Triết học Hy Lạp

Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch [phần 1]

 

FRIEDRICH NIETZSCHE

TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH

(DIE PHILOSOPHIE IM TRAGISCHEN ZEITALTER DER GRIECHEN)

(1872)

TRẦN XUÂN KIÊM dịch

 

 

TỰA

 

Khi sự việc liên quan đến những con người không động chạm gần gũi đến chúng ta, thì muốn tán thưởng hay khước bác họ toàn triệt, ta chỉ cần biết đến những cứu cánh họ tự đề ra cho mình. Đối với những con người gần gũi chúng ta hơn, chúng ta phán đoán họ căn cứ vào những phương tiện họ sử dụng để đạt đến các cứu cánh; thường khi, trong lúc phản đối những cứu cánh họ đề ra, chúng ta vẫn yêu mến một vài người do ở những phương tiện họ sử dụng và cái phạm tính của ý chí họ. Thế mà những hệ thống triết học chỉ hoàn toàn chân thực đối với những người kiến tạo ra chúng. Thông thường các triết gia đi sau chỉ xem chúng như là một lầm lẫn vĩ đại, những đầu óc yếu đuối hơn thì nhìn thấy chúng là một tích tập những sai lầm và những chân lý mà tổng số thế nào cũng là một sai lầm, và họ chẳng khỏi lên án chúng vì lý do đó. Chính vì thế biết bao kẻ khinh thị triết gia, vì những cứu cánh của triết gia khác biệt với những cứu cánh của họ; những kẻ đó đứng cách xa chúng ta. Trái lại, kẻ nào có sở thích với những vĩ nhân thì cũng có những sở thích đối với những hệ thống triết lý; dẫu họ có sai lầm toàn triệt chăng nữa, thời ít ra họ cũng chứa đựng một điểm hoàn toàn chẳng thể phi bác được, một âm độ, một khí vị riêng tư; người ta có thể đi từ những hệ thống ấy mà phăng lần lên đến hình ảnh các tác giả tạo ra chúng, cũng như căn cứ vào cây cối người ta có thể kết luận về đất đai đã sản sinh ra cây đó vậy. Dẫu sao mặc lòng, đây là một lối sống và một lối nhìn các sự vật đã từng hiện hữu, do đấy lối sống và lối nhìn đó là khả hữu: hệ thống là chiếc cây xuất sinh từ miền đất nọ.

Tôi trần thuật bằng các giản lược hóa lịch sử các triết gia này. Tôi chỉ muốn trừu xuất ra từ mỗi hệ thống cái mảnh vụn nhân cách chứa đụng trong hệ thống vào tạo thành những chân lý bất khả phi bác, bất khả biện luận mà lịch sử phải có nhiệm vụ bảo tồn. Đây là một mưu định đầu tiên để tìm gặp lại những nhân cách đó và tái tạo lại chúng nhờ sự đối chiếu, một cố gắng để làm vang vọng lên một lần nữa tất cả sự đa điệu của tâm hồn Hy Lạp. Nhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng và điều mà chẳng có bất luận tri thức nào về sau này có thể cướp đoạt mất khỏi chúng ta: bậc vĩ nhân.

 

TỰA LẦN THỨ NHÌ[1]

 

Nỗ lực muốn thử trần thuật lại ở đây lịch sử của các triết gia Hy Lạp thời Cổ đại khác biệt với các dự tính tương tự, do ở tính cách vắn gọn của nó. Muốn đạt đến sự vắn gọn này, đối với mỗi triết gia, tôi chỉ kể ra một số rất ít những học thuyết của họ, do đó quả là khiếm khuyết. Nhưng tôi đã chọn những học thuyết trong đó biểu lộ mạnh mẽ nhất nhân cách của mỗi triết gia, trong khi nếu liệt kê đầy đủ tất cả những công lý đã được truyền đạt cho chúng ta, như trong các sách giáo khoa, thì chỉ đưa đến chỗ xóa nhòa đi trọn vẹn nhân cách. Vì lẽ đó, những toát lược thuộc loại này rất là buồn nản; trong những hệ thống ngày nay đã bị phi bác, chỉ có nhân cách mới làm chúng ta lưu tâm, vì đấy chính là thực tại độc nhất vĩnh viễn không thể phi bác được. Nhờ vào ba giai thoại ta có thể phác họa nên chân dung một con người, bởi đó tôi cố gắng rút ra từ mỗi hệ thống ba giai thoại, và tôi không bận tâm đến những điều còn lại.

 

NHẬP ĐỀ

(1875)

 

1. Mọi người đều có lúc kinh thán tự nêu lên câu hỏi: Làm sao người ta có thể sống được? Thế mà người ta vẫn sống. Sẽ có một giây phút nào đó, họ bắt đầu hiểu rằng bản thân họ sở dĩ một tính sáng hóa thuộc loại tính sáng hóa họ hết lòng ngưỡng mộ trong chiếc cây mà họ nhìn thấy bò lan và leo lên cao để chinh phục một chút ánh sáng, một chút đất lành, vào tự tạo cho mình một niềm hoang lạc riêng trong một miền đất thù nghịch hững hờ. Trong những câu chuyện kể của một người thuật lại đời mình, luôn luôn có một lúc người ta kinh ngạc hỏi rằng tại sao chiếc cây lại có thể sống trong những điều kiện như thế và lại có thể sống với một sự dũng cảm bất khả lay chuyển nhường kia.

Nhưng có những cuộc đời trong đó những khó khăn trùng trùng điệp điệp. Đấy là cuộc đời những nhà tư tưởng. Và ta phải lắng nghe những gì được kể với chúng ta về cuộc đời họ, bởi vì ta thấy trong đó những khả tính của cuộc sống, mà chỉ cần lên tiếng kể lại, cũng đủ ban cho chúng ta niềm hân hoan cùng sức mạnh, và rót ánh sáng xuống cuộc đời của những người kế vị họ. Trong những cuộc đời đó cũng có biết bao là phát minh, suy tưởng, táo bạo, tuyệt vọng và hy vọng như trong các cuộc du hành của những nhà hàng hải đại danh. Và thật ra, đấy cũng là những cuộc lữ hành thám hiểm trong những xứ miền xa xôi nhiều hiểm nạn nhất của đời sống.

Điều kinh ngạc trong những cuộc đời này, là hai bản năng thù nghịch vốn thường xuyên lôi kéo về hai chiều chống đối, lại có vẻ như bị buộc phải bước đi dưới cùng một chiếc ách: bản năng hướng về tri thức bị buộc phải không ngừng từ bỏ miền đất con người quen sinh sống để lao mình vào trong cõi bất xác và bản năng ước muốn sự sống bị buộc phải không ngớt lần mò tìm kiếm một trường sở mới để an lập. Người ta nghĩ đến James Cook, người phải dò dẫm tìm đường suốt ba tháng ròng với chiếc ống dò đường trên tay, và những hiểm nguy đôi khi trở thành quá đỗi lớn lao đến độ ông ta phải quay trở lại tìm kiếm một nơi trú ẩn trong chính nơi chốn mà vừa mới đây ông đã tưởng là nơi chốn hiểm nghèo nhất. (Lichtenberg, IV, 152)

Mối tranh chấp giữa đời sống và tri thức càng lớn mạnh, bước đi dưới cùng một chiếc ách nói trên càng trở thành lạ lùng khi mà hai bản năng ấy càng mãnh liệt, nghĩa là khi một đằng đời sống càng giàu có và tươi nhuận hơn và đằng khác, tri thức càng khát khao ham hố và càng tàn nhẫn đẩy đưa đến mọi loại phiêu lưu.

 

2. Vì lẽ đó đôi mắt của tâm hồn tôi không thể chán gợi nên một loạt những nhà tư tưởng mà mỗi nhà trong tự thân đều mang chứa cái tính chất đặc thù không thể tưởng tượng được kia, và mỗi nhà đều đánh thức dậy cùng một niềm kinh ngạc do ở cái khả tính của đời sống mà họ đã biết khám phá ra cho chỉ riêng mình họ: tôi muốn nói đến những nhà tư tưởng đã sống vào thời đại cường kiện và phong phú nhất của Hy Lạp, vào thế kỷ trước những cuộc chiến tranh xứ Médie và ngay cả vào thời diễn ra những cuộc chiến tranh này. Bởi vì những tư tưởng gia đó đã đi đến chỗ tìm thấy những khả tính tuyệt vời của đời sống;  thế mà theo như tôi thấy; về sau này, dân tộc Hy Lạp dường như đã quên mất đi phần tốt đẹp nhất của những khả tính đó. Và dân tộc nào có thể tự hào mình đã tìm thấy lại được những khả tính kia?

Đối chiếu những nhà tư tưởng thuộc về một thời đại khác và mộ dân tộc khác với cái loạt những khuôn mặt nói trên khởi đầu từ Thalès và kết thúc với Démocrite, trình diện ngay cả trước mặt những con người cổ Hy Lạp có triết gia Socrate cùng các môn đệ và tất cả những vị thủ lãnh trường phái của xứ Hy Lạp hậu kỳ - đấy là điều chúng tôi muốn thực hiện trong tác phẩm này, với hy vọng rằng sẽ có những kẻ khác nhau sau chúng tôi hoàn thành nó một cách tốt đẹp hơn. Dẫu sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng những nhận định này bao giờ cũng được kết thúc bằng tiếng kêu thốt lên tán tụng: Họ kỳ tuyệt dường nào!

Trong các vị ấy, chẳng bao giờ tôi nhìn thấy những khuôn mặt cau có hay thô bạo, những kẻ tán dương cuồng tín hiện thời, những tên làm bạc giả của khoa thần học, những bọn thông thái rởm xanh xao và suy nhược (dầu rằng mầm mống của tất cả những thứ đó đều đã có sẵn và chỉ cần một hơi thở độc hại là đủ cho cỏ dại lan tràn). Tôi cũng chẳng thấy kẻ nào trong các vị ấy, vì muốn làm ra vẻ quan trọng bằng cách nói đến “sự cứu rỗi của linh hồn” hay bằng cách đặt ra câu hỏi “hạnh phúc là gì?” lại đi đến chỗ quên lãng trần gian và nhân thế.

Ước gì ta có thể tìm thấy lại được những khả tính đó của đời sống! các thi sĩ và các sử gia phải suy tư về nhiệm vụ này; bởi vì những người như thế thật quá hiếm hoi, ta không nên để cho vuột mất. Đúng hơn, chừng nào chưa tái tạo được những hình ảnh của họ và tô vẽ chúng hàng trăm lần trên vách, người ta còn chưa được phép ngưng nghỉ; và chính vào ngay lúc đó, người ta mới không được phép ngưng nghỉ. Bởi vì điều mà thế kỷ rất sáng tạo của chúng ta đang bị thiếu thốn, chính là sự sáng hóa mà các triết gia thời cổ đại đã bị cưỡng buộc vào: nếu không có sự sáng hóa đó, thì vẻ đẹp tuyệt vời của họ phát xuất từ đâu? Sự xấu xí của chúng ta do đâu mà có?

Vẻ đẹp là gì nếu không là hình ảnh nơi đó ta thấy phản ảnh niềm hoan lạc dị thường mà thiên nhiên cảm nghiệm được mỗi khi có một khả tính mới mẻ và phong phú của đời sống vừa được khám phá ra? Và sự xấu xí là gì, nếu không phải là sự tủi giận chống lại chính mình, khi người ta đem lòng hoài nghi không chắc nghệ thuật có còn khả năng quyến dụ chúng ta về với đời sống?

(xem tiếp phần 2)

 


Nguồn: Nietzsche. Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch. Trần Xuân Kiêm dịch. Sài Gòn: Nxb. Tân An, 1975. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện



[1] Cuối năm 1879

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt