Triết học Hy Lạp

Thuyết Khắc kỷ

 

THUYẾT KHẮC KỶ

 

BRIAN DUIGNAN

NGUYỄN HUY CƯỜNG dịch

 


Nguồn: Brian Duignan (biên tập). Lịch sử triết học. Quyển 1: Triết học cổ đại. Britannica | Bản dịch tiếng Việt do nhóm dịch thuật gửi cho triethoc.edu.vn


 

Thuyết Khắc kỷ là một trong những trường phái triết học cao thượng và siêu việt nhất trong sử sách nền văn minh Tây phương. Khi cổ vũ sự tham gia vào các hoạt động con người, các nhà Khắc kỷ tin rằng mục tiêu của mọi tra vấn là nhằm trang bị cho cá nhân một cung cách hành xử đặc trưng bằng sự thanh tịnh trong tâm hồn và sự vững chắc của những giá trị đạo đức.

BẢN TÍNH VÀ PHẠM VI CỦA THUYẾT KHẮC KỶ 

Đối với triết gia Khắc kỷ đầu tiên, cũng như đối với các trường phái hậu-Aristoteles, tri thức và sự theo đuổi tri thức không còn được cho là mục tiêu tự thân nữa. Thời kỳ Hy Lạp hóa là một thời kỳ quá độ, và các triết gia Khắc kỷ có lẽ chính là những người phát ngôn có ảnh hưởng nhất. Một nền văn hóa mới dần được hình thành. Di sản của thời kỳ trước đó với thành quốc Athens như người lãnh đạo trí tuệ, vẫn được tiếp nối, nhưng chịu nhiều biến đổi. Nếu đối với Socrates biết tức là biết chính mình, thì đặc trưng dấu hiệu của các nhà Khắc kỷ là lý tính (reasonality) như là con đường duy nhất mà cá nhân có thể hiểu một thứ gì đó ở bên ngoài. Với tư cách là nền triết học Hy Lạp hóa, thuyết Khắc kỷ đã đưa ra khái niệm nghệ thuật sống (ars vitae), là phương cách thích nghi dành cho những người mà đối với họ thân phận con người không còn là tấm gương phản ảnh sự hiện hữu có trật tự, yên bình và phổ quát. Chỉ duy có lý trí là có thể vén mở tính thường hằng của trật tự vũ trụ và nguồn cội uyên nguyên của các giá trị vững chắc; vì vậy, lý tính đã trở thành hình mẫu đích thực cho sự hiện hữu con người. Đối với nhà Khắc kỷ, đức hạnh là một đặc điểm cố hữu của thế giới, không kém vững chắc hơn những luật tự nhiên trong thế giới con người.

Phái Khắc kỷ tin rằng tri giác là nền tảng của tri thức đích thực. Trong logic học, sự trình bày toàn diện của họ về chủ đề này bắt nguồn từ tri giác, không chỉ tạo ra phán đoán rằng tri thức là khả dĩ mà còn phán đoán rằng ta có thể đạt được tri thức hoàn toàn chắc chắn. Đối với họ, thế giới được tạo thành bởi các sự vật vật chất, tuy có vài ngoại lệ ( như “ý nghĩa”), và yếu tố không thể qui giản có trong vạn vật chính là lý tính chính trực, tỏa khắp vũ trụ như ngọn lửa thần thánh. Các sự vật, chẳng hạn như vật thể vật chất hay hữu hình, bị chi phối bởi lý tính này hay định mệnh, mà trong đó đức hạnh là một thuộc tính cố hữu. Thế giới trong thể toàn vẹn choáng ngợp được quy định chặt chẽ đến mức trưng ra sự hùng vĩ của sự sắp xếp trật tự chỉ dùng làm một chuẩn mực cho con người trong việc điều tiết và sắp đặt cuộc sống của họ. Do đó, mục tiêu của con người là sống thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiết kế của thế giới. Lý thuyết đạo đức Khắc kỷ cũng dựa trên quan điểm rằng thế giới, như là một thành quốc vĩ đại, là một nhất thể. Mỗi cá nhân, như là một công dân thế giới, phải có nghĩa vụ và lòng trung thành đối với mọi thứ trong thành quốc đó. Họ phải đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề của thế giới, và phải nhớ rằng thế giới tiêu biểu cho đức hạnh và hành động chính trực. Vì vậy, phái Khắc kỷ đặc biệt nhấn mạnh các giá trị đạo đức, nghĩa vụ, công chính, cùng với sự nghiêm khắc nhất định của tâm hồn. Vì người đạo đức thì không khoan dung cũng chẳng trắc ẩn, bởi các hành động đó đều lệch khỏi nghĩa vụ và tính tất yếu định mệnh vốn là thứ qui định thế giới. Tuy vậy ‒ cùng với sự cao quí trong tâm hồn và việc nhấn mạnh vào các giá trị cốt yếu của toàn nhân loại ‒ những chủ đề về tình bằng hữu phổ quát và tính rộng lượng của bản tính thần thánh đã làm cho thuyết Khắc kỷ trở thành một trong những loại triết học lôi cuốn nhất.

THUYẾT KHẮC KỶ HY LẠP SƠ KỲ

Zeno xứ Citium (334-262 TCN)

Với sự qua đời của Aristoteles (322 TCN) và Alexander đại đế (323 TCN), sự vĩ đại của đời sống và tư tưởng của thành quốc Hy Lạp đã cáo chung. Athens đã không còn là tâm điểm hấp dẫn của thế giới nữa, vị thế tao nhã và nét văn hóa lỗi lạc của nó đã chuyển qua các thành quốc khác – đến Rome, Alexandria (hiện nay thuộc về Ai Cập – ND), và Pergamum (hiện nay thuộc về Thổ Nhĩ kỳ – ND). Thành quốc Hy Lạp đã phải nhường chỗ cho các đơn vị chính trị rộng lớn hơn; sự cai trị địa phương đã bị thay thế bằng sự cai trị của kẻ thống trị từ xa. Sự phân biệt trước đây giữa người Hy Lạp và người dã man (không phải là người Hy Lạp – ND) đã bị phá hủy; lòng trung thành với bộ lạc và địa phương đã bị bẻ gãy, trước tiên là bởi Alexander sau đó là bởi đạo quân La Mã. Sự mất tự do của các dân tộc phụ thuộc đã thúc đẩy thêm sự băng hoại của khái niệm con người tự do và dẫn đến việc tuân theo bổn phận và phục vụ cho người cai trị mà sức mạnh đạo đức của họ chẳng còn mấy ý nghĩa. Sự mật thiết về trật tự, vũ trụ và công dân trước đây, nay được thay thế bởi các rối loạn xã hội và chính trị; và các phong tục truyền thống đã nhường chỗ cho các giá trị phù du và bấp bênh.

Phái Khắc kỷ xuất hiện trong một thế giới đang thay đổi, trong đó các qui tắc về phẩm hạnh và phương thức hiểu biết trước đây đã tỏ ra không còn phù hợp nữa. Nhưng nó cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi các nguyên lý của các trường phái trước đó. Trong số vài trường phái triết học xuất phát từ Socrates, thì trường phái Cynic và Megarian đã ảnh hưởng đến sự phát triển ban đầu của thuyết Khắc kỷ: các nhà Cynic nhấn mạnh cuộc sống đơn giản, không khoa trương và thoát khỏi các vướng bận cảm xúc; các nhà Megarian chuyên nghiên cứu về biện chứng, hình thức logic và các nghịch lý. 

Phái Khắc kỷ được đặt theo tên của địa danh mà người sáng lập, Zeno xứ Citium (Cyprus), thường hay diễn thuyết – Đại sảnh Stoa Poikile (Painted Colonnade) [một sảnh rộng có nhiều cột có nhiều bức bích họa – ND]. 

Zeno, người nổi danh vào đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, đã cho thấy trong học thuyết của ông sự ảnh hưởng của các quan điểm Hy Lạp trước đó, đặc biệt là từ những trường phái được đề cập ở trên. Rõ ràng là ông vô cùng thông thạo về tư tưởng của Platon, vì ông đã học với Xenocrates xứ Chalcedon và với Polemon xứ Athens tại Hàn lâm viện của Platon, là những người liên tiếp đứng đầu Hàn lâm viện. Zeno đã thực hiện việc phân chia triết học ra thành ba ngành: logic học, vật lý học và đạo đức học. Ông cũng đã thiết lập các học thuyết chính yếu của phái Khắc kỷ trong mỗi ngành, vì vậy những nhà Khắc kỷ sau này đã mở rộng hơn là thay đổi triệt để quan điểm của người sáng lập. Với vài ngoại lệ (trong logic học), Zeno quả thực đã xác lập bộ khung cho triết học Khắc kỷ bằng những chủ đề sau: logic là công cụ chứ không phải là mục đích tự thân; hạnh phúc con người là kết quả của cuộc sống thuận theo tự nhiên; lý thuyết vật lý có vai trò như là các phương tiện xác định hành động chính trực; tri giác đóng vai trò là nền tảng cho các tri thức chắc chắn; con người minh triết là mẫu hình cho sự ưu việt của con người; các mô thức của Platon là không có thực; tri thức đích thực thì luôn đi kèm với sự đồng thuận; bản thể nền tảng của tất cả các thực thể đang tồn tại là một ngọn lửa thần thánh, các nguyên lý phổ quát của ngọn lửa đó là (1) bị động (vật chất) và (2) chủ động (lý trí cố hữu trong vật chất); niềm tin vào sự đại hỏa thiêu và tái sinh của thế giới; niềm tin vào tính hữu hình của vạn vật; niềm tin vào tính nhân quả định mệnh kết hợp vạn vật một cách tất yếu; thuyết công dân thế giới, hay quan điểm văn hóa vượt lên lòng trung thành hạn hẹp; và bổn phận cá nhân, hay nghĩa vụ, để chỉ lựa chọn những hành động phù hợp với tự nhiên, còn các hành động khác thì đều không quan trọng.

Cleanthes xứ Assos, đã nối nghiệp Zeno làm người đứng đầu trường phái Khắc kỷ, được biết đến nhiều nhất nhờ tác phẩm Thánh ca tặng Zeus (Hymn to Zeus), mô tả thật cảm động lòng tôn kính của nhà Khắc kỷ đối với trật tự vũ trụ, sức mạnh của lý trí và qui luật phổ quát. Người đứng đầu thứ ba của trường phái Khắc kỷ là Chrysippus xứ Soli, sống vào cuối thế kỷ thứ 3, có lẽ là người vĩ đại nhất và chắc chắn là người có nhiều thành tựu nhất trong những nhà Khắc kỷ sơ kỳ. Ông đã cống hiến sức lực đáng kể cho sự phát triển hầu như toàn diện các chủ đề của Zeno trong lĩnh vực logic học, vật lý học và đạo đức học. Đặc biệt trong logic học, ông đã bảo vệ những khái niệm như tri thức tất định, sự trình bày toàn diện, mệnh đề và luận cứ, chân lý và tiêu chuẩn của nó, và sự đồng thuận chống lại các nhà logic theo trường phái Megarian và các nhà theo trường phái hoài nghi. Tác phẩm của ông về logic mệnh đề, trong đó nghiên cứu về những mệnh đề không được phân tích nối kết với nhau bằng các từ nối [các từ nối kết như: nếu…thì, và, hoặc, hoặc là…hoặc là, v.v. – ND], đã đóng góp quan trọng cho lịch sử logic học cổ đại và đặc biệt phù hợp với sự phát triển gần đây của logic học.

Trong vật lý học, Chrysippus đã nổ lực chỉ ra rằng định mệnh và ý chí tự do không phải là các đặc điểm khái niệm loại trừ nhau trong học thuyết Khắc kỷ. Ông phân biệt thêm giữa “toàn bộ (whole)” và “tất cả (all)”, hay “vũ trụ (universe)”, biện luận rằng cái toàn bộ là thế giới, trong khi cái tất cả là cái trống rỗng bên ngoài cùng với thế giới. Quan điểm của Zeno rằng nguồn gốc của con người được tạo ra theo mệnh trời bởi “lý tính bùng cháy (fiery reason)” từ vật chất đã được Chrysippus mở rộng thêm bằng khái niệm tự-bảo tồn chi phối mọi sinh vật. Một quan điểm khác trước đó (cũng của Zeno), xem thiên nhiên là mô hình cho cuộc sống, đã được nhấn mạnh đầu tiên bởi Cleanthes và sau này bởi Chrysippus. Lời kêu gọi của Zeno về cuộc sống “thuận theo thiên nhiên” rõ ràng vẫn còn mập mờ, bởi vì theo Cleanthes có lẽ là cần phải nói về cuộc sống thuận theo thiên nhiên được nhận thức như là thế giới nói chung (toàn vũ trụ), trong khi Chrysippus lại phân biệt giữa thiên nhiên của thế giới và thiên nhiên của con người. Do đó, hành xử tốt là hành động hợp với cả thiên nhiên của con người lẫn thiên nhiên của vũ trụ. Chrysippus cũng mở rộng quan điểm của phái Khắc kỷ rằng các lý do phôi thai chính là động lực thúc đẩy các vận động sống.

Ông đã xác lập vững chắc rằng logic và (đặc biệt là) vật lý học là tất yếu và là phương tiện để phân biệt thiện và ác. Do đó, hiểu biết về vật lý (hoặc thần học) là điều kiện cần thiết trước khi định hình đạo đức học. Quả thực, vật lý học và logic học chủ yếu có giá trị trong chính mục đích này. Chrysippus đã đề cập hầu hết đặc điểm trong thuyết Khắc kỷ và nghiên cứu chúng tỉ mĩ đến nỗi kể từ ông trở đi các điểm trọng yếu của trường phái này hầu như rất ít thay đổi.

THUYẾT KHẮC KỶ LA MÃ HẬU KỲ 

Phái Khắc kỷ Stoa trung kỳ, phát triển rực rỡ vào thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, được dẫn dắt chủ yếu bởi hai người xứ Rhodes: Panaetius, người sáng lập, và Poseidonius, học trò ông. Panaetius đã lập ra phái Khắc kỷ tại Rome trước khi quay về Athens, còn Poseidonius chịu trách nhiệm chính trong việc nhấn mạnh các đặc điểm tôn giáo của học thuyết. Cả hai đều chống lại học thuyết đạo đức của Chrysippus, người mà họ tin rằng đã quá xa rời nguồn cội Platon và Aristoteles của thuyết Khắc kỷ. Điều này có thể là do Panaetius và Poseidonius sống tại Rome nơi mà phái Khắc kỷ Stoa đã chuyển đổi trọng tâm của nó sang các chủ đề về luân lý và tôn giáo quá nhiều trong phạm vi thuyết Khắc kỷ. Cicero đã đánh giá rất cao Panaetius và dùng ông làm hình mẫu cho các tác phẩm của mình. Poseidonius, môn đệ của Panaetius tại Athens, đã giảng dạy cho Cicero tại ngôi trường của ông tại Rhodes và sau đó đến Rome và lưu lại đây một thời gian cùng với Cicero. Ngay cho dù Poseidonius ngưỡng mộ Platon và Aristoteles, ông vẫn đặc biệt quan tâm nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và thiên hựu, không giống với hầu hết những người trong trường phái của ông. Khi trình bày hệ thống tư tưởng của phái Khắc kỷ trong quyển hai của tác phẩm Về bản chất của thần thánh (De natura deorum, vào năm 45 TCN), có lẽ Cicero chủ yếu là theo học thuyết của Poseidonius. Vì thầy của ông, Panaetius, quan tâm chính yếu đến các khái niệm bổn phận và nghĩa vụ, nên chính các nghiên cứu của Panaetius là hình mẫu cho tác phẩm Bàn về Bổn Phận (De officiis, vào năm 44 TCN) của Cicero. Hecaton, một môn đệ khác của Panaetius và là một triết gia năng nổ của phái Khắc kỷ, cũng nhấn mạnh những chủ đề đạo đức tương tự.

Nếu Chrysippus được tán dương vì sự cần mẫn của ông trong việc bảo vệ logic và nhận thức luận của phái Khắc kỷ chống lại phái hoài nghi trong Tân hàn lâm viện (thế kỷ 3 – 2 TCN), thì công lao chính của Panaetius và Poseidonius là việc phổ biến rộng rãi thuyết Khắc kỷ tại Rome. Chính việc họ chuyển hướng học thuyết vào các chủ đề triết học đạo đức và khoa học tự nhiên đã lôi cuốn những người La Mã cực kỳ thực tế. Có lẽ thời đại đó đòi hỏi những mối quan tâm như thế, do đó thuyết Khắc kỷ đã trở thành một triết học chủ yếu dành cho cá nhân, chỉ ra phương cách mà người ta có thể giữ một thái độ Khắc kỷ trước những thăng trầm của cuộc sống. Luật pháp, tư cách công dân thế giới, tự nhiên, và công việc nhân từ của Thiên Hựu và lý trí thần thánh là những lĩnh vực quan tâm chủ yếu của thuyết Khắc kỷ thời kỳ này.

Những xu hướng nhắm đến thực tiễn này cũng được minh họa rõ nét trong thời hậu kỳ của trường phái này (trong hai thế kỷ đầu sau Công nguyên) trong các tác phẩm của Lucius Seneca, một chính khách La Mã; của Epictetus, một nô lệ được Hoàng đế La Mã Nero thả tự do; và của Marcus Aurelius, một hoàng đế sống vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Cả văn phong và nội dung của tác phẩm Các Luận Văn về Luân Lý (Libri morales) lẫn Các Lá Thư về Luân Lý (Epistulae morales) của Seneca đều củng cố chiều hướng mới trong tư tưởng Khắc kỷ. Tác phẩm Cẩm nang (Encheiridion) của Epictetus và tác phẩm Chiêm Nghiệm (Meditations) của Marcus Aurelius vừa đào sâu cái siêu việt và cả sự an ủi cá nhân của thông điệp Khắc kỷ và ngày càng thể hiện sức mạnh cạnh tranh của nó chống lại một thế lực đang trỗi dậy của Ki tô giáo vừa mới xuất hiện. Dấu ấn của một người hướng dẫn, một vị đạo sư thể hiện nổi bật trong những tác phẩm này. Tuy nhiên, thật khó để xác định chính xác tầm ảnh hưởng của phái Khắc kỷ vào nửa đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Những quan điểm này đã trở nên phổ biến đến nỗi nhiều thuật ngữ chuyên biệt của phái Khắc kỷ (như là lý trí chính trực, sự lĩnh hội, sự đồng thuận, sự dửng dưng về mặt luân lý, Logos, luật tự nhiên, và khái niệm về một hiền nhân) đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc tranh luận và những cuộc luận bàn tri thức. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt