TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT
TRIẾT-HỌC LÀ GÌ ?
CHƯƠNG IV : ĐẶC SẮC TÍNH CỦA TRIẾT-HỌC
TIẾT I : NHẬN XÉT CHUNG
Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com
Jaspers đã bắt đầu cuốn Triết học Nhập môn của ông bằng một câu làm ta phải suy nghĩ nhiều. Ông viết : « Người ta không đồng ý nhau về triết học là gì cũng như triết học có giá trị gì ». (Bản dịch Việt văn trang 35) Thực vậy, nhìn vào lịch sử, ta không thể thấy hai triết gia chủ trương một triết thuyết giống nhau. Hơn nữa, như Ciceron đã nhận xét, không có một điều phi lý nào mà không có triết gia đề xướng và biện hộ. Tuy nhiên, người khôn ngoan vẫn nhận thấy một đường lối chung giữa những khuynh hướng hỗn loạn kia, và những nét chính yếu của một Philosophia perennis vẫn hiện hình nơi trăm ngàn chủ tương đối lập nhau.” Nói thế, để ta nhận định tính chất của triết học, khoa học duy nhất của con người xét như là những cá vị tự do tham dự vào cùng một bản tính. Con người là một mâu thuẫn sống động, cho nên cái khoa học phản chiếu thực tại của con người cũng là một khoa học linh động, linh động đến nỗi không thể nào xác định hẳn được. Như thế có nghĩa là triết học không phải là một triết học thực nghiệm với những công thức được xác định rõ ràng và người sinh viên triết học chỉ việc học thuộc lòng là có thể trở thành những triết gia măng non. Một triết học được định nghĩa gọn gàng, chắc chắn, với những đề tài được giảng nghĩa một cách giáo điều : đó chỉ có thể là một triết học chết. Một triết học như thế có hại hơn là lợi : hại vì nó làm cho ta lầm tưởng mình là nhà hiền triết, trong khi thực sự ta chỉ là những con vẹt ; có hại nhất là vì cái tri thức giả hiệu đó làm tê liệt suy nghĩ là linh hồn của triết lý. A) TRIẾT HỌC KHÔNG PHẢI MỚ MẶC-KHẢI Không nên ngây thơ coi triết học như một mớ những mặc khải sáng láng và kỳ diệu có thể giúp ta giải đáp tất cả những thắc mắc về cuộc đời. Thái độ này khá thông thường nơi những môn sinh triết học. Kinh viện thời xưa : họ đón nhận triết học như một bài học quý giá do tiền nhân để lại : họ kính cẩn nhai đi nhai lại những bản kinh văn không khác chi những đứa trẻ học cuốn sách gồm những giáo điều. Coi triết học là một mớ những mặc khải lạ lùng, là thái độ rõ ràng phản triết học. Đối với những khoa học thực nghiệm, sự suy nghĩ cũng cần, nhưng có thể nói là không đến nỗi bất-khả-khuyết : một dược sĩ bỏ rơi phần nghiệm xét và nghiên cứu phát minh, vẫn có thể dùng cái sở đắc của mình để hành nghề và giúp ích cho nhân loại ; trái lại, một triết gia bỏ suy niệm thì còn gì ? Chỉ còn một mớ kiến thức cũ, những kiến thức đó đã có ích cho những năm vừa qua, nhưng không trông giúp con người giải quyết những vấn đề luôn luôn đổi mới. Nói thế nghĩa là : không thể có triết lý nếu chỉ bám vào những bài học thuộc lòng, hay những kinh văn của thánh hiền. « Đặt tất cả mọi cái thành vấn đề, đó là một công việc quan hệ và trọng đại. Nhưng cũng là một công việc nguy hiểm : thuyết luân lý hình thức đã gần lắm, một khi người ta coi cái kỹ thuật này như chính chủ đích của nó, không còn màng chi tới những đối tượng đích thực trong kinh văn hoặc qua kinh văn nữa ». (Chenu) Tình trạng suy đồi này, nếu chúng ta để tâm xét kỹ, có thể sinh ra do hai căn nguyên : một là do sự lười lĩnh không muốn vất vả suy tư ; còn gì dễ bằng những bài học thuộc lòng ? Và còn gì ít nguy hiểm hơn là đi theo những con đường mòn ? hai là do ảnh hưởng khốc hại của những thiên tài gây nên. Cái vạ của những thiên tài là thường làm cho bọn môn sinh và những kẻ hậu lai thành kính họ quá đến nỗi coi họ như những mô phạm tuyệt đối : chúng ta chỉ còn phải làm như họ và lý tưởng của ta là làm được như họ ! Thay vì là dụng cụ để mài giũa tri thức ta, sách vở của thánh hiền đã trở thành chính tri-thức cho những môn sinh bạc nhược đó. Cái vạ của thiên tài không do những bậc thiên tài gây ra, nhưng do chính chúng ta gây nên cho mình, do thái độ thành kính không phải lối. Thay vì dùng những kiến thức của thánh hiền làm bậc thang để tiến lên cao hơn, người ta đã phủ-phục dưới những kiến thức đó. Thực là không xứng với những nỗ lực của các hiền nhân tiền bối. B) THỜI-ĐẠI-TÍNH CỦA TRIẾT HỌC Nên nhớ rằng : triết học là khoa học về tinh-thần nhập-thể con người, một thực thể còn được cấu tạo trên căn bản tự do và luôn luôn bất định, còn các khoa học thực nghiệm thì lại có những đối tượng hoặc bất biến (Toán, Lý, Hóa) hoặc biến hoá rất ít (vạn vật học). Chúng ta ai ai cũng biết toán học là điển hình những khoa học xác định (sciences exactes) và cái mộng của Descartes là kiến tạo một trí thức toàn diện xây trên mathesis universalis. Nhưng đặc tính của toán học là một tri thức tuyệt đối phổ quát quá ; trái lại, các khoa học về con người, nhất là triết học, nếu có đi vào con đường ấy tức là bị biến thành những khoa hình thức, vô lý và vô dụng. I. Triết học và ưu tư của thời đại Triết học phải mang nặng những ưu tư của con người thời đại. Nếu không, triết học sẽ chỉ là một thứ văn chương tiêu khiển mà thôi. Về vấn đề này, E. Bréhier viết : « La philosophie serait une pauvre chose, si elle ne se rattachait aux préoccupations d’une époque. En fait, les grands systèmes philosophiques ne sont intelligibles que comme la réaction d’un penseur à une situation générale politique, morale et spirituelle, en fonction de laquelle il se pose des questions dont la solution modifierait et transformerait cette situation elle-même dans un sens conforme à ce qu’il considère comme essentiel à la condition humaine… Aucune philosophie qui mérite ce nom, n'a pu naître ou renaître sous la poussée des évènements extérieurs, qu’il s'agisse de Descartes, des Encyclopédistes, d’Auguste Comte ou de Renouvier ; elle est tissée dans la trame du temps qui l’a produite ; c’est ainsi que, en un sens, une philosophie vieillit rapidement et que vains sont les efforts pour la maintenir à l’abri d’une école, séparée de sa source créatrice ». (E. Bréhier, La philosophie et son passé, Puf. 1940, p.4-5). Dịch : Triết học sẽ trở thành một sự vật tồi tàn, nếu nó không liên kết với những lo âu của thời đại. Thực sự, người ta chỉ có thể hiểu được những hệ thống triết học vĩ đại nếu người ta nhìn nhận chúng như là phản ứng của một nhà tư tưởng đối với một tình trạng toàn diện chính trị, luân lý và tinh thần : trước tình trạng ấy, triết gia đã đặt những câu hỏi mà ông hy vọng rằng những câu trả lời sẽ có thể đổi và hoán cải tình trạng đó theo phương hướng mà ông cho là cốt yếu cho thân phận con người… Không một triết thuyết xứng danh nào mà lại đã không phát xuất hoặc phục hưng dưới sức đun đẩy của những biến cố bên ngoài, dầu là Descartes, dầu là nhóm Bách khoa, dầu là A. Comte hay Renouvier ; triết thuyết được dệt bằng dòng thời gian đã phát sinh ra nó ; cũng vì thế, theo một nghĩa, một triết thuyết thường chóng già và dầu người ta cố công duy trì nó trong khuôn khổ một học phái thì cũng uổng công, vì nó đã xa cái nguồn sống tạo nên nó. Xem như thế, vì triết học là suy tư về con người thời đại, mà thời gian thì luôn luôn biến đổi, cho nên triết học cũng theo đó mà tiến lên. Nói thế nghĩa là triết học không có tính chất xác định như các khoa học thực nghiệm, trái lại, yếu tính của triết học (và đó cũng là yếu tính của con người) là luôn luôn vượt lên (se dépasser). Tất cả những dòng trên đây chỉ có một mục đích là khuyên ta đừng bao giờ quan niệm triết học như một khoa học giáo điều (dầu là giáo điều tôn giáo – dầu là giáo điều khoa học, vì thực ra phương pháp giáo khoa của khoa học có tính chất cưỡng phục và chung thẩm). II. Vấn đề cũ, nhưng khía cạnh mới Đặt lại vấn đề cũ nhưng với những yếu tố mới (vẫn là vấn đề con người, vũ trụ và Thượng-đế, nhưng được đặt với những khả năng tri thức hoàn bị hơn của con người thời đại, sự hoàn bị do các khoa học chuyên biệt cung cấp cho con người) : đó là hướng đi của triết học. Nó đi không ngừng, cũng như dòng tiến hóa không bao giờ dừng lại. Vì thế, luôn luôn xuất hiện những vấn đề mới, những câu hỏi mới. Và đó là sinh hoạt của triết học. Xét cho cùng, tư tưởng vấn truy đối lập với tất cả những gì là quyết định tức là statement (xác định), chúng tôi xin dùng một chữ tiếng Anh không có chữ tương đương trong tiếng Pháp. Cái đặc tính của statement là một phán đoán không cho phép đối đáp gì nữa : nó có tính chất tối hậu, và nó đúng cho một bộ bao la của những câu phán đoán, tự câu « hai với hai là bốn », cho đến câu quyết đoán « Napoléon đã chết ở Sainte Hélène », cho rằng có những sai biệt sâu xa về thể thức giữa những câu phán đoán đó. Còn cái mà tôi gọi là đặt con người thành vấn đề cho con người thì lại đưa ra đặc tính này là « không thể kết thúc bằng một xác định nào hết » ; hoặc nói thế này cho đúng hơn : sự đặt thành vấn đề đó một trật tự bao trùm lên trên tất cả các statement về căn nguyên, về yếu tính tức là chính định mệnh của con người. Đường lối tư tưởng này tuyệt đối khác với bất khả tri chủ nghĩa. Đối với ta, điểm gay go nhất là : cái hữu thể mà bản sắc sâu xa nhất không những chỉ là truy-vấn về bản tính vạn vật nhưng còn là tự vấn về chính yếu-tính riêng của mình, hữu thể đó như vậy đã tự-đặt mình ở quá tất cả những câu trả lời không tránh khỏi tính cách đặc-thù, tức là những câu trả lời mà câu hỏi kia có thể đạt được. (Phỏng theo G. Marcel). III. Biện-chứng-tính của triết học Nếu triết học chỉ là một mớ những câu hỏi, thì triết học làm chi ? Và nếu chúng ta sẽ học cái gì ? Nếu chúng ta đã thấu hiểu những ý tưởng được nêu ra ở những dòng trên đây, chắc chúng ta không đặt câu hỏi ấy. Triết học không phải là vị thần ngồi ban phát những mệnh đề thần thánh có khả năng giải đáp tất cả những thắc mắc của ta về cuộc đời. Không. Triết học chỉ là hướng về, là thích (philo) và truy tầm chân lý mà thôi. Nhưng chúng ta hãy yên tâm, vì triết học đã trả lời và còn sẽ trả lời ta : chính vì muốn tìm ra những câu trả lời đó, mà các hiền nhân quân tử đã suy tư và chúng ta phải suy tư. Cần để ý một điều : trong khi những câu trả lời của các khoa học thực nghiệm có tính chất chung thẩm, thì những câu trả lời của triết học lại chỉ có tính chất biện chứng, nghĩa là chúng phải giúp chúng ta tiến lên những câu trả lời mỗi ngày mỗi kiện toàn hơn. Xem như thế, tư tưởng triết học là một tư tưởng biện chứng, luôn luôn sinh hoạt giữa thực tại, và tri-thức ta có vẻ thực tại giữa cái có và cái có thể, giữa những câu trả lời và những câu hỏi mới vô tận. Tóm lại, khó có thể tìm ra một định nghĩa thoả mãn về triết học. Người ta đã định nghĩa nó là khoa học về hữu thể xét như hữu thể : - là khoa học dạy con người biết sống và biết chết cho xứng đáng. - là tri thức trên hết các tri thức và hướng dẫn các tri thức (scientiarum rectrix). - là tri thức tổng quát, tức phương pháp luận về các khoa học thực nghiệm, v.v… Nhưng « không một định nghĩa nào lột hết được ý nghĩa của triết học, và không câu định nghĩa nào có thể coi mình là duy nhất », và về phần người bước chân vào trường triết học, tất cả những câu định nghĩa đó vẫn chưa đủ trong việc tìm hiểu triết học, vì còn phải cần có kinh nghiệm bản thân mới giúp ta nhận thức được những gì là triết lý trong vũ trụ. (Xem Jaspers, sách dẫn, trang 40).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC