Triết học tôn giáo

Vấn đề 6. Về sự thiện hảo của Thiên Chúa. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 6

VỀ SỰ THIỆN HẢO CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 3

Phải chăng thiện hảo do yếu tính

là điều riêng biệt của Thiên Chúa?

 

NGHI VẤN. Hình như thiện hảo do yếu tính không phải là điều riêng biệt của Thiên Chúa.

1. Cũng như đơn nhất thì đồng nhất với hữu thể, thì điều thiện cũng vậy, như đã nói trên (vđ.5, m.1). Nhưng mọi hữu thể đều là đơn nhất do yếu tính, như nhà Hiền triết đã nói. Cho nên mọi hữu thể đều là thiện hảo do yếu tính.

2. Nếu điều thiện là điều mọi vật đều ham muốn, mà điều mọi vật đều ham muốn là chính hiện hữu, thì chính hiện hữu của mỗi vật cũng là điều thiện của nó. Nhưng mỗi vật là hữu thể theo yếu tính. Cho nên mỗi vật đều thiện hảo do yếu tính của nó.

3. Mọi vật đều thiện hảo theo thiện hảo riêng. Vậy nếu có vật nào không thiên hảo theo yếu tính của mình, ắt là sự thiện hảo của vật ấy không phải là chính yếu tính của nó. Vậy sự thiện hảo này, vì là hữu thể nào đó, nên phải thiện hảo; và nếu nó thiện hảo do sự thiện hảo nào khác, thì lại phải tìm hiểu về sự thiện hảo này. Vậy hoặc là phải diễn tiến đến vô tận, hoặc phải đi đến một sự thiện hảo nào đó không thiện hảo do sự thiện hảo nào khác. Vì lễ đó cần chấp nhận giả thiết thứ nhất. Cho nên vật nào cũng thiện hảo theo yếu tính của mình.

NHƯNG. Boetio nói: Phàm chi không phải là Thiên Chúa thì đều thiện hảo do thông dự, nên không thiện hảo do yếu tính.

LUẬN GIẢI. Chỉ một mình Thiên Chúa thiện hảo do yếu tính. Quả thực, vật nào càng hoàn bị thì càng thiện hảo. Mỗi vật có ba thứ hoàn bị. Thứ nhất hệ tại chính hiện hữu của nó; thứ hai là vì có phụ thể nào đó đính kèm, cần thiết cho hoạt động được hoàn bị; thứ ba hệ tại đạt được điều gì khác như mục đích. Thí dụ: sự hoàn bị thứ nhất của lửa hệ tại hiện hữu mà nó có do mô thể bản thể; sự hoàn bị thứ hai hệ tại sức nóng, trạng thái nhẹ và khô,v.v.; sự hoàn bị thứ ba hệ tại yên vị tại nơi chốn của nó.

Ngoài Thiên Chúa ra, không một thụ tạo nào có ba sự hoàn bị ấy do yếu tính: nơi một mình Người, yếu tính đồng nhất với hiện hữu, và không có phụ thể nào thêm vào; nhưng những chi đối với các vật khác là phụ thể, như quyền năng, thông thái v.v. thì có nơi Người do yếu tính, như đã nói trên (vđ.3, m.6). Người cũng không hướng về chỉ như về mục đích; nhưng chính Người là cứu cánh của mọi vật. Cho nên hiển nhiên chỉ mình Thiên Chúa có mọi hoàn bị do yếu tính của Người. Vì thế chỉ một mình Thiên Chúa là thiện hảo do yếu tính.

GIẢI ĐÁP. 

1. Đơn nhất không hàm súc lý tính của sự hoàn bị mà của sự bất phân ly, là điều phù hợp với mỗi vật theo yếu tính của nó. Nhưng yếu tính của những vật đơn thuần thì bất phân ly trong hiện thể cũng như trong tiềm thể; còn yếu tính của những vật phức hợp thì bất phân ly trong hiện thể mà thôi. Do đó mỗi vật phải đơn nhất do yếu tính, nhưng không thiện hảo do yếu tính, như đã chứng minh (lg).

2. Mặc dầu vật nào càng hiện hữu thì càng thiện hảo, nhưng yếu tính của vật thụ tạo không phải là chính hiện hữu của nó: vì thế vật thụ tạo không thiện hảo do yếu tính.

3. Sự thiện hảo của vật thụ tạo không phải là chính yếu tính của nó, mà là điều gì thêm vào, như hiện hữu, hoặc sự hoàn bị phụ đính nào đó, hoặc sự quy hướng về mục đích. Sự thiện hảo thêm vào như thế được gọi là thiện hảo, cũng như là hữu thể; và gọi là hữu thể vì nhờ nó mà cái gì đó hiện hữu, chứ không phải chính nó nhờ cái gì khác mà hiện hữu. Cũng một cách, nó được gọi là thiện hảo vì nhờ nó mà một vật được thiện hảo, chứ không phải vì chính nó nhờ sự thiện hảo nào khác mà được thiện hảo.

 


MỤC 4
MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt