Triết học nghệ thuật

Sự biểu hiện của cái đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại

 

SỰ BIỂU HIỆN CÁI ĐẸP TRONG NGHỆ THUẬT HY LẠP CỔ ĐẠI

 

ĐỖ VĂN KHANG

 


Đỗ Văn Khang. Lịch sử mỹ học: Nguyên thủy, Hy Lạp cổ đại. Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1983, tr. 82-88.


 

Truyền thống nổi bật của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại là ngợi ca con người và thế giới tự nhiên. Đó cũng chính là sự biểu hiện quan niệm về cái đẹp mà người Hy Lạp hướng tới.

Hiện tượng thảm mỹ điển hình nhất của Hy Lạp thời kỳ từ chế độ công xã nguyên thủy tiến lên chế độ chiếm hữu nô lệ là hiện tượng sáng tạo ra những pho thần thoại phong phú và sinh động.

Cái đẹp trong thần thoại Hy Lạp là cái đẹp đ được chp cánh bởi trí tưởng tượng phóng túng và ước mơ tràn đầy tình yêu cuộc sống. Từ một cơ sở thẩm mỹ, nghĩa là từ một sự chung đúc quan niệm về cái đẹp và lý tưởng thm mỹ, một phương pháp sáng tác văn học cổ nhất đã ra đời: phương pháp Thần thoại – Thơ ca. Đây là phương pháp sáng tác chung cho cả thời kỳ Cổ đại của Hy Lạp, nó bao quát cả thần thoại lẫn các anh hùng ca như I-li-at, Ô-đi-xê của Hô-me, các tác phẩm như Thần ph của Hê-đi-ốt, cho đến cả những Bi kịch của Ét-si-lơ, Xô-phô-cơ-lo, Ô-ri-pi-đơ. Bởi vì, sự tái hiện hiện thực trong văn học Hy Lạp cổ đại đều bị chi phối bởi thế giới quan và thần linh và tư duy pha tạp. Phương pháp sáng tác cổ đại đã bao hàm trong nó nguyên tắc tái hiện hiện thực, sự miêu tả tính cách, cách xây dựng các nhân vật điển hình. Tất cả đều thông qua trí tưởng tượng phóng túng có khi đến huyền ảo mà vẫn mang những mầm mống của tư duy khoa học, những hình ảnh chân thực về đời sống.

Trong lịch sử nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, Anh hùng ca, Bi kịch, Hài kịch đều nằm trong phạm vi khái quát mỹ học của các nhà lý luận đương thời. Do đấy, khi nghiên cứu mỹ học Hy Lạp cổ đại phải vạch ra sự biểu hiện của cái Đẹp ở các hình tượng thần thoại Hy Lạp trong mối quan hệ với các hình tượng ở bi kịch và hài kịch.

Thần thoại Hy Lạp thường vận dụng khái niệm Đẹp để nhận thức tự nhiên, đồng thời cũng đểbiểu hiện ước vọng chinh phục tự nhiên của con người.

Về mặt quan hệ với tự nhiên, người Hy Lạp cổ đại thấy rõ cái Đẹp nảy sinh từ sức sáng tạo và sự vận động của muôn vật. Họ cho rằng từ cõi hỗn mang, trời đất mới dần dần xuất hiện và đem lại ánh sáng cho cái Đẹp. Đầu tiên là Ga-ia, nữ thần đất ra đời với « bộ ngực rộng, chỗ tựa vĩnh viễn không thể lay chuyển của muôn loài». Vì thế, sau Ga-ia đã nảy sinh thần Ái tình, đó là "vị thần bất tử đẹp nhất, nhập vào các thần linh và loài người, chinh phục mọi con tim và thắng những lời khuyên sáng suốt", đó chính là sức mạnh lôi cuốn muôn vật kết hợp với nhau để tạo nên sự sống.

Đẹp cũng là cuộc sống đầy đủ, đầy cảnh sắc trên đỉnh Ô-lanh-pơ. Ở đó cái buồn chỉ thoáng qua và niềm vui là bất tận, thần Dớt sống trong cung điện bằng vàng và ngồi trên ngai đẹp bằng ngà nam vàng. Bên Dớt là vợ, nữ thần Hê-ra có sắc đẹp uy nghi. Những bữa tiệc linh đình diễn ra ở đó. « Ga-ni-mét rót rượu và dọn các thức ăn thần. Các nữ thần văn nghệ nhảy múa, ca hát. Nhiều lúc các thần cũng nhập điệu vũ vòng tròn tươi vui. Trong số này người ta dễ nhận ra các nữ thần A-thê-na, Ác-tê-mít xinh đẹp, tươi trẻ muôn đời, và thần A-pô-lông gảy cây đàn xí ta dây vàng, điều khiền cuộc vui thần tiên[1].

Đẹp là hình dáng của những vị thần và những con người cụ thể với thân hình và vẻ mặt trác tuyệt. A-pô-lông là vị thần có cái vẻ đẹp ấy, chàng hào hoa, phong nhã, nhiều tài nghệ mà anh hùng, đó chính là vẻ đẹp lý tưởng của người Hy Lạp cổ đại. Còn A-thê-na, A-phê-rô-đi-tơ, Hê-len v.v... đều là những nữ thần và người nữ đẹp. Vẻ đẹp của phụ nữ trong thần thoại Hy Lạp có quan hệ với cái duyên dáng, cái xinh xắn, sức hấp dẫn của hình thể, nét mặt và tâm hồn đẹp. Nhưng qua thần thoại, người Hy Lạp quan niệm đường nét đẹp của cơ thể con người là cái đặc điểm cần được chú ý. « Cái gì mà tính hài hòa đập vào mắt là đẹp ». Do đấy, lỗi tạo hình các nhân vật dù là nhân vật thần thoại thì vẻ đẹp của nó vẫn mang những đường nét con người cụ thể đầy cảm xúc.

Cái đẹp của người Hy Lạp gắn với những biểu tượng về biển, nước, sóng v.v... A-phơ-rô-đi-tơ sinh ra từ bọt biển gần đảo Síp. Khi nữ thần từ biển lên đỉnh Ô-lem-pơ, sắc đẹp của nàng đã làm mọi vị thần ngây ngất. Sau này, trong tác phẩm Thần phổ, Hê-zi-ốt cũng nói đến các cô Nê-rê-i-dơ đều từ biển mà vọt ra. Như thế, mối liên kết giữa người với biển, sắc đẹp và nước là không tách rời được. Do người Hy Lạp sống cạnh biển, sinh hoạt buôn bán, chiến trận, v.v... nên quan niệm thẩm mỹ của họ liên kết với những biểu tượng về biển. Đối với họ, đường nét lượn của mặt biển là đường nét đẹp nhất. Mái tóc đẹp là mái tóc uốn theo làn sóng biển.

Hê-di-ốt miêu tả Nê-mô-xin, các nàng Hét-xpê-rít và các nàng Ô-xê-a-nít với những lượn tóc đẹp uyển chuyển. Khi các thi thần (Muses) trần truồng từ núi Hê-li-công giáng thế, « tính e thẹn che trùm lấy thân hình họ[2], họ liền quấn mình bằng những làn voan trắng như mây bông, họ làm lễ phụng thờ thượng thần Dớt và bà Hê-ra (vợ Dớt). Dựa vào hình tượng các nữ thần này, nhà thơ đã có được những câu ca đẹp đẽ, và lần đầu tiên vận dụng vẻ đẹp đó vào hình ảnh con người. Cũng như vậy, ta thấy vẻ đẹp ở các nàng Ô-xê-a-nít, nàng Ga-la-lê nằm trong vỏ ốc ; đến các cơ thể đàn bà: bàn chân của các nữ thần biển cả như Tê-títx có đôi chân bạc v.v... Từ con người, bằng con đường loại suy, nhà thơ nói đến những con hải mã có chiếc bờm đẹp, các quả táo lung linh mọc ở bên kia đại dương, rồi đến các cỗ xe có bánh đẹp, các vũ khí vừa mạnh mẽ, vừa đẹp đẽ, các thành thị nguy nga, tráng lệ, v.v... Đương nhiên cái đẹp của vật thể chỉ là một bộ phận không đáng kể, cái chủ yếu trong thần thoại nói chung và trong Thần ph của Hê-zi-ốt nói riêng là cái đẹp của con người, đặc biệt của phụ nữ và biển cả.

Tuy nhiên, vẻ đẹp phụ nữ không phải lúc nào cũng là cơ sở của sự ngợi ca. Trong quan hệ xã hội, người ta đã phát hiện ra những đối nghịch, vì vậy trong quan hệ thẩm mỹ, người ta đã sáng tạo ra một cách biểu hiện rất đặc sắc cái đối nghịch ấy. Bên cạnh cái Đẹp (kalos) của người phụ nữ, ta thấy có khái niệm cái ác đẹp đẽ (kalon kakon). Trong thần thoại Hy Lạp, khái niệm cái ác đẹp đẽ được sử dụng rất rộng rãi. Ba nữ thần A-phơ-rô-di-tơ (sắc đẹp và tình yêu), A-thê-na, Hê-ra tranh nhau danh vị đẹp nhất, trong chuyện « Quả táo vàng » đã nói lên khái niệm đó.

Trong thần thoại Hy Lạp, cái Đẹp còn được khai thác cùng với cải Thiện. Đẹp còn là hành động và là hành động có phẩm giá. Trước hết, hành động đẹp là hành động có công lao to lớn của các vị thần tốt bụng giúp đỡ con người.

Prô-mê-tê là đẹp, bởi Prô-mê-tê thương con người, dám cả gan lấy trộm lửa của Dớt đem ban phát cho loài người. Nhờ có lửa mà con người chống được băng tuyết, nấu chín được thức ăn, rèn được công cụ trồng trọt và luyện nên vũ khí tự vệ. Nhưng vì con người mà Prô-mê-tê bị đọa đầy, bị Dớt trừng phạt bằng những khổ hình, bị xích vào dãy núi Cô-ca, bị đóng một cái đinh sắt lớn vào giữa ngực. Qua hình tượng này, chúng ta thấy sự kết hợp cái Đẹp với cái Thiện đã tạo cho cái thm mỹ những giá trị triết học cao cả. Cũng vì thế, nói theo Mác, Prô-mê-tê "là một hình tượng tuẫn tiết đầu tiên về mặt triết học".

Hê-ra-c'lít là người anh hùng trong thần thoại có cuộc đời vô cùng đẹp đẽ, cuộc đời được dệt bằng 12 chiến công oanh liệt hiếm có.

Như vậy, cái Đẹp trong thần thoại Hy Lạp được gắn với cái có ích, cái có ích là một khía cạnh của mối quan hệ giữa cái Đẹp và cái Thiện. Đẹp ở đây được phát hiện như là một sung thể mang ý nghĩa một phương tiện để đạt mục đích. Một sự vật đẹp là một sự vật phải tốt đối với người này hoặc đối với người kia. Bộ áo giáp và cái khiên của A-sin do thần Hê-phai-xtốt rèn là đẹp, thì đồng thời nó cũng có thể chống chọi lại gươm giáo của địch thủ. Ở đây có thể thấy thêm rằng, người Hy Lạp cổ đại cũng có sự phân biệt nhất định giữa cái Đẹp và cái Thiện, xét về phương diện mục đích. Muốn đạt tới cái Thiện lẽ tất nhiên cần phải có một sự nỗ lực. Người anh hùng phải có những cố gắng phi thường mới đạt tới chiến công, đem lại lợi ích cho mọi người. Ngoài Hê-ra-c’lít, Tê-đê vị anh hùng lớn nhất của miền Át-tic cũng là một tấm gương về sự nỗ lực phi thường ấy. Có phần giống với cái Thiện, cái Đẹp cũng là đối tượng của sự mong ước cần đạt tới. Nhưng điểm khác nhau là, một đằng cần phải có nỗ lực, nhiều khi là nỗ lực phi thường mới mong đạt tới mục đích, còn cái Đẹp, để đạt tới mục đích có lúc lại chẳng cần sự nỗ lực nào cả. Như vậy, có sự khác nhau về tính tích cực của chủ thể trong quan hệ thiện và quan hệ đẹp. Một đằng, tính nỗ lực là một yêu cầu có tính tất yếu với mọi trường hợp, còn một đằng có khi lại bộc lộ tính thụ động của tình cảm khi bị cái Đẹp tác động như trường hợp đứng trước vẻ đẹp của Vê-nuýt hoặc trước biển cả. Ở đây, những phát hiện tinh tế của người Hy Lạp là ở chỗ, họ đã nhận ra cái Thiện cần có một trung gian để biểu hiện, còn cái Đẹp thì có tính trực tiếp. Sự thoáng hiện, có phần còn mờ nhạt nhưng cũng đủ cho ta khẳng định rằng qua thần thoại, người Hy Lạp cổ đại đã nhận thức được tính chất cực kỳ quan trọng của sự cảm thụ cái Đẹp là tính chất trực tiếp và không vụ lợi của nó.

Tuy thế, trình độ thẩm mỹ của người Hy Lạp cổ đại còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Ngay trong sự phát hiện những giá trị của cái Đẹp, họ còn có cái nhìn quá trực quan, chưa vươn lên đến khái niệm hoàn chỉnh của vẻ đẹp tinh thần, chưa gắn bó đúng đắn cái Đẹp và cái Chính trực. Cái đức hạnh đẹp, lại chưa được đánh giá nhất quán là cái khí chất trọng yếu của kẻ hành động, chưa được coi là một bộ phận cơ bản của chủ thể với tư cách là một con người chứa đựng cái hoàn thiện. Chính vì thế, ở đây chưa có sự phát hiện sâu sắc tính đối lập không thể dung hòa được giữa cái Đẹp và cái Xấu, cũng vì thế người Hy Lạp cổ đại chưa thể lý giải đúng đắn mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của sự vật và con người. Những nguyên nhân đó đã hạn chế rất nhiều sự phát hiện các mâu thuẫn xã hội và sự phản ánh hiện thực của văn học, nghệ thuật.

Nhưng dù sao, Thần thoại Hy Lạp xét về phương diện thẩm mỹ, đã là một tiếng nói tích cực đòi giải phóng con người khỏi sự phụ thuộc vào tự nhiên, là sự thắng thế của con người trước số mệnh, là sự điều hòa đẹp đẽ giữa con người với thiên nhiên mà trước đó còn thù địch lẫn nhau, là sự phát hiện quan hệ giữa con người với con người, đó cũng là một hoạt động có mục đích của con người góp vào quy luật phát triển của xã hội, làm phong phú con người lên mãi mãi.



[1] Thần thoại Hy-Lạp, Nxb Văn Học, 1966, trang 9.

[2] Hê-zi-ốt: Thần ph, câu 9–10

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt