Triết học Hy Lạp

Tiểu sử của Platon

PHÉDON HAY KHẢO VỀ LINH HỒN THEO THỂ LUÂN LÝ - MỤC LỤC

 

TIỂU-SỬ CỦA PLATON

 

TRỊNH XUÂN NGẠN

 


Platon. Phédon hay khảo về linh hồn: theo thể luân-lý. Trịnh Xuân Ngạn dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974, tr. ix-xiv.


 

 

Platon, nhà hiền triết vĩ đại nhất thời Thượng cổ và có lẽ vĩ đại nhất trong tất cả mọi thời, sinh vào năm 427 trước Cơ Đốc kỷ nguyên. Ông thuộc một vọng tộc ở thành Athènes. Cha ông là Ariston, theo lời cổ truyền, là dòng giối Codros, vị vua cuối cùng tại Athènes. Mẹ ông, là Périctioné, là con cháu của Dropide, thuộc thân-quyền của Solon, nhà làm luật cho thành Athènes. Bà là chị em con cô con cậu với bạo chúa Critias và là em ruột Charmide, một trong số các ủy-viên quản trị hải-cảng Pirée. Vốn thuộc dòng quí phái, lại giao du với những chính khách, cố nhiên là Platon sẽ làm chính trị. Mặc khác, Platon lại theo học mỹ thuật và ông đã sắp sửa tham dự các cuộc thi soạn thảo bi kịch. Nhưng năm lên hai mươi tuổi, ông được Cratyle dạy cho biết khoa triết học và sau đó, ông trở thành một môn đồ của Socrate. Socrate chỉ dẫn cho ông thấy rõ sự ngu dốt của những kẻ tự cho mình là uyên bác, và giá trị chính yếu của đạo đức. Socrate giảng dạy cho ông biết rằng đức hạnh tức là trí thức, còn tật xấu chỉ là vô tri thức, và muốn làm chính trị thì cũng phải qua một thời kỳ huấn luyện như là trong mọi ngành hoạt động khác. Từ đó trở đi, Platon không rời Socrate lúc nào nữa, mãi cho đến khi có vụ án kết liễu bằng cái chết của Socrate, tám năm sau vào năm 399. Platon buồn rầu, vì trông thấy các đảng phái kể tiếp nhau nắm giữ chính quyền làm nhiều điều tội lỗi, và sang Mégare tìm một môn đồ khác của Socrate là Euclide. Sau đó, ông đi du lịch sang Ai Cập và Cyrène, và nơi đây ông gặp gỡ nhà số học Théodore. Ông còn viếng thăm cả Ý-Đại-Lợi và ở đó, ông giao-kết với Archytas ở Tarente, một chính khách. Sau hết, ông sang Syracuse, trở thành bạn thân của Dion, em rể bạo chúa Denys cựu vương. Bạo chúa tức giận, vì Platon đã muốn giảng dạy đạo đức cho mình, ra lệnh cho vị đại-sứ thành Sparte đem ông sang Egine bán làm nô lệ cho người ta. May thay, một bạn hữu của ông là Annicéris nhận ra ông, bỏ tiền ra chuộc và trả lại tự do cho ông.

Ông trở về Athènes vào năm 387; lúc bấy giờ, ông đã gần bốn mươi tuổi. Ông mở trường giảng dạy học thuyết của ông tại hoa-viên Académus. Đó là trường đại học thứ nhất mà chúng ta biết. Ở đây, người ta nghiên-cứu các khoa học. Khoa học huấn luyện cho người ta để có thể học tập khoa triết lý. Nhiều triết gia và chính khách xuất thân ở trường này, chẳng hạn như là Aristote. Học phái của Platon, mặc dầu sau này có thay đổi chút ít, tồn tại trong chín thế kỷ, mãi đến đời vua Justinien. Tuy học phái của ông rất được hoan nghênh, vào năm 367, khi Denys Cựu vương qua đời, Platon đã không ngần ngại trở sang Syracuse một lần nữa đề hưởng ứng lời kêu gọi của Dion, hy vọng rằng Denys thiếu vương sẽ theo lời khuyên bảo của ông mà thực hiện một cuộc cải cách về chính trị đặt căn-bản trên triết-lý. Nhưng bạo chúa lưu đầy Dion và không nghe theo những lời khuyến cáo của Platon. Dầu sao, vào năm 361, khi ông đã sáu mươi tuổi, nhà hiền triết lại sang Syracuse một lần nữa. Ông không được bạo chúa tin dùng và Archytas ở Tarente phái một chiến thuyền sang Syracuse mới đón được Platon về.

Platon qua đời vào năm 347 lúc ấy ông gần tám mươi tuổi, sau khi đã được thấy bạo chúa Denys bị Dion truất ngôi vào năm 357 và Dion bị ám sát vào năm 354. Ông mất trong lúc đang soạn thảo cuốn sách cuối cùng của ông, cuốn “Luật pháp” (les Lois). Platon cử cháu của ông là Speusippe, con trai của chị ông là Potoné, để thay thế ông cầm đầu môn phái của ông. Aristote thất vọng vì thay thế, bỏ đi du lịch tại Á Châu, rồi trở về Athènes thiết-lập môn phái “Lycée”, một môn phái đối lập với môn phái “Académie”.

Là môn đồ của Socrate, Platon thích viết những cuốn đối thoại trong đó Socrate đàm-đạo với những người khác, hơn là viết những sách bàn về triết lý. Nhiều lần Aristote đã ám chỉ tới những cuốn đối thoại ấy. Tuy nhiên, phải công nhận rằng Platon là một trong số những triết gia rất hiếm của thời Thượng cổ mà đến nay chúng ta còn giữ được toàn thể các tác phẩm.

Platon không trình bày học thuyết của ông theo một hệ thống nào cả. Tất cả tác phẩm của ông đều là những đối thoại thư có mục đích nhắc lại những lời giảng dạy của Socrate.

Tất cả có hai mươi tám tác phẩm. Các cuốn dài nhất và quan trọng hơn cả là những cuốn “République” (Nền cộng hòa), “Politique” (Chính trị), “Lois” (Luật pháp). Những cuốn ấy đề cập tới những vấn đề liên quan tới đô thị.

Người ta cho là Platon đã viết những cuốn “Charmide”, “Lachès”, “Lysis” và “Protagoras” khi ông còn trẻ. Những cuốn “Apologie”, “Critons” đã do ông viết vào hồi Socrate bị giam cứu và bị xét xử. Platon đã soạn thảo các cuốn “Gorgias”, “Ménon”, “Cratyle”, “Banquet”, “Phédon”, “République”, “Phèdre”, “Théetète”, “Parménide”, “Sophiste”, “Politique”, vào hồi ông đã đứng tuổi. Khi ông đã già lão thì ông viết các cuốn “Philèbe”, “Timée”, “Critias” và “Lois”.

Mỗi một tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề; lời nói chuyện tự nhiên, lối hành văn phong vận tao nhã, tính cách của mỗi nhân vật khác và phù hợp với vai trò của họ, nhiều đoạn, nhiều trang có lối nghị luận mạnh mẽ, nhiệt thành, chứa chan thi vị, đó là những điểm đặc sắc của các cuốn đối thoại của Platon.

Muốn hiểu rõ học thuyết của Platon, cần hiểu biết cuộc khủng hoảng về tinh-thần và chính trị của dân thành Athènes sau trận chiến tranh Péloponèse. Tất cả các quan niệm về đạo đức ở Hi-Lạp đã bị học thuyết ngụy biện làm lung lay.

Cần phải làm thế nào cho quan niệm “công bình” lại có giá trị như xưa. Như vậy, phải đạt tới những nguyên tắc vững chãi ở giữa những sự vật liên tiếp trôi qua. Về chính trị, cũng thế. Trong cuốn “République” (Nền cộng hòa), Platon đã trình bày các chính thể quí tộc, quân phiệt, dân chủ, độc tài, và cho thấy nên xây dựng một đô thị lý-tưởng căn cứ vào một trật-tự tuyệt-đối.

Platon đã được thấy Socrate sống và chết như thể nào, ông đã nhận chân giá trị của đạo đức tức là sự hiều biết sự thiện hảo. Trong khi tiếp xúc với Théodore ở Cyrène và Archytas ở Tarente, ông đã hiểu rõ sự quan trọng của khoa số-học và ông chủ trương rằng triết-gia cũng như chính trị gia phải có một căn bản về số học. Các giá trị tinh thần, các yếu tính, Platon gọi những thứ ấy là những ý-niệm, và khoa học đề nghiên cứu những ý niệm, là biện chứng-pháp. Nếu khoa hình học chỉ qui nguyên các định lý vào một số công lý, thì khoa biện chứng phải đi từ ý niệm này tới ý niệm kia đề đạt tới một nền tảng vô điều kiện, nguyên lý của thực tại và tri thức: ý-niệm thiện hảo. Theo Platon địa-vị của ý niệm thiện hảo trong thế giới ý niệm giống như là địa vị của mặt trời trong thế giới dễ cảm.

Người đời phải làm thể nào mới biết được những ý niệm ấy? Platon giải quyết vấn đề bằng thuyết “hồi tưởng” theo đó hiểu biết một sự vật nào tức là nhớ lại cái gì mà người ta đã thấy ở đời trước của mình. Platon đã kẻ lại chuyện tên nô lệ của “Ménon” mà Socrate đã chỉ dẫn cho cách để tự mình khám phá ra khoa hình học, mặc dầu tên nô lệ ấy không biết khoa hình học là cái gì. Trong cuốn “Phèdre” nhà hiền triết đã đưa ra thần thoại các linh hồn; trước khi thác sinh ra đời, mỗi linh hồn đều ngồi trên một chiếc xe ngựa chạy dưới bầu trời: linh hồn nào ngựa chạy khỏe có thể nhìn thấy khoảng không gian là nơi mà các ý niệm trú ngụ. Cuốn “Phédon” cũng như cuốn “Gorgias” và quyền thứ mười của cuốn “Nền cộng hòa” nói về số phận của tỉnh hồn sau cái chết Platon đã đi tới kết luận là “chịu đựng sự bất công “còn hơn là “phạm sự bất công” và khi mà người ta đã phạm sự bất công, thì “đền bù tội lỗi” còn hơn là “không đền bù tội lỗi”.  Platon đã đề ra những quan niệm về đạo đức trái hẳn với các quan niệm về đạo đức của thời đại ông.

Về chính trị, Platon chủ trương rằng không thể tổ chức một chính thể tốt đẹp với những công dân đã lớn tuổi, những người này đã hư hỏng mất rồi. Người ta nên giao phó việc dạy dỗ các thanh niên cho những triết gia, rồi các thanh niên này sẽ cải tạo chính thề. Trong cuốn “Nền cộng Hòa”, Platon đã vạch ra một chương trình giáo dục thanh niên và thanh nữ, vì ông luôn luôn phản đối việc xã hội Hi-Lạp dành cho phụ nữ một địa vị thấp kém. Phải lựa chọn trong số các thanh niên và thanh nữ ấy những phần tử ưu-tú: những người này, sau khi được giáo dục về âm nhạc và thể thao sẽ học hỏi các khoa học, thuyết các ý niệm và quan niệm về sự Thiện Hảo. Họ sẽ chỉ cầm quyền chính khi nào đã ba mươi tuổi, và trong một thời hạn là mười lăm năm mà thôi. Họ sẽ chung sống với nhau, không ai có của cải riêng, con cái của họ sẽ được nuôi chung trong những ký-nhi-viện.

Hai cuốn “Chính trị” (Politique) và “Luật pháp” (Lois) của Platon đã bàn luận về những vấn đề liên-quan đến chính trị. Theo Platon, thì các người đời chỉ là những người, chứ không phải là những thần thánh. Cố nhiên là nếu mọi người đời đều hoàn toàn thì không cần phải có luật-pháp. Nhưng mà người đời không bao giờ hoàn toàn và ta nên có một hiến pháp tuy không tuyệt hảo, nhưng có thề thực-hiện được. Trong cuốn “Luật pháp” Platon để phân chia đô thị ra làm 5.040 gia đình gồm lại thành 4 giai cấp.

Phỏng theo Pierre Maxime Schuhl trong Tự Điển về tiểu sử của các tác giả trong mọi thời đại và tại khắp mọi nước, quyền II tr. 359-361 (Dictionnaire biographique des auteurs de tous les temps et de tous les pays, Tome II, pp. 359-361 S.E.D.E. Paris, 1958).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt