Triết học Hy Lạp

Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch [phần 2]

 

FRIEDRICH NIETZSCHE

TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH

(DIE PHILOSOPHIE IM TRAGISCHEN ZEITALTER DER GRIECHEN)

(1872)

TRẦN XUÂN KIÊM dịch

(tiếp theo phần 1)

 

 

1

Có những kẻ thù của triết học, và người ta nên lắng nghe họ. Nhất là khi họ khuyên nên trừ bỏ siêu hình học khởi đầu óc bệnh hoạn của những người Đức và nên tự thanh lọc bằng khoa vật lý học, như Goethe, hay tự chữa trị bằng âm nhạc, như Richard Wagner. Các y sĩ của quần chúng đều vất bỏ triết học. Nếu muốn biện chính cho triết học, thì người ta phải chứng minh tại sao những dân tộc lành mạnh lại cần đến triết học và họ đã dùng nó vào việc gì. Nếu thực hiện được chuyện đó, có lẽ ngay cả những dân tộc bệnh hoạn cũng sẽ nhờ vậy mà có được tri thức hữu ích về những lý lẽ theo đó triết học là có hại cho họ.

Cố nhiên, không thiếu những thí dụ tốt đẹp về một sức khỏe có thể tự duy trì mà không cần đến một triết lý nào hay có thể tiếp theo bằng một sự sử dụng khoa triết lý rất điều độ đến đổi hầu như là một trò chơi. Những người La Mã vào thời đại huy hoàng của Đế Quốc đã bỏ lơ không cần đến triết lý theo dõi như thế.

Nhưng người ta có thể kể tên một dân tộc bệnh hoạn mà khoa triết học đã hoàn trả lại cái sức khỏe bị hư mất đi không? Nếu có bao giờ triết lý đó tỏ ra hữu dụng, bổ ích, dự phòng, thì đấy chính là nơi các dân tộc lành mạnh. Triết lý chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng các dân tộc bệnh hoạn. Khi một quốc gia suy nhược cảm thấy mối liên kết hợp nhất nó với các công dân đã trở thành lỏng lẻo, thì chưa bao giờ triết lý lại siết chặt lại cái nút nối kết sự hợp nhất quốc gia cả. Mỗi khi một người bị cám dỗ rút lui xa lánh thế sự và đóng khép lại chung quanh hắn một rào cản của sự cô lập ích kỉ, thì khoa triết lý lại sẵn sàng gia tăng sự cô lập và hủy hoại hắn vì sự cô lập này.

Triết lý trở thành nguy hiểm ngay khi triết lý không còn thụ hưởng sự toàn vẹn những quyền lợi của mình nữa, vì chỉ có một sức khỏe quốc gia trọn vẹn mới bảo đảm những quyền lợi đó cho triết lý – dầu rằng điều này không nhất thiết đúng cho tất cả mọi dân tộc.

Giờ, chúng ta hãy quay về cái uy quyền tối thượng đứng ra quyết định về điều ta có thể gọi là tình trạng lành mạnh nơi một dân tộc. Những người Hy Lạp, dân tộc thực sự lành mạnh, đã biện chính  một lần vĩnh viễn cho khoa triết lý, chỉ do sự kiện là họ đã triết lý, và lại còn triết lý nhiều hơn tất cả những dân tộc khác. Thậm chí, họ lại còn chẳng biết dừng lại đúng lúc nữa. Vì cho đến lúc tuổi già hốc hác vô vi, họ đã cư xử như những kẻ nồng nhiệt sùng phụng triết lý, dẫu rằng họ chỉ hiểu triết lý như là những điều tinh tế đầy chất kính tín và những sự hợp lý hóa linh thánh tín điều Thiên chúa giáo. Bởi không biết dừng lại đúng thời, họ đã giảm thiểu rất nhiều sự cống hiến có thể dành cho hậu thế man di, hậu thế mà trong nỗi vô minh cùng cơn bồng bột của tuổi trẻ, đã bị định mệnh du vào trong những màn lưới, những chiếc bẫy được kết dệt nên một cách giả tạo đó.

Bù lại, những người Hy Lạp đã biết khởi đầu đúng lúc, và họ giảng dạy rõ ràng hơn bất cứ dân tộc nào khác cho ta biết phải khởi sự triết lý lúc nào. Không nên chờ lúc lâm cảnh khốn nạn, như những người muốn dẫn xuất triết lý từ sự bất mãn vẫn thường nghĩ. Mà ta phải khởi đầu trong hạnh phúc, trong sự trưởng thành hùng mạnh hoàn toàn, trong ngọn lửa của sự khoái hoạt nồng cháy, tức sự khoái hoạt của tuổi thanh niên kiêu dũng và chiến thắng.

Khi triết lý vào giai đoạn đó của lịch sử Hy Lạp, dân tộc Hy Lạp, vừa cho ta biết bản chất và nhiệm vụ của triết lý là gì, vừa cho ta biết bản tính riêng tư của họ. Nếu vào thời ấy, họ chỉ là những người có tinh thần thực tiễn, những tay bỡn cợt tầm phào và thản nhiên như bọn trưởng giả có ăn học ngày nay tưởng tượng ra, hoặc giả nếu họ đã chỉ sống trong bầu không khí say sưa phóng dục bất tận của lòng nhiệt hứng, của âm nhạc, của đời sống dinh dưỡng phè phỡn và xúc cảm, như các đầu óc ngu tối và hão huyền giả thiết, thì nguồn mạch triết học sẽ chẳng bao giờ tuôn trào ra từ dân tộc Hy Lạp. Cao tay lắm, ta cũng chỉ thấy trào vọt ra một dòng suối mà chẳng mấy chốc sẽ lặn chìm trong bãi cát hay tan bay thành sương khói, chứ chẳng bao giờ xuất hiện sòng sông thênh thang sóng cả oai vệ mà chúng ta được biết dưới tên triết học Hy Lạp.

Tất nhiên, người ta đã cố công chứng minh rõ ràng tất cả những gì người Hy Lạp đã có thể tìm ra và học hỏi từ ngoại quốc, ở Đông Phương, và biến thái của những gì họ đã mang về được từ nước ngoài. Cố nhiên, người ta sẽ chứng kiến việc đặt kề cận nhau những vị gọi là những bậc thầy Đông phương và những học trò Hy Lạp giả định của các vị ấy, bằng cách đặt tiên tri Zoroaster kế cận với Heraklit, các triết gia Ấn Độ với trường phái Elée, những người Ai Cập và Empedokles, thậm chí còn xếp Anaxagoras với những người Do Thái và Pythagoras vào giữa những người Trung Hoa. Trong chi tiết, người ta đã không đạt đến điều gì lớn lao, nhưng trong toàn bộ, thì chúng ta sẽ sẵn lòng chấp nhận ý tưởng trên, miễn là người ta đừng bắt chúng ta kết luận rằng triết học Hy Lạp chỉ là một món hàng nhập cảng, rằng triết học Hy Lạp đã không nẩy mầm từ miền đất quê hương và tự nhiên, và thêm vào đó, vì là một điều xa lạ, triết học ấy đã phá hoại hơn là làm cho dân tộc Hy Lạp tiến bộ.

Không gì phi lý cho bằng gán ghép cho dân tộc Hy Lạp một nền văn hóa bản thổ. Trái lại, họ đã thâu hóa nền văn hóa sống động của tất cả các dân tộc khác và nếu dân tộc Hy Lạp đã đi xa được đến như thế, chính là vì họ đã biết nhặt lấy ngọn thương mà vài dân tộc khác đã để nằm yên bất động, để phóng đi xa hơn. Dân tộc Hy Lạp thật tuyệt vời trong nghệ thuật học hỏi với kết quả, và cũng như họ, chúng ta sẽ phải học hỏi những dân tộc láng giềng của chúng ta, và đem kiến thức thâu đạt được phụng hiến cho đời sống chứ không phục vụ cho tri thức bác học, như một đà nhảy từ đó ta phóng mình nhảy lên cao vời và cao hơn dân tộc láng giềng.

Những vấn đề liên hệ đến nguồn gốc của triết học thì tuyệt đối giống nhau, vì ở khởi nguyên, bao giờ cũng chỉ có sự thô lậu bất thành hình dạng, trống rỗng, xấu xí, và nơi mọi sự, duy những cấp độ cao đẳng mới là đáng kể.

Những ai thích chuyên tâm nghiên cứu triết lý Ai Cập hay Ba Tư bởi vì nghĩ rằng những triết lý ấy có lẽ mang tính chất “độc đáo” nguyên bản hơn và chắc chắn là cổ xưa hơn, thì cũng thiếu thận trọng như những kẻ cứ nhất mực quy dẫn thần thoại Hy Lạp – vốn rất ảo dị và sâu xa – về những sáo ngữ vật lý học, mặt trời, sấm chớp, giông bão và sương mù, được xem như nguồn gốc cho thần thoại, hoặc những kẻ tưởng đã tìm thấy chẳng hạn trong sự sùng kính mù mờ cùng một vòng trời nơi các dân tộc Ấn-Âu khác, một hình thức của tôn giáo có tính chất hơn là tín ngưỡng đa thần của người Hy Lạp.

Bất luận nơi nào, con đường truy tầm nguồn gốc cũng dẫn cho ta thấy tình trạng dã man. Và nếu dân tộc ta lưu tâm đến lại là dân tộc Hy Lạp, ta phải luôn luôn tâm niệm rằng nhu cầu vô độ về tri thức thời tự nó cũng dã man như lòng thù ghét tri thức, và tâm niệm rằng nhờ vào cảm thức về đời sống, nhờ vào nhu cầu một đời sống lý tưởng, người Hy Lạp đã chế phục được bản năng tri thức của họ, một bản năng vốn vô độ khôn nguôi trong tự thân; bởi vì điều gì họ học được, họ liền muốn sống nó ngay.

Người Hy Lạp đã triết lý nó như những con người văn minh. Họ đã đề ra những cứu cánh của văn minh, như thế họ tránh được khỏi phải sáng hóa ra thêm một lần nữa những yếu tố của triết học và khoa học, do hiệu quả của lòng phô trương ái quốc quá khích nào đó. Ngược hẳn lại, họ hoàn toàn chú tâm nhay đến việc bổ khuyết, gia tăng, nâng cao và thanh lọc cái tri thức vay mượn của họ, một cách hoàn hảo đến độ lúc bấy giờ tất cả bọn họ đều thật sự trung thành – và theo một nghĩa cao hơn, trong một lãnh vực tinh thần hơn, - những con người sáng hóa. Quả vậy, họ đã sáng tạo nên những tiêu thức chính yếu của tinh thần triết học, mà toàn thể hậu thế đã chẳng thêm thắt được vào đó điều gì thiết yếu.

Tất cả các dân tộc đều đắm chìm trong sự mơ hồ hỗn độn so với cái lý tưởng tuyệt vời về một xã hội các triết gia ấy, xã hội của các vị tổ sư Hy Lạp, Thales, Anaximander, Heraklit, Parmenides, Anaxagoras, Empedokles, Demokrit và Sokrates. Tất cả đều được đẽo gọt ra từ cùng một khối. Tư tưởng và tính khí họ được gắn liền với nhau do một tất yếu tính nghiêm mật chặt chẽ. Họ không biết đến bất luận quy ước nào, vì ở vào thời họ, giai cấp các triết gia và các nhà bác học chưa hiện hữu. Trong sự cô đơn rạng rỡ hào quang, tất cả bọn họ là những người duy nhất của thời đại đem trọn cuộc đời mình phụng hiến cho tri thức. Tất cả đều có được cái đức tính quả quyết của những bậc cổ đức, nhờ đấy họ vượt qua tất cả những con người thời mới. Nó cho phép họ tìm thấy cái hình thể riêng biệt của mình và kế đó đưa hình ảnh ấy đến chỗ phát triển toàn vẹn, trong những chi tiết nhỏ nhoi nhất, nhờ vào sự hóa thân. Bởi vì không có một thời thượng nào đến trợ giúp để làm nhẹ bớt trách nhiệm cho họ.

Như thế, tất cả bọn họ họp thành cái mà Schopenhauer đã gọi là một Cộng hòa các Thiên tài, để đối lại với Cộng hòa các nhà Bác học. Họ là những người khổng lồ truy vấn lẫn nhau xuyên qua những khoảng không hư xen kẽ của thời gian. Dửng dưng với những chú lùn ương ngạnh, ồn ào đang luôn mồm la hét ở bên dưới, những người khổng lồ ấy theo đuổi cuộc tương thoại tâm linh cao nhã của họ. Chính từ cuộc tương thoại tâm linh cao vời đó, tôi muốn thuật lại những gì mà sự đui điếc của chúng ta ở thời hiện đại có thể nghe và nghe thấu, hẳn nhiên là chỉ một phần rất nhỏ mà thôi.

Theo như tôi thấy, trong cuộc tương thoại này, những hiền nhân thời cổ từ Thales đến Sokrates đã nói đến tất cả những gì tạo thành cái mà chúng ta cho là tính tinh yếu của tinh thần Hy Lạp, dĩ nhiên là bằng những ngôn từ rất tổng quát. Trong ngôn thuyết cũng như trước đó trong nhân cách của họ, đã hiển hiện những nét lớn của thiên tài Hy Lạp mà toàn bộ lịch sử Hy Lạp chỉ là một chiếc bóng chiếu dọi, một bản sao mơ hồ không nói lên với chúng ta bằng những từ ngữ rõ ràng trong sáng. Ngay cả khi nếu như chúng ta giải thích chính xác và toàn diện đời sống của dân tộc Hy Lạp, thì chúng ta chỉ gặp thấy cái phản ánh của hình ảnh đang long lanh màu sắc vô vàn sinh động hơn trong những thiên tài cao tuyệt nhất của Hy Lạp.

Biến cố triết học đầu tiên của đất Hy Lạp – tức sự chỉ danh Thất Hiền, mang lại một nét đầu tiên rõ rệt và khó quên cho hình ảnh của chủ nghĩa Hy Lạp. Các dân tộc khác có những bậc thánh, dân tộc Hy Lạp có những bậc hiền.

Người ta có lý khi bảo rằng một dân tộc được định tính không phải bằng những vĩ nhân của họ, mà bằng cái cách họ truy nhận và tôn vinh các vĩ nhân đó. Sống vào những thời đại khác, triết gia là một kẻ lữ hành cô độc, bị sự tình cờ run rủi vào trong một môi trường thù địch, lòn lỏi lén lút ở đó hay dùng sức mạnh vượt thoát ra  ngoài. Nhưng nơi dân tộc Hy Lạp, triết gia không có mặt ở đấy bởi tình cờ. khi triết gia xuất hiện vào thế kỷ thứ VI và thứ V giữa những hiểm nạn chập chùng và những cám dỗ của một đời sống càng lúc càng có tính cách thuần túy thế tục hơn, khi triết gia tiến bước như thể đột hiện ra từ sào huyệt của Trophonios, giữa bầu không khí của xa xỉ, của kiêu hãnh và sự phát kiến, giàu có và nhục cảm, từ bầu không khí của những thuộc địa Hy Lạp, chúng ta đoán ngay ra rằng y chính là một sứ giả uy nghiêm, người mang theo cùng một lời cảnh cáo mà ở cùng thế kỷ ấy sẽ được tuyên xướng bởi bi kịch và được gợi ra bằng những bí nghiệm của phái Orphée trong những chữ tượng hình kỳ lạ của những nghi lễ của họ.

Do đó, phán đoán của những triết gia ấy về đời sống và hiện sinh nói chung chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một phán đoán tân thời, bởi vì các triết gia đó đã chứng kiến sự tròn đầy sung mãn của đời sống và nơi họ - không như nơi chúng ta – cảm thức của nhà tư tưởng không bị chẹt vào giữa ước vọng một cuộc đời tự do, tươi đẹp, cao đại, và bản năng ước muốn sự thật vốn chỉ cho biết về giá trị của đời sống tự nội.

Căn cứ vào bản tính cùng kinh nghiệm của mình, chúng ta khó đoán cảm được vào thời ấy, trách vụ của triết gia là gì giữa lòng một nền văn minh đích thực và có một sự thống nhất mạnh mẽ về phong thức như thế, vì hiện giờ chúng ta không tìm đâu ra một nền văn minh loại ấy. Trái lại, chỉ có một nền văn minh như văn minh Hy Lạp mới có thể tỏ lộ cho ta biết trách nhiệm của triết gia là gì.

Như tôi đã nói, chỉ có văn minh Hy Lạp mới có thể biện minh cho triết học, vì chỉ nền văn minh ấy mới biết và mới có thể chứng nghiệm tại sao và làm thế nào triết gia không phải là một kẻ lữ hành nào bất luận, xuất hiện do tình cờ và cứ bất ngờ xuất hiện đó đây.

Có một luật thép cột chặt triết gia vào một nền văn minh đích thực, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có nền văn minh ấy? Lúc bấy giờ, triết gia giống như một ngôi sao chổi không thể dự đoán được đường bay và, bởi đó, gây kinh hoàng, trong khi trong một giả thuyết thuận lợi hơn, triết gia chiếu rạng như một tinh thể vĩ đại nhất trong thái dương hệ của nền văn minh đó. Dân tộc Hy Lạp biện chính cho sự hiện hữu của triết gia, bởi sự kiện là nơi họ, triết gia không ở trong tình trạng một vì sao chổi.

 

2

Sau những nhận định trên đây, người đọc sẽ không bị chướng ý khi thấy tôi nói đến những triết gia trước Platon như một xã hội mạch lạc và tôi có ý định dành riêng cho họ thiên nghiên cứu này.

Với Platon thì bắt đầu một điều hoàn toàn khác hẳn. Hay như ta cũng có thể nói với cùng lý lẽ, kể từ Platon trở đi, các triết gia thiếu mất một cái gì thiết yếu, khi đem họ so sánh với Cộng hòa những Thiên tài trải dài từ Thales đến Sokrates. Nếu muốn nêu lên phán đoán bất lợi cho những vị cổ sư đó, ta có thể cho họ là hẹp hòi và bảo rằng những hậu duệ của họ, đứng đầu là Platon, ăn nói dễ hiểu hơn. Nhưng sẽ chính xác và thành thật hơn nếu ta bảo rằng những vị sau là những kẻ rối rắm, còn những vị trước là những mẫu người thuần khiết.

Ngay chính bản thân Platon là kẻ rối rắm vĩ đại đầu tiên, kể cả trong triết lý lẫn con người. Học thuyết về Linh Tượng [Eidos] của Platon chứa đựng những yếu tố Sokrates, Pythagoras và Heraklit, chính vì thế học thuyết ấy không phải là một hiện tượng thuộc kiểu mẫu thuần khiết. Cả trên bình diện con người, Platon tụ hội trong ông sự cẩn trọng vương giả và sự bình lặng uy nghi của Heraklit, lòng từ ái âu sầu của nhà lập pháp Pythagoras, lẫn biện chứng pháp của tay học lọc lõi về tâm hồn là Sokrates.

Tất cả những triết gia về sau đều là những kẻ rối rắm pha trộn như thế. Khi họ xuất hiện với một khí chất rất nổi bật, như những triết gia phái Khuyển nho [Cynistes], thì đó không còn là một kiểu mẫu nữa, đấy là một bức hí họa.

Nhưng điều quan trọng hơn nhiều, chính là: họ là những kẻ sáng lập ra các học phái, và tất cả các học phái do họ sáng lập ra đều là những trung tâm chống đối nền văn minh Hy Lạp và sự thống nhất về phong thức mà nền văn minh ấy đã bảo trì được cho đến thời đại của họ. Họ tìm kiếm một sự cứu chuộc theo lối của họ, nhưng chỉ là sự cứu chuộc cho những linh hồn cá nhân mà thôi, hay cùng lắm là cho những nhóm bạn hữu hay môn đồ thân cận. Trái lại, hoạt động của các triết gia cổ xưa hơn lại nhằm đến sự cứu rỗi tập thể, sự thanh lọc của tất cả mọi người dầu họ có ý thức đến hay chăng. Không nên ngăn cản dòng văn minh Hy Lạp, mà phải cất xa khỏi đường đi của nó những hiểm họa khủng khiếp. Triết gia hộ trì và bảo vệ cho Tổ quốc.

Quả là một bất hạnh thật sự vì chúng ta đã chỉ lưu giữ được quá ít tác phẩm của các bậc thầy đầu tiên đó của triết học và chúng chỉ đến tay chúng ta dưới tình trạng các tản văn. Vì sự thất tán đó, chúng ta vô tình áp dụng cho họ những thẩm định sai lầm. Và dựa vào sự kiện, hoàn toàn do tình cờ là Platon và Aristoteles không hề thiếu những người ngưỡng mộ cũng như những kẻ sao chép, nên chúng ta bất công với những bậc tiền bối tiên phong của hai triết gia này.

Đôi khi chúng ta chấp thuận có một định mệnh cho những cuốn sách, một fatum libellorum. Nhưng đấy hẳn phải là một định mệnh hiểm ác khi đã cho là tốt trong việc loại trừ không cho chúng ta đọc Heraklit, bài thơ tuyệt vời của Empedokles, những tác phẩm của Demokrit, mà các bậc cổ gia cho là sánh ngang với Platon và dầu ở tình trạng hiện tại cũng vượt bỏ Platon về phương diện thuần phác. Bù lại chúng ta được gia ân ban thưởng các tác phẩm của triết gia khắc kỷ, các triết gia phái Epikure và Cicero.

Hình như là phần vĩ đại nhất của tư tưởng Hy Lạp và sự phát lộ bằng ngôn ngữ của nó đã bị cướp mất khỏi tay chúng ta, một số mệnh không nên làm chúng ta kinh ngạc, nếu như ta nhớ đến sự bất hạnh hẩm hiu của Scotus Erigena hay của Pascal, và nếu ta nghĩ rằng ngay cả trong thế kỷ của ánh sáng này đây, ấn bản lần đầu của tác phẩm Thế giới như Ý lực và Biểu tượng của Schopenhauer cũng bị xé ra để làm bả giấy. Nếu muốn chấp nhận rằng trong lãnh vực này có một ơn thiên luận đặc biệt, thì cũng được đi. Và xin người ta hãy lập lại với thi hào Goethe:

      Ubers Niedertrachtige,

      Nieamand sich beklage,

      Denn es ist das Machtige,

      Was man dir auch sage.

(Những thực tại ô nhục, mà chẳng ai than vãn, vì đấy chính là những thực tại mạnh mẽ nhất, người ta chỉ hoài công nói đến)

Nhất là những thực tại ấy còn mạnh mẽ hơn sức mạnh của chân lý.

Hiếm khi nhân loại sản sinh ra một cuốn sách hay, cuốn sách dũng cảm ca vang bài chiến ca của chân lý, bài thánh ca của lòng hào hùng triết lý. Trong khi đó, nhờ vào những tình cờ bất hạnh nhất, sự mờ ám đột ngột của những tâm trí, những cơn khủng hoảng do mê tín hay ác cảm vô lối, và sau hết, còn tùy thuộc và cả sự lười biếng của một thầy thư ký hay của những côn trùng và mưa gió, mà cuốn sách ấy sống sót thêm được một thế kỷ nữa hay quay trở lại tình trạng mục nát và biến thành cát bụi.

Nhưng chớ nên than vãn. Tốt hơn, chúng ta nên lặp lại những lời kết luận và an ủi mà Hamann gởi đến cho những đầu óc có văn hóa đang than thở về những tác phẩm đã bị thất tán: “Nhà nghệ sĩ làm cho một hạt đậu chui qua lỗ kim, há lại cần đến cả một giá đậu để duy trì kỷ xảo đã luyện tập được hay sao? Người ta ưa đem câu hỏi đó ra chất vấn tất cả những người có ăn học nhưng lại không biết sử dụng các tác phẩm của cổ nhân một cách tốt đẹp hơn con người sử dụng những hạt đậu ấy”

Ở vào trường hợp chúng ta, phải thêm là chúng ta không cần có thêm một lời nói, một giai thoại, ngày tháng nào nữa được truyền đến chúng ta, thậm chí chúng ta sẽ còn cần ít hơn nữa để thiết định sự kiện: xét chung thì dân tộc Hy Lạp biện chính cho sự hiện hữu của khoa triết lý.

Một thời đại bị xâm hại do cái tai họa mà người ta gọi là nền văn hóa đại chúng, nhưng trong bản chất lại là vô văn hóa và hoàn toàn thiếu hẳn sự thống nhất về phong thức, sẽ chẳng biết làm gì với triết học, dẫu rằng nó được công bố ầm ĩ trên các đường phố và các công trường do thiên tài của đích thân Chân Lý. Nền triết học ấy sẽ chỉ là cuộc độc thoại thông thái của kẻ nhân du cô độc, là con mồi mà cá nhân tình cờ chộp được, là bí mật của những hội đoàn khép kín hay một cuộc tán gẫu ba hoa vô hại giữa các ông già thông thái với bọn trẻ. Chẳng một ai có thể liều lĩnh hoàn tất trong tự thân mình cái định luật của khoa triết học, chẳng có lấy người nào đó sống một cuộc đời triết lý với lòng chân thành trung trực sơ đẳng đã từng cưỡng bách một hiền nhân thời cổ phải cư xử như một người khắc kỷ nếu họ đã nhất tâm quy phụng đức tin vào các nguyên lý của trường phái đó – dầu họ ở đâu, họ là gì đi nữa.

Ngày nay, các chính phủ, các giáo hội, các phong tục, các thời thượng và sự hèn nhát của con người đã đồng lõa với nhau trong việc sử dụng những phương tiện chính trị và cảnh sát để bắt hoạt động triết lý an trí trong một bề ngoài thông thái phù phiếm vô bổ. Tất cả tự giới hạn ở tiếng thở dài: “Ồ … thế nhưng!” hay ở nhận định: “Xưa kia…” Triết học đã mất đi lý do hiện hữu cốt yếu. Vì lẽ đó, nếu có chút ít can đảm và liêm khiết, con người hiện đại sẽ phải khu trừ triết lý nhờ những lời lẽ giống như những lời lẽ Platon đã dùng để trục xuất các thi sĩ bi kịch ra khỏi nền Cộng hòa của ông.

Cố nhiên, triết lý sẽ có quyền đối đáp lại bằng lời lẽ các thi sĩ bi kịch đã biết dùng đối đáp lại Platon. Nếu người ta cưỡng bách triết lý phải lên tiếng, thì triết lý sẽ có thể trả lời: “Hỡi dân tộc bất hạnh! Có phải lỗi của ta đâu, nếu như ta phải sống một cuộc đời lang thang phiêu bạt trên đất mi, nếu như ta phải lẫn trốn và giả trang, như thể ta là một kẻ tội đồ và các ngươi là quan tòa lên án? Hãy nhìn nàng Nghệ thuật, chị em của ta! Nghệ thuật cũng chịu chung số phận như ta. Chúng ta phải tị nạn nơi các dân tộc man dã và chẳng còn biết phải phụng hiến tâm thành của mình cho ai nữa. Nơi đây, quả thế, ta và Nghệ thuật không còn lý do hiện hữu nữa. Nhưng các vị quan tòa đoán án chúng ta cũng sẽ lên án các ngươi nữa và bảo cùng các ngươi: trước hết, các ngươi hãy có một nền văn minh đi đã, rồi các ngươi sẽ học biết được triết lý muốn gì và triết lý có thể làm gì”

 

3

Triết học Hy Lạp dường như khởi đầu bằng cái ý tưởng phi lý này là: nước là nguồn gốc và lòng mẹ hóa sinh mọi vật. Có nên dừng lại ở đây và xem nó là ý tưởng đúng đắn chăng? Vâng. Và như thế vì ba lý do: trước hết, bởi vì đấy là một công lý nói về nguồn gốc vạn sự; kế đó bởi vì nó nói lên điều ấy mà không dùng đến hình tượng và ngụ ngôn; sau cùng, vì nó chứa đựng, mặc dầu còn ở tình trạng phôi pha, cái ý tưởng “vạn vật nhất thể”.

Lý do thứ nhất trong ba lý do này còn ghép Thales vào cộng đồng những con người tôn giáo và mê tín, nhưng lý do thứ nhì tách biệt ông ra khỏi cộng đồng ấy và chứng tỏ cho ta biết rõ nơi ông nhà học giả duy nhiên; lý do thứ ba biến ông thành triết gia Hy Lạp đầu tiên.

Giá ông tuyên bố: “Nước chuyển biến thành đất” thì chúng ta sẽ chỉ có được một giả thuyết khoa học sai lầm nhưng khó mà có thể phi bác được. Song Thales đã vượt quá khoa học đúng nghĩa. Người ta không thể bảo rằng, khi thuyết minh cái giả thuyết nói trên về tính thống nhất của vũ trụ dựa trên sự hiện diện của nước, Thales đã vượt bỏ được mức độ rất thấp kém của những học thuyết vật lý học ở thời đại ông. Nói đúng hơn, ông đã thoát khỏi nó bằng một bước nhảy.

Những sự quan sát tầm thường, rời rạc, hoàn toàn thường nghiệm, mà Thales đã thực hiện đối với sự hiện diện và những hóa thân của nước hay nói rõ hơn, của ẩm tính, chẳng hề cho phép ông hay gợi hứng đưa ông tới sự tổng quát hóa vĩ đại đó. Cái đã thúc đẩy ông đi tới chỗ phát biểu đó, chính là một công lý triết học bắt nguồn từ một trực quan thần bí mà chúng ta gặp thấy trong tất cả mọi nền triết học, với những nỗ lực mới mẻ mãi mãi để diễn tả trực quan ấy hoàn hảo hơn. Đấy chính là nguyên lý “Vạn vật nhất thể”.

Thật phi thường khi thấy một niềm tin như thể độc đoán chi phối hết mọi thực tại thường nghiệm đến mức độ dường kia. Chính nơi Thales, người ta mới có thể thấy triết lý đã sa vào niềm tin đó như thế nào vào mọi lúc, để vươn đến mục tiêu mà triết lý cảm thấy bị lôi cuốn tới bằng một hấp lực ma quái, mặc dầu những chướng ngại của kinh nghiệm. Dựa trên những sự việc đã hiện thể mỏng manh, triết lý hành sự bằng cách cầu viện đến kinh nghiệm. Hy vọng và tiên cảm ban cho triết lý những đôi cánh thênh thang. Cái lý trí so đo tính toán cũng vừa theo đuổi vừa hào hển nặng nề và kiếm tìm những điểm tựa vững chải hơn, để đạt tới mục tiêu quyến rũ ấy, nơi người bạn đồng hành linh thánh của nó đã đặt chân đến. Ta tưởng đang chứng kiến hai khách lữ hành bên bờ một ngọn thác hung hăng đang cuốn trôi những hòn đá: một người vượt qua thác nhẹ nhàng bằng một bước nhảy, y dùng những hòn đá để lấy đà, ngay cả khi đột nhiên chúng sụp đổ đằng sau y; người kia thì lúng túng hết đường xoay xở, trước hết phải xây nên những trụ đá để nâng đỡ bước chân nặng nề và thận trọng của y, đôi khi lấy đà là điều bất khả, và cả Thượng đế lẫn dòng thác chẳng giúp gì được cho y.

Vậy thì cái gì làm cho tư tưởng triết lý phóng nhanh đến mục tiêu được như thế? Tư tưởng triết lý há chẳng phải chỉ khác với tư tưởng tính toán so đo nhờ duy có cú chớp cánh nhanh hơn để bay qua những khung trời rộng lớn thênh thang hơn sao? Không phải thế. Bởi vì cái gắn cho đôi chân triết lý cặp cánh thần, cái đó chính là một sức mạnh xa lạ và phi luân lý: trí tưởng tượng.

Được đun bởi sức mạnh của trí tưởng tượng, triết lý nhảy vọt từ khả thể này sang khả thể khác, bằng cách tạm thời gán cho chúng một tính chất xác nhiên: đây đó thỉnh thoảng triết lý cũng bắt gặp được những sự xác nhiên trên đường bay của mình. Một dự cảm thiên tài chỉ rõ cho nó những xác nhiên đó, từ xa nó tiên đoán được rằng ở một điểm nào đó có những sự xác nhiên có thể minh chứng được.

Nhưng trí tưởng tượng mạnh mẽ nhất là khi cần phải lĩnh hội trong một thoáng chớp và đưa ra ánh sáng những điểm tương đồng. Sau khi đó, sự phản tỉnh mới đem lại những tiêu chuẩn và những tác phẩm tầm thường và tìm cách thay thế sự tương đồng bằng những sự tương đẳng, tính chất tiếp cận bằng tính chất nhân quả. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó là điều bất khả, như trường hợp của Thales thì tư tưởng triết học bất khả chứng minh cũng vẫn còn mang chứa một giá trị: ngay cả như nếu tất cả những gì đã hiện thể đều thất bại, khi luân lý học và sự cứng đờ thường nghiệm muốn đẩy đến tận nguyên lý này: “Nước là nguyên lý của vạn vật” thì sau sự sụp đổ của kiến trúc khoa học, cũng vẫn còn một dư vật đã bảo tồn được sức mạnh đẩy tới trước và như là niềm hy vọng cho một sự phong nhuận tương lai.

Cố nhiên, tôi không có ý nói rằng cái tư tưởng ấy, vốn bị giới hạn hay làm suy nhược đi hay ở tình trạng ngụ ý biểu hiệu, hãy còn chứa đựng một phần tử quan yếu của “chân lý”. Tôi không tưởng tượng ra nhà nghệ sĩ đang quan sát một thác nước và khám phá ra trong những hình thể đang trào vọt ào ạt về mình ấy cái bí nhiệm của trò chơi nghệ sĩ của nước, đang cuốn lăn những thân xác người và thú, những mặt nạ, cây cối, đá tảng, nữ thủy thần, những nùi giẻ, và những mẫu mực của mọi cái gì đang hiện hữu: đến độ đối với y, nguyên lý sau đây được biện chính: nước là nguyên lý của vạn sự.

Ngay cả khi người ta đã nhìn nhận nó là không thể chứng minh, thì tư tưởng của Thales đúng hơn đã mang lấy cái giá trị này, là đã không muốn là một huyền thoại hay một ngụ ngôn. Những người Hy Lạp, trong số đó Thales đột nhiên xuất hiện với bao vẻ rạng ngời, trái nghịch lại với những nhà duy thực ở chỗ này là tóm tắt lại họ chỉ tin tưởng vào thực tại tính của những con người và những thần linh, và xem toàn bộ nhiên giới như là sự giả trang, sự mang mặt nạ và sự hóa thân của những con người thần linh ấy. Đối với họ, con người là chân lý và nền tảng căn cơ của vạn vật, tất cả những gì khác đều chỉ là hiện tượng và trò chơi phù ảo. Chính vì lý do đó, họ phải biết bao khổ nhọc mới xem những ý niệm như là những ý niệm, và trái ngược với những con người hiện đại mà đối với họ thực tại riêng tư cá biệt nhất được thăng hóa thành trừu tượng, nơi những người Hy Lạp sự trừu tượng luôn luôn được cụ thể hóa thành một con người.

Khi tuyên bố rằng không phải con người nhưng chính nước mới là nguyên lý sinh hóa vạn vật, thì Thales bắt đầu tin vào nhiên giới, ít ra trong chừng hạn mà ông tin tưởng vào nước. Là nhà toán học và thiên văn học, Thales đã trở thành lãnh đạm với mọi quan niệm thần bí hay ngụ ngôn ẩn dụ, và nếu như ông đã không thể đạt đến cái sự trừu tượng thuần túy này “vạn vật là một” nếu như ông bị đứng dừng ở một định thức vật lý, thì tuy vậy, trong số những người Hy Lạp thời đại ông, ông là một trường hợp hiếm hoi, gây kinh ngạc.

Có lẽ những người theo phái Orphée, vô cùng đặc dị, đã có được cái khả năng lĩnh hội sự trừu tượng, cái khả năng suy tư không cần đến hình ảnh ở một mức độ cao hơn, nhưng họ đã chỉ diễn đạt được trong một hình thức có tính cách ẩn dụ. Ngay cả Phérécyde de Syros là người gần gũi với Thales trong niên đại và trong một số những quan niệm vật lý học, mà cũng chỉ diễn tả chúng trong cái khu vực trung gian nơi mà huyền thoại pha hợp với ẩn dụ ngụ ngôn, đến độ chẳng hạn ông dám so sánh trái đất với một cây sồi có cánh bay lượn trong không khí, đôi cánh vươn rộng, và vương thần Zenus sau khi đã mai táng thần Kronos, khoác lấy một chiếc áo dạ hội lộng lẫy trên đó tự tay thần đã thêu lên những đất đai, biển cả và sông ngòi.

Đối diện với một tư tưởng triết học có tính chất ẩn dụ quá đỗi mơ hồ và hơi khó có thể dịch ra thành ảnh tượng thị giác như thế, Thales là một kẻ sáng tạo và một vị thầy lần đầu tiên đã đưa mắt thăm dò vào những miền sâu thẳm của thiên nhiên mà không pha trộn vào đấy sự bịa đặt tùy tiện theo ý ngông. Nếu, sau khi dùng đến khoa học và chân lý, ông đã biết vượt thoát khỏi chúng, thì đấy cũng lại là một nét đặc trưng của tinh thần triết học.

Về mặt ngữ nguyên, từ ngữ Hy Lạp dùng để chỉ bậc hiền giả được gắn liền với chữ Sapio, tôi nếm, sapiens,  người nếm rượu, sisyphos, người có năng khiếu cực kỳ tinh tế. Vậy thì, một tài năng bén nhậy để nếm và biết sự vật, một khả năng phân biệt phi thường, tạo thành nghệ thuật riêng biệt của triết gia. Triết gia không phải là hiền giả, nếu người ta hiểu hiền mình là nghệ thuật cai trị hoàn hảo những lợi ích riêng tư của mình. Aristoteles có lý khi nói: “Tri thức của Thales và Anaxagoras có thể được gọi rất đúng là tri thức hiếm hoi, gây kinh thán, hiểm hóc, linh thánh, nhưng vô ích, vì cả hai ông chẳng hề bận tâm đến những tài sản trần gian”

Nhờ sự phân biệt trên đây, nhờ sự lựa chọn những gì hiếm hoi, gây kinh ngạc, hiểm hóc, linh thánh, mà triết học tách biệt với khoa học, cũng y như khi lực chọn sự vô ích, triết học tự cách biệt với sự cẩn trọng e dè. Khoa học thì vội vàng nhẩy xô vào tất cả những gì khả tri, mà không lựa chọn, không nhẹ nhàng thận trọng, với nhu cầu mù quáng muốn hiểu biết tất cả bằng bất cứ giá nào; trái lại tư tưởng triết học thì luôn luôn bước đi trên con đường của những gì xứng đáng được biết đến, con đường của những tri thức cao đại và tinh yếu.

Nhưng trong lĩnh vực đạo đức cũng như thẩm mỹ, quan niệm về sự cao đại rất co dãn. Vì thế triết lý bắt đầu bằng cách làm luật về sự cao đại, triết lý không thể tách rời với một sự phẩm định. Khi bảo rằng: “Điều này là cao đại” thì triết lý nâng con người lên khỏi bản năng trí thức thả lỏng vô độ. Bằng ý niệm về sự cao đại, triết lý đóng kiềm chế cương bản năng ấy lại, nhất là ở chỗ triết lý xem tri thức tối thượng, tức tri thức về thể tính và căn cơ của vạn vật, như là có thể đạt đến được và đã đạt đến được.

Khi Thales tuyên bố: “Nước là nguyên lý của vạn vật” thì con người rùng mình rung rẩy và bước ra khỏi sự sờ soạng lần dò thú vật và bò sát của các khoa học đặc thù, y tiên cảm ấy, chiến thắng được sự nhút nhát tầm thường đặc biệt ở những cấp độ thấp kém của tri thức.

Triết gia tìm cách làm vang dậy nơi con người cái cộng hưởng khúc phổ biến và phóng chiếu nó ra bên ngoài mình bằng những ý niệm. Trầm tư chiêm bái như nhà nghệ sĩ, thương xót như những tín đồ tôn giáo, tò mò về những cứu cánh và nguyên nhân như nhà bác học, trong khi vẫn phồng trương ra đến những tiêu chuẩn của đại vũ trụ, triết gia vẫn giữ khá đủ sự mẫn tiệp để lạnh lùng tự xem mình như là phản ánh của vũ trụ. Triết gia giữ sự lạnh lùng bình tĩnh, tự hóa thân thành những vật thể khác, nói năng bằng cơ quan của chúng nhưng lại biết phòng chiếu sự hóa thân ấy ra bên ngoài mình, bằng những vần thơ được viết ra bằng chữ. Bản chất của vần thơ như thế nào đối với thi sĩ, thì đấy cũng giống như bản chất của tư tưởng biện chứng đối với triết gia; triết gia hoành đạt đoạt nó để lưu định cái thế giới thần tiên mà ông ta là món đồ chơi để bắt thế giới đó biến thành đá, và cũng giống như đối với thi sĩ kịch trường, chữ và câu thơ chỉ là sự bập bẹ bằng ngôn ngữ ngoại quốc, nhờ đó y cố gắng nói lên điều y đã sống thực và đã nhìn thấy và y chỉ có thể diễn tả trực tiếp nó bằng nét mặt và âm nhạc, tương tự như thế, nhờ biện chứng pháp và sự phản tỉnh khoa học, biểu lộ của mọi trực quan triết học sâu thẳm cố nhiên là phương tiện độc nhất để truyền thông điều đã được nhà tư tưởng nhìn thấy, nhưng đấy là một phương tiện khốn quẫn, đấy chỉ là một chuyển vị có tính cách ẩn dụ và hoàn toàn bất xứng hợp, trong một lãnh vực khác và một ngôn ngữ khác. Như thế, Thales đã nhìn thấy mối nhất tinh của tinh thể; và khi ông muốn thốt ra điều ấy, ông đã nói đến nước!

 

4

Nếu Thales chỉ tỏ lộ cho chúng ta như trong một làn sương mù cái kiểu mẫu đời đời của triết gia, hình ảnh của người kế vị vĩ đại của ông nói với ta một cách rõ rệt hơn nhiều.

Anaximander thành Milet, văn sĩ triết gia đầu tiên của các Người Xưa, viết như mọi triết gia sẽ viết, chừng nào những yêu sách đáng làm ngạc nhiên không lấy mất đi của ông sự chất phác và ngây thơ: văn pháp uy nghiêm, đơn giản, mạnh mẽ, trong đó mỗi câu chứng tỏ cho một sự giác ngộ mới và diễn tả một mức độ mới của sự chiêm nghiệm cao nhã. Tư tưởng và hình thức của tư tưởng là những trụ mốc lý trình trên con đường của sự minh triết tối thượng.

Chính với cái năng lực giản minh đó mà một lần kia Anaximander lên tiếng “Cái mà từ đó xuất sinh mọi vật đang hiện thể cũng đồng thời là cái hướng về nó, diễn tả sự hoại nát theo điều tất yếu; bởi vì những hữu thể đều trả lẫn cho nhau nỗi thống khổ và sự cứu chữa cho sự bất công của chúng, theo thứ tự thời gian. Lời lẽ kỳ bí của một nhà bi quan thực sự, lời sấm ngôn ở biên cảnh của triết học Hy Lạp, làm sao chúng ta giải thích nó?

Nhà luân lý nghiêm trang độc nhất của thời đại chúng ta cũng đưa ra cho chúng ta một ghi nhận cùng loại trong cuốn Parergis (quyển II, chương 12, Bổ túc cho Lý thuyết về Khổ đau của Thế giới, phần Phụ lục): “Quy phạm chân chính để phán đoán một người nào là bảo rằng: y là một hữu thể lẽ ra không nên hiện hữu, nên phải chuộc tội hiện hữu của mình bằng vô vàn khổ đau và cái chết. Ta có thể chờ đợi gì từ một hữu thể như thế? Tất cả chúng ta há chẳng phải đều là những kẻ phạm tội bị lên án tử hình? Tội phạm mà chúng ta muốn cứu chuộc, trước hết bằng đời sống và kế đó bằng cái chết, chính là sự kiện chúng ta đã được sinh ra trên đời”.

Miễn là đã đọc được một chút xíu thôi tư tưởng ấy trên khuôn mặt của vận mệnh con người và nhận ra một chút xíu thôi sự ác triệt để nằm ở căn nguyên của mọi kiếp người, - thật ra, chẳng có ai chịu để cho mình bị khảo xét kỹ lưỡng, mặc dầu cái thời đại đang bị xâu xé bởi cái dịch tiểu sử của chúng ta dường như có ý kiến hoàn hảo hơn về phẩm giá của con người, - miễn là như Schopenhauer người ta đã nghe thấy một chút xíu thôi, vang dội “trên những đỉnh cao của bầu khí Ấn Độ” cái lời lẽ linh thánh xác quyết giá trị đạo đức của cuộc hiện sinh, thì người ta sẽ vô cùng khó khăn để khỏi sử dụng đến một ẩn dụ có tính chất nhân hình cực độ và khỏi mở rộng cái học thuyết buồn bã ấy vượt quá phạm vi đời người, để nhờ sự chuyển vị, đem áp dụng nó vào tính chất tổng quát của cuộc hiện sinh.

Hậu quả có lẽ không hợp luân lý, nhưng dẫu sao cũng phù hợp với con người, và thêm vào đó, rất phù hợp với phong thức của sự nhảy vọt triết lý mô tả trên kia, là người ta đi đến chỗ cùng với Anaximander quan niệm rằng mọi biến dịch là một sự giải thoát đầy tội lỗi đối với thực thể vĩnh cửu, là một sự bất công mà nó phải trả giá bằng cái chết.

Tất cả những gì đã biến dịch đều phải bị tàn hoại, dầu đó là cuộc sống con người, hay nước, hay hơi nóng, hay khí lạnh. Ngay khi nhận ra được những phẩm chất tính nhất định nào đó, thì nhờ vào vô vàn những kinh nghiệm đã kết tập trong quá khứ, ta có thể tiên đoán được sự biến mất của những phẩm tính kia. Chẳng bao giờ một thực thể mang những phẩm tính nhất định lại có thể là nguồn gốc và nguyên lý hóa sinh vạn vật. Anaximander kết luận, thực thể chân thật không thể mang chưa những phẩm tính nhật định, nếu không, thực thể ấy cũng sẽ sinh thành và hoại diệt như vạn sự. Muốn cho biến dịch không bao giờ dừng nghỉ, thì thực thể nguyên sơ phải bất định.

Tính chất bất tử và vĩnh cửu của thực thể nguyên sơ không thể nằm trong sự kiện thực thể đó là vô hạn và không thể tát cạn – như những nhà bình giải Anaximander thường chấp nhận – nhưng nằm trong sự kiện nó được miễn trừ khỏi mang những phẩm tính nhất định, tức là những phẩm tính mà cuối cùng sẽ bị hoại diệt. Chính vì thế, tên của thực thể nguyên sơ ấy là Bất định Thể (Apeiron). Thực thể nguyên sơ được chỉ danh như thế thống ngự dòng biến dịch và vì lẽ đó, bảo đảm cho biến dịch được vĩnh viễn và chu lưu vô ngại. Cố nhiên, nhất tính sau cùng ấy ở giữa lòng Bất Định Thể – lòng mẹ hóa sinh vạn vật – chỉ có thể được con người mệnh danh một cách tiêu cực mà thôi. Đấy là thực thể mà ta không thể ban cho nó thuộc từ nào rút từ thế giới của biến dịch, do đấy người ta có thể xem nó như tương đương với “vật tự nội” (Ding an Sich) của Kant.

Hiển nhiên những kẻ nào cứ muốn bàn luận miên man về vấn đề yếu tố nguyên sơ đó, và tự hỏi không biết nó có phải là một chất thể trung gian giữa khí và nước, hay có lẽ là giữa khí và lửa, thì kẻ đó chứng tỏ họ chẳng hiểu chút gì về triết học Anaximander. Ngay cả những kẻ nghiêm trọng tự hỏi không biết Anaximander có hình dung cái yếu tố nguyên sơ của ông như một hỗn hợp giữa những yếu tố đang hiện hữu hay không, cũng thuộc vào loại đó.

Tốt hơn ta nên chú tâm đến điều có thể tỏ lộ cho ta biết rằng Anaximander đã không còn bàn giải vấn đề về nguồn gốc của thế giới như một vấn đề thuần túy vật lý. Tôi muốn nói đến cái công lý giản minh được trích dẫn ở trên. Đúng hơn, ta nên nói rằng nếu Anaximander đã nhận ra trong phức tính của vạn vật đang hiện hữu, một số bất công cần phải cứu chuộc lại, thì ông là người Hy Lạp đầu tiên đã táo bạo nắm ngay lấy cái nút của vấn đề đạo đức, vấn đề căn cơ của tất cả những vấn đề khác.

Làm thế nào một thực thể có quyền hiện hữu lại có thể bị hoại diệt? Từ đâu xuất sinh cái hoạt động không dừng nghỉ của biến hành và sinh hóa, từ đâu xuất sinh sự mâu thuẫn đớn đau kia trên khuôn mặt của thiên nhiên, lời than vãn tang khó vô hạn đang vang dội xuyên qua tất cả những cảnh vực của hiện sinh?

Để thoát khỏi cái thế giới bất công ấy, thoát khỏi sự phản bội đối với nhất tính sơ nguyên của vạn thể, Anaximander nương náu trong một pháo đài siêu hình, từ nơi đó ông đưa mắt nhìn một vòng mênh mông bao quát toàn bộ vạn vật: rồi sau một lúc thinh lặng trầm tư, ông đặt cho vạn vật đang hiện thể câu hỏi sau đây: “Giá trị cuộc hiện sinh của mình là gì? Và nếu cuộc hiện sinh không có giá trị, tại sao mi lại hiện hữu? Ta đã thấy rõ, chính do lỗi lầm của mi mà mi phải lưu tồn trong cuộc sống. Mi sẽ chuộc lại lỗi lầm ấy bằng cái chết. Hãy nhìn xem mặt đất mi cư ngụ đang héo tàn, biển cả đang thu hẹp và khô cạn dần, vỏ sò trên núi cao tỏ cho mi biết biển cả khô cạn ngần nào. Ngay từ bây giờ, lửa đang hủy hoại thế giới của mi, cái chết cuối cùng sẽ tan bay thành sương khói. Nhưng cái thế giới bất ổn đó sẽ luôn luôn được tái tạo lại. Cái gì có thể giải phóng mi khỏi dòng biến dịch?”

Đối với một con người đã nêu lên những vấn đề như vậy, con người mà trong cơn phấn phát, tư tưởng đã không ngừng xé nát những tương quan của thường nghiệm chủ nghĩa để phóng mình vào bên kia những tinh cầu, thì những hình thức tầm thường của đời sống không thể được xem trọng. Chúng ta sẵn lòng tin vào truyền thống đó Anaximander đi dạo chơi với bộ lễ phục trên người và tỏ lộ một niềm kiêu hãnh thực sự bi tráng trong những cử chỉ lẫn thói quen của ông. Ông sống như ông viết, ông ăn nói trang trọng như ông ăn mặc. Ông cất tay, đặt chân như thể cuộc đời này là một bi kịch trong đó ông đã được tiền định để thủ diễn một vai anh hùng. Về mọi phương diện, ông là tiền bối vĩ đại của Empedokles. Những người đồng bang bầu ông cai trị một thuộc địa của những kẻ dị dân, có lẽ họ sung sướng vì đồng thời vừa tôn vinh ông vừa gỡ bỏ được sự có mặt của ông. Cả tư tưởng Anaximander cũng di trú và thực dân. Ở Emphesus và Elea, người ta chẳng hề thoát khỏi ông, và nếu như không thể quyết định cùng chia xẻ chỗ ở với ông, thì người ta vẫn biết rõ rằng sẽ được ông hướng dẫn đến nơi mà sau đó họ có thể tiếp tục con đường không có ông.

Thales là chứng tích cho nhu cầu muốn đơn giản hóa cảnh vực của phức tính, và muốn thu giảm phức tính thành như chỉ là sự triển dương hay sự giả trang của cái phẩm tính độc nhất đang hiện hữu. Song chỉ bằng hai bước, Anaximander đã vượt qua Thales.

Trước hết, ông tự vấn: “Nếu có một nhất tính vĩnh cửu, thì làm thế nào lại có thể có phức tính?” Và ông tìm thấy lý do trong tính chất mâu thuẫn của cái phức tính không ngừng tự ngốn ngấu và tự phủ định chính mình. Đối với ông, hiện hữu của phức tính ấy trở thành một hiện tượng đạo đức. Nó không được biện chính, nhưng nó không ngừng tự chuộc tội bằng cái chết.

Nhưng lúc bấy giờ, vấn đề này được đặt ra: “Tại sao tất cả những gì đã  biến dịch trước đây đã không bị hoại diệt từ lâu, vì lẽ đã có một khoảng thời gian vô tận? Từ đâu phát sinh nguồn thác luôn luôn đổi mới của biến dịch?” Ông chỉ thoát khỏi vấn đề này bằng những giả thuyết thần bí mới: biến dịch vĩnh cửu chỉ có thể bắt nguồn từ thực thể vĩnh cửu, những điều kiện đưa dẫn thực thể đến chỗ sa đọa trong dòng biến dịch đầy tội lỗi này bao giờ cũng vẫn là cùng những điều kiện ấy, cái đám quân tinh những sự vật như vậy đã được tạo dựng sao cho người ta không thể tiên liệu bất cứ sự chấm dứt nào cho sự trốn chạy nói trên của thực thể cá biệt, để thoát ra khỏi lòng Bất Định Thể.

Anaximander đã dừng lại ở đây. Nghĩa là ông đã dừng lại trong những bóng tối thâm u tựa như những bóng ma khổng lồ che phủ đỉnh cao của một sự chiêm nghiệm như thế về vũ trụ.

Và càng muốn nghiên cứu chặt chẽ vấn đề này, bằng cách tự hỏi làm thế nào mà qua sự bội phản, hữu định thể lại có thể xuất sinh từ Bất Định Thể, cái thế tục từ cái vĩnh cửu, sự bất công từ sự công chính, thì đêm tối càng dày đặc hơn lên.

(xem tiếp phần 3)

 


Nguồn: Nietzsche. Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch. Trần Xuân Kiêm dịch. Sài Gòn: Nxb. Tân An, 1975. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt