Đạo đức học

Câu hỏi 112. Sự khoe khoang

TỔNG LUẬN THẦN HỌC của Thomas Aquino

Quyển II, Phần 2, Tập 5: Nhân đức xã hội và đức can đảm. Câu 109-140

 

Giờ đây chúng ta nghiên cứu trước hết sự khoe khoang, rồi đến sự mỉa mai (Q.113); hai tật xấu này quy về sự nói dối như Triết gia xác định (Eth. 4,7).

 

CÂU HỎI 112

SỰ KHOE KHOANG

(2 Tiết)

1. Sự khoe khoang đối lập với nhân đức nào?

2. Phải chăng sự khoe khoang là trọng tội?

 

Tiết 1

SỰ KHOE KHOANG ĐỐI LẬP VỚI NHÂN ĐỨC NÀO?

VẤN NẠN: Xem ra sự khoe khoang không đối lập với nhân đức chân lý.

1. Chính sự nói dối đối lập với nhân đức chân lý. Mà người ta có thể khoe khoang mà không nói dối, như khi người nào phô trương quyền lực của mình. Quả thế, có lời ghi chép (Est. 1,3,4):"Vua Assuêrô tổ chức yến tiệc linh đinh để phô trương giàu có vinh quang và vương quốc của mình, sự to lớn và sự sáng chói quyền bính của mình."

2. Thánh Grêgôriô (Moral. 23,6) coi sự khoe khoang là một trong bốn loại tính kiêu ngạo, là loại kiêu ngạo mà người ta khoe khoang điều mình không có. Như vậy, có lời ghi chép trong sách tiên tri Giêrêmia (48,29-30): "Chúng ta đã nghe đến thói kiêu căng của Moab, rất mực là kiêu, thói xấc xược, làm cao, thói ngạo nghễ của nó, và lòng dương dương. Ta biết, sấm của Giavê, tính lộng lược của nó." Và theo thánh Grêgôriô (Moral. 31,49), sự khoe khoang phát sinh từ sự hư danh. Mà tính kiêu ngạo và sự hư danh đối lập với nhân đức khiêm nhượng. Vậy sự khoe khoang không đối lập với nhân đức chân lý, nhưng đối lập với nhân đức khiêm nhượng.

3. Xem ra sự khoe khoang được gây nên bởi sự giàu có như có lời ghi chép trong sách Khôn ngoan (5,8): "Ích gì cho ta đòi kiêu túng! Béo bổ gì, của cải với huênh hoang!" Nhưng sự giàu có thái quá xem ra quy về tội hà tiện là tội đối lập với nhân đức công bình hay nhân đức hào phóng. Vậy sự khoe khoang không đối lập với nhân đức chân lý.

TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 2,7) khẳng định sự khoe khoang đối lập với nhân đức chân lý.

TRẢ LỜI: Sự khoe khoang, theo nghĩa đen xem ra bao hàm việc người ta tán dương chính mình bằng lời nói, bởi vì điều người ta quăng ném đi xa (jeter, jactance), thì họ đưa điều đó lên cao. Mà, nói một cách đích xác, người ta tán dương chính mình khi người ta nói về chính mình ở trên điều mình có. Điều đó có thể xảy ra theo hai thể cách. Trước hết, khi người nào nói về mình không phải bằng cách vượt qua chân lý, nhưng bằng cách vượt qua ý kiến người ta có đối với họ. Đó là điều thánh Phaolô tránh khi ngài viết (2Cr 12,6): "Vì nếu muốn vinh quang, tôi sẽ không phải là điên khùng, vì tôi nói thật. Nhưng xin miễn, kẻo có người đánh giá tôi quá điều họ biết, bởi thấy nơi tôi, hoặc nghe tôi nói." Theo thể cách thứ hai, đó là tán dương chính mình bằng lời nói ở trên điều người ta có thực sự. Và bởi vì người ta phải phán đoán cái gì theo điều nó có thực sự trong chính nó đúng hơn là điều nó có trong ý kiến kẻ khác, người ta một cách đích xác hơn nói tới sự khoe khoang khi người nào nâng mình lên trên điều mình có trong ý kiến của kẻ khác, mặc dầu người ta có thể nói tới sự khoe khoang trong cả hai trường hợp đó. Cho nên sự khoe khoang chính hiệu đối lập với nhân đức chân lý theo thể cách thái quá.

GIẢI ĐÁP:

1. Chứng cứ này có giá trị đối với sự khoe khoang nâng cao lên một người nào trong ý kiến.

2. Người ta có thể cứu xét tội khoe khoang theo hai thể cách. Trước hết, tùy theo loại của hành động. Và như vậy, nó đối lập với nhân đức chân lý như người ta mới nói tới. Người ta còn có thể cứu xét nó trong nguyên nhân mà do đó nó phát sinh, nếu không phát sinh luôn luôn thì ít ra cũng rất năng. Và như vậy, sự khoe khoang phát xuất từ tính kiêu ngạo, như từ nguyên nhân động nó và xúi giục nó từ bên trong, bởi vì do sự kiện người ta nâng mình lên cao bên trong trên chính mình một cách ngạo mạn, thường do đó mà bên ngoài người ta khoe khoang mình cách thái quá; nhưng đôi khi người ta khoe khoang không phải vì ngạo mạn, nhưng vì tự phụ; và người ta đã được vui thú ở đó bởi vì người ta đã trở nên như thế do tập quán. Do đó, sự ngạo mạn mà người ta nâng mình lên cao trên chính mình là một loại của tính kiêu ngạo, và loại kiêu ngạo này không đồng nhất với sự khoe khoang; những thường tạo nên sự khoe khoang đến nỗi thánh Grêgôriô đặt nó vào trong số các loại của tính kiêu ngạo. Quả thế, kẻ khoe khoang tìm kiếm thường nhất để thu lượm được sự vinh quang do sự khoe khoang của mình. Và do đó, theo thánh Grêgôriô, sự khoe khoang phát sinh bởi sự hư danh vì sự hư danh có yếu tính về mục đích đối với sự khoe khoang.

3. Chính sự giàu có tạo nên sự khoe khoang theo hai thể cách. Theo thể cách cơ hội, trong tư cách người ta trở nên kiêu ngạo vì của cải giàu có của mình. Do đó, sách Cách ngôn (8,18) liên kết sự kiêu ngạo với sự giàu có. Và sự giàu có tạo nên sự khoe khoang bằng cách là mục dích cho nó, bởi vì theo Triết gia (Eth. 4,7), một số người khoe khoang không những vì sự vinh quang, mà còn vì lợi ích, gắn cho mình những khả năng đem lại lợi ích, thí dụ, bằng cách cho mình là thầy thuốc, là người khôn ngoan, hoặc phù thủy.

 

Tiết 2

PHẢI CHĂNG SỰ KHOE KHOANG LÀ TRỌNG TỘI?

VẤN NẠN: Xem ra sự khoe khoang là trọng tội.

1. Người ta đọc thấy trong sách Cách ngôn (28,25): "Kẻ khoe khoang và vênh váo tạo ra gây gỗ". Mà đó là trọng tội, bởi vì Thiên Chúa chê ghét những kẻ gieo rắc các mối bất hòa (Per 6,19). Vậy sự khoe khoang là trọng tội.

2. Mọi cái gì bị luật Thiên Chúa phán đoán là trọng tội; mà người ta đọc thấy trong sách Huấn ca (6,2): "Ngươi đừng tán dương ngươi trong các tư tưởng tâm hồn ngươi". Sách Chú giải nói rằng Thiên Chúa cấm sự khoe khoang và tính kiêu ngạo.

3. Sự khoe khoang là một loại nói dối. Mà nó không phải là sự nói dối hảo ý hay vui vẻ người ta trông thấy nó tùy theo mục đích được sự nói dối theo đuổi. Theo Triết gia (Eth. 4,7), kẻ khoe khoang đặt mình lên trên sự thực tại, đôi khi không có lý do nào, đôi khi vì vinh quang hoặc vì danh dự, đôi khi vì tiền bạc. Vậy sự nói dối của nó rõ ràng không phải là sự nói dối vui vẻ, cũng không phải là sự nói dối hảo ý; do đó nó luôn luôn là sự nói dối tai hại. Vậy nó xem ra luôn luôn là trọng tội.

TRÁI LẠI: Sự khoe khoang, theo thánh Grêgôriô (Moral. 31,45), phát xuất từ hư danh không luôn luôn là trọng tội, nhưng là tội nhẹ mà người ta không tránh nó thì người ta không hoàn hảo mấy. Vì thánh nhân nói (Moral. 8,48): "Điều bất hoàn hảo là tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa trong các công việc lành người ta làm, thay vì sự vui mừng ích kỷ trong các lời ca ngợi người ta có thể lãnh nhận từ đó." Vậy sự khoe khoang không phải luôn luôn là trọng tội.

TRẢ LỜI: Như người ta đã nói ở trước (Q.24, a.12), trọng tội là tội trái nghịch với đức mến. Mà sự khoe khoang được cứu xét ở hai phương diện. Trước hết tại sự, nó là như sự nói dối. Như vậy nó là trọng tội, nếu sự nói dối mà do đó người ta làm vinh quang chính mình gây nên tổn thương đối với sự vinh quang Thiên Chúa: đó là vua xứ Tyrô mà tiên tri Êdêkien đã quở trách sự khoe khoang (28,2): Con người hỡi, hãy xướng ai ca trên vua Tyrô và nói với nó: Đức Chúa Giavê phán thế này:Nhân vì lòng ngươi tự cao, và ngươi đã dám nói: 'Ta là thần! Ta ngự nơi thần linh trấn ngự trong lòng biển cả; hoặc nếu sự nói dối làm tổn thương đức mến với người đồng loại mà người ta gây nên sự lăng mạ trong khi khoe khoang, đó là người Biệt phái, khi họ nói: Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình hay là như tên thu thuế kia' (Lc 18,11). Nhưng đôi khi nó chỉ là tội nhẹ, nếu các sự nói dối mà người ta đề cao chính mình không chống lại Thiên Chúa, cũng không chống lại người đồng loại.

Thứ đến, sự khoe khoang được cứu xét trong nguyên nhân của mình: tính kiêu ngạo, sự ước muốn lời lãi hoặc sự hư danh. Nếu nó phát xuất từ tính kiêu ngạo hay từ sự hư danh vốn là tội trọng, nó cũng là trọng tội. Nếu cách khác, nó là tội nhẹ.

Song đôi khi nếu sự khoe khoang xuất hiện vì muốn lời lãi, điều đó xem ra thuộc về sự đánh lừa và sự làm thiệt hại người đồng loại và do đó, một sự khoe khoang như thế gần hơn với trọng tội. Triết gia (Eth. 4,7) đã nói: "Khoe khoang để được tiền bạc thì xấu xa hơn khoe khoang để làm cho mình được vinh danh và có giá trị." Tuy nhiên đó không phải luôn luôn là trọng tội, vì có thể có sự lợi lộc không gây nên thiệt hại cho người khác.

GIẢI ĐÁP:

1. Kẻ khoe khoang để gây nên sự gây gỗ, phạm trọng tội. Mà xảy ra là sự khoe khoang chỉ bằng cách ngẫu trừ có tương quan đến các cuộc gây gỗ; trong trường hợp này, nó không phải là trọng tội.

2. Sách Chú giải ở đây nói tới sự khoe khoang gây nên bởi tính kiêu ngạo bị cấm đoán, và tính kiêu ngạo này là trọng tội.

3. Sự khoe khoang không luôn luôn bao hàm sự nói dối tai hại, nhưng chỉ trong những trường hợp mà, hoặc do chính nó, hoặc do nguyên nhân của nó, nó trái ngược với tình yêu đối với Thiên Chúa hoặc đối với người đồng loại. Việc khoe khoang vì sự vui thú người ta được gặp ở đó, đó là cái gì hư ảo, vô lối theo chủ trương của Triết gia (Eth. 4,7), và sự vui thú này có thế quy về với sự nói dối vui vẻ; trừ phi người ta được thích thú ở đó đến nỗi người ta vì đó mà khinh chê các giới mệnh của Thiên Chúa; điều đó rõ ràng đi trái ngược với tình yêu phải có đối với Thiên Chúa, mà chỉ ở nơi Thiên Chúa, linh hồn chúng ta phải nghỉ ngơi như ở trong cùng đích của mình. Việc khoe khoang để thu lượm được sự vinh quang và tiền bạc xem ra quý về sự nói dối hảo ý với điều kiện điều đó không làm hại người đồng loại, đó hẳn là sự nói dối tai hại.

 

Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch

Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính


Câu hỏi 111
Câu hỏi 113

.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt