Nhập môn triết học

Đặc sắc tính của triết học. Triết học với mấy môn khoa học khác

TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT
 

ĐẶC SẮC TÍNH CỦA TRIẾT-HỌC

1 2

 

TIẾT II :

TRIẾT HỌC VỚI MẤY MÔN HỌC KHÁC

 


Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com


 

 

A) TRIẾT HỌC VÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM

Tương-quan giữa triết-học và khoa-học thực-nghiệm có thể gồm lại trong ba mối này :

I. Triết-học và khoa học thực-nghiệm không tương-phản

Chỉ có những nhà bác học giở giang và những ông triết gia nông cạn mới bị vấp vào những mâu thuẫn tưởng tượng giữa hai môn bộ đó. Nhìn vào lịch sử tư tưởng nhân loại, ta thấy từ Thalès đến nay các triết gia thường kiêm khoa học gia. Điều đó đúng cho Platon, Aristote, đúng cho Descartes, Kant, và cũng đúng cho Jaspers và Merleau-Ponty. Nghĩa là, có khi những nhà bác học không phải là triết gia, nhưng trái lại triết gia thực thụ bao giờ cũng là những người có sở trường tối thiểu về những vấn đề khoa học :

« Le Métaphysicien est fort des succès de l’homme de science, et d’ailleurs le plus souvent il est lui même un homme de science. Platon et Aristote dressent le bilan du savoir positif de leur temps et contribuent ainsi à le promouvoir ». (G. Gusdorf. op. cit., p.82).

Mà hai khoa đó tương phản nhau thế nào được, vì khoa học thực nghiệm chỉ là những thể hiện từng đợt của trí-thức con người đối với vũ trụ chất thể, còn triết học thì lại là sự suy nghĩ về toàn thể con người tri thức đó ?

Chúng ta nên nhớ luôn : triết học là một suy tư về tri thức khoa-học của con người. Như vậy, luôn luôn có biện-chứng-pháp giữa khoa-học và triết-học : triết-học nhân-bản-hóa những giá trị thực-nghiệm của khoa-học, đồng thời, triết-học cũng đặt câu hỏi về viễn tượng của những phát-minh mới của khoa-học và như vậy là hướng khoa học về những thám hiểm mới. Về phần khoa-học thì nhiệm vụ rõ rệt của nó là mở rộng bờ cõi của tri thức con người, đồng thời, mang lại cho công việc suy tưởng triết-học những vật liệu mới.

Những ý tưởng trên đây đã được Merleau-Ponty nhắc đến trong câu sau đây :

« Entre la connaissance scientifique et le savoir métaphysique qui la remet toujours en présence de sa tâche, il ne peut y avoir de rivalité. Une science sans philosophie ne saurait pas, à la lettre, de quoi elle parle. Une philosophie sans exploration méthodique des phénomènes n’abouterait qu’à des vérités formelles, c’est-à-dire des erreurs. Faire de la métaphysique, ce n'est pas entrer dans un monde de connaissance séparé, ni répété des formules stériles – c'est faire l’expérience des paradoxes qu’elles indiquent, c’est vérifier toujours à nouveau le fonctionnement discordant de l’intersubjectivité humaine, c’est checher à penser jusqu’au bout les mêmes phénomènes que la sciense investit, en leur restituant seulement leur transcendance et leur étrangeté originaires ». (Sens et non-sens, Nagel 1948, p.170-171).

Dịch : Giữa kiến thức khoa-học và tri thức siêu-hình-học là cái luôn luôn đặt kiến thức khoa-học đối diện với nhiệm vụ của nó, không thể nào có sự tương khắc được. Khoa-học mà không có triết-học thì thực sự sẽ không biết mình nói cái chi. Còn triết-học mà không thám hiểm những hiện tượng một cách có phương pháp, thì kết cục sẽ chỉ đạt được những chân-lý hình thức, tức là những dịp dễ sai lầm mà thôi. Nghiên cứu siêu hình-học không phải là bước vào một thế giới trí thức thuần túy, hoặc chỉ lặp đi lặp lại những sáo ngữ vô bổ… nhưng là đi vào kinh nghiệm đầy ứ những nghịch lý mà những sinh hoạt bất hòa của tương-chủ-tính nhân loại ; là tìm cách suy tưởng cho hết ý cũng chính những hiện tượng mà khoa-học nghiên cứu, nhưng bằng cách trả lại siêu-việt-tính và vẻ xa lạ nguyên thủy cho các hiện tượng ấy.

Công việc của triết-gia không đi song-hành với công việc của khoa-học-gia, nhưng đi trước và nhất là đi sau. Triết-gia suy tư (réfléchit) về tri thức khoa-học của con người.

II. Triết-học và khoa học là hai bộ môn khác nhau

Biệt lập thì khác, mà đối lập thì lại khác. Triết-học và khoa-học thực nghiệm không đối lập nhau, như ta vừa xem qua, nhưng chúng biệt lập nhau như hai loại tri thức khác nhau. Sự khác biệt đó dễ nhận thấy cả ở bộ diện của hai môn bộ, như đã nói qua trong chương nhất.

1) Về đối tượng

Chúng ta chưa quên câu của Jaspers : đối tượng của khoa-học thực nghiệm là những sự vật (kể cả con người vật lý và sinh lý), còn đối tượng của triết-học là con người tinh thần sinh hoạt, là hiện-sinh tự do.

2) Về phương-pháp

Khoa-học thực nghiệm đã được định-nghĩa là khoa-học của những cái khả lượng (il n’y a de science que du mesurable). Cho nên phương pháp của khoa-học thực nghiệm căn cứ trên những thí-nghiệm (sciences expérimnentales), và những thí nghiệm đó có mục đích là chứng nghiệm những công thức. Và đã nói công thức tức là nói toán, hoặc ít ra toán cũng là hình thức chính của nó. Một điểm khác không kém quan-trọng cho ý nghĩa khoa-học thực nghiệm là : những công thức nó thực luôn ; tất cả những lần tôi thực hiện được đủ điều kiện đã chỉ, thì tôi chắc trăm phần trăm là kết quả sẽ có.

Trái lại, phương pháp triết-học không thể là phương pháp thực nghiệm, chỉ vì một lẽ đơn sơ này : con người là một tự do. Con người là một huyền nhiệm khôn lường ; chẳng những tôi không thấu hiểu tha nhân, mà tôi cũng chẳng hiểu được hết chính bản thân tôi nữa. Vậy chỉ còn một phương pháp thích-ứng với cái đối tượng quá linh động nọ : đó là tìm hiểu lâu-la trong thực tế (Approches, Abschat-tungen, Phénoménologie).

3) Về quan điểm

Cũng gọi là bộ mặt riêng biệt của mỗi bên. Sự khác biệt này càng ngày càng rõ rệt, vì các khoa-học thực nghiệm càng ngày càng chuyên biệt hơn, và càng đi vào chuyên môn thì đối tượng nghiên cứu càng thu hẹp lại ; còn phía triết-học thì vẫn giữ nguyên tính cách tổng quát của nó. Muốn nhìn rõ những đối tượng bị thu hẹp của những khoa chuyên môn, chúng ta chỉ cần đi từ khoa sinh-vật-học, khoa sinh-lý-học con người, rồi qua khoa chuyên-môn về tuần hoàn, rồi chuyên-môn về tim, rồi chuyên môn về máu, chuyên môn về huyết cầu, và chuyên môn về những bệnh do bạch huyết cầu, v.v… Cho được gọi là chuyên môn thì nhà bác học chỉ chăm chú vào phạm vi nhỏ hẹp đã dành riêng cho những nghiên cứu của ông : ông biết hết tất cả những điều có thể biết về chuyên môn của ông, nhưng đồng thời, ông không biết gì về những cái ở ngoài khoa chuyên môn ấy, dầu cả những điều khá quan trọng về sinh lý học.

III. Bản tính của mối tương quan giữa triết học và các khoa học thực nghiệm

Sau khi đã chứng minh sự dị biệt giữa hai môn bộ, và sau khi đã xác nhận rằng chúng không thể đối lập nhau, chúng ta còn phải tìm xem chúng có tương-quan gì với nhau không. Để ý một chút, chúng ta đã có thể thấy rằng giữa triết-học và khoa học thực nghiệm có một tương quan biện chứng : mỗi khi có một phát minh khoa học, triết-học phải suy tư về giá trị nhân bản của phát minh đó.

Thực vậy, triết học không thể tự hào mình không cần đến khoa học thực nghiệm. Nếu quả thực triết gia hành động như thế, tất nhiên ông sẽ bỏ rơi con người hiện sinh với những thắc mắc hiện đương của nó, để chạy theo những đối tượng xa vời của dĩ vãng hoặc của học thuyết ngày xưa : trong trường hợp đó, công việc của ông sẽ không khác chi những cuộc bình thơ và những buổi phê bình văn thư thường diễn ra nơi trà-dư tửu-hậu. Trái lại, nhà khoa học lại càng không thể tự xưng là độc lập đối với triết học. Cái ngông cuồng của khoa học chủ nghĩa đã qua lâu rồi, và ngày nay chính những nhà bác học trứ danh nhất đã nói lên sự cần thiết phải nhân-bản-hóa các khoa học thực nghiệm. Thực là trái ngược với cái mộng của Descartes muốn khoa học hóa tất cả những khoa học và con người.

Càng ngày người ta càng ý thức sự cao quý của nhân vị con người, và cũng vì thế người ta thấy cần phải nhân-bản-hóa tất cả những gì của con người hoặc do con người phát sinh ra. Tóm lại :

« Par une sorte de paradoxe, le rapport de la science à la métaphysique s’est en quelque sorte inversé, et désormais les diverses sciences manifestent bien plutôt le besoin d’une infusion de métaphysique… De l’aveu même de spécialistes éminents, il n’y a donc pas d’autonomie de la science à l’égard de la métaphysique… Les découvertes les plus extraordinaires de la physique en appellent toujours à une instance métaphysique, dans la mesure où elles demandent chaque fois à être reclassées dans l’humain. La science n’est pas juge d’elle-même et le savant qui sort triomphant de son laboratoire se trouve parfois désorienté en face des conséquences incalculables que la recherche pure peut entrainer pour le bonheur ou le malheur des hommes ». (Gusdorf, sách dẫn, trang 94, 95 và 97)

Đọc đến đây, ai lại không liên tưởng đến hình ảnh ưu tư của Einstein, nhất là sau khi hai trái bom nguyên tử đã làm tiêu tan ngót triệu sinh linh trong một phút đồng hồ. Và những phản ứng đã gây nên « trường hợp Openheimer » cũng là một bằng chứng quyết liệt của sự lệ thuộc của khoa học đối với tư tưởng triết học về con người.

B) TRIẾT-HỌC VÀ ĐẠO-ĐỨC

Vấn đề tương quan giữa Triết học và Đạo đức, thoạt đầu, xem ra như không cần đặt ra, vì hiện giờ ai cũng công nhận Đạo đức học là một phần của Triết học, như hiện có trong chương trình Triết học, cấp trung học hay cấp đại học. Thế nhưng, có một khuynh hướng khá mạnh muốn tách Đạo đức học ra khỏi Triết-học, và muốn đặt cho Đạo đức học một nền tảng không phải là Triết-học, không phải là siêu-hình-học. Lại có một khuynh hướng khác muốn siêu hình hóa quá chớn khoa Đạo đức học, khiến khoa này trở nên quá trừu tượng tách rời ra khỏi hiện sinh. Ta sẽ phác qua hai khuynh hướng đó, rồi phải nghĩ thế nào cho đúng.

I. Khuynh-hướng chủ-trương Triết-học không cần cho Đạo-đức-học

Khuynh hướng này có thể gọi tắt là Đạo-đức-học duy-nghiệm, muốn xây dựng Đạo-đức trên khoa-học 4. Nó có nhiều hình thức và đây là hai hình thức chính.

1) Hình thức duy sinh

Bayet, H. Spencer chẳng hạn, sẽ lái Đạo-đức theo đà sống của hiện sinh cụ thể, có tính cách sinh vật. Lúc đầu, trẻ sơ sinh chịu những điều kiện kỷ luật vệ sinh theo những nhận xét của các nhà phân-tâm-học, những kỷ luật vệ sinh đó có một ảnh hưởng lớn lao và nhiều khi quyết định tới cá tính của một người. Lớn lên, con người theo một nền đạo đức giáo điều (morale dogmatique) do khu vực đặt lên đầu lên cổ. Dần dần, tuổi thiếu niên, được coi là tuổi của lý-tưởng, nhằm những gì cao xa siêu việt. Thành nhân, con người đã « chín », sẽ bỏ những ảo tưởng của tuổi thanh niên mơ mộng, trở thành thực tế hơn, theo một thứ Đạo đức duy lợi, bắt phải tháo vát. Phải cạnh tranh để sống (the struggle for life). Tuổi già, sức kém, không làm việc, không phấn khởi, người ta sẽ đi vào con đường hoài nghi tất cả, cho đến khi xuôi hai tay. Thế là con người có một nền đạo đức thay đổi, tương đối, thiếu nền tảng triết học vĩnh cửu.

2) Hình thức duy-xã-hội

Durkheim và Lévy Bruhl lại chủ trương duy nghiệm với một hình thức khác. Những sự thay đổi trong xã hội, là nền tảng cho thái độ đạo đức của con người. Phong tục học mới là môn học quan trọng, học về những phong tục của từng đoàn thể của từng dân tộc, rồi rút tỉa ở đó những thái độ nào chung nhất, phổ biến nhất, hầu làm tiêu chuẩn đạo đức mọi người phải theo. Đạo đức học sẽ biến đổi theo với thời gian lịch sử, theo với không gian, để làm thành một nền đạo đức nhập thể hoàn toàn, không dựa vào một cái gì siêu việt cả.

II. Khuynh-hướng chủ-trương Đạo-đức-học hoàn toàn siêu hình

Khuynh hướng trên là khuynh hướng nhập thể và nhập thể quá chớn. Khuynh hướng thứ hai này lại sang cực đoan bên kia : siêu hình hóa vượt mức khoa Đạo-đức-học. Nền Đạo-đức-học của Platon, Aristote, của Kant là những Đạo-đức-học vĩnh cửu, xuất thế. Nó không có xương có thịt. Nó phổ biến, trong những mệnh lệnh vô điều kiện (impératifs catégoriques). Con người từ đời đời đã bị đóng khung trong một khuôn khổ làm sẵn, trừu tượng, vừa cho mọi người. Một khuôn khổ vô danh được áp dụng cho con người không sống trong một thời đại nào, không ở trong không gian nào. Chính theo nghĩa này mà Renouvier đã đặt song song Đạo-đức-học và toán học. Ông viết :

« La morale et les mathématiques ont cela de commun, que, pour exister à titre de sciences, elles doivent se fonder sur de purs concepts. L’expérience et l’histoire sont plus loin de réprésenter les lois de la morale que la nature ne l’est de réaliser exactement les idées mathématiques ; cependant, ces lois et ces idées sont des formes rationnelles également nécessaires, celles-ci pour être la règle des sens, celles-là pour diriger la vie et pour la juger ». (Science de la Morale, 196 P.V)

Như thế, chân lý của Đạo-đức-học ngự trị trong thế giới của những chân lý vĩnh cửu, không bị nhơ nhớp bởi một cuộc thí nghiệm nào. Dĩ nhiên, người ta sẽ có một nền đạo đức học áp dụng, để đem đạo đức từ trời xuống đất. Nhưng sẽ có những cuộc xung đột, làm cho các nhà đạo đức phải thất vọng, để rồi trở về tháp ngà của Đạo-đức-học thuần lý chỉ dựa trên siêu hình học. Ở đó, con người mới thực được giải thoát dầu cuộc giải thoát đó phải trả bằng một giá rất đắt : thất-nhân-cách-hóa con người (la dépersonnalisation de l’homme).

III. Phải nghĩ thế nào ?

1) Đạo-đức-học là thành phần của triết học

Triết học là môn học về tinh thần con người với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó. Nhưng tinh thần ấy có thể xét theo nhiều khía cạnh, như ta sẽ có dịp nói tới. Đạo-đức-học có nhiệm vụ đào sâu một khía cạnh : khía cạnh hành vi nhân vị, đánh giá giá trị nó, hướng về tuyệt đối và đem nhào lộn tuyệt đối vào chính nó. Đạo-đức-học, học về những quy tắc để nhân vị hành động cho hợp lẽ phải, để không mâu thuẫn với cơ cấu và trật tự khuynh hướng sâu xa của mình.

2) Triết học là hồn đạo đức học

Nếu đạo đức học có nhiệm vụ như trên, thời nó không thể không cần đến triết học nói chung và siêu hình học nói riêng. Môn này phải là hồn của đạo đức học. Một vấn đề đạo đức bất cứ xét dưới khía cạnh (thiện, ác, nhiệm-vụ, trách nhiệm, giá trị…) đòi phải có trước một quan niệm siêu hình về con người và thân phận của nó trong vũ trụ. Dầu sự lệ thuộc đó nhiều khi không hiện rõ nơi nhiều người, nó vẫn mặc-nhiên phải được công nhận, để đạo đức học có nền tảng vững chãi. 

C) TRIẾT-HỌC VÀ TÔN GIÁO

I. Theo quan điểm lịch sử

Trong những thời đại xa xăm của lịch sử nhân loại, hay nói đúng hơn, của tiền sử nhân loại, tư tưởng siêu hình (triết học) và tôn giáo trộn lẫn vào nhau một cách mật thiết. Thần thoại, ảo thuật, bói toán… đi đôi và chen lẫn với những quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh. Tính cách tương tại này đã không phải không có lý do : đời người là một, ý nghĩa đời sống là một, nên để giải quyết hay tìm ra ý nghĩa đó, con người tổng động viên những khuynh hướng sẵn có, khuynh hướng triết học cũng như khuynh hướng tôn giáo. Còn một lý do căn bản nữa : con người tự ý thức mình là bất lực, bất túc, hoàn toàn, thấy một mình không thể giải quyết vấn đề nhân sinh, nên cố bám víu vào một Ai siêu nhân, dầu mà nhiều khi sự bám víu đó hoàn toàn ngoại lý, hay đôi khi còn phản lý là khác nữa.

Dần dần, đã có sự ly khai giữa Triết-học và Tôn-giáo. Triết-học dành riêng cho những hiền nhân, những quân-tử, được coi là những hạng người tinh tuyền của nhân loại. Còn Tôn-giáo dành riêng cho người thường, với tất cả những tin tưởng nhiều khi hợp lý, dầu mà siêu lý, nhưng nhiều khi cũng phi lý và lố bịch. Hiện tượng ly khai này, thấy rõ trong nền tư tưởng Hy lạp. P.M. Schuhl viết :

« Il y a en effet presque toujours continuité entre religion et philosophie, même quand elles s’opposent ; le logos se définit peu à peu par rapport au mythe ; et les inquiétudes religieuses se prolongent dans les problèmes philosophiques, où elles sont transposées sous des formes nouvelles. Cette conception vaut d’ailleurs pour toutes manifestations de la pensée, dont l’histoire, aux débuts de l’hellénisme, est celle d’une laïcisation, ou pluôt d’une désacralisation progressive ». (P.M, Schuhl, Essai sur la forma-tion de la pensée grecque, P.U.F. 1934, p.XI-XII)

Dịch : Bởi vì luôn luôn có mối liên tục giữa tôn-giáo và triết-học, cả những khi chúng đối lập nhau : trí thức được định-nghĩa dần dần chiếu theo thần thoại ; và những thắc mắc tôn-giáo vẫn nối dài vào trong những vấn đề triết-học, tuy rằng đã mặc những hình thức mới. Quan niệm này đúng cho tất cả những hình thức xuất hiện của tư tưởng, và lịch sử những thời kỳ đầu của văn minh Hy-lạp đã chứng tỏ một sự tục-hóa, hay nói đúng hơn, một sự phi-thần-hóa dần dần.

II. Theo quan điểm cứ lý

Cứ lý ra, Triết-học và Tôn-giáo có nhiều điểm giống nhau, khác nhau, và giúp đỡ nhau.

1) Triết-học và tôn-giáo giống nhau

- Xét theo mục tiêu, cả hai đều nhằm tìm ý nghĩa của hiện sinh, của cuộc đời, của sự hiện diện con người trong vũ trụ. Cả hai giúp con người hiểu được những giá trị đích thực của những hoàn cảnh mới, hòng giúp họ đỡ thấy mình bơ vơ lạc lõng. Triết-học là ánh sáng dẫn đưa con người trên dòng lịch sử ; ánh sáng đó không dừng lại để con người liều mạng đi trong đêm tối ; ánh sáng đó cũng không được bắt con người dừng lại chặn đứng dòng tiến hóa. Cho nên gọi Triết-lý là đi đường như kiểu nói của Jaspers, thực là chí lý : câu nói đó vô tình đã là tiếng vọng lại của tiếng nói các tôn-giáo, các « đạo » (đường đi).

- Xét về tính chất, cả hai đều là cố gắng siêu việt, tìm những gì cao siêu, nhưng nội tại ngay trong đời sống. Cả hai không muốn dừng lại ở thiển cận, ở lợi ích, mà còn vươn mình tới siêu việt, tới lý tưởng (Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối).

- Xét về khả năng nhận thức, cả hai đều tổng động viên những gì con người có thể. Tất cả đều được vận dụng để nói Triết-học hay để hòa mình với siêu-việt-giới. Dĩ nhiên, mỗi khả năng được sử-dụng theo mực độ khác nhau, như ta đã có dịp đề cập tới, trong chương đầu.

2) Triết-học và Tôn-giáo khác nhau

Dầu giống nhau đến mấy, hai thái độ Triết học và Tôn-giáo không thể đồng hóa với nhau được. Về tính chất tư tưởng tôn-giáo nặng giáo-điều-tính, còn tư tưởng triết học dựa trên lý trí và kinh nghiệm đủ loại. Triết-học dựa vào sức tự nhiên của tinh thần, để đào sâu nội dung những vấn đề của mình, còn Tôn giáo dựa vào thế giá (autorité), vào uy tín của thần minh mặc-khải. Triết học tuy có nhiều khía cạnh ngoại lý, nhưng cũng còn một phạm vi thuần-lý khá rộng rãi. Trái lại, Tôn giáo có phạm vi thuần lý rất đẹp, và phải dựa vào ngoại lý nhiều hơn. Dĩ nhiên, ngoại lý này, nơi một số tôn giáo thượng đẳng, như Thiên Chúa giáo – không bao giờ phản lý hay nghịch lý, nhưng lại siêu lý.

3) Triết học và Tôn giáo giúp nhau, Triết học chuẩn bị tiến tới Tôn giáo

Chuẩn bị, để con người dễ tiếp nhận những giáo điều. Thái độ triết học là thái độ sẵn hướng về siêu việt, dầu mà không phải chỉ hướng về đó, nên đứng trước những vấn đề tôn giáo, con người Triết-học dễ dàng đón nhận vì chúng hợp với khuynh hướng tìm hiểu của mình. Chuẩn bị để con người dễ hiểu tôn giáo hơn. Tôn giáo, tự nó, có tính cách ngoại lý, như vừa nói trên. Muốn được hiểu, nó phải được khái niệm hóa, phải được kinh nghiệm hóa, phải dùng tới những danh từ Triết-học và đôi khi dùng đến cả một hệ thống Triết học để tự diễn tả, để tự thông đạt cho người thế. Tôn giáo là tiếng của Trời mặc-khải, nhưng Trời mặc-khải theo tầm thước của con người, nên cũng phải dùng những khả năng nhận thức Triết-học. Đạo công giáo chẳng hạn, lúc đầu chỉ gói gém trong những giáo điều ghi trong Thánh kinh (một cách rời rạc không hệ thống). Thế rồi, tiếp xúc và bành trướng trong đế quốc Hy-La, đạo đó đã không ngần ngại khai thác hệ thống Triết học của Platon (Saint Augustin, vào thế kỷ thứ 5) và hệ thống Triết học của Aristote(Saint Thomas, thế kỷ thứ 13). Với khả năng thích nghi kỳ lạ. Đạo đó còn đang bành trướng và tới đâu, cũng đều có thể nói tiếng Triết-học ở đấy, mà không sợ biến chất những giáo điều căn bản của mình.

4) Tôn giáo, ngược lại, cũng giúp Triết học

Tôn giáo mở trước mắt nhà Triết học những chân trời mới, rộng thênh thang, để nhà Triết-học có thể đi tới tìm hiểu thêm. Nguyên một điểm này kích thích triết gia rất nhiều. Nó không cho phép họ dừng lại, nó gây thắc mắc luôn. Nói khác đi, nó giúp ta có một thái độ triết-học chính tông. Hơn nữa, Tôn giáo có thể bổ sung Triết học trong nhiều điểm. Lịch sử tư tưởng nhân loại cho ta thấy con người đã phải luôn luôn nhờ tới Tôn-giáo để giải quyết rất nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề về nguồn gốc, về cứu cách của hiện sinh. Vấn đề thế giới bên kia, chẳng hạn, là một trong những vấn đề làm thắc mắc con người nhất, thế mà Triết-học không thể giải quyết thỏa mãn được. Phải có Tôn-giáo tiếp tay mới thấy rõ.

 

-----------------

 

ĐỀ THI

 

1) Tương quan giữa Triết-học và Khoa học.

2) Khoa học có thể giải quyết hết mọi vấn đề làm cho con người băn khoăn không ? (Ban CD, khóa I, 1954)

3) Giải thích câu nói : Đạo đức học là môn học quy phạm.

4) Cắt nghĩa câu : « Triết-học sẽ trở thành một sự vật tồi tàn, nếu nó không liên kết với những lo âu của thời đại ». (E. Beréhier)

5) Có thể có một nền Triết-học xác thực như các khoa học thực nghiệm được không ?

6) Thử giải thích chữ triết gia, theo nguyên tự Hy-lạp philosophos, là người yêu mến trí thức.

7) Phương pháp Triết học và phương pháp Khoa học.”

8) Có nên tách biệt (séparer) Tôn-giáo ra khỏi Triết-học không ?

9) Tương-quan giữa Triết-học và Tôn-giáo.”

 
CÂU HỎI GIÁO KHOA
 

1) Tại sao Triết-học phải có thời-đại tính ?

2) Biện-chứng-tính của Triết-học là gì ?

3) Triết-học và Khoa-học giống nhau chỗ nào ?

4) Triết-học và Khoa-học khác nhau chỗ nào ?

5) Trong Triết-học, việc giải-thích phải áp-dụng làm sao ?

6) Triết-học và Tôn-giáo giống nhau chỗ nào ?

7) Triết-học và Tôn-giáo khác nhau làm sao ?

8) Đạo-đức-học có tính-cách Triết-học không ?

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt