CÂU HỎI 22
SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Chúng ta nghiên cứu tất cả cái gì tương quan với ý chí cách tuyệt đối, giờ đây chúng ta phải tiến hành đến các sự vật có quan hệ vừa với trí năng, vừa với ý chí, tức là sự quan phòng, trong tương quan với mọi sự vật đã được sáng tạo; sự tiền định và hình phạt đời đời, và tất cả những gì quan hệ với hai vấn đề này, trong tương quan đặc biệt với nhân loại đã được sắp đặt đến ơn cứu rỗi đời đời của họ (Q.23). Vì ở môn học các phong tục, sau chính các nhân đức luận lý, thì đức tri thuật được nghiên cứu, vì xem ra sự quan phòng thuộc về nó. Về sự quan phòng của Thiên Chúa, xuất hiện bốn điểm cần bàn : 1. Sự quan phòng được chỉ về Thiên Chúa có thích hợp không ? 2. Phải chăng tất cả các sự vật được bao gồm trong sự quan phòng ? 3. Sự quan phòng của Thiên Chúa có trực tiếp liên hệ với tất cả mọi sự vật không ? 4. Sự quan phòng của Thiên Chúa có đặt tất-yếu tính nào trên cái gì được sự quan phòng trông thấy trước không ?
Tiết 1 SỰ QUAN PHÒNG ĐƯỢC CHỈ VỀ THIÊN CHÚA CÓ THÍCH HỢP KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra sự quan phòng không thích hợp với Thiên Chúa. 1. Sự quan phòng - theo Cicéron - là một phần của sự khôn ngoan (De invent., 2,5). Mà, theo Triết gia, sự khôn ngoan bảo đảm sự xét đoán tốt (Eth., 6,15), nên nó không thuộc về Thiên Chúa là Đấng không bao giờ có sự nghi ngờ mà Ngài có thể xét đoán. Vậy, sự quan phòng không thuộc về Thiên Chúa. 2. Bất cứ cái gì ở trong Thiên Chúa, thì vĩnh cửu. Mà quan phòng không phải là sự vật vĩnh cửu, vì nó liên hệ về với các sự vật đang hiện hữu, mà các sự vật không vĩnh cửu, theo thánh Damascenô (De Fide Orth. 2,29). Vậy sự quan phòng không ở trong Thiên Chúa. 3. Trong Thiên Chúa không có cái gì phức tạp, mà sự quan phòng xem ra có phức tạp bởi vì nó bao gồm ý chí và trí năng. TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Nhưng, lạy Cha, chính sự quan phòng của Cha bẻ lái mọi sự vật” (Kn 14,3). TRẢ LỜI : Tất yếu phải chỉ sự quan phòng về Thiên Chúa. Vì tất cả mọi sự tốt ở trong các sự vật đã được sáng tạo bởi Thiên Chúa, như đã trình bày (Q.6, a.4). Sự tốt gặp được trong các sự vật không những có liên quan đến bản thể của chúng, mà còn liên. quan đến trật tự của chúng đối với mục đích và một cách đặc biệt đối với cùng đích của chúng nó; mà cùng đích này, như đã nói trước, là thiện tính của Thiên Chúa (q.21, a.4). Sự tốt về trật tự đang hiện hữu trong các sự vật đã được sáng tạo, thì chính nó đã được Thiên Chúa sáng tạo. Nhưng Thiên Chúa là nguyên nhân của các sự vật do trí năng của Ngài; và do đó, điều tất yếu là mô phạm của mỗi hiệu quả phải tiền-hiện-hữu trong trí năng Thiên Chúa; và mô phạm của các sự vật được sắp đặt về một mục đích, thì, nói một cách đích xác, đó là sự quan phòng. Vì sự quan phòng là phần chủ yếu của sự khôn ngoan : phần này có hai phần khác qui hướng về nó, tức là, sự nhớ lại dĩ vãng và sự hiểu biết hiện tại; vì do sự nhớ lại cái gì đã qua và hiểu biết cái gì đang có trong hiện tại, chúng ta hiểu biết được dự phóng cho tương lai thế nào. Nhưng theo Triết gia, điều này thuộc về sự quan phòng, là hướng dẫn các sự vật khác về mục đích (Eth.. 6,12) hoặc là đối với chính mình, như thí dụ một người được nói là khôn ngoan, thì sắp đặt tốt các hành động của mình về mục đích của đời sống; hoặc là đối với các sự vật khác thuộc về mình, trong một gia đình, trong một thành phố, trong một nước; theo ý nghĩa này, thì đã có lời ghi chép: “Ai là đày tớ trung tín và trung thành mà chủ nhà đặt lên coi sóc nhà mình” (Mt 24,45). Theo thể cách thứ hai này, sự khôn ngoan hoặc là sự quan phòng có thể bằng cách thích hợp, được chỉ về Thiên Chúa. Vì trong chính Thiên Chúa, không có cái gì có thể được sắp đặt hướng về mục đích nào, vì Ngài là cùng đích. Do vậy, cái mô phạm thật sự của trật tự các sự vật đối với mục đích, ở trong Thiên Chúa và được gọi là sự quan phòng. Bởi đó, Boèce nói : “Sự quan phòng là chính trí năng Thiên Chúa, mà trí năng Thiên Chúa ở trong Đấng thống trị tối cao sắp đặt tất cả các sự vật” (De consol., 4, prose 6); và sự sắp đặt này có quan hệ hoặc là với cái mô phạm của trật tự các sự vật đối với mục đích, hoặc là với cái mô phạm của trật tự của các phần trong cái toàn thể. GIẢI ĐÁP : 1. Theo Triết gia, sự khôn ngoan, nói cho chính xác, thì ra lệnh điều khiển tất cả những gì ý chí khuyên bảo chính xác và tất cả những gì trí năng phán đoán chính xác. Do đó, dầu sự xét đoán có thể không thích hợp với Thiên Chúa, vì xét đoán là sưu tầm trong các vấn đề còn nghi ngờ; tuy nhiên, ra lệnh sự sắp đặt các sự vật về mục đích, mà lý do chính xác về việc ra lệnh sắp đặt này, được Thiên Chúa chiếm hữu, thì rõ ràng thực sự thuộc về Thiên Chúa, theo thánh vịnh : “Tuân theo trật tự Chúa ban, đời đời một phép chẳng tan đời đời” (Tv 148,6). Theo thể cách này thì vừa sự khôn ngoan, vừa sự quan phòng đều thuộc về Thiên Chúa. Đồng thời, cũng có thể nói cái mô phạm thực sự của các sự vật phải được làm, là xét đoán trong Thiên Chúa, không phải vì một sự sưu tầm nào được cần đến, nhờ sự sưu tầm, đạt tới được Do đó, có lời nói : “Đấng thi hành mọi sự tùy ý khôn ngoan Ngài phán đoán” (Ep 1.11). 2. Có hai điều thuộc về sự săn sóc của sự quan phòng, tức là, mô phạm của trật tự, được gọi là sự quan phòng hay sự sắp đặt; và sự thi hành trật tự, được gọi là sự thống trị. Trong hai trật tự này, trật tự thứ nhất thì vĩnh cửu, và trật tự thứ hai thì thuộc về thời gian. 3. Sự quan phòng ở trong trí năng; nhưng nó tiền-giả-định hành động muốn mục đích. Vì không ai ra một giới mệnh về các điều được làm vì một mục đích, trừ phi người này muốn mục đích đó. Do đó, cũng vậy, sự khôn ngoan tiền-giả-định các nhân đức luân lý, để nhờ các nhân đức luân lý này, năng lực thị dục được hướng dẫn về sự tốt, như lời Triết gia nói (Aristote, Eth, 6,13). Nhưng chính việc giả định sự quan phòng có quan hệ ngang nhau với ý chí và trí năng, việc này không tổn thương đơn-giản-tính của Thiên Chúa, vì trong Thiên Chúa cả hai ý chí và trí năng thì đơn nhất và duy nhất, tức là cũng một sự vật, như đã trình bày trước.
Tiết 2 PHẢI CHĂNG MỌI VẬT ĐỀU LỆ THUỘC VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA?
VẤN NẠN : Xem ra không phải tất cả mọi vật lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 1. Không sự gì được trông thấy trước, lại có thể xảy ra cách ngẫu nhiên. Vậy nếu tất cả mọi sự vật được trông thấy bởi Thiên Chúa, thì không cái gì sẽ xảy ra cách ngẫu nhiên. Và như vậy, ngẫu nhiên và vận mệnh biến mất; ý kiến này trái ngược với công lý. 2. Một người đề phòng khôn ngoan trục xuất những tình trạng không có hoặc các sự xấu ra khỏi các sự vật mà người đó săn sóc. Nhưng chúng ta trông thấy nhiều sự xấu đang hiện hữu trong các sự vật. Vậy, hoặc Thiên Chúa không có thể ngăn trở các sự xấu này, và như vậy Ngài không toàn năng; hoặc Ngài không săn sóc tất cả mọi sự vật. 3. Bất cứ cái gì xảy ra do tất-yếu-tính, thì không đòi hỏi sự quan phòng hoặc sự khôn ngoan. Do đó, theo Triết gia : Sự khôn ngoan là lý do chính xác của các sự vật bất tất mà liên hệ các sự vật bất tất này, thì có sự khuyên bảo và sự lựa chọn (Eth., 6,5). Vậy, bởi vì nhiều sự vật xảy ra do tất-yếu-tính, không phải tất cả mọi sự vật lệ thuộc vào sự quan phòng. 4. Bất cứ cái gì, được để do tự mình, không có thể lệ thuộc vào sự quan phòng của một nhà thống trị. Nhưng nhận loại được Thiên Chúa để cho mình tùy ý, theo lời nói : “Nhân loại từ buổi Chúa tạo thành được để yên cho mặc tình tự quyết” (Hc 15,14). Và điều này một cách đặc thù quan hệ với kẻ gian ác : “Nên Ta để mặc cho lòng cứng cỏi” (Tv 80,13). Vậy, tất cả mọi sự vật không để lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 5. Thánh Phaolô nói : “Ngươi đừng khớp mõm bò trong khi nó đạp lúa” (1 Cr 9,9). Vậy Thiên Chúa không săn sóc bò; và chúng ta có thể nói như vậy về các thụ tạo không có trí năng. Như thế, không phải tất cả mọi sự vật, đều thuộc về sự quan phòng của Thiên Chúa. TRÁI LẠI : Có lời nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa : “Quả thật, trong khắp thiên hạ, khôn ngoan thi hành đắc lực, hướng dẫn muôn vật một cách êm đềm” (Kn 8,1). TRẢ LỜI : Một số người hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của sự quan phòng, như Démocrite và học phái của Epicure (cf. Nemesius, De Nat.. Ho., 44), chủ trương thế giới đã được tạo thành cách ngẫu nhiên. Một số người khác dạy duy các bản thể không thể bị tiêu diệt lệ thuộc sự quan phòng, đang khi các bản thể có thể tiêu diệt thì trong sự hiện hữu cá thể của chúng, không lệ thuộc sự quan phòng, nhưng chỉ lệ thuộc theo các loại của chúng; vì về quan điểm các loại của chúng không thể bị tiêu diệt (St. Thomas, in 1. Sent. d.34, q.2, a.1). Các bản thể được tượng trưng lời nói : “Vì mây mù; Ngài rảo bước cao tít thượng tầng cũng không trông thấy các sự vật của chúng ta” (G 22,14). Tuy nhiên Rabbi Moisen trục xuất nhân loại ra ngoài điều kiện tổng quát của các sự vật có thể bị tiêu diệt, vì sự tuyệt hảo của trí năng được nhân loại thông phần; còn với tất cả các sự vật cá thể khác bị sự tiêu diệt, ông theo ý kiến của những người khác. Tuy nhiên, chúng ta phải nói tất cả các sự vật lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, không những theo thể cách tổng quát, mà còn trong sự hiện hữu cá thể riêng của mình. Sự khẳng định này đã xuất hiện hiển nhiên. Vì mỗi tác nhân, hành động cho mục đích, sự sắp đặt các hiệu quả về mục đích này mở rộng theo mức độ nhân-quả-tính của đệ nhất tác nhân mở rộng. Bởi đó, khi trong các hiệu quả của một tác nhân, xảy ra một cái gì mà không quan hệ với mục đích, đó là bởi vì hiệu quả ấy phát xuất do một nguyên nhân khác ngoài ý định của tác nhân. Nhưng nhân-quả-tính của Thiên Chúa là đệ nhất tác nhân, mở rộng đến tất cả các hữu thể, không những là đến các nguyên tố cấu tạo các loại, mà còn đến các nguyên nhân cá-thể-hóa; không những đến các nguyên nhân của các sự vật không thể bị tiêu diệt, mà còn đến các nguyên nhân của các sự vật có thể bị tiêu diệt. Do đó, tất cả các sự vật, hiện hữu bất cứ theo thể cách nào, một cách tất yếu được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, qui về mục đích ấy, như thánh Phaolô đã nói : “Và các quyền bính hiện hữu đều do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1). Do đó, bởi vì sự quan phòng không phải là cái gì khác ngoài ý niệm về trật tự của các sự vật hướng về mục đích, như chúng ta đã trình bày, một cách tất yếu do đó mà tất cả các sự vật, chúng nó thông phần sự hiện hữu bao nhiêu, chúng nó lệ thuộc vào sự quan phòng bấy nhiêu. Cũng đã trình bày Thiên Chúa tri thức tất cả các sự vật, vừa phổ quát, vừa đặc thù (Q.14, a.11). Và vì sự tri thức có thể so sánh với chính các sự vật, như sự tri thức về mỹ thuật với các sản phẩm của mỹ thuật, như đã trình bày trước (Q.14, a.8), tất cả các sự vật, do tất-yếu-tính, phải nằm trong sự sắp đặt của Ngài; như tất cả các sự vật được tạo nên do mỹ thuật, lệ thuộc vào sự sắp đặt của mỹ thuật. GIẢI ĐÁP : 1. Có sự dị biệt giữa các nguyên nhân phổ quát và nguyên nhân đặc thù. Một sự vật có thể thoát khỏi trật tự của nguyên nhân đặc thù, chứ không khỏi nguyên nhân phổ quát. Vì không cái gì thoát khỏi trật tự của nguyên nhân đặc thù, trừ ra nhờ sự can thiệp và sự trở ngại của một nguyên nhân đặc thù khác; như, thí dụ, gỗ có thể được giữ cho khỏi bị cháy do hành động của nước. Vậy, bởi vì tất cả mọi nguyên nhân đặc thù được bao gồm trong nguyên nhân phổ quát, không thể có hiệu quả nào thoát khỏi trật tự của nguyên nhân phổ quát. Vậy theo trường hợp một hiệu quả thoát khỏi trật tự của một nguyên nhân đặc thù, thì nói được có như vậy là do cơ hội hoặc ngẫu nhiên đối với nguyên nhân đặc thù này; nhưng nếu chúng ta quan hệ với nguyên nhân phổ quát, bên ngoài trật tự của nguyên nhân này, không có hiệu quả nào xảy ra : hiệu quả được nói là đã được trông thấy trước. Vậy, thí dụ cuộc gặp gỡ giữa hai người đày tớ, dầu đối với họ, xem ra là một trường hợp ngẫu nhiên; vẫn là đã được ông chủ thấy trước hoàn toàn : ông chủ này có mục đích sai chúng đi gặp nhau một nơi, theo thể cách mà đầy tớ này không có sự tri thức của đầy tớ kia. 2. Về phương diện một người có nhiệm vụ chăm nom một sự vật đặc thù và phương diện một người khác có nhiệm vụ săn sóc cách phổ quát, thì khác nhau, vì người chăm nom cách đặc thù, tận lực trục xuất tất cả mọi khuyết điểm ra ngoài sự vật mà người này chăm nom; còn người săn sóc cách phổ quát thì cho phép một vài khuyết điểm nhỏ mọn tồn tại, kẻo sự tốt của cái toàn thể bị trở ngại. Do đó, sự tiêu diệt và các sự khuyết điểm trong các sự vật thiên nhiên được nói là trái ngược với bản tính đặc thù nào, vì chúng nó thuộc về ý định của bản tính phổ quát, theo mức độ khuyết điểm của vật này là sự tốt của vật kia, hoặc là của chính sự tốt phổ quát : vì sự tiêu diệt trong vật này là sự sinh sản vật khác, và chính nhờ sự hủ hóa này mà các loại được bảo tồn trong sự hiện hữu. Vậy bởi vì Thiên Chúa quan phòng cách phổ quát cho tất cả mọi hữu thể, nên điều này thuộc về sự quan phòng của Ngài, là cho phép một số khuyết điểm trong các hiệu quả đặc thù, để sự tốt hoàn hảo của vũ trụ không bị trở ngại : giả như tất cả mọi sự xấu đều bị ngăn ngừa, nhiều cái tốt hẳn vắng mặt trong vũ trụ. Một con sư tử có thể không sống, giả như không có sự giết chết các thú vật, và hẳn sẽ không có sự nhẫn nại của các người tử đạo, giả như không có sự bách hại tàn bạo. Như vậy, thánh Augustinô nói : Ngài toàn năng và thiện hảo dường ấy, đến nỗi sản xuất sự tốt ngay từ sự xấu (Enchir., 11). Có thể xảy ra điều này là do hai chứng cứ ấy mà chúng ta vừa giải đáp vấn nạn, có số người bị làm cho tin theo mà trục xuất ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa, các sự vật có thể bị tiêu diệt, tức là các sự vật mà trong chúng nó bắt được cái cơ hội và sự ngẫu nhiên. 3. Nhân loại không phải là kẻ tạo thành thiên nhiên; nhưng là kẻ sử dụng các sự vật thiên nhiên cho các mục đích riêng trong những công việc của mình về mỹ thuật và nhân đức. Do đó, sự quan phòng của nhân loại không động tới cái gì xảy đến trong bản tính do tất-yếu-tính; nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa mở rộng đến đó, vì Thiên Chúa là Đấng tạo thành bản tính. Rõ ràng chứng cứ thứ ba này đã thúc đẩy một số người chủ trương sự vận chuyển của thiên nhiên không thuộc về sự săn sóc Thiên Chúa quan phòng, mà đúng hơn, lệ thuộc vào tất-yếu tính của chất thể, theo lập trường của Démocrite và một số cổ nhân (cf. Aristote; Metaphy., 1.3). 4. Khi nói Thiên Chúa để cho con người tùy ý, thì không có ý nói con người được miễn trừ khỏi sự quan phòng của Ngài, mà người ta chỉ có ý nói con người không bị giới hạn bởi một năng lực hành động cố định theo một thể cách duy nhất, như trong trường hợp các sự vật thiên nhiên được động theo một thể cách duy nhất. Các sự vật thiên nhiên này chỉ được sự vật khác hướng dẫn về mục đích mình; chúng nó có hành động do chính mình, không tự hướng dẫn mình về mục đích, như các thụ tạo có trí năng, nhờ có tự do ý chí mà có khả năng xét đoán và lựa chọn. Do đó, con người nói cách đầy ý nghĩa : trong bàn tay có ý kiến riêng của mình. Nhưng, bởi vì hành động thật sự của tự do ý chí, được đem về với Thiên Chúa như với nguyên nhân, thì bằng cách tất yếu, bất cứ những gì được tự do ý chí thi hành, đều lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì sự quan phòng của nhân loại được bao gồm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, như nguyên nhân đặc thù ở dưới nguyên nhân phổ quát. Tuy nhiên, Thiên Chúa mở rộng sự quan phòng của Ngài trên người công chính theo một thể cách tuyệt hảo hơn là trên người gian ác, vì Ngài ngăn ngừa bất cứ sự gì xảy ra có thể trở ngại sự cứu rỗi cuối cùng của họ. Vì “chúng ta biết rằng mọi sự đều chung sức để đem lại phúc lợi cho các kẻ kính mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Nhưng do sự kiện Ngài không có thể ngăn cản người gian ác khỏi sự xấu của tội lỗi, Ngài bị nói coi là Ngài bỏ rơi họ. Sự việc này không có ý nghĩa là Thiên Chúa dứt khoát không còn quan phòng săn sóc họ nữa; nếu cách khác, họ hẳn đã trở về hư vô, nếu họ không còn được bảo tồn trong sự hiện hữu nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa. Chứng cứ này là một đòn nặng đối với Cicéron, là người chủ trương các công việc của loài người mà chúng ta hỏi ý kiến, ở ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa (De Divinat., 2,5). 5. Bởi vì thụ tạo có trí năng, nhờ tự do ý chí, kiểm soát các hành động riêng của mình, như đã trình bày (Q.19, a.10), lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, theo một thể cách đặc biệt : một vài điều được qui về cho họ, như tội lỗi hoặc công đức, và tùy theo đó, cái gì được cho nó với tính cách phạt hoặc thưởng... Theo đường lối này, Tông đồ đặt loài bò ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa; tuy nhiên, không phải các thụ tạo không trí năng, về phương diện cá thể, thoát khỏi sự săn sóc Thiên Chúa quan phòng, như ý kiến của Pabbi Mise (Guide., 3,17).
Tiết 3 THIÊN CHÚA TRỰC TIẾP QUAN PHÒNG TẤT CẢ MỌI SỰ VẬT KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa không trực tiếp quan phòng tất cả. 1. Cái gì thuộc về chức vị cao trọng, phải được chỉ về Thiên Chúa. Mà điều này thuộc về chức tước nhà vua là có những Tổng trưởng mà nhờ trung gian các vị này, nhà vua chăm nom quốc dân. Vậy Thiên Chúa, chính Ngài, càng rất ít trực tiếp quan phòng tất cả các sự vật. 2. Bản tính của sự quan phòng là sắp đặt tất cả các sự vật về một mục đích. Nhưng mục đích của mỗi sự vật là sự hoàn hảo của nó và là sự tốt của nó. Và bản tính của mỗi nguyên nhân là đem các hiệu quả của mình tới sự tốt do đó, mỗi tác nhân là một nguyên nhân của các hiệu quả mà nó có sự quan phòng về đó. Bởi thế, giả như Thiên Chúa phải có sự quan phòng trực tiếp với tất cả các sự vật, tất cả các nguyên nhân đệ nhị hẳn phải rút lui hết. 3. Thánh Augustinô nói : “Tốt hơn là không tri thức một số sự vật thấp hèn, hơn là tri thức chúng” (Enchir., 10). Mà bất cứ cái gì tốt hơn, phải được chỉ về Thiên Chúa. Bởi đó, Ngài không trực tiếp quan phòng các sự vật thấp hèn và gian ác. TRÁI LẠI : Có lời nói : Ngài đặt ai khác quân cai trái đất, Ngài cử ai cầm quyền vạn vật ? (G 34,13). Về đoạn văn này, thánh Grêgôriô nói : Chính Thiên Chúa thống trị thế gian mà chính Ngài đã tạo thành (Moral 24,20). TRẢ LỜI : Hai điều thuộc về sự quan phòng, tức là, cái mô phạm về trật tự của các sự vật đã được sắp đặt trước, và sự thi hành trật tự này, được gọi là sự thống trị. Về điều thứ nhất, Thiên Chúa có sự quan phòng trực tiếp trên tất cả các sự vật ngay các sự vật nhỏ mọn nhất; và bất cứ nguyên nhân nào mà Ngài chỉ định đến mục đích nào, Ngài ban cho chúng khả năng sản xuất các hiệu quả đó. Do đó, điều này phải có, đó là Ngài lãnh hội trước trật tự của các hiệu quả đó trong trí năng Ngài. Về điều thứ hai, có một số sự vật làm trung gian cho sự quan phòng của Thiên Chúa, vì Ngài thống trị các sự vật hạ tầng nhờ các sự vật thượng tầng, không phải vì sự khuyết điểm nào ở trong quyền năng của Ngài;nhưng bởi lý do về sự phong phú của thiện tính Ngài; ngõ hầu phẩm giá nhân-quả-tính được chuyển giao cho chính các thụ tạo. Như vậy, ý kiến của Platon, theo lời thuật lại của thánh Grêgôriô de Nyssê, được xóa bỏ đi (cf. Nemesius, De Nat., Hom.. 44). Platon chủ trương có ba thứ quan phòng : - Thứ nhất, sự quan phòng thuộc về Thượng đế tối cao, là Đấng trước tiên có sự sắp đặt trước cho các sự vật thiêng liêng, và như thế, cho toàn thể thế giới, đối với các giống, các loại, và các nguyên nhân phổ quát. - Thứ hai, sự quan phòng hiện hữu trên các cá thể có thể được sinh sản ra và có bị tiêu diệt; ông chỉ thứ quan phòng này về cho các vị thần đi lại trên các tầng trời; nghĩa là, các bản thể tách rời, động các sự vật hữu hình trong sự chuyển động vòng tròn. - Thứ ba, sự quan phòng hiện hữu trên các công việc nhân loại, ông chỉ về cho các ma quỉ được - các nhà Triết học theo học phái Platon - đặt ở giữa chúng ta và các thần. Đó là theo lời thuật lại của thánh Augustinô. GIẢI ĐÁP : 1. Bản tính chức vị cao của vua, là có các Tổng trưởng thi hành sự săn sóc của vua. Nhưng sự kiện vua không tri thức các hoành đồ, các kế hoạch của cái gì được làm bởi các tổng trưởng, xảy ra do khuyết điểm của nhà vua. Vì mỗi sự tri thức hoạt động càng hoàn hảo, thì sự tri thức càng để ý đến các sự vật đặc thù, là môi trường cho sự hành động xuất hiện. 2. Sự quan phòng trực tiếp của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự vật, không trục xuất sự hành động của các nguyên nhân đệ nhị, là những sự vật thi hành trật tự của Ngài, như đã trình bày trước (q.19, a.5.8). 3. Một điều tốt hơn đối với chúng ta, là không tri thức các sự vật xấu và thấp hèn, theo mức độ do chúng nó mà chúng ta bị ngăn cản trong sự tri thức cái gì tốt hơn và cao thượng hơn, vì chúng ta không thể đồng thời hiểu biết được nhiều sự vật, và theo mức độ ý tưởng về sự xấu đôi khi làm cho ý chí sai đường lạc lối đến với sự xấu. Nhưng tình trạng trở ngại thế này, không xảy ra đối với Thiên Chúa, vì Ngài, bằng một cái nhìn thoảng qua, thì đồng thời trông thấy mọi sự vật, và ý chí của Ngài không thể hướng về sự xấu.
Tiết 4 SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA ĐẶT TẤT-YẾU-TÍNH LÊN TRÊN NHỮNG GÌ NGÀI TRÔNG THẤY TRƯỚC KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra sự quan phòng của Thiên Chúa đặt tất yếu-tính lên trên cái gì Ngài trông thấy trước. 1. Mỗi hiệu quả mà nguyên nhân nguyên thường hiện hữu hoặc đã hiện hữu mà nó đi theo cách tất yếu, thì nó thuộc về tất-yếu-tính; như Triết gia minh chứng (Metaphys., 5.3). Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa, vì vĩnh cửu đi trước hiệu quả của mình, và hiệu quả phát xuất tự nó do tất-yếu-tính; vì sự quan phòng của Thiên Chúa không thể bị thất bại. Vậy, sự quan phòng của Thiên Chúa đặt tất-yếu-tính lên trên cái gì Ngài trông thấy trước. 2. Mỗi người săn sóc, làm công việc của mình vững bền như có thể được, kẻo công việc thất bại. Nhưng Thiên Chúa có năng lực nhất. Vậy, Ngài chỉ định sự vững bền về tất-yếu-tính cho các sự vật Ngài quan phòng. 3. Boèce nói : “Số mệnh do nguồn gốc bất dịch của sự quan phòng cột trói các hành động của nhân loại lại với nhau; và các thời vận bằng một lối liên kết không thể tháo gỡ được của các nguyên nhân” (De Consol., 4, prose, 6). Vậy, xem ra sự quan phòng đặt một tất-yếu-tính nào lên trên cái gì nó trông thấy trước. TRÁI LẠI : Denys nói : Làm tiêu diệt bản tính, không phải việc làm của sự quan phòng (De Div. Nom., 4,33). Nhưng một số sự vật bất tất do bản tính của mình. Bởi đó, sự quan phòng của Thiên Chúa không đặt tất-yếu-tính lên trên các sự vật, để phá hủy bất-tất-tính của chúng nó. TRẢ LỜI : Sự quan phòng của Thiên Chúa đặt tất-yếu-tính lên trên một số sự vật, chứ không lên trên tất cả mọi sự vật, như một số người tin tưởng. Vì bản tính của sự quan phòng là sắp đặt các sự vật về một mục đích. Nhưng theo thiện tính của Thiên Chúa, là mục đích nội khởi cho tất cả các sự vật, sự tốt chủ yếu trong chính các sự vật là sự hoàn hảo của vũ trụ; sự hoàn hảo này không thể hiện hữu, giả như tất cả các cấp bậc về sự hiện hữu không gặp thấy trong các sự vật. Do đó, bản tính của sự quan phòng của Thiên Chúa là sản xuất mọi cấp bậc hiện hữu. Và như thế, đối với một số sự vật, sự quan phòng của Thiên Chúa đã chuẩn bị các nguyên nhân tất yếu, ngõ hầu chúng nó xảy ra do tất-yếu-tính; đối với các sự vật khác, thì đã chuẩn bị các nguyên nhân bất tất, ngõ hầu chúng nó xảy ra do bất-tất-tính, tùy theo sự sặp đặt của các nguyên nhân gần của mình. GIẢI ĐÁP : 1. Hiệu quả của sự quan phòng của Thiên Chúa không những là các sự vật xảy đến một cách nào đó, mà còn để chúng nó xảy ra hoặc do tất-yếu-tính, hoặc do bất-tất-tính. Bởi đó, bất cứ cái gì được sự quan phòng của Thiên Chúa sắp đặt để xảy ra cách không sai và tất yếu, thì xảy ra cách không sai và tất yếu; và cái gì được sự quan phòng của Thiên Chúa sắp đặt để xảy ra cách bất tất, thì xảy ra cách bất tất. 2. Trật tự của sự quan phòng của Thiên Chúa không thể thay đổi và chắc chắn, theo mức độ tất cả các sự vật đã được trông thấy trước xảy ra như chúng đã được trông thấy, hoặc do tất-yếu-tính, hoặc do bất-tất-tính. 3. Sự vững chắc và tính không hay thay đổi mà Boèce đề cập đến, thuộc về sự chắc chắn của sự quan phòng, không thể thất bại trong việc sản xuất các hiệu quả của mình, và sản xuất theo thể cách đã được trông thấy trước; nhưng chúng không thuộc về tất-yếu-tính của các hiệu quả. Chúng ta phải nhớ rằng nói cách chính xác, tất-yếu-hữu và bất-tất-hữu đi theo sau hữu thể với tính cách là hữu thể. Do đó, thể cách của cả hai tất-yếu-tính và bất-tất-tính lệ thuộc vào sự trông thấy trước của Thiên Chúa, là Đấng quan phòng cách phổ quát cho tất cả các hữu thể; chứ không thuộc vào sự trông thấy trước của các nguyên nhân chỉ quan phòng cho trật tự đặc thù nào đó của các sự vật.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC