PHÉDON – MỤC LỤC
VẤN ĐỀ LỊCH-SỬ TRONG CUỐN “PHÉDON”
TRỊNH XUÂN NGẠN
Platon. Phédon hay Khảo về linh hồn theo thể luân lý. Trịnh Xuân Ngạn dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.
Cuốn “Phédon”, như ta thấy, không phải cuộc đối thoại trực tiếp như là cuốn “Gorgias” hay là cuốn “Ménon”. Cuốn “Phedon” là một câu chuyện thuật lại cuộc đàm thoại cuối cùng của Socrate với các tín đồ của ông (1) ngày mà ông uống độc cần tự tử; câu chuyện này được lồng vào trong một cuộc đối thoại.
Người thuật chuyện là Phédon ở Elis, một tín đồ của Socrate; Phédon đã kể lại cho Echécrate ở Phlionte, đương nóng lòng muốn biết rõ, nghe trong những trường hợp nào Socrate đã chết và những lời lẽ ông đã nói trước khi từ trần. Tại sao Echécrate lại tò mò muốn biết như vậy? Echécrate không thuộc môn phái của Socrate; y thuộc môn phái Pythagore và y cùng với ba người dân khác của xứ Phlionte là một trong năm phần tử mà nhà nhạc sĩ Aristoxène ở Tarente đã có quen biết(2). Nhưng mà nếu ta không để ý đến địa vị mà cuốn đối thoại thư đã dành cho Simmias và Cébès thì nhiều chi tiết trong cuốn đối thoại thư khiến cho ta tin tưởng rằng giữa môn phái Pythagore ở Hi Lạp và môn phái Socrate có những sự giao thiệp thường xuyên. Mặt khác, tuy rằng Socrate đã chết cách đó từ lâu, Platon cho rằng việc này mới xảy ra khiến cho Echécrate còn phải bận tâm và Phedon còn nhớ rõ rệt mọi chi tiết. Cuốn đối thoại thư đã khiến cho tên tuổi Phedon được quảng bá. Nhưng về thân thế và học thuyết của y, ta không biết rõ cũng như là ta không biết rõ chút gì về Echécrate. Do đâu mà có truyền thuyết rằng Phê-don vốn thuộc một vọng tộc ở Elis đã bị bắt làm tù binh và được đưa đến thành Athènes? Và ở đó, Socrate đã lưu ý tới sự thông minh của y, rồi Socrate đã năn nỉ một bạn hữu của ông, người ta thường nói là Cébès, bỏ tiền ra chuộc y? Thực ra thì vào các năm 401-400, vùng ngoại ô thành Elis bị quân của Sparte, lúc ấy là đồng minh của Athènes tàn phá. Nhưng sự kiện này có liên quan gì tới truyền thuyết kể trên? Đó có lẽ chỉ là một câu chuyện tiểu thuyết ở bên lề cuốn “Phédon” Theo những luận cứ của cuốn đối thoại thư, khó mà xác định được dung mạo của Phédon. Cố nhiên là một khi thấy y ngồi gần giường của Socrate và thấy Socrate vuốt ve những vòng tóc dài của y, người ta có thể cho y là một môn đồ được vị tôn sư đặc biệt yêu mến. Cuốn “Phédon” thực là một bức họa tao nhã, không nhạt nhẽo, các lời đối đáp mạnh mẽ, nhưng vui vẻ, khiến cho sự cảm súc giảm bớt nhiều. Nhưng mà người học trò yêu quí ấy có phải là một thanh niên hay không? Người ta thường cho là như vậy, vì lý do ở Athènes, các người thanh niên thường để tóc dài. Như thế, cớ sao Socrate lại thường hay chế nhạo Phé-don về lối để tóc của y, lối đề tóc này là của những người trẻ tuổi và phù hợp với tuổi trẻ của y? Trái lại, có lẽ đúng với sự thực, Socrate thường trách mắng Phédon là vẫn giữ tại Athènes một tập tục của xứ sở y, tập tục không phù hợp với những người đã đứng tuổi. Hơn nữa, hình như giả thuyết sau không thể có được là Platon đã muốn gán một bề ngoài chỉ có vẻ dễ thương cho một người mà ông đã chọn để kể lại một cuộc đối thoại trong đó, xung quanh Socrate đường hấp hối, người ta đã bàn cãi về những vấn đề liên quan đến cách xử sự ở đời và số mệnh con người. Như vậy Echécrate có thể tin rằng những lời mà Phédon, người đã chứng kiến các sự vật ấy nhưng còn trẻ tuổi quả –, kẻ lại có phải là đúng không, Phédon mà tuổi niên thiếu đã khiến cho y không thể đạt tới những mức cao siêu ấy hoặc không thể theo dõi một cuộc tranh luận tế nhị như là cuộc tranh luận ấy? Mặt khác, không căn cứ vào những lời chỉ dẫn của Platon mà giả thiết rằng vào năm 399 Phédon còn trẻ tuổi lắm, thì phải giả thiết rằng Phédon đã thiết lập môn phái của y tại Elis sau khi Socrate chết đã lâu rồi. Phédon đã giảng dạy học thuyết gì? Có lẽ y đã giảng dạy một học thuyết gần giống như học thuyết của môn phái Mégare căn cứ vào sự xử dụng biện chứng pháp một cách vô chừng mực: trong cuốn “Silles”, Timon, nhà triết gia hoài nghi, đã ví Phédon với Euclide, người này thì lắm điều, kẻ kia thì cãi cọ. Ai ai cũng biết những mối liên hệ giữa học phái Erétrie, do Ménédème và Asclépiade ở Phlionte thiết lập nên, với học phái Elis và học phái Mégare(3). Trong số năm bài biện luận về học thuyết của Socrate mà người ta thường gán cho Phédon, chỉ có hai bài là xác thực: “bài Zopyre” bàn về nhân tượng học mà người ta lưu truyền là đượm màu học thuyết của Socrate; bài “Simon” mà nhân vật chính là Simon, người thợ đóng giầy, Simon mà người ta thường cho là môn đồ của Socrate, Simon mà lời lẽ do người ta gán cho y thực ra cũng đã được gán cho Eschine. Aulu Gelle có nói tới lối hành văn tao- nhã nhưng kiều cách của Phédon: theo đoạn văn do Sénèque còn giữ lại được thì hình như thuyết của Aulu Gelle là đúng. Tóm lại, về thân thể của Phédon thì những điều mà người ta được biết còn rất bấp-bênh, mờ-mịt. Bây giờ nên đề cập đến cuộc đối thoại đã được thuật lại trong cuốn “Phédon”. Bối cảnh là nhà ngục trong đó tội nhân Socrate, phải tuân theo lệnh của các thẩm phán, uống độc cần tự tử trước khi mặt trời lặn(4). Trong số các nhân vật được kể lại như là có mặt ở đó, chỉ có năm người là tham dự cuộc đàm thoại: Criton, Phédon, Simmias, Cèbès và sau hết là nhân vật mà Phédon không nhớ rõ tên. Vài nhân vật khác đã phát biểu ý kiến trước khi có cuộc đối thoại, hoặc ý kiến của họ chỉ có tính cách phụ thuộc: người gác cổng Xan- thippe hay là kẻ thủ hạ của mười một vị phán quan(5) và người tùy tùng của y. Platon còn thêm vào đó một số người vắng mặt: đó là những môn đồ mà Echécrate chờ đợi sẽ có mặt bên cạnh vị tôn sư trong một ngày như vậy theo như sự hiểu biết của Echécrate về giới thân cận của Socrate. Trong số các môn đồ của Socrate ta cũng nên phân biệt, cũng như là Platon đã phân biệt, các người dân thành Athènes và các ngoại kiều, các người thường hay thăm viếng Socrate và các người chỉ gặp Socrate một cách bất thường mỗi khi họ tới Athènes, nhưng cũng tự nhận là thuộc môn phái của Socrate. Sau hết, về phần các người kề sau này hình như Platon có cho ta biết là ông đã ghi rõ tất cả các người đáng kể; trái lại, về phần các người dân thành Athènes, ông cho biết là ông không kể hết; và thực tế, trong cuốn “Apologie” còn có tên những người khác nữa(6) (1). Vậy thì có những môn đồ nào ta cần phải giải thích sự vắng mặt hôm ấy? Trong số các người ở thành Athènes phải kể Platon, trong số các ngoại kiều phải kể Aristippe và Cléombrote. Người thứ nhất, theo Phédon, hôm đó, bị bệnh. Phédon có nói thêm “tôi tưởng như thế” một cách rất tự nhiên: lời nói ấy không phải là có dụng ý đổ lỗi cho người khác đã thuật chuyện lại một cách không xác thực, trái lại là để xác định sự kiện vừa nêu lên ở trên. Platon đau ốm vì buồn rầu hay sao? Mọi sự phỏng đoán về lý do tại sao Platon bị bệnh đều vô ích, vả lại điều đó thực phi lý: nếu cho rằng Platon bị bệnh thì phải ngạc nhiên khi thấy Platon bản luận, phân tách một cách rất tinh tế và mạnh mẽ về sự đau đớn, nhưng luôn luôn bình tĩnh, của các người có mặt khi Socrate hấp hối. Còn Aristippe ở Cyrène và Cléombrote ở Ambracie hai người này, theo như lời người ta kể lại, lúc đó ở tại Egine. Egine thì lại là nơi vui chơi, đầy rẫy khoái lạc và Aristippe lại là người ca ngợi sự khoái lạc: như thể cũng đủ để giả thiết rằng hai người ấy không muốn hy sinh sự vui thích của họ và dự kiến một cảnh tượng đau lòng! Trách cứ Aristippe và Cléombrote như trên thực là vụng về; dưới con mắt của Platon thì sự vắng mặt của hai người cũng như sự vắng mặt của ông không có gì đáng chê trách. Điều đáng chú ý là Platon đã kể Aristippe như là một tin đồ chân chính của Socrate. Và lại, thái độ của Socrate trong cuốn “Banquet” không khác xa thái độ của nhà hiền triết ở Cyrène mấy! Theo Aristippe, thì lý tưởng của người đời phải chăng là khiến cho thân ta được độc lập đối với các sự vật, khiến cho ta kiềm chế được các sự vật bằng tư tưởng của ta, khiến cho ta có thề lượm lặt được ở các sự vật cái tinh hoa của sự khoái lạc, khiến cho ta tìm kiếm cái tinh hoa ấy ở giữa khoảng ngăn cách sự vô tình hoàn toàn và các tình dục cuồng nhiệt, các sự kiện sau này lúc nào cũng khiến cho ta đau khổ? Sự bình tĩnh của Socrate trước cái chết và sự hoan hỉ của ông trước sự giải thoát sắp tới rất là phù-hợp với lý-tưởng của Aristippe. Như vậy, vì những lý do thực tế, hai môn đồ có tiếng của Socrate không tham dự vào cuộc đàm thoại. Trái lại, còn hai môn đồ có tiếng khác: ấy là Antisthène, người thiết-lập nên học phái khuyển-nho và Euclide thuộc về học phái kinh-viện ở Megare. Platon chỉ kể tên hai người, mà không cho họ tham dự cuộc đàm thoại đầy rẫy triết lý khiến cho ta phải ngạc nhiên về sự im hơi lặng tiếng của họ. Tại sao Platon có thành kiến như thế? Có lẽ vì tại hai người là người đồng thời với ông mà lề lối từ chương lúc đó không cho phép Platon gán cho những người đồng thời những lời lẽ mà họ không có nổi vào lúc có cuộc đàm thoại, hay họ không nói nữa khi Platon viết cuốn “Phedon”. Như vậy người ta có thể cho rằng cuốn “Phedon” không phải là một câu chuyện có tính cách lịch-sử, mà chỉ là câu chuyện giả tưởng mà thôi hay không? Sự ức đoán này sẽ được xác nhận nếu ta xem xét lại các người cùng với Socrate là những nhân vật chính chủ động trong cuộc đối thoại, nhất là về phần triết lý mà họ trình bày: Simmias, Cèbès và sau hết là kẻ lạ mặt bí mật có vẻ một nhân-vật của các môn phái Héra-clite hay Protagoras mà lời lẽ đượm màu học thuyết của Aristippe và lời biện bác thẳng vào vấn đề đã hướng dẫn phần quyết định của cuộc đối thoại. Hai người kể trên nhất là người thứ hai, cũng có một vai trò không kém phần quan trọng, hai người đó đối với ta thực là khó hiểu. Vấn đề không phải là nghi ngờ về sự hai người này có thực hay là không có, nhưng mà điều chắc-chắn là người xưa cũng không biết rõ về họ hơn là ta: người xưa chỉ biết về họ qua những cuốn “ Phédon” và “Criton”. Theo cuốn “Phédon” thì vào hồi Socrate chết, họ còn trẻ tuổi; họ thuộc về những gia đình giàu có và họ sẵn sàng bỏ tiền ra để giúp Criton thực hiện kế hoạch cho Socrate vượt ngục; họ có đi nghe Philolaüs, thuộc môn phái Pythagore, nói chuyện trong thời-gian Philolaüs qua chơi Thèbes; Simmias thì là người ở Thèbes, Cébès là người xứ Beelie nếu ta căn cứ vào lối biện-chứng của Simmias và lời lẽ của y khi nói tới việc Philolaüs qua thăm Thèbes trước khi trở về Ý-Đại-Lợi. Một lần khác, Platon có nói về Simmias; trong cuốn “Phèdre” có ghi rằng trong số các người Hi Lạp đồng thời với ông, Socrate chỉ thấy có Phèdre là có tài soạn thảo những diễn văn, ngoại trừ Simmias dân thành Thèbes. Nhưng hiển-nhiên là Platon đã ám chỉ cuốn “Phédon”, vì chính Simmias đã đề xưởng ra tất cả cuộc tranh luận khi y yêu-cầu Socrate giải thích các vấn đề. Như vậy không có yếu-tố nào mới lạ. Ngoài ra, ta không còn tài liệu nào khác nữa. Xénophon, trong các sách do ông viết, chỉ nhắc lại những lời lẽ của Platon và nói rõ rằng Cébès cũng như Simmias là dân thành Thèbes(7). Bức thư thứ bảy của Platon(8) gọi Simmias là người dân thành Thèbes, nhưng mặc dầu bức thư này có tính cách xác thực, chưa chắc những lời lẽ trong thư đã xác thực và rất có thể đó là những lời chú-thích. Diogène Laërce khi nói rằng Cébès là dân thành Thèbes có lẽ cũng chỉ giải thích cuốn “Phédon”. Chính vì lẽ người ta không biết gì về Simmias và Cebès, đã có những người giả mạo khôn khéo muốn đổi tên họ mà viết lách. Diogène thì cho là cuốn “Tableau de Cébès” vừa có khuynh-hướng khắc kỷ vừa có khuynh-hướng khuyển-nho, viết hồi cơ-đốc kỷ nguyên, đã do Cébès soạn thảo. Vì thế khiến cho người ta hoài nghi về hai mươi ba bản đối-thoại mà Diogène đã gán cho Simmias. Ngay cả đến lý thuyết của họ đượm màu học thuyết của Pythagore ở trong cuốn “Phedon”, cũng đáng nghi ngờ. Có lẽ học thuyết linh hồn điều hòa, do Simmias trình bày, liên quan với các lý-thuyết về âm nhạc và về y-học của Philolaüs; có lẽ người ta không để ý tới sự kiện Echécrate nhớ lại rằng trước kia đã tán đồng thuyết này, dầu sao ta lại thấy thuyết ấy tồn-tại nguyên-vẹn nơi Aristoxène và Dicéarque, hai người sau này lớp đầu học phái tiêu-dao, phát nguyên từ học-phái Pythagore. Nhưng tại sao Aris-tote đã trình bày và bàn cãi thuyết nói trên, mà không hề đề cập tới các người thuộc học phái Pythagore ; trái lại, ông lại gán cho họ những lý thuyết khác hẳn? Và nhất là tại sao Cébès cũng là thính giả của Philolaüs, lại có một học-thuyết về linh hồn khác với học-thuyết của Simmias? Ngay đối với chính Socrate, vấn đề tính-cách lịch sử của cuốn “Phédon” cũng khó giải-quyết. Thực thế, về phần Socrate, không thiếu gì yếu-tố để có thể so sánh; ta có thể tìm kiếm những điểm đó ở ngoài hay ở trong các tác-phẩm của Platon. Nhưng mà người ta có tiêu chuẩn nào để quyết-định rằng Socrate nào là đúng với lịch sử nhất, Socrate ở trong cuốn “Apologie” hay Socrate trong cuốn “Parménide “ và “Philèbe”, Socrate mà Aristophane đã nhạo báng coi như là một ngụy biện gia nguy hiểm nhất, hay Socrate mà Xénophon và Platon ca tụng? Dùng phương pháp so-sánh chỉ thâu được những kết quả không chắc chắn và độc đoán. Phải cần xem xét ngay chính cuốn đối thoại thư. Trước hết có một điều mà khó thể chối cãi được: Socrate trong cuốn “Phédon” có một nghệ thuật suy nghĩ và ăn nói nhất định, một nghệ thuật có phương pháp; tất cả cuộc đàm thoại hình như chỉ để thể hiện tu-từ-pháp triết lý được coi như là cách để tiến tới sự chứng-minh. Từ bài biện-hộ viện-dẫn những lý do và cố sức đề làm cho các lý do ấy khiến người nghe phải tín phục, người ta đã tiến lên tới những lời khuyến cáo tức là những lời thuyết-minh hợp lý, những lời này, như lời mọi người thường nói lúc đó, là một sự thuyết phục, sau hết, người ta đạt tới những suy luận xác-đáng, chặt chẽ như là những chứng-minh toán học mà lại còn có giá-trị hơn những luận chứng này; chỉ có những lý luận kể trên mới có thể xác nhận lần sau cùng nếu cần những phương thức biện luận trước: các qui luật của phương-pháp thượng đẳng này cũng được xác định với một kỹ thuật chặt chẽ mà ta cần phải nêu rõ. Trong bài trần thuật và nhất là trong bài bàn về “tính ghét nghị luận”, tác giả đã đưa tất cả kỹ-thuật ấy ra chống đối một cách cực kỳ mạnh mẽ với những sự tự phụ vô nghĩa của những đối phương không hiểu thế nào là sự nghiêm khắc, thể nào là sự thật(9). Hay người ta sẽ nói rằng chính kỹ thuật này đã bị Aristophane chỉ trích, khi trong cuốn “Nuées”, ông tả Socrate như là một thầy cung, một thầy co, một người “làm những hài-kịch,” khi ông Socrate chỉ là một người lắm điều, lắm nhời khả ố; người ta sẽ nói rằng chính kỹ thuật kể trên đã bị Xénophon công kích, khi ông thuật lại việc ở “Tam thập nghị sĩ”(10) cấm không cho Socrate giảng dạy nghệ thuật ăn nói. Phải, ta hãy cho là Socrate có giảng dạy nghệ thuật ấy. Nhưng hoặc Socrate đã giảng dạy như vậy vào thời kỳ khó-khăn của đời ông, trước khi hiến thân làm nhiệm vụ “khảo sát” như trong cuốn “Apologie” có nói tới, nhiệm vụ mà lời sấm ký ở đền Delphes đã buộc ông phải làm; hoặc việc giảng dạy nghệ thuật suy nghĩ và ăn nói vẫn tiếp tục mà không bị nhiệm-vụ “khảo sát” làm cho phải gián đoạn. Trong trường hợp thứ nhất, ta không hiểu tại sao vào ngày cuối cùng của đời ông, Socrate đã làm cho nổi bật lên những tập-tục mà từ trước ông đã từ bỏ vì những lý do trọng đại nhất, và trong trường hợp thứ hai, ta lại càng không hiểu tại sao Socrate đã phải cắt nghĩa như thế về thủ tục thường xuyên của sự giảng dạy và sự nghiên cứu, tìm tòi của ông. Như vậy Platon đã không giấu diếm nổi, về điểm này, là lời lẽ trong cuốn “Phédon” không phải là lời lẽ của thầy học ông. Socrate trong cuốn “Phédon” rất khác xa người vẫn giảng dạy như sau: “tôi không biết gì hết.” Socrate trong cuốn sách này là một triết gia nghiên cứu về “Hữu thể” và “Biến-dịch”, có những học thuyết nhất định về hai vấn đề này và luôn luôn căn cứ vào những học thuyết ấy, là những học thuyết được Simmias và Cébès biết rõ và công nhận. Thực ra, nếu Cébès biết rõ thuyết hồi tưởng thì Simmias lại không biết thuyết ấy hay đã quên mất thuyết này; nhưng có lẽ ở đây chỉ là một kỹ-xảo có mục đích làm cho cuộc đàm thoại mất tính cách độc-đoán và diễn tiến một cách tự do hơn. Mặt khác, Socrate không những biết rõ những sự tìm tòi, khảo cứu của các nhà vật-lý-học, Socrate không những đã tự mình tìm tòi, khảo cứu (ở đây ta thấy cuốn “Phédon” phù hợp với cuốn “Nuées” viết vào một phần tư thế kỷ trước khi có vụ án Socrate), Socrate lại còn để tâm lúc này tới sự kiện ấy. Vì Socrate muốn thay thế khoa vật lý-học cũ bằng một khoa vật-lý mới. Vả lại, vấn đề linh hồn, dính líu vào sự giải thích sự sống và sự chết, chả liên-quan đến vật-lý-học là gì? Nhưng làm thể nào mà ta có thể tin được rằng một triết-gia đã không từ bỏ ý kiến muốn biết tại sao các sự vật sinh sống và sau hết chết, lại có thể giữ ở tại nơi ông, cho đến khi sắp chết, tất cả những bằng chứng được tạo nên một cách rất khôn khéo và có liên quan mật thiết với những học thuyết không xa lạ gì đối với môn phái mà ông là người cầm đầu? Tuy nhiên về phương diện khác, Socrate trong cuốn “Phedon”, đã khiến cho ta phải lưu ý vì thái độ mộ đạo sâu xa và sự khổ hạnh nhiệt thành của ông. Mặc dầu cuốn “Phédon” không hề ám-chỉ rõ-rệt tới nhiệm vụ mà vị thần ở đền Delphes đã giao-phó cho Socrate, -điều này có thể khiến cho ta phải ngạc nhiên –, hình ảnh thần Apollon luôn luôn chi-phối cuốn đối thoại thư: thần Apollon đã báo mộng cho Socrate, thần Apollon đã trì hoãn cái chết của Socrate để cho Socrate đủ thời giờ thu xếp công việc. Cũng như những con chim thiên-nga, Socrate là người phụng-sự thần Apollon và chính vì thần Apollon mà Socrate đã có thể tiên tri được nhiều điều. Socrate đã tôn thờ thần Apollon, vì theo ý-kiến chung thì chúng ta chỉ là vật sở hữu của các thần minh và chúng ta không nên, bằng cách tự vẫn, trốn tránh sự trông coi của các thần minh, mà sau khi chết, người “chính trực” sẽ được sống cùng. Các lời lẽ cuối cùng của Socrate về lời phát nguyện của ông đối với thần Esculape có tính cách mộ đạo như vừa nói ở trên. Do ảnh hưởng của tôn giáo “Orphisme”, Socrate đã chú trọng đến những điều phát-minh có tính-cách thần bí và vào những tập-tục tôn-giáo để đề ra những ý-nghĩ hữu lý hay những hình ảnh thần bí. Socrale trong cuốn “Phédon” là người có nhiều linh cảm và là một nhà tiên-tri, đồng thời lại là một sứ-đồ nhiệt thành của sự khổ hạnh. Một đôi khi, ông đã hành động với những lời lẽ hùng-hồn sôi nổi để truyền cho bạn hữu của ông sự nồng-nàn tin-tưởng chỉ vì mục-đích đi đến cuộc giải thoát hoàn toàn. Đạo đức tức là cố hết sức giảm bớt sự tùy thuộc ấy, đạo dức tức là sống do tư tưởng thuần túy, tức là từ bỏ tất cả các khoái lạc về xác thịt, các của cải, mọi sự trang sức. Socrate trong cuốn “Phédon” đã có những nét mặt một khuyển nho và người ta không thể quên rằng hài kịch ấy đã diễn tả một cách rất là rõ-rệt những nét mặt này. Nhưng mặt khác, Socrate lại có những điểm cao quí, nhờ đó Socrate đã tránh được tánh hợm mình và lối phỉnh gạt, đã giới hạn sự khổ hạnh vào sự tự chủ được tinh thần. Do sự nhiệt thành của ông, sứ đồ mà ông đảm-nhiệm không có tính cách gay gắt và tàn bạo; ông sốt sắng nhưng đầy lòng khoan-dung, và nhất là ông cố hết sức để cho mọi người yêu mến. Ông không bài xích những mối liên hệ gia-đình, ông không bài-xích sự kính trong các tập quán và các nghĩa-vụ trong xã hội. Những hành động trong cách xử thế, mà luân lý không lưu-ý tới hay những hành-động không thật cần-thiết cho đời sống, đối với lương tâm của ta, thực là những dịp, hay những phương tiện đề cứu với linh hồn, hay phá-hoại linh hồn. Tóm lại, hai trạng huống thực tế của nhân vật chính trong cuốn “Phédon”, đều phù hợp với tình thế. Hai trạng huống này lại phủ-hợp với việc Socrate bị kết tội: trong xã hội của ông, Socrate, một nhà tiên-tri và một nhà truyền giáo, cố nhiên phải được coi như là một người vô đạo và đã làm hư hỏng các thanh niên. Về phương diện khác, ta có thể xem xét vấn đề trong phạm vi các người thân hữu của Socrate, các tín đồ của vị tôn sư. Thực thế, các tín đồ hình như là do mọi học phái triết-học, vào hồi hạ bán đệ ngũ thế kỷ, mà tới. Có người như Simmias và Cébès, thuộc về học-phái Pythagore: người khác, như Euclide, thuộc học phái hoài nghi của Elée ; Aristippe và người lạ mặt thuộc học phái của Protagoras, tức là học phái Héraclite, cũng như là Platon mà thầy dạy học đầu tiên là Cratyle; Antisthène thì là học trò của Gorgias. Hơn nữa, sau khi Socrate qua đời, các môn đồ tự chia rẽ và giữa các môn-đồ, đã có những cuộc tranh-biện gay go, chẳng hạn như cuộc tranh biện giữa Antisthène và Platon. Mỗi giây liên-lạc giữa các môn đồ, như vậy chính là cá nhân của Socrate. Socrate còn sống thì họ hòa thuận với nhau, không phải vì họ cùng công nhận một học-thuyết triết-lý, mà là vì họ tôn sùng vị tôn-sư, họ tin-tưởng vào sự lãnh đạo tinh-thần của vị tôn-sư. Lòng quí mến vị tôn sư gần như cuồng tin của Apollodore giống lòng quí mến tầm thường của Criton ở chỗ đó. Đối với mọi môn-đồ, cách xử sự của Socrate là một tấm gương siêu-phàm, tư tưởng của ông là một cái gì đề suy nghĩ và xem xét. Đó là cảm tưởng của ta sau khi đọc cuốn đối thoại thư: cuốn “Phédon” đã gợi lên trong tâm-khảm của ta những tình-cảm khác nhau, nhưng dồi dào, khiến cho ta không thể nào nghĩ đến chuyện đặt câu hỏi này hay câu hỏi khác, khiến cho ta mất hết mọi cảm tưởng, trái lại, khiến cho ta thấy rằng câu chuyện do Phédon thuật lại đã có thật(11). Nhưng đó có phải là một lý-do hay không để cho rằng cuốn “Phédon” là một câu chuyện có tính-cách lịch- sử thuật lại những cái gì đã xảy ra thực sự; về việc làm cũng như là về lời nói, trong ngày cuối cùng của Socrate? Đó là ý-kiến mà ông John Burnet đã trình bày hết sức khéo léo và một cách hăng hải(12). Cũng có những tư tưởng trái lại như đã thấy ở trên. Hơn nữa, nếu áp- dụng thuyết của ông Burnet có thể xảy ra nhiều trường- hợp khó khăn. Chẳng hạn như ta muốn biết trong số môn đồ của Socrate có những ai và tại sao các người thuộc học phái Pythagore là Simmias và Cébès lại tán đồng thuyết các ý niệm hay thuyết hồi tưởng? Sau khi Philolaüs trở về Ý-Đại-Lợi, các người thuộc môn-phải Pythagore ở Hi-Lạp, như người ta sẽ nói, đã chọn Socrate để cầm đầu họ và chính Socrate cũng theo môn phái của họ. Như vậy, người ta sẽ bắt buộc phải giả-thiết rằng Euclide, một tín đồ của Socrate, sẽ là nhà lãnh đạo học phái Elée ở Mégare. Và người ta sẽ phải coi những học thuyết mà trước kia người ta coi như là của học phái Pythagore là những học thuyết của phái Elée. Hơn nữa, ta hãy nghe Socrate trình bày thuyết các ỷ niệm và thuyết hồi tưởng trong cuốn “Phédon”, những thuyết này thực ra do Platon đề ra mà người ta lại gán cho Socrate nghĩa là cho học-phái Pythagore. Một thuyết chiết trung táo bạo như vậy bao hàm một sự khinh nhờn vô-tiền khoáng-hậu đối với lời chứng của Aristote: Aristote đã hoàn toàn sai-lầm khi ông quan-niệm phân biệt quan niệm về các yếu-tính của Socrate với của Platon; và của Platon với của nhóm Pythagore, nhưng điều mà người ta quả quyết có thể tin được không? Ba mươi hai năm sau khi Socrate chết mà ở ngay thành Athènes, Aris-tote lại không biết được gì chắc-chắn về học thuyết của ông hay sao? Giải thích lịch-sử như trên có lẽ là làm một việc hơi mạo-hiểm. Bây giờ hãy xem xét những mối liên-hệ giữa cuốn “Phédon” và cuốn “République” chẳng hạn. Cuốn “Phédon”, theo một giả-thuyết, là cuốn sách phát biểu tư tưởng cuối cùng của chính Socrate; như vậy, người ta sẽ phải phủ nhận mọi cuộc đàm thoại đã xảy ra trước đó, cho là không bao gồm tư tưởng của Socrate, để có thể bênh vực được một thuyết khó đứng vững như trên. Như vậy chỉ có thể coi cuốn “Phédon”, là một cuốn sách trong đó Platon trình bày quan điểm của ông về cái chết và sự bất-diệt của linh hồn, quan-điểm phù-hợp với thuyết không tưởng và thuyết hồi tưởng mà ông từng giảng dạy, như mọi người đều biết. Nếu người ta cứ cố chấp mà cho rằng cuốn “Phédon” chỉ là câu chuyện có tính cách lịch sử thuật lại cuộc đàm-thoại cuối cùng của Socrate thì người ta phải công nhận rằng cuốn “Phédon” đã trộn lẫn hai luồng tư tưởng có liên-hệ với nhau thực, nhưng kế tiếp nhau. Tóm lại, nếu cuốn “Phédon” mà như thế thì thật là một chuyện lịch sử quái dị. Trái lại, nếu cho rằng đó chỉ là một sáng tác tự do của Platon, ta sẽ thấy việc Platon chọn ngày sống cuối cùng của thầy học ông làm khung cảnh cho vấn đề ông diễn-tả là đương nhiên; việc Platon kể lại tên các người thuộc học phái khác với môn-phái ông, nhưng vẫn cùng ông thăm viếng Socrate, cũng là một việc đương nhiên; việc Platon đề cho những nhân-vật thuộc các tín đồ của Socrate, nhưng được ít người biết đến đối-kháng với những sự chỉ-trích của những người ở trong hoặc ở ngoài môn phái của ông lại là một việc đương nhiên nữa. Vì ông tự coi như là người tiếp tục công việc làm của Socrate, ông tự cho là có quyền ràng buộc tư-tưởng của ông với tư-tưởng của thầy học ông, tư-tưởng của ông chỉ là tiếp-tục tư-tưởng của thầy học ông mà thôi. Không ai có thể làm được: đối với các độc-giả, sự giả tạo đã rõ rệt và Platon cũng không cần giấu diếm gì. Hơn nữa, đó chính là quy tắc của thẻ văn của cuốn đối thoại thư mà vai chính là Socrate: Socrate, xung quanh có những nhân vật có thực, chỉ là mô phỏng sự thật. Cố nhiên là trong sự mô phỏng đó có những chi-tiết có tính cách lịch sử thực, và ở đầu và ở cuối cuốn “Phédon”, có nhiều chi-tiết cụ thể không phải do Platon bày đặt ra - Ta có cần phải tìm biết những chi-tiết ấy không? Nhiều khi, những chi tiết ấy chỉ có nghĩa lý và đáng được lưu ý tới, nếu đã được trình bày với một nghệ thuật. Như vậy, trong cuốn “Phedon”, chúng ta cần xem xét trước hết tư tưởng của Platon như thế nào?
(1) Các phần tử trong một nhóm khảo cứu triết học ở dưới sự điều khiển của một giám đốc, nhóm ấy có hợp thành hay không hợp thành một môn phải, đều được gọi là những hội viên và những đồng hội. Ở đây, nên dùng những “bạn đồng học” hơn là những chữ “thân hữu”. (2) Diogène Laerce Vill, 46. Trong danh bộ các triết gia thuộc môn phái Pythagore do Jamblique lập ra ở cuối cuốn “Đời của Pythagore” của ông, trong số các nữ triết gia có Echécratie ở Phlionte, người này có lẽ là con của Echécrate. (3) Trước khi quen biết Stilpon ở Mégare, Ménédème (chết hồi 74 tuổi, vào năm 278) là học trò của Moschus và Anchipylus ở Elis, hai người này là người đã kế tiếp Phédon sau Phistanus. Như vậy, học phái Elis được thiết lập sau cái chết của Socrate không bao lâu. Vả lại, Platon ít khi trình bày những nhân vật còn sống, và có thề rằng khi Platon viết cuốn đối thoại thì Phédon đã qua đời rồi. (4) Ấn định được Socrate đã chết vào ngày tháng nào hơi khó: trong cuốn “Phédon”có nói tới ngày lễ của thần Apollon và cuộc hành hương ở Délos. Cuộc hành hương ở Délos có vào hồi tháng 2 hay tháng 3, còn ngày lễ của thần Apollon thì vào đầu tháng 5; có lẽ Platon muốn nói tới các cuộc lễ ở Délos. (5) Le Serviteur des Onze : Ở đây là những kẻ thủ hạ của mười một vị thẩm phán đã xét xử Socrate. (6) Cố nhiên là không kề tới Chéréphon và Kémophon : người thứ nhất đã qua đời trước khi có “vụ án Socrate”, người thứ hai thì đã rời Athènes tù hơn của năm trước đề tham dự cuộc viễn chinh của Cyrus. (7) Trong các sách của Xénophon, tên người bạn của Simmias và Cébès được viết đúng hơn: Phédondas thay vì Phédondès cũng như Epaminondas, Pélopidas. (8) VIIe lettre platonicienne (9) Các người này thường được gọi là những nhà giáo luận, chuyên nghề giảng dạy lối biện luận tán thành hay chống đối, mà không hề để ý tới sự thật và bản chất của các sự vật. (10) “Les Trente”: Nhân viên của một ủy hội do các người dân Sparte lập tại Athènes sau khi chiếm thành phố này. (11) Tâm trạng của các người đã dự kiến cái chết của Socrate như sau: vì không muốn làm phiền lòng Socrate, họ e ngại không muốn chỉ trích. Nếu những lời chỉ trích có thề khiến cho các người được nghe những lời phê phán ấy rầu lòng, đó không phải là vì những lời lẽ ấy chống đối lại những học thuyết của họ, mà tại vì những lời lẽ ấy hình như có thể khiến cho họ không tin tưởng và sùng bái Socrate nữa. (12) Ông John Burnet đã trình bày thuyết này trong cuốn “Phédon” with Introd. and Notes “Oxford Clarendos Press” 1911 và trong cuốn “Greek Philosophy” London 1914. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC