Triết học nghệ thuật

Platon luận tội thi nhân

 

PLATON LUẬN TỘI THI NHÂN

CHU QUANG TIỀM (1897-1986)

1

Vào lúc Platông[1] viết sách – quãng thời gian giữa thế kỷ III và thế kỷ IV trước công nguyên – thời đại hoàng kim của văn học Hy Lạp đã trôi qua, không kể Hôme[2] đã là người của đời nảo đời nào mà đến cả nhà bi kịch cuối cùng Ơripít[3] cũng đã từ giã cõi đời. Thời đại mà Platông sống là thời đại của văn xuôi và triết học.

Lúc này các nhà triết học đã dần dần chuyển niềm hứng thú đối với các nền tảng vũ trụ sang xã hội nhân sinh, thơ và các nghệ thuật khác cũng dần dà trở thành trung tâm điểm của hoạt động nghiên cứu.

Nói chung, một sự phát triển hay chuyển biến của một phong trào văn nghệ, thường đều diễn ra sau khi một phong cách cố định của nền văn nghệ vừa chịu một sự lay động. Khi phong cách đã cố định, mọi người quen thuộc đi rồi thì không còn có cái nhu cầu về việc phải có sự suy xét trở lại  nữa. Đến lúc nó bị lay động, phái duy tân công kích, phái thủ cựu bảo vệ – thế là phê bình và lý luận văn  nghệ mới ra mặt. Thời đại Platông là thời đại biến đổi nhanh chóng của văn học Hy Lạp. Phong cách cố định của các tác gia Hy Lạp đã bị Ơripít làm lay động. Ông là đại biểu của chủ nghĩa lãng mạn cổ điển. Ơripít một mình rời bỏ thần quyền đi nghiên cứu con người, rời bỏ giáo huấn đạo đức đi bàn nghệ thuật, rời bỏ “văn ngôn” để dùng “bạch thoại”, rời bỏ những quy định điển phạm cũ kỹ để tiếp thu ảnh hưởng ngoại lai. Đương thời, những kẻ ôm mối lo về thế đạo nhân tâm, trông thấy biến chuyển lớn lao đó đều run rẩy lo sợ. Nhà bi kịch Arixtôphanex trong tác phẩm Con ếch đã lôi Ơripít đến trước mặt Diêm Vương để đòi trừng phạt vì tội làm hại đến thuần phong mĩ tục. Platông cũng như Arixtôphanex ôm cùng một “nỗi lo thế đạo nhân tâm”, có điều quan điểm của Platông lại hoàn toàn khác. Người cổ Hy Lạp là cả một mâu thuẫn lớn, mà Platông là mâu thuẫn của mối mâu thuẫn lớn  ấy. Ngày nay ngắm nhìn đủ loại các kiệt tác nghệ thuật của Hy Lạp cổ – từ đền đài, tượng đá, phù điêu, bích hoạ… chúng ta đều nghĩ người cổ Hy Lạp là một dân tộc rất yêu cái đẹp, đồng thời cũng rất có năng lực thẩm mỹ. Có cảm tưởng dường như ngoài việc sáng tạo và thưởng thức cái đẹp ra họ chẳng còn toan tính mưu cầu gì nữa. Trong mắt của rất nhiều tác gia nửa sau thế kỷ XIX, người cổ Hy Lạp chỉ là như thế, cũng hệt như họ, ngồi trong tháp ngà hát bài “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Thế nhưng trên thế gian này lại dường như không có dân tộc nào thực tế hơn được người cổ Hy Lạp. Đối với người Hi Lạp, “mỹ” và “thiện” đều chỉ dùng  một chữ Karos. Cơ hồ có thể nói xa rời “thiện” thì cũng không còn gọi là “mỹ” nữa. Người cổ Hy lạp coi trọng Hôme và các nhà thơ khác, không phải chỉ là vì họ có thể nói những lời đẹp đẽ, mà vì họ có thể tuyên truyền giáo huấn, có ích cho thế đạo nhân tâm. Arixtôphanex[4] công kích Ơripít, chính là vì ông này đã vứt bỏ quan niệm truyền thống đó.

Tư tưởng Platông dường như đã đổi mới, mà thực tế vẫn là truyền thống. Vì ông cũng giống như người đương thời, tin tưởng giá trị của văn nghệ phải được đánh giá từ quan điểm chính trị và luân lý. Ảnh hưởng của thơ ca âm nhạc đối với nhân tâm thế đạo như thế nào là vấn đề quan trọng cấp thiết của người cổ Hy Lạp.

Platông trước tác theo lối toàn dùng đối thoại, chủ và khách hỏi đáp với nhau, làm sáng tỏ cái lý sâu xa bằng những điều đơn giản, từng bước từng bước dẫn dắt vào trung tâm của vấn đề; Lời hay ý đẹp của ông rất giống thơ, vì thế ông là người được các nhà thơ nói chung thích đọc nhất trong số các triết gia. Thế nhưng lúc Platông xây dựng “nước cộng hoà lý tưởng” thì lại nhất loạt xua đuổi các nhà thơ ra ngoài biên giới. Mâu thuẫn to lớn này mãi mãi khiến người đời kinh ngạc. Platông rốt cuộc yêu quý thơ hay là phản đối thơ? Bảo ông yêu thơ, chúng ta có thể tìm thấy chứng cớ trong các tác phẩm của ông. Mà nói ông công kích thơ, chúng ta lại cũng có thể tìm thấy chứng cứ chính từ các tác phẩm của ông. Ông là một nhà hoạt kê nổi tiếng, chúng ta khó mà quả quyết được chỗ nào ông nói thật, chỗ nào ông đùa cợt. Vì thế, sách của ông xem ra dễ là vậy, mà nghiên cứu thì thực là khó. Tuồng như đúng mà tuồng như sai, có vẻ là nghiêm trang mà có thể là đùa bỡn, dường như mâu thuẫn mà thực ra là không. Những người đọc sách của ông thường vẫn bị các chiêu đó làm cho hoa cả mắt.

Nói khái quát, tư tưởng văn nghệ của Platông đã kinh qua ba lần thay đổi. Thời trẻ ông nhấn mạnh linh cảm của thơ, xem thi nhân cũng quan trọng ngang với triết gia, ông cho rằng mục đích cao nhất của nhân sinh là ở chỗ vén mở bức màn của ảo tưởng, ngắm nhìn cái đẹp thuần tuý. Vào thời trung niên ông thay đổi chủ trương, cho rằng thơ và các nghệ thuật khác đều chỉ có thể mô phỏng được cái bề ngoài không có thực của thế gian, không tránh khỏi việc che khuất mất chân lý, làm mê hoặc lòng người. Về già, Platông lại hơi hoà hoãn, chủ trương để cho thơ được tồn tại song phải có điều kiện. Nhìn chung toàn bộ tư tưởng cũng như thái độ đối với thơ của Platông trươc sau đều ít nhiều có tính thù địch.

2

Quan điểm nghệ thuật của Paltông được suy ra từ toàn bộ triết học của ông. Triết học đó lấy “ý niệm” (ideas) làm trung tâm, cái gọi là ý niệm chính là “vẻ chung” mà các nhà logic học vẫn nói. Ví dụ, “trắng” trong “người da trắng”, “trắng” trong “ngọc trắng” và “trắng” trong “ngựa trắng” đều là “vẻ chung” hoặc “ý niệm”, còn “trắng” mà có thể chỉ cho thấy được bởi một người da trắng, một con bạch mã hay một viên bạch ngọc đó là “dạng riêng”. “Vẻ chung” tựa hồ giống với “khái niệm” trong tâm lý học mà thực ra lại không giống với “khái niệm”. “Khái niệm” là sản phẩm của hoạt động tâm lý, vẻ chung và ý niệm thì lại tồn tại khách quan độc lập. “Dạng riêng” là cá thể, “vẻ chung” là tính chất cùng có; dạng riêng có thể dùng giác quan để thể nghiệm, vẻ chung thì giác quan không thể trải nghiệm được mà phải được tìm hiểu bằng lý trí. Theo Platông phạm vi của trải nghiệm không chứa đựng chân lý, một là vì giác quan mà sự trải nghiệm mượn dùng là thô sơ không đáng tin, không thể làm công cụ để phát hiện chân lý, hai là vì dạng riêng biến hoá vô thường, là thật trong một thời điểm, địa điểm cụ thể này, nhưng ở một chỗ, một lúc khác thì không còn là thật nữa. Thế giới các hiện tượng mà chúng ta tiếp xúc bằng các giác quan như cảnh trong mộng, toàn là hư ảo. Chỉ có vẻ chung hay ý niệm trường tồng bất biến. Chẳng hạn, “trắng” của “tuyết trắng” có thể tiêu tan còn cái “trắng” ý niệm thì không có tính thời gian, tính không gian. Nó vĩnh viễn có thể dùng vào tất cả các sự vật được gọi là “trắng”, cho nên thế giới chân thực duy nhất là thế giới ý niệm.

Thế giới hiện tượng và thế giới ý niệm có mối quan hệ gì? Theo Platông thế giới ý niệm là bản thể, thế giới hiện tượng là cái bóng của nó. Dùng  một lối nói khác, cái trước là nguyên thể, cái sau là bản sao không hoàn thiện. Chúng ta tiếp xúc bằng giác quan cái thế giới này, thật giống cảnh một người tù bị giam trong một cái động đá tối, nhìn thấy bóng của một kẻ đang đi trên triền đất phía sau lưng mình di chuyển trên vách đá trong động, bèn cho đấy là chân lý. Kỳ thực, cái bóng đó là từ chỗ kẻ bộ hành mà chúng ta không nhìn thấy chiếu vào.

Chân lý – tức là thế giới ý niệm – rốt cuộc có thể nhận biết ra sao? Platông tin tưởng linh hồn bất diệt, có thể độc lập rời khỏi thân xác. Trong lúc nó chưa ngụ ở một thể xác, linh hồn đều là thấm nhuần trong thế giới ý niệm, thưởng ngoạn cái đẹp thuần tuý chí thiện mà không trở ngại gì cả. Linh hồn lúc đó hưởng thụ niềm cực lạc thiên tiên. Sau khi linh hồn “hạ thế”, từ thế giới ý niệm nhập vào thể xác thì mới bị thể xác che lấp, đem hình ảnh hư ảo ngộ nhận làm chân lý. Những tội luỵ mà linh hồn phải mang lấy trong cái thế giới cảm quan này có thể được đưa vào trong thế giới ý niệm, trải qua một sự gột rửa tội lỗi của vòng luân hồi đời đời kiếp kiếp mới có thể trở lại trạng thái tinh thuần. Sự thuần mỹ chí thiện mà linh hồn thấy được trong thế giới ý niệm cũng có thể mang vào thế giới cảm quan, cho nên tuy nó chịu sự che khuất của xác thịt mà vẫn có khả năng hồi ức trở lại cái thuần mỹ chí thiện từng thấy được trong thế giới lý tưởng trước đó. Nhưng hồi ức đương nhiên không có rõ ràng chính xác như tự mắt mình trông thấy. Năng lực hồi ức của từng người cũng mạnh yếu khác nhau, cho nên chân lý được hồi ức có sự khác biệt ít nhiều về mức độ tinh xác hay thô sơ. Chướng ngại của hồi ức chính là xác thịt, nếu muốn có hồi ức được chân lý từng thấy ở tiền kiếp, tất phải vén mở sự che khuất của nhục thể. Người thường không có cái bản lĩnh đó, chỉ những người yêu đương chân chính, đại triết gia và thi nhân mới có cái tài này. Vì vậy, thi nhân và triết gia hoàn toàn không phải là hai loại khác nhau, điều mà bọn họ mong cầu cũng hoàn toàn không phải là hai thứ khác nhau – đều là muốn vén mở bức màn của nhục thể, dõi nhìn cái thuần mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng.

Vén mở tấm màn che của nhục thể để dõi nhìn cái thuần mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng, trong phút chốc khai thông bừng tỉnh – trạng thái tâm lý đó chính là “linh cảm” (inspiration), điều mà chính là Platông đã từng nói. Linh cảm đến, có lúc là do ân huệ của thần linh, có lúc là do sự tu dưỡng của chính mình. Platông trong tác phẩm “Cùng cuộc rượu” (Sumposium) và Phaedrus nói rõ con đường nên đi của quá trình tu dưỡng. Ông cho rằng thi nhân và triết gia đều men theo lộ trình thám hiểm của linh hồn, hành hương tới cái thuần mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng để bái vọng. Bọn họ khi linh cảm đã đến thì như mắc chứng điên, cơ hồ như đã gần gũi được thần linh. Khi chưa đạt đến mức độ đó, thì không thể trở thành thi nhân được. Phần 224 trong Phaedrus có đoạn:

“Có chứng cuồng điên do thần linh dấy lên. Nó chiếm ngự một tâm hồn thuần phác, thổi lên nguồn cuồng nhiệt, khởi dẫn tiết tấu thơ, khiến nó ca vịnh công tích chất ngất vĩ đại của những bậc anh hùng xa xưa để giáo dưỡng kẻ hậu sinh. Nếu chưa có nguồn nhiệt đó mà lại đến chỗ thi thần để gõ cửa, thì dù là ai đi chăng nữa và bất luận nghệ thuật của anh ta cao cường đến mấy, anh ta và thơ của anh ta tất vĩnh viễn bị thi thần đóng cửa khước từ”.

Trong tác phẩm Ion, thuyết linh cảm này càng được phát huy đến độ. Ion là một người diễn xướng tương đương với diễn viên kịch và người biểu diễn khúc nghệ thời cận đại.  Xôk’ratex’[5] nói với ông ta:

“Ông diễn xướng thơ Hôme tuyệt vời như vậy, quyết không phải bản thân có nghệ thuật gì, mà là vì có một loại thần lực hoặc linh cảm như là đá nam châm đang xui giục ông. Đá nam châm không những có thể hút nhiều vòng sắt mà còn có thể truyền sức hút cho những vòng sắt đó, khiến hấp dẫn được những vòng sắt khác nữa. Cho nên, có lúc nhiều vòng sắt và những vật có chất sắt nhờ vào sức hút của mảnh nam châm mà có thể kết dính thành một dây chuyền dài. Thi thần truyền cảm đến nhà thơ, nhà thơ lại đem nó truyền cho người khác, cứ thế truyền rộng dần ra, cũng  như sức hút của mảnh nam châm kết dính nhiều vòng sắt thành một chuỗi vậy. Phàm là nhà thơ lớn mà không tuân theo quy luật một cách cẩn thận lại đạt đến đỉnh cao, đều ở trong trạng thái linh cảm thôi thúc mới viết được những tác phẩm đẹp đẽ, hài hoà. Khi đó họ tuồng như tạm thời bị một thứ tinh linh ngoại lai ứng nhập vào – thượng đế tựa hồ có dụng ý vứt bỏ hết lý trí của tất cả các nhà thơ, các nhà dự đoán, các nhà chiêm tinh, khiến họ trong trạng thái mê cuồng đi làm sứ giả, làm người phát ngôn cho đức ngài. Chúng ta nên biết rằng thi nhân ngâm lên những câu như ngọc, như ngà là ở vào lúc tinh linh đang nhập kề vào, thi nhân nói thay cho thượng đế, chứ không phải là phát biểu lời của mình”.

Có ba điểm đáng chú ý trong đoạn này. Thứ nhất, Platông coi trọng các nhà thơ. Nhà thơ nhờ linh cảm chứ không nhờ nghệ thuật. Nhà thơ trong cơn linh cảm là kẻ truyền dịch giữa thượng đế và nhân loại. Thơ  là trí tuệ mà thượng đế đã khẳng định, giá trị của nó tất nhiên không thua triết học. Thứ hai, Platông đã nhìn thấy sự bất hủ của tinh linh nhân loại từ phương diện nghệ thuật. Thơ là biểu hiện của tinh linh, độc giả đem luồng tinh linh đó từ một truyền đến mười, mười truyền trăm để đạt đến vô cùng. Trong những không – thời gian khác nhau, các độc giả của một bài thơ muốn bản thân bài thơ đem tâm linh kết thành một mạch liền tựa như nam châm truyền sức hút vào một chuỗi các vòng sắt vậy. Thuyết “sự kéo dài của chủng tộc về mặt tinh thần” này, Platông đã phát triển rất tường tận trong tác phẩm Sumpisium. Một người đàn ông chọn yêu một người phụ nữ đẹp, trên thực tế chỉ là để phó thác cho cô ta một mầm sống để cô ta dưỡng dục nó, tiếp nối sự phát triển của nòi giống. Triết gia và thi nhân cũng chọn yêu lớp trẻ với tâm linh đẹp đẽ, dụng ý là nhằm mang trí tuệ, tinh linh của mình phó thác cho bọn thanh niên, mong họ nuôi dưỡng chúng, di truyền cho đời sau. Cũng giống như phụ nữ dưỡng dục đứa con để tiếp nối nòi giống vậy. Thứ ba, Platông không xem thơ là một nghệ thuật, ông cho thơ là một việc trên cả nghệ thuật, thuần tuý là nhờ linh cảm chứ không trông cậy ở sức người. Thơ  mà về sau trong tác phẩm Nước cộng hoà lý tưởng Platông đã công kích quyết không phải là thứ thơ của linh cảm mà là thứ thơ của nghệ thuật. Chữ “thơ” trong triết học Platông vốn có hai nghĩa: Một là biểu hiện của linh cảm, một là sản phẩm của mô phỏng. Platông ủng hộ thứ thơ trong ý nghĩa trước, công kích thứ thơ theo ý nghĩa sau.

3

Tác phẩm lớn nhất của Platông là Nước cộng hoà lý tưởng. Bộ sách này vốn là một đề cương kiến quốc hoặc một hiến pháp dùng cho nước lý tưởng. Nó được phân làm mười cuốn, cuốn sau cùng chuyên thảo luận công dụng và bản chất của thơ. Đó là một thiên hùng biện về tội lỗi của nhà thơ, văn viết rất thú vị, nghĩa lý cũng không sai lầm như những người bình thường vẫn tưởng tượng. Hai tư tưởng gia rất có khí lực thời cận đại – G.Rusô[6] và L.Tônxtôi,[7] rõ ràng chịu ảnh hưởng của Platông. Thế nhưng sự công kích văn nghệ châu Âu cận đại của hai ông đâu có triệt để và rung động người đọc được như trong quyển mười của Nước cộng hoà lý tưởng. Vì vậy, bộ sách này thật đáng để chúng ta suy ngẫm thật kỹ càng.

Platông công kích nhà thơ, quyết không vì ông không yêu thơ. Platông yêu thơ thực sự, cho nên cũng rất biết ảnh hưởng to lớn của thơ ca. Theo ông, ảnh hưởng đó là có hại, con đường quan trọng của nhân sinh là ở chỗ lấy lý trí chế ngự tình cảm, cho nên Platông không thể vì yêu thích thơ mà lại khoan dung cho nó:

Xin nói câu thực lòng, bạn đừng giãi bày gì với các nhà bi kịch, các nhà thơ, sự mô phỏng của họ quả dễ dàng nhiễu loạn đầu óc khán thín giả… Tôi không thể không nói, tuy từ nhỏ đã kính yêu Hôme, mà nói ra đây thì không tránh được có gì đó không phải. Hôme là nhà thơ, nhưng lòng kính trọng một người không thể vượt qua lòng kính trọng chân lý,[8] lòng tôi nghĩ ra sao xin được nói ra như vậy…

Vậy thì, chúng ta sẽ nghe ông nói vậy. Ông nêu ra hai tội lớn để công kích nhà thơ. Tội thứ nhất từ góc độ triết học mà xét ra ở phương diện bản chất của thơ. Lại xuất phát từ góc độ chính trị và giáo dục, ông xét tội thứ hai của thơ về mặt ảnh hưởng của nó. Bản chất thơ có thể khái quát trong một câu: “Mô phỏng của mô phỏng”. Ở trên chúng ta đã nói qua, có hai thế giới trong triết học Platông, một “thế giới ý niệm” thuần tuý, một “thế giới hiện tượng” được thể nghiệm bởi các giác quan. Thế giới hiện tượng chỉ là “mô phỏng”, là “bản rập”, là cái bóng của thế giới ý niệm. Thế giới mà nhà thơ và nhà  nghệ thuật mô phỏng là thế giới nào? Platông trả lời dứt khoát rằng bọn họ đều căn cứ vào những sự vật cá biệt, thể nghiệm được bằng giác quan, cho nên chỉ mô phỏng thế giới hiện tượng, cái thế giới mà bản thân nó đã là mô phỏng, là thác bản hoặc cái bóng của ý niệm. Nghệ thuật mô phỏng hiện tượng cho nên chỉ là “mô phỏng của cái mô phỏng”, “bản rập của một thác bản”, “cái bóng của một ảo ảnh”. Hiện tượng và chân lý đã cách nhau một tầng, thơ và nghệ thuật sẽ lại cách chân lý bởi hai tầng.

Lấy ví dụ, người thợ mộc làm giường trước tiên đều phải rõ “như thế nào gọi là giường”, đó chính là “ý niệm”. Anh ta chỉ có thể làm một cái giường cá biệt, chứ không thể sáng tạo ra một ý niệm mà mọi cái giường cùng có. Kẻ sáng tạo cái “ý niệm” đó là Thượng Đế. Cái giường mà hoạ sĩ vẽ ra lấy cái giường mà ông thợ mộc đóng ra làm căn cứ. Hoa sĩ mô phỏng vẻ bên ngoài sẽ thay đổi trong những không – thời gian không giống nhau của cái giường, chứ không phải là mô phỏng cái bản chất bất biến theo thời gian cùng không gian của giường. Giường có ba loại, loại của Thượng Đế, loại của thợ mộc, loại của hoạ sĩ. Thợ mộc bắt chước thượng đế, hoạ sĩ thì bắt chước thợ mộc mà lại không thể làm ra một cái giường có thể dùng được như thợ mộc, chỉ có thể vẽ ra hình dáng của một cái giường. Người thợ mộc đối với việc làm giường còn có một kỹ xảo và tri thức; nhà hoạ sĩ tuy có thể vẽ giường mà lại không có kỹ xảo và tri thức đó. Cho nên, muốn biết làm giường, ta nên đi học hỏi thợ mộc, chứ không thể thỉnh giáo chỗ hoạ sĩ. Cũng thế thi nhân tuy có thể miêu tả đủ kỹ nghệ và cách sống trong nhân gian, mà đối với những thứ đó anh ta quả vẫn cứ là một người ngoại đạo.

“Vậy thì, lúc Hôme nói chuyện chiến tranh, sách lược cầm quân, chính trị, giáo dục – đủ các nghề cao quý, chúng ta nên vặn ông một câu: “Hôme thân yêu, giả dụ ông không cách ngăn hai tầng với chân lý, giả dụ ông không chỉ là một kẻ mô phỏng, một kẻ sao chép bề ngoài, dám hỏi ông đã từng giúp cải cách chính phủ cho nước nào như Lycurgus[9] đã cải cách thành bang Sparta và như rất nhiều chính trị gia khác đã cải cách bao nhiêu thành thị khác? Nước nào gọi ông là nhà lập pháp, là ân nhân của nước nhà như Athens chúng ta xưng tụng đối với  Solon[10] vậy? Ai đã gọi ông là nhà lập pháp xin trả lời xem!

Lời chất vấn trên thực ra là một khiêu khích đối với quan điểm tuyên truyền giáo huấn truyền thống của nhà thơ. Mục đích tối cao của nhân sinh là chân lý, nếu muốn biết được chân lý, chúng ta nên thỉnh giáo các triết gia, không nên tới chỗ các nhà thơ, bởi vì họ là những người mô phỏng của mô phỏng, cách xa hai tầng với chân lý. Ta vẫn thường cho thi nhân đặc biệt về trí tuệ, đó là một mê tín. Xôkratêx’ trong Tự biện có nói ông ta tìm kiếm khắp nơi người nào thông minh hơn mình, và ông cũng từng tìm đến chỗ thi nhân, nhưng phát hiện ra họ không những không biết gì về các sự vật thông thường, mà đến cả chuyện thơ của mình tuyệt diệu ra sao cũng thường chẳng nói được là tại sao.

Lời trách móc Hôme của Platông còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Ông nói: “Thà làm người anh hùng để thi nhân ca ngợi, còn hơn là làm một thi nhân ca ngợi anh hùng”. Chính là Êpicurôx’[11] đã tuyên bố: “Triết nhân làm thơ không bằng sống giữa thơ”. Hoặc nói cách khác, thà lấy cuộc sống để biểu hiện thơ còn hơn là dùng ngôn từ để biểu hiện thơ. Platông chưa từng không thể thưởng thức thơ, nhưng ông cho cuộc sống là một nghệ thuật còn quan trọng hơn. Một cuộc sống mỹ mãn mới là một bài thơ thực sự. Nền pháp luật mà hai Lycurgus và Solon đã chế định cho thành bang Sparta và Athens chính là những bài thơ lớn của họ. Hôme tuy trong thơ từng nói đến pháp luật mà rốt cuộc cũng chưa từng định ra được luật pháp cho một nước nào. Thi nhân so với những nhà lập pháp trên, chung quy vẫn thấp dưới một bậc.

Platông lại xuất phát từ quan điểm chính trị – giáo dục, xét tới ảnh hưởng của thơ để nêu lên cái tội thứ hai: thơ là mô phỏng. Bất kể là đối với bản thân nhà thơ hay đối với thính giả mà nói, ảnh hưởng của thơ đều cực kỳ nguy hiểm. Nhìn từ phía bản thân nhà nghệ thuật thì sức lực mỗi con người có khuynh hướng riêng, muốn việc gì cũng biết làm, kết quả thường chẳng có việc nào làm được tốt cả. Ví dụ, một bi kịch gia không nhất định có thể diễn hài kịch, một người giỏi giang giải quyết công chuyện không nhất định viết được thơ văn.  Nhà nghệ thuật phải mô phỏng các nghề, cho nên cũng không thể thành thạo hết các nghề. Ông ta phải mô phỏng đủ dạng tính cách, kết quả tính cách ông ta trở nên mềm yếu bất định. ví dụ, mô phỏng một kẻ điên, lâu quen đi thành chuyện thường, cử chỉ nói năng sẽ khó tránh khỏi nhiễm phải bộ dạng kẻ điên. Cho nên Platông cực lực phản đối các nhà chấp chính trong nước lý tưởng học tập  bất cứ mô phỏng nào, đặc biệt là diễn kịch.

Từ phía thính giả mà nói, ảnh hưởng của thơ càng tệ nữa. Nhân tính có ba thành phần, cao nhất là lý trí, thứ hai là tình cảm, thấp nhất là dục vọng. Tình cảm và dục vọng chịu sự tiết chế từ lý trí mới có thể có đức hạnh. Cũng rất giống với trong một nước, công- thương nhân và quân nhân chịu sự chi phối của triết gia mới có thể có chính nghĩa. Lý trí của dân chúng nói chung là bạc nhược, không trấn áp được tình cảm. Thi nhân thì lại hoan nghênh cái nhược điểm đó của nhân loại, chuyên đi kích động tình cảm, buông bỏ lý trí. Tình cảm càng chịu sự kích thích, nhu cầu kích thích sẽ càng bức thiết hơn, lâu thành ra một thứ mê nghiện khiến lý trí sẽ ngày một khó điều khiển hơn. Ví dụ, tính người ta vốn hay xót xa thương cảm. Bi kịch chính là lợi dụng những nhược điểm ấy để đánh động người xem. Trong Nước cộng hoà lý tưởng, Xôk’ratex’ nói với người đối thoại:

Trong lúc sầu khổ, chúng ta thường nghĩ khóc lóc sùi sụt là để nguôi đi u uất. Cái xu hướng tự nhiên này bình thường đều bị lý trí trấn áp, nhưng nhà thơ thì lại tìm cách thoả mãn nó. Chúng ta vốn không hay để cho lý trí và thói quen phát huy đến độ hoàn mỹ những phần tốt đẹp trong tính cách, cho nên thường mất đi sự phòng hờ đối với những tâm trạng xót xa, thương cảm rồi buông thả mặc nó, vì nghĩ rốt cuộc những đau khổ đó là của kẻ khác. Chúng ta bụng nghĩ, nghe một người kêu than anh ta tốt bụng đáng thương ra sao, nhân đó mà tán dương anh ta, thương xót anh ta, cũng chẳng phải là việc nhục nhã gì. Hơn nữa, một sự trải nghiệm như vậy thường vẫn mang kèm một khoái cảm. Chúng ta việc gì phải hy sinh mất cái khoái cảm và thứ thơ khơi dẫn lên cái khoái cảm đó? Nhưng chúng ta không nghĩ đến chuyện không hay của người khác thường vẫn liên luỵ đến bản thân ta. Chúng ta thoạt đầu dùng cái đau khổ của người khác nuôi dưỡng cho tâm lý xót xa thương cảm của mình, sau đó gặp lúc bản thân mình đau khổ, thì sẽ không tránh khỏi cũng như người khác- không thể lấy lí trí khống chế được tình cảm. Và rồi càng xót xa thương cảm cho chính đau khổ của mình hơn”.

Platông cho rằng người ta phải có phong cách trượng phu, vấp đau khổ mà xót xa thương cảm, cho dù đối với mình hay đối với người đều là đáng ngượng. Cho nên, ông phản đối bi kịch nuôi dưỡng xót xa thương cảm. Đến cả hài kịch cũng mắc cùng một bệnh:

Lúc bạn xem hài kịch hoặc nghe người ta pha trò, những lời mà lúc bình thường bạn nói mà thấy ngượng, những việc mà bạn làm thấy rầy, bây giờ diễn ra trước mặt mọi người, bạn sẽ không còn ngại nó quê tục gì nữa. Trái lạ,i còn cảm thấy vui vẻ nữa. Như vậy chẳng phải cũng giống như xem bi kịch đó sao? Tính con người ta vốn có khuynh hướng cười cợt, đùa tếu. Bình thường bạn có ý thức kìm nén nó lại vì sợ xung quanh bảo bạn là thằng hề. Bây giờ xem hài kịch, bạn để cho khuynh hướng đó được phát triển hoàn toàn, kết quả sẽ không tránh khỏi lây nhiễm kiểu cách của anh hề”.

Platông từ tâm lý xót xa, thương cảm, vui cười mở rộng đến những tình cảm khác và phủ nhận đồng loạt:

Loại những tình cảm như dục tính, phẫn nộ cho đến sự đau khổ, khoái cảm hay dục vọng thông thường đều như thế cả. Thơ không từ bỏ chúng, trái lại tưới tắm, dung dưỡng chúng, làm cho chúng ta chịu cho chúng chi phối. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, chúng ta nên có thể chi phối được chúng”.

Vì nguyên cơ đó, Platông cho rằng thơ có hại đối với  nhân tâm thế đạo. Ông đặc biệt phản đối Hôme. Platông cho rằng một nước  muốn cường thịnh, nhân dân cần có một tín ngưỡng trung tâm. Tín ngưỡng trung tâm của người Hy Lạp là thần linh và anh hùng. Thần linh và anh hùng đều là những khuôn mẫu hoàn mỹ, vì thế người ta ngưỡng mộ họ, bắt chước họ. Hôme mô tả thần như người trần, hoang tàng bậy bạ, không từ điều ác nào cả. Anh hùng cũng được ông miêu tả chả khác phàm nhân, không thể chế ngự được dục tình bằng lý trí như Akhilêux’[12]  ngang ngạnh, tàn nhẫn, tham lam.  Tất cả đều kém xa người anh hùng lý tưởng.

Phá hoại tín ngưỡng trung tâm của quốc dân như vậy, đúng là dính liền với việc làm nguy hại đến mệnh hệ của quốc gia. Người Hy Lạp tôn Hôme là nhà giáo dục lớn. Platông cực lực phản đối quan điểm ấy. Xôk’ratêx’ cảnh cáo đối phương:

Nếu bạn gặp đám tín đồ của Hôme tán dương ông là nhà giáo dục, bảo ông ta có ích phong hoá và bảo chúng ta nên đọc kỹ nghĩ sâu thơ Hôme, tìm kiếm trong đó những tiêu chuẩn ngôn – hành, thì bạn chớ ngại bày tỏ lòng kính yêu đối với đám đó; Xét cái vòng suy nghĩ của cả đám thì họ vốn cũng là người tốt thôi. Bạn chẳng ngại thừa nhận Hôme là nhà bi kịch lớn nhưng trong lòng bạn phải nắm cho vững điều này, trừ phi là thơ ca tụng thần linh và danh nhân, bạn chớ cho phép bất cứ thứ thơ nào khác lưu hành trong nước. Nếu bạn để cho nữ thần thơ ca mồm đường miệng mật bước chân đến – cho dù nàng tự sự hay trữ tình, ngự trị quốc gia bạn sẽ là khoái cảm và thống cảm, chứ không phải là hai thứ mà mọi người cùng công nhận tốt nhất: pháp luật và lý tính”.

Nêu ra hai tội đó xong, Platông rắc rảy cho thi nhân ít nước hoa, đội cho họ vòng nguyệt quế, nói một thôi những lời khách sáo, rồi cung kính nhã nhặn tiễn họ ra khỏi nước cộng hoà lý tưởng.

Về già, Platông viết bộ Pháp Luật. Trong đó, cái mà ông dự trù cũng vẫn là một nước lý tưởng, có điều cái “lý tưởng quốc” đó tương đối bình dị dễ gần. Thái độ đối với thơ cũng khoan dung hơn so với trước. Ông thừa nhận Thi thần là do Thượng Đế sai xuống để cứu chữa nhược điểm cho loài người. Thơ ca, âm nhạc và vũ đạo không thể hoàn toàn xoá bỏ. Vì rằng người ta sinh ra là có nhu cầu hoạt động, yêu thích tiết tấu. Có điều ông vẫn cho rằng mục đích cao nhất của nghệ thuật ở chỗ giáo dục điều thiện. Nếu nghệ thuật phản bội mục đích đó, thì phải chịu sự cấm đoán của pháp luật. Điêu khắc Ai Cập theo dùng một phong cách cố định lâu nay mấy nghìn năm rất được Platông khen ngợi. Ông cho rằng thơ cũng nên như vậy. Platông chủ trương chế định ba loại âm nhạc và ca khúc sẵn dùng cho thiếu niên, trung niên và tuổi già. Thơ ca dùng cho thiếu niên nên tuyệt đối thuần khiết; tuổi tác càng lớn càng đòi hỏi kích thích hưng phấn, ca nhạc họ dùng cũng dần dần thêm vào phần kích thích tình cảm. Nếu theo chủ trương này, thơ mà một quốc gia lý tưởng nên có – đại khái giống với loại thơ tụng thần mà giáo hội công giáo dùng, do nhà nước chế định và ban bố cho dân chúng.

4

Platông đã tự nói qua, “lý tưởng quốc” của ông là xây dựng cho thần nhân và con cái của thần nhân, thành ra trong phương hướng sách lược kiến quốc của ông đâu đâu ta cũng bắt gặp những sự nghiêm túc bất cận nhân tình. Trong “pháp luật” ông nói: “Thượng đế nếu cho phép, tôi còn muốn dự trù một nước lý tưởng loại thứ ba”. Nước lý tưởng thứ hai mà “pháp luật” miêu tả so với nước lý tưởng loại thứ nhất tương đối cận nhân tình. Đáng tiếc nước lý tưởng loại thứ ba chưa được miêu tả ra thì Platông đã chết rồi. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng trong nước lý tưởng loại thứ ba, Platông có lẽ càng hạ tầm mắt xuống thấp hơn nữa; Ở đó các nhà thơ chắc có  thể giữ được một vị trí khá quang vinh. Platông trong “Lý tưởng quốc” sau khi xua đuổi các nhà thơ ra khỏi biên giới, chẳng phải là tựa hồ vẫn có ít nhiều lưu luyến đó sao.

Mặc dù nói thế, chúng ta còn phải thanh minh với thi thần một câu: nếu thi thần đủ lý do biện hộ, chứng minh được nàng nên ở lại trong Lý tưởng quốc, chúng ta cũng rất tự nguyện hoan nghênh nàng quay lại. Chúng tôi cũng rất biết ma lực của nàng, chỉ là không muốn để cho ma lực đó chẻ khuất mất chân lý. Người đối thoại của tôi, anh chẳng phải cùng mối đồng cảm với tôi, cảm thấy thần thơ, nhất là lúc nàng dựa kề Hôme, quả là có một thứ ma lực mê người đó sao?

Chứng kiến cảnh lưu luyến không nỡ rời ấy, chúng ta có thể tưởng tượng được Platông rốt cuộc khi cắt đứt duyên phận với nàng thơ, quả đã kinh qua sự dày vò tinh thần kịch liệt mới hạ được quyết tâm đó.[13][13] Ở đây chúng ta cũng không cần thiết tiếp nhận sự khiêu khích của ông, đi viết một bài biện hộ cho thi thần. Bởi vì, từ Arixtôtêlex – đệ tử của ông cho đến bây giờ, để bênh cho thần thơ đã không biết bao người tranh cãi với Platông.

Những người hơi biết  tý chút về bản thân nghệ thuật, đều thấy tội thứ nhất mà Platông nêu ra là không đúng. Sai lầm của ông là ở chỗ đem thơ và nghệ thuật hoàn toàn xem thành “mô phỏng”. Trong tiếng Hy lạp nghĩa của từ “mô phỏng”[14] vốn rất  mơ hồ, trong Nghệ thuật thi ca[15] của Arixtôtêlex,[16] nó dường như đồng nghĩa với “biểu hiện”, “sáng tạo”. Platông thì chỉ xem nó chỉ là sự sao chép trung thành. Theo lời ông, là thơ như vẽ tranh, vẽ tranh giống như môn chụp ảnh ngày nay, chỉ thu lấy vẻ bề ngoài sự vật:

Bất cứ người nào đều có thể dùng một cách nào đó để chế tạo các sự vật. … … Cách tiện nhất là lấy một cái gương soi rọi từ nhiều phía, lúc gương di chuyển, bạn sẽ tạo ra trời đất, tinh thú, cỏ cây, các con vật, bình lọ, cả bản thân bạn nữa ở trong gương. … …  Nhưng đó chỉ là chế tạo ngoại hình”.

Hy Lạp cổ chưa có nghề chụp ảnh, nhưng điều mà Platông chỉ ra chính là thuật chụp ảnh ngày nay. Ông cho rằng hoạ sĩ và nhà thơ làm ra cái ngoại hình, cũng giống như việc lấy tấm gương di chuyển theo các hướng thu lấy hình ảnh sự vật. Platông hoàn toàn không chú ý đến sự sáng tạo của nghệ thuật, quên rằng cái nhà thơ và hoạ sĩ “mô phỏng” không phải là cái diện mạo vốn có của sự vật mà là cái sự vật mà họ thấy được trong con mắt của mình, cái sự vật họ hình dung được trong tâm trí. Sự vật trước tiên phải thực hiện một bước ngoặt  chuyển vào tâm trí nhà nghệ thuật rồi mới ngoại xạ ra thành tác phẩm. Trong bước chuyển ngoặt đó, sự vật chính là được nhào nặn qua cái lò của tưởng tượng và tình thú. Bước nhào luyện đó chính là “sáng tạo” hoặc “lý tưởng hoá”. Cách nhìn nghệ thuật của Platông là một thứ chủ nghĩa tả thực cực đoan. Chúng ta đều biết chủ nghĩa tả thực cực đoan là phản nghệ thuật vậy. Còn như về vấn đề thơ và chân lý Arixtôtêlex’ nói rất trúng:

Nhiệm vụ của nhà thơ không ở việc miêu tả sự vật dĩ nhiên mà ở chuyện biểu hiện cái sự vật tất nhiên. Đây chính là nói vật hợp với luật tất yếu hay đúng với luật ngẫu nhiên. … … Thơ còn quan trọng, còn triết học học hơn so với lịch sử, vì rằng thơ biểu hiện cái lý chung (vẻ chung), lịch sử chỉ ghi chép sự thực (dạng riêng)”.[17]

Tức là nói, thơ tuy nó có “chân lý của thơ”, trong đó có sự biến đổi tương thừa nhau, tuy không có tính chân thực của lịch sử, nhưng lại có tính tất nhiên nội tại. “Chân lý thơ” dung nạp sự sáng tạo chủ quan, mà sáng tạo chủ quan đó phải hợp tình lý, khiến người ta quên đó là hư cấu chủ quan. Đem logic học ra mà nói, thơ là thứ phán đoán giả định. Giả định A là đúng, thì B về lý cũng không thể là không đúng. Phàm là nhà lôgíc học đều biết tính tất nhiên của giả định so với phán đoán chắc nịch kiểu “A” là “B” còn chắc chắn khó đánh đổ hơn.

Một điều nữa, những ai hơi biết về tâm lý học và mỹ học đều biết cáo trạng thứ hai của Platông cũng khó thành tội. Platông chưa phân rõ văn nghệ và đạo đức, một mực đem các tiêu chuẩn đạo đức vào đánh giá giá trị văn nghệ. Sai lầm này đã từng được các triết gia cận đại như Căngtơ[18] và Becsông[19] chỉ ra, chúng ta khỏi phải nhắc lại. Vả lại, chủ nghĩa lý tính cực đoan của Platông và các chứng của tâm lý học xung đột mạnh mẽ với nhau. Tình cảm đến cùng kiếp sống, bản thân nó quyết không phải là một thứ gì hư hỏng. Phàm là một nhân sinh quan lành mạnh, đều nên chú trọng sự phát triển điều hoà tự do đa phương diện của nhân tính. Platông giống như tín đồ Thanh giáo, muốn dùng một bộ phận của nhân tính (lý trí) đè nén một bộ phận khác của nhân tính (tình cảm, dục vọng).  Cho dù sự trấn áp đó có thành công, kết quả cũng là một sự phát triển dị dạng và tàn tật. Huống hồ tâm lý học ngày nay đã từng chứng minh một cách rõ ràng lối trấn áp đó là nguyên nhân của mọi bệnh trạng tâm lý. Tình cảm vốn đòi hỏi được phát tiết, kị tích uất. Công dụng của văn nghệ chính là ở chỗ tạo cho tình cảm một cơ hội tự do phát tiết. Lý đó Arixtôtêlex’ thấy rất rõ, cho nên khi định nghĩa bi kịch, ông đặc biệt nhấn mạnh cái công dụng phát tán những tình cảm xót thương, sợ hãi… của văn nghệ. Ảnh hưởng của văn nghệ quả thật có ích cho sức khoẻ tinh thần, đâu có đáng sợ như Platông miêu tả.[20]

Học thuyết Platông giải quyết vấn đề có chỗ quá khích, điều này không còn phải ghi ngờ gì nữa. Có điều nếu chúng ta quên mất thời đại và mục đích đặc biệt của Platông, hoàn toàn chỉ dùng con mắt người ngày nay đi phê bình ông thì cũng sẽ không tránh được không có công bằng thích đáng. Thời đại mà Platông sống là thời đại suy vi của văn học Hy Lạp, cũng lời thời đại suy sụp của chủ nghĩa anh hùng và tôn giáo thần linh. Ông suy tìm nguyên nhân suy đồi của phong hoá, cho rằng thi nhân nên gánh một phần trách nhiệm, vì vậy đã dứt khoát phủ nhận thơ, tuy bản thân ông cũng biết sức hấp dẫn vĩ đại của thi ca. Đồng thời chúng ta cũng đừng quên thời đại Platông là thời đại văn học và triết học thay thế cho nhau. Bản thân Platông là triết gia, ông cho rằng chân lý là thứ mà chỉ triết gia là có thể tìm kiếm được. Trước đó, các nhà thơ Hy Lạp hô hào nhau vì việc làm cho dân chúng hiểu được chân lý – đó quả là một việc tranh danh đoạt quyền. Platông trong quyển 10Nước cộng hoà lý tưởng dường như đứng trên địa vị một triết gia, dành quyền chính trị – giáo dục với khối văn nhân về cho khối triết gia. Platông lên tiếng là vì vậy, nên cũng không tránh khỏi quá khích.

 Cho dù Platông có sai đến mức nào, ông cũng đã nắm chắc được vấn đề căn bản của văn nghệ, công lao đó không thể phai mờ. Đó là vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và nhân sinh suy cho cùng là như thế nào. Hơn 2000 năm sau, chúng ta thấy G.Ruxô nghĩ như Platông, Platông nghĩ như L.Tônxtôi. Ba vị ấy đều không phải là những người không có nghiên cứu văn học, cũng chẳng phải là những tư tưởng gia mà người đời có thể xem thường. Trong những hoàn cảnh thời đại khác nhau, họ đều đạt đến kết luận như nhau. Thực tế đó quả đáng cho chúng ta phải đắn đo cân nhắc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn đối với vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và nhân sinh, chớ có dễ dàng chào đón những ý kiến phiến diện của những kẻ hô hào “văn nghệ vị nghệ” và những nhà mỹ học phái hình thức cận đại.[21]

LÊ THỜI TÂN dịch


Nguồn: Chu Quang Tiềm Toàn tập, Tập 3, An Huy Giáo dục xuất bản xã, 1987.Phiên bản điện tử: www.vanhoanghean.vn


 

[1] Platon, khoảng 447-347 tr. CN (Anh: Plato) – môn đồ của Xôk’ratêx’ (Socrates). Các chú thích của người dịch.

[2] Homeros, khoảng thế kỷ IX-VIII tr.CN (Pháp: Homere, Anh: Homer).

[3] Euripides, khoảng 480-406 tr.CN – một trong ba nhà kịch lớn nhất của Hy Lạp cổ đại

[4] Aristophanes, 446-385 tr.CN – tác gia đại biểu của hài kịch Hy Lạp thời kỳ đầu, được tôn xưng là “cha đẻ của hài kịch”. Ăng ghen khen là “nhà thơ có tính khuynh hướng nhất”.

[5] Socrates, 409-399 tr.CN, triết gia Hy Lạp cổ đại.

[6] Jean Jacques Rousseau (1712-1778) nhà văn, nhà triết học phái Ánh sáng, người đi tiên phong trong phong trào lãng mạn. Năm 38 tuổi nổi tiếng với luận văn Sự phát triển của khoa học và nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không. “Thư gửi Dalămbe về sân khấu” (1788) lên án nghệ thuật sân khấu, cho kịch chủ yếu gây thích thú, do đó phá hoại thuần phong mỹ tục.

[7] Lev Nikolajevitsh Tolstoi (1828-1910) đại văn hào Nga, say mê Rousseau. Trong luận văn Nghệ thuật là gì xem nghệ thuật làm lây lan tình cảm.

[8] Đáp lại Platon, Aristoteles cũng từng nói “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

[9] Lycurgus, 800-730 trước CN – Cha đẻ của thành bang Sparta.

[10]  Solon, 638-558 trước CN, người có công lớn đối với thành bang Athens.

[11] Epicuros, 341-270 tr.CN – nhà triết học duy vật và vô thần Hy Lạp cổ đại. Học thuyết luận lý của ông coi trọng sự hưởng lạc hợp lý, cho mục đích của triết học là hạnh phúc (Pháp: Epicure; Anh: Epicurus).

[12] Akhileus, nhân vật anh hùng trong Ilias của Homere.

[13] Đoạn chót Quyển 10 (Nước cộng hoà lý tưởng): “Chúng ta phải nén lòng mà cắt đứt quan hệ với Thi  thần như người đang yêu phải làm khi phát hiện nhân tình là người nguy hiểm”.

[14] Mimesis.

[15] Bản dịch tiếng Việt: Arixtôtơ, Nghệ thuật thơ ca, Nxb. Văn hoá, 1964.

[16] Aristoteles, 384-347 tr.CN – triết gia lỗi lạc của cổ Hy Lạp, “Người bác học nhất trong số các triết gia đương thời” (Pháp: Aristote; Anh: Aristole).

[17] Nguyên văn “cộng tướng” và “thù tướng”. Trong Siêu hình học Aristote giải thích “… nghệ thuật xuất hiện khi nào trong một số loạt suy xét kinh nghiệm được xác định một quan điểm chung về những sự vật giống nhau”, “cái chung” của Aristote khiến ta suy nghĩ đến khái niệm “điển hình” trong lý luận văn học hiện đại. Trong Chương IX  Nghệ thuật thơ ca ông lại nói “cái chung thể hiện ở chỗ con người với tính cách như thế, sẽ nói hoặc làm theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên”. Thơ ca theo ông, bắt chước “cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên ” (Chương VI). Như vậy “lý chung”, “vẻ chung”, “cái chung” và cái có thể xảy ra (sự vật tất nhiên) là hai mặt của một vấn đề. Luận điểm của Aristote chống đối trực diện với Platon, khẳng định vai trò nhận thức hiện thực của nghệ thuật.

[18] Immanuel Kant (1724 – 1804) – triết gia Đức.

[19] Henri Bergson (1859 – 1941) – triết gia Pháp.

[20] Đầu chương VI của Nghệ thuật thi ca, Aristote dùng thuật ngữ “Katharsis” (Catacxit) khi nói về tác động tình cảm của bi kịch. Cùng với “Mimesis”, Katharsis là thuật ngữ được thảo luận và giải thích theo nhiều cách. Thông thường nó được hiểu là sự thanh lọc cảm xúc, sự tẩy rửa tâm lý (xem thêm, chẳng hạn Tâm lý học nghệ thuật của L.Vưgôtxki). Mở rộng vấn đề, chúng ta có thể liên hệ đến S.Freud khi ông phân tích vô thức và L.Tolstoi với thuyết nghệ thuật làm lây lan tình cảm.

[21] Bài này Chu Quang Tiềm viết những năm 1935 trở về trước. Chữ “cận đại” trong Hán ngữ khi phân kỳ lịch sử thường chỉ thời gian từ giữa thế kỷ XIX đến thời kỳ Ngũ – Tứ.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt