Triết học tôn giáo

Vấn đề 6. Về sự thiện hảo của Thiên Chúa. Mục 4

 

VẤN ĐỀ 6

VỀ SỰ THIỆN HẢO CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 4

Phải chăng nhờ sự thiện hảo của Thiên Chúa

mà mọi vật được thiện hảo?

 

NGHI VẤN. Hình như nhờ sự thiện hảo của Thiên Chúa mà mọi vật được thiện hảo.

1. Thánh Augustino nói: Bạn nhìn thấy điều thiện này, điều thiện nọ, hãy gạt bỏ “này”, “nọ”; và nếu có thể, bạn hãy quan chiêm chính điều thiện. Khi đó, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng không thiện hảo nhờ thiện hảo nào khác, nhưng là điều thiện của mọi điều thiện. Vậy mỗi vật đều thiện hảo do điều thiện của mình. Cho nên mọi vật đều thiện hảo do chính điều thiện này là Thiên Chúa.

2. Boetio nói: mọi vật đều được gọi là thiện hảo vì qui hướng về Thiên Chúa, và đó là do sự thiện hảo của Thiên Chúa. Cho nên nhờ thiện hảo của Thiên Chúa mà mọi vật là thiện hảo.

NHƯNG. Vật nào càng hiện hữu thì càng thiện hảo. Nhưng không nói mọi vật hiện hữu do hiện hữu của Thiên Chúa, mà do hiện hữu riêng. Cho nên mọi vật được thiện hảo không phải nhờ sự thiện hảo của Thiên Chúa, nhưng nhờ sự thiện hảo riêng.

LUẬN GIẢI. Ở đâu có tương quan can dự, thì không chỉ ngăn trở để một vật được gọi tên theo yếu tố ngoại lai, như theo nơi chốn mà một vật được định vị, và do thước đo mà một vật được đo lường. Nhưng về những thuộc tính tuyệt đối thì các ý kiến lại khác nhau. Platon, do chủ trương những loại của các vật thì biệt lập, nên cho rằng các cá vật được gọi tên theo các loại ấy, như thể do thông dự, chẳng hạn ta gọi Socrate là người theo ý niệm biệt lập về con người. Hơn nữa, do công nhận ý niệm biệt lập về người và về ngựa, mà ông gọi người tự thể và ngựa tự thể, thì cũng vì công nhận ý niệm tách biệt về hữu thể và đơn nhất, mà ông gọi là hữu thể tự thể và đơn nhất tự thể, và do thông dự những thứ đó mà mỗi vật được gọi là hữu thể hay đơn nhất. Còn hữu thể tự thể và đơn nhất tự thể thì ông cho là điều thiện tối thượng. Và vì điều thiện cũng như đơn nhất có thể hoán vị với hữu thể, nên ông cho điều thiện tự thể là Thiên Chúa; và nhờ thông dự điều thiện ấy mà mọi vật được gọi là thiện hảo. Mặc dầu ý kiến này có vẻ vô lý vì chủ trương loại của các vật thì tách biệt và tự lập hữu, như Aristốt đã chứng minh, tuy nhiên, điều tuyệt đối đúng của nó là, có cái đệ nhất, là hữu thể và là thiện hảo do yếu tính, mà chúng ta gọi là Thiên Chúa, như đã chứng minh trên. Aristốt cũng công nhận ý kiến đó.

Vậy do điều thứ nhất tự thể là hữu thể và điều thiện, mà bất cứ vật nào khác cũng có thể gọi là thiện hảo hay hữu thể, do thông dự cách nào đó, dù xa xôi hay khiếm khuyết, như đã chứng minh trên (vđ.4 m.3). Vì thế, do sự thiện hảo của Thiên Chúa, như do căn nguyên mô biểu, tác thành và cứu cánh của mọi thiện hảo, mà mọi vật được gọi là thiện hảo. Tuy nhiên, mỗi vật được gọi là thiện hảo do việc mô phỏng sự thiện hảo của Thiên Chúa, thứ thiện hảo nội tại và đích thị là thiện hảo riêng của mỗi vật, nhờ đó nó được gọi là thiện hảo. Vậy, có một sự thiện hảo chung cho mọi vật và cũng có nhiều sự thiện hảo.

Như thế đủ giải đáp những nghi vấn.

 


VẤN ĐỀ 7
MỤC 3

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt