Triết học Hy Lạp

Thuyết Tân-Platon

 

THUYẾT TÂN-PLATON

 

BRIAN DUIGNAN

NGUYỄN HUY CƯỜNG dịch

 


Nguồn: Brian Duignan (biên tập). Lịch sử triết học. Quyển 1: Triết học cổ đại. Britannica | Bản dịch tiếng Việt do nhóm dịch thuật gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

Thuyết Tân-Platon là tên gọi hiện đại cho một dạng thức của thuyết Platon do Plotinus phát triển vào thế kỷ thứ ba sau CN và được các môn đệ kế thừa hiệu chỉnh. Trường phái này đã trở nên thống trị các trường phái triết học Hy Lạp khác và duy trì vị thế thống trị này cho đến khi bị chấm dứt bởi trường phái triết học của những người ngoại giáo vào nửa sau thế kỷ thứ 6 sau CN. Nó đại diện cho hình thức cuối cùng của triết học Hy Lạp ngoại giáo. Nó không chỉ là sự hỗn dung đơn thuần (hay sự kết hợp những niềm tin khác nhau), mà là một sự phát triển thực thụ, dù còn phiến diện, các tư tưởng của Platon và thuyết Platon sơ kỳ –mặc dù nó cũng tích hợp các yếu tố quan trọng thuộc hai trường phái Aristoteles và Khắc kỷ. Không có bằng chứng thực sự nào cho thấy có ảnh hưởng của phương Đông. Một giọng điệu hay sắc thái nhất định của phái Ngộ đạo[1] (Gnostic) (liên quan đến tri thức trực giác đạt được bởi những cá nhân đặc tuyển và miễn trừ các tra vấn thường nghiệm) có thể đôi khi được nhận thấy trong tư tưởng của Plotinus. Nhưng ông là một đối thủ cuồng nhiệt có ý thức đối với thuyết Ngộ đạo, và bất luận thế nào thì vẫn thường có một yếu tố đáng kể của thuyết Platon bình dân trong các hệ thống Ngộ đạo vốn đang hiện hành vào thời kỳ đó. Hơn nữa, các tác phẩm thông thiên học (thesophical) vào cuối thế kỷ thứ 2 sau CN như tác phẩm Các lời sấm truyền của vùng Chaldea (Chaldean Oracles), được tiếp nhận như là tài liệu gốc đầy cảm hứng của những môn đệ Tân-Platon hậu kỳ, dường như chỉ là một mớ hỗn tạp các triết học tín ngưỡng Hy Lạp phổ thông mà thôi.

Thuyết Tân-Platon khởi nguyên như là một triết học phức hợp (và trong chừng mục nào đó là khá hàm hồ) và đã phát triển mạnh mẽ thành nhiều dạng thức khác nhau qua một thời gian dài; do đó thật không dễ khái quát hóa. Nhưng các ý tưởng chủ đạo trong tư tưởng của các triết gia có thể được mô tả một cách đúng đắn là nhà Tân-Platon, thì dường như luôn luôn bao gồm những điều sau:

1. Có nhiều cấp độ tồn tại, được sắp xếp theo trật tự thứ bậc giảm dần, cái cuối cùng và thấp nhất tạo dựng nên vũ trụ vật lý, tồn tại trong không gian và thời gian và có thể tri giác bằng các giác quan. 

2. Mỗi cấp độ tồn tại dẫn xuất từ cấp độ cao hơn của nó, sự dẫn xuất này không phải là một quá trình trong không gian hay thời gian.

3. Mỗi tồn tại được dẫn xuất như thế được thiết lập trong thực tại của bản thân nó bằng cách qui hồi ngược trở về cấp độ cao hơn của chính nó trong một sự vận động của một khao khát chiêm nghiệm, mà điều này thì ngầm ẩn trong xung lực sáng tạo đầu tiên của sự lưu xuất mà nó nhận được từ cấp độ cao hơn của nó; do đó vũ trụ Tân-Platon được đặc trưng bởi vận động song đôi của sự lưu xuất và quy hồi.

4. Mỗi cấp độ tồn tại là một hình ảnh hoặc là sự biểu hiện ở cấp độ thấp hơn của cấp độ ở trên nó. Mối quan hệ giữa nguyên mẫu và hình ảnh xuyên suốt khắp các giản đồ thuộc thuyết Tân-Platon.

5. Mức độ tồn tại cũng là mức độ của sự hợp nhất; khi một cấp độ tồn tại đi xuống theo thang tồn tại nó sẽ trở nên phong phú hơn, phân ly nhiều hơn và càng hữu hạn hơn - cho đến khi đạt tới mức độ cá thể hóa nguyên tử trong thế giới không-thời gian.

6. Cấp độ tồn tại cao nhất, và qua đó tất cả mọi cái tồn tại khác với bất kỳ ý nghĩa nào sẽ tồn tại, bắt nguồn từ nguyên lý tối hậu, vốn tuyệt đối thoát khỏi những sự xác định và hạn chế và hoàn toàn vượt quá bất kỳ thực tại khả tri nào, do đó nó còn được gọi là “bên ngoài tồn tại.” Vì nó không có giới hạn, nó cũng không có sự phân chia, thuộc tính hay phẩm tính; nó thực sự không thể được định danh, hay thậm chí được mô tả một cách rõ rệt như là tồn tại, nhưng có thể được gọi là “cái Một” để chỉ rõ sự đơn giản hoàn toàn của nó. Nó cũng có thể được gọi là “cái Thiện” như là nguồn gốc của tất cả cái tuyệt hảo và là mục tiêu tối hậu của sự qui hồi, vì xung lực lưu xuất và quy hồi cấu thành nên một hệ cấp của thực tại dẫn xuất từ và dẫn về cái Thiện. 

7. Vì lẽ nguyên lý tối cao này thì tuyệt đối đơn giản và bất khả định (hay hoàn toàn thiếu các nét đặc trưng), tri thức loài người về nó phải khác biệt một cách triệt để so với những loại tri thức khác. Nó không phải là một sự vật (một thứ gì đó riêng biệt, xác định và hữu hạn) và không có thuộc tính nào có thể gán vào nó; vì vậy ta chỉ có thể tri nhận nó chỉ khi nó nâng tinh thần ta lên đến sự hợp nhất trực tiếp với chính nó, mà điều này thì không thể hình dung hay mô tả được.

PLOTINUS VÀ TRIẾT HỌC 

Plotinus (năm 205-270)

 

Theo những gì được biết, người khởi xướng loại thuyết Platon đặc sắc này chính là Plotinus (năm 205 – 270 sau CN). Tại thành phố Alexandria, ông là môn đệ của triết gia tự học Ammonius, cũng là người đã dạy nhà Ki tô giáo Origen và một người ngoại giáo trùng tên, và ảnh hưởng của ông lên các môn đệ của mình dường như rất sâu đậm và lâu dài. Nhưng Ammonius chẳng viết gì cả; Có ít tư liệu ghi lại các quan điểm của ông, và các tư liệu này cũng không đáng tin cậy, do đó ta thực sự không biết về tư tưởng của ông. Vì thế, Plotinus phải được xem là nhà Tân-Platon đầu tiên, và các tác phẩm được thu thập của ông, tác phẩm Bộ Chín (Enneads) (Tiếng Hy Lạp enneads nghĩa là “bộ chín” – bao gồm 6 quyển mỗi quyển chín luận văn, được sắp xếp bởi môn đệ Porphyry), là tập hợp các tác phẩm Tân-Platon đầu tiên và đồ sộ nhất.

Plotinus, giống với hầu hết các triết gia cổ đại từ thời Socrates, vừa là thầy giáo luân lý và tín ngưỡng vừa là một nhà triết học chuyên nghiệp tham gia vào các hoạt động diễn giải phê bình một truyền thống học phái lâu dài và phức tạp. Ông là một nhà tranh biện và phê bình sắc sảo, với một mức độ chân thật về trí tuệ hiếm có vào thời của ông hay vào bất kỳ thời đại nào; đối với ông triết học không chỉ là vấn đề của sự tư biện trừu tượng mà còn là một lối sống, thông qua sự tự kỷ luật về luân lý và trí tuệ khắt khe cũng như sự thanh lọc, những người có khả năng vươn lên có thể quay về nguồn cội sinh ra họ. Các tác phẩm của ông giải thích bằng cách nào mà hành động sáng tạo trường cửu – vừa tự phát vừa tất yếu ngay lập tức – thuộc về nguồn cội siêu việt, cái Một hay cái Thiện, tạo dựng nên thế giới thực tại sống động, được tạo thành bởi những vận động song đôi lặp đi lặp lại của sự lưu xuất và qui hồi trong sự chiêm nghiệm; và sự lý giải này, chỉ ra con đường cho cái ngã của con người – là cái có thể trải nghiệm và tham gia tích cực ở mọi cấp độ của tồn tại – để quay về với cái Một, đồng thời cũng là sự thúc giục đi theo con đường này.

Plotinus luôn nhấn mạnh rằng cái Một, hay cái Thiện, thì vượt quá tầm với của tư duy hay ngôn ngữ; những gì mà ông nói về nguyên lý tối cao này chỉ nhằm hướng trí óc vào con đường vươn đến nó, chứ không nhằm vào việc mô tả hay định nghĩa nó. Nhưng dù cho không thể có một khái niệm hay định nghĩa thích đáng về cái Thiện, tuy vậy, đối với Plotinus thì cái Thiện là một thực tại tích cực của sự viên mãn rất mực tràn đầy. Plotinus thường đề cập về nó bằng một ngôn ngữ cực kỳ phủ định, nhưng mục tiêu của ông là nhằm nhấn mạnh sự không thích đáng trong tất cả các cách tư duy và phát biểu của con người nhằm diễn giải thực tại tối cao hay nhằm làm sáng tỏ những ngụ ý của tuyên bố rằng cái Thiện là cái Một tuyệt đối và bất khả định, và là nguồn cội của tất cả mọi thực tại xác định và hữu hạn.

Hành vi sáng tạo hay thể hiện nguyên thủy của cái Một (One) là thực tại được dẫn xuất vĩ đại đầu tiên, nous (mà chỉ có thể được dịch tương đối không thích đáng thành “Trí tuệ (Intellect)” hay “Tinh thần (Spirit)”); Linh hồn (Soul), lại xuất phát từ cái nous, hình thành, thiết lập trật tự, và duy trì vũ trụ vật chất trong trạng thái tồn tại. Cần ghi nhớ rằng, đối với Plotinus, toàn bộ quá trình phát sinh là phi thời gian; Nous và Linh hồn thì trường tồn, thời gian là đời sống của Linh hồn, hoạt động trong thế giới vật lý, và không bao giờ có thời gian khi vũ trụ vật chất không tồn tại. “Các cấp độ tồn tại”, khi đó, mặc dù phân biệt nhau, nhưng không tách rời ra mà tất cả đều hiện diện khắng khít với nhau ở mọi nơi và trong mọi cá thể. Để vươn tới cái Một từ Linh hồn thông qua Trí tuệ thì không phải là một cuộc du hành trong không gian mà nhằm thức tỉnh một dạng nhận thức mới.

Trí tuệ theo Plotinus ngay cùng một lúc vừa là chủ thể tư duy, chính bản thân tư duy, vừa là đối tượng tư duy; nó là một tinh thần hợp nhất hoàn toàn với đối tượng của nó. Là đối tượng, nó là thế giới của các mô thức, là toàn bộ thực tồn theo nghĩa của thuyết Platon. Những mô thức này, hợp nhất với Trí tuệ và theo đó cũng hợp nhất lẫn nhau, không đơn thuần chỉ là các đối tượng mà còn là các chủ thể sống và tư duy, mỗi mô thức không chỉ là chính là bản thân nó mà còn là một tổng thể trong sự chiêm nghiệm của nó. Chúng là các nguyên mẫu và nguyên nhân của những thực tại bất toàn một cách tất yếu ở những cấp độ thấp hơn, là các linh hồn và mô hình hay cấu trúc làm cho những thực thể tồn tại. Con người ở mức độ cao nhất chính là trí tuệ, hay linh hồn phù hợp hoàn hảo với Trí tuệ; chúng sẽ nhận thức được bản tính trí tuệ của chúng khi chúng ngay lập tức nắm bắt được các thực tại vĩnh cửu, bằng cách không chỉ vượt qua tri giác giác quan mà còn vượt qua cả đặc điểm lý tính rời rạc của đời sống Linh hồn.

Linh hồn đối với Plotinus có tầm quan trọng không kém như đối với Platon, là sự trung gian giữa thế giới Trí tuệ với thế giới Giác quan và là đại diện của thế giới trước trong thế giới sau. Nó được tạo ra bởi Trí tuệ, cũng như Trí tuệ là do cái Một tạo ra, nhờ vào sự vận động song đôi của sự lưu xuất và qui hồi trong sự chiêm nghiệm, nhưng mối quan hệ giữa cặp đôi này khăng khít hơn và ranh giới giữa chúng được xác định kém rõ ràng hơn. Đối với Plotinus, cũng như đối với Platon, đặc tính đời sống của Linh hồn là sự vận động, đây chính là nguyên nhân cho mọi sự vận động khác. Đời sống của Linh hồn trong sự vận động này là thời gian, và tất cả các vận động vật lý đều phụ thuộc vào nó. Linh hồn vừa định hình cũng như cai trị vũ trụ vật lý từ trên cao; và trong cấp độ thấp hơn, ở giai đoạn nội tại, mà Plotinus thường gọi là tự nhiên, nó đóng vai trò là nguyên lý nội tại của sự sống, sự sinh trưởng và sản sinh ra những mô thức thấp nhất, đó là các mô thức của các thực thể. Bên dưới các mô thức này là cái tối tăm của vật chất, sự vắng mặt cuối cùng của tồn tại, là giới hạn tuyệt đối mà tại đây sự mở rộng của vũ trụ – từ cái Một thông qua sự giảm dần các mức độ của thực tại và qua sự tăng dần các mức độ của sự đa dạng – sẽ chấm dứt. Vì tính phủ định hoàn toàn của nó, vật chất như vậy đối với Plotinus chính là nguyên lý của cái ác; và mặc dù ông không thực sự tin nó là một nguyên lý độc lập, mà cùng với cái Thiện, chúng định hình nên thuyết nhị nguyên, ông thường nói về nó với một âm hưởng nhị nguyên rõ rệt.

Tuy nhiên, ông lại không thật sự có quan điểm nhị nguyên đối với vũ trụ vật chất. Ông khẳng định mạnh mẽ về tính thiện và tính mỹ của vũ trụ vật chất như là công trình khả hữu nhất của Linh hồn. Vũ trụ vật chất là một tổng thể hữu cơ đang sinh trưởng, và sự toàn vẹn của nó là sự phản chiếu khả hữu nhất (mặc dù rất bất toàn) ở cấp độ không-thời gian của nhất thể sống trong sự đa dạng của thế giới mô thức trong Trí tuệ. Vũ trụ vật chất kết lại với nhau tại mọi bộ phận bởi sự hài hòa và đồng cảm phổ quát. Trong sự hài hòa này, cái ác và sự khổ đau ngoại tại đóng vai trò như là các yếu tố thiết yếu trong mô hình vĩ đại, vũ điệu hoành tráng của vũ trụ. Cái ác và khổ đau có thể tác động đến những cái ngã thấp kém hơn của con người, nhưng chỉ trong những trường hợp đặc biệt, khi cái ngã bị suy đồi hoàn toàn, chúng mới có thể tác động đến những cái ngã đích thực và cao hơn, do đó chúng không thể quấy nhiễu niềm an lạc thật sự của triết gia.

Khi linh hồn ở bên trong thể xác, con người có thể tồn tại ở bất kỳ cấp độ nào của hoạt động và trải nghiệm của linh hồn. (Việc giáng cấp của các linh hồn vào trong thể xác, đối với Plotinus – người đã gặp nhiều khó khăn trong việc hòa hợp những nhận định khác nhau của Platon về vấn đề này – vừa là sự sa ngã vừa là sự thuận nguyện tất yếu theo quy luật phổ quát). Một cá nhân nhờ trí tuệ bản thân có thể vươn lên cấp độ của Linh hồn phổ quát, có thể trở thành cái toàn thể đó mà anh ta hoàn toàn có tiềm năng, và, khi đã ở trong Linh hồn, anh ta có thể thấu đạt được chính Trí tuệ; hoặc là anh ta có thể tự cô lập bản thân ở cấp độ thấp hơn, khóa chặt mình vào các trải nghiệm, dục vọng và những bận tâm cá nhân của bản tính thấp hơn. Cuộc chuyển hóa triết học – sự khởi đầu cho hành trình vươn lên cái Một – cốt yếu chính là từ bỏ đời sống thể xác, nhờ vào một nỗ lực đạo đức và tinh thần to lớn để chế ngự và chiến thắng những dục vọng phàm tục, và “thức tỉnh một cách nhìn khác mà mọi người đều có nhưng rất ít người sử dụng.” Plotinus khẳng định điều này là khả thi khi một người vẫn mang thể xác phàm tục và không phớt lờ đi những bổn phận của trạng thái thể xác của con người. Nhưng thể xác và đời sống nhục cảm luôn đè nặng lên vai mỗi người và cản bước con người vươn lên. Ngôn từ mà Plotinus dùng để nói về thể xác và các giác quan trong bối cảnh này mang tính nhị nguyên và thuộc thế giới linh hồn rõ rệt. Nhìn chung, những người theo thuyết Platon tư duy về chính thân xác họ nặng tính nhị nguyên hơn là về vũ trụ vật chất như là một toàn thể. Thế giới vật lý được nhìn nhận một cách tích cực như là hình ảnh cao nhã của cái khả niệm; ngược lại, thân xác cá nhân, có tính động vật, trần tục, có xu hướng bị xem xét một cách tiêu cực như là vật cản đối với đời sống trí tuệ và tinh thần.

Khi cuộc chuyển hóa triết học của một người hoàn thành và anh ta trở thành Trí tuệ, anh ta có thể vươn lên sự hợp nhất huyền bí, khi đó cái Một biểu lộ sự hiện hữu liên tục của anh ta, làm dấy lên làn sóng xung lực qui hồi về nguồn cội (trong dòng chảy cuối cùng và mạnh mẽ nhất của chính nó), chính là tình yêu thuần khiết của Trí tuệ dành cho cái Thiện mà từ đó tình yêu này ngay lập tức tuôn trào. Không có nhận thức nhị nguyên trong sự hợp nhất đó; cá nhân không còn nhận thức về bản thân nữa; nhưng họ sẽ không bị hủy diệt hay tan biến vào cái Một – bởi vì dẫu cho đã ở trong sự hợp nhất thì anh ta vẫn là Trí tuệ, dù Trí tuệ “ở bên ngoài bản thân nó,”, vượt lên khỏi hoạt động và bản tính thông thường của nó. Đối với Plotinus và đối với những người có cùng khuynh hướng, sự hợp nhất huyền bí này là điểm tập trung vô vàn nỗ lực và là nguồn sức mạnh liên tục cho công cuộc giáo huấn của ông. Triết học đối với ông chính là tôn giáo, nỗ lực nhằm hiện thực hóa trong bản thân mình cái xung lực vĩ đại của sự qui hồi về cái Thiện, điều cấu thành nên thực tại ở mọi cấp độ của nó; và tôn giáo đối với ông chính là triết học. Trong quan điểm và hành động của ông, không có chỗ nào dành cho sự mạc khải đặc biệt, ân sủng và sự sám hối theo ý nghĩa Kitô giáo, và chỉ có đôi chút hình ảnh dành cho nghi thức và nghi lễ bên ngoài. Đối với ông, sự kết hợp giữa sự thanh lọc đạo đức với sự khai minh trí tuệ chính là con đường duy nhất để hợp nhất với cái Thiện, điều mà như ông nhận thức, chỉ có triết học Platon mới có thể mang lại.

CÁC MÔN ĐỆ THUYẾT TÂN-PLATON HẬU KỲ

Porphyry (khoảng năm 234 – 305 sau CN), người môn đệ sùng đạo đồng thời là nhà biên tập cẩn trọng tác phẩm của Plotinus, chiếm một vị thế đặc biệt trong sự phát triển của thuyết Tân-Platon hậu kỳ. Trong vài phương diện, tư tưởng của ông song hành với những nhà Tân-Platon ngoại đạo hậu kỳ, nhưng ở vài phương diện khác thì tư tưởng của ông lại hoàn toàn đối lập với họ. Những điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng của ông dường như là thuyết duy linh cực đoan, một sự quả quyết, thậm chí còn sắc sảo hơn cả Plotinus, về sự “rời bỏ thân xác” và về phương diện triết học còn quan trọng hơn nữa –đó là một sự đồng cảm lớn hơn với hệ thống thứ bậc theo chiều dọc kém sắc sảo hơn của các môn đệ Platon trước thời Plotinus. Porhyry không phải lúc nào phân biệt rõ ràng cái Một với Trí tuệ. Mặt khác, ta có thể nhận ra ở ông những sự khởi đầu của xu hướng Tân-Platon hậu kỳ nhằm cấu trúc thực tại theo những bộ ba, cả theo chiều dọc và “chiều ngang”. Theo đó thì Tồn tại, Đời sống và Trí tuệ là những giai đoạn trong sự tự quyết vĩnh cửu của thực tại tối hậu. Bộ ba này đã trở thành một trong những thành tố quan trọng nhất trong cấu trúc siêu hình học phức hợp của các nhà Tân-Platon hậu kỳ. Nhưng có lẽ sự đóng góp quan trọng và có ảnh hưởng nhất của Porphyry là việc ông lồng ghép logic của Aristoteles vào chủ nghĩa Tân-Platon, đặc biệt là học thuyết về các phạm trù, với sự diễn giải kiểu Tân-Platon về các phạm trù này như những hạn từ biểu thị thực thể. Một vấn đề đáng quan tâm khác là lời tuyên bố của ông về cuộc chiến ý hệ chống lại những nhà Kitô giáo, ông đã công kích vào học thuyết của họ ở cả nền tảng triết học lẫn luận giải trong một tác phẩm gồm 15 quyển với nhan đề Chống những nhà Kitô giáo (Against the Christians).

Iamblichus (khoảng 250 – 330 sau CN) dường như là người khởi xướng một dạng thuyết Tân-Platon đã trở nên thống trị các trường phái Platon vào thế kỷ thứ 5 và 6 sau CN. Dạng học thuyết Tân-Platon này đã làm sâu sắc và nhân lên sự phân biệt giữa các cấp độ tồn tại. Lập trường cơ bản làm nền tảng cho nó là một dạng thuyết duy thực triết học cực đoan: nó cho rằng cấu trúc của thực tại tương ứng chính xác với cách mà tư duy hoạt động đến nỗi có mỗi thực thể tách biệt ứng với mỗi sự phân biệt mà tư duy có thể tạo ra. Trong hệ thống thuyết Tân-Platon hậu kỳ hoàn chỉnh nhất, nguyên lý đầu tiên của thực tại, cái Một tối hậu, đã được thay thế bởi một toàn thể siêu việt bất khả ngôn dụ, được làm giảm nhẹ bởi hai nhân tố: sự hiện diện của biểu đạt hay biểu lộ sức mạnh thống nhất của nó, các “henads” vốn đồng nhất với các vị thần ngoại giáo tại mỗi cấp độ của thực tại; và khả năng quy hồi về sự thống nhất tuyệt đối thông qua đấng henad mà mỗi cấp độ được kết nối. Bên dưới cái Một là một cấu trúc bao la các bộ ba, hay các tam vị nhất thể, kết nối xuống thế giới vật lý;  theo Plotinus, điều này được tạo dựng bằng cách kết hợp theo hàng dọc chuỗi thứ tự các cấp độ của Tồn tại, Trí tuệ và Linh hồn (lại càng phức tạp bởi sự phân chia nội tại và sự đan xen tại mỗi giai đoạn của các bản thể trung gian, hay trật tự nền tảng của thực thể phi vật chất) với một cấu trúc bộ ba theo hàng ngang khác, mang lại một nhịp điệu năng động vĩnh viễn của sự lưu xuất và qui hồi, cũng như những gì đã gặp trong học thuyết của Porphyry.

Hầu hết tất cả các tác phẩm của Iamblichus đều bị thất lạc, và tư tưởng của ông cần phải được phục hồi từ những nguồn khác nhau. Hiện tại, người có thẩm quyền chính về dạng thuyết Platon này, cũng như đối với những nhà Tân-Platon hậu kỳ, chính là Proclus (410 – 485 sau CN). Proclus dường như đã hệ thống hóa thuyết Platon hậu kỳ, tuy nhiên thường thì không thể phân biệt những phần nào trong quan điểm của ông là của chính ông còn phần nào, một mặt bắt nguồn từ các vị thầy Plutarch và Syrianus và mặt khác là từ Porphyry lẫn Iamblichus, mà ông đã trích dẫn một cách phong phú nhưng hầu như không phải lúc nào cũng phân biệt được, cũng như từ các nhà Platon sơ kỳ. Một bản tóm lược được lập luận chỉnh chu về siêu hình học cơ bản thuộc thuyết Tân-Platon này có thể được tìm thấy trong tác phẩm Các yếu tố thần học (Elements of Theology) của Prolus, tác phẩm này trình bày các quan hệ nhân quả của vài hệ cấp đã cấu thành vũ trụ khả niệm của ông.

Thuyết Tân-Platon hậu kỳ tham vọng trở thành không những là một hệ thống siêu hình học hoàn thiện và mạch lạc mà còn là một môn thần học ngoại giáo hoàn chỉnh, điều này có lẽ được thấy rõ nhất trong tác phẩm Thần học Platon (Platonic Theology) của Proclus. Sự duy trì và bảo vệ cho tín ngưỡng xưa trong một thế giới ngày càng bị thống trị một cách không khoan nhượng bởi đối thủ đắc thắng Kitô giáo, đã trở thành một trong những mối quan tâm chính yếu của những người theo thuyết Platon trong thời kỳ sau Plotinus. Bằng sự nghiên cứu và đôi khi là sự luận giải gượng ép về Aristoteles và sau đó là về Platon, chủ yếu thông qua các tác phẩm Timaeus và Parmenides, họ đưa ra một loạt luận giải siêu hình học cao độ hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các học giả nghiên cứu Platon, họ tin rằng ta có thể đạt đến sự thấu đạt hoàn toàn về chân lý thần thánh. Chân lý mà họ nắm giữ này sẽ được mạc khải một cách bí mật bởi chính các vị thần thông qua những người gọi là những nhà thần học – những tác giả đầy cảm hứng của các bài thơ theo đạo Orphic và của tác phẩm Những lời sấm truyền vùng Chaldea (Chaldean Oracles), được xuất bản vào nửa sau thế kỷ thứ hai sau CN. Porhyry là người đầu tiên đã dành một sự công nhận trân trọng và dè dặt nhất định cho các tác phẩm này, nhưng chúng lại là một thánh kinh đầy cảm hứng đối với Iamblichus, người đã viết một công trình gồm ít nhất 28 quyển bàn về vấn đề này, và về những người kế thừa ông. Quan điểm của họ về linh hồn con người khiêm tốn hơn quan điểm của Plotinus. Theo họ thì linh hồn con người là tồn tại tinh thần ở cấp độ thấp hơn đã hoàn toàn sa xuống thế giới vật chất, trong khi theo Plotinus thì một phần linh hồn con người vẫn còn ở trên. Do đó, khác với Plotinus, họ không thể mong muốn chỉ bằng triết học, mà có thể quy hồi và hợp nhất với cái thần thánh vốn dĩ vẫn còn là mục tiêu của thân phận con người. Sự trợ giúp của các vị thần là cần thiết, và họ tin rằng các vị thần vì tình yêu con người đã ban phát nó, ban cho vạn vật sức mạnh của sự quy hồi trong lời cầu nguyện và thậm chí gieo vào cả trong những vật chất vô tri – cây cỏ, sỏi đá và những vật tương tự - mối cảm thông và sự giao tiếp với cái thần thánh, làm cho những nghi lễ bí mật về phép mầu nhiệm có thể xảy ra, thông qua đó thần thánh mang lại sự hổ trợ linh hồn cần thiết bằng các phương tiện vật chất. Phép mầu nhiệm, mặc dù cách tiến hành của nó về đại thể cũng là cách tiến hành ma thuật Hy Lạp hậu kỳ, đã không được quan niệm đơn thuần là ma thuật; mà thực ra là phép mầu nhiệm ở cấp độ cao hơn và trí tuệ hơn đã được thực hành. Các triết gia có các mức độ quan tâm khác nhau một cách đáng kể về các nghi lễ bên ngoài; dường như có những nhà tư tưởng ngay cả trong thế hệ cuối cùng của các nhà Tân-Platon ngoại giáo cũng không còn cần đến hay quan tâm đến những hình thức này và đi theo con đường huyền bí rất giống như Plotinus.

Những trường phái Tân-Platon hậu kỳ khác dường như ít khác nhau hơn như đã từng được quan niệm. Trường phái Pergamum, do Aedesius – một môn đệ của Iamblichus – sáng lập, có lẽ là trường phái có ít đóng góp nhất cho sự phát triển triết học của thuyết Tân-Platon, nhưng nó lại hoàn toàn không tin vào phép mầu nhiệm. Nhân vật cải đạo vĩ đại nhất thuộc trường phái này chính là hoàng đế Julian Người cải đạo (Julian the Apostate), dù cho bản thân ông không phải là một triết gia kiệt xuất. Vào cuối thế kỷ thứ 4 sau CN, Hàn lâm viện của Platon tại Athen đã được tái lập và trở thành một viện chuyên về công việc nghiên cứu và giảng dạy thuyết Tân-Platon theo truyền thống Iamblichus. Hàn lâm viện lúc này đặc biệt nhiệt thành và cởi mở về thuyết ngoại giáo và do đó thu hút sự thù địch của người Kitô giáo. Mặc dù tự duy trì trong một thời gian dài đáng ngạc nhiên chống lại sự thù địch này, nhưng cuối cùng Hàn lâm viện đã đầu hàng và có lẽ đã bị đóng cửa bởi hoàng đế Đông La Mã Justinian vào năm 529 sau CN. Tuy nhiên vào thời kỳ quá độ, Hàn lâm viện đã sản sinh ra Proclus, một nhà luận giải có hệ thống, đầy ảnh hưởng và vĩ đại nhất về thuyết Tân-Platon hậu kỳ. Damascius, người đứng đầu ngôi trường vào thời điểm bị đóng cửa, cũng là một triết gia nổi bật. Một trung tâm khác của thuyết Tân-Platon đã phát triển rực rỡ tại thành phố Gaza vào thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6; trường phái này lấy nguồn cảm hứng dồi dào từ Kitô giáo, mặc dù vài thành viên trong đó đã từng theo học nhà ngoại giáo Ammonius. Trường phái Alexandria vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6 dường như không mấy khác biệt so với trường phái tại Athen, cả trong quan điểm triết học nền tảng lẫn trong đề cương chính về học thuyết của nó. Thực tế là có rất nhiều sự trao đổi lẫn nhau giữa hai trường phái này. Syrianus xứ Athen đã dạy học cho Hermias xứ Alexandria, còn Ammonius con trai Hermias thì theo học Proclus. Ammonius là nhân vật có ảnh hưởng nhất theo thuyết Platon tại xứ Alexandria. Những luận giải của ông về Aristoteles được công bố chủ yếu trong những bình phẩm về một người bị kết tội dị giáo Kitô, John Philoponus (sống vào cuối thế kỷ thứ 5 đến giữa thế kỷ thứ 6 sau CN). Simplicius, một nhà luận giải Aristoteles kiệt xuất khác, làm việc tại Athen nhưng, cũng như Damascius, đã từng theo học Ammonius. Sự tập trung vào Aristoteles của những người xứ Alexandria đã sản sinh một khối lượng lớn bình luận đầy trí tuệ nhưng lại mang màu sắc Tân-Platon về các luận văn của Aristoteles, thường được cho là bởi sức ép của Kitô giáo và những nỗ lực để nhân nhượng với nhà thờ; nó có thể là tốt ngang nhau vì chất lượng và phạm vi của tác phẩm đã được xuất bản của Proclus về Platon. Mặc dù tác phẩm triết học thời kỳ cuối của Philoponus chứa đựng những sự cải biên Kitô giáo quan trọng, Olympiodorus, một triết gia ngoại giáo phóng khoáng (và vô cùng kém cỏi), vẫn còn giảng dạy tại Alexandria rất lâu đến tận nửa sau thế kỷ thứ 6 sau CN. Cuối cùng, vào thế kỷ thứ 7, dưới triều đại Heraclius, sau khi việc giảng dạy triết học đã chuyển đổi êm thắm vào tay Kitô giáo, triết gia Alexandria thời danh cuối cùng, nhà Kitô giáo Stephanus, được mời vào giảng dạy trong trường Đại học tại Constantinople.

 



[1] Gnosticism có người dịch là phái Sùng đạo, từ chữ Grosis (Ngộ đạo), ý của phái Gonosticism thì nếu muốn đạt đạo phải hòa hợp cá nhân vào đại ngã, muốn vậy phải từ bỏ vật chất, vì chỉ có tinh thần mới gặp được tinh thần mà thôi. Chính vì vậy, nó phê phán Do thái giáo (Cựu ước), vì họ cho rằng tại sao Thượng đế lại tạo ra vật chất là thứ tầm thường, nhếch nhác như thế, nếu thượng đế cao quý thì đã không làm như thế. Họ tin vào Tân Ước vì trong Tân Ước, Thượng đế tượng trưng cho tình yêu, họ cũng không tin rằng Jesus Christ là có thật, nhưng chỉ là một nhân vật đứng giữa Thượng đế và con người, và Christ là bậc thấp nhất của thần linh. Vì quan điểm của họ khác biệt với Cựu ước và Tân ước, nên phái này hình thành một trường phái mới, tin rằng thể xác là thấp kém, nếu hủy diệt được thì càng tốt. Plotin là người chống lại phái này. Trường phái này mở đường cho thần học Ki tô giáo sau này (Ghi lại theo lời giảng của Bùi Văn Nam Sơn).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt