Triết học Hy Lạp

Thuyết Hoài nghi

THUYẾT HOÀI NGHI

 

BRIAN DUIGNAN

NGUYỄN HUY CƯỜNG dịch

 


Nguồn: Brian Duignan (biên tập). Lịch sử triết học. Quyển 1: Triết học cổ đại. Britannica | Bản dịch tiếng Việt do nhóm dịch thuật gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

Thuyết hoài nghi, được khởi xướng bởi Pyrrhon xứ Elis (360 – 272 TCN), một triết gia cùng thời với Zeno, nhìn chung đã có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ tri thức chi tiết về nền triết học Hy Lạp hóa. Tầm quan trọng của Pyrrhon trong lịch sử triết học thể hiện ở sự kiện là một trong những người ủng hộ học thuyết của ông sau này, Sextus Empiricus (nổi danh vào thế kỷ 3 CN), đã viết một tác phẩm đồ sộ Chống lại các nhà giáo điều (Pros dogmatikous), qua đó ông đã cố gắng bác bỏ tất cả các triết gia có quan điểm lạc quan, và khi thực hiện điều này ông đã trích dẫn dày đặc các tác phẩm của họ, nhờ đó chúng được giữ lại nhiều mà nếu không thì ắt hẵn đã thất truyền.

Ở phương Tây, thái độ triết học hoài nghi bắt đầu xuất hiện vào thời Hy Lạp cổ đại khoảng thế kỷ thứ 5 TCN. Các triết gia trường phái Elea (những người có liên hệ với thành quốc Hy Lạp Elea tại Ý) đã bác bỏ sự tồn tại của cái đa thể và biến dịch, quan niệm về thực tại như là cái Một tĩnh tại, và họ phủ nhận rằng thực tại có thể được mô tả theo các phạm trù kinh nghiệm thông thường. Ngược lại, Heracleitus và môn đệ Cratylus lại cho rằng thế giới tồn tại trong một trạng thái biến dịch mà không có một chân lý vĩnh cửu và thường hằng nào về nó mà ta có thể tìm được; đồng thời Xenophanes, một triết gia và thi sĩ lang thang, hoài nghi rằng liệu con người có thể phân biệt tri thức đúng đắn với sai lầm hay không.

Một hình thức phát triển hơn của thuyết hoài nghi đã xuất hiện trong một vài quan điểm được cho là của Socrates và một số biện sĩ nhất định. Socrates, như được khắc họa trong các đối thoại sơ kỳ của người môn đệ Platon, luôn luôn truy vấn những khẳng quyết tri thức của người khác; trong đối thoại Tự biện (Apology), Socrates đã khẳng định một điều bất hủ rằng, tất cả những gì ông thật sự biết chính là việc ông không biết gì cả. Đối thủ của Socrates, nhà biện sĩ Protagoras, quả quyết rằng “con người là thước đo của vạn vật”, một luận điểm được xem là ám chỉ một dạng của tương đối luận hoài nghi: không có quan điểm nào là đúng một cách tối hậu hay khách quan, mỗi quan điểm thực sự chỉ đơn thuần là ý kiến cá nhân. Một biện sĩ khác, Gorgias, đề xuất luận điểm hư vô – hoài nghi cho rằng không có gì tồn tại; và, nếu có điều gì tồn tại, thì cũng không thể biết được; và, nếu có thể biết được, thì cũng chẳng thể nào truyền đạt được.

Pyrrhon xứ Élis (365-275 TCN)

 

Tuy nhiên, người thường được xem là cha đẻ của chủ nghĩa hoài nghi Hy Lạp là Pyrrhon, ông đã thực hiện một nỗ lực hiếm có khi cố gắng sống theo thuyết hoài nghi của mình. Ông tránh ràng buộc mình với bất kỳ quan điểm nào bàn luận về vấn đề thế giới thật sự là gì và chỉ hành động thuận theo các hiện tượng. Bằng phương cách này, ông tìm kiếm hạnh phúc, hay ít nhất là sự an tĩnh trong tinh thần.

Trường phái triết học hoài nghi đầu tiên đã phát triển trong Hàn lâm viện vào thế kỷ thứ 3 TCN, ngôi trường do Platon sáng lập, và do đó được gọi là thuyết hoài nghi của Hàn lâm viện. Khởi nguyên từ học thuyết hoài nghi của Socrates, những người lãnh đạo của Hàn lâm viện, gồm Arcesilaus và Carneades, trình bày một loạt các luận cứ nhận thức luận nhằm chứng tỏ rằng ta chẳng thể biết được bất kỳ điều gì, chủ yếu thách thức hai trường phái lỗi lạc vào thời đó – trường phái Khắc kỷ và trường phái Epicure. Họ phủ nhận bất kỳ tiêu chuẩn nào có thể được tìm thấy nhằm phân biệt giữa đúng và sai; thay vào đó, ta chỉ có thể thiết lập những tiêu chuẩn hợp lý và gần đúng. Chủ nghĩa hoài nghi hạn chế hay gần đúng này là quan điểm của Hàn lâm viện kéo dài đến tận thế kỷ thứ 1 TCN, khi Cicero – một triết gia La Mã và nhà hùng biện – còn là môn sinh tại đây. Hai tác phẩm Hàn lâm viện (Academica) và Về bản tính của thần thánh (De natura deorum) chính là nguồn tài liệu chính yếu của tri thức hiện đại về xu hướng này. (Năm thế kỷ sau, Thánh Augustine đã soạn thảo tác phẩm Chống Hàn lâm viện (Contra academicos) nhằm chống lại quan điểm của Cicero).

Một hình thức trọng yếu khác của chủ nghĩa hoài nghi cổ đại là thuyết Pyrrhon, rõ ràng được phát triển bởi các y sĩ theo thuyết hoài nghi ở thành phố Alexandria. Khởi đầu với Aenesidemus (vào thế kỷ thứ nhất TCN), phong trào này, được đặt theo tên của Pyrrhon, chỉ trích những nhà hoài nghi thuộc Hàn lâm viện vì họ đã khẳng định là họ biết quá nhiều – nghĩa là phong trào này khẳng định là không thể biết được điều gì và chỉ có những thứ khả dĩ hơn những thứ khác mà thôi. Những người theo thuyết Pyrrhon đề xuất một loạt các phép chuyển nghĩa (tropes), hay là những cách thức chống lại các khẳng quyết khác nhau về tri thức, nhằm thực thi epochẽ (việc treo lại sự tin chắc). Quan điểm của người theo thuyết Pyrrhon được gìn giữ trong các tác phẩm của một trong các nhà lãnh đạo cuối cùng của họ, Sextus Empiricus (sống vào thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba sau CN). Trong hai tác phẩm Đề cương của thuyết Pyrrhon (Outlines of Pyrrhonism) và Chống các nhà toán học (Adversus mathematico) của mình, Sextus đã trình bày các phép chuyển nghĩa được phát triển bởi những người tiền bối thuộc thuyết Pyrrhon. Mười phép chuyển nghĩa được cho là của Aenesidemus đã chỉ ra những khó khăn xuất hiện khi cố gắng xác định tính đúng đắn hay tính tin cậy của các phán đoán dựa vào các thông tin giác quan, do  sự đa dạng và khác biệt tri giác của con người và động vật. Những luận cứ khác đưa ra những khó khăn trong việc xác định liệu có bất kỳ tiêu chuẩn hay chuẩn mực đáng tin cậy nào – logic học, lý tính hay các lĩnh vực khác – cho việc phán đoán bất kỳ điều gì là đúng hay sai hay không. Để giải quyết bất kỳ sự bất đồng nào, dường như cần phải có một tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bất kỳ tiêu chuẩn có mục đích nào phải dựa trên một tiêu chuẩn khác – vì thế mà dẫn đến một sự thoái bộ vô tận của tiêu chuẩn - hoặc là dựa ngay trên chính nó, mà điều này là một vòng luẩn quẩn. Sextus đưa ra các luận cứ thách thức bất kỳ khẳng định nào của các triết gia giáo điều cho rằng họ biết nhiều hơn những điều hiển nhiên, và khi làm việc này, ông đã trình bày, dưới hình thức này hay hình thức khác, hầu như tất cả các luận cứ hoài nghi mà mãi còn xuất hiện trong các nền triết học sau này.

Sextus nói rằng các luận cứ của ông nhằm dẫn dắt con người đến trạng thái ataraxia (trạng thái tĩnh tâm). Những người nghĩ rằng họ có thể hiểu được thực tại sẽ luôn rơi vào trạng thái phiền muộn và thất vọng. Tuy nhiên, nếu như họ được hướng dẫn để gác lại phán đoán, họ có thể tìm thấy sự tĩnh tâm. Ở trạng thái gác lại này, họ sẽ không khẳng định cũng như không phủ nhận tính khả thi của tri thức mà sẽ duy trì sự bình yên, vẫn chờ xem những gì có thể xảy đến. Những người theo thuyết Pyrrhon không trở nên thụ động khi ở trong trạng thái gác lại mà sống một cách không giáo điều, thuận theo các hiện tượng, các tập tục, và các khuynh hướng tự nhiên.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt