VŨ TRỤ LUẬN, SIÊU HÌNH HỌC, VÀ NHẬN THỨC LUẬN TRONG TRIẾT HỌC HY LẠP THỜI TIỀN-SOCRATES
BRIAN DUIGNAN TRƯƠNG QUANG CẨM dịch
Brian Duignan. Lịch sử triết học: Triết học Cổ đại – từ năm 600 TCN đến 500. Britannica. Trương Quang Cẩm và cộng sự dịch.| Bản thảo đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.
Triết học Tây phương xuất hiện tại Hy Lạp cổ đại (bao gồm vùng Miletus và những vùng khác của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN. Ngay trong thời đó, lòng kính sợ mang tính tôn giáo của những người Hy Lạp đã bị sự thắc mắc về nguồn gốc và bản tính của thế giới vật chất làm cho lu mờ. Khi dân cư Hy Lạp ngày càng rời bỏ đất đai để tập trung sinh sống trong những thành quốc, mối quan tâm của họ đã chuyển từ tự nhiên sang đời sống xã hội. Những vấn đề về luật pháp và tục lệ, các giá trị dân sự đã trở thành quan trọng hàng đầu, và sự tư biện vũ trụ luận đã phần nào nhường chỗ cho việc lập thuyết chính trị và đạo đức, được minh họa rõ nhất trong những triết lý đạo đức có phần tản mạn của Socrates (470-399 TCN), các nhà Biện sĩ (các nhà du thuyết và các thầy giáo lưu động) và trong hệ thống triết học rõ ràng và đồ sộ của Platon (khoảng năm 428– 348 TCN) và Aristoteles (384-322 TCN). Bởi vì không bị ảnh hưởng của Socrates, nên các nhà vũ trụ luận của thế kỷ thứ 5 và thứ 6 cùng với các Biện sĩ thường được gọi là các triết gia “tiền-Socrates”, mặc dù không phải tất cả họ đều sống trước Socartes. Các nhà vũ trụ luận đầu tiên của Hy Lạp đều là các nhà nhất nguyên luận, cho rằng vũ trụ được phát sinh, hoặc tạo thành từ chỉ một chất liệu (substance) duy nhất. Các nhà tư tưởng về sau đã chấp nhận các lý thuyết đa nguyên, theo đó một vài chất liệu tối hậu cùng tham gia vào sự tạo thành vũ trụ. CÁC NHÀ VŨ TRỤ LUẬN SƠ KỲ Có một sự nhất trí, ít ra là từ thời Aristoteles và tiếp tục cho đến ngày nay, rằng nhà triết học Hy Lạp đầu tiên là Thales (có ảnh hưởng lớn vào thế kỷ thứ 6 TCN). Trong thời Thales, từ triết gia (“người yêu sự minh triết”) chưa được tạo ra. Tuy vậy, Thales đã được nhìn nhận là một trong số Bảy nhà thông thái (Sophoi) huyền thoại, mà danh xưng của họ phát xuất từ một thuật ngữ vào thời đó dùng để chỉ sự khám phá và minh triết thực hành hơn là sự thức nhận tư biện. Thales chứng minh cho những phẩm chất này bằng cách nổ lực mang lại một nền tảng chính xác hơn cho tri thức toán học, mà ông học được từ người Babylon, và bằng cách sử dụng nó để giải các bài toán thực tế - như việc xác định khoảng cách của chiếc tàu thủy khi nhìn từ bờ biển hoặc về chiều cao của các kim tự tháp Ai cập. Mặc dù người ta tin rằng ông đã tiên đoán được nhật thực, có nhiều khả năng là ông chỉ đưa ra một cách giải thích tự nhiên về một trường hợp nhật thực dựa trên cơ sở tri thức chiêm tinh học của người Babylon. Thales được xem là triết gia Hy lap đầu tiên bởi vì ông là người đầu tiên đưa ra một cách giải thích thuần túy tự nhiên về nguồn gốc của thế giới, không có những yếu tố thần thoại. Ông tin rằng mọi vật đều phát xuất từ nước - một lời giải thích dựa vào sự khám phá các động vật biển hóa thạch nằm sâu trong đất liền. Xu hướng của ông (và cũng là xu hướng của những người kế tục trực tiếp từ ông) về việc đưa ra những lời giải thích phi thần thoại chắc chắn đã được thúc đẩy bởi sự kiện là tất cả họ đều sống trên bờ biển của xứ Anatolia (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), được vây quanh bởi một số các quốc gia có các nền văn minh tiến bộ hơn nhiều so với nền văn minh Hy Lạp mà cách giải thích mang tính thần thoại của mỗi nền văn mình này khác nhau rất nhiều. Do đó, dường như điều tất yếu là cần phải tạo ra một sự khởi đầu mới trên cơ sở những điều mà con người có thể quan sát và suy luận khi nhìn vào thế giới đúng như nó hiện ra trước mắt. Cách thức này tất nhiên dẫn đến một xu hướng tạo ra những điều khái quát hóa sâu rộng dựa trên những quan sát khá hạn chế, mặc dù được kiểm tra cẩn thận. Một môn đệ và người kế tục của Thales là Anaximander (610-546 TCN), đã cố đưa ra lời giải thích tỉ mỉ hơn về nguồn gốc và sự phát triển của một thế giới có trật tự (vũ trụ). Theo ông, vũ trụ được hình thành từ apeiron (nghĩa là “không giới hạn”), là một cái gì đó vừa vô hạn vừa bất định (không có những phẩm tính có thể phân biệt được). Trong lòng của apeiron, một cái gì đó phát sinh để tạo ra những cực đối lập giữa nóng và lạnh. Những cực đối lập này ngay lập tức đấu tranh với nhau và tạo ra vũ trụ. Cái lạnh (và ẩm ướt) một phần bị khô đi trở thành đất rắn, một phần vẫn còn là nước, và một phần - nhờ vào sức nóng - bị bốc hơi, trở thành không khí và sương mù, phần bốc hơi của nó (nhờ vào sự giãn nở) chia tách cái nóng thành những vòng lửa, bao bọc lấy toàn vũ trụ. Tuy vậy, bởi vì những vòng này được bao bọc bởi sương mù, nên chỉ còn lại những lỗ thông hơi nào đó mà con người có thể thấy được, hiện ra đối với họ như là mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Anaximander là người đầu tiên nhận ra rằng chiều đi lên hay đi xuống là không tuyệt đối nhưng chiều đi xuống nghĩa là hướng về trung tâm của quả đất và đi lên là rời khỏi quả đất, để cho quả đất không cần được nâng đỡ bởi bất cứ thứ gì (như Thales trước đó đã tin tưởng). Khởi nguồn từ những quan sát của Thales, Anaximander đã nổ lực cấu trúc lại sự phát triển của sự sống chi tiết hơn. Sự sống, được gắn liền chặt chẽ với độ ẩm, bắt nguồn từ biển cả. Ông tin rằng tất cả động vật trên cạn đều là hậu duệ của các động vật biển; bởi vì những con người đầu tiên như những đứa trẻ mới sinh không thể tồn tại nếu không có cha mẹ, Anaximander tin rằng họ đã được sinh ra từ một loại động vật khác - cụ thể là, do một động vật biển đã sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi họ có thể tự xoay xở được. Tuy vậy, dần dần hơi ẩm sẽ bị bốc hơi một phần, cuối cùng thì tất cả vạn vật sẽ quay trở về lại cái apeiron bất phân biệt, “để trả giá cho sai lầm của chúng”– sự sai lầm vì đã đấu tranh lẫn nhau. Người kế tục Ananximander, Anaximenes (nổi tiếng vào giữa thế kỷ thứ sáu TCN), đã bảo rằng khí là nguồn gốc của vạn vật. Trong một thời gian dài lập trường của ông đã được xem là một bước lùi, bởi vì, giống như Thales, ông đã đặt một loại vật chất đặc biệt vào lúc ban đầu sự phát triển của thế giới. Nhưng sự phê phán này không chính xác. Cả Thales lẫn Anaximander đều dường như đã không chỉ rõ bằng cách nào mà các vật khác phát sinh từ nước hoặc apeiron. Tuy vậy, Anaximenes đã tuyên bố rằng các loại vật chất khác đều phát sinh từ khí bằng sự cô đặc và làm loãng khí. Theo cách này, điều mà trước đó đối với Thales chỉ đơn thuần là cái đầu tiên đã trở thành một nguyên lý nền tảng mà về bản chất vẫn giữ nguyên qua tất cả những sự biến thể của nó. Do đó, từ arche, mà đầu tiên chỉ có nghĩa đơn thuần là “cái bắt đầu,” đã tiếp thu một ý nghĩa mới là “nguyên lý,” một thuật ngữ mà kể từ đó trở đi đóng một vai trò to lớn trong triết học cho đến ngày nay. Khái niệm về một nguyên lý vẫn không thay đổi qua các biến thể, hơn nữa, là tiền đề của ý tưởng rằng không có gì có thể ra đời từ hư vô và tất cả những điều xuất hiện và biến đi mà con người quan sát được thì không gì khác hơn là những biến thể của một cái gì đó mà về bản chất vẫn giữ nguyên mãi mãi. Theo cách này thì lập luận trên là nền tảng của tất cả các định luật bảo toàn – định luật bảo toàn vật chất, lực, và năng lượng – đã trở thành cơ sở trong việc phát triển của vật lý học. Mặc dù dĩ nhiên là Anaximenes đã không ý thức hết tất cả những hàm ý trong ý tưởng của ông, tầm quan trọng của nó chắc chắn là đã ít bị phóng đại. Ba nhà triết học Hy Lạp đầu tiên nói trên thường được gọi là các nhà “vật hoạt luận (hylozoists)”, vì họ dường như tin vào một loại vật chất sống. Nhưng điều này không hề là sự mô tả thích đáng. Đúng hơn, đặc điểm của họ là họ đã không phân biệt rõ giữa những loại vật chất, lực, và phẩm tính, cũng như giữa các phẩm tính vật lý và tình cảm. Cùng một thực thể có khi được gọi là “lửa” có khi được gọi là “cái nóng.” Hơi nóng có khi xuất hiện như một lực và có khi như một phẩm tính, và cũng như không có sự phân biệt rõ ràng giữa ấm và lạnh như các phẩm tính vật lý với sự ấm áp của tình yêu và sự lạnh giá của thù ghét. Những điều hàm hồ này là rất quan trọng để hiểu biết về những phát triển nhất định sau này trong triết học Hy Lạp. Xenophanes ở Colophon (560-478 TCN), một người ứng tác (người ngâm thơ) và một nhà tư tưởng triết học, đã di cư từ Anatolia đến thành quốc Elea của Hy Lạp nằm ở miền nam nước Ý ngày nay, là người đầu tiên đã phát biểu rõ ràng hơn những gì đã được ngụ ý trong triết học của Anaximenes. Ông phê phán những quan niệm phổ biến về thần thánh, nói rằng con người đã tạo ra các vị thần theo hình ảnh của mình. Nhưng, quan trọng hơn, ông lập luận rằng chỉ có thể có một Thượng đế là đấng cai trị vạn vật, thì mới vĩnh hằng. Bởi vì, là tồn tại mạnh nhất trong các tồn tại, đấng này không thể ra đời từ một cái gì đó kém mạnh hơn, cũng như không thể bị vượt qua hay thay thế bởi một tồn tại khác, bởi vì không có tồn tại nào có thể phát sinh mà mạnh hơn tồn tại mạnh nhất. Lập luận này rõ ràng đặt trên các tiên đề rằng không có cái gì có thể ra đời từ hư vô và không có cái gì tồn tại mà có thể biến mất. Những tiên đề này đã được làm rõ hơn và dẫn đến những kết luận logic (và cực đoan) bởi Parmenides ở xứ Elea (sinh vào khoảng 515 TCN), người sáng lập ra trường phái được gọi là trường phái Elea, được Xenophanes xem là bậc thầy và người tiên phong. Trong một bài thơ có tính triết học, Parmenides đã nhấn mạnh rằng “cái hiện tồn” không thể sinh và cũng không thể diệt bởi vì nếu không phải như thế thì nó ắt là phải xuất hiện từ hư vô và biến thành hư vô, trong khi đó, hư vô theo chính bản tính của nó thì không tồn tại. Cũng không hề có vận động, bởi vì nếu không như thế thì vận động ắt là một sự vận động vào một cái gì đang tồn tại – điều này là không thể vì cái tồn tại bị khóa chặt – hoặc là chuyển động vào cái gì đó không tồn tại – điều này cũng là không thể vì cái không tồn tại thì không tồn tại. Do đó, vạn vật đều là tồn tại rắn chắc, bất động. Một thế giới quen thuộc, trong đó mọi vật đều chuyển động khắp nơi, sinh ra và biến mất, chỉ là một thế giới của niềm tin thuần túy (doxa/Hy Lạp: tư kiến, tà kiến). Tuy vậy, trong phần hai của bài thơ, Parmenides đã cố gắng cung cấp một sự mô tả phân tích về thế giới của niềm tin này, bằng cách chỉ ra rằng nó dựa trên những sự phân biệt bất biến giữa điều được tin là dương – tức là, có những tồn tại có thực, như ánh sáng và hơi ấm – và điều được tin là âm – tức là, sự thiếu vắng những tồn tại dương, như bóng đêm và sự lạnh giá. Điều quan trọng là, Heracleitus ở Ephesus đã xuất hiện (khoảng 540 – khoảng 480 TCN), mà triết học của ông sau này được xem là đối lập gay gắt với triết học về tồn tại bất động của Parmenides, nhưng ở vài đoạn trong tác phẩm của ông, lại gần với điều mà Parmenides ra sức chứng minh: ông nói, cái dương và cái âm, chỉ đơn thuần là những cách nhìn khác nhau về cùng một sự vật; sống và chết, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối thực ra chỉ là một. Xem lửa như là vật chất thiết yếu kết hợp vạn vật, Heracleitus viết rằng trật tự thế giới là “một ngọn lửa vĩnh hằng bốc cháy trong những hạn độ và tắt đi trong những hạn độ.” Ông mở rộng sự thể hiện của lửa để bao gồm không chỉ nhiên liệu, lửa, và khói mà còn cả khí ether trong thượng tầng khí quyển. Một phần của khí này, hay lửa thuần túy, có lẽ hóa thành mưa, “biến thành” đại dương, và một phần của đại dương biến thành đất. Đồng thời, những khối lượng bằng nhau của đất và biển ở khắp mọi nơi lại quay trở về thành những phương diện tương ứng của biển và lửa. Trạng thái cân bằng năng động sau cùng duy trì sự cân bằng có trật tự trong thế giới. Sự tiếp tục tồn tại của tính thống nhất bất chấp thay đổi được minh họa bởi sự loại suy nổi tiếng về cuộc sống so với dòng sông của Heracleitus: “Đối với những người tắm cùng một dòng sông thì các dòng nước khác nhau luôn luôn tuôn chảy.” Sau này Platon đã cho là học thuyết này ngụ ý rằng vạn vật đều ở trong một dòng chảy thường hằng, bất kể chúng hiện ra đối với giác quan như thế nào. TỒN TẠI VÀ BIẾN DỊCH Parmenides đã có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển sau này của triết học. Hầu hết các nhà triết học trong hai thế hệ tiếp theo đều cố gằng tìm cách hòa giải luận điểm của ông là không sinh, không diệt với những bằng chứng xuất hiện ra đối với giác quan. Empedocles ở xứ Acragas (khoảng 490 – 430 TCN) tuyên bố rằng có bốn nguyên tố vật chất (ông gọi là nguồn gốc của mọi vật) và hai lực, yêu và ghét, chúng không sinh cũng không diệt, không tăng cũng không giảm. Nhưng những nguyên tố này liên tục trộn lẫn với nhau bởi lực yêu và tách rời bởi lực ghét. Như vậy, thông qua sự pha trộn và phân hóa, các vật tạo thành có sinh và có diệt. Bởi vì Empedocles nhận thức các lực yêu và ghét là các lực mù quáng, ông buộc phải giải thích bằng cách nào mà các sinh vật sống có thể xuất hiện thông qua các vận động ngẫu nhiên. Ông đã giải thích điều này bằng dự đoán có phần thô sơ về lý thuyết về sự sống còn của vật thích nghi tốt nhất. Trong quá trình pha trộn và phân hóa, các chi và các bộ phận của các sinh vật khác nhau được tạo thành một cách ngẫu nhiên. Nhưng các bộ phận này không thể tự mình sống sót; chúng chỉ sống sót khi tình cờ kết hợp với nhau theo cách nào đó mà chúng có thể hỗ trợ lẫn nhau và tự tái sinh sản. Chính là bằng cách này mà những loài khác nhau được tạo ra và tiếp tục tồn tại. Anaxagoras ở xứ Clazomenae (vào khoảng 500 - khoảng 428 TCN), một nhà đa nguyên luận, tin rằng bởi vì không có gì thực sự được sinh ra, nên vạn vật phải bao hàm trong vạn vật, nhưng trong hình dạng của những phần tử nhỏ vô hạn. Lúc đầu, tất cả những phần tử này đã tồn tại trong chính hỗn hợp không có gì phân biệt được, rất giống với cái bất định apeiron của Anaximander. Nhưng chính vào lúc đó cái nous (tinh thần), hoặc trí tuệ, bắt đầu làm cho các phẩn tử nhỏ này vận động quay cuồng, với tiên liệu rằng bằng cách này chúng sẽ bắt đầu tách rời lẫn nhau và tái kết hợp theo những cách đa dạng nhất để dần dần tạo ra thế giới mà con người sinh sống. Tương phản với những lực do Empedocles giả định, cái nous của Anaxagoras không mù quáng nhưng tiên liệu và nhắm tới việc tạo ra vũ trụ, bao gồm các thực thể sống và có trí tuệ; tuy vậy, cái nous này không can thiệp vào tiến trình sau khi đã khơi mào vận động quay cuồng. Đây lả một sự kết hợp kỳ lạ của hai cách giải thích cơ giới và phi cơ giới về thế giới. Điều có tầm quan trong lớn nhất cho sự phát triển của triết học và khoa học vật lý sau này là nỗ lực của Leucippus (nổi tiếng vào thế kỷ thứ 5 TCN) và Democritus (khoảng 460- khoảng 370 TCN) để hóa giải vấn đề Parmenides. Leucippus đã tìm ra lời giải với giả định đối lập với lập luận của Parmenides, rằng hư không thực sự tồn tại theo một cách - đó là không gian trống rỗng. Như vậy, có hai nguyên lý nền tảng của thế giới vật chất, không gian trống rỗng và không gian được lấp đầy - không gian được lấp đầy bao gồm những nguyên tử, trái ngược với những nguyên tử của vật lý học hiện đại, là những nguyên tử có thực - tức là, chúng tuyệt đối không thể phân chia được bởi vì không có cái gì có thể thâm nhập vào để tách chúng ra. Dựa trên những nền tảng do Leucippus thiết lập, Democritus dường như đã xây dựng cả một hệ thống nhằm mục đích giải thích đầy đủ về những hiện tượng đa dạng của thế giới khả kiến nhờ vào việc phân tích cấu trúc nguyên tử của nó. Hệ thống này bắt đầu với những vấn đề vật lý cơ bản, như tại sao một vật thể cứng có thể nhẹ hơn một vật thể mềm hơn. Lý do là vì vật thể nặng hơn chứa nhiều nguyên tử hơn, những nguyên tử này phân bố đều đặn và có hình tròn; trong khi đó, vật thể nhẹ hơn, có ít nguyên tử hơn, hầu hết các nguyên tử này đều có móc nhờ đó chúng kết thành những mạng lưới chặt chẽ. Hệ thống này kết thúc bằng các câu hỏi về giáo dục và đạo đức. Một người vui vẻ và mạnh khỏe, có ích cho bạn bè, thực ra là được cấu trúc tốt. Mặc dù những đam mê phá hoại bao gồm những vận động nguyên tử mạnh mẽ, có khoảng cách xa, giáo dục có thể giúp để kiềm chế (nén lại) các nguyên tử, tạo ra sự điềm tĩnh tốt hơn. Democritus cũng xây dựng một lý thuyết về sự tiến hóa của văn hóa, có ảnh hưởng đến những nhà tư tưởng sau này. Ông nghĩ rằng nền văn minh được tạo ra bởi những nhu cầu của cuộc sống vốn thúc đẩy con người làm việc và sáng tạo. Khi cuộc sống trở nên quá dễ dàng bởi vì mọi nhu cầu đều được đáp ứng, thì có nguy cơ rằng nền văn minh sẽ suy tàn vì mọi người trở nên phóng túng và cẩu thả. HIỆN TƯỢNG VÀ THỰC TẠI Tất cả các nhà triết học hậu-Parmenides, giống như bản thân Parmenides, đều tiền giả định rằng thế giới thực khác với thế giới mà con người tri giác. Do đó những vấn đề của nhận thức luận, hoặc lý thuyết về tri thức đã xuất hiện. Theo Anaxagoras, vạn vật đều được chứa trong vạn vật. Nhưng đây không phải là điều mà con người tri giác được. Ông đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra định đề rằng, nếu số lượng một loại phần tử nào đó lớn hơn những loại phần tử khác trong cùng một vật thì số lượng phần tử khác đó sẽ hoàn toàn không thể tri giác được. Một sự quan sát cho thấy rằng đôi khi những người khác nhau hoặc những loại động vật khác nhau thì có những tri giác khác nhau về cùng một vật. Ông giải thích hiện tượng này bằng cách cho rằng vật cùng loại thì mới tri giác được lẫn nhau. Do đó, nếu trong cơ quan cảm giác của một người có ít hơn một loại phần tử nào đấy so với những loại phần tử khác, người đó sẽ tri giác loại phần tử trước kém rõ ràng hơn phần tử sau. Lý luận này cũng được sử dụng để giải thích tại sao một số động vật nhìn tốt hơn trong bóng đêm và những động vật khác lại nhìn tốt hơn vào ban ngày. Theo Democritus, các nguyên tử không có phẩm tính khả giác nào cả như vị, mùi, và màu sắc. Do đó, ông nổ lực quy giảm tất cả các nguyên tử thành những phẩm tính xúc giác (chẳng hạn như, ông giải thích màu trắng sáng là các nguyên tử sắc cạnh chọc vào mắt như những cây kim), và ông đã thực hiện một nỗ lực tỉ mỉ nhất để tái cấu trúc kết cấu nguyên tử của mọi vật trên cơ sở của các phẩm tính khả giác rõ ràng của chúng. Cũng đóng góp một phần rất quan trong trong lịch sử nhận thức luận là Zeno ở Elea (khoảng năm 495 - khoảng 430 TCN), một người bạn vong niên của Parmenides. Dĩ nhiên là trước đó Parmenides đã bị phê phán kịch liệt do hậu quả kỳ lạ của học thuyết của ông: rằng trên thực tế không hề có sự vận động và không hề có đa thể bởi vì chỉ có một tồn tại chắc nịch mà thôi. Tuy vậy, để ủng hộ ông, Zeno đã cố chỉ ra rằng một giả định có sự vận động và đa thể sẽ dẫn đến hậu quả kỳ quặc không kém .Ông đã thực hiện điều này nhờ vào những nghịch lý nổi tiếng của mình, khi nói rằng một mũi tên bay thì đứng yên vì nó vừa không thể di chuyển vào không gian đang chứa nó cũng như không thể di chuyển vào không gian không chứa nó, và rằng Achilles không thể chạy nhanh hơn con rùa bởi vì, khi anh ta chạy đến vị trí xuất phát của con rùa thì nó đã di chuyển đến một điểm xa hơn, và cứ mãi mãi như thế đến vô tận - ông còn nói rằng trong thực tế, Achilles cũng không thể bắt đầu chạy, bởi vì, trước khi băng qua quãng đường đến điểm xuất phát của con rùa, Achilles phải chạy qua một nửa quãng đường, và một nửa của một nửa, và như thế đến vô tận. Tất cả các nghịch lý này được phát sinh từ điều được gọi là vấn đề của thể liên tục. Mặc dù các nghịch lý này thường bị gạt bỏ vì vô lý về mặt logic, nhưng có rất nhiều nổ lực đã được thực hiện để giải quyết chúng nhờ vào các định lý toán học, như lý thuyết về chuỗi hội tụ hoặc lý thuyết về tập hợp. Tuy vậy, cuối cùng thì những khó khăn về mặt logic được nêu lên trong những lập luận của Zeno vẫn luôn trở lại với sức mạnh dữ dội, bởi vì tư duy con người được cấu tạo để nhìn thể liên tục theo hai cách không thể dung hòa được với nhau. PYTHAGORAS VÀ THUYẾT PYTHAGORAS Tất cả các loại triết học được đề cập cho đến nay, về mặt lịch sử, đều tương tự nhau về nhiều mặt. Tuy vậy, đến cuối thế kỷ thứ 6 TCN, đã xuất hiện thêm một loại triết lý khác, khá độc lập, mà chỉ sau này mới có tương quan qua lại với những sự phát triển triết học vừa đề cập; đó là triết học của Pythagoras ở Samos (vào khoảng 580 - khoảng 500 TCN). Pythagoras đã nhiều lần du hành đến Trung Đông và Ai Cập, sau khi trở về Samos (một hòn đảo ngoài khơi của xứ Anatolia), ông đã di cư đến miền nam nước Ý bởi vì ông ghét chế độ độc tài của Polycrates (khoảng 535 – 522 TCN). Tại Croton và Metapontum, ông đã sáng lập một cộng đồng triết học với những điều luật chặt chẽ và chẳng bao lâu sau đạt được sự ảnh hưởng chính trị đáng kể. Ông được xem như là người đã du nhập học thuyết về sự luân hồi (tái sinh) của linh hồn từ Trung Đông. Tuy vậy, điều quan trọng hơn đối với lịch sử triết học và khoa học là học thuyết của ông cho rằng “vạn vật đều là con số,” nghĩa là bản chất và cấu trúc của vạn vật có thể được xác định bằng cách tìm ra những mối quan hệ số học mà chúng biểu thị. Thoạt tiên, học thuyết này là một sự khái quát hóa chung chung dựa trên khá ít quan sát: chẳng hạn như, những hòa âm giống nhau có thể được tạo ra với những nhạc cụ khác nhau – dàn đây, sáo, đĩa, v.v – nhờ vào cùng tỷ lệ số học – 1:2, 2:3, 3:4 – theo những sự kéo dài về một hướng; sự quan sát rằng có những sự đều đặn nhất định tồn tại trong sự vận động của các thiên thể; và sự khám phá rằng hình dạng của hình tam giác được quy định bởi tỷ lệ của chiều dài các cạnh. Nhưng bởi vì những môn đệ của Pythagoras cố gắng áp dụng nguyên lý của họ ở khắp mọi nơi với sự chính xác cao nhất, một trong số họ - Hippasus xứ Metapontum (nổi tiếng vào thế kỷ thứ 5 TCN) - đã thực hiện một trong những khám phá cơ bản nhất trong toàn bộ lịch sử của khoa học: một cạnh và đường chéo của những hình đơn giản như hình vuông và hình ngũ giác đều thì không thể so sánh với nhau được – tức là, mối quan hệ số lượng của chúng không thể được biểu thị bởi một tỷ lệ các số nguyên. Thoạt nhìn thì khám phá này dường như phá vỡ chính nền tảng triết lý của Pythagoras, và do đó trường phái này đã tách làm hai bộ phận, một bộ phận tham gia vào những nghiên cứu số học khá khó hiểu, trong lúc nhóm kia đã thành công trong việc vượt qua khó khăn bởi những khám phá toán học tài tình. Triết học Pythagoras cũng tạo ra ảnh hưởng to lớn vào sự phát triển sau này của tư tưởng Platon. Theo nhiều cách khác nhau, những tư biện được mô tả cho đến đây đã cấu thành phần quan trọng nhất trong lịch sử triết học Hy Lạp bởi vì tất cả những vấn đề cơ bản nhất của triết học Tây phương đã xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Người ta cũng tìm thấy ở đây sự tạo thành rất nhiều khái niệm tiếp tục thống trị triết học và khoa học Tây phương mãi cho đến ngày nay. THUYẾT HOÀI NGHI VÀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI: CÁC BIỆN SĨ Vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN, tư duy của người Hy Lạp đã có một bước ngoặt khá khác biệt nhờ vào sự xuất hiện của các biện sĩ. Cái tên này xuất phát từ động từ sophizesthai, “làm cho một nghề trở nên sáng tạo và thông minh,” và mô tả thích hợp các biện sĩ là những người tính tiền cho sự dạy dỗ của mình, tương phản với các triết gia đã đề cập cho đến nay. Về mặt triết học, trong một nghĩa nào đó, các biện sĩ là những người lãnh đạo một cuộc nổi loạn chống lại những phát triển trước đó của triết học, mà ngày càng dẫn đến niềm tin là thế giới thực thì khác xa với thế giới hiện tượng. “Những tư biện như vậy thì có ý nghĩa gì?” họ nêu câu hỏi, bởi vì không ai sống trong những thế giới được-gọi-là thực như thế cả. Đây là ý nghĩa lời tuyên bố của Protagoras xứ Abdera (khoảng 485-khoảng 410 TCN) “con người là thước đo của vạn vật, của những gì khiến chúng là và của những gì khiến chúng không là.” Đối với con người thì thế giới là cái hiện ra đối với họ, chứ không phải là cái gì khác; Protagoras minh họa quan điểm của ông bằng cách nói rằng chẳng có ý nghĩa gì khi nói với một người rằng trời đang thực sự ấm khi anh ta đang run rẩy vì lạnh bởi vì đối với anh ta thì trời đang lạnh – đối với anh ta, cái lạnh tồn tại, cái lạnh đang ở đây. Người đồng thời trẻ hơn ông là Gorgias xứ Leontini (nổi tiếng vào thế kỷ thứ 5 TCN), nổi danh vì luận thuyết về nghệ thuật hùng biện, chế nhạo các triết gia trong cuốn sách của ông Peri tou mē ontos ē peri physeōs (“Về Điều không tồn tại; hay , Về Bản tính”), trong tác phẩm này - khi đề cập đến “một thế giới tồn tại thực sự,” cũng được gọi là “bản tính của các sự vật”- ông cố gắng chứng minh (1) chẳng có gì tồn tại, (2) nếu có sự vật nào đó tồn tại, người ta cũng không biết gì về nó, và (3) tuy vậy nếu có người nào đó biết một sự vật nào đó tồn tại, anh ta cũng không thể truyền đạt sự hiểu biết của mình cho người khác. Các nhà biện sĩ không chỉ hoài nghi về những điều mà vào lúc đó đã trở thành truyền thống triết học, mà họ còn nghi ngờ về những truyền thống khác. Dựa trên quan sát các quốc gia khác nhau có các quy tắc đạo đức khác nhau ngay cả đối với những điều đươc xem là thiêng liêng nhất- như những quan hệ giữa các giới, kết hôn, và mai táng – họ kết luận rằng hầu hết các quy tắc đạo đức đều là những quy ước. Điều thực sự quan trọng là thành công trong cuộc sống và có ảnh hưởng đối với người khác. Đây là điều mà họ hứa sẽ giảng dạy. Gorgias rất tự hào về sự kiện rằng, mặc dù không có kiến thức gì về y khoa, ông đã thành công hơn trong việc thuyết phục người bệnh chịu đựng một cuộc giải phẫu cần thiết hơn anh ông, một bác sĩ là người biết rằng khi nào cuộc giải phẫu là cần thiết. Các biện sĩ lão luyện hơn, tránh xa việc giảng dạy thuyết phi đạo đức một cách công khai. Tuy vậy, dần dần họ bị nghi ngờ bởi vì cách thức tranh luận quỷ quyệt của họ. Một trong các biện sĩ về sau, Thrasymachus xứ Chalcedon (nổi tiếng vào thế kỷ thứ 5 TCN), đã bạo dạn tuyên bố một cách công khai rằng “điều đúng là điều có lợi cho người mạnh hơn hoặc giỏi hơn” – tức là, người có khả năng giành được quyền lực để buộc người khác phải theo ý chí của mình.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC