TRIẾT HỌC CỦA PLATON
BRIAN DUIGNAN TRẦN THIÊN BẢO dịch
Brian Duignan. Lịch sử triết học: Triết học Cổ đại – từ năm 600 TCN đến 500. Britannica. Trương Quang Cẩm và cộng sự dịch.| Bản thảo đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.
Platon, cùng với thầy mình là Socrates và học trò Aristoteles, đã đặt nền tảng triết học cho nền văn hoá Tây phương. Dựa trên minh chứng của Socrates rằng: những kẻ được xem là chuyên gia trong các vấn đề đạo đức lại không có những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp của con người, Platon quan niệm rằng những sai lầm của họ bắt nguồn từ việc họ không nghiêm túc tuân theo một loại thực thể ông gọi là mô thức (form), điển hình như Công lý, cái Đẹp, và Bình đẳng. Dù những nhà tư tưởng khác - và cả chính Platon trong vài đoạn văn của ông - đã sử dụng những thuật ngữ này không mấy chính xác theo chuyên ngành, nhưng Platon đã dành cả sự nghiệp đời mình để chuyên chú vào những thực thể ấy. Theo ông quan niệm, ta chỉ có thể tiếp cận chúng bằng đầu óc chứ không thể bằng các giác quan; chúng là những thành tố quan trọng nhất của thực tại, làm nền tảng cho sự tồn tại của thế giới khả giác, giúp ta nhận thức được thế giới. Trong siêu hình học, Platon đã hình dung ra một cách nghiên cứu có hệ thống và hợp lý về các mô thức và mối tương quan giữa chúng, bắt đầu từ mô thức cơ bản nhất (cái Thiện, hay Cái Một); trong đạo đức học và tâm lý học luân lý, ông phát triển quan điểm cho rằng một cuộc sống tốt đẹp không chỉ đòi hỏi một loại tri thức nào đó (như Socrates đã đề cập) mà còn phải có thói quen với những phản ứng cảm xúc lành mạnh, do đó có sự hài hoà giữa ba phần của tâm hồn (lý trí, tinh thần và dục vọng, theo Platon). Tác phẩm của ông cũng chứa đựng những luận bàn về mỹ học, triết học chính trị, thần học, vũ trụ luận, nhận thức luận, và triết học về ngôn ngữ. Trường phái của ông không chỉ khuyến khích những nghiên cứu trong lĩnh vực triết học theo nghĩa hẹp, mà còn bao gồm những nỗ lực rộng lớn, mà ngày nay gọi là toán học và khoa học. CUỘC ĐỜI Platon sinh năm 428 trước Công nguyên, một năm sau cái chết của chính khách Athens vĩ đại Pericles, mất vào năm 348 trước Công nguyên, là con trai của Ariston và Perictione. Các em trai Glaucon và Adeimantus được mô tả như những người tham gia đối thoại trong kiệt tác Cộng Hoà (Republic) của Platon, và Antiphon, người anh em cùng cha khác mẹ cũng được mô tả trong đối thoại Parmenides. Gia đình Platon là gia đình quý tộc và danh giá: họ nội của ông tự cho mình là hậu duệ của thần Poseidon, và bên ngoại ông là họ hàng với nhà lập pháp Solon (khoảng 630 – 560 trước Công nguyên). Kém vẻ vang hơn, hai họ hàng thân thích với mẹ ông, Critias và Charmides nằm trong số Ba mươi bạo chúa đã thâu tóm quyền lực ở Athens, cai trị một thời gian ngắn, đến khi nền dân chủ được phục dựng vào năm 403. Platon thời trẻ thuộc nhóm môn đồ chung quanh Socrates. Vì Socrates không viết bất kỳ tác phẩm nào, nên tất cả những hoạt động tiêu biểu của ông với đồng bào Athens (và đôi khi là một kẻ chu du nổi tiếng) thể hiện trong các cuộc đối thoại đều được người khác ghi lại, phần lớn là do Platon. Những tác phẩm của Platon thường được gọi là “những đối thoại Socratic” trình bày những gì mà nhân vật lịch sử Socrates đã thực hiện. Socrates thường thách thức những kẻ được cho là tinh thông một khía cạnh kiệt xuất nào đó của con người đưa ra những lý giải cho những khía cạnh này – chẳng hạn, những lý giải khác nhau về lòng dũng cảm, lòng sùng tín, vân vân… hay đôi khi là về toàn bộ “đức hạnh” – và họ thường thất bại trong việc bảo vệ lập trường của mình. Platon chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc đời lẫn cái chết của Socrates. Hoạt động của người thầy đã đặt xuất phát điểm cho các hoạt động triết học của Platon. Hơn thế nữa, nếu tác phẩm Lá Thư Thứ Bảy (Seventh Letter) của Platon được tin là có thực (tác giả thực sự của nó vẫn đang gây tranh cãi), thì sự luận bàn của Socrates về chuyên chế và dân chủ đã làm Platon ngần ngại tham gia vào đời sống cộng đồng, mà một người có thân thế như ông thường hay thực hiện. Sau cái chết của Socrates, có lẽ Platon đã chu du rất nhiều, từ Hy Lạp đến Ý và Ai Cập, dù không có bằng chứng nào đáng tin cậy về những chi tiết đó. Dường như những môn đệ của Pythagoras (khoảng 580 – khoảng 500 trước Công nguyên) đã ảnh hưởng đến cương lĩnh triết học của Platon (tuy họ bị chỉ trích trong các đối thoại Phaedo và Cộng Hoà, nhưng lại được trân trọng nhắc đến trong đối thoại Philebus). Người ta cho rằng việc ông du hành đến Syracuse trên đảo Sicily ba lần (được nhắc đến nhiều trong tác phẩm Những Lá Thư, mặc dù tính xác thực vẫn còn gây tranh cãi) đã dẫn đến những thâm tình riêng tư giữa ông với Dion (408 – 354 trước Công nguyên), em rể của Dionysius I (430 – 367 trước Công nguyên), bạo chúa thành Syracuse. Trước sự nài nỉ của Dion, Platon rõ ràng đã nhận lời thực thi hoá lý tưởng “nhà vua - triết gia” của ông (được mô tả trong Cộng Hoà) bằng việc dạy dỗ Dionysius II; kế hoạch không thành, và trong thời đoạn rối ren sau đó, Dion đã bị sát hại. Được sáng lập vào những năm 380 ở vùng ngoại ô thành Athens, viện Academy của Platon là tiền thân xưa nhất của các trường đại học hiện đại (từ đó mới có thuật ngữ academic – hàn lâm trong tiếng Anh); là một trung tâm bề thế về nghiên cứu và học tập, viện đã thu hút không ít những người có năng lực xuất chúng. Các nhà toán học lỗi lạc như Theaetetus (417–369 t. CN) và Eudoxus xứ Cnidus (khoảng 395 – khoảng 342 t. CN) đã theo học tại viện này. Dù không phải là nhà toán học nghiên cứu, Platon vẫn tiếp thu những thành quả từ họ để phục vụ cho công trình của bản thân. Aristoteles cũng là thành viên của viện Hàn lâm trong suốt 20 năm. Chỉ đến khi Platon qua đời và ông không được kế vị (có lẽ là vì quan hệ giữa ông với triều đình Macedonia, nơi ông dạy dỗ Alexander Đại đế thời niên thiếu), Aristoteles mới thành lập Học viện (Lyceum) của riêng mình. Vì Aristoteles thường thảo luận các vấn đề bằng các quan điểm đối nghịch với thầy mình, nên rất dễ nhận ra họ đã bất đồng ý kiến với nhau như thế nào. Do đó, trong khi với Platon, đỉnh cao của đạo đức học là cái thiện nói chung – hay bản thân Thiện tính (cái Thiện), thì với Aristoteles, đó là cái thiện đối với con người; và trong khi Platon cho rằng giống loài của các thực thể thì có tính thực tại cao hơn chính những thực thể thuộc về nó, Aristoteles khẳng định điều ngược lại. Việc Platon nhấn mạnh cái lý tưởng, trong khi Aristoteles nhấn mạnh vào thế giới trần tục, đã cho Rafael ý tưởng về hình ảnh hai triết gia tranh luận trong bích hoạ Trường Athens (School of Athens – năm 1508-11). Nhưng nếu ta xét hai triết gia không chỉ trong mối quan hệ với nhau, mà còn trong bối cảnh của toàn bộ nền triết học Tây phương, thì mới thấy tư tưởng của Aristoteles là sự nối tiếp từ thầy ông rõ ràng đến mức nào. (Thật vậy, có lẽ bức hoạ cũng thể hiện sự nối tiếp đó bằng hình ảnh hai triết gia trao đổi rất thân tình). Trong bất cứ trường hợp nào, viện Hàn lâm vẫn không hề áp đặt hệ giáo điều chính thống, thậm chí còn khuyến khích tinh thần tra vấn độc lập; nên về sau, nó lại nghiêng về khuynh hướng hoài nghi. HÌNH THỨC ĐỐI THOẠI Kể cả chỉ nhìn qua dưới lăng kính dịch thuật, Platon vẫn là một đại văn hào. Dù vậy, ông lại có những nhận xét tiêu cực về giá trị của văn chương. Cũng vậy, dù ông tin rằng ít nhất một trong những mục đích của triết học - dẫu không phải mục đích chính yếu - là làm cho con người có khả năng sống một cuộc sống tốt đẹp, ông đã sáng tạo các đối thoại chứ không phải các luận văn hay viết các lá thư khích lệ, nhưng Platon cũng không trực tiếp nói cho độc giả biết bất kỳ một chân lý hữu dụng nào để noi theo. Cách giải quyết cho những mâu thuẫn rõ ràng này là ngẫm nghĩ về quan niệm triết học của Platon. Khía cạnh trọng yếu của quan niệm này, như nhiều triết gia sau Platon cũng đồng tình, cho rằng triết học nhắm đến minh triết và thông hiểu nhiều hơn là khám phá sự kiện hay thiết lập các giáo điều. Sự thông tuệ và hiểu biết này khó đạt được vô cùng; không hề cường điệu khi nói rằng để đạt được chúng, nếu có thể đạt nổi, cần phải nỗ lực suốt cả đời. Vả lại, mỗi người phải tự mình đạt được. Các tác phẩm viết hay luận đàm của người khác có thể hỗ trợ cho sự tiến bộ triết học, nhưng không thể đảm bảo việc ta sẽ có được chúng. Tuy nhiên, tương tác với một người sống thực thì cũng có những lợi thế nhất định hơn là tiếp xúc với văn bản. Như Platon đã chỉ ra, hình thức bất dịch của văn bản đã hạn chế chính nó: nó không thể tự mình điều chỉnh cho phù hợp với mỗi độc giả, cũng như không thể bổ sung thêm để trả lời cho những câu hỏi của người đọc. Thế nên đương nhiên là Platon ít mong đợi vào hiệu quả của các tác phẩm viết. Mặt khác, rõ ràng là ông cũng không tin rằng văn bản viết không có giá trị triết học. Các tác phẩm viết vẫn phục vụ một mục đích, như là cách tương tác với người khác vượt qua sự cách trở không gian và thời gian của tác giả, và cũng là phương tiện để các ý tưởng được khám phá và kiểm chứng. Hình thức đối thoại thích hợp với kiểu triết gia như Platon. Cách ông sử dụng các yếu tố kịch tính, bao gồm cả hài hước, đã cuốn hút người đọc. Khả năng tái tạo những trải nghiệm trong đối thoại của Platon không ai sánh bằng được. Bên cạnh Socrates và những nhân vật có thế lực, các mẩu đối thoại còn gồm một số lượng lớn các nhân vật phụ, vài người trong số đó tượng trưng cho những tầng lớp độc giả nhất định (chẳng hạn, có lẽ Glaucon tượng trưng cho lớp thanh niên tài năng đầy tham vọng chính trị). Những nhân vật này không chỉ đóng vai trò truyền tải các luồng tư tưởng cụ thể, mà còn gây cảm hứng cho người đọc cùng suy nghĩ – tưởng tượng rằng mình đang cùng tham gia vào đối thoại với những lập luận và phản biện của riêng mình. Thúc đẩy người đọc tham gia vào hoạt động triết học là mục đích chủ yếu của thể loại đối thoại. HẠNH PHÚC VÀ ĐỨC HẠNH Câu hỏi đặc trưng của đạo đức thời cổ đại là: “Làm sao tôi có thể hạnh phúc?” và câu trả lời phổ biến nhất là “nhờ đức hạnh”. Nhưng đúng ra, hạnh phúc (happiness) – từ tiếng Anh dịch từ thuật ngữ eudaimonia trong tiếng Hy Lạp cổ – không phải một tâm trạng hay cảm giác, mà nó là điều kiện làm cho mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Hạnh phúc chung quy là sống một cuộc đời viên mãn. Vì thế, câu hỏi “Làm sao tôi có thể hạnh phúc?” phải được hiểu như “Làm sao tôi có thể sống một cuộc đời tốt đẹp?” Trong khi quan niệm về hạnh phúc trong triết học Hy Lạp chỉ áp dụng chủ yếu cho sinh vật, thì quan niệm arete (αρετή) – nghĩa là “đức hạnh” hay “sự xuất sắc” – lại được ứng dụng rộng rãi hơn rất nhiều. Bất kỳ cái gì có cách sử dụng, chức năng, hay có hoạt động đặc thù đều có đức hạnh hay sự xuất sắc – nghĩa là bất cứ sự bố trí nào làm cho vật đó hoạt động tốt. Tương tự như thế, đức hạnh con người là bất kỳ hoạt động nào làm cho con người có một cuộc sống tốt. Nhưng một cuộc sống tốt đẹp bao gồm những gì thì vẫn chưa rõ ràng, nên vẫn khó mà nói rõ đức hạnh có thể là gì. Vào thời của Platon, một tập hợp các đức hạnh thông thường đã được công nhận trong một nền văn hóa rộng lớn; bao gồm lòng dũng cảm, sự công chính, lòng sùng tín, tính khiêm nhường hay mực thước, và sự thông thái. Socrates và Platon dốc tâm khám phá xem những đức hạnh ấy chung quy là gì. Để lý giải thích đáng một đức hạnh thì cần phải xác định nó là gì, chỉ rõ tại sao việc sở hữu nó lại làm cho cuộc sống tốt đẹp, và cách tốt nhất để ta đạt được nó. Theo sự mô tả của Platon về hoạt động của nhân vật lịch sử Socrates, những người đối thoại sẽ được Socrates truy vấn trong việc đi tìm định nghĩa cho các đức hạnh. Dù thế, điều quan trọng cần phải hiểu là định nghĩa được tìm kiếm không mang tính từ vựng, vốn đơn thuần cho thấy người nói một ngôn ngữ hiểu định nghĩa đó trong phạm vi năng lực ngôn ngữ. Trái lại, định nghĩa ở đây cung cấp những lý giải về bản tính thực sự của những thứ được gọi tên bằng định nghĩa đó; vì thế đôi khi chúng được gọi là “định nghĩa thực sự”. Chẳng hạn, “định nghĩa thực sự” của nước là H2O, dù trong phần lớn các thời đại lịch sử, những người nói về nó chẳng hề biết điều đó. Trong những cuộc tranh cãi được Platon miêu tả, những người tranh luận thường đưa ra một ví dụ về đức hạnh mà họ được yêu cầu định nghĩa (không phải loại câu trả lời đúng), hoặc đưa ra một lý giải khái quát (loại câu trả lời đúng) nhưng lại không phù hợp với trực quan của họ về các vấn đề liên quan. Socrates có khuynh hướng cho rằng, đức hạnh không phải là vấn đề hành vi hướng ra ngoài, mà là hay bao hàm một loại tri thức đặc biệt nào đó (tri thức về thiện và ác hoặc tri thức về công dụng những thứ khác). Đối thoại Protagoras đề cập đến vấn đề liệu rằng những đức hạnh khác nhau được thừa nhận rộng rãi thì khác nhau hay thực ra chỉ là một. Xuất phát từ khẳng định của một người tranh luận rằng số đông không có khái niệm gì về cái thiện trừ khoái lạc, Socrates đã phát triển hình ảnh một tác nhân mà theo đó nghệ thuật xuất sắc thiết yếu cho một cuộc sống tốt đẹp là các phép đo và tính toán; nếu thế thì tất cả những gì cần thiết là tri thức về tầm quan trọng của khoái lạc và đau khổ trong tương lai. Nếu khoái lạc là đối tượng duy nhất của dục vọng thì, trừ những sai lầm đơn thuần trong tính toán, thật không thể hiểu được điều gì có thể khiến ai đó hành động xấu xa. Thế nên, toàn bộ đức hạnh hẳn là phải bao gồm một loại minh triết nào đó. Quan điểm cho rằng tri thức là tất cả những gì người ta cần cho một cuộc sống tốt đẹp, và rằng không có phương diện nào của tính cách mà không thể quy giản về nhận thức (và vì thế, không có thất bại luân lý và cảm xúc nào mà không phải là thất bại về nhận thức) là lập trường mang đậm chất Socrates. Tuy nhiên, trong đối thoại Cộng Hòa, Platon lại phát triển quan điểm về hạnh phúc và đức hạnh theo hướng khác với Socrates. Theo Platon, tâm hồn có ba phần, mỗi phần có một đối tượng khao khát riêng. Lý trí khao khát chân lý và cái thiện của toàn bộ cá thể, tinh thần bị chiếm lĩnh bởi danh vọng và các giá trị cạnh tranh, và dục vọng có những ham muốn thấp kém cố hữu về đồ ăn, thức uống và tình dục. Vì tâm hồn phức tạp, những sai lầm trong tính toán không phải là con đường duy nhất đẩy nó vào lầm lạc. Ba thành phần này có thể lôi kéo tâm hồn theo ba hướng khác nhau, và phần thấp kém trong tâm hồn lại có thể lấn át các phần khác nếu nó được phát triển quá mức. Do đó, điều kiện tốt đẹp cho tâm hồn không chỉ bao gồm sự ưu tú về mặt nhận thức. Nói theo Cộng Hoà, một tâm hồn lành mạnh hay đúng đắn sẽ có sự hoà hợp về tâm lý – chính là điều kiện để mỗi phần tâm hồn làm đúng việc của nó. Theo đó, lý trí hiểu được cái Thiện phổ quát và khao khát cái thiện thực sự của cá nhân, trong khi, hai phần còn lại của tâm hồn khao khát những thứ có lợi cho chúng, cho nên, tinh thần và dục vọng sẽ được kích hoạt bởi những gì lành mạnh và chính đáng. Mặc dù cuộc đối thoại bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao tôi nên công chính?,” Socrates đề xuất rằng ta có thể nâng tầm câu hỏi đó bằng việc suy xét công lý [justice (dt): công lý; just (tt): công chính – ND] “hiển nhiên” trong một thành quốc lý tưởng. Theo đó, những luận bàn chính trị được tiến hành để bổ trợ cho các luận bàn đạo đức. Gợi mở đầu tiên cho sự hiện hữu ba phần của tâm hồn trong mỗi người chúng ta là sự hiện hữu của ba tầng lớp trong một nhà nước vận hành tốt: tầng lớp cai trị, vệ binh và tầng lớp lao động. Nhà nước khôn ngoan là nhà nước có tầng lớp cai trị hiểu được cái thiện; nhà nước dũng cảm là nhà nước có những binh lính, bấp chấp sự tàn khốc của chiến tranh, vẫn có thể tuân thủ mệnh lệnh ban ra từ tầng lớp cai trị về điều điều gì mới đáng sợ; nhà nước ôn hoà là nhà nước được toàn thể công dân đồng thuận về vấn đề ai là người lãnh đạo; và nhà nước chuẩn mực là nhà nước mà các tầng lớp thực hiện đúng công việc của họ. Như thế, nếu muốn thành quốc được đức hạnh viên mãn, mỗi công dân phải đóng góp một cách thích đáng. Công lý, theo quan niệm của tác phẩm Cộng Hoà, là toàn diện đến nỗi chỉ cần có được nó, người ta sẽ có được tất cả các đức hạnh khác, nhờ đó chúng ta đạt đến “sự lành mạnh nuôi sống [tâm hồn] ta”. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm rằng chỉ cần sự tập quen và các huấn thị đúng đắn trong đời sống là người ta có thể đạt đến trạng thái đó, ta phải lưu ý rằng tác phẩm Cộng Hoà cũng xây dựng một học thuyết nổi tiếng theo đó, lý trí không thể hiểu đúng về cái thiện hay bất kỳ thứ gì khác của con người nếu nó không thấu hiểu mô thức của bản thân cái Thiện. Như thế, câu hỏi thoạt tiên bắt đầu từ động cơ của mỗi cá nhân được giả định là phải có (động cơ để học cách sống tốt), đã dẫn đến một chương trình giáo dục đầy tham vọng. Bắt đầu bằng việc chỉ tiếp xúc với các chuyện kể, thi ca và âm nhạc bổ ích ngay từ thời thơ ấu, tiếp tục với việc thực hành các hành vi tốt được giám sát và nhiều năm đào tạo các bộ môn toán học, chương trình này – và cả đức hạnh – sẽ chỉ hoàn chỉnh ở những người có khả năng thấu hiểu nguyên tắc đầu tiên – cái Thiện, rồi trên cơ sở đó tiếp tục lý giải các thực tại khác. Có một số gợi ý trong tác phẩm Cộng Hoà, cũng như trong truyền thống liên quan đến bài giảng của Platon “Bàn Về Cái Thiện”, và trong cả một số đoạn hội thoại chuyên sâu hơn rằng nguyên tắc đệ nhất này cũng đồng bản thể với cái Nhất thể, hay cái Một. LÝ THUYẾT VỀ MÔ THỨC Học thuyết về Mô thức của Platon vừa giúp ông nổi tiếng, vừa khiến ông mang tai tiếng. Lý thuyết đó thực chất là thế nào, và liệu nó có thể đứng vững được hay không luôn là vấn đề gây tranh cãi kịch liệt. Đối với các độc giả biết đến Platon qua tiếng Anh, mối quan hệ giữa các mô thức và những cái cá biệt khả giác, được dịch là “sự tham dự” (“participation”), dường như là sự huyền bí cố tình. Hơn nữa, luận điệu cho rằng thế giới khả giác không hoàn toàn là “thực”, tương phản với “sự tồn tại thuần tuý” của các mô thức, lại càng rắc rối. Để diễn giải thích đáng lý thuyết này, cần dựa vào cả kiến thức lịch sử lẫn sự tưởng tượng triết học. BỐI CẢNH NGÔN NGỮ VÀ TRIẾT HỌC Các thuật ngữ Platon dùng để đề cập đến các mô thức, idea và eidos, bắt nguồn từ động từ eidô, nghĩa là “trông có vẻ”. Do đó, idea hay eidos thường là vẻ ngoài của sự vật, giống như người ta đang nói đến cái lọ hoa có kiểu dáng ưa nhìn. (Vì nghĩa bóng mang tính tinh thần hay tâm thức luận (mentalistic) của từ idea trong tiếng Anh dẫn đến sự hiểu lầm - tác phẩm Parmenides đã cho thấy mô thức không thể là ý tưởng trong tâm trí - cho nên, cách dịch đó đã không được ưa chuộng). Cả hai thuật ngữ trên còn có thể sử dụng với nghĩa khái quát hơn, để chỉ bất kỳ đặc điểm giống nhau nào của hai hay nhiều thứ khác nhau, hay một loại sự vật dựa trên đặc điểm đó. Từ hình thức (form) trong tiếng Anh mới có nghĩa như thế. Câu nói “Đồ gốm có hai hình thức” có thể cắt nghĩa là đồ gốm được chế tác thành hai hình dáng, hoặc là có hai loại đồ gốm. Khi muốn phân biệt giống với loài, Platon có khuynh hướng dùng hai thuật ngữ genos và eidos, được dịch ra tương ứng là “giống(genus)” và “loài (species)”. Mặc dù theo văn cảnh, dịch là “giống” và“loài” là phù hợp, tuy nhiên, quan trọng là chúng ta không được quên sự liên tục của từ eidos: ngay trong các đoạn văn ấy, Platon đã luôn đề cập đến cùng một loại thực thể, là mô thức. Có một lưu ý khác về mặt ngôn ngữ cần xét đến, đó là tính hàm hồ của những thuật ngữ Hy Lạp cổ mà khi chuyển ngữ sẽ không phù hợp với đặc tính ngôn ngữ của tiếng Anh, chẳng hạn như “cái tối (the dark)” hay “cái đẹp (the beautiful)”. Những thuật ngữ này có thể đề cập đến một cá thể riêng biệt mang đặc điểm đang được xem xét – như khi từ “người đẹp (the beautiful [one])” được dùng để chỉ Achilles; nhưng có khi chúng cũng đề cập đến chính những đặc điểm đó – như khi “cái đẹp (the beautiful)” được dùng để chỉ một đặc tính vốn có của Achilles. “Cái đẹp (the beautiful)” trong cách sử dụng sau có thể được xem như một thứ phổ quát mà tất cả những cái cá biệt xinh đẹp cùng có. Trong thời đại của Platon, những thuật ngữ trừu tượng có tính rạch ròi – tương đương với “sự tối tăm (darkness)” và “vẻ đẹp (beauty)” trong Anh ngữ – dần được sử dụng như một cách để ngăn ngừa tính hàm hồ cố hữu trong thuật ngữ nguyên thuỷ. Platon sử dụng cả hai loại thuật ngữ này. Vào thời của Platon cũng đã có những tiền lệ triết học quan trọng về việc sử dụng những thuật ngữ như “Cái tối (the dark)” và “cái đẹp (the beautiful)” để nói đến những thực thể nền tảng siêu hình. Nhà khoa học tự nhiên vĩ đại tiền-Socrates, Anaxagoras (khoảng 500 – khoảng 428 t. CN) đã thiết lập một danh sách dài những thực thể nền tảng, ông chủ trương rằng tất cả những gì được hiểu như những cá thể thực chất là những phức hợp được tạo thành từ những phần tử hay bộ phận của những thực thể nền tảng đó. Thuộc tính của những phức hợp khả giác phụ thuộc vào thuộc tính của những thành phần nổi trội tạo nên chúng. Sự thay đổi, sản sinh, tiêu huỷ trong các cá thể khả giác được nhận thức là do sự thay đổi kết cấu của các thực thể nền tảng, mà bản thân chúng là vĩnh cửu và thường hằng, chỉ có thể tiếp cận bằng trí tuệ, chứ không phải bằng các giác quan. Đối với Anaxagoras, sự vật chứa một phần của một cái gì đó là điều rất dễ hiểu: một phức hợp đặc thù sẽ mang một phần chất liệu của thực thể nền tảng đang xem xét, như là một thành phần vật lý của nó. Ví dụ, một sự vật được nhận thấy nóng là vì nó có chứa một phần đủ lớn của “cái nóng” – thứ được cho là toàn bộ sức nóng trên thế giới. Cái nóng tự bản thân nó nóng, và đó là lý do tại sao những phần tử của nó lý giải độ nóng cho phức hợp. (Nói chung, bản thân những thực thể nền tảng mà Anaxagoras nêu ra đã mang những phẩm tính mà chúng có nhiệm vụ giải thích cho các sự vật cá biệt khả giác). Những phần tử này giống hệt nhau về phẩm tính, và cũng giống hệt những phần tử của “cái nóng” đã mất đi khi bất kỳ sự vật nào trở nên bớt nóng; chúng có thể di chuyển khắp vũ trụ, được chuyển tiếp từ phức hợp này sang phức hợp khác, giống như sức nóng có thể chuyển dịch từ nước tắm nóng sang Hector, khi nó làm cho ông thấy ấm. Có thể nói lý thuyết của Platon đã kế tục lý thuyết của Anaxagoras. Cũng như Anaxagoras, Platon khẳng định rằng những thực thể nền tảng thì vĩnh cửu và thường hằng và chỉ có thể tiếp cận bằng trí tuệ, chứ không thể bằng các giác quan. Và cũng như lý thuyết Anaxagoras, trong lý thuyết của Platon, những cá thể khả giác phô bày một đặc tính cho trước là vì chúng chứa một phần của chính thực thể nền tảng đó. Thuật ngữ Hy Lạp được cả hai ông sử dụng là từ metechei, theo truyền thống được dịch là “tham dự vào” trong các bản dịch của Platon, nhưng lại có nghĩa là “có một phần của” trong các bản dịch của Anaxagoras. Sự khác biệt này đã tạo một ảnh hưởng đáng tiếc: có xu hướng làm những độc giả tiếng Anh không thấy rõ rằng Platon đang tiếp tục một khái niệm trực tiếp từ người tiền bối. Ta cũng có thể thông cảm cho lập luận của Platon rằng mô thức có tính thực tại cao hơn những cái cá biệt khả giác. Lời tuyên bố chắc chắn không nhằm khẳng định rằng thế giới khả giác không tồn tại, hoặc nó chỉ tồn tại một phần hay không trọn vẹn. Nói đúng hơn, sự vật khả giác đơn thuần không có cơ sở bản thể học hay có thể lý giải được: vì chúng được cấu thành và lý giải bởi những thực thể nền tảng hơn, theo Platon cũng như Anaxagoras (và thực chất là theo hầu hết các lý thuyết khoa học). Thật dễ dàng nhân rộng các ví dụ trên tinh thần đó của Platon để minh họa rằng người ta sẽ không thể đưa ra các lý giải thích đáng cho những thực thể nền tảng mà ông lưu tâm dựa theo những cái cá biệt khả giác, cũng như những thuộc tính khả giác. Nếu có người muốn định nghĩa những nét đẹp của Helen người thành Troy, thì anh ta đang nhắm vào một thứ vừa đẹp (về mặt hình thể) lại vừa không đẹp (có lẽ trong luân lý). Tương tự, nếu anh ta xác định một đặc tính khả giác chẳng hạn như một vật mạ vàng, thì khi đó, anh ta nắm bắt được những thứ đẹp cùng với những thứ không đẹp. Và như thế, những cá thể đặc thù và những đặc tính khả giác chỉ phô bày hiện tượng mà Platon gọi là “dao động giữa tồn tại và không tồn tại”: chúng vừa là X, vừa không phải là X theo các giá trị của X mà ông lưu tâm (xinh đẹp, công bằng, bình đẳng, vân vân..). Để có thể hiểu đúng về cái đẹp, người ta cần phải nắm bắt một cái gì đó đẹp đơn thuần, bất kể thứ đó được cấu tạo như thế nào. Những đối thoại trung kỳ cũng chẳng giúp đỡ người đọc đối với việc hiểu này. Cuối cùng cần chú ý là, vì Platon chỉ chú tâm vào các thuộc tính luân lý và thẩm mỹ như công lý, cái đẹp và cái thiện, nên kiến giải của Anaxagoras về sự tham dự – cho rằng các phức hợp khả giác được cấu thành từ những phần tử vật lý của các thực thể nền tảng – đã không còn được Platon sử dụng. Không có một phần tử vật chất đồng nhất về mặt phẩm tính nào được thêm vào khiến âm thanh của đàn lia hay hơn, hay mất đi khi Achilles về già. Vì thế, lý thuyết về Mô thức của Platon cần một cách lý giải mới về sự tham dự nếu muốn mang ra ứng dụng. MÔ THỨC NHƯ HÌNH MẪU HOÀN HẢO. Theo một quan điểm được vài học giả quy cho các đối thoại trung kỳ của Platon, thì sự tham dự chính là sự mô phỏng hay là sự tương tự. Mỗi mô thức đều được tiệm cận bởi những cái cá biệt khả giác mang thuộc tính tương ứng. Vì thế, Achilles và Helen là những bản sao bất toàn của [mô thức] cái Đẹp, thứ mà tự bản thân nó đẹp một cách hoàn hảo. Theo cách hiểu đó, “tồn tại thuần tuý” của các mô thức sẽ bao gồm những hình mẫu hoàn hảo của chính chúng, chứ không gồm hình mẫu của bất kỳ thứ gì khác. Cho nên, không giống như Helen, không thể nói mô thức của cái Đẹp vừa đẹp vừa không đẹp – tương tự cho mô thức Công lý, Bình đẳng và tất cả các mô thức khác. Cách giải thích “siêu-minh họa” (“super-exemplification”) về sự tham dự này đã tạo ra một cách hiểu tự nhiên về khái niệm tồn tại thuần túy của các mô thức và cả những câu tự biểu thị (self-predication) như “Cái Đẹp thì đẹp (the Beautiful is beautiful)”, mặc dù điều này có vẻ ngớ ngẩn. Theo lý thuyết của Platon, các mô thức đóng vai trò chức năng của những cái phổ quát, và hầu hết những cái phổ quát – như tính xanh, tính rộng lượng, và tính rộng lớn – lại không phải hình mẫu của chính chúng. (Tính xanh không phô bày màu sắc; tính rộng lượng chẳng trao cho ai; và tính rộng lớn không phải một vật thể khổng lồ). Hơn nữa, sẽ càng rắc rối khi đòi hỏi mô thức chỉ minh họa cho chính bản thân chúng, vì có những thuộc tính mà tất cả mọi thứ - kể cả các mô thức - phải thể hiện, chẳng hạn như tồn tại và đơn nhất. (Cho nên tính Rộng lớn phải có một phần của Tồn tại để thực sự tồn tại, đồng thời cũng phải có một phần của sự Đơn nhất để trở thành một mô thức riêng biệt). Không phải Platon không ý thức hết những trở ngại cam go cố hữu trong cách nhìn “siêu minh họa” đó; thực vậy, theo đối thoại Parmenides và Biện sĩ (Sophist), Platon đã trở thành triết gia đầu tiên giải thích những vấn đề này. Phần đầu của đối thoại Parmenides miêu tả thất bại của chàng Socrates trẻ tuổi khi một mực bảo vệ quan điểm “siêu minh họa” của mô thức chống lại những truy vấn phản biện của triết gia lão làng hơn là Parmenides. Vì những gì nhân vật Socrates trong đối thoại trên nói về mô thức đã gợi lại những khẳng định của nhân vật Socrates trong những đối thoại trung kỳ như Tiệc rượu (Symposium), Phaedo, và Cộng Hoà, nên cuộc tranh luận thường được diễn giải như một đánh giá tiêu cực của Platon về tính thích đáng của những trình bày trước đó. Những người chỉ xem xét mỗi phần đầu của đối thoại Parmenides sẽ có xu hướng cho là Platon đã oanh liệt bám chặt sự thiếu sức sống của lý thuyết của mình, và do đó về cuối đời Platon chỉ còn lại những sự vận dụng khô khan thiếu cảm hứng, từ bỏ luôn cả những chương trình lý thú về các kiệt tác để đời. Ngược lại, những ai xem xét đối thoại này trọn vẹn đều phấn chấn với lời khen của Parmenides dành cho chàng Socrates trẻ tuổi, cũng như với khẳng định của ông rằng sự vận dụng cấu thành phần thứ hai của đối thoại sẽ giúp Socrates đi đúng hướng trong tương lai. Điều này gợi mở rằng Platon tin tưởng lý thuyết về mô thức có thể phát triển theo một cách sẽ khiến nó miễn dịch với những phản biện chống lại quan điểm “siêu minh họa”. MÔ THỨC NHƯ GIỐNG VÀ LOÀI Sự phát triển thành công lý thuyết về mô thức phụ thuộc vào việc phát triển sự phân biệt đối với hai loại vị từ. Platon cho rằng một câu tạo ra vị từ về một cá thể khả giác, như “A là B”, phải được hiểu như là một tuyên bố rằng cá thể A được đề cập đang thể hiện một đặc tính B nào đó. Có những vị từ thông thường về các mô thức, điều này cũng xác định rằng mô thức được đề cập biểu thị những thuộc tính. Tuy nhiên, quan trọng là cũng có một loại vị từ đặc biệt có thể dùng để diễn tả bản tính của một mô thức. Vì Platon đã dự tính rằng những bản tính này có thể trình bày trong những cây giống-loài (genus-species), nên vị từ đặc biệt về một mô thức, như “A là B” là đúng nếu B nằm trên A trong sơ đồ cây chính xác của nó, như một dấu hiệu phân biệt hay một giống (genus). Tương tự, “A là B” có nghĩa rằng việc là B là một phần của sự vật là A. Vị từ đặc biệt này rất gần với cách phân loại động thực vật hiện đại dựa trên nguyên tắc phân loại sinh vật học. Ví dụ, “chó sói là chó” xác định rằng chó sói nằm dưới “chó” trong phân loại giống-loàicủa động vật, hay tương tự, việc là “chó” (Canis) là một phần của một con vật là chó sói (Canis lupus). Sự phân biệt của Platon có thể được minh hoạ bằng những ví dụ sau đây. Vị từ thông thường “Socrates thì công chính” là đúng, vì cá thể được đề cập thể hiện phẩm chất công chính. Tuy nhiên, khi được hiểu như một vị từ đặc biệt, khẳng định đó lại sai, vì rõ ràng là sai khi có phẩm chất công chính sẽ là một phần để là Socrates (vì chẳng có thứ gì để trở thành Socrates hết cả). “Con người là động vật có xương sống”, hiểu như một vị từ thông thường, cũng sai nốt, vì “mô thức Con người” không hề có xương sống. Nhưng nếu xét như một vị từ đặc biệt, thì nó lại đúng, vì một phần của việc là con người là phải có xương sống. Những câu tự biểu thị hay tự vị từ hoá trong ngữ cảnh ấy biểu lộ điều tầm thường, nhưng đúng: như câu “Cái Đẹp thì đẹp” (the Beautiful is beautiful) chỉ khẳng định rằng trạng thái đẹp là một phần của một cái đẹp. Nói chung, chúng ta phải cẩn thận, không được cho rằng những câu tự vị từ hoá của Platon bao hàm cả vị từ thông thường mà trong nhiều trường hợp, nó có thể liên quan đến những vấn đề tự minh hoạ rắc rối. Platon quan tâm đến vị từ đặc biệt như một phương tiện để đưa ra các định nghĩa thực sự mà ông luôn tìm kiếm trong các đối thoại trước đó. Theo cách này, khi người ta biết bản thân Công Chính là gì, họ có thể nhận thức rõ mối liên hệ giữa nó với các thực thể khác cùng loại, kể cả việc nó khác biệt với các đức hạnh khác ra sao, chẳng hạn lòng Dũng cảm, và liệu nó là toàn thể, hay chỉ là một phần của Đức hạnh. Bằng cách sử dụng vị từ đặc biệt, ta có thể có một cách giải thích cho từng bản tính nền tảng. Hơn thế nữa, những cách giải thích này còn đưa ra một cách hiểu sự “tồn tại thuần tuý” của các mô thức: cách hiểu này bao gồm cả sự kiện không thể tồn tại một vị từ đặc biệt thực sự của mô thức “A vừa là, vừa không phải là B”. Hay nói khác đi, những câu có vị từ đặc biệt không diễn tả những hiện tượng dao động giữa tồn tại và không tồn tại. Đó là vì chỉ có một trường hợp, hoặc B nằm ở trên A trong phân loại giống – loài đích xác, hoặc là không. Hơn thế nữa, vì các mô thức không còn đóng vai trò là hình mẫu của chỉ riêng mình chúng, nên không gì có thể ngăn chúng có những đặc tính khác, như là tồn tại và đơn nhất khi thích hợp. Theo như cách Platon diễn tả, mọi mô thức phải dự phần vào Tồn tại và Đơn nhất. Vì những vị từ đặc biệt dùng để đưa ra (một phần hay toàn bộ) những định nghĩa thực sự mà Socrates đã luôn tìm kiếm, cách diễn giải này về các mô thức đã kết nối được hầu hết các đối thoại chuyên môn của Platon với các kiệt tác văn chương, và với cả những đối thoại ban đầu của Socrates. Những tác phẩm chuyên sâu còn nhấn mạnh và phát triển ý tưởng (như đã gợi ý ở đối thoại sơ kỳ Euthyphro) cho rằng nên hiểu mô thức theo phân loại giống – loài. Các tác phẩm này đã triển khai một giản đồ, tất nhiên là có chỉnh lý, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công trình của Aristoteles và nhiều nhà nghiên cứu về sau. Theo con đường này, lý thuyết về mô thức sau đó của Platon đã vượt quá cương lĩnh của thầy mình, mở đường nghiên cứu cho các học trò ông và còn tiến xa hơn thế nữa. CÁC ĐỐI THOẠI CỦA PLATON Các nghiên cứu cả về nội dung lẫn văn phong đã chia các tác phẩm của Platon thành ba nhóm. Theo đó, (1) là nhóm các đối thoại sơ kỳ, hay còn gọi là đối thoại Socratic, trình bày những cuộc đàm luận khi Socrates tra vấn những người khác về những vấn đề thiết yếu với con người, mà không thảo luận gì về siêu hình học; (2) các đối thoại trung kỳ, hay những kiệt tác văn chương, điển hình bao hàm các quan điểm của Platon về các vấn đề của con người, cùng một bản phác thảo về lập trường siêu hình học được trình bày có tính nền tảng; và (3) là những đối thoại hậu kỳ, hay những nghiên cứu chuyên sâu, bàn về lập trường siêu hình học này một cách toàn vẹn và trực tiếp hơn. Còn có một số tác phẩm linh tinh khác, gồm thư từ, thơ ca được quy cho Platon, và những đối thoại mà tính xác thực đang được tranh cãi. Các Đối Thoại Sơ Kỳ Các tác phẩm nhóm này (sẽ được thảo luận theo thứ tự bảng chữ cái bên dưới) cho thấy Platon đã tiếp thu di sản của nhân vật lịch sử Socrates; phần nhiều mô tả hoạt động đặc trưng của Socrates, elenchos (έλεγχος), tức tra vấn những người được cho là tinh thông. Các đối thoại sơ kỳ đã làm tốt vai trò dẫn nhập vào kho tàng tác phẩm của Platon. Chúng ngắn gọn, thú vị và khá dễ hiểu, kể cả với độc giả không có căn bản triết học. Quả thực, có lẽ Platon đã chủ định thu hút độc giả vào các chủ đề ấy. Trong các tác phẩm này, Socrates thường lôi kéo một người xuất chúng đương thời bàn về một khía cạnh ưu tú nào đó của con người (đức hạnh) mà người đó được cho là hiểu rõ khía cạnh đó, nhưng càng về cuối cuộc đối thoại, những người tham gia càng bế tắc (aporia). Cuộc thảo luận thường xoay quanh việc tìm kiếm định nghĩa thực sự cho một thuật ngữ then chốt. Một cách đọc các đối thoại sơ kỳ là đọc với chủ tâm tiên quyết phủ nhận rằng những nhân vật quyền lực trong xã hội có những hiểu biết cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp của con người (như cách đọc của các nhà hoài nghi trong thời kỳ Hy Lạp hóa). Tuy nhiên vẫn có những cách đọc mà chủ định tiên quyết là khuyến nghị những quan điểm nhất định. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, các triết gia thuộc trường phái Khắc kỷ (Stoics) xem sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng tối thượng của đức hạnh – hiểu như là một dạng tri thức nhất định– là di sản đích thực của Socrates, và lấy đó làm nền tảng cho trường phái của họ. Nhưng dù ưa chuộng cách hiểu hoài nghi hay một cách hiểu giáo điều hơn về những đối thoại ấy, thì chúng cũng đóng vai trò dọn đường để giới thiệu các tác phẩm khác của Platon. Thực vậy, chính bởi lý do này mà trong các đối thoại dài hơn của Platon đôi khi xuất hiện những đoạn hỏi vặn, như một phần của các tác phẩm. Những đoạn như vậy nhằm mục tiêu thức tỉnh những độc giả ngây thơ, thiếu chín chắn, hay tự mãn với niềm tin chắc chắn rằng anh ta – hay một nhân vật quyền lực nào đó trong cộng đồng – đã thông hiểu những vấn đề sâu sắc được bàn đến, và qua đó thuyết phục anh ta về tính cần thiết của sự phản tỉnh triết học trong các vấn đề này. Đối thoại Tự Biện (Apology) trình bày lời bào chữa của Socrates tại phiên tòa xử án ông, và nó cho ta lời giải thích về sự nghiệp của Socrates: ông là con “ruồi trâu”, cố thức tỉnh con ngựa quý tộc - thành quốc Athens - để nó biết được đức hạnh, và ông là người thông thái nhất theo nghĩa là ông biết rằng ông không biết gì cả. Mỗi tác phẩm khác trong nhóm này trình bày một cuộc tranh luận cụ thể của Socrates. Trong đối thoại Chamides, Socrates bàn luận về sự tiết độ và việc tự biết mình với Critias và Chamides; trong khi, ở thời điểm giả định đầu tiên của đối thoại, Chamides hãy còn là một thanh niên đầy triển vọng. Cuộc đối thoại chuyển từ việc lý giải về phương diện hành vi (“sự tiết độ là một dạng thanh tịnh”) đến một nỗ lực làm rõ trạng thái cơ bản để giải thích cho sự tiết độ; nỗ lực ấy đã vỡ ra thành những nan đề về việc áp dụng tri thức có tính phản tỉnh. Đối thoại Cratylus (một số người không xếp nó vào nhóm tác phẩm sơ kỳ) thảo luận câu hỏi liệu danh tiếng được xác định theo quy ước hay bản tính có đúng hay không. Đối thoại Crito tả cảnh Socrates ở trong tù, đang thảo luận lý do tại sao ông chọn việc không đào thoát trước khi án tử hình được thi hành. Cuộc đối thoại xem xét nguồn gốc và bản chất của nghĩa vụ chính trị. Đối thoại Euthydemus diễn tả cảnh Socrates giữa những người thích tranh cãi (những người ưa bàn cãi logic một cách phô trương). Tác phẩm Euthyphro đặt ra câu hỏi “Lòng sùng tín là gì?”, Euthyphro đã không thể bảo vệ những lập trường tiếp theo cho rằng lòng sùng tín là “những gì các vị thần yêu chuộng”, là “những gì được tất cả các vị thần yêu chuộng”, hay một kiểu phục vụ nào đó cho các vị thần. Socrates và Euthyphro đồng ý rằng thứ họ tìm kiếm là một hình thức duy nhất, hiện hữu trong tất cả những gì sùng tín, và khiến chúng như vậy. Socrates gợi ý rằng nếu Euthyphro có thể chỉ rõ lòng sùng tín dự phần vào công lý như thế nào, thì ông sẽ có lời lý giải. Tác phẩm công phu hơn, Gorgias – trùng tên với một Biện sỹ cũng ở Athens – xem xét việc liệu các nhà hùng biện có một nghệ thuật thực sự, hay chỉ đơn thuần là mánh khóe nịnh hót. Socrates quả quyết rằng nghệ thuật của các nhà lập pháp và quan toà là nhắm đến sự lành mạnh trong tâm hồn, đức tính đã bị những kẻ hùng biện ngụy tạo bằng việc xem lạc thú, thay vì những điều thiện là tiêu chuẩn của họ. Cuộc thảo luận rằng liệu ta có nên đố kỵ với kẻ có thể đạt được mọi thứ anh ta muốn, đã dẫn đến một nghịch lý kiểu Socrates: thà chịu đựng điều sai còn hơn làm điều sai. Callicles ca ngợi con người với tài năng bẩm sinh sẽ phớt lờ công lý quy ước; theo Callicles, công lý đích thực chính là chiến thắng của người đó. Trong đối thoại Hippias Minor, cuộc luận bàn về Homer của một Biện sỹ khách mời đã dẫn đến cuộc chất vấn của Socrates, khiến Biện sỹ không thể trả lời các câu hỏi như: liệu một người công chính cố tình hành xử sai có tốt đẹp hơn những người làm sai khác. Đối thoại Ion xem xét các nhà ngâm thơ chuyên nghiệp và gợi ý rằng cả họ lẫn các nhà thơ đều không có bất cứ tri thức nào. Những người đối thoại trong tác phẩm Laches là các vị tướng. Một trong số đó là nhân vật Laches trong lịch sử, đã thể hiện sự thiếu cam đảm hơn anh lính bộ binh khiêm tốn Socrates, trong cuộc tháo chạy khỏi Delium (trongTrận chiến Peloponnesian). Cũng như vậy, sau thời điểm giả định của đối thoại, một tướng lĩnh khác là Nicias đã phải chịu trách nhiệm cho thất bại thảm khốc trong cuộc viễn chinh đến Sicily, vì đã phụ thuộc vào các nhà tiên tri. Trong cuộc đối thoại này, việc quan sát thấy rằng con trai của những người vĩ đại lại tầm thường đã dẫn đến cuộc tra vấn lòng dũng cảm là gì. Một lần nữa chiều hướng lại xuất phát từ việc lý giải về phương diện hành vi (“đứng vững trên chiến trường”) đến một nỗ lực làm rõ trạng thái nội tại làm cơ sở cho hành vi đó (“tri thức về những nguyên do của hy vọng và sợ hãi”), nhưng chẳng có ai trong số những người tham gia thể hiện sự hiểu biết thoả đáng cho các ý kiến này. Đối thoại Lysis là một tra vấn về bản chất của tình bạn; tác phẩm đưa ra khái niệm về đối tượng đầu tiên của tình yêu, mà vì đó người ta yêu những thứ khác. Đối thoại Menexenus dường như là một bài điếu văn mà Socrates biết được từ Aspasia, tình nhân của Pericles (bản thân Pericles cũng được ca tụng trong một bài điếu văn được truy điệu bởi Thucydides, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại). Tác phẩm này có lẽ là một sự châm biếm về sự xuyên tạc lịch sử vì lòng yêu nước. Đối thoại Meno đề cập vấn đề quen thuộc rằng liệu đức hạnh có thể được dạy dỗ hay không, và nếu được, thì tại sao những người lỗi lạc lại không thể giáo dục con cái họ trở nên đức hạnh. Quan tâm đến phương pháp, đối thoại này đã phát triển vấn đề của Meno: liệu có thể tìm kiếm những thứ người ta biết (vì người đã đã biết chúng rồi) hay những thứ mà người ta không biết (và vì thế nên không thể tìm kiếm)? Vấn đề đó được trả lời bằng lý thuyết về việc học như là hồi tưởng. Những gì mà chúng ta gọi là việc học thực ra chính là việc hồi tưởng lại khi được gợi ý; người ta đã có được tất cả những tri thức lý thuyết tiềm tàng ngay từ lúc mới sinh, như được minh chứng bằng khả năng của cậu bé nô lệ có thể giải các bài toán hình học khi được gợi nhắc thích đáng. (Lý thuyết này sẽ còn tái hiện trong đối thoại Phaedo và trong Phaedrus). Đoạn đối thoại cũng nổi tiếng như một thảo luận sơ khởi cho sự phân biệt giữa tri thức và sự tưởng thật (true belief). Đối thoại Protagoras là một đối thoại nữa với Biện sỹ khách mời, bàn về việc liệu đức hạnh có thể được dạy dỗ và liệu những đức hạnh khác nhau có thực sự là một. Hơn nữa, đối thoại còn bao gồm một luận bàn khác về hiện tượng con của những người lỗi lạc lại tầm thường. Tác phẩm công phu này đã cho thấy các cách tiếp cận vấn đề cạnh tranh nhau của các Biện sỹ với Socrates (về thuật diễn thuyết, phân tích từ ngữ, các bàn luận về thi pháp xuất sắc). Dưới lớp vỏ lý giải một bài thơ của Simonides ở Ceos (khoảng 556 – khoảng 468 t. CN), một sự phân biệt giữa tồn tại và biến dịch đã được vạch ra (sau này trở thành một chủ đề cho Platon). Nổi tiếng hơn cả, đối thoại này đã phát triển một đề xuất đậm chất Socrates rằng đức hạnh đồng nhất với sự minh triết, và thảo luận lập trường của Socrates rằng akrasia (sự nhu nhược luân lý) là bất khả. Socrates cho rằng, trong những trường hợp akrasia biểu hiện rõ ràng, thì tất cả những gì thực sự diễn ra đều là một sai lầm trong tính toán: khi theo đuổi lạc thú như điều thiện, người ta sẽ ước lượng sai độ lớn của toàn bộ lạc thú gây ra bởi hành vi của họ. Các đối thoại trung kỳ Các tác phẩm dài, công phu hơn được gộp chung thành một nhóm vì những điểm tương đồng trong các vấn đề bàn luận: mặc dù chủ yếu liên quan đến các vấn đề con người, nhưng chúng cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc tra vấn siêu hình học và phác họa quan điểm riêng của Platon về các mô thức. Nhóm tác phẩm này cho thấy đỉnh cao trong nghệ thuật văn chương bậc thầy của Platon. Đương nhiên, mỗi tác phẩm hoàn thiện của Platon đều là một thành tựu nghệ thuật theo nghĩa chúng được biên soạn một cách thực tế phù hợp với cả chủ đề lẫn độc giả; dù vậy nhóm tác phẩm này cũng sở hữu những đặc điểm văn học tài tình hơn nhiều. Với đặc thù dài hơn nhiều so với các đối thoại sơ kỳ (hay còn gọi là đối thoại Socratic), những tác phẩm này chứa đựng chân dung tinh tế của các nhân vật và cách họ tương tác, những trình bày bóng bẩy của thuật hùng biện kèm với những ý kiến về hạn chế của nó, những phép tu từ ấn tượng và đáng nhớ, những câu chuyện thần thoại, tất cả đều được thiết kế để đi vào những khám phá triết học một cách nhẹ nhàng. Trong các đối thoại trung kỳ, nhân vật Socrates đưa ra những lý giải lạc quan, được cho là lý giải của chính Platon, cho các loại vấn đề của con người mà những người đối thoại trong các tác phẩm sơ kỳ đã không hiểu được: bản tính của Công chính và các đức hạnh khác, tình yêu kiểu Platon, và linh hồn (psyche). Các tác phẩm thường cho rằng để có cơ sở đúng đắn, những hiểu biết được khao khát phải đòi hỏi các truy vấn cơ bản hơn, và do đó, Socrates đã bao hàm vào phần trình bày của mình một phác thảo về các mô thức. “Tìm kiếm cái phổ quát” bằng cách xem các mô thức như các đối tượng thực sự của định nghĩa vốn là dấu hiệu phân biệt của các đối thoại sơ kỳ, dù chưa chú ý đến tình trạng và đặc tính của các thực thể đó. Dù thế, ngay cả các tác phẩm trung kỳ cũng chưa xác định rõ bằng cách nào để có thể hiểu được các mô thức. Tại bữa tiệc được mô tả trong đối thoại Tiệc rượu (Symposium), mỗi vị khách (bao gồm cả hai nhà thơ Aristophanes và Agathon) đều đưa ra một lời tán tụng để ca ngợi tình yêu. Socrates đã nhắc lại lời dạy của Diotima (một nữ tiên tri hư cấu), theo đó, tất cả những sinh vật trần thế đều có một thôi thúc đạt đến sự bất tử. Điều này dẫn đến việc sinh nở với bạn đời thông thường, nhưng Diotima cho rằng những đứa con tinh thần như thi ca, khám phá khoa học, và triết học thì tốt đẹp hơn. Lý tưởng nhất, tình ái của con người (tình yêu xác thịt) phải tiến triển từ những đối tượng tình yêu thông thường đến bản thân Cái đẹp. Alcibiades kết thúc cuộc đối thoại khi chen ngang và dành cho Socrates một lời ca ngợi trong khi say khướt. Đối thoại Phaedo đã đạt đỉnh điểm với cái chết xúc động của Socrates, trước đó ông đã thảo luận một chủ đề rất hợp với hoàn cảnh: sự bất tử của linh hồn (trong mức độ nào đó chịu ảnh hưởng của trường phái Pythagoras và phái Orphic). Cuộc đối thoại đề cao các yếu tố đậm nét đặc trưng của Platon: lý thuyết tri thức như là hồi tưởng và tuyên bố rằng việc thấu hiểu các mô thức là nền tảng để thấu hiểu mọi thứ khác. Đoạn này của tác phẩm cũng chứa đựng một huyền thoại liên quan đến hoạt động của linh hồn sau khi chết. Trong đối thoại rất dài là Cộng Hoà, Socrates chỉ ra Công lý là gì và tại sao công chính lại là mối quan tâm lớn nhất của mỗi người. Mối quan tâm đầu tiên về công chính của mỗi người đã dẫn đến cuộc tìm kiếm công lý trên quy mô lớn hơn, như được thể hiện trong thành quốc lý tưởng được hư cấu (vì lẽ đó là tựa đề truyền thống của tác phẩm). Trong đối thoại Cộng Hoà, tầng lớp cai trị và binh lính bị cấm lập gia đình hoặc có tài sản riêng, phụ nữ cũng thực hiện nghĩa vụ như nam giới, và tầng lớp cai trị là các triết gia – những người thông hiểu cái Thiện và Công lý. Đối thoại bao gồm hai cuộc bàn luận với từng người em của Platon, về tác động của nghệ thuật đối với việc phát triển luân lý. Socrates nêu ra một đề xuất rằng Công lý đối với thành quốc hay đối với một cá nhân là điều kiện để mỗi bộ phận thực hiện tốt vai trò của nó; một thực thể như thế sẽ không có động cơ để làm điều bất chính và sẽ thoát khỏi những mâu thuẫn nội tại. Linh hồn bao gồm lý trí, tinh thần và dục vọng cũng giống như thành quốc bao gồm tầng lớp cai trị, binh lính, và thợ thuyền hay nông dân. Những tập giữa của đối thoại Cộng Hoà bao hàm một bản phác thảo các quan điểm của Platon về tri thức và thực tại, đồng thời trình bày hình tượng Mặt trời và Cái hang nổi tiếng, cùng các hình tượng khác. Vị thế của mô thức Cái Thiện trong thế giới khả niệm cũng giống như Mặt trời trong thế giới khả giác. Do đó, cái Thiện chịu trách nhiệm cho sự tồn tại và tính khả niệm của các đối tượng tư duy. Điều kiện nhận thức thông thường của con người giống như điều kiện của các tù nhân bị xích trong một hang động ngầm, với một ngọn lửa lớn phía sau họ và một bức vách được ngăn ở giữa. Các tù nhân bị xích yên một chỗ và vì thế họ chỉ có thể trông thấy những cái bóng in lên bức tường đối diện được tạo ra bởi những bức tượng được di chuyển dọc theo bức vách sau lưng họ. Họ xem những cái bóng đó là thực tại. Sự lý giải về sự tiến bộ mà hẳn là họ sẽ đạt được nếu họ có thể lên mặt đất và thấy được thế giới thực trong ánh sáng mặt trời, đã đề cao quan điểm xem tri thức như là sự khai minh. Platon đề xuất một trình tự cụ thể bắt đầu bằng các nghiên cứu toán học, kết thúc bằng hòa âm học, để chuẩn bị cho các nhà cai trị tương lai thực hành phương pháp biện chứng, nhiệm vụ của phương pháp này là giúp họ phát biểu về sự vật thực sự là gì – tức là., chỉ rõ bản tính chúng bằng cách đưa ra một định nghĩa thực sự. Tương phản với chân dung của một người hay một thành quốc công chính là những mẫu hình suy đồi của nhân cách và chế độ. Cuộc đối thoại kết thúc với một huyền thoại liên quan đến số phận của linh hồn sau khi chết. Nửa đầu của đối thoại Phaedrus bao gồm các tranh luận về sự cám dỗ. Socrates hối hận với nỗ lực ban đầu của ông và đưa ra một luận giải về tình yêu như là động lực cho triết học: tình yêu theo kiểu Platon (Platonic love), như trong đối thoại Tiệc rượu, chính là eros, ở đây được mô tả đầy hình tượng. Linh hồn được khắc họa như được tạo thành từ một con ngựa trắng (cao quý), một con ngựa đen (đê hèn) và một người đánh xe; Socrates đưa ra một mô tả chi tiết về hành trình lìa thể xác của linh hồn để quan sát hình ảnh của các Mô thức, những hình ảnh có thể hồi tưởng lại trong cuộc sống này. Ở phần sau của đối thoại, Socrates duy trì luận điểm rằng tri thức triết học là thiết yếu cho một nhà hùng biện thuyết phục, người có thể tạo ra sự tương tự với chân lý phù hợp với cử tọa của anh ta (và bởi thế, anh ta phải hiểu cả chân lý liên quan đến nội dung chủ đề, lẫn khả năng tiếp thu của nhữngngười khác nhau đối với các thể loại trình bày khác nhau). Với mối lưu tâm đã được phát triển về giống và loài, phần này của đối thoại hướng đến nhóm tác phẩm nghiên cứu chuyên môn. Những luận bàn về giá trị hạn chế của văn bản viết cũng rất đáng chú ý. Các đối thoại hậu kỳ Đối thoại Parmenides chứng minh rằng những phác thảo về mô thức được trình bày trong các đối thoại trung kỳ là chưa thoả đáng; đối thoại này và những đối thoại tiếp theo đã thôi thúc độc giả phải phát triển một hiểu biết vững vàng hơn về những thực thể ấy. Như vậy, hướng tiếp cận theo loài và giống được khuyến nghị trong các đối thoại Biện sĩ (Sophists), Nhà cai trị (Statesman) và Philebus (và cũng được bàn đến trong Phaedrus) đã trình bày phiên bản về sau của lý thuyết mô thức của Platon. Đối thoại Philebus đã trình bày một phiên bản toán học hóa, lấy cảm hứng từ trường phái Pythagoras và tương ứng với vũ trụ luận của đối thoại Timaeus. Nhưng Platon đã không sao lãng những vấn đề con người trong các đối thoại này. Đối thoại Phaedrus đã kết hợp công cụ mới với một lý giải hấp dẫn về tình yêu; những chủ đề chính yếu được giải thích bằng phương pháp phân loại giống-loài trong các đối thoại Biện sĩ (Sophist) hay Nhà Cai Trị (Statesman) đóng vai trò quan trọng ở thành quốc Hy Lạp; và đối thoại Philebus là sự xem xét những yêu sách cạnh tranh giữa khoái lạc và tri thức, đâu mới là cơ sở cho cuộc sống tốt đẹp. (Đối thoại Pháp Luật (Nomos), vẫn còn dang dở khi Platon qua đời, dường như trình bày một cách tiếp cận thực tế cho việc tổ chức một thành quốc). Nếu ta kết hợp những gợi ý (trong tác phẩm Cộng Hoà) liên quan đến cái Thiện, cái Một hay cái Đơn Nhất với nhau; với nghiên cứu xem Cái Một là nguyên lý đầu tiên của vạn vật (trong đối thoại Parmenides); và khả năng về sự cân xứng và sự hài hoà tốt đẹp được đề cao trong đối thoại Timaeus và đối thoại Philebus là những khía cạnh của cái Một, thì ta có thể truy ra những quan tâm có tính mỹ học và đạo đức học của các đối thoại trung kỳ xuyên suốt cả những nghiên cứu chuyên môn khó khăn nhất. Đối thoại Theaetetus xem xét câu hỏi “Tri thức là gì?”. Đó là nhận thức, sự tưởng thật, hay sự tưởng thật với một “sự suy xét”? Đối thoại còn bao gồm một “đoạn lạc đề” nổi tiếng về sự khác biệt giữa não trạng triết học với não trạng trần tục. Tác phẩm không đi đến kết luận cuối cùng và có thể có chủ ý chỉ ra những hạn chế trong các phương pháp của nhân vật Socrates lịch sử đối với vấn đề này, việc phát triển xa hơn đòi hỏi những bổ sung đặc biệt của Platon. Đối thoại Parmenides là phần chủ chốt trong lý giải về các mô thức của Platon. Nó trình bày một sự phê phán quan điểm siêu minh họa của các mô thức được rút ra từ cách hiểu thông thường về các đối thoại Tiệc rượu, Phaedo,Cộng Hoà và dẫn đến một bài tập logic gợi ý dựa trên sự phân biệt giữa hai cách vị từ hóa và một mô hình của các mô thức trong mối quan hệ giống và loài. Được thiết kế để dẫn dắt độc giả đến một lý thuyết tinh tế và vững vàng hơn, bài tập cũng mô tả cái Một như một nguyên lý của vạn vật. Người dẫn dắt cuộc thảo luận trong đối thoại Biện sĩ là một “người lạ thuộc trường phái Eleas”. Phép biện luận dường như bao gồm việc đổi chác bằng cách lừa lọc, ảo tưởng và không-tồn tại (not-being). Tuy nhiên, những điều đó lại mang tính thách đố bởi tính vận dụng lỗi lạc của nhân vật Parmenides lịch sử (cũng thuộc trường phái Eleas) với khẩu hiệu rằng chúng ta không thể suy tưởng hay phát ngôn về cái không tồn tại. Platon đưa ra ý tưởng rằng một câu phủ định theo kiểu “A không phải là B”, không nên hiểu như việc gợi lên một cái không tồn tại tuyệt đối, mà nên hiểu điều đó có nghĩa là A khác B. Một nội dung quan trọng khác của đối thoại là sự phân biệt giữa hai cách dùng từ “là”, tương ứng với hai cách vị từ hóa được giới thiệu trong đối thoại Parmenides. Cả hai đều được liên kết với mô hình định nghĩa giống-loài, vốn rất phổ biến trong các đối thoại hậu kỳ vì cách dùng chủ yếu theo lý thuyết của từ “là” xuất hiện trong các tuyên bố đúng nhờ vào những mối quan hệ được thể hiện trong sự phân loại giống-loài. Đối thoại giải quyết sự trộn lẫn của năm “loại vĩ đại nhất”: Tồn Tại, Giống Nhau, Khác Biệt, Vận Động, và Đứng Yên. Mặc dù dĩ nhiên các loại này không phải là loài của nhau, nhưng chúng cùng dự phần lẫn nhau theo phương cách thông thường. Đối thoại Nhà Cai Trị (Statesman) thảo luận cách định nghĩa giống-loài trong mối liên hệ với sự hiểu biết về khái niệm tên gọi của nó. Đối thoại Timaeus lưu tâm đến sự sáng tạo thế giới của một Đấng Tạo Hóa (Demiurge), Đấng này ban đầu vận hành các Mô thức và không gian và được các thần linh cấp thấp hơn hỗ trợ sau khi Đấng ấy tạo ra họ. Đất, khí, lửa, và nước khởi thủy được tạo thành từ hai dạng tam giác, thứ kết hợp thành những khối rắn đặc thù. Trong tác phẩm này, Platon đã áp dụng những nguyên tắc hài hòa của toán học để tạo ra một vũ trụ luận. Đối thoại Critias là phần tiếp theo ngay sau đối thoại Timaeus; nội dung chủ yếu của nó là câu chuyện tưởng tượngvề cuộc chiến giữa Athens và Atlantis cổ đại. Đối thoại Philebus đã phát triển những công cụ chủ yếu trong phương pháp luận và siêu hình học. Cách lý giải giống-loài về các mô thức được khuyến nghị, nhưng giờ đây, làm nền tảng cho nó là cách phân chia mới với bốn phần: lớp giới hạn, lớp không giới hạn, lớp hỗn hợp, và nguyên nhân. Các mô thức (thuộc về lớp hỗn hợp) được phân tích theo phong cách Pythagoras như được cấu thành bởi lớp giới hạn và lớp không giới hạn. Điều này xảy ra khi tỷ lệ đáng mong ước chi phối sự cân bằng giữa các thành phần của các cặp đối lập cơ bản – ví dụ, sự Lành mạnh chỉ xảy ra khi đạt được sự cân bằng đúng đắn giữa Ẩm ướt và Khô ráo. Đối thoại Luật Pháp (Nomos) rất dài được cho là tác phẩm cuối cùng của Platon, vì có bằng chứng được công nhận rộng rãi rằng nó chưa được hiệu chỉnh khi ông qua đời. Tác phẩm này xây dựng những điều luật để cai trị một nhà nước tưởng tượng và dường như mang ý nghĩa thực tế mà đối thoại Cộng Hoà không có được; do đó, những đòi hỏi về bản tính con người kém nghiêm khắc hơn. Một cách gián tiếp, tác phẩm này dường như đã để lại dấu ấn trên hệ thống triết học pháp quyền vĩ đại của La Mã.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Highly appreciate your work here.