Logic học | Tư duy phản biện

Khẳng định hậu kiện: Định nghĩa và ví dụ

NGỤY BIỆN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
                                                 

KHẲNG ĐỊNH HẬU KIỆN

Định nghĩa và ví dụ

PAUL ELSHER

 

Khẳng định hậu kiện (affirming the consequent) là một ngụy biện logic. Ngụy biện này xảy ra khi người ta suy diễn một cách sai lầm rằng đối lập với một phán đoán "nếu-thì" đúng nào đó là một phán đoán đúng.

Nó là một ngụy biện hình thức, nghĩa là có sự sai lầm nào đó trong cấu trúc logic của luận cứ khiến cho kết luận trở nên không hợp lệ (invalid). Ngoài ra, nó còn được biết tới với tên gọi: "lỗi đảo ngược", "khẳng định hậu kiện", và "ngụy biện hậu kiện"

GIẢI THÍCH

Khẳng định hậu kiện là một hình thức lập luận ngụy biện trong đó việc đảo ngược một phán đoán điều kiện đúng (hay phán đoán "nếu-thì") được cho là ta sẽ có một phán đoán đúng. Nói cách khác, người ta giả định rằng nếu mệnh đề "nếu A thì B" là đúng, thì mệnh đề "nếu B thì A" cũng đúng.

Vì thế, hình thức logic của nó là:

1. Nếu X thì Y

2. Y

3. Do đó, X.

Ví dụ:

1. Nếu trời mưa thì đường ướt.

2. Đường ướt.

3. Do đó, trời mưa.

Ở đây, ngay cả khi tiền đề thứ nhất đúng (nếu trời mưa thì đường ướt), ta cũng không thể từ đó mà suy ra rằng ngược lại (nếu đường ướt thì trời mưa) tất cũng phải đúng; sự việc đường ướt không nhất thiết có nghĩa là trời đang mưa.

TẠI SAO KHẲNG ĐỊNH HẬU KIỆN LẠI KHÔNG HỢP LỆ?

Lỗi lập luận này là một loại ngụy biện hình thức (hay ngụy biện diễn dịch), nó là một dạng lỗi trong cấu trúc của luận cứ diễn dịch. Luận cứ diễn dịch là luận cứ muốn cung cấp một kết luận hợp lệ (valid) một cách tất yếu nếu như các tiền đề của nó đúng: tính hợp lệ (validitiy) phụ thuộc vào cấu trúc của luận cứ.

Khẳng định hậu kiện là một luận cứ không hợp lệ vì các tiền đề của nó không đảm bảo cho chân lý của kết luận. Như đã thấy ở trên, có một lỗi trong cấu trúc của luận cứ vì nó sử dụng sai logic điều kiện, và nó là lỗi khiến cho kết luận không hợp lệ.

VÍ DỤ

Đây là một vài ví dụ để minh họa thêm cho ngụy biện này.

 

1. Nếu anh ta là phi công, thì anh ta có nghề nghiệp.

2. Anh ta có nghề nghiệp.

3. Do đó, anh ta là một phi công.

 

1. Nếu con vật này là con mèo, thì nó có đuôi.

2. Con thằn lằn thú cưng của tôi có cái đuôi.

3. Do đó, con thằn lằn thú cưng là con mèo.

 

1. Nếu tôi bị cảm, thì tôi sẽ bị sốt.

2. Tôi bị sốt.

3. Do đó, tôi bị cảm.

 

1. Nếu hôm nay trời đẹp thì tôi sẽ đi bộ.

2. Tôi sẽ đi bộ.

3. Do đó, hôm nay trời đẹp.

 

CÁC NGỤY BIỆN TƯƠNG TỰ

Phủ định tiền kiện (denying the antecedent) là một ngụy biện hình thức khác và giống với ngụy biện vừa được giải thích ở trên, nhưng về cơ bản là nó đi theo hướng ngược lại. Nó phát biểu rằng:

1. Nếu X thì Y

2. Không X.

3. Do đó, không Y.

Giống như trong khẳng định hậu kiện, hình thức luận cứ này không hợp lệ vì các tiền đề không đảm bảo cho chân lý của kết luận; X sai không có nghĩa là Y tất phải sai. Ví dụ sau giúp ta hình dung rõ hơn ngụy biện này: "Nếu nó là một con người thì nó có bộ não. Nó không phải là con người (nó là một con chó). Do đó, nó không có bộ não."

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

Nguồn: https://fallacyinlogic.com/affirming-the-consequent

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

nguyễn ngọc hưởng - 23:06 02/09/2022
có thể sửa lỗi chính tả được không ạ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt