CÂU HỎI 20 TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Chúng ta nghiên cứu những điều thuộc về ý chí Thiên Chúa cách truyệt đối. Trong phần thị dục của linh hồn nhân loại, vừa gặp được các đam mê của linh hồn, như sự vui mừng, tình yêu và các tương tự; vừa gặp được các tập quán của các nhân đức luân lý như đức công bình, đức dũng mạnh và các tương tự. Do đó, trước hết chúng ta nghiên cứu tình yêu của Thiên Chúa, và thứ đến, sự công bình và sự nhân từ của Ngài. Về tình yêu của Thiên Chúa, có bốn điểm cần bàn : 1. Tình yêu hiện hữu trong Thiên Chúa không ? 2. Thiên Chúa thương yêu tất cả mọi sự vật không ? 3. Thiên Chúa thương yêu sự vật này hơn sự vật kia không ? 4. Thiên Chúa thương yêu các sự vật tốt hơn, bằng nhiều cách hơn không ?
Tiết 1 TÌNH YÊU HIỆN HỮU TRONG THIÊN CHÚA KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra tình yêu không hiện hữu trong Thiên Chúa. 1. Trong Thiên Chúa, không có các đam mê. Mà tình yêu là một đam mê. Vậy, tình yêu không hiện hữu trong Thiên Chúa. 2. Sự yêu, sự giận, sự buồn và các tương tự, phân biệt lẫn nhau. Mà sự buồn và sự giận không được chỉ về Thiên Chúa, trừ phi bằng cách ẩn dụ. Vậy, tình yêu cũng không được chỉ về Thiên Chúa. 3. Denys nói : “Tình yêu là sức mạnh phối hợp và cột trói” (De Div. Nom., 4,15). Mà việc này không thể xảy ra trong Thiên Chúa, vì Ngài đơn giản. Bởi đó, tình yêu không hiện hữu trong Thiên Chúa. TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,16). TRẢ LỜI : Chúng ta cần thiết phải xác nhận Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì tình yêu là sự chuyển động thứ nhất của ý chí và của tất cả mọi năng lực thị dục. Vì khi các hành động của ý chí và của các năng lực thị dục hướng về sự tốt và sự xấu như hướng về các đối tượng riêng của chúng và khi sự tốt bằng cách nguyên thường và chủ yếu, là đối tượng của y chí và thị dục, thì sự xấu chỉ là đối tượng cách phụ thuộc và gián tiếp vì nó đối lập với sự tốt; do đó, mà các hành động của ý chí và thị dục có tương quan với sự tốt, một cách nguyên thường có trước các hành động có tương quan với sự xấu; như vậy, thí dụ, sự vui mừng có trước sự buồn rầu, sự yêu thương có trước sự ghét. Vì cái gì hiện hữu do chính nó, thì luôn luôn có trước cái gì hiện hữu nhờ cái khác. Lại nữa, cái gì phổ quát hơn thì có trước cái gì kém phổ quát. Do đó, trí năng trước hết, được hướng về sự thật phổ quát, và sau đó mới được hướng về các sự thật đặc thù và cá biệt. Nhưng các hành động của ý chí và thị dục tương quan với sự tốt với điều kiện đặc biệt nào đó, như sự vui mừng và vui sướng đối với sự tốt hiện diện và đã được chiếm hữu; còn sự ước muốn và hy vọng đối với sự tốt chưa chiếm hữu. Tuy nhiên, tình yêu tương quan với sự tốt cách phổ quát hoặc đã được chiếm hữu, hoặc chưa. Do đó, tình yêu, bằng cách nguyên thường, là hành động đầu tiên của ý chí và của thị dục; vì lý do này mà tất cả các sự chuyển động thị dục khác, tiền-giả-định tình yêu như gốc rễ và nguồn gốc. Vì không người nào ước muốn cái gì, cũng không hoan hỉ hơn trong cái gì, trừ phi cái đó là sự tốt được yêu mến; cũng không có cái gì là đối tượng của sự ghét trừ phi cái đó đối lập với đối tượng của tình yêu. Một cách tương tự, rõ ràng là sự buồn rầu và các sự tương tự với nó, quan hệ với tình yêu như nguyên nhân đầu tiên của chúng nó. Do đó, trong bất cứ ai, có ý chí và thị dục, phải có tình yêu. Nguyên nhân đầu tiên này không có, thì tất cả những gì đi theo nó, đều không có. Như đã trình bày ý chí hiện hữu trong Thiên Chúa (Q.19, a.1). Vậy, chúng ta phải chỉ tình yêu về Thiên Chúa GIẢI ĐÁP : 1. Năng lực tri thức không chuyển động, trừ phi nhờ thị dục làm trung gian : và như ở trong chính chúng ta, trí năng phổ quát chuyển động nhờ trí năng đặc thù như đã trình bày về hồn (De An., 3,11); cũng vậy, ở trong chính chúng ta, tâm dục được mệnh danh là tình yêu, chuyển động nhờ giác dục. Do đó, ở trong chúng ta, giác dục là chủ động gần của thân thể. Một sự thay đổi nào đó trong thân thể luôn luôn đi theo hành động của giác dục, và sự thay đổi này, một cách đặc biệt động đến quả tim, là nguồn gốc thứ nhất của sự chuyển động trong thú vật. Do đó, các hành động của giác dục, vì có thêm sự thay đổi kèm theo trong thân thể, nên được mệnh danh là các đam mê; còn các hành động của ý chí không được mệnh danh như thế. Bởi đó, tình yêu, sự vui mừng và sự vui sướng là những đam mê theo mức độ chúng biểu lộ các hành động của giác dục, nhưng không phải là những đam mê khi chúng biểu lộ khát vọng của trí khôn. Chính theo ý nghĩa này mà chúng nó hiện hữu trong Thiên Chúa. Do đó, Triết gia nói : “Thiên Chúa hoan hỉ nhờ hành động của Ngài, một hành động đơn nhất và đơn giản" (Eth., 7,14). Vì cũng một lý do này. Ngài yêu thương mà không đam mê. 2. Trong các đam mê của giác dục, có thể phân biệt được một yếu tố hữu hình nào đó, tức là sự thay đổi trong thân thể, và một yếu tố mô thể, thuộc về bên giác dục. Như vậy, sự giận, theo lời Triết gia nói, là yếu tố hữu hình làm cho máu nổi lên chung quanh quả tim và các hiện tượng tương tự : nhưng yếu tố mô thể, thuộc về thị dục báo thù. Lại nữa, đối với yếu tố mô thể của các đam mê, có một sự bất hoàn hảo được bao hàm với nó, như trong sự ước muốn thuộc về sự tốt, chúng ta không có sự bất hoàn hảo; nhưng đối với sự buồn rầu, thuộc về xấu, chúng ta có sự bất hoàn hảo. Tình trạng này cũng được ứng dụng với sự giận, vì nó giả định sự buồn rầu. Tuy nhiên, những đam mê khác, như tình yêu, vui mừng và sự vui sướng, không bao hàm sự bất hoàn hảo. Do đó, không một đam mê nào trong các đam mê được chỉ về cho Thiên Chúa theo phương diện hữu hình của mình, như đã trình bày trước; còn các đam mê mặc dầu thuộc phương diện mô thể, nhưng bao hàm sự bất hoàn hảo, cũng không được chỉ về cho Thiên Chúa, trừ phi bằng cách ẩn dụ và do sự tương tự của các hiệu quả, như đã trình bày (Q.3, a.2; q.19, a.11). Đàng khác, các đam mê, không bao hàm sự bất hoàn hảo, như sự vui mừng, có thể bằng cách chính xác, chỉ về Thiên Chúa, mặc dầu không chỉ đam mê về Ngài, như đã trình bày. 3. Một hành động của tình yêu luôn luôn hướng về hai sự : sự tốt mà người ta muốn, con người mà người ta muốn sự tốt cho, bởi vì yêu thương người nào là muốn sự tốt cho người ấy. Do đó, vì chúng ta yêu chính chúng ta, chúng ta muốn sự tốt cho chính chúng ta; và bằng thể cách tột bậc, chúng ta tìm phối hợp với cái tốt đó. Theo ý nghĩa này, tình yêu được mệnh danh là sức mạnh phối hợp, ngay chính trong Thiên Chúa, nhưng bằng cách không bao hàm sự hợp thành; vì sự tốt mà Ngài muốn cho chính Ngài, không ai khác ngoài chính Ngài, là Đấng tốt do yếu tính của Ngài, như đã trình bày (Q.6, a.3). Và do sự kiện bất cứ người nào yêu thương một người khác, người này muốn sự tốt cho người đó. Như vậy người này đặt người kia vào chỗ của chính mình. Như vậy, tình yêu là sức mạnh cột trói, nó liên kết người khác cùng chúng ta và đặt sự tốt riêng của của người đó trong quan hệ với sự tốt của riêng chúng ta. Và cũng một tương đối này, tình yêu của Thiên Chúa là sức mạnh cột trói, vì Thiên Chúa muốn sự tốt cho kẻ khác, nhưng không bao hàm một sự hợp thành nào trong Thiên Chúa.
Tiết 2 THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG TẤT CẢ CÁC SỰ VẬT KHÔNG?
VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa không yêu thương tất cả mọi sự vật. 1. Theo Denys, tình yêu đặt người yêu ở ngoài chính nó, và khiến nó đi đến đối tượng của tình yêu (De Div.Nom., 4,13). Mà không thể chấp nhận lời nói Thiên Chúa bị đặt ra ngoài chính Ngài và đi vào trong các sự vật khác. Vậy, không thể chấp nhận lời nói Thiên Chúa yêu thương các sự vật khác với Ngài. 2. Tình yêu của Thiên Chúa thì vĩnh cửu. Nhưng, các sự vật ở bên ngoài Thiên Chúa, không phải có từ vĩnh cửu, trừ phi chúng nó hiện hữu trong Thiên Chúa. Bởi đó, Thiên Chúa không yêu thương bất cứ sự vật nào, trừ phi nó hiện hữu trong chính Ngài. Nhưng vì hiện hữu ở trong Thiên Chúa, nó không khác với chính Ngài. Nên, Thiên Chúa không yêu thương các sự vật khác với Ngài. 3. Tình yêu có hai thứ : tình yêu vị lợi, và tình yêu thân hữu. Nhưng Thiên Chúa không yêu thương các thụ tạo không trí năng bằng tình yêu vị lợi, vì Ngài không cần đến các thụ tạo ở ngoài Ngài, Ngài cũng không yêu thương chúng bằng tình yêu thân hữu, vì không thể có tình thân hữu với các thụ tạo không trí năng, như Triết gia đã trình bày (Eh, 8,2). Vậy, Thiên Chúa không yêu thương tất cả các sự vật. 4. Có lời ghi chép : “Chúa ghét những người làm điều độc ác” (Tv 5,7). Mà không cái gì đồng thời bị ghét và được thương yêu. Vậy Thiên Chúa không yêu thương tất cả các sự vật. TRÁI LẠI : Đã có lời nói : “Những gì có trong vạn vật Người đều yêu mến. Người không ghét bỏ sự sư gì” (Kn 11,25). TRẢ LỜI : Thiên Chúa yêu thương tất cả các sự vật đang hiện hữu. Vì tất cả các sự vật đang hiện hữu, theo mức độ chính nó hiện hữu, thì tốt, bởi vì sự hiện hữu của một sự vật, chính là một sự tốt, như bất cứ sự hoàn hảo nào mà sự vật này chiếm hữu. Như chúng ta đã trình bày ở trước, rằng : ý chí Thiên Chúa là nguyên nhân tất cả mọi sự vật (Q.19, a.4). Bởi đó, cần thiết phải có điều này, là một sự vật có một sự hiện hữu nào đó, hoặc có bất cứ sự tốt nào, chỉ vì nó được Thiên Chúa muốn. Vậy, với mỗi sự vật hiện hữu, Thiên Chúa muốn một sự tốt nào đó. Do đó, yêu thương bất cứ sự vật nào thì không gì khác hơn là muốn sự tốt cho sự vật ấy, rõ ràng là Thiên Chúa yêu thương sự vật hiện hữu, nhưng không như chúng ta yêu thương. Bởi vì ý chí của chúng ta không phải là nguyên nhân của thiện tính trong các sự vật, những bị động bởi thiện tính của chúng, như là đối tượng của nó; tình yêu của chúng ta mà chúng ta muốn sự tốt cho bất cứ sự vật nào, không phải là nguyên nhân tạo nên thiện tính của sự vật ấy; nhưng, ngược lại, thiện tính của sự vật ấy, hoặc thật hoặc tưởng tượng, gây nên sự yêu thương của chúng ta, mà do sự yêu thương này, chúng ta muốn sự vật đó gìn giữ bảo tồn cái tốt nó có và ngoài ra, còn lãnh nhận cái tốt nó không có, về mục đích này, chúng ta hướng các hành động của chúng ta; còn tình yêu của Thiên Chúa trút vào và sáng tạo thiện tính trong các sự vật. GIẢI ĐÁP : 1. Một người yêu thương thì bị đặt ra bên ngoài chính mình và bị khiến đi vào trong đối tượng của tình yêu mình, vì người này muốn sự tốt cho sự vật được yêu thương và hoạt động vì sự tốt này bằng sự lo trước, dường như hoạt động vì sự tốt của chính mình. Do đó, Denys nói : “Vì sự thật, chúng ta dám nói ngay điều này, là, Đấng chính Ngài là nguyên nhân của tất cả các sự vật, do tình yêu và thiện tính chan chứa của Ngài, bị đặt ra ngoài chính Ngài bởi sự quan phòng trên tất cả các sự vật đang hiện hữu (De Div. Nom., 4,13). 2. Dầu các thụ tạo đã không hiện hữu từ vĩnh cửu, trừ phi ở trong Thiên Chúa, nhưng bởi vì chúng đã ở trong Thiên Chúa từ vĩnh cửu, Thiên Chúa đã tri thức chúng từ vĩnh cửu trong các bản tính riêng của chúng, và vì vậy, Ngài đã yêu thương chúng; cũng như, chúng ta, nhờ các sự tương tự của các sự vật ở bên trong chúng ta, tri thức các sự vật đang hiện hữu trong chính chúng nó. 3. Tình thân hữu không thể hiện hữu trừ phi đối với các thụ tạo có trí năng vì chúng có khả năng đáp lại tình yêu và thông phần với nhau trong nhiều công việc của đời sống; cùng có thể được xảy ra tốt hoặc bị xảy ra xấu do thời vận và sự hạnh phúc : như đối với các thụ tạo này, chính xác có lòng từ thiện được thi hành. Nhưng các thụ tạo không có trí năng, không thể đạt tới Thiên Chúa yêu thương, cũng không thể thông phần đời sống trí năng và hạnh phúc mà Ngài sống. Bởi đó, nói cách đích xác, Thiên Chúa không yêu thương các thụ tạo không có trí năng với tình yêu thân hữu, nhưng dường như với tình yêu vị lợi, theo mức độ Ngài sắp đặt chúng nó hướng về các thụ tạo có trí năng, và cũng qui về với Ngài, Nhưng, như thế, không phải Ngài cần đến chúng, nhưng chỉ vì thiện tính của Ngài, và vì các lợi ích chúng đem lại cho chúng ta. Vì chúng ta ước muốn một sự vật cho kẻ khác như cho chính chúng ta. 4. Không gì trở ngại cũng một sự vật duy nhất được yêu thương về một phương diện, đang khi nó bị ghét về phương diện khác. Thiên Chúa yêu thương các tội nhân theo mức độ họ là những bản tính đang hiện hữu; vì họ vừa hiện hữu, vừa hiện hữu do Ngài. Theo mức độ họ là tội nhân, họ không hiện hữu và thất bại về sự hiện hữu. Tình trạng này có trong họ, không phải do Thiên Chúa. Do đó, về phương diện này, họ bị Thiên Chúa ghét.
Tiết 3 THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG TẤT CẢ CÁC SỰ VẬT BẰNG NHAU KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi sự vật bằng nhau. 1. Có lời ghi chép : “Ngài săn sóc mọi người bằng nhau” (Kn 6,8). Mà sự quan phòng của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự vật xuất phát do tình yêu mà Ngài yêu thương chúng. Vậy, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi sự vật bằng nhau. 2. Tình yêu của Thiên Chúa là yếu tính của Ngài. Mà yếu tính của Thiên Chúa không chấp nhận cấp bậc; do đó, tình yêu của Ngài cũng không cấp bậc. Vậy, Ngài không yêu thương những sự vật này hơn các sự vật khác. 3. Như tình yêu của Thiên Chúa mở rộng đến sự vật thụ tạo, tri thức và ý chí của Ngài cũng mở rộng như vậy. Thiên Chúa không được nói là tri thức một số sự vật hơn các sự vật khác; Ngài cũng không được nói là muốn sự vật này hơn sự vật kia. Vậy, Ngài cũng không yêu thương một sự vật hơn các sự vật khác. TRÁI LẠI : Thánh Augustinô nói : Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi vật Ngài đã tạo thành và ở giữa chúng. Ngài yêu thương các thụ tạo có trí năng cách nhiều hơn. Và ở giữa các thụ tạo này. Ngài yêu thương cách đặc biệt những ai là chi thể của Con Một Ngài; và Ngài yêu thương chính Con Một Ngài nhiều hơn tất cả mọi loài mọi vật (In Joan tr 100, super 17,23). TRẢ LỜI : Bởi vì yêu thương một sự vật, là muốn điều tốt cho nó, thì bất cứ sự vật nào cũng có thể được yêu thương hơn kém theo hai thể cách. Thể cách thứ nhất, về phần hành động của chính ý chí có cường độ hơn kém. Theo thể cách này, Thiên Chúa không yêu thương các sự vật này hơn các sự vật khác, bởi vì Ngài yêu thương tất cả mọi sự vật bằng một hành động đơn nhất, đơn thuần và luôn là một hành động duy nhất của ý chí. Thể cách thứ hai, về chính điều tốt mà một người muốn cho kẻ được họ yêu thương. Theo thể cách này, chúng ta nói được là yêu thương kẻ này hơn kẻ kia, vì chúng ta muốn cho kẻ này được điều tốt lớn hơn mặc dầu ý chí chúng ta không mãnh liệt hơn. Theo thể cách này, chúng ta cần thiết phải nói Thiên Chúa yêu thương một số sự vật hơn các sự vật khác. Vì tình yêu Thiên Chúa là nguyên nhân của thiện tính trong các sự vật như đã trình bày, không sự vật nào có thể tốt hơn sự vật khác, nếu Thiên Chúa đã không muốn cho chúng. GIẢI ĐÁP : 1. Nói được là Thiên Chúa săn sóc tất cả mọi sự vật bằng nhau. không phải bởi vì sự lo lắng săn sóc của Ngài sinh lợi ích bằng nhau cho tất cả mọi vật, nhưng bởi vì Ngài trông nom sắp đặt tất cả mọi vật với sự khôn ngoan và thiện tính như nhau. 2. Chứng cứ này có nền tảng trên cường độ của tình yêu xét về phần hành động của ý chí, mà ý chí này là yếu tính của Thiên Chúa. Nhưng điều tốt được Thiên Chúa cho các thụ tạo của Ngài không phải là yếu tính của Thiên Chúa. Bởi đó, không có lý do gì mà điều tốt được Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi vật, có thể không thay đổi trong cấp bậc. 3. Hiểu biết và muốn biểu thị các hành động mà thôi và không bao gồm trong ý nghĩa của mình, các đối tượng tạp đa thì nói được là Thiên Chúa tri thức và muốn hơn kém, như đã trình bày về tình yêu Thiên Chúa.
Tiết 4 THIÊN CHÚA CÓ ĐẶC BIỆT YÊU THƯƠNG CÁC SỰ VẬT TỐT LÀNH HƠN KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương các sự vật tốt lành cách nhiều hơn. 1. Điều rõ ràng là Chúa Kitô tốt hơn toàn thể nhân loại, vì Ngài là Thiên Chúa và là người thật. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại hơn là yêu thương Chúa Kitô vì có lời ghi chép : Chính Đấng đã không xá miễn Con Mình lại phó thác Con cho toàn thể chúng ta. Ngài đã chẳng đem mọi sự mà thông ban cho ta một trật đó ư ? (Rm 8,32). Bởi đó Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương những kẻ tốt lành hơn. 2. Thiên thần tốt hơn con người. Do đó, nói về con người, Chúa đã tạo thành nhân loại kém hơn thiên thần một ít (Tv 7,6). Mà Thiên Chúa yêu thương nhân loại hơn Ngài yêu thương thiên thần, vì có lời : “Vì Người chẳng hề cứu vớt các thiên thần, nhưng chỉ cứu giúp dòng dõi Abraham” (Dt 2.16). Bởi đó, Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương các sự vật tốt lành hơn. 3. Hơn nữa, Phêrô tốt hơn Gioan, vì Phêrô yêu mến Chúa Kitô hơn. Bởi vì, Chúa Kitô biết điều đó là sự thật, đã hỏi Phêrô rằng : “Hỡi Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn các người này không?” (Ga 21,15). Nhưng Chúa Kitô yêu thương Gioan hơn Phêrô. Vì như thánh Augustinô nói, khi chú giải về các lời : Hỡi Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không ? Cứ dấu này thì Phêrô được phân biệt với các tông đồ khác, không những ông yêu mến Chúa Kitô, mà còn yêu mến Chúa Kitô hơn các tông đồ khác (Tract. 124). Vậy Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương các sự vật tốt lành hơn. 4. Người vô tội tốt hơn hối nhân, vì sám hối - theo thánh Giêrônimô - là tấm ván thứ hai sau khi chìm tàu (Isaiam, 2, super 3,8). Nhưng Thiên Chúa thương yêu hối nhân hơn người vô tội; Người hoan hỉ về hối nhân, nhiều hơn, vì có lời : “Ta nói thật cùng các ngươi, trên trời cũng mừng rỡ như vậy : mừng vì một kẻ tội lỗi sám hối hơn là chín mươi chín kẻ lành không cần sám hối” (Lc 16.7). Vậy Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương các sự vật tốt lành hơn. 5. Người công chính mà Thiên Chúa thấy trước sự sa ngã thì tốt hơn tội nhân do tiền định. Nhưng Thiên Chúa thương yêu tội nhân do tiền định, cách đặc biệt hơn, vì Ngài muốn cho họ điều tốt lớn hơn, tức là sự sống đời đời. Vậy Thiên Chúa không đặc biệt yêu thương những kẻ tốt lành hơn. TRÁI LẠI : Mỗi vật yêu thương cái tương tự với mình, như có lời chép : “Vật nào cũng yêu loài của nó” (Hc 13,15). Mà vật càng giống Chúa thì càng tốt. Vậy các vật tốt hơn thì được Chúa yêu thương hơn. TRẢ LỜI : Theo những điều đã được trình bày trước, người ta phải nói Thiên Chúa yêu thương nhiều hơn các sự vật tốt hơn. Vì đã trình bày việc Thiên Chúa yêu thương sự vật này hơn sự vật kia, vì không gì khác hơn ngoài việc Ngài muốn cho sự vật này, một điều tốt lớn hơn : vì ý chí của Thiên Chúa là nguyên nhân của thiện tính trong các sự vật và lý do tại sao một số sự vật tốt lành hơn các sự vật khác, là vì Thiên Chúa muốn cho chúng có điều tốt lớn hơn. Do đó, Ngài yêu thương cách đặc biệt đối với các sự vật tốt lành hơn. GIẢI ĐÁP : 1. Thiên Chúa yêu thương Đức Kitô không những hơn toàn thể nhân loại, mà còn hơn toàn thể vũ trụ thụ tạo : bởi vì Ngài đã muốn cho Đức Kitô điều tốt lớn hơn và ban cho Đức Kitô thánh danh vượt trên tất cả mọi tên (PL 2,9) ngõ hầu Đức Kitô là Thiên Chúa thật. Và không gì thuộc về ưu-việt-tính của Đức Kitô bị giảm bớt, khi Thiên Chúa muốn Ngài chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Đúng hơn là nhờ đó Ngài đã trở nên Đấng chiến thắng chinh phục vinh quang : vương quyền phủ trên vai Ngài (Is 9,6). 2. Thiên Chúa yêu thương bản tính nhân loại đã được kết hiệp với Ngôi Lời của Thiên Chúa trong Ngôi vị Đức Kitô hơn tất cả các thiên thần; và bản tính này tốt hơn một cách đặc biệt vì được kết hiệp cùng thiện tính. Nhưng nói về nhân tính cách đại loại, và so sánh nó với bản tính thiên thần, cả hai bản tính được nhận thấy bằng nhau trong trật tự ân sủng và vinh hiển, theo lời sách Khải huyền : thước của loài người cưng là thước của thiên thần (Kh 21.17); song xét về phương diện này, một số thiên thần được nhận thấy cao quí hơn một số người, và một số người được nhận thấy là cao quí hơn một số thiên thần. Nhưng về địa vị của bản tính thiên thần và nhân loại, thiên thần tốt hơn người ta. Bởi đó, nói một cách tuyệt đối, Thiên Chúa nhận lấy nhân tính, không phải vì Ngài đã yêu thương nhân loại hơn, nhưng vì các nhu cầu của nhân loại lớn hơn, như ông chủ nhà có thể tốn kém cho người đầy tớ mình đau bệnh hơn là cho người con trai khỏe mạnh của mình. 3. Sự nghi ngờ này liên hệ đến Phêrô và Gioan đã được giải quyết nhiều cách; thánh Augustinô giải thích điều này bằng cách thần bí, và nói đời sống hoạt động được biểu thị bởi thánh Phêrô, yêu mến Thiên Chúa hơn đời sống chiêm niệm, được biểu thị bởi thánh Gioan, vì đời sống thứ nhất ý thức hơn về những khổ sở ở đời này, và do đó sốt sắng hăng hái ước muốn được giải thoát khỏi tình cảnh đó và đạt tới Thiên Chúa (Tract. C. 24, super Joan .., 21,20). Nhưng thánh nhân nói, Thiên Chúa yêu thương đời sống chiêm niệm hơn, vì Ngài gìn giữ nó lâu dài hơn. Vì nó không chấm dứt, như đời sống hoạt động chấm dứt với sự chấm dứt đời sống thể xác. Đàng khác, một số người nói : thánh Phêrô mến Đức Kitô hơn trong các môn đệ của Ngài, và do đó, thánh Phêrô được Đức Kitô yêu mến hơn, vì lý do này mà Ngài trao cho thánh Phêrô sự săn sóc Giáo hội (St Albert, In 3 Sent.,d.31, a.12); nhưng thánh Gioan, yêu mến Đức Kitô hơn trong chính Ngài, và như vậy được Ngài yêu mến hơn; vì lý do này là Đức Kitô gửi gắm mẹ Ngài cho Gioan chăm nom. Còn những kẻ khác nói không chắc chắn Đấng nào trong hai Đấng đã yêu mến Đức Kitô hơn với tình yêu của đức mến và cũng không chắc chắn Đấng nào trong hai Đấng được Thiên Chúa yêu thương hơn và sắp đặt cho bậc vinh hiển cao hơn trong sự sống đời đời (cf. St. Bernard, serm. de Diversis, 29). Thánh Phêrô được nói là đã yêu mến hơn, về sự mau mắn và sốt sắng; còn Gioan được thương yêu hơn vì cử chỉ yêu đương mật thiết mà Đức Kitô đã tỏ ra cho Gioan hơn cho các tông đồ khác, vì tuổi thanh xuân và sự trong sạch. Và những kẻ khác nói Đức Kitô yêu mến thánh Phêrô hơn, do ân huệ ưu việt hơn về đức mến; nhưng Gioan được yêu mến hơn do các ân huệ về trí năng (cf. Saint Albert, Enarr. in Joan., 24,3). Do đó, nói cách tuyệt đối, thánh Phêrô tốt hơn và được yêu mến hơn; nhưng theo một ý nghĩa nào đó, Gioan tốt hơn và được yêu mến hơn. Tuy nhiên, xem ra tự phụ khi phán đoán các vấn đề này, vì “Thiên Chúa, chứ không ai khác, cân nhắc lòng người” (Cn 16,2). 4. Hối nhân và người vô tội có tương quan với nhau như vượt qua và bị vượt qua. Vì hoặc là người vô tội, hoặc là hối nhân, kẻ nào có ân sủng hơn, kẻ ấy tốt hơn và được yêu thương hơn. Nhưng với điều kiện các sự vật khác ngang nhau, sự vô tội là điều cao quí hơn và được yêu thương hơn. Nhưng Thiên Chúa được nói là hoan hỉ nhiều hơn vì hối nhân hơn là vì người vô tội, bởi vì thường các hối nhân chổi dậy ra khỏi tội, thì thận trọng, khiêm tốn và sốt sắng. Do đó, thánh Grê gôriô chủ giải các lời này, thì nói trong trận chiến, ông tưởng yêu thương người lính, sau khi chạy trốn, thì trở lại và truy kích địch, hơn người lính chẳng bao giờ chạy trốn, nhưng cũng chẳng bao giờ làm một việc dũng cảm (in Evang., 2 hom. 34). Hoặc có thể trả lời : một vật tặng bằng nhau về ân sủng, thì lớn hơn đối với một tội nhân sám hối, hơn là đối với người vô tội mà không đáng được vật tặng này; như một trăm đồng vàng là vật tặng lớn hơn đối với một người nghèo, hơn là đối với ông vua. 5. Bởi vì Thiên Chúa là nguyên nhân của thiện tính trong các sự vật, thiện tính của kẻ được Thiên Chúa yêu thương, phải được ước lượng theo thời gian khi sự tốt được ban cho do thiện tính của Thiên Chúa. Bởi thế, tùy theo thời gian đó, khi sự tốt lớn hơn phải được ý chí của Thiên Chúa ban cho tội nhân bởi tiền định, tội nhân tốt hơn. Dầu vào một thời gian khác, tội nhân có thể xấu hơn người vô tội; vì cũng có thời gian khi người ấy cũng không tốt, mà cũng không xấu.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC