Triết học Hy Lạp

Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch (phần 3)

 

FRIEDRICH NIETZSCHE

TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH

(DIE PHILOSOPHIE IM TRAGISCHEN ZEITALTER DER GRIECHEN)

(1872)

TRẦN XUÂN KIÊM dịch

(tiếp theo phần 2)

 

 

5.

Heraklit  thành Ephesus tấn công vào đêm tối thần bí đang bao phủ vấn đề biến dịch nơi Anaximander, và rạch sáng đêm tối đó bằng một lằn chớp linh thiêng.

Ông tuyên bố: “Tôi đã chiêm nghiệm sự biến dịch. Và chưa từng có ai như tôi đã nhìn ngắm với biết bao là chú tâm cái triều lưu cùng nhịp điệu miên viễn của vạn vật. Và tôi đã thấy gì? Những định luật, những sự xác nhiên không thể sai lầm, những con đường cố định của luật tắc, những vị thần Erinnyen phán đoán tất cả những sự vi phạm đối với những luật tắc. Toàn bộ thế giới hiến bày cho ta quang cảnh của một sự công chính tối cao, và những lực lượng thiên nhiên ma quái, hiện diện khắp mọi nơi, cúi đầu phục vụ cho sự công chính tối cao. Điều mà tôi đã thấy, không phải là hình phạt của sự biến dịch, mà chính là sự biện chính cho thực thể. Khi nào thì tội ác, sự bội phản, biểu hiện dưới sự chi phối nghiệt ngã của những luật tắc được sùng kính? Nơi nào ngự trị sự bất công, nơi ấy xuất hiện sự chuyên đoán, vô trật tự, vô quy luật, mâu thuẫn. Nhưng nơi nào chỉ ngự trị luật lệ và Dikè con gái của vương thần Zeus – như trong thế giới này, thì làm sao mà nơi ấy lại là lãnh địa của lỗi lầm, của sự chuộc tội, sự lên án, một chốn khổ hình đối với tất cả mọi sinh vật?”

Từ trực quan trên, Heraklit đã rút ra hai phủ định liên đới nhau, và khi đem so sánh với những châm ngôn của vị tiền bối của ông, ta sẽ nhận chân rất rõ.

Trước hết, Heraklit đã phủ nhận tính cách nhị nguyên của hai thế giới hoàn toàn dị biệt nhau mà Anaximander đã bó buộc phải thừa nhận. Heraklit chẳng còn phân biệt một bên là thế giới vật lý và một bên là thế giới siêu hình, một bên là lãnh vực của những phẩm tính hữu định và bên kia là lãnh vực của sự bất định bất khả xác định.

Sau bước thứ nhất này, Heraklit không thể không táo bạo nhiều hơn nữa trong sự phủ định: ông đã phủ nhận chính thực thể. Bởi lẽ cái thế giới được bảo vệ bằng những định luật vĩnh cửu bất thành văn, cái thế giới được sinh động bởi thuận triều và nghịch triều của một nhịp điệu sắt thép ấy, chẳng có gì là thường trụ, chẳng có gì là bất khả hủy hoại, chẳng có bờ đê nào ngăn cơn trôi chảy của nó. Heraklit đã cao tiếng thốt lên  điều ấy còn cao hơn cả Anaximander: “Ta chỉ thấy toàn là biến dịch. Các ngươi đừng để bị lừa gạt. Chính cái nhìn thiển cận của các ngươi chứ không phải thể tính của vạn vật mới là nguyên nhân làm cho các ngươi tin rằng mình nhận ra một giải đất liền vững chãi trong đại dương biến dịch và hủy hoại. Các ngươi ban cho vạn vật những tên gọi, làm như thể chúng có một kỳ gian cố định. Nhưng ngay cả dòng sông mà các ngươi đặt chân xuống lần thứ nhì, cũng chẳng còn là cùng một dòng sông trước.”

Thiên bẩm vương giả của Heraklit, chính là cái tài năng tót vời của sự biểu tượng trực quan. Trái lại, ông chỉ giữ thái độ lạnh lùng, vô cảm, thậm chí còn thù địch, đối với cách thái thứ nhì của biểu tượng, vốn chỉ hành sự nhờ những ý niệm và những tổ hợp luận lý. Do đó, ông thù nghịch với lý trí, và dường như ông lấy làm thích ý được thường xuyên nói ngược lại lý trí bằng một vài chân lý rút từ trực quan. Ông làm thế với một sự ngoan ngạnh tột cùng trong những châm ngôn như châm ngôn sau đây: “Ở vào mọi thời, vạn vật đều tụ hội trong tự thân mình tất cả những phản lập thể.”, châm ngôn bị Aristoteles lên án là đã bị phạm tội ác tối thượng chống lại lý trí, phạm tội chống lại nguyên lý mâu thuẫn.

Những biểu tượng trực quan bao hàm hai nguyên lý khác biệt.  Nguyên lý thứ nhất là chính cái thế giới hiện tại vô vàn màu sắc và biến đổi này, cái thế giới cống hiến cho kinh nghiệm của chúng ta, - tôi muốn nói đến thời gian và không gian. Bởi vì nếu thời gian và không gian hiện hữu mà không có nội dung hữu định, thì chúng có thể được tri giác ở bên ngoài mọi kinh nghiệm, bằng cách thái thuần túy trực quan. Trong sự biểu tượng của thời gian tách biệt với mọi kinh nghiệm nói trên. Heraklit tìm thấy một định thức cực kỳ hữu dụng, tóm lược tất cả những gì phát xuất từ lãnh vực của biểu tượng trực quan.

Quan niệm của Heraklit về thời gian cũng là quan niệm của Schopenhauer, theo đó mỗi khoảnh khắc chỉ hiện hữu khi nó đã hủy diệt khoảnh khác trước, cha đẻ ra nó, vì chính nó cũng đã được tiền định là sẽ bị hủy diệt cũng nhanh chóng như thế. Đối với ông, quá khứ và tương lai cũng phù phiếm như một giấc mộng, còn hiện tại thời chỉ là cái giới hạn  - không có trương độ mà cũng không kiên cố - phân cách quá khứ với tương lai. Nhưng không gian cũng tương tự thời gian. Và cái không gian ấy, cùng tất cả vạn vật khác vừa hiện hữu trong nó và trong thời gian, chỉ có một hiện thể tương đối, chỉ hiện thể cho một thực thể đồng dạng với chúng, do đấy, cũng chẳng thường trụ hơn chúng.

Đấy là một chân lý có tính chất hiển nhiên trực tiếp, hoàn toàn khả đạt đối với tất cả mọi người và vì lẽ đó, khó mà đạt đến bằng con đường của những ý niệm và lý trí. Song nếu người ta ghi nhớ kỹ ý tưởng ấy trong đầu, thì phải lập tức bước sang cái hậu quả mà Heraklit rút ra từ đó, và phải bảo là thể tính của thực tại là năng động và đối với nó chẳng có cách thái năng động nào khác cả. Đấy chính là điều mà Schopenhauer đã thuyết giải (Thế giới như Ý Lực và Biểu Tượng, cuốn I, quyển I, phân đoạn 4): “Thực tại chỉ làm đầy không gian, thực tại chỉ rót đầy thời gian khi thực tại tác động, trên đối với trực tiếp sẽ quy định cái trực quan mà chỉ trong đó nó mới hiện hữu. Hậu quả của hành động của mọi đối vật vật chất trên một đối vật vật khác chỉ được biết đến và chỉ hệ tại ở chỗ, giờ đây, đối vật thứ nhì lại tác động một cách khác trên đối vật trực tiếp. Vì vậy, vật chất chỉ là nhân và quả; còn thực thể của vật chất, chính là tác động của nó. Ngôn ngữ Đức đã chí lý khi chỉ định toàn bộ những sự vật chất bằng chữ Wirklichkeit (hiệu năng), có nghĩa là vô vàn phong phú hơn là thực tại. Cái mà trên đó vật chất tác động thì cũng thuộc về vật chất: tính thể và thể tính tinh yếu của vật chất nằm trong sự cải biến đều đặn mà một phần của vật chất ấy gây ra trên phần khác của nó bởi vậy, do bản tính, nó hoàn toàn có tính cách tương đối, hoàn toàn bị chi phối trong một tương quan chỉ diễn ra bên trong những giới hạn riêng tư của nó, ở điểm đó vật chất tương tự với thời gian, tương tự với không gian.”

Như Heraklit rao giảng, dòng biến dịch độc nhất và vĩnh cửu, tình trạng bất ổn cố toàn diện của toàn bộ thực tại cứ tác động và sinh thành không dứt. “Không bao giờ hiện thể”, là một ý tưởng khủng khiếp và kinh quái, mà hiệu quả tác động có thể  so sánh với cảm thức của kẻ trong cơn động đất, đánh mất niềm tin cậy vào đất liền vững chải. kẻ đó phải có một năng lực đáng ngạc nhiên để chuyển hóa hiệu quả tác động đó thành điều trái nghịch, thành một cảm xúc cao nhã và một nỗi sững sờ diễm phúc.

Heraklit đã đạt đến chỗ đó nhờ quan sát dòng lưu độ đích thực của sự biến dịch và sự hoại diệt, mà ông đã hiểu như là một tính phân cực, như là sự phân đôi của cùng một sức mạnh thành hai hoạt động khác biệt, đối nghịch nhau về phẩm tính, nhưng đang vươn đến sự kết hợp với nhau. Khi không còn hòa hợp với chính mình, thì một phẩm tính không ngừng tự phân đôi thành hai sức mạnh phản lập, nhưng những phản lập thể đó cũng không ngừng hướng về nhau.

Quả vậy, con người bình phàm tưởng đối vật là một cái gì cứng nhắc, hữu hạn, thường trì bất biến, trong khi thực ra, ánh sáng và bóng tối, êm dịu và cay đắng luôn luôn tổ hợp, đan kết lẫn nhau, như hai dũng sĩ lần lượt thay phiên nhau chiếm ưu thế. Theo Heraklit, mật ong vừa đắng vừa ngọt, và ngay cả thế giới cũng là một chiếc bánh chứa đầy một hỗn hợp cần phải được lắc động thường xuyên. Toàn thể biến dịch xuất sinh từ sự tranh chấp giữa các phản lập thể. Những phẩm tính hữu định mà ta thấy có vẻ trường tồn, chỉ diễn tả cái ưu thế nhất thời của một trong hai dũng sĩ, nhưng không chấm dứt được cuộc chiến. Cuộc chiến kéo dài đến miên viễn. Tất cả đều rập khuôn theo cuộc đấu tranh ấy, và chính ngay cuộc đấu tranh ấy biểu hiện cho sự công chính vĩnh cửu.

Ý tưởng xem cuộc đấu tranh như hành động liên tục của một công lý mạch lạc và nghiêm khốc, gắn liền với những cứu cánh vĩnh cửu, quả là một ý tưởng tuyệt vời, xuất phát từ tận suối nguồn thanh khiết nhất của chủ nghĩa Hy Lạp. Chỉ có một người Hy Lạp mới có khả năng lấy ý tưởng đó làm nền tảng cho một lý thuyết về vũ trụ điều hòa. Đấy là nữ thần Eris của Hesiode, được chế định thành nguyên lý của vũ trụ, đấy là tư tưởng của những người Hy Lạp và của đô thị Hy Lạp, tư tưởng của những thao trường và những giác lực trường ở cổ Hy Lạp, của cuộc đấu tranh với nhau giữa những đảng phái chính trị và những đô thị, nhưng được tổng quát hóa đến vô hạn, đến nỗi giờ đây những bánh xe của vũ trụ lại xoay vần trong nó.

Cũng y như mỗi người Hy Lạp đều chiến đấu như thể họ là duy nhất trong quyền lợi của họ và một quy phạm pháp lý chắc chắn vô cùng đã quy định ở mỗi giấy phút, chiến thắng sẽ nghiêng về phía nào, cũng thế, những phẩm tính chiến đấu với nhau, tuân theo những quy tắc và những định luật vô phương phá vỡ, nội tại trong cuộc chiến. Ngay chính tự thân những sự vật, mà trí thông tuệ hạn hẹp của con người và con vật tưởng là vững chải và thường hằng, cũng không còn hiện hữu thiết thực, chúng chỉ là một lằn chớp và tia lửa nhoáng của những lưỡi gươm vung lên, chúng là tia sáng của chiến thắng trong cuộc đấu chiến giữa những phẩm tính đối nghịch.

Cuộc đấu chiến làm thành đặc điểm riêng biệt của toàn bộ cuộc biến dịch, sự chọn lựa miên viễn để dành lấy chiến thắng ấy, cũng đã được Schopenhauer mô tả (trong Die Welt Als Wille und Vorstellung / Thế giới xét như Ý Lực và Biểu Tượng, tập I, quyển II, phân đoạn 27): “Vật chất trường tồn phải không ngừng thay đổi hình dạng, bởi vì những hiện tượng cơ học, vất lý, hóa học, hữu cơ – được tính nhân quả hướng đạo – khát khao tranh giành nhau để ngoi lên bình diện hàng đầu và xâu xé lẫn nhau cái vật chất mà mỗi một hiện tượng cần đến để biểu lộ ý tưởng của mình. Cuộc tranh chấp này có thể được nhìn thấy xuyên qua toàn bộ, nhiên giới chỉ là nhiên giới trong cuộc tranh chấp đó.”

Những trang tiếp theo đã minh giải tuyệt vời cuộc tranh chấp nọ, song giọng nói trong sự mô tả kia không phải là giọng nói của Heraklit, bởi vì đối với Schopenhauer, cuộc chiến đấu chỉ là một bằng chứng cho sự phân chia nội tại của ý lực muốn sống, trong sự phân chia đó, cái bản năng tối tăm và hỗn loạn nọ tự hủy hoại chính mình. Đấy là một hiện tượng cực kỳ khủng khiếp, tuyệt nhiên chẳng được tạo ra để làm cho chúng ta hạnh phúc. Hoạt trường và đối tượng cho cuộc đấu tranh ấy, chính là vật chất, trong đó có sức mạnh tự nhiên tranh giành lẫn nhau, cũng như không gian và thời gian, trong đó sự kết hợp của chúng nhờ vào nhân quả tính đã  tạo thành chính bản thân vật chất.

 

6.

Trong khi trí tưởng của Heraklit thám cứu vũ trụ bị lay động không ngừng, nghĩa là thám cứu “thực tại”, với cái nhìn của một khán giả say mê hoan hỷ nhìn thấy vô vàn những cặp đối nghịch chiến đấu trong những cuộc đưa tài hân hoan dưới sự giám thị của những vị trọng tài nghiêm khốc, thì một tiên cảm còn cao vời hơn nữa vồ chộp lấy ông: ông chẳng còn có thể khảo sát những cặp đang chiến đấu tách biệt với những phán quan. Dưới mắt ông, ngay cả những phán quan cũng tham dự vào cuộc đấu chiến và những chiến sĩ cũng tham gia và sự phán xét phân định.

Và vì lúc nào cũng chỉ nhận ra có một thứ công lý độc nhất và vĩnh cửu, Heraklit đi đến chỗ thốt lên: “Cuộc chiến đấu giữa vô lượng thực thể nọ chỉ là công lý thuần khiết! Vả lại, Nhất thể chính là Phức thể. Bởi vì đâu là thể tính tinh yếu của tất cả những phẩm tính kia? Có phải là những thần linh bất tử chăng? Có phải là những thực thể tách biệt, hành động riêng biệt cho mình, không khởi thủ cũng chẳng chung cùng? Và nếu cái thế giới mà chúng ta nhìn thấy chỉ nổi trôi trong dòng biến dịch cùng hủ diệt, mà không biết đến sự thường hằng, thì những phẩm tính nọ há chẳng sẽ cấu thành một thế giới siêu hình, thuộc chủng loại khác/ - Thật vậy, đó không phải cái thế giới sau tấm màn phấp phới của phức tính, mà là một thế giới của những phức tính đời đời và thiết yếu.

Dẫu rằng đã quyết liệt phủ nhận điều ấy, song do một sự quanh co ngoắt ngoéo, Heraklit há chẳng đã bị lạc lối lần nữa trong trật tự nhị nguyên của thế giới cấu thành bởi một ngọn Olympe bao gồm những thần linh cùng ác quỷ vô vàn và bất tử - nghĩa là bao hàm nhiều thực tại tính – với một thế giới của con người, thế giới chỉ trông thấy từ xa cái đám mây bụi vẩn lên do cuộc đấu chiến trên ngọn Olympe, cúng ánh chớp của những ngọn thương thần thánh – nghĩa là một biến dịch thuần túy và ngoài ra không là gì nữa cả?

Anaximander đã tin tưởng chính xác rằng mình thoát khỏi được những phẩm tính hữu hạn bằng cách trú ẩn vào giữa lòng Bất Định Thể siêu hình. Bởi vì những phẩm tính nọ khởi sinh và tan diệt, Anaximander đã khước từ sự hiện hữu chân thực và thiết yếu của chúng, nhưng há Anaximander chẳng thấy rằng biến dịch đã chỉ là cái làm hiển minh sự đấu chiến giữa những phẩm tính đời đời với nhau? Khi nói đến biến dịch, đấy há chẳng phải là quay trở về với sự yếu đuối đặc biệt của tri thức con người, trong khi, tự căn để vạn vật, có lẽ không có biến dịch, mà chỉ có sự hiện hữu đồng thời của nhiều thực tại chân thực – thoát khỏi cả sự biến dịch lẫn hoại diệt.

Đấy là những mưu mẹo thoát thân và những nẻo mòn quanh quẹo, không xứng với Heralit. Ông thét to lên lần nữa: “Nhất thể, chính là Phức thể”.

Vô lượng những phẩm tính khả giác ấy chẳng phải là những tính thể tinh yếu đời đời, cũng chẳng phải là những ảo ảnh của giác quan ta (Anaxagoras sẽ chấp thuận giả thiết đầu, Parmenides, giả thiết thứ nhì), chúng chẳng phải là thực thể cứng rắn và chắc tâm về mình, cũng chẳng phải là ngoại ảnh thoáng nhanh qua trí óc con người.

Giả thiết thứ ba, giả thiết độc nhất còn lại cho Heraklit thì chẳng một ai chỉ dùng duy có cái tài linh mẫn biện chứng của mình mà có thể tiên đoán hay tính toán trước được, bởi vì điều Heraklit đã phát minh ra ở đây, chính là một điều hãn hữu, ngay cả trong lãnh vực những ý tưởng thần bí khó tin nhất và những ẩn dụ bất ngờ nhất về vũ trụ. Thế giới là trò chơi của vương thần Zeus hay, nói theo dụng ngữ vật lý học, thế giới là trò chơi của Lửa với Lửa, Nhất thể đồng thời chỉ là Phức thể theo nghĩa này.

Trước hết, để giải thích sự du nhập Lửa quan niệm như sức mạnh sáng tạo của vũ trụ, tôi sẽ nhắc lại sự triển khai Anaximander đã đem lại cho học thuyết chủ trương rằng Nước là mẹ hóa sinh vạn vật của ông.

Dẫu rằng ở những điều căn yếu, Anaximander tin cậy vào Thales và củng cố cùng mở rộng những quan sát của triết gia này, Anaximander không thể tin rằng trước Nước và theo một lối nào đó, sau Nước lại có một mức độ nào khác của phẩm tính. Trái lại ông cho rằng sự ẩm ướt tự hóa sinh từ chính mình do sự tổ hợp giữa sự nóng và sự lạnh. Vậy, nóng và lạnh là những giai đoạn tiên khởi của Nước, những phẩm tính còn nguyên sơ hơn nữa. Chỉ khi nào chúng tách rời khỏi thực thể uyên nguyên, tách rời khỏi Bất Định Thể, khi đó mới bắt đầu dòng biến dịch. Heraklit, người nhìn nhận uy quyền của Anaximander trong vật lý học, đã giải thích cái lý thuyết về sự sống nói trên của ông này, để biến nó thành làn khí, hơi thở nồng ấm, những làn hơi khô, nói tắt là sức nóng dữ dội gay gắt do lửa hóa thân. Heraklit đã phát biểu về Lửa ấy bằng những lời như Thales và Anaximander đã nói về Nước: Nó lưu chuyển dưới vô vàn hình thức trên những nẻo đường biến dịch, nhất là trong ba trạng thái chính yếu là thể nóng, thể ẩm và thể rắn. Bởi vì Nước đi xuống thì thành Đất, và Nước đi lên thì thành Lửa.

Hoặc giả, như Heraklit dường như đã phát biểu mọt cách chính xác hơn: từ biển cả chỉ bốc lên những làn hơi thuần túy dùng làm dưỡng chất nuôi sống lửa trời của các vì sao, từ đất liền chỉ xông lên những làn hơi âm u và vân vụ, nuôi dưỡng sự ẩm ướt. Những làn hơi thuần khiết tạo thành sự chuyển tiếp giữa biển và lửa, những làn hơi ô nhiễm tạo thành sự chuyển tiếp giữa đất và nước. Như vậy, Lửa đi theo hai con đường hóa thân lên lên xuống xuống không ngừng, qua qua lại lại, song hành với nhau, từ Lửa sang Nước rồi Đất, rồi từ Đất sang Nước và từ Nước sang Lửa.

Trong khi Heraklit theo chân Anaximander trong những xác quyết quan trọng nhất, chẳng hạn khi ông bảo Lửa được duy trì bởi những sự bốc hơi hay Nước là nguồn gốc của hoặc là Đất hoặc là Lửa, thì Heraklit vẫn tỏ ra độc lập và phản đối lại thầy mình bằng cách loại trừ sự lạnh ra khỏi tiến trình vật lý, trong khi Anaximander lại xem sự lạnh như là đồng đẳng của sự nóng để từ mối nhất thống liên hiệp của cả hai, làm phát sinh sự ẩm ướt.

Đối với Heraklit, ta phải công nhận quyết định đó là một điều cần thiết: bởi lẽ, nếu tất cả chỉ là Lửa thì mặc dầu tất cả những sự hóa thân biến hình, chẳng thể có được cái gì mà lại không là đối nghịch thể tuyệt đối của lửa. Như vậy, Heraklit sẽ giải thích điều mà người ta gọi là sự lạnh như là một cấp độ của sự nóng; ông có thể biện chính dễ dàng cho lối giải thích ấy.

Song điều còn quan trọng hơn nhiều so với sự tách rời khỏi học thuyết Anaximander, chính là sự hòa hiệp xảy ra sau đó.

Cũng như Anaximander, Heraklit tin vào một chung cuộc của thế giới được lập đi lập lại có định kỳ, và tin vào sự lộ xuất luôn luôn mới mẻ của một thế giới khác, hóa sinh từ sự hủy diệt tiếp theo sau đại tai kiếp của vũ trụ. Điều làm ta cực kỳ kinh ngạc là Heraklit đã gọi cái thời kỳ trong đó thế giới tiến đến đại kiếp của vũ trụ, sẽ tan hóa nó thành Lửa tinh thuần, là thời kỳ của dục vọng và nhu cầu, là sự thiêu cháy toàn diện gây ra do Lửa, tượng trưng cho sự sung mãn tràn đầy. Chúng ta chỉ còn phải tự hỏi, làm thế nào Heraklit đã biết đến và gọi tên sự thức tỉnh của nhu cầu muốn sáng tạo nên thế giới, là sự tuôn trào của Độc nhất thể (das Sich-Ausgieben, l’Unique) trong những hình thể của đa tính (die Vielheit, la pluralité)?

Câu cách ngôn Hy Lạp cả quyết rằng “sự sung mãn tràn đầy sinh ra tội ác (hybris)[1] dường như có thể giúp ta. Và quả vậy nhất đáng ta có thể tự hỏi rằng không biết Heraklit đã có suy dẫn tự quay về với đa tính từ hybris ấy không. Nếu khảo sát nghiêm mặt tư tưởng ấy, ta sẽ thấy nó chiếu rọi một luồng ánh sáng làm khuôn mặt của Heraklit biến dạng hẳn. Tia sáng kiêu hãnh bắn ra từ đôi đồng tử của ông vụt tắt ngấm, một nếp nhăn hẳn sâu dấu vết của sự khước từ đớn đau và sự bất lực in đậm trên nét mặt ông. Chúng ta dường như hiểu được lý do vì sao Cổ Đại hậu thời đã gọi ông là triết nhân bi ai.

Tiến trình của vũ trụ há chẳng phải xuất hiện như hình phạt của hybris? Đa tính, như hiệu quả của một tội ác? Sự hóa thân từ thuần tịnh sang ô nhiễm, như hậu quả của sự bất công? Sự lỗi lầm há đã chẳng được thiết lập ngay giữa lòng vạn hữu? Và nếu thế giới của biến dịch và của những cá thể vì đó mà vơi bớt đi, thì há chẳng phải cùng lúc thế giới ấy lại bị buộc phải mãi mãi gánh chịu lại một lần nữa những hậu quả?

 

7.

Quả vậy, cái từ ngữ nguy hiểm đó, chữ hybris là viên đá thử vành dành cho mọi môn đồ của Heaklit. Đấy chính là chỗ để họ có thể chứng tỏ rằng họ hiểu đúng hay hiểu lầm bậc tôn sư. Thế giới này có đầy dẫy lỗi lầm, bất công, mâu thuẫn không?

Có, Heraklit thốt kêu lên khẳng nhận. Nhưng chỉ có đối với con người thiển cận, chỉ nhìn vạn vật tách biệt nhau, chứ không nhìn chúng trong toàn thể. Ngoài ra thì không, đối với vị thượng đế kiến lập. Đối với thượng đế ấy, tất cả những yếu tố phân tán đều giao hội trong một hòa điệu, hòa điệu này dĩ nhiên là vô hình đối với con mắt phàm nhân, nhưng lại mang tính chất khả tri đối với kẻ, tương tự Heraklit, giống với vị thượng đế đang chiêm ngưỡng. Cái nhìn cháy lửa của ông chẳng để tồn tại một giọt nhỏ bất công nào trong cái thế giới dân bày xung quanh. Và ngay cả mỗi khó khăn chính yếu nhằm giải thích làm thế nào ngọn lửa tinh thần lại có thể mặc lấy những hình thức ô nhiễm bất tịnh đến như thế, ông cũng giải quyết bằng mọi sự so sánh cao vời.

Ở trần thế này, duy chỉ có trò chơi của nghệ sĩ và trò chơi của trẻ con mới có thể tăng trưởng và tàn hoại, kiến tạo và phá hủy với sự ngây thơ. Và như thế đó, giống như nhà nghệ sĩ và trẻ thơ, đùa bỡn ngọn lửa đời đời năng động, kiến tạo và phá hủy với sự ngây thơ. Và trò chơi ấy, chính Eon tự chơi đùa với mình.

Tự chuyển hóa thành đất và thành nước, như một đứa trẻ, hắn chất tụ các đống cát trên bờ bể; dựng cao lên rồi phá hủy đi, rồi chốc chốc, hắn lại tái diễn trò chơi. Một giây phút thỏa lòng, rồi thì nhu cầu lại vồ chụp lòng hắn, giống như nhu cầu thúc đẩy nhà nghệ sĩ phải sáng tạo. Đấy không phải là một lòng kiêu hãnh phạm tội, đấy chính là bản năng chơi đùa không ngớt được khêu động dậy, kêu gọi ra ánh sáng những thế giới mới. Đôi khi đứa trẻ ném vất đồ chơi, rồi chẳng mấy chốc chúng lại nhặt lên, do một tính khí vô thường đầy ngây thơ. Nhưng ngay khi xây dựng, nó kết liên, tập hợp và khuôn đúc những hình thể theo một định luật và căn cứ vào một sự phối kết chặt chẽ nội tại.

Muốn nhìn được thế giới như thế, phải là nhà thẩm mỹ và phải là người đã quan sát nơi nhà nghệ sĩ và trong sự khởi nguyên của nghệ phẩm, cái cách thách phải làm thế nào mà sự tranh chấp của phức thể tính lại có thể mang chứa trong tự thân một định luật và một luật tắc, làm thế nào mà nhà nghệ sĩ tự đặt mình cao vượt ở bên trên tác phẩm của y khi y trầm tưởng, nhưng lại ở trong tác phẩm khi y làm việc, làm thế nào mà tính tất yếu và trò chơi, sự tranh chấp và hòa điệu, lại nhất thiết hôn phối với nhau để sản sinh ra tác phẩm nghệ thuật.

Vậy thì, ai là kẻ kêu đòi một triết học như thế phải ban cho chúng ta một đạo đức học với cái mệnh lệnh không thể thiếu được của nó? Ai là kẻ trách cứ Heraklit về khuyết điểm này? Trong từng sợi tế bào, con người chỉ là tất yếu tính. Con người tuyệt đối “không tự do”, nếu ta hiểu tự do là cái cao vọng điên rồ cho rằng có thể thay đổi hiện thể tùy theo ý muốn như kiểu thay đổi quần áo, cái cao vọng mà mãi mãi cho đến ngày nay, mọi triết gia xứng với tên gọi đều xa lánh với đủ điều chế giễu.

Nếu con số những người sống một cách có ý thức trong logos thế nào để thỏa mãn con mắt nhà Nghệ sĩ – một con người thấu suốt tất cả - quá đỗi ít ỏi, thì chính là vì tâm hồn họ ẩm ướt và đôi mắt cũng như đôi tai của con người, và nhất là trí khôn của con người, là những chứng nhân tệ lậu khi “bùn nhơ ẩm ướt tràn ngập linh hồn họ”

Tại sao sự thể lại như thế? Đấy là câu hỏi mà người ta không tự đặt ra, cũng như người ta đã không hỏi tại sao lại trở thành đất và nước. Quả thế, Heraklit chẳng có lý do nào để cảm nghiệm (như Leibniz) rằng thế giới này là thế giới toàn hảo nhất trong tất cả, thế giới này là trò chơi vô tội của Eon – đối với ông, thế là quá đủ.

Ông còn quan niệm con người nói chung như là một thực thể bất thuận lý. Điều này không ngăn trở sự kiện là, định luật của Lý Tính tối thượng được thành tựu trong toàn bộ thực thể đó. Con người chả có một vị trí đặc biệt ưu việt nào trong nhiên giới, mà hình thức thượng đẳng là Lửa, chẳng hạn Lửa trong các tinh tú, nhưng hề là trong con người ngu độn xuẩn ngốc. Nếu con người có tham dự trong chừng mực nào đó vào lửa, dưới ảnh hưởng của tất yếu tính, thì con người hơi có lý tính hơn một tí; nếu nó chỉ gồm toàn nước và đất, thì nó chẳng có chút lý tính nào. Do sự kiện nó là con người, chẳng có gì cưỡng bách nó phải nhận biết logos.

Nhưng, tại sao lại có Nước, tại sao lại có Đất? Đối với Heraklit, đấy là một vấn đề còn nghiêm trọng hơn vấn đề tự hỏi rằng tại sao con người lại quá đỗi ngu ngốc và dữ tợn đến thế. Nơi con người thượng đẳng cũng như nơi con người xuẩn ngốc nhất, ta thấy hiển lộ cùng một sự trùng hợp với luật lệ, cùng một sự công chính. Song nếu ta muốn đặt ra cho Heraklit vấn đề này: Tại sao Lửa lại chẳng vĩnh viễn là Lửa, tại sao khi thì nó là Nước, khi thì nó là Đất? – Thì Heraklit sẽ trả lời đơn giản: “Đấy là một trò chơi, các anh đừng xem nó là bi thảm và nhất là đừng biến nó thành một vấn đề đức lý!”

Heraklit chỉ miêu tả thế giới đang hiện hữu và ông đem đặt vào trong thế giới đó sự thỏa ý chiêm ngưỡng tức là sự thỏa ý chiêm ngưỡng của nhà nghệ sĩ đứng trước tác phẩm đang biến dịch của mình. Những kẻ nào không chịu thỏa mãn với sự miêu tả về con người của ông là những kẻ độc nhất thấy ông là người buồn sầu, u uất, bi ai, tăm tối, cay đắng, phiền muộn, bi quan, và nói chung là khả ố. Nhưng mà, những kẻ đó, cùng với những ố cảm và thiện cảm, nỗi thù hận và lòng yêu thương của họ, chẳng làm ông động tâm. Và có lẽ ông sẽ trình cho họ thấy một vài chân lý kiểu này: “Chó sủa khách lạ” hoặc “Lửa thích rơm hơn là vàng”.

Cũng chính những kẻ bất mãn đó là những người than vãn về tính chất tối tăm của văn thể Heraklit. Có lẽ chưa bao giờ lại có một người nào viết bằng một lối văn sáng sủa và phát quang rực rỡ hơn thế. Đấy là một văn pháp vắn gọn, quả thế, do đó hóa ra tối tăm đối với những độc giả quá vội vàng.

Nhưng, vì lý do gì mà một triết gia lại cố ý viết thành tối tăm khó hiểu, như người ta đã trách cứ Heraklit, thì đấy là điều chẳng ai có thể giải thích được; trừ phi triết gia đó có những lý do để che dấu những tư tưởng của mình hay ông quá tinh ranh để che đậy sự trống rỗng của tư tưởng mình dưới những lời những chữ. Nếu như, theo lời Schopenhauer, ngay cả trong những trường hợp thông dụng của cuộc đời thực tiễn, ta phải dùng sự chính xác để tránh những ngộ nhận có thể xảy ra, thì làm thế nào người ta lại có thể tự diễn tả theo lối bất xác, lắm lúc còn bí ẩn nữa, khi vấn đề liên quan đến đối tượng khó khăn nhất, trừu tượng nhất, khó khả đạt cho tư tưởng nhất, vấn đề mà chính là sứ mệnh của triết lý?

Về chuyện vắn gọn, Jean-Paul có đưa ra một lời khuyên giá trị: “Nói tóm lại thì tất cả những gì là cao đại hoằng viễn, tất cả những gì mang nhiều ý nghĩa đối với một số hiếm hoi nhưng tinh thần, thì nên được diễn tả bằng những hạn từ vắn tắt, do đó tối tăm, cốt ý để cho tinh thần phàm phu tục tử có khuynh hướng xem nó là vô nghĩa, hơn là cố tìm cách diễn dịch nó ra trong cái vẻ vô vị đặc biệt của nó. Bởi lẽ những tinh thần phàm tục thường có một sự khéo léo đáng tởm là chỉ nhìn thấy trong cái lời lẽ sâu thẳm và phong phú nhất, chỉ duy có sự tầm thường của ý kiến họ.”

Vả lại, Heraklit cũng đã không thoát khỏi tay bọn có tinh thần phàm phu. Những triết gia khắc kỷ đã giải thích và đánh bẹp Heraklit xuống bằng cách hạ thấp cái quan niệm thẩm mỹ sâu sắc của ông về trò đùa của vũ trụ, để chỉ còn nuôi giữ sự cẩn trọng đối với bộ máy vũ trụ, và nhất là, cố nhiên, đối với những ích dụng của con người. Đến đỗi trong đầu óc bọn họ, khoa vật lý học của ông đã biến thành một chủ nghĩa lạc quan thô bạo không ngừng truyền lệnh cho Phêrô và Phaolồ “Plaudite amici!”

 

8.

Heraklit mang đầy lòng cao ngạo, và khi một triết gia có lòng cao ngạo, thì đó là một lòng cao ngạo ngất trời. Ông không hề tìm cách tác động trên “một đám công chúng” nào, không hề muốn thu đạt được sự tán thưởng của những đám đông hay bản đồng ca phấn khích nhiệt tình của những người đương thời. Ông ấn định cho triết gia phải bước đi trên một con đường cô đơn. Thiên năng của ông thật quá hiếm hoi và ít mang chất tự nhiên nhất. Theo một nghĩa, nó loại trừ và hăm dọa tát cả những thiên năng khác. Bức tường biểu trưng cho sự độc  lập tinh thần của ông phải làm bằng kim cương kiên cố mới không bị phá hủy hay đập vỡ, vì tất cả đều được động viên chống lại ông. Cuộc hành trình của Heraklit hướng về bất tử tính, gian truân và nhiều chướng ngại hơn tất cả mọi cuộc hành trình khác. Tuy thế, chẳng ai vững tâm kiến quyết hơn triết gia để đạt đến mục tiêu của mình như thế, vì triết gia chỉ có thể trên những đôi cánh lớn mở rộng của các thời đại. Sự khinh bỉ phút hiện tại và cái thoáng qua là thành phần của tính khí triết lý cao vời. Nó sở đắc chân lý; bánh xe thời gian chỉ hoài công xoay vần, bánh xe ấy chẳng thoát được ra khỏi chân lý.

Chúng ta rất cần nên biết rằng, xưa kia, đã từng có những con người như thế sống trên mặt đất này. Người ta tuyệt đối chẳng bao giờ tưởng tượng ra nổi, dầu tưởng tượng tột cùng, một lòng cao ngạo như lòng cao ngạo của Heraklit. Dường như mọi cố gắng hướng về tri thức, do bản chất của chùng, đều bị lên án là sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn hay thỏa đáng. Cũng thế, chẳng có ai – trừ phi đã có biết rồi nhờ lịch sử - lại có thể tin vào một lòng cao ngạo vương giả như thế được, tin vào niềm thâm tín xác quyết rằng mình là tình nhân độc nhất được biệt ân của chân lý. Những con người như thế sinh sống ở bên trong thái dương hệ riêng biệt của họ, và đấy là chỗ ta phải tìm kiếm họ. Một Pythagoras, một Empedokles tự chứng bày với chính bản thân họ một niềm sùng kính siêu nhân, một nỗi sợ hãi gần như mang màu sắc tôn giáo, song mối dây liên kết của lòng bi mẫn, phát sinh từ đức tin của họ vào sự luân hồi và tính nhất như của mọi sinh vật, nghiêng lòng họ về với những người khác mà họ muốn chữa trị và cứu độ.

Tuy nhiên, chỉ trong những ngọn núi hoang dại và cô liêu nhất mà người ta mới có thể tiên đoán được, với cơn rùng mình khiếp hãi, cái cảm thức cô đơn đã thấm nhập vào con người phi thời dại thành Ephée của đền Artémis. Từ ông, chẳng hề tỏa rạng cảm xúc toàn năng của những đà phấn khích xuất phát từ lòng lân mẫn, cũng như nhu cầu giúp đỡ, chữa trị và cứu độ. Ông là một tinh cầu không khí quyển. Cái nhìn của ông nóng bỏng, xoáy sâu vào nội tâm, chỉ lóe sáng bên ngoài một tia sáng buồn rầu băng giá, như thể nó chỉ là ngoại ảnh. Chung quanh ông, trùng trùng những sóng điên cuồng và bệnh hoạn, xô đập vào chân pháo đài kiên cố của ông; ông vẫn khinh miệt quay mặt đi. Ngay cả những kẻ có trái tim nhạy cảm cũng lẫn tránh cái bóng ma dường như được đúc ra từ thép lạnh đó. Trong một đền điện xa biệt, giữa những thánh thượng, bao quanh bằng một kiến trúc lạnh lẽo, bình tịnh và cao nhã thanh thoát, thì một con người như thế mới có vẻ dễ hiểu hơn. Còn Heraklit, một người giữa loài người, mang một vẻ gì khó thể tin được. Và nếu quả thật thiên hạ đã có lần thấy ông đăm đăm nhìn vào những đôi mắt nhiệt đáo của đám trẻ thơ, thì đấy chính là vì trong khi nhìn chúng, Heraklit suy tư điều mà chẳng một ai suy tư đến ở vào cùng trường hợp ấy: ông suy tư đến Trò chơi của Đứa Con Thơ vĩ đại của vũ trụ, của Vương thần Zeus.

Heraklit chẳng bận tâm đến con người. Ngay cả trong lãnh vực trí thức, mọi kiến thức mà người ta có thể sở đắc được nhờ tuy vấn họ và mọi kiến thức mà những nhà hiền triết khác cố gắng rút ra từ ông, đối với ông đều chẳng có nghĩa gì. Ông đề cập đến những con người tra vấn, suy tập, tắt một lời là những “sử gia” đó với giọng điệu khinh bỉ.

“Chính tự thân tôi là cái mà tôi truy tầm và nỗ lực để giải thích”, ông tự nói về mình như thế, bằng cách dùng chữ giải thích theo nghĩa là sự giải thích một lời sấm ký, làm như thế chỉ có ông – và không ai khác ngoài ông – là người đã được chỉ định nhiệm vụ phải thực hiện và thành tựu câu châm ngôn ở đền Delphes: “hãy tự biết mình”

Nhưng điều mà ông đọc giải được trong lời sấm ký ấy, ông xem nó như là một trí huệ bất tử, xứng đáng được bình nghị mãi mãi, hứa hẹn cho một hành động vô biên trong thời gian, như những lời phán truyền tiên tri của Vu Nữ. Đó là thứ trí huệ hiền minh sẽ thỏa đáp cho nhân loại xa vời nhất, miễn là nó nhất tâm giải thích như biết bao ấm ký khác, cái mà – giống như vị thần đền Delphes – ông đã “chẳng tỏ bày mà cũng chẳng ẩn nặc.” Dầu rằn gông tuyên bố nó ra dưới hình thức “không nụ cười, không trang sức, và không hương thơm” và như thể “từ một chiếc miệng sùi bọt”, trí huệ hiền minh ấy nấht thiết phải được lưu truyền đến hàng ngàn niên kỷ trong tương lai.

Bởi vì thế giới vẫn đời đời cần đến chân lý, cho nên nó đời đời cần đến Heraklilt, dẫu rằng Heraklit chẳng cần đến thế giới bao giờ. Vinh quang của ông, nào có nghĩa gì với ông? Đấy chỉ là vinh quang nơi “những sinh thể tử vong cứ triền miên trôi chảy mãi” như ông đã có lần thốt lên với nụ cười nhạo báng chua chát. Vinh quang của ông chỉ quan trọng đối với loài người, chứ không quan trọng đối với bản thân ông. Bất tử tính của loài người cần đến ông, ông không cần đến bất tử tính của con người Heraklit. Điều mà Heraklit nhất tâm chiêm ngưỡng, tức sự hiện diện của luật tắc trong dòng biến hành và của trò chơi trong tính tất yếu, từ đây sẽ được chiêm ngưỡng đời đời, chính ông là người đã vén mở bức màn che cảnh tượng tuyệt vời cao nhã đó.

(xem tiếp phần 4)

 


Nguồn: Nietzsche. Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch. Trần Xuân Kiêm dịch. Sài Gòn: Nxb. Tân An, 1975. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện


 

[1] Nietzsche dịch chữ Hy Lạp hybris ra Đức ngữ là Frevel, tội ác.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt