J. M. BOCHENSKI
TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG HIỆN ĐẠI
CONTEMPORARY EUROPEAN PHILOSOPHY
(Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao, 1969)
I – NGUỒN GỐC TRIẾT HỌC CẬN ĐẠI
1. Thế kỷ thứ XIX
A. ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC CẬN ĐẠI
MỤC LỤC
TRIẾT HỌC VỀ NHÂN SINH
TRIẾT HỌC VỀ YẾU TÍNH THỂ
TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU
TRIẾT HỌC VỀ THỂ TÍNH
PHỤ LỤC
|
Triết học cận đại, nghĩa là tư tưởng triết học trong khoảng 1600 -1900, đã hoàn toàn đi vào lịch sử. Tuy nhiên, triết học của thời đại chúng ta, nền triết học đích thực đang hiện hành, phát xuất từ sự bất đồng với nó, đồng thời phát triển và cố gắng vượt qua nó; do đó, để thấu hiểu tư tưởng ngày nay ta cũng cần có một nhận thức về quá khứ, và chúng ta cũng cần phải cố ghi lại nền tảng và sự phát triển của triết học cận đại trong những nét bao quát.
Ta biết rằng triết học ấy phát sinh từ sự suy sụp của nền triết học kinh viện. Đặc điểm của óc kinh viện này là đa nguyên luận (thừa nhận đa nguyên tính của các thực thể (pluralité dentités) và các đẳng trật của những sai biệt) và chủ thuyết nhân vị (do nhận thức về giá trị nổi bật của thế vị con người), khái niệm hữu cơ về thực tại cũng như thái độ tôn thần (theocentrism) – Thượng đế sáng tạo ở ngay tâm điểm thị kiến. Phân tích chi tiết kiểu luận lý về những vấn đề có thể là đặc điểm của phương pháp kinh viện. Triết học cận đại đối lập tất cả những chủ điểm này. Những nguyên lý căn bản của nó là cơ giới luận (mécanisme), loại trừ khái niệm coi thể tính như là hữu cơ và có đẳng trật, và chủ quan luận (Subjectivism) kéo sự chú tâm của con người ra khỏi Thượng đế và thay đổi trung tâm quan hệ sang chủ tri. Về phương pháp mà nói, triết học cận đại quay lưng lại với luận lý học hình thức (logique formelle). Với một vài ngoại lệ đáng kể, nó được biểu trưng bởi sự phát triển của những hệ thống lớn, và lơ là về sự phân tích.
Chính René Descartes (1596-1650) là người đã mang lại sự biểu lộ toàn vẹn cho chuyển hướng này. Trước hết, Descartes là một nhà duy cơ giới (mécaniste). Dù ông nhận có hai cấp bậc của thể tính: tâm thể (esprit) và vật thể (matière) nhưng theo ông toàn bộ thực tại phi tâm (whole of nonmental reality) có thể giản lược vào những khái niệm hoàn toàn cơ giới (phương vị, chuyển động, động lực), và mọi biến cố đều cắt nghĩa được bằng những luật cơ giới, khả lượng. Đồng thời ông là một nhà chủ quan luận (subjectivist) – với ông tư tưởng là dữ kiện tối sơ và điểm khởi hành nhất định của triết học, thêm nữa ông là nhà duy danh (nominaliste) – chỉ có tri giác giác quan về những sự vật cách biệt, không thể có trực giác trí năng. Sau hết, Descartes là một đối thủ kịch liệt của luận lý học hình thức. Thực sự ông ta không biết đến một phương pháp triết học đặc biệt nào cả. Ông thích áp dụng vào mọi nơi phương sách (nói theo triết học, phương sách không được phân tích) của những khoa toán học tự nhiên.
Một khi những nguyên tắc này được chấp nhận, vấn đề sẽ không thể giải quyết được. Nếu cơ cấu của vũ trụ chỉ là một tổ hợp của những thành phần như một bộ máy, thì làm thế nào để cắt nghĩa những yếu tố tinh thần? Đằng khác, làm sao người ta có thể đạt đến thực tại tính của thế giới này khi đi từ một tư tưởng mà chắc chắn là dữ kiện duy nhất và trực tiếp? Nhưng, đây là câu hỏi căn để nhất, làm sao lại có được nếu ta chỉ nắm được những sự vật cá biệt, nhất là khi chính do nhận thức này liên tục tạo ra những khái niệm tổng quát và những định luật phổ biến cho chúng ta?
Chính Descartes đã tự cố gắng giải quyết những vấn đề này bằng cách giả định rằng chúng ta có những ý tưởng bản hữu (idées innées) có những định luật của tư tưởng và của thể tính chúng hoàn toàn diễn ra song hành. “Cogito” nổi tiếng của ông bảo đảm ông tiến gần thực tại. Theo ông, tâm có tác dụng nhân duyên (influence causale) đối với vật chất. Một nhóm tư tưởng gia, được gọi nhầm là duy lý (rationalists) đã chấp nhận lý thuyết của ông về những ý tưởng bản hữu, trong đó chính yếu là: Baruch Spinoza (1632-1677), Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716), và Christian Wolff (1679-1754). Nhóm khác, những nhà duy nghiệm Anh (empiriste anglais) hoạt động một cách có luận lý hơn: họ chấp nhận hoàn toàn những hậu quả của cơ giới luận, mở rộng sự ứng dụng của nó vào cả tâm, và kết hợp nó vào với chủ quan luận và duy danh luận triệt để. Lập trường này người ta có thể thấy trong những tiểu luận của Sir Francis Bacon (1561-1621) nhưng kết cấu có hệ thống của nó thì do John Locke (1632-1704), George Berkeley (1685-1753) và nhất là David Hume (1711-1776). Humg coi linh hồn chỉ như một gói những ảnh tượng, gọi là những “ý tưởng” (“the mind is a bundle of the ideas”). Chỉ có những ý tưởng là trực tiếp khả tri; những định luật phổ quát chỉ là thành quả của liên tưởng lặp lại và như vậy chúng không thể có một giá trị khách quan nào, và ngay cả hiện hữu của thế giới ngoại tại cũng được giản lược vào một chữ “tín”. Hume mà được cứu thoát khỏi chủ thuyết hoài nghi toàn diện là chỉ nhờ tín ngưỡng tuyệt đối luận (fideism) lòng tin cậy vào chữ tín của ông, nếu không, mọi sự vật chắc chắn nằm trong nghi ngờ: tâm, thực tại, và nhất là nhận thức. Các khoa học tự nhiên đang tạo những bước tiến lớn cùng lúc ấy, và lần lần chúng gợi lên một cái nhìn duy vật, sở dĩ thế là vì trong lĩnh vực này không có một nền triết học thuần túy nào thách đấu chúng. Chủ thuyết duy vật do Thomas Hobbes (1588-1679) khởi sáng được phát triển thêm do những triết gia như Etienne Bonnet (1720-1793), Julien Offray La Mettrie (1709-1751), Paul Heinrich Dietrich von Holbach (1723-1789), Denis Diderot (1713-1784), và Claude Adrian Helvetius (1715-1771).
B. KANT
Immanuel Kant (1724-1804) tự thấy đối diện với tình trạng thực là tuyệt vọng này, một nguy cơ cho tư tưởng. Ông nhận lấy nhiệm vụ cứu thoát tâm, nhận thức, thực tại và tôn giáo mà không bỏ qua bất cứ một định đề nào của tư tưởng cận đại. Như thế ông đã không ngần ngại chấp nhận toàn bộ cơ giới luận mà ông cho là có giá trị đối toàn thể thế giới thực tiễn, kể cả thế giới của tư tưởng chủ quan. Nhưng, với ông, cái thế giới này đã là thành quả của một tổng hợp (synthèse) mà chủ tri siêu nghiệm (transcendental subject) kiến thiết nên từ tố chất vô hình của kinh nghiệm. Tiếp theo, định luật của luận lý học, toán học, và những khoa học tự nhiên đều có giá trị đối với thế giới này bởi vì chính tư tưởng đặt chúng ở đây và làm những căn thể đích thực cho chúng. Nhưng “chủ tri thuần túy” không thể được đặt dưới những định luật này vì nó không phát khởi từ thế giới hiện tượng, trái lại, nó thiết lập thế giới này và xác định những định luật của thế giới đó. Như thế nhận thức và tâm cả hai cùng lúc được cứu thoát. Nhưng trong đường lối này vật tự nhĩ (chose-en-soi), một thực tại tự tồn đằng sau hiện tượng, không thể biết được; nhận thức bị hạn cuộc trong phạm vi tri giác giác quan, và vượt ngoài kinh nghiệm thì “những phạm trù đều trống rỗng”. Tiếp theo, không có cách thái nào của nhận thức khả dĩ giải quyết những vấn đề sâu xa về hiện hữu và sự sống của con người – không thể có siêu hình học. Sự thật là Kant tấn công luôn vấn đề hiện hữu của Thượng đế, bất tử tính và tự do tính – với ông chúng là ba vấn đề cơ bản của triết học – nhưng ông giải quyết chúng bằng những phương thức ngoại lý qua những định đề về ý chí (les postulats de la volonté).
Triết học Kant là một tổng hợp (synthèse) hai yếu tố chính yếu của triết học cận đại: cơ giới luận và chủ quan luận. Chính yếu, nó phát xuất từ khái niệm luận triệt để (conceptualisme radical) – chủ tri siêu nghiệm là nguyên lý hình thành tạo nên nội dung khả tri của thế giới, một nội dung lại càng có thể giản lược vào những tương quan đơn giản. Thế thì thực tại bị tách ra làm hai thế giới, một thuộc thường nghiệm và hiện tượng, thế giới chủ tri bất biến đối với những định luật cơ giới, và một nữa là thế giới của những vật tự nhĩ, của “bản thể” (nouème) mà lý tính không đạt đến được. Kant đem cho triết học cận đại hình thức xứng đáng nhất và biểu lộ trọn vẹn nhất của nó; nhưng đồng thời ông ta cũng đẩy nó vào một con đường nguy hiểm.
Khó mà đánh giá ảnh hưởng của chủ thuyết Kant (Kantisme) gây ra trên dòng phát triển sau cùng của triết học: ông đã ngự trị thế kỷ XIX và vẫn còn chiếm một số môn đồ đáng kể cho đến ngày nay, mặc dù có phản ứng chống lại ông vào cuối thế kỷ; ông là nguồn mạch cho những trào lưu chính của tư tưởng ở thế kỳ XIX. Kant đã phản đối khả hữu tính của bất cứ siêu hình học duy lý nào và nhất định chỉ nhận có hai phương cách nhận thức; thứ nhất, thực tại có thể được thám hiểm bằng phương pháp khoa học, và trong trường hợp này triết học hẳn là một tổng hợp những thành quả của các khoa học chuyên biệt; thứ hai, người ta có thể nghiên cứu những tiến trình mà theo đó thực tại; được hình thành bởi tâm; trong trường hợp này triết học sẽ là một phân tích về sự sinh thành của những ý niệm. Trên thực tế, hai ngành triết học ở thế kỷ XIX là những phát triển của cả hai khả tính này. Chủ thuyết thực dụng (positivisme) và chủ thuyết duy vật (matérialisme) quy chiếu vai trò của triết học vào sự thống nhất những khoa học, trong khi chủ thuyết duy tâm ( idéalisme) đưa ra những hệ thống mà ở đó chúng cố gắng cắt nghĩa thực tại như là sản phẩm của những tác dụng trí năng.
C. CHỦ THUYẾT LÃNG MẠN (Romantisme)
Còn một yếu tố khác xuất hiện đầu thế kỷ XIX, và đóng một vai trò quan trọng sau này, đó là chủ thuyết lãng mạn. Đây là một phong trào đa dạng và khó mà xác định. Nhưng ta có thể nói mà không quá giản lược rằng những sắc thái chính yếu của nó là tán dương đời sống tâm linh được gợi lên do sự phản ứng mạnh mẽ chống lại chủ thuyết cơ giới. Cố gắng của Kant nhằm loại bỏ những hậu quả cơ giới luận đã được thể hiện bằng những ngã đường thuần lý nhưng vẫn còn một lối khác: từ bỏ lý tính. Hiển nhiên chính bởi các thi sĩ, nghệ sĩ và văn gia cự tuyệt tính chất cân đối của khuôn hình thế giới khoa học, họ nổi lên chống lại khoa học thuần lý bằng cách nêu cao xúc cảm, đời sống và tôn giáo, đồng thời xác quyết rằng có những ngã đường khác tiến đến thực tại ngoài khoa học ra.
Thế nhưng, chủ thuyết lãng mạn không nhất thiết phải là ngoại lý (irrationaliste), và thỉnh thoảng người ta thấy nó sốt sắng binh vực cho lý tính. Nhưng, luôn luôn nó nhấn mạnh trên đà lưu chuyển, đời sống và sự tăng tiến. Các triết gia thế kỷ XVII và XVIII thảy đều duy trì một khái niệm cứng đọng về thế giới, bởi vì với cơ giới luận thế giới là một bộ máy được thiết lập một lần là xong; đó là một cơ cấu vĩ đại không mất cái chi cả và cũng không tạo ra cái chi mới. Chủ thuyết lãng mạn đem tất cả sức mạnh ra tấn công vào chủ kiến này và do đó đã tạo được một ảnh hưởng lớn cho nó suốt trong dòng thế kỷ XIX.
D. NHỮNG TRÀO LƯU CHỦ YẾU
Nét đặc hữu của thế kỷ XIX là khuynh hướng cực kỳ mãnh liệt chú ý đến sự thiết lập các hệ thống. Tổng hợp bao trùm cả phân tích. Vào đầu thế kỷ, khuynh hướng này đặc biệt biểu lộ trong duy tâm luận của Đức. Nhiệm vụ sáng tạo của tâm được Kant nhấn mạnh, và khái niệm này giờ lại được nới rộng để ủng hộ và ý niệm lãng mạn về lẽ biến hành (devenir). Đó là những hệ thống duy tâm của Johann Gottlieb Fichte (1762-1814), Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854), và đứng đầu là George Wilhelm Frierich Hegel (1770-1831). Hegel nhìn nhận thực tại như là quá trình biện chứng (developement dialectique) của lý tính tuyệt đối (raison absolue) trải qua chính đề (thèse) và phản đề (antithèse) tiến đến một tổng hợp (synthèse) mới. Triết học Hegel là một chủ thuyết duy lý triệt để (rationalisme radical), nhưng đặc điểm linh động và tiến hóa của nó cũng khiến cho nó rất lãng mạn (romantiane).
Liền đó, một chuỗi những hệ thống bắt nguồn từ các khoa học chuyên biệt đã thay thế duy tâm luận này. Ở đây trước hết ta phải kể là duy tâm luận của Đức như Ludwig Feuerbach (1804-1872), Jacob Moleschott (1822-1893), Ludwig Büchner (1824-1899), và Karl Vogt (1817-1895). Những đại biểu của tất định thuyết triệt để (déterminisme radical) này từ chối ngay cả hiện hữu của tâm. Ta cũng phải kể thêm chủ thuyết thực dụng (positivisme), khởi đầu từ nước Pháp do Auguste Comte (1798 – 1885), chấm dứt với một môn đệ người Anh là John Stuart Mill (1806-1873) và những môn đồ Đức là Ernst Laas (1837-1885) và Friedrich Jodl (1848-1914). Với tất cả những người này, triết học chỉ là một tổng hợp của những khoa học – khoa học theo nghĩa cơ giới luận. Hai khuynh hướng này được khích lệ mạnh mẽ bởi chủ thuyết của Charles Darwin (1809-1882) tác phẩm nổi danh của ông là Về nguồn gốc của các chủng loại qua tuyển trạch tự nhiên (De l’Origine des Espèces par la Sélection Naturelle – 1859) mô tả sự tiến hóa của những chủng loại bằng một tinh thần thuần túy cơ giới. Khái niệm vừa lãng mạn và vừa Hegel về sự tiến hóa nhờ đó tiếp nhận một nền tảng khoa học mà nó chỉnh đốn để duy trì, nhưng rồi lại bị rằng buộc với óc cơ giới. Nó trở thành một học thuyết phổ biến và dẫn đến tiến hóa luận nhất nguyên (évolutionnisme moniste) mà những đại biểu hàng đầu và kiểu mẫu nhất là Thomas Henry Huxley (1825-1895) và Herbert Spencer (1820-1905) Ernst Haeckel (1834-1919) cũng tham dự một phần với tư cách là người rao truyền (vulgarisateur) nổi tiếng nhất.
Hình như trong những năm 1850-1870 thuyết tiến hóa cơ giới và nhất là duy vật lộ liễu đã chiếm ưu thế ở châu Âu. Tuy vậy, ngay sau 1870, xuất hiện một sự trở về với duy tâm luận, trước hết là ở Anh với Thomas Hill Green (1836-1882) và Edward Caird (1835-1908), họ quy tụ một trường phái quan trọng bao quanh; rồi đến ở Đức một trung tâm giảng dạy có tổ chức về Tân chủ Kant (Néo-kantisme) được thiết lập tại những trường Marburg và Baden với sự tham dự của Otto Liekmann (1840-1912) và Johannes Volkelt (1848-1930). Ở Pháp, tân chủ thuyết phê bình (néocriticisme) được truyền bá do Charles Renouvier (1815-1903), và một nhà duy tâm luận Pháp quan trọng khác là Octave Hamelin (1856-1907). Nhưng phong trào này không thể đạt được độc quyền toàn bẹn bởi vì những khuynh hướng mạnh mẽ về thực dụng và tiến hóa vẫn tiếp tục tồn tại cho đến cuối thế kỷ.
Như thế, ta thấy rõ, sự phát triển của tư tưởng ở Âu châu trong dòng thế kỷ XIX diễn ra phù hợp với ba giai đoạn biện chứng: duy tâm luận, tiến hóa luận chủ khoa học (evolutionnisme scientiste) và một cộng tồn của hai khuynh hướng. Dù chống đối nhau, cả hai khuynh hướng đều có chung những nét chính. Khuynh hướng nhắm đến hệ thống; một thái độ duy lý rõ rệt hướng đến thế giới của kinh nghiệm, một thái độ không thèm thâm nhập khu vực của thực tại đằng sau những giả tượng – hay cả đến việc phủ định nó; và sau hết, khuynh hướng nhất nguyên đặt thế vị con người (personne humaine) trong tuyệt đối hay trong tiến hóa của vũ trụ. Duy lý luận (rationalisme), duy tượng luận (phénoménalisme), tiến hóa luận (evolutionnisme), nhất nguyên phản nhân vị luận (antipersonnalisme monisme) và sự phát triển của những hệ thống lớn đã xác định một cách quảng bác khuôn diện của thế kỷ XIX.
E. NHỮNG TRÀO LƯU THỨ YẾU
Tuy nhiên, duy tâm luận và thực dụng tiến hóa luận (évolutionnisme positiviste) không phải độc nhất ngự trị tư tưởng của thời đại này. Song song với chúng, hai khuynh hướng quan trọng khác, dù trưởng thành yếu hơn và ảnh hưởng nhỏ hơn: chủ ngoại lý (irrationalisme) và siêu hình học (métaphysique).
Chủ ngoại lý (irrationalisme) thịnh hành nhờ chủ thuyết lãng mạn nổi lên đầu tiên chống lại duy lý luận Hegel. Phát ngôn viên của nó là Arthur Schopenhauer (1788-1860), với ông tuyệt đối thể không phải là lý tính, nhưng là một ý chí mù quáng và ngoại lý (volont é aveugle et irrationelle). Tiếp theo ông, tư tưởng gia tôn giáo Đan Mạch, Soren Kierkegaard (1813-1855), đã thúc đẩy cuộc tấn công duy lý luận xa hơn. Đồng thời, những khuynh hướng chủ chí (volontariste) và ngoại lý, dù ít được chú ý, về sau đã thiết lập một đại biểu Pháp là François Pierre Maine de Biran (1766-1824).
Sau này, chủ ngoại lý tấn công duy lý luận phát xuất từ những khoa học chuyên biệt lúc này vẫn còn được đặt trên lý thuyết về tiến hóa của Darwin. Nhà tiên tri số một của nó là Friedrich Nietzsche (1844-1900) đã tuyên bố rằng bản năng sinh tồn cao hơn lý tính, và đòi hỏi lật ngược tất cả mọi giá trị, và binh vực sự tôn thờ siêu nhân. Tiến hóa luận cũng đã làm khởi điểm cho triết học của Wilhelm Dilthey (1833-1912); ông ta đặt giá trị tối cao vào lịch sử và giảng dạy tương đối luận triết học (relativisme philosophique). Một hình thức nguyên ủy của tương đối luận còn được tìm thấy ở George Simmel (1858-1918).
Siêu hình học mang lại cho tư tưởng triết học thế kỷ XIX một trào lưu thứ yếu khác. Những nhà siêu hình học tuyên bố là có thể đạt đến thế giới đằng sau những hiện tượng; người ta có thể thường thấy ở họ những khuynh hướng nhắm đến một siêu hình học đa nguyên luận (pluralisme métaphisique), song song với một tầm nhìn xa vào trong những vấn đề cụ thể của nhân sinh. Họ chỉ là những tư tưởng gia biệt lập, chưa từng biến thành những trường phái rộng rãi hơn và có tổ chức hơn. Những người Đức được kể đến là Johann Friedrich Herbart (1776-1841), Gustav Theodor Fechner (1801-1887), Rudolf Hermann Lotze (1817-1881) và Eduard von Harmann (1842-1906), được kế tiếp, với những thay đổi, do Wilhelm Hartmann (1832-1920), Rudolf Eucken (1846-1926) và Friedrich Paulsen (1846-1908).
Ở Pháp, những đại biểu cho siêu hình học là Victor Cousin (1792-1867) và các môn đệ của ông, như Paul Janet (1823-1899) trong khi đó nó trở nên sắc thái cứng chắc hơn trong những hệ thống của Félix Ravaisson Molien (1813-1900) và Jules Lachelier (1832-1918) – chỉ tiêu danh những tên chủ yếu. Đằng khác, không có khuynh hướng quan trọng nào trong lãnh vực này xuất hiện ở Anh.
Tuy nhiên, cả ngoại lý và siêu hình trong thời kỳ này phải dựa trên những vấn đề do Kant đặt ra chẳng khác nào những triết gia khác mà chúng ta đã bàn ở trên. Học thuyết của Kant, theo đó lý tính không thể đạt được những vấn đề siêu hình, đã trực tiếp hứng khởi một khía cạnh của chủ ngoại lý; trong khi chủ thuyết duy lý của ông gợi lên một khía cạnh khác của chủ ngoại lý đối lập với Kant. Cũng thế, những ảnh hưởng của duy nghiệm cơ giới theo mẫu thức Darwin không phải không có, nhất là ở Nietzsche. Bỏ qua những vẻ chống đối các nhà siêu hình học thời kỳ này cũng giống thế. Họ thảy đều tin vào nhị nguyên luận về thế giới hiện tượng và về thể tính tự nhĩ (l’être en soi) ngoài ra, phần lớn cũng được sắp hàng vào cơ giới luận. Chúng ta hãy ghi nhận rằng tầm quan trọng của cả hai khuynh hướng này chỉ tương đối, và không thể so với duy tâm luận và duy nghiệm luận, chúng là những thế lực nổi bật của triết học Âu châu ở thế kỷ XIX.
2. Khủng hoảng
A. NHỮNG CHUYỂN HƯỚNG
Cuối thế kỷ XIX, sự kiện hiển nhiên đã xảy ra là một cuộc khủng hoảng triết lý trầm trọng; triệu chứng của nó là sự phát khởi của những phong trào chống lại hai thế lực mạnh mẽ trong triết học cận đại, duy vật cơ giới luận (mécanisme matérialiste) và chủ quan luận (subjectivisme). Sự phản kháng vượt xa ngoài môi trường triết học và có thể so sánh với cuộc khủng hoảng lớn đã làm nảy sinh nền văn hóa cận đại ở thời phục hưng. Rất khó mà đưa ra một khuôn hình toàn diện của nó với những nguyên nhân phụ trợ nhưng chính những sự kiện hiển nhiên cũng đủ làm sáng tỏ vấn đề. Vào thời này, Âu châu đang trải qua một chuyển hướng quan trọng trong tư tưởng xã hội và đang chịu đựng những nhiễu loạn kinh tế nghiêm trọng; có những mối phân vân đáng chú ý trong tư tưởng tôn giáo và những cải cách triệt để trong nghệ thuật. Trên đại thể, ai cũng đồng ý rằng sự khởi đầu của thế kỷ XX không phải chỉ là sự chấm dứt của một thời kỳ ngắn ngủi, mà đúng hơn là màn chót diễn ra trên một thời kỳ lớn đang khép lại, khiến cho thời đại chúng ta không thể được liệt vào thời cận đại (moderne) nữa. Hẳn không phải là không có lý khi người ta nhận định rằng cuộc cách mạng sau cùng này triệt để hơn những gì đã xảy ra ở thời phục hưng. Dù sao, những khái niệm cơ bản trong mọi môi trường của cuộc sống đã bị chấn động, và những trận chiến hiện đại bùng nổ đã thúc giục đà tan vỡ đưa đến khủng hoảng.
Dĩ nhiên một biến chuyển căn để như vậy trong đời sống tinh thần có quan hệ sâu xa với những biến chuyển trong những tương quan xã hội, biến chuyển ấy thực sự dù sao cũng là do những tương quan ấy tạo nên. Tuy nhiên, trong tình trạng khoa học ngày nay, người ta không thể đẩy mối quan hệ song hành đó đi đến chi tiết. Vì vậy, chúng ta phải tự hạn chế vào việc thiết lập những nguyên nhân trực tiếp về tinh thần và những giới hạn của sự biến chuyển này.
Người có thể phân chúng thành ba nhóm. Thứ nhất là sự khủng hoảng ở vật lý học và toán học mà một đằng đưa đến sự phát triển cao độ của tư tưởng phân tích và đằng khác tinh thần kiểu mẫu của thế kỷ XIX. Nhóm thứ hai là hai phương pháp bắt đầu phát triển trong thời đại này, phương pháp toán học và phương pháp hiện tượng học. Sau hết, nhóm thứ ba được thiết lập do một vài khái niệm về thế giới, quan trọng nhất là chủ ngoại lý (irrationalisme) và siêu hình học duy thực kiểu mới (nouvelle métaphysique réaliste). Những phong trào đa biệt về tinh thần này đều có liên hệ với nhau trong nhiều đường hướng. Tỉ dụ như luận lý toán học có liên hệ mật thiết với cuộc khủng hoảng siêu hình học, trong khi đó cuộc khủng hoảng vật lý học tăng cường chủ ngoại lý; [41]và thường chính những tư tưởng gia này trở thành những sáng lập viên của phương pháp hiện tượng học và của duy thực kiểu mới. Có những hỗ tương ảnh hưởng giữa các nhà tiền phong của hiện tượng học và của luận lý toán học.
Dù có những mối hỗ tương quan hệ này, nhưng khó mà thiết lập sự song hành cho cuộc phát khởi của những phong trào đồng thời này, cả hai khác nhau rõ rệt trong những nguồn mạch lịch sử cũng như trong những chủ đích của chúng. Thực sự, các phong trào ấy mở ra một biến chuyển toàn bộ của triết học.
B. KHỦNG HOẢNG VẬT LÝ HỌC NEWTON
Phần lớn các triết gia thế kỷ XIX xem vật lý học Newton như là một khuôn hình tuyệt đối chân thật của thiên nhiên. Họ nhìn thấy trong đó một mô tả minh nhiên về thực tại mà nơi đây mọi vật có thể được giản lược vào một vị trí và một động lực của những nguyên tử vật chất (cơ giới luận). Giả sử rằng tình trạng hiện tại đã được đưa ra và những thế lực ảnh hưởng trên các phân tử vật chất đã được nhận ra, người ta tin tưởng là có thể tính toán được tất cả sự tiến hóa trước và sau của thế giới bằng những định luật cơ khí (tất định thuyết của Laplace). Các nguyên tắc và cả các lý thuyết về vật lý học đều được thừa nhận là tuyệt đối đúng (tuyệt đối luận). Vật chất có vẻ như là dữ kiện đơn thuần và, về phương diện luân lý, mọi vật đều phải được giản lược vào dữ kiện đơn thuần này (duy vật luận). Thêm nữa, khoa vật lý học đã là tối cổ của những khoa học thiên nhiên và đã chứng tỏ giá trị của nó trong kỹ thuật học (technologie). Những ngành khác của tri thức, được nảy nở sau này ở thế kỷ XIX, nhất là sử học, chưa hoàn toàn nổi bật.
Nhưng vào cuối thế kỷ, hình ảnh vật lý về thiên nhiên này đã dẫn đến chỗ nghi ngờ. Dĩ nhiên, không phải đúng như người ta thường giả thuyết, rằng khoa vật lý học mới không chấp nhận vật chất, nghĩa là hoàn toàn loại bỏ tất định luận (déterminisme), hay nó không chấp nhận một vài mệnh đề nào đó là chính xác. Song còn có nhiều điều kể như là tuyệt đối chính xác bất ngờ hình như đáng được bàn lại. Bây giờ thì không nghi ngờ gì nữa, vật chất không phải là cái chỉ đơn thuần mà là quá ư phức tạp và vẫn còn nhiều chướng ngại lớn đối với việc công thức nó trên phương diện khoa học. Ngoài ra, nó đã chứng tỏ là cố suy tính vị trí và thế lực của một phần tử vật chất là không thể được. Dù sao, tất định thuyết dưới hình thức Laplace của nó đã trở thành bất vững. Phải chăng tất định thuyết, trên phương diện tổng quát, bây giờ đã mất hiệu lực hay nó vẫn còn có thể tồn tại dưới một hình thức khác? Đó là câu hỏi còn được đặt ra cho những nhà vật lý học lỗi lạc. Eddington, nhà thiên thể lý học (autrophysiste) bậc nhất, đã nói rằng “ông ta là một nhà tất định luận và cùng lúc ông ta là kẻ chống lại thuyết thế-giới-làm-bằng-miếng-pho-mát-xanh; không có sự kiện hiển nhiên cho cả hai giả thuyết.” Cơ giới luận mãi sau này đã thừa nhận một hình thức mới. Whitehead, một trong những người sành sỏi nhất về tình trạng này, nhận xét rất đúng rằng vật lý học cũ coi thế giới như một đồng cỏ mà nơi đó những con ngựa tự do phi nước đại, trong khi vật lý học mới coi nó như một nơi có những thiết lộ ngang qua mà trên đó các con tàu chạy theo lối cũ của chúng. Như thế, tân “cơ giới luận” tiến rất gần đến một khái niệm hữu cơ về thực tại. Sau hết, lý thuyết tương đối tính thuyết lượng tử (theorie de quanta), cũng như những khám phá khác trong vật lý học, đã đặt lại vấn đề tất cả những thành quả được coi là tuyệt đối đúng.
Những đảo ngược tư tưởng này trong lĩnh vực vật lý học đã tạo nên một ảnh hưởng trên triết học ở hai chiều hướng. Chính các nhà vật lý học không còn đồng ý nhau là cơ giới luận và tất định luận có thể còn nên duy trì hay không và trong mức độ nào. Thêm nữa, họ thảy đều tỏ ra quan tâm đến việc làm thế nào người ta có thể công thức hóa vật chất một cách khoa học, mà bấy giờ hình như lại càng quá phức tạp hơn, và họ cố sức để nhận thấy những đặc điểm tương đối trong những lý thuyết của mình. Những sự kiện này khiến nó không thể đặt cơ giới luận và tất định luận trên thẩm quyền của vật lý học và quả thực chúng đã chứng minh mọi cố gắng cắt nghĩa trong môi trường vật chất đều đáng nghi ngờ tột độ.([1])
Dù sao, một hậu quả khác, và còn khẩn yếu hơn, của cuộc khủng hoảng vật lý học đã xuất hiện lộ liễu, đó là những khái niệm và những mệnh đề của vật lý không thể tiếp nhận từ triết học mà không có sự phân tích, và phương pháp đi đến những kết luận về thiên nhiên vật lý từ lập trường triết học không thể coi như là có giá trị tiên thiên (a priori). Hiển nhiên, Descartes và Kant trong mối liên hệ này đã phạm phải một sai lầm hoàn toàn ngây thơ. Nhưng từ tất cả điều này chúng ta thấy rằng sự khủng hoảng của vật lý học về phương diện khác đã đánh thức phương cách gọi là phân tích của tư tưởng mà người ta cho là kiểu mẫu của triết học ở thế kỷ XX.
C. PHÊ BÌNH KHOA HỌC
Tình trạng vừa được mô tả không phải là hậu quả của những phát triển khoa học thuần kỹ thuật. Các tư tưởng gia trong nhiều bình diện khác nữa cũng đã phụ sức gây nên, họ phân tích và đôi khi đặt vấn đề những phương sách của khoa học thiên nhiên qua một thời gian dài trước khi cuộc khủng hoảng bùng nổ. Các lãnh tụ về phía gọi là “phê bình khoa học” này là các triết gia Pháp, đáng kể là Émile Boutroux (1845-1921), De la contigence de loi de la nature, 1847; De l’idée des loi naturelle, 1894, Pierre Duhem (1861-1916) tác phẩm quan trọng đầu tiên: (La Mixte et la combinaison chimique, 1902) và Henri Poincaré (1853-1912), La science et l’hypothèse (1902).
Trường phái này song hành đồng thời với những cố gắng của thuyết phê bình duy nghiệm (empiriocriticisme), thuyết này đi đến những kết luận từ một lập trường duy thực. Richard Avenarius (1843-1916) cho ra quyển Kritik der reinen Erfahrung giữa năm 1888 và 1890 và Ernst Mach (1838-1916) cho ra đời tác phẩm chính yếu của ông năm 1900, trong đó trình bày một chủ thuyết phê bình rất là gắt gao về thuyết cho rằng khoa học có một giá trị tuyệt đối.
Phê bình khoa học nhắm đến giá trị của các khái niệm cũng như các hệ thống khoa học. Những phân tích sâu sắc và những khảo cứu lịch sử chứng tỏ rằng cả hai phần lớn đều chủ quan tự bản chất bởi vì con người của khoa học không phải chỉ phân chiết thực tại một cách tự do, mà cũng còn tiếp tục dùng những khái niệm vốn khởi lên trong tâm mình. Và về những lý thuyết lớn, phân tích đến cuối thì chúng chỉ là những khí cụ thích hợp để diễn tả kinh nghiệm: “không đúng, cũng không sai mà là hữu ích” (Poincaré). Ta cũng nên ghi nhận rằng không một nhà phê bình Pháp nào chủ quán lệ (conventionaliste), ngay cả Poincaré. Họ cố gắng nói lên rằng khoa học đã thôi là lý tưởng xác thật mà người ta cùng gán cho nó ở thế kỷ XIX. Các nhà phê bình duy thực Đức đi xa hơn và tán thành một tương đối luận (relativisme) gần với chủ nghĩa hoài nghi (scepticisme).
Trên đại thể, khoa học đã đánh mất phần lớn thẩm quyền của nó trong những tâm hồn triết gia, như thế lại làm nghiêm trọng thêm những gì mà cuộc khủng hoảng trong vật lý học khởi đầu thúc đẩy. Từ đó về sau người ta không thể giữ chặt một quan điểm Newton về thiên nhiên giống như người ta tìm thấy ở những cội rễ của chủ thuyết Kant và của tất cả tư tưởng Âu châu từ trước.
D. KHỦNG HOẢNG TOÁN HOÁN: LUẬN LÝ TOÁN HỌC
Đến hết thể kỷ XIX, sự tiến bộ của toán học dẫn đến một khủng hoảng với hậu quả trầm trọng không ít so với cuộc khủng hoảng của vật lý học. Giữa những khám phá trong bình diện toán học, khoa hình học phi-Euclide và lý thuyết về toàn bộ (théorie des ensembles) đặc biệt có ảnh hưởng đến triết học. Cả hai khám phá này chứng tỏ rằng những gì trước kia được chấp nhận không e dè như là những tiền đề giản dị của toán học thực sự không hoàn toàn chắc chắn nữa. Chúng hướng sự chú ý đến phân tích chính xác về những khái niệm có vẻ giản dị và đến sự kiến thiết định đề cho những hệ thống. Trong phạm vi của lý thuyết về toàn bộ, ngay vào cuối thế kỷ XIX, người ta khám phá những điều gọi là nghịch lý (paradoxe), nghĩa là, những mâu thuẫn được phát xuất do những phương pháp đúng đắn của suy luận từ những giả định vó vẻ giản dị và hiển nhiên. Với điều này, những căn bản vững chắc của toán học gần như sụp đổ.
Gắn chặt với sự phát triển này, khoa luận lý học hình thức (logique formelle) tái sinh, đặc biệt trong hình thức mệnh danh chủ luận lý (logistique) – luận lý học ký hiệu hay toán học. Như đã nói, trong thời đại này, triết học cận đại đã để cho luận lý rời vào quên lãng và thực sự vào một tình trạng của sự suy đồi “man rợ”. Về những triết gia dẫn đầu chủ có Leibniz là luận lý gia lỗi lạc. Những vị khác – Kant và Descartes đều là những điển hình quan trọng – ít biết đến những yếu tố của luận lý học hình thức. Nhưng trong năm 1847 xuất hiện những tác phẩm của hai toán học gia nước Anh, hoàn toàn biệt lập: Augustus de Morgan (1806-1878) và Geroge Boole (1815-1864), và chúng kể như là những ấn phẩm đầu tiên của luận lý toán học cận đại. Công việc của họ được tiếp tục do Ernst Schöder (1841-1902), Giuseppe Peano (1858-1932), và nhất là Gottlob Frege (1848-1925), một tư tưởng gia và là một luận lý gia ngoại hạng. Thế nhưng luận lý toán học vẫn còn khá mù tịt đối với các triết gia cho đến bắt đầu thế kỷ XX. Chỉ khi Bertrand Russell đến tiếp xúc với Peano năm 1900 và xuất bản Những nguyên tắc toán học (Principles of Mathematics) của ông năm 1903 thì các triết gia, ít ra là những vị ở các xứ nói tiếng Anh, mới chú ý đến những khảo cứu này. Sự phát triển của môn học mới mẻ này được tiến bộ khả quan do sự xuất bản cuốn Principia Mathematica năm 1910-1913 của Whitehead và Russell, một tác phẩm tối quan trọng.
Luận lý toán học đã ảnh hưởng đến triết học trong hai lối. Trước hết, nó chứng tỏ là một khí cụ minh xác nhất cho sự phân tích những khái niệm và những chứng cứ, mà theo sự tin tưởng của những người ủng hộ nó, là có thể ứng dụng ngay cả trong những phạm vi nào không thể toán học hóa - ứng dụng được bởi vì thứ luận lý mệnh danh “toán học” chỉ toán học “trong căn nguyên” nhưng trong thực tiễn nó không diễn ra với toán học mà là với những khái niệm rất thông thường. Thứ hai, qua những khảo cứu luận lý toán học này nhiều vấn đề triết học cũ lại trở nên hiện hành, tỉ dụ, vấn đề nguyên tắc triệt tam, chân lý của những định đề, văn phạm triết học (bây giờ gọi là “ký hiệu”: sémiotique) và nhất là vấn đề những tổng thể (universaux).
E. PHƯƠNG PHÁP HIỆN TƯỢNG HỌC
Một phong trào khác, dù với những giả định và mục đích hoàn toàn khác biệt đã đem lại sự đoạn tuyệt với thế kỷ XIX và sự phát triển của triết học hiện đại, đó là hiện tượng học (phénoménologique). Theo nghĩa hẹp, danh từ này đặc biệt chỉ cho phương pháp và chủ thuyết của Edmund Husserl, nhưng nó cũng được dùng cho cả một nhóm những tư tưởng gia khác họ trình bày một quan điểm tương tự. Sáng lập viên của phong trào này là Franz Brentano (1838-1917). Trước tiên là một tu sĩ dòng Saint-Dominique, ông ta lìa bỏ nhà tu và sau này bỏ cả giáo hội. Nhưng trong mọi cách ông vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Aristote – Thomas, tỉ dụ, trong khách quan luận của ông, sự coi trọng những phân tích đa biệt của ông, và ở luận lý học của ông. Ông ta có rất nhiều môn đệ. Ba người có ảnh hưởng đặc biệt: Kazimiers Twardowski, Alois Meinong, và Edmund Husserl. Twardowski (1866-1938) dù ông không phải là một luận lý gia, đã trở thành sáng lập viên của trường phái luận lý học Ba Lan, trường phái giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của luận lý toán học. Alois Meinong (1835-1921) đã phát triển lý thuyết mệnh danh về “những sở tri” (théorie de l’objet) và thiết lập một trường phái riêng nhỏ nhưng có ảnh hưởng. Một trong những môn đệ xuất sắc của Brentano là Edmund Husserl (1859-1938) đã là kiến trúc sư chính yếu của phương pháp hiện tượng học. Phương pháp này chính yếu là ở chỗ phân tích yếu tính (essence) của các dữ kiện, tức hiện tượng đã trở nên phương pháp quảng bá của phân tích triết học, song song với phương pháp toán học, đặc biệt là sau Thế chiến II. Ảnh hưởng quan trọng nhất giữa hiện tượng học và luận lý toán học là sự kiện hiện tượng học hoàn toàn loại bỏ diễn dịch, ít bận tâm đến ngôn ngữ, dù cả điển hình chính Husserl, và không phân tích sự kiện thường nghiệm mà là những yếu tính. Ta cũng nên ghi nhận rằng tác phẩm chính của Meinong, Ueber die Annahmen, xuất hiện năm 1902, và của Husserl, Logische Unterchungen, một trong những tác phẩm ảnh hưởng nhất của tiền bán thế kỷ XX, xuất bản năm 1900-1901.
Phương pháp mệnh danh “phân tích” của G. E. Moore (1873) có quan hệ chặt chẽ hơn với phương pháp hiện tượng học. Với Bertrand Russell nó trở thành phân tích của luận lý toán học nhưng ở Moore nó khoác một đặc điểm khác. Trong Principia Ethica của ông, năm 1903, Moore gần với Meinong ở phương pháp và hình như chính đã chịu ảnh hưởng ông đến một độ nào đó. Meinong cũng đã ảnh hưởng đến Russell trong nhiều lối, trong khi luận lý toán học về sau này mượn Husserl rất nhiều.
F. CHỦ NGOẠI LÝ DUY SINH
Trước hết, luận lý toán học và hiện tượng học là những phương pháp chứ không phải những chủ thuyết. Cả hai xuất phát từ sự phản tỉnh trên những nền tảng của các khoa học và cố đem lại cho chúng một nền tảng mới với sự giúp đỡ của phương pháp thuần lý. Lại nữa cả hai lập trường đều là chủ đa nguyên và đều đối lập với khuynh hướng xây dựng hệ thống. Chúng đã lột trần và phá hủy nhiều giản lược hóa quá thô kệch của thế kỷ XIX. Thêm nữa, cả hai lập trường, đều duy thực, ít ra là ở khởi điểm. Trong cả Moore và Husserl biểu lộ một cảm tình nào đó với chủ Platon (Platonisme), trong một hình thức hoàn toàn mới. Nhưng chúng ta hãy lặp lại rằng cả luận lý toán học và cả hiện tượng học, ít ra là trong Principia Mathemathics và trong Logische Unterchungen, đều không thực sự xây dựng lên những nền triết học.
Trong tương phản với những điều này, cùng lúc khởi lên hai phong trào triết học mới về nội dung: chủ ngoại lý duy sinh (irrationalisme vitaliste) và siêu hình học duy thực (métaphysique réaliste) kiểu mới. Một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng tinh thần ở thời đại này là sự bành trướng ngạo nghễ của những khuynh hướng chủ ngoại lý, đặc điểm của cuối thế kỷ. Mặc dù Kant đã từ chối là lý tính không thể đạt đến thế giới đằng sau hiện tượng, ông ta vẫn còn chủ trương rằng thế giới thường nghiệm lệ thuộc những định luật thuần lý, những định luật có thể khám phá được. Phê bình về khoa học và cuộc khủng hoảng ở trong vật lý học hình như chứng tỏ minh nhiên rằng không phải là như vậy, mà đó là vì khái quát thái độ hoài nghi của Kant thành giá trị của lý tính cơ giới (raison mécaniste) của các khoa học; vì vậy, cuộc khủng hoảng khoa học đã tạo ra một khủng hoảng trong chủ lý (rationalisme).
Nhưng đấy không phải là nguồn mạch độc nhất của những khuynh hướng mới. Ngược lại, duy nghiệm luận đã giữ một phần trọng yếu trong sự phát triển các khuynh hướng của chúng bắt nguồn từ sự kiện rằng cái nhìn cơ giới của nó về đời sống đã vay mượn hình thức của chủ thuyết Darwin (Darwinisme). Sự mở đầu của thế kỷ XX đã chứng kiến điều quái dị là học thuyết đó với ý tưởng căn bản của nó là cắt nghĩa cái cao hơn từ phương diện thấp hơn, đã chuyển hướng đến những phạm vi tâm lý học và xã hội học. Theo đó, tất cả đời sống hữu thức, gồm cả những khả năng lý luận, đã được giản lược vào những yếu tố thấp nhất của nó và được đặt vào những định luật bản năng về sự tiến hóa, không có gì thường tại, không có gì bất biến, cả những nguyên lý vĩnh cửu, mà chỉ có đà sống thúc đẩy sự tiến hóa của đời sống.
Sau hết cũng chính những nguyên nhân đã làm nảy sinh chủ lãng mạn vào đầu thế kỷ XIX bấy giờ được ảnh hưởng của truyền thống củng cố thêm, chúng cũng nhận lãnh một vai trò: quan điểm nhất nguyên luận và tất định luận được khoa học quảng bá trước 1900 rất là chuyên chế đến độ thúc đẩy cảm thấy có nhiệm vụ bảo tồn những quyền năng của sự sống của thế vị con người (persone humaine) và những giá trị tinh thần.
Thế lực này xuất hiện một cách bất ngờ và dữ dội với hai triết gia đại diện là James và Bergson đứng đầu phong trào triết học này. Spencer, đại diện kiểu mẫu nhất của duy nghiệm cơ giới, vẫn còn tồn tại khi cả hai xuất hiện hầu như đồng thời Les Données immédiates de la conscience (1889) và Principles of Psychology (1890) tiếp theo ngay đó: Matière et Memoire (1896) và The Will to Believe (1897). Cả hai triết gia này vẫn còn gây ảnh hưởng đến hoàn cảnh chúng ta ngay hiện thời mà chúng ta sẽ bàn đầy đủ hơn (xem những tiết 11 và 12). Thế cũng đủ để ghi nhận ở đây rằng cả hai đều là chủ ngoại lý công khai và lấy khái niệm về sự sống làm chìa khóa cho tư tưởng triết lý của mình.
G. SIÊU HÌNH HỌC DUY THỰC TÁI SINH
Cùng lúc, một khuynh hướng khác sâu sắc hơn được kết tinh; chủ duy thực và siêu hình học trở về và lần đầu tiên làm vỡ cái khung những nguyên lý Kant đã chế ngự toàn thể triết học trong một thời gian dài. Khó mà tìm ra những cội rễ về những nguyên nhân sâu xa của chúng, vì những cống hiến của chúng vào siêu hình học rất đồ sộ và xuất hiện từ những góc cạnh khác nhau. Trên đại thể, có thể nói, những nguồn mạch của Kant bắt đầu cạn từ lối 1900; chúng không còn sung mãn nữa, chúng không còn được thỏa mãn nữa, và tư tưởng quay về những giải quyết khác. Khuynh thứ nhất đáng ghi nhớ là hướng đến một chủ duy thực “phê bình” (réalisme “critique”) kiểu mới vẫn chưa bỏ hẳn cái khung của Kant. Alois Riehl (1844-1924) là một trong những đại diện. Trường phái Würzburg cùng đi trên những đường ấy với tốc độ và năng lực lớn hơn; vị tổ của nó là Oswald Küpe (1862-1915) và những đồ đệ của ông gồm một số những tên tuổi xuất sắc. Nhưng sự hồi sinh thực sự của duy thực, giống như phương pháp hiện tượng luận, xuất phát từ Brentano và các môn đệ, đặc biệt là từ Meinong và Husserl. Chắc chắn Husserl không hoàn toàn đi đến duy thực, triết học về thể tính (philosophique de l’être) lại càng ít, nhưng sự kiện ông quay sự chú tâm của mình ra khỏi những vấn đề nhận thức vô hiệu đến sự phân tích về các dữ kiện thì thật là quan trọng vô cùng đối với chủ nghĩa duy thực và siêu hình học cận đại. Ảnh hưởng của Meinong trong chiều hướng này cũng khá hiển nhiên.
Ngoài phong trào này, Siêu hình học duy thực cắm sào trên nhiều chỗ dưới thúc đẩy của nhiều yếu tố tinh thần sai biệt. Thomisme tái sinh vào khoảng 1880 (Giáo lệnh Aeterni patris ban hành năm 1879) và gây thành một trường phái lớn, mạnh mẽ ngay từ đầu. Năm 1893, tạp chí La Revue Thomiste, cơ quan ở Freiburg và 1894, tờ La Revue Néo-scolastique de Philosophique ở Louvain. Nó trình bày duy thực trực tiếp và siêu hình học cổ truyền.
Tuy nhiên, Thomisme không đứng một mình: ở Anh, G.E.Moore xuất bản tập tiểu luận danh tiếng, The Refutation of Idealism vào năm 1903 và song song với Bertrand Russell ông ta tiến tới một thứ triết học gần gũi với Platon. Các tư tưởng gia Pháp, Boutroux và Bergson, cả hai ủng hộ duy thực trong nhiều đường lối khác nhau, trong khi ở Đức điển hình chủ yếu là thuyết của Hans Driesch (1867-1941) khởi sắc nhờ chất Aristote của nó.
Phong trào duy thực mới này không hoàn thành tính chất phổ biến của chủ ngoại lý nhưng nó có cùng hiệu quả. Siêu hình học, ở thế kỷ XIX chỉ là một phong trào phụ và yếu, trở thành học thuyết chỉ đạo của thời này.
H. TRỞ VỀ TƯ BIỆN. ĐA NGUYÊN LUẬN
Đến cuối thế kỷ XIX, triết học suy vi dưới sự đè nặng của chủ nghia thực chứng (positivisme). Có lẽ phần lớn triết gia không dám trình bày tư tưởng của họ, và kết quả là phần lớn các trường đại học bị chế ngự bởi một thứ óc duy lịch sử (historicisme) tự giới hạn trong một bản liệt kê đích xác những học thuyết quá khứ. Một trong những sắc thái nổi bật nhất của thế kỷ XX là sự trở về tư biện có hệ thống (spéculation systematique) xâm nhập trong các trường phái chủ ngoại lý và cũng như siêu hình.
Nhưng triệu chứng có ý nghĩa nhất và không thể nhầm lẫn là chắc chắn trở về với đa nguyên luận duy ngã (pluralisme personnaliste). Nếu thế kỷ XIX đã là chủ nhất nguyên trong hầu hết tất cả những biểu lộ của nó, thì trái lại, hầu hết tất cả những phong trào ở cuối thế kỷ đều là chủ đa nguyên. Họ khám phá ra những sai biệt trong nhiều cấp độ khác nhau của thể tính và nhấn mạnh tính chất đa nguyên của những thể tính tự hữu. James đưa ra một biểu lộ cho hình thức cực đoan nhất của đa nguyên luận này bằng cách đi xa đến chỗ bày tỏ cảm tình với đa thần luận. Nó tìm thấy sự tán thưởng hầu như phổ biến trong đôi mắt của các nhà hiện tượng học tân duy thực Anh, và Thomiste. Thế vị con người đang lấy lại những đặc quyền xưa của nó và phút chốc trở thành tâm điểm của hứng khởi triết học từ đó về sau tư tưởng thực sự trở thành quyến rũ với những bận tâm sâu xa về tâm linh. Nếu thế kỷ XIX đã là một thời đại dẫn đầu bởi chủ nhất nguyên và chủ duy vật, thì hiển nhiên từ cuộc khủng hoảng năm 1900 là một thời đại mới chắc chắn được trao lại cho thuyết nhân vị duy tâm (personnalisme spiritualiste) trên một căn bản rộng rãi nhất.
Dĩ nhiên những ý tưởng này còn quá xa với những giả định phổ cập vào khoảng 1900; thực vậy, tiền bán thế kỷ dự phòng việc đề ra một lối về với những thể tài thuở xưa. Nhưng những ý tưởng mới đã có đó, đã biểu lộ rồi, và đã được phần lớn các tư tưởng gia Âu châu sau thế chiến I hưởng ứng.
3. Mở đầu thế kỷ hai mươi
A. ĐẶC ĐIỂM
Những sắc thái sau đây là đặc điểm của triết học vào phần tư của thế kỷ XX. Trước hết, đó là một thời kỳ hoạt động hăng hái của triết học, nhiều tư tưởng gia lỗi lạc xuất hiện và có ảnh hưởng; về phương diện này ta phải kể nó là thời đại ảnh hưởng nhất của lịch sử cận đại. Thứ hai, đó là một thời kỳ chuyển tiếp mà trong đó những phong trào của các trường phái cổ lấy lại địa vị của chúng và tiếp tục nảy nở bên cạnh những khuynh hướng mới. Mặc dù hàng hậu bối của thế kỷ XIX không lấy lại được thế đứng của mình trước kia, chúng vẫn còn tồn tại và vẫn còn ảnh hưởng, chi phối tại nhiều nước cho đến Thế chiến I. Tỉ dụ, ở Anh và Ý. Trong khi đó các tư tưởng gia đặc sắc đang truyền bá những ý tưởng mới và được số độc giả đông đảo ủng hộ. Một vài vị trong đó nhất là Bergson và kể cả một phần Husserl đặc biệt được tán thưởng. Những tư tưởng gia chính yếu đều là chủ duy nghiệm và chủ duy tâm, những môn đồ của các quan điểm thế kỷ XIX; các triết gia nhân sinh (les philosophes de la vie), các nhà hiện tượng học (phénoménologues) và các nhà tân duy thực (néo-réalistes), là những trạng sư của chủ nghĩa duy tân (modernisme).
B. DUY NGHIỆM
Một số đông tư tưởng gia đi theo con đường thực chứng luận, hay cả duy vật luận, và với họ ý niệm về sự tiến hóa cơ giới vẫn còn coi là đúng. Tuy nhiên, trên đại thể, họ đã phá vỡ khung thực chứng, bằng cách cố sử dụng khoa học như là cơ bản cho một thứ tái thiết tổng quát về thực tại mà thỉnh thoảng họ gọi là “siêu hình học”. Ta có thể phân họ thành nhiều nhóm, mỗi nhóm với những mục tiêu riêng biệt và cũng quan trọng như nhau.
Ở Pháp, ta có thể dẫn ra một vài nhà chủ duy nghiệm đã cho ra phần lớn tác phẩm của họ vào thế kỷ XIX, nhưng ảnh hưởng của chúng chỉ thấy rõ vào thời kỳ này. Họ thảy đều tạo ra một thứ siêu hình học trên nền tảng khoa học. Những vị đứng đầu là Alfred Fouillée (1838-1912) với học thuyết “ý lực” (idées-forces), Andr é Lalande (-1867) nhà phê bình về lạc quan tiến hóa và sáng thuyết định luật về sự tan biến, và Felix le Dantec (1869-1917) chủ duy vật triệt để, là tác giả một số tác phẩm nhằm chống lại chủ thuyết phi vật chất, duy sinh và duy cá nhân thể luận.
Ở Đức, khuynh hướng duy thực tìm thấy những đại biểu chính yếu của nó giữa các nhà chủ thực chứng, trong đó đáng kể nhất là Theodor Ziehen (1862-1950), Ernst Mach (1838-1916) vẫn có ít nhiều ảnh hưởng, và nhiều môn đệ của ông truyền bá duy nghiệm luận của ông. Trong tương quan này, Wilhelm Ostwald (1853-1932) phải được kể là điển hình của một tư tưởng gia đặc sắc và độc lập. Khởi đầu là một nhà hóa học, ông ta chuyển sang triết học, và xây dựng trên nền tảng những khoa học thiên nhiên một học thuyết chủ hiện thực (actualiste), theo đó, toàn thể thực tại chỉ là năng lực (énergie).
Các trào lưu duy vật xuất hiện một cách riêng rẽ trong tâm lý học, chính yếu là ở học thuyết chủ tâm cử (behavorisme) do John B. Watson (-1878) thiết lập. Điểm chính đưa ra là một phương pháp luận kiểu khoa học không chấp nhận nghiên cứu các hiện tượng tinh thần như là những việc nội bộ của linh hồn. Nó bỏ phép nội quả và chỉ nhận hành vi (cử động) bên ngoài là đối tượng hữu hiệu của tâm lý học. Một trong những hậu quả này là hoàn toàn từ chối tâm. Người Nga, Ivan Pavlov (1849-1936) cũng đi đến những kết luận tương tự qua phản xạ học (réflexiologie) của ông, theo đó những phận sự tinh thần cấp cao có thể cắt nghĩa là do những phản xạ bị giới hạn hay bị cản trở.
Tuy nhiên, tâm phân học của Sigmund Freud (1856-1939) là phong trào quan trọng nhất khởi lên từ duy nghiệm. Ông ta, dựa trên nguyên tắc căn cản của tiến hóa cơ giới luận theo đó cấp cao được cắt nghĩa bằng mức thấp, đưa ra luận chứng rằng đời sống hữu thức chỉ là hậu quả của một trò chơi thuần máy móc của những yếu tố trong “tiềm thức”. Các yếu tố này, mỗi thứ có một động lực riêng biệt, tổ hợp thành những “phức cảm” (complexes), có một xu hướng tái hiện trong ý thức để gây ra những tác dụng. Thế lực chủ động trong đời sống của linh hồn là “libido”, một thứ tình dục theo nghĩa rộng nhấ. Trong Giải thích các giấc mộng (1900) Freud trình bày những nguyên tắc sơ khởi này mà trên đó, sau năm 1913 (Bái vật và húy kị), ông xây dựng những hệ thống để cắt nghĩa tôn giáo, nghệ thuật, vân vân. Ông coi những hiện tượng tinh thần cao nhất chỉ là những “thăng hoa” của khát vọng tình dục.
Cũng thế, sự ứng dụng tổng quát của một lý thuyết khoa học học cực hạn được thể hiện do trường phái xã hội học Pháp với Emil Durkheim (1855-1917) sáng lập viên, và Lucien Lévy-Bruhl (1857-1939) phát ngôn viên sau này. Các nhà xã hội học ấy tin rằng dù cho xã hội được điển hình trong cá nhân nó vẫn có một thực tại khách quan, người ta có thể nắm lấy nó qua những phương pháp tỉ giảo khách quan, chỉ nghiên cứu những nguyên nhân có ảnh hưởng và loại hẳn mọi thứ cứu cánh luận. Ứng dụng phương pháp này dẫn Durkheim và Lévy-Bruhl đến chỗ xác định rằng các định luật đạo đức và luận lý hoàn toàn tương đối – chỉ là những biểu lộ của cái mà xã hội cần cho việc tự phát triển; và tôn giáo nằm trong sự tôn sùng của xã hội này. Chóp đỉnh của hệ thống ấy là một thứ tâm lý học tư biện, theo đó tôn giáo, luận lý và đạo đức đều lệ thuộc môi trường xã hội trong khi môi trường của cá nhân là trần tục, phi lý, ích kỷ. Có thể coi thân xác như là một nguyên tắc của cá thể hóa.
Tất cả những hệ thống này, đặc biệt là tâm phân học và xã hội học, có một số đông quần chúng đi theo, nhưng chỉ là những tia sáng cuối cùng chiếu từ tư tưởng giới thể kỷ XIX. Tuy nhiên, chúng được tách khỏi hình thức cũ của duy nghiệm luận ở một điểm: tương đối luận. Le Dantec, Pavlov, Ostwald, Freud, Durkheim, và một số những vị khác đều là chủ tương đối, họ không nhận những định luật tuyệt đối, luận lý khách quan, đạo đức cố định. Như thế, khía cạnh duy nghiệm này tự nó là một bước tiến gần chủ ngoại lý cũng quảng bá trong triết học. Ta cũng cần thâm rằng không một học thuyết nào trên đây rút ra từ một quan điểm triết học. Chúng hoàn toàn chỉ duy cảm (sensualisme) và chủ duy danh (nominalisme), không thể vượt ra ngoài những giới hạn của tư tưởng trực giác (pensé in intuitive). Duy vật cơ giới vẫn còn ảnh hưởng mạnh ở chúng. Điều trái ngược lạ kỳ là những học thuyết nhất hiệu lực ở vật lý học và cả ở sinh vật học ấy lại còn có thể tìm được địa vị trong lĩnh vực tâm lý học và xã hội học.
C. DUY TÂM LUẬN
Trong vòng 25 năm đầu của thế kỷ XX duy tâm luận vẫn còn gây ảnh hưởng lớn nhất trong những quốc gia chủ chốt của Âu châu rồi hầu như dừng lại khoảng 1925. Trường hợp này đúng cho nước Anh nói riêng, vì nó còn có thế lực ở Đức, Pháp và Ý cho đến Thế chiến II. Ta sẽ bàn rộng thêm ở sau. Vì duy tâm luận ở Anh không còn thuộc thành phần của triết học hiện tại nữa nên ở đây chỉ pháp học tóm lược về những đường nét chính yếu của nó.
Duy tâm luận ở Anh chỉ là một hình thức khác của chủ Hegel (Hégélianisme); phát ngôn nhân của nó là Francis Hebert Bradley (1846-1924), Bernard Bosanquet (1848-1923) và John Ellis Mc Taggart (1866-1925). Hai tên đầu là chủ nhất nguyên. Bradley có lẽ là sâu sắc nhất trong bọn. Ông đặt triết học của mình trên ý niệm những tương quan nội tại. Theo ông, những tương quan (relation) không phải là những cái thêm vào yếu tính của sự thể đã được thiết tạo, nhưng chính chúng thiết tạo yếu tính đó. Trên một phương diện, học thuyết này dẫn đến nhất nguyên luận (thực tại là một toàn thể có tổ chức), nhưng ở phương diện khác, bằng cách nhấn mạnh trên hành vi nhận thức, nó dẫn đến duy tâm luận khách quan (không có sai biệt chính yếu giữa khác thể và chủ thể vì cả hai chỉ là những biểu lộ của một toàn thể, của một tuyệt đối thể duy nhất). Bradley bênh vực chủ đề của mình bằng cách đi sâu những quan sát về các mâu thuẫn nội bộ của mọi thực tại thường nghiệm; những mâu thuẫn ấy minh chứng cho ông rằng một thực tại như thế chỉ là giả tượng (apparence) mà đằng sau đó ẩn dấu cái thực tại chân chính, tuyệt đối thể. Nhưng ngay dù Bradley có là tiên tri của duy tâm luận nhất nguyên, ông tránh xa việc giản lược thực tại vào một trừu tượng. Giống như Hegel, ông nhấn mạnh trên sự thù thắng của cụ thể; khái niệm về phổ quát của ông không phải là một trừu tượng mà là một “phổ quát cụ thể”; phong phú hơn là đơn nhất và thực hữu hơn là cá biệt trong nội dung của nó. Đấy chỉ là một ít sắc thái căn bản về tư tưởng phong phú và đa dạng của Bradley chúng đã tạo ra một ảnh hưởng lâu dài trên một số những tư tưởng gia thủ lãnh – và nay vẫn còn. James và Marcel đều vay mượn trực tiếp ở ông, trong khi, đích thực vì chống lại những khái niệm cơ bản của ông mà tân duy thực ở Anh nổi dậy, đó là một tỉ dụ.
Song song, Bosanquet phát triển duy tâm luận Hegel cùng trên một chiều hướng bằng cách nhấn mạnh hơn nữa trên bản chất cụ thể của thực tại. Kế đến, tư tưởng gia thứ ba, Mc Taggart khác với Bosanquet và Bradley vì chấp nhận đa nguyên luận: với ông, tuyệt đối thể là một toàn bộ những nguyên lý tinh thần đứng trong hỗ tương quan hệ. Triết học của ông thực sự là chủ tinh thần và chủ nhân vị. Như thế, vị trí của ông như là một chiếc cầu bắt giữa duy tâm luận và triết học mới phát triển.
D. NHỮNG TRÀO LƯU MỚI
Ở đây chúng ta chỉ ném một cái nhìn sơ qua trên những phong trào triết học mới của một thời đại được bàn đến ở đây, bởi vì chúng tất cả đều tiếp tục đến sau 1925 và như vậy là thuộc vào triết học hiện đại, đối tượng chính của tập sách này. Có ba phong trào: hiện tượng học, tân duy thực, và ngoại lý duy sinh.
Hiện tượng học phút chốc trở thành một phong trào có thế lực. Jahrbuch Fiir Philosophie und phanomenogloische Forschung bắt đầu xuất hiện năm 1913. Ở đó, một số lớn tư tưởng gia có tài năng cộng tác với Husserl, như Alexander Pfender, D.v. Hildebrand, Moritz Geiger, Roman Ingarden, và nhất là Max Scheler mà tác phẩm chính (Der Formalismus in der Ethik und die materiale Wertethik) xuất hiện với hai tập đầu (1913-1916).
Ảnh hưởng của hiện tượng học phi thường mạnh mẽ, đến nỗi, một phía nó ảnh hưởng cả đến tân chủ Kant (Néo-kantisme) – tỉ dụ, Emile Lask (1875-1915) và phía khác nó ảnh hưởng đến tâm lý học, một lĩnh vực mà nơi đó nó tìm thấy một đồ đệ xứng đáng Carl Stumpf (1848-1936). Ở Đức, trường phái này có ảnh hưởng đủ để thách đấu sự lãnh đạo của tân chủ Kant, nhưng mãi đến Thế chiến I tân chủ Kant vẫn còn là một thế lực triết học mạnh nhất tại nước này.
Tân duy thực cũng còn tồn tại, đặc biệt trong những tác phẩm của một Moore và một Russell, nhưng không thể thiết lập một trường phái lớn. Whitehead chưa bước vào thời kỳ siêu hình học của ông; cho đến 1920 Alexander mới cho xuất bản tác phẩm chính của mình. Không gian, thời gian và thiên thể (vậy là vào cuối thời kỳ đang được bàn ở đây), trong khi đó các trường đại học ở Anh hoàn toàn do duy tâm luận ngự trị, còn hơn cả ở Đức. Nhưng ở Pháp phong trào duy thực lãnh đạo thời kỳ, chủ Thomas (Thomisme) đã sản xuất những tác phẩm rất quan trọng. Năm 1909 thấy sự xuất hiện Sens commun của R. Garrigou-Lagrange, và năm 1915 tác phẩm Dieu của ông. Sau hết, J. Maritain xuất hiện năm 1913 với tác phẩm đầu của những cống hiến quan trọng nhằm chống lại Bergson. Trường phái chủ Thomas từ đó được tổ chức, nhưng dù những nguồn mạch bên trong của nó được phát triển đầy đủ, thời đại này còn chưa đồng ý thừa nhận nó như ngày nay ngay cả ở Pháp cũng như nới khác, những phong trào cũ còn ngự trị.
Chỉ có một trường phái đã thành công trong việc tự xác định đồng thời lôi cuốn sự chú ý không những chỉ các nhóm chuyên về triết học mà còn cả quần chứng rộng lớn thích văn chương – đó là chủ ngoại lý duy sinh (irrationnalisme vitaliste). Ở Đức nó chưa được như vậy, vì Dilthey ít được biết đến và tác phẩm đầu tiên chuyên về triết học Klages chỉ mới xuất hiện. Nhưng ở những xứ nói tiếng Anh, James đã nhận một thành công vượt bậc với sự phụ giúp của bạn đồng hành xuất sắc là F.C.S.Schiller. Sau Nhân bản luận (1903); tác phẩm chính, Schiller tiếp tục quyển này sang quyển khác suốt một phần tư của thế kỷ mà ta đang bàn đến. Ở Pháp, ngôi sao sáng là Bergson mà tác phẩm căn bản là Sự tiến hóa sáng tạo xuất hiện năm 1907 và trở thành một trung tâm thực thụ của tranh chấp triết học. Là đầu não của trường phái, ông ta quy tụ những thức giả hạng nhất dưới sự chi phối bởi thiên tài của ông. Trong số đáng ghi nhất là những nhà chủ duy tân (moderniste): Le Roy, Blondel, Pradines và Baruzi. Tiêng vang của Bergson thật là lớn, nhưng ngay cả chủ-Bergson (Bergsonisme) cũng không thể hoàn toàn loại bỏ các học thuyết cũ, chúng vẫn tiếp tục nảy nở.
4. Những trào lưu chính của triết học hiện đại
A. CÁC TRƯỜNG PHÁI
Thời kỳ triết học hiện đại mà chúng ta bàn ở đây khởi sự từ thế chiến I đến ngày nay đã chứng kiến sự ra đời của hai trường phái mới. Một là Tân thực chứng (néo-positivisme): đó là một bành trướng khác của lập trường chủ thực chứng. Và một nữa là triết học về hiện hữu (Philosophie de l’existence): đó là một cái gì hoàn toàn mới mặc dù trên quan điểm thời gian nó đã có trong sự lưu hành của triết học nhân sinh và chứa đựng cả hai yếu tố hiện tượng học và siêu hình học. Tất cả những trường phái đã có mặt bây giờ đều có những tư tưởng gia ngoại hạng của chúng, họ phát triển các chủ đề căn bản của mình bằng kiểu cách đại quy mô. Điều này đúng cho siêu hình học nói riêng; nó có thể tự hào về những tên tuổi như Alexander, Whitehead, Hartmann và thêm những nhà chủ-Thomas. Hiện tượng học cũng không kém, do Scheler. Và Triết học về nhân sinh cũng thế, kể cả giai đoạn cuối của Bergson và toàn thể tư tưởng của Klages; đó là chỉ kể hai nhân vật.
Những hệ thống quan trọng nhất của thời đại chúng ta có thể được chia làm hai lối, về nội dung và về phương pháp. Về nội dung học thuyết, ta có thể sắp chúng trong sáu nhóm. Chúng ta có hai nhóm đầu, vẫn tiếp tục trong tinh thần thế kỷ XIX: duy nghiệm hay triết học về vật chất, là tiếp nối thực chứng luận, và duy tâm luận, cả hai mang những hình thức Kant và Hegel. Tiếp đến hai lập trường gây sự đoạn tuyệt với thế kỷ này: triết học về nhân sinh và triết học về yếu tính hay hiện tượng học. Sau hết, có hai nhóm tạo nên sự đóng góp độc đáo nhất của thời đại chúng ta: triết học hiện sinh về siêu hình học, về thể tính kiểu mới.
Sự phân loại này dĩ nhiên hơi độc đoán. Những sai biệt sâu xa giữa các nền triết học cùng chung dưới một đầu đề là điều không thể quên được. Như thế, chúng ta đã áp dụng sự phân loại chung “triết học về vật chất” cho những học thuyết rất là khác nhau như của Russell, những nhà tân thực chứng, và ngay cả chủ-Marx. Cũng vậy, chương triết học về nhân sinh đã phải kể đến những tư tưởng gia rất đa biệt như Dewey và Klages. Sau hết, ta cần phải nhấn mạnh rằng những tư tưởng gia biệt lập đứng ngoài các nhóm này và làm trung gian cho chúng – tỉ dụ, các đại biểu của trường phái Baden, có những điểm tiếp xúc với cả chủ lịch sử (historicisme) thuộc nhóm triết học về nhân sinh, và cả hiện tượng học của Scheler tự nó vốn gần với chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme). Mọi sự phân loại trong lịch sử tư tưởng triết học đều là một nhu cầu không thể tránh để có một cái nhìn khá bao quát. Ta không nên cố che đậy những dị biệt sâu xa giữa mỗi nhóm cũng như điểm trùng hợp của chúng. Tuy nhiên, với sự thận trọng này, chúng tôi có thể tuyên bố rằng sự phân chia thành sáu nhóm của chúng tôi đã nêu rõ sáu lập trường chính của thời đại chúng ta: duy nghiệm, duy tâm, triết học nhân sinh, hiện tượng học, chủ hiện sinh và siêu hình học.
Tự nó, sự phân loại các trường phái theo phương pháp không hẳn là tuyệt đối. Tuy vậy, đó hình như là một phương cách được nhiều người thừa nhận hơn, như người ta đã thấy rõ ở kỳ Hội nghị quốc tế về triết học lần thứ X vào năm 1948. Vì rằng, trong cùng một trường phái triết học sự phân rẽ thường khởi lên do áp dụng những phương pháp khác nhau, như là một đằng là phân tích theo luận lý toán học (analyse mathématicologique), và đằng khác là phương sách hiện tượng học. Trong khi có nhiều triết gia không đồng ý với nhau là áp dụng cả hai phương pháp này hay không cả hai, thì ngày nay vẫn còn nhiều người hình như chia rẽ nhau theo các đường lối này. Phương pháp hiện tượng học, đã tiến bộ và có biến chuyển theo thời gian, được ứng dụng không những chỉ bởi các nhà hiện tượng học mà gần như cả những triết gia hiện sinh và cả một số những nhà siêu hình học. Các siêu hình học gia khác đã cùng liên kết với những thủ lĩnh của luận lý toán học, đáng kể nhất là Whitehead. Điều đáng chú ý là luận lý toán học đã có thể dẫn các thủ lĩnh của những trường phái đa biệt nhất và rất trái ngược đến chỗ hiểu biết lẫn nhau: chủ-Platon, chủ-Aristote, chủ duy danh, chủ Kant, và kể cả một số ít chủ thực dụng (pragmatisme), trong khi sự tách biệt giữa những người theo phương pháp này và những người hoạt động với những phương pháp hiện tượng học hình như thường rộng lớn đến nỗi không thể có sự hiểu biết chung nào nữa.
B. CÁC ẢNH HƯỞNG
Chúng ta đã nghiên cứu (1-3) những nguồn gốc của triết học hiện đại. Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta chỉ cần thêm một vài nét.
Trước hết cần ghi nhận rằng những hoàn cảnh lịch sử mang lại sự đoạn tuyệt với tư tưởng của thế kỷ trước vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng trong thời đại này. Cũng vậy, vật lý học tiếp tục phát triển đồng thời xa dần nền tảng chủ cơ giới thuở xưa của nó. Ảo tưởng về sự tiến bộ bằng kỹ thuật (vẫn đang ngự trị ở Mỹ và Nga) đã chịu đựng những đảo lộn mới ở Âu châu. Quần chúng cũng như các triết gia lúc này có vẻ vừa được cứu chữa, với một giá rất đắt. Chúng chỉ phân biệt rõ những biến cố đã đưa đến những đau đớn khủng khiếp ấy, tất sẽ thấy rõ đặt mối quan tâm của con người trên những vấn đề cấp thiết như thế vị con người, mục đích và số phận con người, sự ưu tư, sự chết và những giao tế của nó với đồng loại. Một cuộc tái sinh của tôn giáo hình như đang hoạt động ráo riết. Sau hết, một thứ bất nhất, và bất định bao trùm đang bám chặt mọi người, những người cảm nhận thâm thiết tình cảnh khủng hoảng ngấm ngầm này và hơn bao giờ hết sẵn sàng quay về triết học với hy vọng rằng nó sẽ mang lại cho họ một giải đáp với những vấn đề đang thao thức về cuộc sống bi thảm của mình. Tất cả những điều đó cắt nghĩa tại sao chủ nghĩa hiện sinh đặt điều được nền tảng nhanh chóng như thế, tại sao siêu hình học trở thành một thế lực như thế. Nó cũng cắt nghĩa cái cao độ của sinh hoạt triết lý đương thời.
Những ảnh hưởng từ các tư tưởng gia thuở xưa đang gây thế lực trên những nền triết học này. Theo Bertrand Russell, người được kể vào số các triết gia về vật chất, những hậu duệ của thế kỷ XIX, thì ảnh hưởng của Thomas Aquinas bây giờ lớn hơn cả Kant và Hegel. Điều đó có lẽ đúng cho tất cả các triết gia trong thời đại chúng ta. Khi triết học đi lên những mức độ cao hơn, nó lên theo hình xoắn ốc. Ngày nay, nó gần với tư tưởng Hy Lạp và Kinh viện hơn với bất cứ tư tưởng nào của trăm năm qua, tùy theo những vấn đề căn bản của nó: Platon tái sinh ở Whitehead; Aristote ở Driesch, Hartmann và các nhà chủ Thomas; Plotin trong một vài nhà chủ hiện sinh; Thomas d’Aquin ở trường phái mang tên ông; các nhà chủ kinh viện thời sau ở hiện tượng học và tân thực chứng; Leibniz ở Russell.
Tuy nhiên, khi câu hỏi nêu lên xem ai là người đang gây ảnh hưởng mạnh nhất trên triết học hiện đại, thì chúng ta không ngần ngại nêu tên hai người thuộc thời đại này; đó là, như đã nói, Bergson và Husserl. Dĩ nhiên họ không phải là độc nhất nhưng triết học nhân sinh và hiện tượng học đang giữ những vai trò quyết định mọi nơi, không một trường phái nào có thế lực đặc biệt đối mặt với chúng.
Vắn tắt, những gì mà một quan sát viên theo dõi có thể thấy được kể từ 1900 trở lại bấy giờ đã thể hiện đầy đủ, triết học thế kỷ XIX nhường chỗ cho một khái niệm mới về thực tại khởi lên từ đầu thế kỷ XX và càng giống với tư tưởng của những thời quá khứ hơn mà không thể quay lùi lại.
C. TẦM QUAN TRỌNG TƯƠNG ĐỐI CỦA CÁC HỆ THỐNG
Để đánh giá tầm quan trọng của các trường phái và các hệ thống ta cần phải nhận xét hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Trên đại thể, những hệ thống nào có ảnh hưởng lớn nhất trong đa số quần chúng thì không ảnh hưởng đến các triết gia trong cùng mức độ như vậy, và điều này có hai lý do. Một đằng quần chúng thì chậm hiểu; như vậy một triết học đã nảy nở năm mươi năm hay trăm năm vì trước những trung tâm chuyên biệt bấy giờ mới có cơ hội thuận tiện để trở thành phổ biến bất kể đến tầm quan trọng nào mà chính các triết gia ấy ràng buộc với nó. Đằng khác, khác với các triết gia, quần chúng dễ bị lôi cuốn hơn bởi những quyến rũ nào gần cả hai mặt vừa giản dị và vừa quảng bá. Một nền triết học mà càng có cơ hội thuận tiện bành trướng thì nó càng hạ thấp xuống và càng được các phong trào trang bị bằng những bộ máy tuyên truyền hữu hiệu ủng hộ thêm, do đó, thông thường các triết gia ít bị những yếu tố như thế tác động.
Sự tổng quan của chúng ta chỉ bàn đến triết học theo nghĩa hẹp của chữ này, chứ không bàn theo nhận thức phổ thông. Tuy nhiên, ta cũng nên đặt câu hỏi là ngày nay phổ thông nhất là thứ triết học nào, thì ta có thể nêu lên một tiêu đề cho cả hai nền triết học riêng biệt. Thứ nhất triết học về vật chất, thứ giản dị nhất, không cần phải là triết gia mới dễ hiểu; thêm nữa, sự phiên chuyển sang chủ-Marxist của nó đang được tuyên truyền với tất cả thế lực của Đảng Cộng sản khắp thế giới cũng như qua sự bảo trì của một số thức giả - các “tài tử” của triết học giống như quần chúng, đã khuất phục trước sự cám dỗ của một học thuyết được đơn giản. Thứ hai, quảng đại quần chúng nhất là triết học về hiện hữu, đặc biệt trong những nước ảnh hưởng văn hóa Latin.
Trước tiên, điều ấy hình như lạ lùng, bởi vì triết học về hiện hữu là một học thuyết hoàn toàn tân kỳ và, thêm nữa một thứ triết học tế nhị rất có kỹ thuật. Những điều lạ lùng này sẽ được giải thích ngay nếu chúng ta chú ý tới hình thức giản dị và dễ hiểu mà người ta khoác lên cho nó để giới thiệu với quần chúng: bằng văn chương kịch nghệ, và những sáng tác bình dân. Không triết gia nào trừ những triết gia hiện sinh ưa dùng kiểu tuyên truyền này. Lại nữa, khía cạnh ngoại lý và triệt để chủ quan của triết học về hiện hữu thường hấp dẫn những người phi triết học. Chủ quan luận đã là một học thuyết quen thuộc của những thế kỷ qua, và chủ ngoại lý đã được một vài phong trào triết học thế kỷ XIX gieo rắc, chúng tràn ngập vào tiền bán thế kỷ XIX qua dòng sông triết học nhân sinh như đã nói ở trên. Như thế ta có thể so sánh sự thành công của triết học về hiện hữu với sự thành công của phái khắc kỷ trong những thế kỷ đầu Tây lịch. Triết học khắc kỷ rõ ràng cũng là chuyên biệt, nhưng đã có thể chinh phục được một khu vực văn hóa rộng lớn bằng cách tung ra một vài ý tưởng đơn giản về đạo đức mà lịch sử đã sửa soạn nền tảng cho từ một thời gian dài.
So sánh với hai phong trào này các trường phái cũ khá nhiều nhưng ít môn đồ trong quảng đại quần chúng. Siêu hình học nhiều lắm là ngang hàng với chúng, đặc biệt trong ngành chủ Thomas (Thomiste) có một truyền thống có thế lực ở sau nó và được giáo hội Thiên chúa bảo vệ. Triết học nhân sinh và hiện tượng học ít được biết đến; đặc biệt là hiện tượng học. Duy tâm luận có vẻ đang chịu một thất bại lớn.
Ở ngay các tư tưởng gia, những ảnh hưởng của các trường phái được sắp xếp trong một trật tự khác nhau. Ngay cả ở đây duy tâm cũng chắc chắn chiếm địa vị thấp, trái lại, triết học nhân sinh và hiện tượng luận hẳn là gần chóp đỉnh hơn, dù chỉ bằng một đường lối gián tiếp qua sự chiếu rọi lên một số các trường phái. Về phía khác địa vị hàng đầu trong hai trường phái triết học đã khởi lên trong thời đại chúng ta này có vẻ dành cho siêu hình học hơn là triết học về hiện hữu. Sau hết, triết học về vật chất ở trong một vị trí kỳ lạ vì trong một vài sắc thái – tỉ dụ, trong chủ Spencer hay duy vật biện chưng – nó hoàn toàn hay gần như vắng mặt ở các trường đại học; nhưng những công trình của Russell và tân thực chứng, liên kết với một phản ứng từ cuộc khủng hoảng ở khoa học, đã đạt được một sự tái sinh tạm thời trong một vài trung tâm trí thức. Giữa năm 1930-1939 hình như rằng tân thực dụng đã có cơ hội chiếm được địa vị của một trường phái lãnh đạo, dù bấy giờ có những phong trào khác đang che trùm lên lục địa và chỉ ở Anh là nó khả dĩ giữ được vị trí rất thế lực. Ngay cả ở Anh (cũng như ở Nam Mỹ) ảnh hưởng của nó trong triết học hiện đang mất dần.
Để tóm tắt, ta có thể nêu lên tầm quan trọng tương đối của các hệ thống ấy như sau: trên chóp là siêu hình học và triết học về hiện hữu, kế đó là triết học nhân sinh và hiện tượng học (gián tiếp qua các phong trào như đã nói); phía sau xa là đến triết học về vật chất. Duy tâm luận đứng ở hạng chót.[2]
D. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT
Ta không thể nêu lên bất cứ một đặc điểm tổng quát nào của tất cả những dòng tư tưởng hiện đại. Lý do duy nhấ là vì một số đi theo lập trường thế kỷ XIX hay, nói cách khác, “cận đại” (1600-1900), trong khi số còn lại đang có công thiết lập điều mà so với chúng là mới mẻ từ căn để. Tuy nhiên ta có thể đề cập những sắc thái chung trong phần lớn các triết gia, dù không phải là tất cả. Tỉ dụ, Whitehead hình như có lý khi ông minh xác rằng sự “kỳ phân” (bifurcation) kiểu mẫu của thời cận đại vũ trụ cơ giới và chủ thể tư duy bây giờ bị bỏ rơi. Như chúng ta thấy, chủ quan luận và cơ giới luận cuối cùng đã gánh chịu một thất bại nặng. Trên toàn thể, có một khuynh hướng hiển nhiên hướng đến một khái niệm hữu cơ hơn và khác biệt hơn về thực tại, song song với sự công khai thừa nhận một trình tự kiến thiết của thực tại cà những cấp độ tồn tại khác nhau của nó. Ngày nay tư tưởng có một số những đặc điểm khác, dù không thấm nhuần nó, giúp chúng ta đánh dấu những nét chính của nó. Sau đây là một số đặc điểm.
a) Lập trường chống chủ thực chứng (antipositiviste) – Sắc thái căn bản này có thể thấy khắp nơi trừ triết học về vật chất và các triết học của một duy tâm luận. Tuy nhiên, ở phương diện này, các nhà hiện tượng học, các triết gia về nhân sinh, các triết gia về hiện hữu đi xa hơn các nhà siêu hình học. Siêu hình học thỏa thuận dành cho khoa học thiên nhiên một địa vị khá giới hạn coi như một nguồn mạch của nhận thức triết học, trong khi các vị trước, trên đại thể, không chấp nhận giá trị nào như vậy.
b) Phân tích – Hoàn toàn đối lập với thế kỷ XIX, các triết gia ngày nay tiếp tục sự phân tích và thường với những phương pháp mới và rất chính xác.
c) Duy thực – Các nhà siêu hình học, một số triết gia nhân sinh, các triết gia về vật chất, cũng như một vài triết gia về hiện hữu đều là những nhà chủ duy thực, và chỉ những người chủ duy tâm mới tấn công chống lại quan điểm này. Hình thức biểu trưng nhất là hình thức duy thực trực tiếp; nó gán cho con người khả năng nắm được thể tính một cách trực tiếp. Trên đại thể, sự phân biệt của Kant giữa những vật-tự-nhỉ (chose-en-soi) và những giả tượng (apparence) bị ném lui ngay từ đầu.
d) Đa nguyên luận – Các triết gia hiện đại thường là chủ đa nguyên chống lại nhất nguyên luận duy tâm và duy vật của thế kỷ XIX. Ngay cả ở đây cũng có một vài ngoại lệ, cả Alexander, ở những nhà siêu hình học và Croce, giữa những nhà duy tâm luận đều là chủ nhất nguyên, đó là một tỉ dụ. Nhưng họ chỉ là thiểu số và ảnh hưởng dĩ nhiên đang suy giảm.
e) Chủ hiện thực (actualisme) – Hầu hết tất cả các triết gia của thời đại này đều là chủ hiện thực. Mối bận tâm của họ là biến hành (devenir), một biến hành mà dần dần họ đồng nhất họ với dòng lịch sử, cũng như lịch sử đã trở thành hướng đạo của những phong trào chủ ngoại lý thay thế sinh vật học vốn đã giữ vai trò này ngay từ khởi đầu thế kỷ XX. Chủ hiện thực trong triết học ngày nay từ chối hiện hữu của những bản thể, chỉ có những người chủ Thomas và một vài người tân duy thực ở Anh là những ngoại lệ đối với quy luật này.Một số triết gia đi xa hơn trong chủ hiện thực của họ đến chỗ từ bỏ quan niệm về những hình thể lý tưởng bất động. Điều này đúng cho các triết gia về vật chất, các triết gia nhân sinh, nhiều nhà duy tâm luận, và tất cả các triết gia về hiện hữu. Nhưng những khuynh hướng sau này bị các trường phái khác tấn công mãnh liệt, nhất là những người Tân chủ Kant, hiện tượng học và siêu hình học.
f) Chủ nghĩa nhân vị (personalisme) – Trong phần đông các trường phái, mối bận tâm được quy tụ trên thế vị con người. Trừ các triết gia về vật chất, các tư tưởng gia ngày nay nhiều hay ít nhìn nhận hiện hữu của tinh thần và nhấn mạnh giá trị độc nhất của thế vị con người. Các triết gia về hiện hữu truyền bá chủ nghĩa nhân vị này dưới một hình thức bi tráng đặc biệt, nhưng nhiều nhà siêu hình học và hiện tượng luận cũng phụ giúp một cách đắc lực. Chính bởi lý do này mà triết học hiện đại sở đắc một sắc thái rõ rệt khác với quá khứ - nó gần với thực tại thường nhật hơn bất cứ triết học đi trước nào.
E. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGOẠI DIỆN
Ngoài những nét chính về học thuyết, nhiều sắc thái ngoại diện của triết học hiện đại đáng chú ý. Nó rất là chuyên biệt và phi thường phong phú, và các trường phái cá biệt của nó có những tương quan mật thiết với nhau hơn những thời trước.
a) Kỹ thuật – Không một triết gia chuyên nghiệp nào ngày nay cho ra những tác phẩm so được trong tính chất giản dị với những tác phẩm của một Platon và một Descartes. Tất cả các trường phái (trừ duy vật biện chứng và thỉnh thoảng thực dụng chủ nghĩa), ở cách sắp đặt của chúng đều có những khái niệm nòng cốt chuyên môn về những từ vựng phong phú và trừu tượng càng lúc càng nhiều trong dòng luận giải khúc mắc và tinh tế. Điều này rõ ràng nhất với các triết gia về hiện hữu và tân thực chứng, và do đó là kiểu mẫu của hai trường phái mới nhất. Các nhà duy tâm luận, hiện tượng học,và siêu hình học cũng giống thế, không nhiều thì ít. Rồi, nhìn từ bên ngoài, một vài kỹ thuật triết học của thời đại chúng ta quả chắc là một hồi tưởng (reminiscence) của các tác phẩm kỹ thuật như của Aristote và ngay cả những phương thức khéo léo được tìm thấy trong chủ kinh viện (scholasticisme) thế kỷ XV.
b) Sự trù phú – Mức hoạt động của các triết gia hiện đại thật cao quá thường. Chỉ ở Ý cũng đã có khoảng ba mươi tác phẩm định kỳ chuyên triết học, trong khi đó trường phái duy nhất có tính cách quốc tế, chủ Thomas trong nghĩa hẹp, tính hơn hai mươi. Thư mục của Viện quốc tế triết học kê khai hàng nghìn tên sách mỗi năm. Với công trình kích thước này, chúng ta phải thêm sự phong phú về các vấn đề được khai sinh lúc này, cũng như tầm quan trọng thực tế của nhiều tác phẩm đang xuất hiện. Chắc chắn khó mà nói một điều gì về giá trị lâu dài của chúng, dù những vẻ ngoài có hoàn toàn mê hoặc, một số triết gia của thời đại chúng ta chắc chắn sẽ để lại một dấu vết trường kỳ trên lịch sử của tư tưởng triết học. Đôi lúc với một thêm thắt nào đó, ta có thể nói rằng thế kỷ này sẽ tính vào số trù phú nhất trong lịch sử.
c) Liên đới – Một đặc điểm của triết học Âu châu ngày nay là cao độ giữa những tiếp xúc giữa các triết gia những phong trào đối lập và đa biệt nhất, và sự thiết lập những tương quan giữa các nước khác nhau. Đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự khai sinh một chuỗi dây những cuộc hội nghị quốc tế về triết học tập họp một số các triết gia càng lúc càng đông. Ngoài những hội nghị này còn có những cuộc gặp gỡ quốc tế vì những chủ đích chuyên môn dành riêng từng môn học, phong trào hay trường phái. Thêm nữa, một số các trường phái quốc tế (ví dụ: duy tâm luận, chủ Thomas, tân thực chứng, vân vân) đã lập ra những tờ báo, và một số trong đó gần cả các bài vở của nhiều thứ tiếng. Kết quả là các trào lưu triết học tương thông hơn đối với hầu hết bất cứ thời kỳ nào trước kia.
Chắc chắn điều này tự chứng tỏ trong tiến trình mà các trường phái ngày nay được thiết lập. Tỉ dụ, tân duy thực ở Anh nổi lên từ “lý thuyết về những khách quan” (bà con với hiện tượng học), từ một vài quan điểm duy nghiệm, và từ sự nghiên cứu về siêu hình học (Russell và Leibniz). Tân thực chứng có liên quan chặt chẽ với sự phê bình khoa học, duy nghiệm cổ điển, tân duy thực ở Anh, và đồng thời do ảnh hưởng của Husserl, sáng lập viên hiện tượng học. Husserl có ảnh hưởng mạnh mẽ ở triết học về hiện hữu và ở một vài ngành siêu hình học. Duy tâm luận không biệt lập với đối thủ cổ truyền của nó, thực chứng luận. Độc đáo nhất là sự phát sinh triết học về hiện hữu, nó tự kết hợp các ảnh hưởng của thực chứng,duy tâm và hiện tượng học, mặc dù chính yếu nó phát xuất từ triết học nhân sinh và không phải không có những yếu tố siêu hình học.
Nguồn: J. M. Bochenski. Triết học Tây phương hiện đại. Tuệ Sỹ dịch. Nxb. Ca Dao, 1969. Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao, sinh viên khoa Triết trường Đại học Huế, thực hiện.
[1] Một số các đại biểu dẫn đầu của khoa học thiên nhiên đã rút ra từ tất cả các sự kiện này những kết luận quá xa vời, khi họ nghĩ rằng họ có thể thiết lập chủ thuyết phi vật chất (immatérialisme). Duy tâm luận (idéalisme), hay ngay cả hữu thần luận (théisme) trên nền tảng của những khám phá mới về sinh vật học và vật lý học. Ta chỉ cần kể ra những nhân vật tên tuổi giữa những nhà vật lý học và thiên văn học: Arthur Stanley Eddington (1882-1994), James Hopwood Jeans (1877-1946), Max Planck (1808-1947); và giữa những nhà sinh vật học: Arthur Thomson (1861-1933) và John Scott Haldane (1860-1936). Tuy nhiên, ngay dù học thuyết họ chứa đựng rất nhiều điều đúng và hấp dẫn, đặc biệt khi họ chỉ trích duy vật luận, tư tưởng tích cực của họ thường thường rất “tài tử” cho đến nỗi các chuyên viên triết học gợi lại họ một ít sự chú ý. Nhưng các khoa học gia suy luận kiểu triết học này đang gây một ảnh hưởng rất mạnh mẽ trên đám đông quần chúng lớn. Hoạt động triết học của họ có một nhu cầu duy nhất: Sự kiện mà các lý thuyết này đã có thể được đặt ra bởi họ đã chứng tỏ là ngày nay chúng ta xa cách tinh thần thế kỷ XIX bao nhiêu.
[2] Ủy ban (30 triết gia) của liên hiệp quốc tế về các Hội triết lý (lập năm 1948) kể có 24 vị người Âu lỗi lạc. Trong số đó, người ta thấy có 5 vị chủ Thomas, 4 vị siêu hình học thuộc một khuynh hướng khác, 2 vị biện chứng pháp, 1 vị thực chứng, 1 vị duy tâm, 1 vị duy vật biện chứng (từ Tiệp Khắc đến) và 1 vị hiện sinh. Sáu triết gia này đều là những vị theo luận lý toán học. Sự thành lập của ủy ban này dĩ nhiên không bày tỏ chính xác thế lực tương đối của các trường phái, nhưng cũng là một dấu hiệu có ý nghĩa.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC