Triết học Hy Lạp

Triết học Socrates

 

TRIẾT HỌC CỦA SOCRATES

 

BRIAN DUIGNAN

TRƯƠNG QUANG CẨM & TRẦN HÀ VỸ dịch

 


Brian DuignanLịch sử triết họcTriết học Cổ đại – từ năm 600 TCN đến 500. Britannica. Trương Quang Cẩm và cộng sự dịch.| Bản thảo đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

Cuộc đời, nhân cách, và tư tưởng của Socrates (khoảng 470-399 TCN) đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền triết học Tây phương từ thời kỳ cổ đại cho đến ngày nay.

Trong thành quốc Athens quê hương, Socrates là một khuôn mặt được thừa nhận rộng rãi và gây nhiều tranh cãi đến nỗi ông thường xuyên bị chế nhạo trong những vở kịch của các nhà viết hài kịch (vở kịch Những đám mây của Aristophanes, được viết vào năm 423 là một ví dụ nổi tiếng nhất). Mặc dù bản thân Socrates không viết gì cả, ông chỉ được miêu tả lại trong những trước tác của một nhóm nhỏ những người hâm mộ khi chuyện trò với ông - Platon và Xenophon là những người đầu tiên trong số đó. Ông được khắc họa trong những tác phẩm này như là một người có nhận thức sâu sắc, chính trực, tự chủ và có kỹ năng lập luận. Ảnh hưởng của cuộc đời ông lại càng mạnh mẽ hơn bởi cách thức kết thúc của nó: ở tuổi 70, ông bị xét xử vì tội bất kính và bị kết án tử hình bằng thuốc độc (chất độc này có lẽ là cây độc cần) bởi một hội đồng xét xử gồm những đồng bào của mình. Tác phẩm Socrates tự biện của Platon dường như là bài phát biểu mà Socrates đã trình bày tại phiên tòa để đáp lại các cáo buộc chống lại ông (từ Hy Lạp apologia có nghĩa là “biện hộ”). Lời biện hộ mạnh mẽ của một cuộc đời tự biết suy xét và sự lên án nền dân chủ Athens đã khiến nó trở thành một trong những văn liệu chủ yếu của tư tưởng và văn hóa Tây phương.

CUỘC ĐỜI VÀ  NHÂN CÁCH               

Mặc dù các nguồn văn liệu và triết học chỉ cung cấp một lượng nhỏ thông tin về cuộc đời và nhân cách của Socrates, nhưng một bức tranh độc đáo và sinh động đối với chúng ta được thể hiện trong những tác phẩm của Platon. Chúng ta biết rằng biết tên cha của ông, tên là Sophroniscus (có lẽ là một người xây đá), mẹ ông, Phaenarete, là một người hộ sinh, và vợ ông, Xanthippe, và ông có ba người con trai. Với một cái mũi hếch và đôi mắt lồi, làm cho ông có vẻ luôn nhìn chằm chằm, ông không phải là người hấp dẫn theo những tiêu chuẩn thông thường. Ông đã phục vụ như một hoplite (chiến binh được trang bị hạng nặng) trong quân đội Athen và chiến đấu dũng cảm trong vài trận chiến quan trọng. Khác với nhiều nhà tư tưởng cùng thời, ông không du hành tới những thành quốc khác để mở mang trí thức. Mặc dù ông không tìm kiếm chức vụ cao, không thường xuyên tham dự các cuộc họp của nghị hội Athens (Ecclesia), vốn là cơ quan cai trị chính của thành phố (như là một đặc quyền dành cho những công dân là nam giới trưởng thành), và không hoạt động trong bất cứ phe phái chính trị nào, ông hoàn thành bổn phận của  một người công dân, bao gồm không chỉ là nghĩa vụ quân sự mà còn là thành viên không thường trực trong Hội Đồng Năm Trăm Người, là cơ quan chuẩn bị chương trình nghị sự của nghị hội Athen.

Socrates không thuộc giới quý tộc hay giàu có, nhưng nhiều người ngưỡng mộ ông đều thuộc giới này, bao gồm cả một số công dân Athens nổi bật nhất về mặt chính trị. Khi thiết chế dân chủ Athens bị lật đổ trong một thời gian ngắn vào năm 403, bốn năm trước phiên xét xử của ông, ông đã không rời thành quốc, như nhiều người tận tâm ủng hộ chế độ dân chủ, bao gồm cả người bạn Chaerephon, người đã đi đến đền Delphi nhiều năm trước đó để hỏi cô đồng xem có ai thông thái hơn Socrates không. (Câu trả lời là không.) Cảm hứng tách rời khỏi mọi thứ, không vướng bận gì của Socrates, lòng can đảm của ông trong trận chiến, sức chịu đựng đói và rét, khả năng uống rượu không say và tự kiểm soát phi thường đối với các hấp dẫn thể xác, tất cả đều được mô tả với nghệ thuật tài tình trong đoạn mở đầu và kết thúc của tác phẩm Symposium (Tiệc rượu).

Theo một nghĩa nào đó, nhân cách của Socrates gắn chặt với quan điểm triết học của ông. Ông là người khác thường vì khả năng kiềm chế cảm xúc tuyệt đối và coi thường rõ rệt các sự khổ cực thể xác. Tương ứng với các phẩm chất này là sự tận tâm của ông đối với luận điểm rằng lý trí, nếu được nuôi dưỡng một cách đúng đắn, có thể và nên là yếu tố kiểm soát toàn diện đời sống con người. Do đó ông không sợ hãi cái chết, ông phát biểu trong tác phẩm Socrates tự biện của Platon rằng, vì ông không biết sẽ có điều gì diễn ra sau khi chết, nên ông cho rằng nếu bất kỳ ai sợ hãi cái chết thì nỗi sợ đó chỉ có thể dựa trên việc tưởng rằng mình biết. Giả định hỗ trợ lời tuyên bố này là, một khi người ta đã suy nghĩ đầy đủ về một vấn đề, thì tình cảm của họ sẽ phát sinh tương ứng. Nỗi sợ hãi sẽ bị xua tan bởi sự thông suốt của trí tuệ. Tương tự như vậy, theo Scorates thì khi phản tỉnh, người ta tin rằng họ nên hành động theo một cách nhất định thì tất yếu cảm xúc của họ về hành động đó sẽ điều chỉnh theo niềm tin của họ – họ sẽ khát khao hành động theo cách như vậy. (Do đó, Socrates phủ nhận khả năng của điều được gọi là “Sự yếu đuối của ý chí” tức là cố ý hành động theo cách thức mà người ta tin là sai). Hệ quả là, một khi người ta biết đức hạnh là gì, họ không thể không hành động một cách đức hạnh. Nếu bất cứ ai không thể hành động một cách đức hạnh mà vẫn làm như thế là bởi vì họ đã nhầm lẫn đức hạnh với một cái gì khác. Đây chính là ý nghĩa của luận điểm cho rằng đức hạnh là một dạng tri thức, mà Aristoteles đã quy cho Socrates.

Quan niệm của Socrates về đức hạnh như một dạng tri thức giải thích lý do tại sao ông xem đức hạnh là điều có tầm quan trọng nhất để trả lời cho những câu hỏi như  “ Lòng dũng cảm là gì?” và “Lòng sùng tín là gì?”. Nếu chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta sẽ có mọi thứ cần thiết để có một đời sống hạnh phúc. Việc Socrates đạt được sự kiểm soát lý trí toàn diện đối với cảm xúc chắc chắn đã cổ vũ việc ông cho rằng trường hợp của mình là một minh chứng cho điều mà con người có thể đạt được với nổ lực cao nhất.

Nhưng nếu đức hạnh là một dạng tri thức, có phải điều đó nghĩa là mỗi loại đức hạnh - như lòng dũng cảm, sự sùng tín, công lý - cấu thành một nhánh riêng của tri thức, và chúng ta có nên suy ra rằng có thể đạt được một trong những nhánh trí thức này mà không đạt những nhánh khác hay không? Đây là vấn đề xuất hiện trong một vài tác phẩm đối thoại của Platon; được thảo luận đầy đủ nhất trong tác phẩm Protagoras. Là một quan điểm phổ biến ở Hy Lạp [vào thời đó], luận điểm này vẫn còn được thừa nhận một cách rộng rãi rằng người ta có thể có một số phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhưng lại có thể thiếu một số phẩm chất khác. Chẳng hạn như người ta có thể dũng cảm nhưng lại không công bằng. Socrates thách thức giả định này; ông tin rằng nhiều loại đức hạnh tạo thành một thể thống nhất nào đó - mặc dù không có khả năng định nghĩa bất kỳ loại đức hạnh nào; ông cũng không nói rằng liệu các đức hạnh có giống nhau hay không hay là các đức hạnh có tạo thành một kiểu hợp nhất kém chặt chẽ nào đó. Nhưng ông dứt khoát bác bỏ quan niệm phổ biến rằng một người có thể có một loại đức hạnh mà không cần phải có tất cả.

Một đặc điểm nổi bật khác trong nhân cách của Socrates thường gây thêm rắc rối trong việc hiểu rõ ông là việc ông sử dụng thuật ngữ eirôneia (một thuật ngữ Hy Lạp cổ đại). Mặc dù đây là thuật ngữ mà từ đó từ irony (châm biếm) trong tiếng Anh phát sinh ra, nhưng có sự khác biệt về nghĩa giữa hai từ này. Nói một cách châm biếm có nghĩa là dùng những từ ngụ ý điều ngược lại với điều mà người ta thường nói, nhưng nó không nhất thiết nhằm mục đích lừa dối, vì người nói mong đợi và thậm chí muốn người nghe nhận ra điều ngược lại. Trái lại, đối với người Hy Lạp cổ đại, eirôneia có nghĩa là “giả vờ” – một người sử dụng từ eirônia là đang cố gắng che dấu một điều gì đó. Đây là điều buộc tội chống lại Socrates nhiều lần trong những tác phẩm của Platon (mặc dù không hề xuất hiện trong các tác phẩm của Xenophon). Chẳng hạn, trong tác phẩm Tự biện của Platon, Socrates đã nói rằng các thành viên hội đồng xét xử sẽ không chấp nhận lý do ông đưa ra về việc ông không thể ngừng việc giảng thuyết của ông ở chợ – vì làm như thế sẽ bất tuân lệnh vị thần đang ngự tại đền Delphi (cử tọa của Socrates lại hiểu rằng ông đang muốn nói đến thần Apollo, mặc dù chính Socrates không hề sử dụng danh xưng này. Trong suốt lời biện hộ của mình, ông khẳng định là ông tuân lệnh vị thần hoặc các vị thần đó nhưng lại không đề cập cụ thể đến một hoặc nhiều vị thần hoặc nữ thần quen thuộc trong các đền bách thần Hy Lạp). Ông nói thêm rằng nguyên nhân sự ngờ vực của người dân Athens là giả định rằng ông đang thực hành eirôneia [nghĩa là đang giả vờ]. Thực ra, Socrates đang thừa nhận rằng ông đã nổi tiếng là không thành thật – vì ông khiến cho người nghe hiểu những điều ông nói theo nghĩa thông thường nhưng thực ra chúng không có nghĩa như vậy.

Tương tự, trong quyển I của tác phẩm Cộng Hòa (Republic), Thrasymachus, một người đối thoại thù địch của ông, đã buộc tội Socrates “quen nghề eirôneia.” Mặc dù, Socrates nói rằng ông ta không có câu trả lời tốt cho câu hỏi “công lý là gì?,” Thrasymachus nghĩ rằng đây chỉ là điệu bộ giả vờ.  Thrasymachus cho rằng Socrates đang che giấu câu trả lời thực sự. Và trong tác phẩm Symposium, Alcibiades cáo buộc Socrates “dùng cả cuộc đời để thực hành eirôneia và chơi khăm mọi người” và so sánh Socrates với một bức tượng điêu khắc mà cái vỏ bọc bên ngoài che dấu nội dung bên trong.  Trọng tâm sự cáo buộc của Alcibiades là Socrates giả vờ như quan tâm đến người khác và tạo lợi thế cho họ nhưng ông giữ lại điều ông biết bởi vì ông khinh bỉ họ.

Platon phác họa Socrates như là một “người châm biếm” cho thấy cuộc đối thoại với ông dễ dàng dẫn đến sự bế tắc thất vọng và khả năng oán giận hiện diện như thế nào. Theo nghĩa này, Socrates là một người đối thoại mang mặt nạ – là một khía cạnh tự thể hiện của ông làm cho cử tọa bị lôi cuốn và quyến rũ nhưng điều này cũng làm tăng sư hoài nghi và mất tin trưởng của họ. Và người đọc biết đến Socrates qua sự diễn giải của Platon trong một mức độ nào đó cũng rơi vào tình huống tương tự. Những nỗ lực của chúng ta để hiểu được Socrates đôi lúc không rõ ràng như chúng ta mong muốn, bởi vì chúng ta phải dựa vào những phán đoán, thường rất khó chứng minh, khi nào thì ông ngụ ý và khi nào thì ông không ngụ ý điều ông nói.

Thậm chí, khi Socrates đến phòng xử án để biện hộ cho mình chống lại những lời buộc tội khắc nghiệt nhất, ông dường như cũng đang thực hành eirôneia. Sau khi lắng nghe những bản cáo trạng của những người buộc tội, ông nói, trong câu mở đầu của tác phẩm Socrates tự biện của Platon, “tôi gần như đã bị lôi cuốn hoàn toàn bất chấp lợi ích bản thân, vì họ nói quá thuyết phục.” Đây có phải là thói quen eirôneia của Socrates hay không? Hoặc là bản cáo trạng của những người buộc tội thực sự ảnh hưởng đến ông? Điều này rất khó khẳng định chắc chắn. Nhưng, như thú nhận của chính Socrates, sự hoài nghi rằng bất cứ thứ gì ông nói có thể là một điệu bộ giả tạo đã hủy hoại khả năng thuyết phục hội đồng xét xử về những ý định tốt đẹp của ông. Eirôneia của Socrates thậm chí hỗ trợ cho một trong những điều buộc tội chống lại ông rằng ông làm hư hỏng giới trẻ. Vì nếu Socrates đã thực sự thực hành eirôneia, và nếu những môn đệ trẻ tuổi của ông thích thú và bắt chước khía cạnh tính cách này của ông, thì như vậy ông đã khuyến khích họ trở nên giấu giếm, không đáng tin cậy, như chính ông.

TẠI SAO SOCRATES BỊ GHÉT?

Phần lôi cuốn trong tác phẩm Tự biện của Platon là việc mô tả một con người mà suốt cuộc đời thực hiện những nổ lực phi thường để đóng góp giá trị lớn nhất có thể cho cộng đồng, nhưng những nổ lực của ông chẳng những không đem lại sự biết ơn và sự kính trọng mà ông nghĩ là xứng đáng, mà còn dẫn đến sự buộc tội và cái chết trong tay của chính những người mà ông cố gắng phục vụ. Socrates đau đớn nhận ra rằng ông ta là nhân vật bị ghét bỏ và điều này đã dẫn đến việc buộc tội ông. Soctates hầu như không có tiền và không có sự khôn khéo hay ảnh hưởng chính trị, và ông bỏ bê gia đình mình và người thân – tất cả chỉ để phục vụ cho công chúng lúc ấy đang mắng nhiếc ông. Vì đâu mà ra nông nổi này?

 ẤN TƯỢNG DO ARISTOPHANES TẠO RA

Socrates đã nỗ lực rất nhiều để trả lời câu hỏi này. Phần lớn sự biện hộ của ông không chỉ đơn thuần bẻ gãy những lời cáo buộc mà còn đưa ra một lời giải thích phức tạp vì sao những cáo buộc sai lầm như vậy lẽ ra phải được đem ra chống lại ông trước tiên. Ông tin rằng, một phần của lời giải thích là công chúng đã hiểu lầm ông trong một thời gian dài. Ông nói rằng công chúng đã quy kết sự nghi ngờ đối với một số loại người nào đó đối với ông. Ông cho rằng, những ấn tượng sai lầm của “những người buộc tội đầu tiên” (như ông gọi họ) bắt nguồn từ một vở kịch của Aristophanes (ông đang đề cập đến vở Những đám mây) trong đó một nhân vật mang tên Socrates đã được mô tả là “đang đong đưa qua lại, nói rằng ông ta đang rất phấn khích và nói vớ vẩn về những điều mà tôi chẳng biết gì cả.” Nhân vật Socrates trong vở hài kịch của Aristophanes là hiệu trưởng của một trường học nghiên cứu mọi loại hiện tượng thường nghiệm, xem mây và không khí như những bản thể thần thánh, phủ nhận sự tồn tại của bất cứ vị thần nào khác, nghiên cứu ngôn ngữ và nghệ thuật tranh luận, và dùng sự hiểu biết về những biện pháp tu từ  “để làm cho những lập luận tồi trở nên mạnh mẽ hơn”, giống như nhân vật Socrates trong Tự biện, đã làm trong bài biện luận của mình. Việc Socrates làm hư hỏng giới trẻ cũng là một chủ đề chính trong tác phẩm Những đám mây: Vở kịch mô tả người cha (Strepsiades), cùng với con trai của mình (Pheidippides) tham gia vào trường học của Socrates để học cách làm sao khỏi phải trả những khoản nợ vì sự hoang phí của con trai ông. Cuối cùng, Pheidippides đã học quá xuất sắc những kỹ năng tranh luận để giành phần thắng, thực vậy, anh ta kiêu hãnh về khả năng chứng minh được rằng con đánh cha mẹ là điều đúng đắn. Vào cuối vở kịch, Strepsiades lăng mạ Socrates và thiêu rụi ngôi trường này.

Socrates cho rằng vở kịch này đã tạo nên một ấn tượng chung rằng ông nghiên cứu những hiện tượng trên trời dưới đất ,và giống như những nhà biện sĩ du hành từ thành bang này đến thành bang khác, thu tiền để chỉ dạy cho giới trẻ những kỹ năng khác nhau. Socrates nói ông không phải loại người như vậy. Ông nghĩ rằng sẽ là một điều tốt nếu có được những kiến thức mà các nhà biện sĩ tuyên bố là họ sẽ dạy, nhưng ông chưa hề thảo luận những vấn đề này với bất cứ ai – và những người xét xử nên tự xác nhận vấn đề này với nhau bởi vì nhiều người trong số họ đã từng nghe những cuộc đàm thoại của ông.

SỰ ĐỀ KHÁNG CỦA CON NGƯỜI ĐỐI VỚI TỰ PHẢN TỈNH

Nhưng điều này chỉ có thể là sự bắt đầu cho lời giải thích của Socrates, vì nó dẫn đến những câu hỏi xa hơn. Tại sao Aristophanes lại mô tả Socrates như vậy? Socrates ắt hẳn là một nhân vật nổi tiếng vào năm 423, khi vở Những đám mây được viết, vì Aristophanes là người chuyên viết và chế nhạo những nhân vật đã quen thuộc với cử tọa của ông. Hơn nữa, như Socrates nói, nếu nhiều người trong hội đồng xét xử đã từng nghe ông thảo luận và do đó có thể tự xác nhận rằng ông không hề nghiên cứu hay giảng dạy người khác về mây, không khí và những vấn đề tương tự như thế, cũng như không hề thu tiền như những nhà biện sĩ, thì tại sao họ lại không bỏ phiếu tha bổng ông khỏi những lời buộc tội bởi một đa số áp đảo như thế?

Socrates đã trả lời những câu hỏi này. Khá lâu trước khi Aristophanes viết về ông, ông đã nổi tiếng trong số những đồng bào của mình, vì ông đã giành toàn bộ thời gian để thực hiện sứ mạng thần thánh bằng cách đối chất với họ và làm cho họ mất niềm tin rằng họ đã có được kiến thức về những vấn đề quan trọng nhất. Socrates nói với hội đồng xét xử rằng, từ hệ quả của những cuộc chất vấn, ông đã học được bài học cay đắng về những đồng bào của ông: họ không chỉ không có được kiến thức mà họ quả quyết là mình có, mà họ còn phẫn uất khi điều này được vạch ra trước mắt họ, và họ ghét bỏ ông bởi sự khẳng định của ông rằng cách sống phản tỉnh và sự phủ nhận tri thức của ông đã làm cho ông thông minh hơn họ. Những người hứng thú với các cuộc đối thoại của Socrates chỉ có giới trẻ và người giàu có, những người rãnh rỗi để giành cả ngày đối thoại với ông ấy. Họ đã bắt chước Socrates bằng cách đối chất những người lớn tuổi. Do đó, Socrates thú nhận rằng, trong một mức độ nào đó, ông đã khiến cho thế hệ này chống lại thế hệ khác – và khi thú nhận điều này, ông đã làm rõ lý do vì sao một vài thành viên của hội đồng xét xử có biết chút ít về ông đã bị thuyết phục rằng ông đã làm hư hỏng giới trẻ của thành quốc.

Một trong những yếu tố tinh tế nhất trong lời giải thích của Socrates cho lòng căm ghét mà ông đã gây ra là quan điểm của ông cho rằng người ta thường che giấu sự xấu hổ khi họ không thể chịu được những lập luận bác bỏ của ông. Sự nổi tiếng của ông như là người làm hư hỏng giới trẻ, là biện sĩ và kẻ vô thần được giữ vững bởi vì nó cung cấp cho người ta lời giải thích rõ ràng hợp lý cho sự ghét bỏ của họ đối với ông. Không ai nói: “tôi ghét Socrates bởi vì tôi không thể trả lời những câu hỏi của ông, và ông làm tôi trông ngu ngốc trước giới trẻ.” Thay vào đó, họ che giấu nỗi xấu hổ và nguồn gốc thật sự cho cơn giận dữ của họ bằng cách chộp lấy cái ấn tượng chung rằng ông là loại triết gia gieo nghi ngờ về tôn giáo truyền thống và dạy người khác những mẹo tu từ có thể được sử dụng để làm cho các lập luận sai trái trở nên đúng đắn. Những cách thức che dấu nguyên do ghét bỏ này lại càng mạnh thêm một phần bởi vì ít nhất chúng cũng chứa một ít sự thật. Theo như sự xác nhận của Platon và Xenophon, Socrates là một người thích tranh cãi: về mặt này, thì ông giống như một biện sĩ. Và quan niệm của ông về sự sùng tín, thể hiện trong sự tận tâm của ông đối với sấm ngôn ở đền Delphi, là rất không chính thống: theo khía cạnh này thì ông giống như những người phủ nhận sự tồn tại của các vị thần.

Socrates tin rằng sự ghét bỏ này, mà nguồn gốc thật sự của nó sẽ làm cho người ta rất đau đớn khi thừa nhận, là lý do chính khiến cho Meletus, Anytus, and Lycon đến phiên tòa để chống lại ông; nó cũng gây ra rất nhiều khó khăn để các thành viên trong hội đồng xét xử thừa nhận rằng ông có động cơ cao nhất và đã có cống hiến to lớn cho thành quốc. Sự chế nhạo của Aristophanes đối với Socrates và bản cáo trạng chống lại ông có thể không dẫn đến việc ông bị xét xử hay bị kết tội nếu không vì một điều gì đó mà một số lớn đồng bào Athens của ông mong muốn tống khứ ông. Đây là một chủ đề mà Socrates đã lâp lại đôi lần. Có lần ông đã ví mình như con ruồi trâu được thần thánh giao nhiệm vụ khích động một con ngựa lớn và uể oải. Hãy chú ý điều này ngụ ý là: Cú chích của con ruồi trâu thì không thể không gây đau đớn, và điều tự nhiên là con ngựa không mong muốn gì hơn là giết được con ruồi. Sau khi hội đồng xét xử đã bỏ phiếu kết án tử hình, Socrates bảo rằng động cơ của họ là lòng khao khát tránh việc đưa ra lời biện hộ cho cuộc sống của họ. Một điều gì đó trong con người kháng cự sự phản tỉnh: Họ không muốn trả lời những câu hỏi sâu xa về chính họ, và họ ghét những người khuyến dụ họ đừng kháng cự lại sự phản tỉnh hay chỉ nên kháng cự một cách qua loa. Tận đáy lòng, Socrates nghĩ rằng trừ một số ít người thì tất cả sẽ cố gắng chống lại bất cứ ai cố gắng khuấy động sự phản tỉnh đạo đức nghiêm túc trong bản thân họ. Đó là lý do ông nghĩ rằng ông bị xét xử không chỉ đơn thuần là kết quả của một sự kiện rủi ro - một hiểu lầm đơn thuần gây ra bởi tác phẩm của một nhà soạn kịch nổi tiếng - mà còn là kết quả của những tác động tâm lý nằm sâu trong bản tính con người.

SỰ PHÊ PHÁN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ CỦA SOCRATES

Việc phân tích sự ghét bỏ mà ông phải gánh chịu là một phần của chủ đề lớn hơn mà ông đã lặp đi lặp lại trong suốt bài biện hộ của mình. Athens là một thành quốc theo chế độ dân chủ theo đó số đông là quyền lực thống trị trong chính trị, và do đó nó thường có tất cả mọi thói xấu của số đông. Bởi vì hầu hết mọi người ghét bị thử thách trong tranh luận, họ sẽ luôn luôn có một phản ứng nào đó chống lại những người đặt các câu hỏi khiêu khích họ. Nhưng đó không phải là lời cáo buộc duy nhất Socrates đưa ra để chống lại thành quốc và nền chính trị của nó. Ông nói với cử tọa ủng hộ dân chủ rằng ông đã đúng khi rút khỏi đời sống chính trị, bởi vì một người tốt đấu tranh cho công lý trong một nền dân chủ sẽ bị giết chết. Trong cuộc đối chất với Meletus, ông một mực cho rằng chỉ có một số ít người có được kiến thức cần thiết để cải thiện giới trẻ của mọi tầng lớp, và số đông chắc chắn sẽ làm việc đó rất tồi. Ông phê phán Nghị hội vì những hành động phi pháp và tòa án Athens vì đã dễ dãi với các vấn đề công lý khi bị xuyên tạc bởi các lời nài xin nặng màu cảm xúc. Socrates ngụ ý rằng chính bản tính của nền dân chủ đã làm cho nó thành một hệ thống chính trị hư hỏng. Kinh nghiệm cay đắng đã dạy ông rằng hầu hết mọi người hài lòng với một cách hiểu thiển cận đối với các vấn đề cấp bách nhất của con người. Khi họ được trao cho một quyền lực lớn lao, tính nông cạn của họ không khỏi dẫn đến sự bất công.

 DI SẢN CỦA SOCRATES

Tư tưởng của Socrates hàm chứa nhiều khả năng, lối sống của ông khiêu khích đến mức truyền cảm hứng cho một loạt hưởng ứng đa dạng đáng kể. Một trong các môn đồ của ông, Aristippus ở xứ Cyrene - mà những môn đồ của ông được gọi là “Những người Cy-níc”, trường phái đã nổi tiếng trong suốt một thế kỷ rưỡi - đã khẳng định rằng khoái lạc là điều thiện cao nhất. (Socrates dường như đã tán thành luận điểm này trong đối thoại Protagoras của Platon, nhưng ông lại chỉ trích nó trong đối thoại Gorgias và nhiều tác phẩm khác).  Một môn đồ lỗi lạc khác của Socrates vào đầu thế kỷ thứ tư TCN, Antisthenes, đã nhấn mạnh học thuyết của Socrates rằng một con người tốt không thể bị hại; nói cách khác, bản thân đức hạnh đã đủ để hạnh phúc. Học thuyết này đóng vai trò trung tâm trong một trường phái tư tưởng, được sáng lập bởi Diogenes ở Sinope, đã có ảnh hưởng lâu dài đến nền triết học của Hy Lạp và La Mã: Đó là phái Cy-níc.

Giống như Socrates, Diogenes chỉ bận tâm đến đạo đức học, thực hành triết học của ông ta ở chợ, và đề cao lý tưởng coi thường sự sở hữu vật chất, quyền lực chính trị, và danh vọng thông thường.  Nhưng không giống Socrates, những người Cy-níc xem tất cả những danh vọng thông thường và truyền thống văn hóa như những trở ngại đối với đời sống đức hạnh. Họ chủ trương một cuộc sống phù hợp với thiên nhiên và xem muông thú và con người không sống trong xã hội thì sẽ gần gũi với tự nhiên hơn con người đương thời. (Thuật ngữ Cynic xuất phát từ một từ Hy Lạp nghĩa là chó. Vì thế, những người Cy-níc sống như dã thú.) Khởi nguồn từ tiên đề của Socrates cho rằng đức hạnh là đủ cho hạnh phúc, họ chỉ trích hôn nhân, gia đình, sự khác biệt quốc gia, quyền lực và các thành tựu văn hóa. Nhưng hai trường phái tư tưởng quan trọng nhất thời cổ đại chịu ảnh hưởng của Socrates là trường phái Khắc kỷ (Stoicism), được sáng lập bởi Zeno ở Citium, và chủ nghĩa hoài nghi (skepticism) mà nhiều thế kỷ sau đã trở thành lập trường triết học chủ đạo của Viện Hàn lâm Platon (Platon’s Academy) sau khi Arcesilaus trở thành người lãnh đạo vào năm 273 TCN.

Sự ảnh hưởng của Socrates đối với Zeno là qua trung gian của những người phái Cy-nic, nhưng những người Khắc kỷ La Mã - đặc biệt là Epictetus - đã xem Socrates như là mẫu mực của sức mạnh nội tâm minh mẫn, và họ đã sáng tạo ra những luận cứ mới để bảo vệ cho luận điểm của Socrates cho rằng đức hạnh là đủ cho hạnh phúc. Học thuyết của phái khắc kỷ cho rằng trí tuệ thần thánh tràn ngập thế giới và thống trị thế giới nhằm điều tốt nhất vay mượn từ ý tưởng được Xenophon quy cho là của Socrates trong tác phẩm Memorabilia (Các cuộc đối thoại của Socrates).      

Giống như Socrates, Arcesilaus cũng không viết gì cả. Ông thực hành triết học bằng cách mời những người khác phát biểu một luận điểm; sau đó ông sẽ chứng minh, bằng phương pháp chất vấn của Socrates, rằng luận điểm của họ sẽ dẫn đến sự mâu thuẩn. Bằng cách sử dụng phương pháp của Socrates, Arcesilaus và những người kế tục trong Viện Hàn lâm nghĩ rằng họ đã theo đúng chủ đề chính trong các tác phẩm của Platon. Nhưng, giống như trường phái Cy-níc đã sử dụng những chủ đề của Socrates theo chiều hướng mà bản thân Socrates đã không hề phát triển, thực ra ắt là ông đã bác bỏ, vì thế, Arcecilaus và những môn đệ theo phái hoài nghi trong học viện của Platon cũng đã sử dụng phương pháp của Socrates để chủ trương hoãn lại bất cứ niềm tin nào chứ không chỉ đơn thuần là việc cự tuyệt tri thức. Tư tưởng nền tảng của học viện trong suốt thời kỳ hoài nghi là, bởi vì không có cách nào để phân biệt giữa sự thật và giả dối cho nên chúng ta phải kiềm chế để không tin tưởng vào bất kỳ điều gì. Ngược lại, Socrates chỉ đơn thuần tuyên bố là ông không biết, và ông xem những luận điểm chắc chắn thì xa với niềm tin của chúng ta hơn so với sự chối bỏ chúng.

Mặc dù,  Socrates đã ảnh hưởng sâu sắc lên tư tưởng Hy Lạp và La Mã, nhưng không phải tất cả những triết gia cổ đại quan trọng đều xem ông như một mẫu mực đạo đức hoặc một nhà tư tưởng chủ yếu. Aristoteles tán thành sự tìm kiếm những định nghĩa của Socrates nhưng chỉ trích ông vì quan niệm được trí tuệ hóa quá mức về tinh thần con người. Những môn đệ của Epicurus là những đối thủ triết học của trường phái khắc kỷ và những môn đồ của Học viện Platon, đã tỏ vẻ khinh thường ông.

Với uy thế của Ki-tô giáo trong thời trung cổ, ảnh hưởng của Socrates lâm vào tình trạng tồi tệ nhất: trong nhiều thế kỷ ông chỉ được xem như một người Athens đã bị kết tội chết. Nhưng khi những văn bản tiếng Hy Lạp, và theo đó các tác phẩm của Platon, của những người Khắc kỷ và những người hoài nghi, đã trở nên ngày càng phổ biến trong thời đại Phục hưng, tư tưởng và nhân cách của Socrates đã bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong triết học châu Âu.  Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, sự bất ổn định và thái quá của nền dân chủ Athens đã trở thành một chủ đề chung cho các nhà văn chính trị; sự thù địch của Xenophon và Platon [đối với thể chế dân chủ], được nung nấu bởi cái chết của Socrates, đã đóng một vai trò quan trọng. Những sự so sánh giữa Socrates và Đức Ki-tô trở nên quen thuộc, và giữ nguyên như thế cho đến thế kỷ 20 – mặc dù sự tương phản giữa hai người được vạch rõ, những sự tương tự giữa họ đã được nêu ra với những mục đích khác nhau rất nhiều theo từng tác giả và thời kỳ họ sống. Dấu hiệu thần thánh của Socrates đã trở thành vấn đề gây tranh cãi: liệu ông ấy có thực sự được truyền cảm hứng bởi tiếng nói của Thượng đế hay không? Hay dấu hiệu đó chỉ là sự nắm bắt có tính bẩm sinh và trực giác của trí tuệ? (Montaigne đã nghĩ như thế.) Có phải ông ta có ý định hủy hoại những khía cạnh phi lý và quy ước đơn thuần của thực hành tín ngưỡng và do đó đặt tôn giáo trên cơ sở khoa học? (Các nhà Thượng đế luận vào thế kỷ 18 đã nghĩ như thể.)

Trong thế kỷ 19, Socrates được xem như là một nhân vật có ảnh hưởng sâu xa trong cuộc tiến hóa tư tưởng Châu Âu hay như là một sứ giả tương tự Đức Ki-tô thuộc một loại tồn tại cao hơn. G.W.F Hegel đã xem Socrates như một bước ngoặt quyết định từ những thói quen đạo đức tiền-phản tỉnh (pre-reflexive) sang tự-ý-thức (self- consciousness) mà, bi kịch thay, tự-ý-thức chưa biết cách hòa hợp với các tiêu chuẩn dân sự phổ biến. Soren Kierkegaard, người có luận văn nghiên cứu về tính châm biếm của Socrates đã nhận ra ở Socrates một dự kiến ngoại đạo về niềm tin của ông rằng Ki-tô giáo là một học thuyết về hầu hết những yêu cầu bất khả thực hiện; nhưng ông ta cũng xem sự châm biếm của Socrates là một sự lãnh đạm sai lầm sâu xa đối với đạo đức. Fredrich Nietzche, trong các tác phẩm của mình, đã đấu tranh quyết liệt chống lại chủ nghĩa duy lý phiến diện và sự phá hoại các khuôn mẫu văn hóa mà ông ấy tìm thấy ở Socrates.

Ngược lại, ở nước Anh vào thời Victoria, Socrates được lý tưởng hóa bởi những nhà tư tưởng công lợi như là một người tử vì đạo như Đức Ki-tô và đã đặt những nền móng cho một thế giới quan khoa học, lý trí và hiện đại. John Stuart Mill đã đề cập tới sự hành quyết của Socrates và của Đức Ki-tô cùng một cách để thu hút sự chú ý vào các hậu quả kinh khủng của việc cho phép những quan điểm của số đông bức hại những nhà tư tưởng không chính thống. Benjamin Jowett, nhà dịch thuật chính các tác phẩm của Platon sang tiếng Anh vào cuối thế kỉ thứ 19, đã nói với các sinh viên của ông tại Oxford, "Hai tiểu sử khiến chúng ta quan tâm sâu sắc nhất (dù chúng không cùng mức độ) chính là tiểu sử của Đức Ki-tô và Socrates". Những sự so sánh như thế tiếp tục xảy ra trong thế kỷ 20: Socrates được xem như một "cá nhân có tính khuôn mẫu" (cùng với Đức Phật, Khổng Tử, và Đức Ki-tô) theo nhà triết học hiện sinh Đức Karl Jaspers.

Sự xung đột giữa Socrates và nền dân chủ Athen đã định hình cho tư tưởng của các nhà triết học chính trị vào thế kỷ thứ 20 như Leo Strauss, Hannah Arendt, và Karl Popper. Truyền thống tự phản tỉnh và sự quan tâm đến cái tự-khởi-phát (self-initiated) do Socrates khởi phát đã hấp dẫn nhà triết học Pháp Michel Foucault trong những tác phẩm sau này của ông. Triết học phân tích, một truyền thống trí tuệ có nguồn gốc từ tác phẩm của Gottlob Frege, G.E. Moore, và Bertrand Russell vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, đã sử dụng như một trong những công cụ chủ yếu của nó, một quy trình được gọi là "phân tích khái niệm", một dạng tra vấn phi thường nghiệm mà có những nét tương tự với cuộc tìm kiếm các định nghĩa của Socrates.

Nhưng sự ảnh hưởng của Socrates không chỉ được các triết gia mà còn được các nhà nghiên cứu trong giới học thuật nói chung cảm nhận. Đối với tất cả chúng ta, ông vẫn còn là một sự thách thức cho sự tự mãn và là một kiểu mẫu của tính chính trực.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt