus xứ Cos tuyên bố: “tôi chỉ không muốn chết mà thôi.” Chính cái ý tưởng về việc không còn tồn tại gieo rắc nỗi sợ hãi mà Epicurus xem là nguyên nhân của các xúc cảm làm đau đớn linh hồn và xáo trộn cuộc sống con người. Để chống lại nó, Epicurus đã biện luận rằng nếu lạc thú là hoàn hảo trong mỗi khoảnh khắc và “thời gian vô hạn chẳng có lạc thú nhiều hơn lạc thú trong thời gian hữu hạn, nếu ta dùng lý tính để đo lường những giới hạn của khoái lạc thì,” khi đó mọi khao khát bất tử đều là vô ích. Do đó, người học trò xuất sắc nhất của Epicurus là Metrodorus xứ Lampsacus, đã có thể thốt lên, “Tôi đã và đang sống (bebiōtai)”, và chỉ như vậy là quá đủ. Một người khi đã chế ngự được nỗi khiếp sợ cái chết thì cũng có thể khinh miệt khổ đau, mà nỗi đau này “nếu kéo dài thì sẽ nhẹ nhàng, và nếu dữ dội thì sẽ ngắn ngủi” và mang cái chết lại nhanh hơn. Người minh triết chỉ cần thay thế hình ảnh của nỗi đau hiện diện trong thể xác bằng hình ảnh ân huệ được thụ hưởng, anh ta có thể hạnh phúc ngay cả khi “bị nung trong con bò sắt của bạo chúa Phalaris”. Điển hình đẹp nhất là khi Epicurus nói vào giây phút lâm chung:

“Ngày hạnh phúc nhất là ngày tôi viết cho bạn…Những đau đớn mà tôi cảm nhận…cũng không thể dữ dội hơn. Nhưng tất cả nỗi đau này đã bị nén xuống bởi niềm hạnh phúc mà tâm hồn tôi đang trải nghiệm, khi hồi tưởng lại những cuộc đàm luận của chúng ta trong thời dĩ vãng”

Ông đã tập trung toàn bộ sự minh triết cuối cùng vào tác phẩm Tetrapharmacon, được Philodemus lưu giữ: “Thánh thần không phải là để kính sợ. Cái chết không phải là thứ mà ta phải khiếp sợ. Cái thiện dễ dàng đạt được. Cái xấu dễ dàng chịu đựng.”

Vì đặc tính giáo điều và mục đích thực hành, triết học của Epicurus không phải để phát triển thêm, ngoại trừ trong các cuộc tranh luận và ứng dụng đối với các chủ đề mà Epicurus chỉ nghiên cứu một cách ngắn gọn hoặc chưa bao giờ đề cập đến. Triết học của Epicurus về cơ bản vẫn còn y nguyên. Khi chân lý đã được tìm ra, ta không cần phải bàn luận gì nữa, đặc biệt khi nó hoàn toàn thỏa mãn mục đích mà bản tính con người hướng đến. Điều cốt yếu là nhận ra được mục đích này; tất cả những điều còn lại sẽ tự xuất hiện, và không còn bất cứ việc gì để làm ngoại trừ việc đi theo Epicurus, “người giải thoát” và “bậc cứu rỗi”, và phải khắc ghi “những lời sấm truyền” của ông. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt