Triết học Hy Lạp

Thuyết Pytagoras và tân-Pythagoras

 

THUYẾT PYTHAGORAS VÀ TÂN-PYTHAGORAS 

 

BRIAN DUIGNAN

NGUYỄN HUY CƯỜNG dịch

 


Nguồn: Brian Duignan (biên tập). Lịch sử triết học. Quyển 1: Triết học cổ đại. Britannica | Bản dịch tiếng Việt do nhóm dịch thuật gửi cho triethoc.edu.vn


 
 

Vào nửa đầu thế kỷ thứ 4 TCN, thành quốc Tarentum, ở miền nam nước Ý, đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng đáng kể. Dưới sự lãnh đạo chính trị và tinh thần của nhà toán học Archytas, một bằng hữu của Platon, thành quốc trở thành trung tâm mới của thuyết Pythagoras, do đó những người được gọi là các Thính giả (acousmatic) – là các môn đệ Pythagoras mà không cùng chia sẻ quan điểm với Archytas – đã chu du khắp các vùng nói tiếng Hy Lạp như những người khất sĩ lang thang. Những Thính giả dường như vẫn còn gìn giữ vài “Bài giảng linh thiêng (Hieroi Logoi)” của thuyết Pythagoras sơ kỳ và các thực hành lễ nghi. Mặt khác, bản thân Archytas lại tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học, và sự tổ chức hội ái hữu Pythagoras của ông rõ ràng là ít chặt chẽ hơn trường phái sơ kỳ. Sau những năm 380, có một sự nhân nhượng giữa trường phái Archytas với Hàn lâm viện của Platon, một mối quan hệ đã làm cho việc phân biệt những thành tựu ban đầu của Archytas với những đóng góp chung là bất khả.

Các thính giả (Acousmatics) đại diện cho một trong các trường phái của thuyết Tân-Pythagoras được xem là bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm  và triết học của Pythagoras. Ảnh của SSPL/Getty Images

 

Trong khi trường phái của Archytas rõ ràng là đã rơi vào tình trạng bất động sau cái chết của người sáng lập (khoảng sau năm 350 TCN), Thế hệ kế tiếp của Hàn lâm viện vẫn tiếp tục “Pythagoras hóa” các học thuyết của Platon, chẳng hạn như học thuyết về cái Một tối cao, học thuyết bộ đôi bất định (một nguyên lý siêu hình học), và học thuyết linh hồn có ba phần. Cùng thời điểm đó, các môn đệ phái Tản bộ (Peripatetics) thuộc ngôi trường của Aristoteles, gồm cả Aristoxenus, đã thu thập các huyền thoại về Pythagoras và áp dụng vào các quan điểm đạo đức đương thời. Vào thời kỳ Hy Lạp hóa, các quan điểm của Hàn lâm viện và Phái tản bộ đã sinh ra loại thư tịch sưu tầm các giai thoại về thuyết Pythagoras. Đồng thời cũng xuất hiện một khối lượng lớn nhưng khá hỗn tạp các tác phẩm ngụy tạo được qui cho các môn đệ khác nhau của Pythagoras một cách sai lầm, dường như đây là những nỗ lực nhằm hồi sinh trường phái này. Những văn bản, được cho là của Archytas, trình bày triết học của Hàn lâm viện và phái Tản bộ trộn lẫn với vài quan điểm có nguồn gốc từ thuyết Pythagoras. Những văn bản khác, hư cấu hoặc có thật, được cho là của chính Pythagoras hay là của các môn đệ trực tiếp của ông. Ví dụ, một vài văn bản chỉ ra rằng thuyết Pythagoras đã trở nên trộn lẫn với đạo Orpheus [một tôn giáo thần bí trong thời Hy Lạp cổ đại – ND]; một số khác cho rằng Pythagoras được xem là nhà ma thuật và là nhà chiêm tinh; lại có những dấu hiệu xem Pythagoras như là “vận động viên” và “Người theo chủ nghĩa dân tộc xứ Doria[1]. Nhưng các tác giả vô danh của các văn bản ngụy tạo về Pythagoras đã không thành công trong việc tái lập trường phái, và các giáo đoàn “Pythagoras” được thành lập trong buổi đầu của đế chế La Mã dường như rất ít giống với trường phái nguyên thủy của thuyết Pythagoras được thành lập vào cuối thế kỷ thứ 6 TCN; họ chỉ là giáo phái có tính nghi thức, áp dụng một cách chiết trung những thực hành huyền bí khác nhau.

 Khoảng giữa thế kỷ thứ 1 sau CN, cùng với nhà hiền triết khổ hạnh Apollonius xứ Tyana, một xu hướng Tân-Pythagoras đặc sắc đã xuất hiện. Apollonius nghiên cứu các giai thoại vể Pythagoras thuộc các thế kỷ trước, đã sáng tạo và truyền bá lý tưởng của cuộc sống theo kiểu Pythagoras – lý tưởng về minh triết huyền bí, sự thanh khiết, lòng khoan dung quảng đại, và sự tiệm cận với thánh thần – và tự cho mình là hậu thân của Pythagoras. Thông qua các hoạt động của những người phái Platon theo thuyết Tân-Pythagoras, như Moderatus xứ Gades, người theo thuyết tam vị nhất thể ngoại giáo, và nhà số học Nicomachus xứ Gerasa, cả hai đều ở vào thế kỷ thứ 1, và, vào thế kỷ thứ 2 hay thứ 3 sau CN, và Numenius xứ Apamea, người tiền bối của Plotinus (một nhà diễn giải thuyết Platon mở ra một kỷ nguyên mới), thuyết Tân-Pythagoras dần trở thành một phần trong cách diễn đạt thuyết Platon theo kiểu mới được gọi là thuyết Tân-Platon; và việc này diễn ra mà không cần phải thực hiện một hệ thống nghiên cứu học thuật riêng biệt. Người sáng lập trường phái Syrian thuộc thuyết Tân-Platon, Lamblichus vùng Chalcis (năm 250 – 330 sau CN), một môn đệ của Porphyry (Porphyry lại là một môn đệ của Plotinus), nghĩ rằng chính mình là một nhà thông thái thuộc trường phái Pythagoras và vào những năm 300 sau CN đã viết tác phẩm tổng hợp vĩ đại cuối cùng về phái Pythagoras, trình bày hầu hết những truyền thống hậu-cổ điển riêng biệt. Đặc tính của các môn đệ Tân-Pythagoras là họ quan tâm chính yếu vào cách sống theo kiểu Pythagoras và vào thứ khoa học giả hiệu (pseudoscience) về sự huyền bí của con số. Ở cấp độ phổ biến hơn, Pythagoras và Archytas được nhớ đến như là những nhà ma thuật. Thêm vào đó, người ta cho rằng các giai thoại về Pythagoras cũng đã ảnh hưởng đến việc dẫn dắt truyền thống tu viện Ki tô giáo.

 



[1] Doria là quê hương của Pythagoras và nơi ông sinh sống đến cuối đời – ND

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt