Triết học tôn giáo

Hiện thực của việc nhập thể của Thượng đế

 

TÔN GIÁO KHẢI THỊ

1 2 3

 

II.

NỘI DUNG ĐƠN GIẢN CỦA TÔN GIÁO TUYỆT ĐỐI:

HIỆN THỰC CỦA VIỆC NHẬP THỂ CỦA THƯỢNG ĐẾ:

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 755

[II. Nội dung đơn giản của tôn giáo tuyệt đối: Hiện thực của việc nhập thể của Thượng đế:]

  Khái niệm có trong nó hai phương diện đã được hình dung trên đây như hai mệnh đề trái ngược nhau: một mệnh đề, đó là Bản thể tự xuất nhượng tình trạng bản thể của chính mình và trở thành Tự-ý thức; mệnh đề ngược lại là, Tự-ý thức tự xuất nhượng chính mình và biến mình thành “vật tính” (Dingheit) [mang lại cho mình bản tính của một Sự vật] hay thành Tự ngã phổ biến. Bằng cách ấy, cả hai phương diện gặp gỡ nhau và qua đó, sự hợp nhất thực sự của chúng đã ra đời. Sự xuất nhượng của Bản thể, sự trở thành Tự-ý thức của nó diễn tả sự quá độ sang cái đối lập, sự quá độ không có ý thức của sự tất yếu, hay nói cách khác, diễn tả Bản thể là Tự-ý thức một cách mặc nhiên, tự mình (an sich) [trong tiềm năng]. Ngược lại, sự xuất nhượng của Tự-ý thức [thành Bản thể] diễn tả rằng Tự-ý thức cũng mặc nhiên, tự mình là Bản chất phổ biến; hay nói khác đi, bởi Tự ngã là cái tồn tại-cho-mình thuần túy, – cái tồn tại-cho mình thì vẫn tự tồn nơi chính mình (bei sich bleibt) trong cái đối lập của nó –, nên chính là do Bản thể là Tự-ý thức [một cách minh nhiên] cho Tự-ý thức [hay Tự ngã] (für es) mà Bản thể là Tinh thần. Cho nên, đối với Tinh thần này – một Tinh thần đã rời bỏ hình thức của Bản thể và bước vào sự hiện hữu trong hình thái của Tự-ý thức – ta có thể – nếu muốn dùng những mối quan hệ mượn từ diễn trình sinh sản tự nhiên – nói về nó rằng: Tinh thần này có một người Mẹ hiện thực nhưng có một người Cha tự mình [hay mặc nhiên]. | Bởi hiện thực – hay Tự-ý thức – và cái tồn tại mặc nhiên, tự-mình (das Ansich) theo nghĩa là Bản thể đều là hai nhân tố (Momente) của nó; và qua sự xuất nhượng tương hỗ của chúng, mỗi cái tự xuất nhượng chính mình và trở thành cái khác, nên Tinh thần đi vào sự hiện hữu như là sự thống nhất [nhất thể] này của chúng[1].

 

§ 756

a) Hiện hữu trực tiếp của Tự-ý thức thần linh:]

Trong chừng mực Tự-ý thức chỉ nắm bắt sự xuất nhượng của chính mình một cách đơn phương, cho dù đối với nó, đối tượng của nó vừa là Tồn tại vừa là Tự ngã, và nó biết mọi hiện hữu đều như là bản chất tinh thần, thì qua đó, Tinh thần đích thực (wahrer Geist) vẫn chưa trở thành minh nhiên cho Tự-ý thức bởi vì Tồn tại nói chung hay Bản thể, về phần mình, đã không cùng xuất nhượng chính mình một cách mặc nhiên để trở thành Tự-ý thức. Bởi, trong trường hợp ấy, mọi hiện hữu là Bản chất tinh thần chỉ từ quan điểm của ý thức, chứ không phải tự mình (nicht an sich selbst). Bằng cách này, Tinh thần chỉ có được sự hiện hữu bằng tưởng tượng mà thôi. | Sự tưởng tượng (Einbilden) này là sự mơ mộng hoang đường của đầu óc (Schwärmerei)[2]; sự mơ mộng đã đưa vào cho Tự nhiên cũng như cho lịch sử, cho thế giới và cho những biểu tượng thần bí của các nền tôn giáo trước đây một ý nghĩa nội tại [bí truyền/esoterisch] khác hẳn với những gì chúng – trên mặt hiện tượng – mang lại trực tiếp cho ý thức; và, trong lãnh vực các tôn giáo, một ý nghĩa khác so với những gì Tự-ý thức – mà chúng vốn là các tôn giáo của nó – đã nhận biết trong chúng. Nhưng ý nghĩa này chỉ là một ý nghĩa được vay mượn, một lớp áo không phủ kín được sự trần trụi của hiện tượng, không đáng được dành cho lòng tin và sự sùng kính, trái lại, vẫn không gì khác hơn là đêm tối mù mịt và là cơn cuồng loạn xuất thần (Verzückung) riêng của ý thức[3].

 

§ 757

Vậy, để cho ý nghĩa này về cái đối tượng [khách quan] không phải là sự tưởng tượng đơn thuần, ý nghĩa này phải là tự-mình (an sich), nghĩa là, một lần nào đó (einmal), đối với ý thức, nó phải bắt nguồn (entspringen) từ Khái niệm, và phải nảy sinh ra (hervorgehen) trong sự tất yếu của ý nghĩa ấy. Như thế, Tinh thần tự biết về chính mình (der sich selbst wissende Geist) đã được nảy sinh ra cho ta; nó đã nảy sinh thông qua sự nhận thức của ý thức trực tiếp, tức của ý thức về đối tượng đang hiện hữu thông qua tiến trình vận động tất yếu của nó. Điểm thứ hai là, Khái niệm này – với tư cách là Khái niệm trực tiếp cũng có hình thái của tính trực tiếp cho ý thức về nó – đã mang lại cho mình hình thái của Tự-ý thức mặc nhiên, tự-mình; nghĩa là, bởi cùng một sự tất yếu của Khái niệm, nhờ đó cái tồn tại hay tính trực tiếp, – vốn là đối tượng không có nội dung [đối tượng trừu tượng] của ý thức cảm tính – tự xuất nhượng cái tồn tại của mình và trở thành CÁI TÔI (ICH) cho ý thức.

Tuy nhiên, cái Tự-mình (das Ansich) trực tiếp hay sự tất yếu đang hiện hữu [một cách đơn giản khách quan] là khác với cái Tự-mình đang suy tưởng [một cách chủ quan] hay với nhận thức (Erkennen) về sự tất yếu; – một sự phân biệt, đồng thời, không nằm ở bên ngoài Khái niệm, bởi sự thống nhất [nhất thể] đơn giản của Khái niệm là bản thân cái tồn tại trực tiếp. | Khái niệm cũng là cái gì tự xuất nhượng chính mình, hay chính là diễn trình trở thành (das Werden) của sự tất yếu được trực quan (angeschaut); cũng như trong sự tất yếu được trực quan ấy, đang ở nơi chính [ngôi nhà của] mình (bei sich), [đồng thời] biết và hiểu sự tất yếu ấy. Cái Tự-mình trực tiếp của Tinh thần – [khi] Tinh thần tự mang lại cho mình hình thái của Tự-ý thức – không có nghĩa gì khác hơn là: Tinh thần-thế giới hiện thực (der wirkliche Weltgeist) đã đạt tới cái biết (Wissen) này về chính mình; để rồi cái biết này cũng bước vào trong ý thức của nó và bước vào với tư cách là chân lý. Điều này diễn ra như thế nào, trên đây đã giải thích rõ[4].

 

§ 758

Tinh thần-tuyệt đối đã mặc nhiên, “tự-mình” (an sich) mang lại cho mình hình thái của Tự-ý thức và do đó, cũng là mang lại hình thái ấy cho ý thức của nó [có ý thức đối với chính mình]; điều này bây giờ xuất hiện ra như là đức tin (Glauben) của thế giới rằng: Tinh thần đang hiện diện trực tiếp (ist da) như một Tự-ý thức [như một Hữu thể tự-giác], nghĩa là, như một CON NGƯỜI HIỆN THỰC; rằng Tinh thần [bây giờ] tồn tại cho sự xác tín [kinh nghiệm] trực tiếp; rằng ý thức có đức tin [tín đồ] thấy, cảm và nghe được tính thần linh này[5]. Như thế, Tự-ý thức không còn là một sự tưởng tượng nữa, mà tồn tại một cách hiện thực ngay bên trong con Người hiện thực ấy. Trong trường hợp này, ý thức không xuất phát từ đời sống nội tâm bên trong của mình, [tức] từ tư tưởng để rồi kết hợp ở bên trong mình tư tưởng về Thượng đế với sự hiện hữu [như các cách lý giải thần bí của các loại tôn giáo trước đây], trái lại, ý thức xuất phát từ sự hiện hữu đang hiện diện trực tiếp, hiện tiền (gegenwärtig) và nhận ra Thượng đế ở trong sự hiện hữu ấy.

Yếu tố “tồn tại trực tiếp” [nay] đã có mặt trong nội dung của Khái niệm và có mặt theo phương cách là Tinh thần tôn giáo – trong sự quay trở về của mọi tính bản chất [thần linh] vào trong ý thức, đã trở thành cái Tự ngã đơn giản, khẳng định; giống như trước đây, trong trường hợp của Ý thức bất hạnh, Tinh thần hiện thực, xét như Tinh thần hiện thực, đã chính là tính phủ định tự giác, đơn giản[6]. Kết quả là: Tự ngã của Tinh thần đang hiện hữu [hiện nay] có hình thức của tính trực tiếp hoàn toàn; nó không phải được dựng lên [được thiết định: gesetzt] như cái gì được suy tưởng hay được hình dung bằng biểu tượng, cũng không phải như cái gì được “tạo ra” giống như trường hợp cái Tự ngã trực tiếp đã được “tạo ra”, một phần, trong trường hợp của tôn giáo-tự nhiên, phần khác trong tôn giáo-nghệ thuật [trước đây]. Trái lại, Thượng đế này được trực quan trực tiếp một cách cảm tính (sinnlich angeschaut) như là một Tự ngã, như là một Con Người cá biệt hiện thực; và chỉ có như thế, Thượng đế này mới là Tự-ý thức[7].

 

§ 759

[b) Việc hoàn tất của Khái niệm về Bản chất hay Hữu thể tối cao trong sự đồng nhất giữa sự trừu tượng và tính trực tiếp nơi cái Tự ngã cá biệt:][8]

Việc “nhập thể thành người” này (diese Menschwer-dung) của Bản chất thần linh, hay nói cách khác, việc Bản chất này thiết yếu và trực tiếp mang hình thái của Tự-ý thức, chính là nội dung đơn giản của Tôn giáo-Tuyệt đối. [ám chỉ đạo Ki-tô]. Trong tôn giáo này, cái Bản chất được nhận biết như là Tinh thần; hay nói khác đi, tôn giáo tuyệt đối là ý thức mà Bản chất có về chính mình; đó là: ý thức rằng mình là Tinh thần. Bởi Tinh thần là cái biết về mình trong [tình trạng của] sự xuất nhượng của chính mình: Tinh thần là Bản chất mà bản thân là tiến trình bảo tồn sự ngang bằng với chính mình ở trong cái tồn tại-khác của mình. Song, Bản chất này cũng chính là Bản thể, trong chừng mực Bản thể ấy – nơi tính tùy thể của mình – đồng thời được phản tư vào trong chính mình chứ không phải như cái gì ở trong tình trạng dửng dưng đối với một cái không-bản chất [tùy thể] và như thế, là ở trong một cái gì xa lạ; ngược lại, hiện hữu trong tùy thể như được phản tư vào bên trong chính mình; là Bản thể trong chừng mực Bản thể ấy chính là Chủ thể hay Tự ngã[9].

Chính vì thế mà trong tôn giáo này, Bản chất thần linh là được khải thị [được khai mở] (geoffenbart) ra. Sự [được] khải thị của Bản chất này rõ ràng là ở chỗ: [có thể] nhận biết được Bản chất ấy là gì. Song, sở dĩ Bản chất ấy được nhận biết như là Tinh thần, vì nó được biết như là Bản chất mà thiết yếu là Tự-ý thức.

Sở dĩ có cái gì đó trong đối tượng là bí mật [ẩn kín] đối với ý thức là khi đối tượng ấy là một “cái khác”, hay cái “xa lạ” đối với nó, và là khi ý thức không nhận biết đối tượng như là chính bản thân mình. Sự bí mật [ẩn kín] này không còn nữa khi Bản chất tuyệt đối – với tư cách là Tinh thần – là đối tượng của ý thức; bởi như thế, ý thức quan hệ với đối tượng như là với Tự ngã, nghĩa là, ý thức nhận biết chính mình một cách trực tiếp ở trong đối tượng, hay nói cách khác, ý thức được khai mở [khải thị] cho chính mình ở trong đối tượng. Ý thức là khai mở cho chính mình chỉ trong sự xác tín của mình về chính mình; đối tượng của ý thức bây giờ là Tự ngã, nhưng Tự ngã thì không phải là cái gì xa lạ mà là sự thống nhất [nhất thể] không thể tách rời với chính mình, [tức] cái Phổ biến một cách trực tiếp (das unmittelbar Allgemeine). Đó là Khái niệm thuần túy, Tư duy thuần túy hay là cái tồn tại-cho-mình, tức cái tồn tại một cách trực tiếp và do đó, là cái tồn tại cho cái-khác, và với tư cách là cái tồn tại cho cái-khác, nó trực tiếp quay trở về lại trong chính mình và “ở trong nhà” của chính mình (bei sich): như vậy, nó mới là cái được khai mở một cách đúng thật và duy nhất (das wahrhaft und allein Offenbare). Lẽ Thiện, lẽ Phải, đấng Thiêng liêng, đấng Sáng tạo nên Trời và Đất v.v.. đều là những thuộc tính (Prädikate)[10] của một Chủ thể, – là những yếu tố phổ biến lấy điểm này [Chủ thể] làm chỗ dựa và chỉ “tồn tại” (sind) một khi ý thức quay trở lại vào trong tư duy[11].

Bao lâu chỉ có chúng [những thuộc tính này] là được nhận thức thì cơ sở và bản chất của chúng – tức bản thân Chủ thể – đều chưa được khai mở; và cũng thế, những quy định (Bestimmungen) của cái Phổ biến đều không phải là bản thân cái Phổ biến này. Tuy nhiên, bản thân Chủ thể và, do đó, cả cái Phổ biến thuần túy này được khai mở như là Tự ngã, bởi Tự ngã này chính là cái [tồn tại] Bên trong đã được phản tư vào trong chính mình và hiện diện một cách trực tiếp và là sự tự-xác tín của Tự ngã và sở dĩ cái Bên trong này hiện diện là cho Tự ngã ấy. Như thế, tồn tại tương ứng với Khái niệm của mình – là cái được Khai mở – chính là hình thái chân thực của Tinh thần, và chỉ duy hình thái này của nó – Khái niệm – mới là bản chất và bản thể [của Tinh thần]. Tinh thần được nhận thức như là Tự-ý thức và được khai mở trực tiếp cho Tự-ý thức này, bởi Tinh thần chính là bản thân Tự-ý thức này. | Bản tính thần linh là một với bản tính người; và đó là sự thống nhất [nhất thể] được [lãnh hội bằng] trực quan (angeschaut)[12].

 

§ 760

Vậy, ở đây, ý thức hay phương cách trong đó cái Bản chất [Hữu thể] tồn tại như thế nào cho bản thân ý thức, – tức hình thái của ý thức ấy –, trong thực tế là ngang bằng với Tự-ý thức của nó [của ý thức][13]. | Bản thân hình thái này là một Tự-ý thức; hình thái này, như thế, đồng thời là đối tượng trong môi trường của tồn tại (seiender Gegenstand), và tồn tại này cũng trực tiếp có ý nghĩa của Tư duy thuần túy, của Bản chất tuyệt đối.

Bản chất tuyệt đối – hiện hữu ở đó (da ist) như một Tự-ý thức hiện thực – có vẻ như đã đi xuống từ tính đơn giản vĩnh hằng của mình, nhưng, trong thực tế, với việc đi xuống ấy, Hữu thể ấy mới đạt đến Bản chất tối cao của mình. Bởi chỉ khi nào Khái niệm về Bản chất [Hữu thể] đã đạt đến tính thuần túy đơn giản của nó, Khái niệm ấy mới [vừa là cả hai cùng một lúc]: là sự trừu tượng tuyệt đối, tức là tư duy thuần túy và do đó, là tính cá biệt thuần túy của Tự ngã; và là cái trực tiếp hay cái tồn tại [khách quan] nhờ tính đơn giản này của mình.

Cái được gọi là ý thức-cảm tính thì chính là sự trừu tượng thuần túy này; nó chính là [loại] tư duy này; loại tư duy mà đối với nó, tồn tại là cái trực tiếp. Do đó, cái thấp nhất cũng đồng thời là cái cao nhất: chính vì cái được khai mở [khải thị] xuất hiện ra hoàn toàn nơi bề mặt nên mới là cái sâu thẳm nhất[14]. Cho nên, bảo rằng Bản chất tối cao được “nhìn thấy”, được “nghe” v.v.. như một Tự-ý thức đang hiện diện trong môi trường của sự tồn tại, thì, trong thực tế, đó là sự hoàn tất trọn vẹn (die Vollendung) của Khái niệm về Bản chất ấy; và thông qua sự hoàn tất này, cái Bản chất vừa hiện diện một cách trực tiếp vừa là cái Bản chất.

 

§ 761

[c) “Cái biết tư biện” trong hình thức “biểu tượng” về cộng đồng tín ngưỡng trong tôn giáo tuyệt đối:]

Đồng thời, sự hiện hữu trực tiếp này không đơn thuần và duy nhất là ý thức trực tiếp mà là ý thức tôn giáo. | Tính trực tiếp có hai ý nghĩa không tách rời nhau: không chỉ có ý nghĩa là một Tự-ý thức đang hiện hữu [trực tiếp] mà còn có ý nghĩa là Bản chất được suy tưởng thuần túy hay tuyệt đối [Hữu thể tối cao như một bản chất tuyệt đối trong tư tưởng thuần túy]. Những gì chúng ta [các triết gia] có ý thức ở trong Khái niệm của chúng ta – rằng Tồn tại là Bản chất – thì cũng được ý thức tôn giáo ý thức như thế. Sự thống nhất này – giữa Tồn tại (Sein) và Bản chất (Wesen), giữa Tư tưởng mà lại là Hiện hữu (Dasein) một cách trực tiếp – vừa là tư tưởng của ý thức tôn giáo này hay cái biết được trung giới [gián tiếp] của nó, vừa là cái biết trực tiếp của nó; bởi vì, sự thống nhất này giữa Tồn tại và Tư duy là Tự-ý thức và bản thân đang hiện diện một cách trực tiếp; hay nói khác đi, sự thống nhất được suy tưởng [được hình thành bằng tư tưởng] đồng thời có hình thái [hiện hữu] của những gì sự thống nhất ấy đang “là” [trong bản chất]. Vì vậy, ở đây, Thượng đế được khải thị như chính Ngài đang là [trong bản chất]; Thượng đế đang hiện diện trực tiếp đúng như Ngài tồn tại [trong bản chất] “tự-mình”; Ngài đang hiện diện trực tiếp (Er ist da) như là Tinh thần. Chỉ trong cái biết tư biện thuần túy (im reinen spekulativen Wissen) mới đạt đến được Thượng đế, và Thượng đế chỉ “tồn tại” ở trong cái biết ấy và chỉ “là” bản thân cái biết ấy, bởi Thượng đế là Tinh thần; và cái biết tư biện này là cái biết của tôn giáo khải thị[15]. Cái biết [tư biện] ấy biết Thượng đế như là Tư tưởng [được suy tưởng] hay như là Bản chất thuần túy (reines Wesen) cũng như biết Tư tưởng này như là Tồn tại (Sein) và như là Hiện hữu (Dasein) [hiện thực]; và biết Hiện hữu như là tính phủ định của chính mình, do đó, như là Tự ngã, vừa là cái Tự ngã cá biệt “này” vừa là cái Tự ngã phổ biến. | Tôn giáo khải thị biết chính điều vừa nói trên đây[16].

Những niềm hy vọng và chờ đợi của những thời đại trước đây đều chỉ được thôi thúc để hướng về sự khải thị này nhằm trực quan (anschauen) Bản chất tuyệt đối là gì, và để tìm thấy được chính mình ở trong Bản chất ấy. | Niềm vui sướng này, – niềm vui sướng được nhìn thấy (schauen) chính mình trong Bản chất tuyệt đối – sẽ đi đến với Tự-ý thức và chiếm lĩnh toàn bộ thế giới. | Bởi cái Tuyệt đối là Tinh thần, nó là sự vận động đơn giản của những yếu tố thuần túy này; sự vận động ấy diễn đạt chính điều sau đây: đó là, Bản chất tối cao được biết như là Tinh thần là chỉ khi Bản chất ấy được trực quan (angeschaut) như là [một] TỰ-Ý-THỨC TRỰC TIẾP.

 

§ 762

[Song], bản thân Khái niệm này – Khái niệm về Tinh thần biết chính mình như là Tinh thần – vẫn còn là Khái niệm trực tiếp, chứ chưa phải là Khái niệm đã được phát triển. Bản chất là Tinh thần, nghĩa là đã xuất hiện ra, đã được khai mở. | Bản thân sự khai mở [khải thị] đầu tiên này là có tính trực tiếp; nhưng, tính trực tiếp cũng đồng thời là sự trung giới thuần túy hay là tư duy; và vì thế, tính trực tiếp này phải diễn tả tính chất này trong lãnh vực của tính trực tiếp, xét như tính trực tiếp.

Xét tính chất này kỹ hơn thì, Tinh thần – trong tính trực tiếp của Tự-ý thức – là cái Tự-ý thức cá biệt “này”, [được thiết định] đối lập lại với Tự-ý thức phổ biến. | Nó là cái “Một” loại trừ, xuất hiện ra cho ý thức – tức cho cái mà nó hiện diện trực tiếp – vẫn trong hình thức còn kiên cố của một “cái khác” [thuộc lãnh vực] cảm tính. | “Cái khác” cảm tính này chưa biết Tinh thần là Tinh thần của chính mình; hay nói khác đi, Tinh thần, với tư cách như là một Tự ngã cá biệt, chưa đồng thời như là Tự ngã phổ biến, chưa như là Tất cả Tự ngã (Alles Selbst). Hay nói cách khác nữa, hình thái [này của Tinh thần] chưa có hình thức của Khái niệm, nghĩa là, của Tự ngã phổ biến, của cái Tự ngã mà, trong hiện thực trực tiếp của mình, đồng thời là một Tự ngã được vượt bỏ (aufgehoben) [một cách biện chứng], được trở thành Tư duy, thành tính phổ biến song vẫn không mất đi hiện thực này trong tính phổ biến ấy.

Tuy nhiên, hình thức gần gũi nhất và cũng mang tính trực tiếp của tính phổ biến này vẫn chưa phải là hình thức của bản thân tư duy, của Khái niệm xét như Khái niệm mà [chỉ] là tính phổ biến của hiện thực, là tính “tất cả” (Allheit) của [mọi] Tự ngã và là sự nâng hiện hữu lên lãnh vực của [tư duy bằng] biểu tượng (Vorstellung); giống như trong mọi trường hợp khác – và để lấy một ví dụ cụ thể – đó là cái “này” cảm tính, khi được vượt bỏ [và nâng lên] – thì thoạt đầu chỉ mới thành sự vật [tính “tất cả” của những thuộc tính] của tri giác, chứ chưa phải là cái phổ biến của giác tính. [Xem lại: Chương II và III][17].

 

§ 763

Như thế, “Con người cá biệt này” – mà Bản chất tuyệt đối đã được khai mở ra với hình thức ấy – [cũng phải] trải qua suốt tiến trình vận động của sự tồn tại cảm tính, với tư cách là cái cá biệt [cảm tính]. Con người cá biệt ấy là Thượng đế đang hiện diện một cách trực tiếp, nên, qua đó, sự tồn tại (Sein) của Ngài cũng chuyển hoá thành cái “đã tồn tại” (Gewesensein)[18]. Ý thức – mà Thượng đế đã xuất hiện ra cho nó như hiện tại cảm tính – đã ngưng không còn thấy, còn nghe Ngài nữa, mà là đã thấy, đã nghe. | Và chỉ do việc “đã” nghe, “đã” thấy mà bản thân ý thức mới trở thành Ý thức [mang tính] tinh thần; nói cách khác, Thượng đế bây giờ đã được “sinh ra” ở trong Tinh thần cũng như trước đây, Ngài đã “sinh ra” trước ý thức như một hiện hữu cảm tính[19]. Bởi, một ý thức “thấy” và “nghe” Thượng đế một cách cảm tính thì bản thân chỉ là ý thức trực tiếp; một ý thức đã không vượt bỏ (aufheben) được tính không-ngang bằng của tính đối tượng [khách quan], đã không thu hồi được nó vào trong tư duy thuần túy, trái lại, chỉ biết cái Cá biệt khách quan này chứ không biết bản thân mình như là Tinh thần. Trong sự tiêu biến đi của sự hiện hữu trực tiếp về cái gì được biết như là Bản chất tuyệt đối, tính trực tiếp mới tiếp nhận được yếu tố phủ định của nó. | Tinh thần vẫn còn là Tự ngã trực tiếp của hiện thực, nhưng như là Tự-ý thức phổ biến của một cộng đồng [Giáo hội] (Gemeine); [tức] một Tự-ý thức an vị (ruht) trong Bản thể riêng, đích thực của mình, cũng như Bản thể ấy – trong Tự-ý thức này – là một Chủ thể phổ biến: không phải là cái cá biệt “cho-mình” (für sich) nữa[20] mà là cái cá biệt đi cùng với ý thức của cộng đồng tôn giáo; và những gì Chủ thể cá vị này hiện hữu cho cộng đồng ấy chính là cái toàn bộ trọn vẹn, viên mãn của cái cá biệt như là Tinh thần.

 

§ 764

Song, [những điều kiện như là] “đã qua” [trong thời gian] và “khoảng cách” [trong không gian] nói trên đây đều chỉ là hình thức không hoàn hảo để làm cho phương thức [hiện hữu] trực tiếp được mang tính cách trung giới hay phổ biến. | Hữu thể ấy chỉ mới đơn thuần được “nhúng” (getaucht) vào môi trường của tư duy một cách hời hợt, vẫn còn bảo lưu ở đó phương thức cảm tính của tính trực tiếp và không được hợp nhất với bản tính của bản thân tư duy. Đó mới chỉ là một sự nâng lên khỏi lãnh vực cảm tính để đưa vào trong lãnh vực của hình dung bằng biểu tượng [hay hình tượng] (Vor-stellen), bởi hình dung bằng biểu tượng chỉ là sự nối kết tổng hợp [bên ngoài] giữa tính trực tiếp cảm tính với tính phổ biến của nó hay với tư duy mà thôi[21].

 

§ 765

Hình thức này của việc hình dung bằng biểu tượng [hay tư duy bằng hình tượng] (Vorstellen) tạo nên tính quy định đặc trưng, trong đó Tinh thần trở nên có ý thức về chính mình ở trong cộng đồng tôn giáo này của nó. Hình thức này chưa phải là Tự-ý thức của Tinh thần đã đạt đến được Khái niệm của mình với tư cách là Khái niệm; sự trung giới vẫn còn không hoàn hảo. Vì thế, trong sự nối kết này giữa Tồn tại và Tư duy vẫn còn có chỗ khiếm khuyết: Bản chất tinh thần vẫn còn bị tác động bởi một sự phân đôi không hòa giải được giữa một cái “Bên này” và một cái “Bên kia”. Nội dung thì quả là cái Đúng thật [Chân lý], nhưng mọi yếu tố của nó – khi được đặt vào trong môi trường (Element) của sự hình dung bằng biểu tượng – có đặc tính là không được lãnh hội bằng Khái niệm (begriffen) mà xuất hiện ra như là những phương diện hoàn toàn độc lập với nhau, chỉ quan hệ [nối kết] với nhau một cách ngoại tại.

Vậy, để cho nội dung có tính chân lý này có thể có được hình thức đúng thật của nó “cho” ý thức, ý thức phải nhất thiết chuyển sang một cấp độ đào luyện (Bildung) [phát triển về tinh thần] cao hơn, tức phải nâng sự trực quan của nó về Bản thể tuyệt đối lên cấp độ Khái niệm và là nơi ý thức – cho chính bản thân nó (für es selbst) [minh nhiên] – được nâng lên cân xứng với Tự-ý thức của mình, – như điều này đã diễn ra một cách “tự-nó” [mặc nhiên] hay “cho ta” (für uns)*.

 

§ 766

 [Bây giờ] ta hãy xem xét nội dung này theo như phương cách nó đang hiện hữu trong ý thức của nó.

Nội dung [ở đây] là Tinh thần Tuyệt đối; và như thế, Tinh thần tuyệt đối hiện hữu trong hình thái của tính chân lý của mình. Nhưng, chân lý của nó không chỉ đơn thuần ở chỗ là Bản thể hay là cái “Tự-mình” (das Ansich) của cộng đồng tôn giáo, cũng không phải ở chỗ đơn thuần vượt ra khỏi tính nội tại này để vươn tới (herauftreten) tính đối tượng [khách quan] trong hình dung bằng biểu tượng, trái lại, còn là ở chỗ phải trở thành Tự ngã hiện thực, phải phản tư chính mình vào trong chính mình, và là Chủ thể. Do vậy, đây là tiến trình mà Tinh thần thực hiện ở trong cộng đồng [tôn giáo] của mình; hay, cộng đồng là chính đời sống của Tinh thần[22]. Vì thế, những gì Tinh thần – tự khai mở, khải thị – này là tự mình và cho-mình [trong tính toàn thể của nó] thì không thể được phát hiện bằng cách hầu như là quay ngược lại đường dây phát triển, truy nguyên và quy giảm nội dung đời sống phong phú này của Tinh thần vào những đầu mối nguyên thủy, sơ khai, chẳng hạn vào những biểu tượng về cộng đồng tôn giáo đầu tiên còn thiếu hoàn thiện, hay thậm chí vào những gì bản thân Con người hiện thực [hiện thân của Tinh thần tuyệt đối, ám chỉ đức Jêsu lịch sử. N.D] đã nói. Việc “quy nguyên” (Zurückführung) này là dựa trên một bản năng muốn đi tới Khái niệm [nguyên tắc tối hậu], nhưng nó lẫn lộn cái khởi nguyên (Ursprung) với tư cách là sự hiện hữu trực tiếp của hiện tượng [lịch sử] ban đầu với tính đơn giản của Khái niệm. Do đó, qua việc làm nghèo đi đời sống của Tinh thần, qua việc dẹp bỏ [cả tiến trình hình thành] biểu tượng của cộng đồng [tôn giáo] và việc làm của nó đối với biểu tượng của mình, thì, thay vì là Khái niệm [đúng nghĩa], chỉ nảy sinh ra ở đây tính ngoại tại và tính cá biệt đơn thuần, chỉ là phương cách có tính lịch sử về một hiện tượng trực tiếp [trong đó Tinh thần đã xuất hiện ra một cách trực tiếp vào một thời điểm xa xưa nào đó], là sự hồi ức không có tính tinh thần về một hình thái [khuôn mặt lịch sử] cá biệt của tư kiến chủ quan (gemeint) cùng với cả dĩ vãng của hình thái này[23].

 

 


[1] Tiểu đoạn §755 khó đọc, nhưng rất quan trọng để hiểu các đoạn tiếp theo và nhất là Chương cuối: “Tri thức tuyệt đối” mà tôn giáo khải thị là hình thái tiền thân của nó. Ở đây, cần nắm vững hai tiến trình vận động bổ sung cho nhau: Tiến trình chuyển hóa từ Bản thể vào trong Tự-ý thức (Chủ thể) là một sự tất yếu nhưng không-có ý thức; nó diễn ra một cách tự mình, mặc nhiên. Vì sự xuất nhượng đầu tiên này là “tất yếu tự mình” nên sẽ thể hiện một cách trực tiếp trong hiện thực của việc nhập thể thành người của Bản thể (Thượng đế). Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tiến trình chuyển hóa từ Tự-ý thức vào trong Bản thể là một tiến trình hiện thực cho bản thân Tự-ý thức, trong đó Tự-ý thức là kẻ chủ động trong tiến trình này. Vì thế, Hegel gọi Tinh thần có “người Mẹ hiện thực” (Tự-ý thức) và có “Người Cha tự-mình” (Bản thể). Tinh thần tuyệt đối là sự thống nhất của cả hai.

[2] “Schwärmerei”: J.H “mysticité; Miller: “the visionary dreaming”; Baillie: “a fictitious or imaginary existence”.

[3] Ám chỉ phái Platon-mới và các cách lý giải thần bí về các tôn giáo trước Ki-tô giáo. Theo Hegel, vấn đề không chỉ là Tự-ý thức tự nâng mình lên thành Bản thể và tìm lại được bản thân mình ở trong Tồn tại, mà là ở chỗ: ở bên ngoài mọi sự tưởng tượng chủ quan, bản thân Thượng đế – hay cái Tồn tại-tự mình – phải tự biến mình thành Tự-ý thức hiện thực, nghĩa là “hiện diện ở đây và bây giờ” (trong sự “nhập thể thành người”) mới là nội dung đích thực của tôn giáo khải thị (tôn giáo tuyệt đối).

[4] Hegel muốn chỉ ra sự vận động tất yếu của Khái niệm, qua đó, nó đi từ tồn tại trực tiếp đến Tinh thần; rồi từ Tinh thần này (thoạt đầu chỉ là “cho ta”) đến Tinh thần tự biết về chính mình như là Tinh thần. Sự tất yếu này của Khái niệm được phân biệt với sự tất yếu trực quan, tức với sự tất yếu được mang lại một cách trực tiếp như là một kinh nghiệm. Nhưng, chính bản thân sự vận động của Khái niệm phải tự thể hiện ra cho kinh nghiệm và bộc lộ sự tất yếu nội tại của nó cho ý thức. Khi “Tinh thần thế giới” đã đạt đến cái biết này về chính mình (như ta đã thấy trong các tiền đề của tôn giáo khải thị), cái biết này tự ngoại tại hóa cho ý thức dưới một hình thức trực tiếp, đó là sự nhập thể thành người (Inkarnation) (theo J. H).

[5] Ám chỉ sự kiện lịch sử của việc nhập thể.

[6] Chính tính đơn giản của tính khẳng định hay của tính phủ định làm cho Khái niệm trở thành một kinh nghiệm trực tiếp.

[7] Trong tôn giáo tự nhiên (§§684-698), Tự ngã-trực tiếp chỉ được suy tưởng hay được hình dung; còn trong tôn giáo nghệ thuật (§§699-747), Tự ngã được “tạo ra” như một tác phẩm; còn bây giờ, Tự ngã hiện diện như Tự ngã hiện thực.

[8] Cái Tự ngã cá biệt, – tức đấng Christ – là sự đồng nhất giữa sự trừu tượng (Bản chất hay Hữu thể tối cao) với tính trực tiếp. Vậy, ta sẽ thấy tái diễn lại ở đây phép biện chứng và sự thật đã từng được trải nghiệm ngay từ đầu quyển Hiện tượng học, tức phép biện chứng và sự thật của sự xác tín cảm tính (Chương I, §§90-110). Cái “trực tiếp” tất yếu chuyển hóa “cho ta” thành cái “phổ biến thuần túy, trừu tượng”, vì, do bản tính biện chứng, cái “phổ biến thuần túy”, cái Bản chất lại trở thành cái trực tiếp cảm tính.

[9] Bản thể vốn tự đối lập lại với những tùy thể, tức với những phương thức tồn tại hữu tận của nó; trong trường hợp ấy, nó chưa được phản tư vào trong những tùy thể của mình (“dửng dưng với cái không-bản chất”, tức với tùy thể của mình như với cái gì xa lạ). Chỉ khi nào Bản thể tìm thấy lại chính mình một cách tuyệt đối ở trong những tùy thể của mình, Bản thể mới là Chủ thể hay Tự ngã. Trong tôn giáo khải thị, Tinh thần không còn là Bản thể nữa, mà là Chủ thể, vì sự đồng nhất (sự ngang bằng) của Bản tính thần linh (Bản thể) và Bản tính con người (tùy thể) đã được thiết lập một cách hiện thực. (Xem thêm về phạm trù “Bản thể”/“Substanz” trong: Hegel, Khoa học Lô-gíc, bản Lasion, IV, phần II, tr. 185).

[10] “Bản thể” thì có những “tùy thể” (Akzidenzien), còn “Chủ thể” thì có những “thuộc tính” (Prädikate).

[11] Xem lại trong Lời Tựa (§23) về mối quan hệ giữa những thuộc tính của Thượng đế với Chủ thể.

[12]  Chính ý nghĩa của sự thống nhất hay nhất thể này tạo nên ý nghĩa của tôn giáo khải thị, đúng như ý nghĩa của câu trong Kinh Thánh, Jean 14: “Kẻ đã nhìn thấy Ta cũng đã nhìn thấy Cha ta”. [Kinh Thánh Tân ước, Tin mừng theo Thánh Gio-An, 14.7: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”. NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 251].

[13] Câu đơn giản nhưng khó dịch: “Hier also ist in der Tat das Bewußtsein oder die Weise, wie das Wesen für es selbst ist, seine Gestalt, seinem Selbstbewußt-sein gleich; ...”. Các cách dịch khác nhau: Baillie: “Here, then, we find as a fact consciousness, or the general form in which Being ist aware of Being – the shape which Being adopts – to be identical with its [?] self-consciousness”. Bản của Miller dịch là: “Here, therefore, consciousness – or the mode in which essence ist for consciousness itself, i.e its shape – is, in fact, identical with its [?] self-consciousness”. Bản của J.H: “Ici donne en fait la conscience, ou le mode dans lequel l’essence est pour elle, sa figure, est égale à sa conscience de soi”.

[14] Như thế, sự đồng nhất giữa “sự trừu tượng tối cao” và “tính trực tiếp” – mà quyển Hiện tượng học này xuất phát – đã được thực hiện.

[15] Tiểu đoạn trước dẫn ta từ tư tưởng đến cái trực tiếp; tiểu đoạn này dẫn ta từ cái trực tiếp đến cái biết tư biện. Trước đây, ta đã thấy Bản thể thể hiện ra như một Con người hiện thực ở trong thời gian, bây giờ ta thấy rằng cái biết về sự nhập thể này đồng thời là cái biết về Bản thể tuyệt đối. Ở đây, ý thức không chỉ là ý thức trực tiếp mà còn là ý thức tôn giáo, nghĩa là: cái biết về Bản chất tuyệt đối ở trong sự hiện diện trực tiếp. Cái biết này là cái biết của “cộng đồng tôn giáo” – tức “Giáo hội Ki-tô giáo –, và, với Hegel, cái biết này tuy đã là cái biết (tri thức) tư biện, nhưng mới chỉ ở trong “môi trường” của tư duy bằng hình tượng.

[16] Ba mô-men (Momente) của cái biết tư biện là: – Tư tưởng thuần túy hay Thượng đế như là Bản chất; – tư tưởng như là tồn tại hay như là thế giới khách quan; và – tính phủ định ngay trong tồn tại ấy, hay Tự ngã vừa là Tự ngã trực tiếp, vừa là Tự ngã phổ biến, tức đúng nghĩa là Tinh thần.

Ba yếu tố này cũng là ba yếu tố của cái biết tư biện tôn giáo (tức của Tôn giáo khải thị), nhưng được hình dung bằng hình tượng và, do đó, tách rời nhau: – vương quốc của đức Chúa Cha; - vương quốc của đức Chúa Con; và – vương quốc của Chúa thánh thần, tức Tự ngã được nâng lên thành tính phổ biến ở trong Giáo hội, là nơi tập hợp mọi Tự ngã vào trong sự thống nhất của Tự ngã. Ở các đoạn sau, ta sẽ thấy rõ hơn sự dị biệt cơ bản giữa cái Biết bằng hình tượng với Tri thức bằng Khái niệm.

[17] Trong tư duy hình tượng của tôn giáo khải thị, ngay đời sống của đấng Christ cũng mới được “hình dung” ở cấp độ của “tri giác” như một tồn tại trực tiếp (“hiện hữu”) được nâng lên trong biểu tượng gồm nhiều thuộc tính cảm tính: sống, chết đi và phục sinh.

[18] Cái cá biệt, hiện diện trực tiếp tất yếu phải chuyển hóa (übergeht) thành cái “đã qua” như ta đã biết trong tính biện chứng của sự xác tín cảm tính (§106): “Cái Bây giờ đang tồn tại là một cái đã qua và đó chính là sự thật của nó”...

[19] Đó là ý nghĩa của “hình tượng” về sự Phục sinh (sự Sống lại). Cái chết của Thượng đế – con người (đấng Christ) là khởi đầu cho cuộc sống của Tinh thần. Nhưng việc “tinh thần hóa” đầu tiên này vẫn chỉ ở trong hình thức “biểu tượng” của việc “hồi ức” (Erinnerung).

[20] tức đức Jesu như một nhân vật lịch sử đơn thuần.

[21] Sự khác biệt trước hết giữa cái biết được hình dung bằng biểu tượng và Tri thức bằng Khái niệm là ở chỗ: đối với cái trước (ở đây là Giáo hội, “cộng đồng tôn giáo”), sự nhập thể là một sự kiện ngoại tại, khoảng cách trong không gian và thời gian là sự hình dung không hoàn hảo về một sự trung giới; trong khi đó, đối với tư duy Khái niệm, sự nhập thể vừa có ý nghĩa nhất thời, vừa có ý nghĩa vĩnh cửu. Trong cái trước, tức trong sự trung giới cảm tính (thời gian/không gian), cái “Bên này” và cái “Bên kia” chưa được “hòa giải” với nhau. Vì thế, tôn giáo khải thị chỉ “hình dung” sự hiện diện nhất thời của đức Jêsu [lịch sử] như là cái “Bên này”, còn “nước Chúa” vĩnh cửu thì ở phiá “Bên kia” (xem tiếp §765).

* Nhà hiện tượng học đang theo dõi và phân tích diễn trình của kinh nghiệm. N.D

[22] ... “oder dies ist das Leben desselben”: chúng tôi dịch “desselben” là “của Tinh thần” (desselben = des Geistes), trong khi A. V. Miller dịch là “của cộng đồng” (“of the community”). (Nếu vậy, về ngữ pháp, nguyên văn ắt phải là “derselben” = der Gemeine ?). J.H: “Tel est done le mouvement que l’esprit accomplit dans sa communauté, ou telle est sa vie”.

[23]  Yêu cầu về tính thuần túy (tính trong sáng) của Khái niệm thể hiện không ngừng trong lịch sử của tôn giáo khải thị như là nhu cầu quay trở về với nguồn gốc (lịch sử) và với cộng đồng (giáo hội) nguyên thủy.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt