Triết học tôn giáo

Tổng luận thần học: Bản tính và đối tượng của môn học Thánh

 

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

 

CÂU HỎI 1

BẢN TÍNH VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA MÔN HỌC THÁNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26
                         

THOMAS AQUINO (1225-1274)

Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch

 


Thomas Aquino, “Câu hỏi 11: Bản tính và đối tượng môn học Thánh”, trong Tổng luận thần học, Quyển 1, tập 1, Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. || Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum003.htm


 

Để đạt mục đích, chúng tôi, trong giới hạn nhất định, trước tiên nghiên cứu bản tính của môn học thánh; kế đó là đối tượng của môn học ấy. Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu:

          1. Môn học  thánh có cần thiết không ?

          2. Môn học thánh có phải là một khoa học không ?

          3. Môn học thánh là một khoa học đơn nhất, hay khoa học đa khoa ?

          4. Môn học thánh suy lý hoặc thực tiễn ?

          5. Môn học thánh đối chiếu thế nào với các khoa học khác ?

          6. Phải chăng Môn học thánh là sự khôn ngoan ?

          7. Phải chăng Thiên Chúa là chủ thể của Môn học thánh ?

          8. Môn học thánh có phải là môn học biện luận ?

          9. Môn học thánh mà sử dụng ẩn dụ có hợp lý không ?

         10. Kinh thánh trong Môn học thánh có thể hiểu nhiều nghĩa không ?

 

TIẾT 1

NGOÀI TRIẾT HỌC, CẦN PHẢI CÓ MÔN HỌC NÀO KHÁC KHÔNG ?

      VẤN NẠN: Xem ra ngoài triết học, chúng ta không cần đến một môn học khác.

     1. Nhân loại không tìm hiểu biết những cái gì vượt quá trí năng của mình, theo lời ghi chép : “Người đừng sưu tầm những điều cao quá đối với người” (Hc 31,22). Mà bất cứ cái gì không vượt quá trí năng nhân loại, trí năng đã nhận thức đầy đủ ở triết học. Vậy bất cứ môn học nào ngoài triết học, đều dư thừa.

      2. Môn học thánh chỉ liên hệ với hữu thể, vì không cái gì được hiểu biết ngoài sự thực. Mà sự thực khả hoán với hữu thể. Mà mỗi hữu thể đều được nhận thức ở triết học, ngay Thiên Chúa cũng vậy. Do đó, có một bộ môn triết học mệnh danh là Thần-lý-học hay khoa học về Thiên Chúa, như Triết gia chủ trương (Metaph., VI). Vậy ngoài triết học, không cần đến môn học nào khác.

     TRÁI LẠI: Có lời ghi chép : “Tất cả Kinh thánh đã được Thiên Chúa linh ứng, có ích cho việc giảng dạy, khuyên bảo, sửa trị và rèn luyện sự công chính” (2 Tm 3,16). Và Kinh thánh do Thiên Chúa linh ứng, không phải là một bộ môn của triết học đã được phát minh do trí năng nhân loại. Vậy ngoài triết học, còn có một môn học nữa được Thiên Chúa linh ứng, thật là hữu ích.

       TRẢ LỜI : Để cứu rỗi  nhân loại, cần thiết phải có một môn học do Thiên Chúa mặc khải, không kể triết học đã được sưu tầm do trí năng nhân loại. Trước tiên, bởi vì nhân loại được chỉ đạo hướng về Thiên Chúa là mục đích vượt quá tầm hiểu biết của trí năng nhân loại : “Ôi, lạy Chúa, ngoài Chúa ra, thì mắt chúng con không thấy được những gì Chúa đã sắm sẵn cho những ai trông đợi Chúa” (Is 64,3). Nhưng mục đích trước tiên phải được nhận biết bởi những người phải hướng ý định và hành động để đạt mục đích nầy. Do đó, cho được cứu rỗi, nhân loại cần thiết phải được Thiên Chúa mạc khải các chân lý vượt quá trí năng nhân loại. Mặc dầu có một số chân lý về Thiên Chúa mà trí năng nhân loại sưu tầm được, nhân loại vẫn cần thiết được Thiên Chúa mạc khải dạy cho biết về các chân lý ấy. Vì chân lý về Thiên Chúa theo khả năng nhân loại có thể nhận biết được, thì cũng chỉ một ít cá nhân nhận biết thôi, và nhận biết được sau một  thời gian lâu dài tìm kiếm, và đồng thời sự nhận biết nầy có thể vướng mắc nhiều sai lầm. Bởi vì sự cứu rỗi nhân loại toàn diện, thì ở nơi Thiên Chúa, nên do ở sự nhận biết chân lý nầy. Bởi đó, để sự cứu rỗi nhân loại được thực hiện cách thích hợp hơn và chắc chắn hơn, nhân loại cần thiết phải được dạy cho biết các chân lý về Thiên Chúa, qua sự mặc khải của Thiên Chúa. Như vậy, ngoài môn triết học được nghiên cứu, do trí năng nhân loại, cần thiết phải có môn học thánh do mặc khải.

       GIẢI ĐÁP :

       1. Dầu những điều vượt quá tầm hiểu biết của nhân loại, không thể được nhân loại dùng trí năng mà sưu tầm; tuy nhiên, cái gì được Thiên Chúa mặc khải, phải được chấp nhận bằng đức tin. Do đó, Kinh thánh nói tiếp : “Vì nhiều điều đã được tỏ bày ở đó qua sự hiểu biết của nhân loại”. Và môn học thánh cốt ở tại những điều như vậy.

       2. Các khoa học được phân loại do bản tính dị biệt của các đối tượng có thể nhận biết được. Vì nhà Thiên văn và nhà Vật-lý-học, cả hai cùng chứng minh một kết luận, thí dụ : trái đất tròn. Nhà Thiên văn sử dụng toán học trừu xuất ra ngoài vật chất. Còn nhà Vật lý sử dụng chính vật chất. Bởi đó, các vấn đề được nghiên cứu ở triết học theo hết khả năng của trí năng tự nhiên, không có lý do gì mà chúng lại không được nghiên cứu hết sức sâu xa do ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa. Vậy khoa Thần học được bao gồm trong môn học thánh dị biệt giống thuộc với một khoa Thần học, một môn học của triết học và được mệnh danh là Thần-lý-học.


TIẾT 2

MÔN HỌC THÁNH PHẢI CHĂNG LÀ MỘT KHOA HỌC ?

      VẤN NẠN: Xem ra môn học thánh không phải là khoa học.

        1. Tất cả các khoa học thành hình do các nguyên lý tối thượng hiển nhiên. Mà môn học thánh thành hình do các tín điều, không hiển nhiên, vì sự thực của các tín điều không được mọi người chấp nhận : “Vì chẳng phải ai cũng có đức tin” (2 Tx 3,2). Bởi đó, môn học thánh không phải là khoa học.

      2. Khoa học không có tính chất đặc thù. Mà Môn học thánh nghiên cứu các sự kiện đặc thù, như các hành vi của Áp-ra-ham, của I-sa-ac và Gia-cóp, cùng các hành vi tương tự. Bởi đó, môn học thánh không phải là khoa học.

      TRÁI LẠI : Thánh Augustinô nói : “Đức tin nhờ đó có sự cứu rỗi, đã được sinh ra, nuôi dưỡng, bảo vệ và kiên cố thì thuộc về khoa học nầy mà thôi” (De trin. 14,1). Mà lời nói nầy không thể chỉ về một khoa học nào, trừ phi chỉ về Môn học thánh. Bởi đó, môn học thánh là khoa học.

      TRẢ LỜI : Môn học thánh là khoa học. Chúng ta phải để ý hai loại khoa học. Có những khoa học thành hình do các nguyên lý được nhận biết nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, toán học, hình học cùng những khoa học tương tự. Có những khoa học thành hình do các nguyên lý được nhận biết nhờ ánh sáng của khoa học cao hơn; như thế, quang học thành hình do các nguyên lý được thiết lập bởi hình học, âm nhạc thành hình do các nguyên lý được thiết lập bởi toán học. Vậy môn học thánh là khoa học, vì thành hình do các nguyên lý được nhận biết nhờ ánh sáng của khoa học cao hơn, tức là khoa học về Thiên Chúa và khoa học hạnh phúc. Thì ra, như âm nhạc tiếp  nhận các nguyên lý được giảng dạy bởi nhà toán học, môn học thánh cũng tiếp nhận các nguyên lý được Thiên Chúa mặc khải.

      GIẢI ĐÁP:

        1. Các nguyên lý của bất cứ khoa học nào, hoặc là hiển nhiên trong chính mình, hoặc có thể quy về sự tri thức của khoa học cao hơn. Vậy, như chúng ta đã trình bày, các nguyên lý của môn học thánh cũng quy về khoa học cao hơn như vậy.

        2. Các sự kiện đặc thù được đề cập đến trong Môn học thánh, không phải bởi vì môn học thánh quan hệ một cách chủ yếu với chúng. Chúng được đem vào đó với tính cách là những gương sáng cho đời sống chúng ta noi theo, như trong các khoa học đạo đức, đồng thời cũng để thiết lập thế giá của các nhân vật ấy đã lãnh nhận sự mặc khải của Thiên Chúa, sự mặc khải nầy làm cơ sở nền tảng cho môn học thánh, tức là Kinh thánh và đã được quí ngài truyền lại cho chúng ta.

 

TIẾT 3

MÔN HỌC THÁNH PHẢI CHĂNG LÀ MỘT KHOA HỌC ĐƠN NHẤT ?

     VẤN NẠN : Xem ra môn học thánh không phải là một khoa học đơn nhất.

       1. Theo Triết gia, khoa học là khoa học đơn nhất, nghiên cứu chỉ một loại vấn đề duy nhất. Nhưng Đấng sáng tạo và thụ tạo là hai loại hữu thể không thể hợp lại chung trong một loại vấn đề; mà cả hai cùng được nghiên cứu trong môn học thánh. Bởi  đó, môn học thánh không phải là một khoa học đơn nhất.

       2. Hơn nữa, trong khoa học thánh, chúng ta nghiên cứu về thiên thần, các thụ tạo hữu hình và đạo đức của nhân loại. Nhưng các đối tượng nầy thuộc về các môn triết học khác nhau. Bởi đó, môn học thánh không phải là một khoa học đơn nhất.

     TRÁI LẠI : Kinh thánh nói về môn học thánh là một khoa học đơn nhất : “Đức khôn ngoan… chỉ cho người am hiểu… nhận biết khoa học các sự vật thánh (Kn 10,10).

     TRẢ LỜI : Môn học thánh là một khoa học đơn nhất. Đơn-nhất-tính của năng lực hay của tập quán phải được đo lường, được đánh giá do chính đối tượng của nó, dứt khoát nhất định không phải theo dung mạo thể chất của đối tượng, nhưng theo dung mạo mô thể quyết định bản tính của tượng. Thí dụ, một người, một con lừa, một hòn đá, hòa hợp nhau trong cùng một mô thể là hữu thể có màu sắc; và màu sắc là đối tượng mô thể của thị giác. Bởi đó, cho nên Kinh thánh, như chúng tôi đã nói, nghiên cứu một ít sự vật theo mô thể được Thiên Chúa mặc khải : tất cả mọi sự vật được Thiên Chúa mặc khải, đều có mô thể của đối tượng thuộc về khoa học nầy. Bởi đó, chúng nó được bao gồm trong môn học thánh là một khoa học đơn nhất.

       GIẢI ĐÁP :

        1. Môn học thánh không nghiên cứu Thiên Chúa và các thụ tạo một cách ngang hàng; nhưng nghiên cứu Thiên Chúa cách căn bản, còn các thụ tạo chỉ được môn học thánh nghiên cứu về dung mạo chúng quan hệ với Thiên Chúa là nguyên thủy hoặc là cùng đích của chúng. Bởi đó, đơn-nhất-tính của khoa học nầy không bị sức mẻ, không bị tổn thương.

       2. Không gì cản trở việc các năng lực hạ tầng hoặc các tập quán hạ tầng được phân loại do các đối tượng mà các đối tượng nầy hòa hợp với nhau và cùng đi lên làm đối tượng năng lực cao hơn hoặc cho tập quán cao hơn; vì năng lực cao hơn hoặc hoặc tập quán cao hơn thì theo một mô thể phổ quát hơn; quan hệ với đối tượng riêng của nó theo một mô thể phổ quát hơn. Như thế, đối tượng của công giác (sensus communis) là khả-giác-hữu, bao gồm bất cứ cái gì có thể thấy, có thể nghe, v.v… Bởi đó công giác, dẫu là một năng lực đơn nhất vẫn đạt tới tất cả mọi đối tượng của ngũ quan. Cũng một thể cách như thế, các đối tượng của nhiều khoa triết học khác nhau có thể được nghiên cứu bởi một môn học thánh đơn nhất theo một dung mạo duy nhất, tức là, theo mức độ được Thiên Chúa mặc khải. Vậy theo thể cách nầy, môn học thánh đánh dấu khoa học về Thiên Chúa, một khoa học đơn nhất và độc nhất, mà đạt tới tất cả mọi sự vật.

 

TIẾT 4

MÔN HỌC THÁNH PHẢI CHĂNG LÀ MỘT KHOA HỌC THỰC TIỄN?

       VẤN NẠN: Xem ra môn học thánh là khoa học thưc tiễn.

        1. Khoa học thực tiễn, chung qui là hành động, theo Triết gia. Nhưng môn học thánh được xếp đặt để hành động. “Tuy nhiên, phải thực hành theo Lời, chứ không phải nghe suông, rồi lừa dối mình” (Gc 1.22). Bởi đó, môn học thánh là khoa học thực tiễn.

         2. Môn học thánh được chia ra Cựu ước và Tân ước. Sự giao ước thuộc về khoa học đạo đức, một khoa học thực tiễn. Bởi đó, môn học thánh là khoa học thực tiễn.

       TRÁI LẠI : Mỗi khoa học thực tiễn quan hệ với các việc người ta có thể làm; như khoa học đạo đức quan hệ với các hành vi nhân linh, và thuật kiến trúc quan hệ với các nhà rộng lớn. Nhưng môn học thánh chủ yếu có quan hệ với Thiên Chúa, chính là Đấng tạo thành nhân loại. Bởi đó, môn học thánh không phải là khoa học thực tiễn, nhưng là khoa học suy lý.

       TRẢ LỜI : Môn học thánh là một khoa học đơn nhất, đạt tới cao sự vật thuộc về các khoa triết học khác nhau, bởi vì nó nghiên cứu mỗi sự vật theo cùng một phương diện mô thể, tức là hoàn toàn theo phương diện chúng được nhận biết xuyên qua ánh sáng của Thiên Chúa. Bởi đó, mặc dầu giữa các khoa triết học, một số có tính chất suy lý, và một số khác có tính chất thực tiễn. Môn học thánh vẫn bao gồm cả hai thứ; vì Thiên Chúa, bằng cùng một khoa học cao nhất, biết chính Ngài và biết các công việc Ngài làm.

      Tuy vậy, môn học thánh suy lý hơn là thực tiễn, vì quan hệ với các việc thuộc về Thiên Chúa hơn là các hành vi của nhân loại; lại chính trong các hành vi của nhân loại, thì môn học thánh chỉ nghiên cứu nhân loại với tính cách được xếp đặt do các hành vi ấy để đạt được sự hoàn hảo, hiểu biết Thiên Chúa mà sự hiểu biết nầy là hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại.

      Như thế là lời giải đáp đầy đủ cho các vấn nạn nói trên.


TIẾT 5

PHẢI CHĂNG MÔN HỌC THÁNH CAO QUÍ HƠN CÁC KHOA HỌC KHÁC ?

     VẤN NẠN : Xem ra môn học thánh không cao quí hơn các khoa học khác.

       1. Sự cao quí của khoa học cốt tại sự chắc chắn của nó. Nhưng các khoa học khác mà các nguyên lý không nghi ngờ được, xem ra chắc chắn hơn môn học thánh. Vì các nguyên lý của môn học thánh, tức là các tín điều có thể bị nghi ngờ. Bởi đó các khoa học khác cao quí hơn.

       2. Một phần của khoa học hạ tầng dựa vào khoa học thượng tầng; như khoa học âm nhạc dựa vào môn toán học. Nhưng môn học thánh dựa vào khoa triết học; vì thánh Giêroonimô đã nhận xét trong thơ gửi cho Magnus. Các nhà tiến sĩ thời xưa làm phong phú các quyển sách của mình với rất nhiều học thuyết và các tư tưởng của các Triết gia, đến nỗi ông không biết ca ngợi cái gì trong các quyển sách ấy, ca ngợi sự uyên bác học trần thế hoặc ca ngợi sự thông giỏi Kinh thánh. Bởi đó, môn học thánh thấp kém hơn các khoa học khác.

     TRÁI LẠI : Các khoa học được mệnh danh là các đầy tớ gái của môn học thánh đơn nhất nầy; sự khôn ngoan phái nữ tỳ của mình đi mời các bác tài giỏi lỗi lạc khắp thành phố (Cn 9.3).

     TRẢ LỜI : Bởi vì môn học thánh là một khoa học có tính chất một phần suy lý, một phần thực tiễn, và nó vượt lên trên tất cả các khoa học suy lý và thực tiễn khác. Một khoa học suy lý được coi là cao quí hơn, hoặc vì bởi nó xác thực hơn, hoặc vì nó có đối tượng cao trọng hơn. Ở hai phương diện nầy, môn học thánh vượt trội hơn mọi khoa học suy lý khác: về quan điểm xác thực, là do ở sự sáng tự nhiên của trí năng nhân loại, mà trí năng nhân loại có thể sai lầm; đang khi môn học thánh nhận lấy sự xác thực của mình từ sự sáng trong sự tri thức của Thiên Chúa, mà sự tri thức của Thiên Chúa không thể sai lầm. Về quan điểm đối tượng cao trọng hơn, bởi vì môn học thánh nghiên cứu chủ yếu về các sự vật có tính chất cao siêu vượt lên trên trí năng nhân loại, đang khi các khoa học khác chỉ nghiên cứu các sự vật trong phạm vi hiểu biết của trí năng. Còn đối với các khoa học thực tiễn, khoa học nào càng được xếp đặt về cùng đích hơn, thì cao trọng hơn như khoa học chính trị kém cao trọng hơn khoa học chiến tranh, vì sự lợi ích của quân đội được hưởng về sự lợi ích của Tổ quốc. Nhưng mục đích của môn học thánh về phương diện thực tiễn, đó là hạnh phúc vĩnh cửu mà hạnh phúc vĩnh cửu là cùng đích cho tất cả mọi khoa học thực tiễn khác. Như vậy, người ta trông thấy rõ ràng môn học thánh cao trọng hơn các khoa học thực tiễn khác.

      GIẢI ĐÁP :

      1. Rất có thể xảy ra điều nầy, là sự vật trong yếu tính của mình càng xác thực, xem ra đối với chúng ta thì càng rất kém xác thực, bởi sự yếu kém của trí năng nhân loại : trí năng nhân loại bị mù loài trước các sự vật xán lạn của Thiên Chúa, như con chim cú mèo bị quáng mắt bởi ánh sáng mặt trời. Bởi đó, sự kiện nầy xảy ra là một số người hồ nghi các tín điều, không phải yếu tính không xác thực của các tín điều, nhưng do sự yếu hèn của trí năng nhân loại. Lại nữa, nhận biết một chút xíu về những sự cao cả nhất, thì đáng được ước ao hơn là sự nhận biết chính xác nhất về những sự thấp hèn nhất. Triết gia đã đề cập đến điều đó khi nói về thú vật (Métaph,. 9.1).

       2. Môn học thánh có thể nhờ đến Triết học, không phải để làm cho chính mình được hoàn hảo, nhưng để được phổ biến rõ ràng hơn. Vì môn học thánh thánh bao hàm các nguyên lý không phát xuất từ các khoa học khác, nhưng đã được Thiên Chúa mặc khải trực tiếp. Bởi đó, môn học thánh không nhờ đến các khoa học khác như những khoa học cao hơn, nhưng sử dụng chúng như các khoa học thấp kém hơn và đầy tớ và cũng như các khoa học chính sử dụng các khoa học phụ chẳng hạn như môn học chính trị, môn học quân sự. Và như thế môn học thánh sử dụng các môn học khác, không phải vì khoa học thánh thiếu sót, không đầy đủ, nhưng vì trí năng nhân loại thấp kém: trí năng nhân loại được hướng dẫn cách dễ dàng bởi những gì được nhận biết ngang qua trí năng tự nhiên, là nguồn gốc phát sinh các khoa học khác, hơn là bởi những gì vượt lên trên trí năng như các học lý của môn học thánh.


TIẾT 6

PHẢI CHĂNG MÔN HỌC THÁNH LÀ SỰ KHÔN NGOAN ?

      VẤN NẠN : Xem ra môn học thánh không phải là sự khôn ngoan.

      1. Không môn học nào đi mượn các nguyên lý của mình, mà đáng được gọi là khôn ngoan, bởi vì người khôn ngoan thì chỉ đạo, chứ không bị chỉ đạo. Nhưng môn học thánh mượn các nguyên lý của mình; nên không phải là sự khôn ngoan.

      2. Việc minh chứng các nguyên lý của những nhà khoa học khác là khôn ngoan và được gọi là mẹ các khoa học, như Triết gia đã trình bày rõ ràng ở Đạo-đức-học (Éth., 6,7). Mà môn học thánh không minh chứng các  nguyên lý của các khoa học khác. Bởi đó, môn học thánh không phải là sự khôn ngoan.

      3. Hơn nữa, môn học thánh được đắc thủ bởi học hỏi nghiên cứu, đang khi sự khôn ngoan được đắc thủ do sự linh ứng của Thiên Chúa và nhờ đó được kể vào các ơn Đức Chúa Thánh Thần (Is 11,2). Vậy, môn học thánh không phải sự khôn ngoan.

      TRÁI LẠI : Có lời ghi chép: Hãy tuân thủ, hãy thi hành chu đáo vì đó là sự khôn ngoan và tri thức của các ngươi trước mặt mọi dân tộc (Đnl 4,6).

      TRẢ LỜI : Môn học thánh là sự khôn ngoan trên hết tất cả mọi sự khôn ngoan của nhân loại, không phải chỉ giới hạn trong một hạng nào, nhưng với tính cách tuyệt đối. Vì việc sắp đặt trật tự và phán đoán là việc làm của người khôn ngoan, và vì các sự vật thấp kém hơn được phán đoán trong sự sáng của một nguyên nhân cao cả hơn; ai nghiên cứu nguyên nhân cao cả nhất một hạng nào, thì được gọi là khôn ngoan, là kiến trúc sư, tương đối với việc nhân công phụ thuộc lo đẽo gỗ cho bằng và sửa soạn các hòn đá cho sẵn sàng, như đã ghi chép: “Tôi như kiến trúc sư khôn ngoan, đã đặt nền móng” (1 Cr 3,10). Lại nữa, trong trật tự toàn thể đời sống nhân loại, người cẩn thận được gọi là người khôn ngoan theo mức độ người ấy chỉ đạo đem các hành vi của mình về mục đích thích hợp, như đã ghi chép: kẻ ngu đàn làm ác cười phào, người khôn ngoan ước ao minh trí (Ca 10,23). Bởi đó, kẻ nào một cách tuyệt đối, nghiên cứu nguyên nhân cao cả nhất của toàn thể vũ trụ, tức Thiên Chúa, là người khôn ngoan nhất. Vậy, sự khôn ngoan là sự tri thức về các sự vật thuộc về Thiên Chúa, như thánh Augustinô đã nói (De Trin, 12, 14). Nhưng môn học thánh, một cách chủ yếu, nghiên cứu về Thiên Chúa là nguyên nhân cao cả nhất, mà môn học thánh nghiên cứu về Thiên Chúa, chẳng những theo mức độ Ngài được nhận biết do các thụ tạo, như các Triết gia hiểu biết Ngài, như đã ghi chép: vì những điều họ có thể biết về Thiên Chúa đã được tỏ ra cho họ: chính Thiên Chúa đã tỏ ra cho họ (Rm 1,19); mà còn theo mức độ chính Ngài biết chính Ngài và đã mặc khải cho những kẻ khác. Vậy môn học thánh một cách đặc biệt được gọi là sự khôn ngoan.

      GIẢI ĐÁP :

      1. Môn học thánh lấy được các nguyên lý của mình không phải từ sự hiểu biết của nhân loại, nhưng từ trong sự hiểu biết của Thiên Chúa, chính do sự hiểu biết của Thiên Chúa mà tất cả mọi sự hiểu biết của chúng ta được sắp đặt.

      2. Các nguyên lý của các khoa học khác hoặc là hiển nhiên và không thể minh chứng được hoặc là được minh chứng do trí năng tự nhiên của nhân loại trong một khoa học nào khác. Mà sự hiểu biết riêng biệt của môn học thánh phát xuất do sự mặc khải, không phải do trí năng tự nhiên của nhân loại. Vậy, chức phận của môn học thánh không phải là minh chứng các nguyên lý của các khôn ngoan khác, nhưng chỉ phán đoán các nguyên lý ấy. Vì bất cứ cái gì gặp trong các khoa học khác trái ngược với chân lý của môn học thánh đều bị kết án sai lầm. Bởi đó, có lời ghi chép: “chúng tôi phi bác được các lý luận, triệt hạ được lòng kiêu căng, trái ngược sự thông minh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (2 Cr 10,5).

      3. Sự phán đoán thuộc về sự khôn ngoan, có hai thể cách phán đoán, có hai thứ khôn ngoan. Người ta có thể phán đoán một cách theo hai khuynh hướng, như bất cứ ai có tập quán nhân đức, phán đoán chính xác về cái gì nhận đức do khuynh hướng riêng biệt với nhân đức. Như chúng ta đọc ở Đạo-đức-học (Aristotote, Éth., 105), người nhân đức là sự đo lường và cái thước đo cho các hành vi nhân linh. Còn thể cách khác để phán đoán, đó là cách phán đoán tri thức, như một người thông thạo khoa Đạo-đức-học, có thể phán đoán chính xác về các hành vi nhân đức dầu chính người ấy không nhân đức. Thể cách thứ nhất phán đoán về các điều thuộc về Thiên Chúa, thuộc về một sự khôn ngoan được gọi là ơn Đức Chúa Thánh Thần. Và Denys nói: “Hiêrôthêus đã trở nên khôn ngoan, không những do học hỏi, mà còn do cảm thấy các điều thuộc về Thiên Chúa”. Thể cách phán đoán thứ hai thuộc môn học thánh này, theo mức độ được đắc thủ như sự học hỏi nghiên cứu, mặc dầu các nguyên lý của nó được lãnh nhận bởi sự mặc khải.

 

TIẾT 7

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA LÀ CHỦ THỂ CỦA MÔN HỌC THÁNH ?

      VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa không phải là chủ thể của môn học thánh.

      1. Theo Triết gia, trong mỗi khoa học, yếu tính của đối tượng được phỏng định trước. Nhưng môn học thánh không thể phỏng định trước yếu tính của Thiên Chúa, vì Damascênô đã nói: Nói ra yếu tính của Thiên Chúa, là một việc bất khả. Bởi đó, Thiên Chúa không phải là chủ thể của môn học thánh.

      2. Mọi kết luận đạt được trong bất cứ khoa học nào, đều phải được lãnh hội và bao hàm trong đối tượng ấy; mà trong Kinh thánh chúng ta đạt kết luận không phải quan hệ với Thiên Chúa, nhưng quan hệ với nhiều sự vật khác nhau, chẳng hạn như với các vật thụ tạo và luân lý đạo đức của nhân loại; vậy Thiên Chúa không phải là chủ thể của môn học thánh.

      TRÁI LẠI : Chủ thể của một nhà khoa học, là một cái gì mà người ta nói đến trong khoa học đó, mà trong môn học thánh, việc nghiên chủ yếu về Thiên Chúa; vì môn học thánh được gọi là Thần học, tức là nghiên cứu Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa là chủ thể của môn học thánh.

      TRẢ LỜI : Thiên Chúa là chủ thể của môn học thánh. Tương quan giữa môn học thánh với chủ thể của nó, cũng thuộc  về một loại tương quan giữa một tập quán hoặc một năng lực đối tượng của nó. Nói đích xác, đối tượng của một năng lực hoặc một tập quán, là một cái gì đó mà do mô thể của nó, tất cả các sự vật được có quan hệ đến năng lực ấy hoặc một tập quán ấy, như một người và một hòn đá được có quan hệ thị giác, bởi chúng nó có màu sắc là mô thể chung. Bởi đó, màu sắc là đối tượng riêng biệt của thị giác. Nhưng trong môn học thánh, tất cả mọi sự vật đều được nghiên cứu dưới phương diện của Thiên Chúa, hoặc vì các vật ấy là chính Thiên Chúa hoặc vì các sự vật ấy có tương quan đến Thiên Chúa là nguyên thuỷ và cùng đích của chúng nó. Bởi đó, dĩ nhiên kết luận Thiên Chúa là đối tượng của môn học thánh. Sự kết luận còn được sáng tỏ do các nguyên lý của môn học thánh, tức là các tín điều của đức tin, và đức tin liên hệ với Thiên Chúa. Đối tượng của các nguyên lý và của toàn thể một khoa học phải cùng là đơn nhất, duy nhất, vì toàn thể một khoa học một cách tiềm tàng được chứa đựng trong các nguyên lý của khoa học ấy.

      Tuy nhiên, một số người nhìn sơ qua các điều được nghiên cứu trong môn học thánh, và không nhìn đến phương diện mà môn học thánh được nghiên cứu, quả quyết đối tượng của môn học thánh là một cái gì đó khác Thiên Chúa, nghĩa là những sự vật và các dấu lạ, hoặc công trình cứu rỗi, hoặc Chúa Kitô toàn thể, tức là, đầu và các chi thể. Về tất cả mọi sự vật này, thật sự chúng ta nghiên cứu trong môn học thánh, nhưng mức độ chúng được xếp đặt hướng về Thiên Chúa.

      GIẢI ĐÁP :

      1. Dẫu chúng ta không biết được yếu tính của Thiên Chúa cốt ở tại yếu tố nào, ít ra trong môn học thánh, chúng ta vẫn sử dụng được các hiệu quả do bản lĩnh Thiên Chúa, hoặc do ân sửng của Thiên Chúa tác thành, thay thế định nghĩa Thiên tính, và sử dụng chúng nó đối với bất cứ điều gì được nghiên cứu trong môn học thánh có tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta cũng suy luận như thế với một vài môn triết học: chúng ta minh chứng về nguyên nhân, nhờ hiệu quả của chính nguyên nhân, bằng các nắm lấy cái hiệu quả, thay thế định nghĩa chính cái nguyên nhân

      2. Bất cứ kết luận nào đạt được trong môn học thánh, đều được bao hàm trong Thiên Chúa, không phải như bộ phận, không phải như các loại, cũng không phải như các tùy thể, nhưng với tính cách một cách nào đó được sắp đặt đến Thiên Chúa.

 

TIẾT 8

MÔN HỌC THÁNH CÓ PHẢI LÀ MÔN HỌC BIỆN LUẬN ?

      VẤN NẠN : Xem ra môn học thánh không biện luận.

      1. Thánh Ambrôxiô nói: Bỏ các chứng cứ khi người ta tìm đức tin (De Fide. 1,63). Mà trong môn học thánh, đức tin được tìm kiếm cách đặc biệt theo lời ghi chép: “Các điều đã viết ra đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, và khi đã tin, thì nhờ danh Ngài, anh em được sống” (Ga 20,31). Vậy, môn học thánh không biện luận.

       2. Nếu môn học thánh biện luận, chứng cứ lấy hoặc ở nơi thế giá, hoặc ở trí năng. Nếu môn học thánh nhờ thế giá, xem ra không thích hợp với phẩm giá cao trọng của mình, vì chứng cứ thế giá là hình thức chứng cứ yếu nhất theo Boèce (In Top. Cicer. 1). Còn nếu môn học thánh lấy chứng cứ ở nơi trí năng, nó không thích hợp với mục đích của mình, vì theo thánh Grêgôriô, đức tin không có giá trị ở nơi các sự vật mà chính trí năng nhân loại nhận biết được (In Evang. 2. Hom. 26). Vậy môn học thánh không biện luận.

      TRÁI LẠI : Thánh Phaolô nói: Giám mục trung thành giữ các điều như giáo lý dạy, để có đủ khả năng khuyên bảo người ta theo đạo lành và bác bỏ những người chống đối (Tt 1.9)

      TRẢ LỜI : Như các khoa học khác không biện luận minh chứng các nguyên lý của mình, nhưng sử dụng các nguyên lý của mình mà biện luận minh chứng các chân lý khác trong các khoa học nàycũng vậy, môn học thánh không biện luận minh chứng các nguyên lý của mình, tức là các tín điều; nhưng sử dụng các tín điều mà môn học thánh tiếp tục minh chứng các sự vật khác: như thánh Tông đồ đi sự Phục sinh của Chúa Kitô, biện luận minh chứng sự Phục năng nhân loại phải thấy điều này là đối với các môn Triết học hạ tầng không minh chứng các nguyên lý của mình, cũng không tranh luận với những người phủ nhận chúng nó, nhưng giao việc cãi cọ này cho môn Triết học cao hơn; còn môn Triết học cao nhất là môn Siêu-hình-học, chỉ có thể thảo luận với người phủ định các nguyên lý của mình, nếu người phản đối nhượng bộ một phần. Nếu họ không nhượng gì hết, thì không có thể thảo luận với họ, mặc dầu có đáp lại các chứng cứ của họ. Bởi đó, Kinh thánh, vì không có môn học nào cao hơn nữa, chỉ thảo luận với người phủ nhận các nguyên lý của Kinh thánh, nếu kẻ phản đối công nhận một vài chân lý đã biết được do Thiên Chúa mặc khải. Vậy chúng ta có thể biện luận cùng Kitô hữu ly khai với những đoạn Kinh thánh, và đối với những người phủ nhận một tín điều, chúng ta có thể dùng tín điều khác mà biện luận. Nếu người phản đối chúng ta, mà họ không tin gì hết về Thiên Chúa mặc khải, thi không còn cách nào minh chứng các tín điều bằng chứng cứ, trong trường hợp này, chúng ta có thể giải đáp các vấn nạn họ nêu lên, nếu họ không chống đối đức tin. Vì đức tin dựa trên chân lý không thể sai lầm, và vì sự trái ngược lại một chân lý, chẳng bao giờ minh chứng được.

      GIẢI ĐÁP :

      1. Mặc dầu các chứng cứ lấy từ trí năng nhân loại, không có thể chứng minh những gì thuộc về đức tin; tuy nhiên, môn học thánh thánh căn cứ vào các tín điều mà minh chứng các chân lý khác.

      2. Tính cách đặc biệt cố hữu của môn học thánh là biện luận với chứng cứ thế giá, theo mức độ các nguyên lý được mặc khải; như vậy, chúng ta phải tin tưởng thế giá của những người đã tiếp nhận sự mặc khải. Sự sử dụng chứng cứ thế giá không làm mất phẩm giá cao cả của môn học thánh, vì mặc dầu chứng cứ thế giá căn cứ trên trí năng nhân loại, yếu nhất; nhưng chứng cứ thế giá căn cứ trên sự mặc khải của Thiên Chúa, mạnh nhất. Song môn học thánh cũng sử dụng trí năng nhân loại, nhất định không phải để minh chứng đức tin, vì làm như thế giá trị của đức tin biến mất; những để làm sáng tỏ các sự vật khác được trình bày trong môn học thánh. Vì ân sủng không tiêu hủy bản tính, nhưng làm hoàn hảo bản tính, trí năng tự nhiên có thể phục vụ đức tin, như khuynh hướng tự nhiên của ý chí phục vụ cho đức mến. Bởi đó, thánh Tông đồ dạy: “Chúng tôi phi bác được các lý luận, triệt hạ được lòng kiêu căng trái ngược với sự thông minh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (2 Cr 10,5). Chính môn học thánh cũng dùng thế giá các triết gia trong những vấn đề mà họ có khả năng biết được chân lý nhờ trí năng nhận biết, như thánh Phaolô đã dẫn chứng: “Một danh ngôn của Aratus: Như mấy thi sĩ của các vị cũng đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng dõi Người” (Cn 17,28). Tuy nhiên, môn học thánh sử dụng các thế giá này như những chứng cứ ngoại tại và cái nhiên; nhưng một cách cố hữu, nó sử dụng thế giá của Kinh thánh, như sự minh chứng cần thiết, và sử dụng thế giá của các nhà tiến sĩ của Giáo hội như sự minh chứng có thể sử dụng được, cũng có tính cách cải thiện thôi. Vì đức tin của chúng ta dựa trên sự mặc khải cho các Tông đồ và các Tiên tri, là những Đấng đã viết các quyển sách Kinh thánh Giáo qui và không dựa trên sự mặc khải cho các nhà tiến sĩ khác, nếu có vì nào được như vậy. Bởi đó, thánh Augustinô nói: “Chỉ đối với những quyển sách trong bộ Kinh thánh, gọi là các sách Kinh thánh Giáo qui, tôi đã học biết rất mực tôn trọng các sách này, đến nỗi tôi tưởng các tác giả các sách nàyđã không sai lầm chút nào, khi các Ngài biết ra. Nhưng với các tác giả khác, tôi đã đọc mà không tưởng có cái gì trong các sách của họ là chân thực, vì thần túy chính họ đã nghĩ ra và viết ra tất cả những điều đó do sự thánh thiện và sự học thức của họ: (Epis. 18,2).

 

TIẾT 9

PHẢI CHĂNG KINH THÁNH SỬ DỤNG PHÉP ẨN DỤ ?

      VẤN NẠN : Xem ra Kinh thánh không sử dụng phép ẩn dụ.

      1. Cái gì riêng biệt thích hợp cho khoa học thấp nhất xem ra không thích hợp cho môn học thánh, là khoa học cao nhất. Mà việc tiến hành bằng cách sử dụng nhiều thứ so sánh hình ảnh là việc cố hữu cho việc làm thơ, chứ không thích hợp cho nhà khoa học. Bởi đó, môn học thánh mà sử dụng các sự so sánh như thế, không thích hợp.

      2. Hơn nữa, môn học thánh xem ra được dự định để bày tỏ chân lý. Bởi đó, có phần thưởng để dành cho những ai bày tỏ chân lý : “Ai làm rạng rỡ Ta, sẽ được sống muôn đời” (Hc 24,31). Bởi đó, đặt dưới chân lý dưới những hìnhảnh, những sự so sánh của các sự vật hữu hình, không thích hợp với môn học thánh.

      3. Các vật thụ tạo càng cao đẳng, càng giống Thiên Chúa. Nếu vật thụ tạo phải phản ánh Thiên Chúa, sự phản ánh phải xuất từ các vật thụ tạo cao đẳng, chứ không phải từ các thụ tạo hạ tầng. Nhưng sự phản ánh này, sự tiêu biểu này năng gặp trong Kinh thánh.

      TRÁI LẠI : Có lời ghi chép: Ta đã ban cho nhiều thị kiến và Ta đã sử dụng những sự so sánh qua thừa tác vụ của các Tiên tri (H2 12, 10). Mà bày tỏ một sự vật nào bằng cách so sánh tức là sử dụng phép ẩn dụ.

      TRẢ LỜI : Việc làm thích hợp Kinh thánh, là bày tỏ các chân lý thuộc về Thiên Chúa, các chân lý thiêng liêng bằng cách so sánh với các sự vật hữu hình. Vì Thiên Chúa lo liệu cho cho mọi sự theo khả năng bản tính của chúng. Vậy, thật tự nhiên với nhân loại, là đạt tới các chân lý tinh thần ngang qua các sự vật khả giác, vì toàn bộ sự hiểu biết của nhân loại phát nguyên từ giác quan. Bởi đó, trong Kinh thánh, các chân lý thiêng liêng được dạy một cách thích hợp nhờ sự so sánh với các sự vật hữu hình tương tự. Đó là điều mà Denys đã nói: Chúng tôi không được soi sáng của Thiên Chúa, trì phi chúng nó được che khuất trong sự che đậy của nhiều chiếc màn thánh (De Cael. Hier. 1,2). Cũng thích hợp cho chính Kinh thánh, vì Kinh thánh được trình bày cho tất cả mọi người, không phân biệt hạng người: Tôi mắc nợ đối với người Hy lạp cũng như người man di, với người thông thái cũng như người dốt nát(Rm 1,14); thích hợp việc trình bày các chân lý thiêng liêng nhờ các hình ảnh lấy từ các sự vật hữu hình, để nhờ đó, người bình dân vốn không có khả năng tiếp thu các sự vật tinh thần, trở nên có khả năng hiểu biết được.

      GIẢI ĐÁP :

      1. Làm thơ, sử dụng phép ẩn dụ để tạo nên sự miêu tả, sự tượng trưng, vì tự nhiên nhân loại thích thú với sự tiêu biểu, sự tượng trưng. Còn môn học thánh sử dụng phép ẩn dụ cần thiết vừa hữu ích.

      2. Tia sáng Thiên Chúa mặc khải không bị lu mờ bởi những tỉ dụ khả giác che đậy, như Denys nói (De Cael. Hier. 1,2); và chân lý được Thiên Chúa mặc khải không cho phép những người đã tiếp nhận sự mặc khải, dừng lại ở các tỉ dụ, nhưng được dâng lên để hiểu biết các chân lý có thể hiểu được; và nhờ các người đã được Thiên Chúa mặc khải, những người khác cũng lãnh nhận được giáo huấn trong các chân lý này. Bởi đó, các điều được dạy cách ẩn dụ ở trong một phần của Kinh thánh, thì ở trong các phần khác, được dạy rõ ràng hơn. Việc thật sự che khuất chân lý trong các hình ảnh, có lợi cho trí năng suy nghĩ và ra, như để chống lại sự nhạo báng của những người không tin đạo, theo lời đã ghi chép: anh chớ ném của Thánh cho chó, chớ vứt hạt trai cho lợn(Mt 7,16).

      3. Như Denys nói: Thích hợp hơn là trình bày chân lý thuộc về Thiên Chúa qua những hình ảnh kém cao quý hơn là qua những hình ảnh các vật cao quý hơn. Chủ trương này có ba lý do: Trước hết, bởi vì trí năng nhân loại nhờ đó được bớ tđi nhiều sai lầm. Hiển nhiên các hình ảnh đó không miêu tả các chân lý thuộc về Thiên Chúa theo từng nét từng chữ, các chân lý này có thể bị nghi ngờ, nếu được bày tỏ qua những hình ảnh các vật cao quý đối với những người tin tưởng không có gì cao quý hơn các vật hữu hình. Thứ đến, việc trình bày về Thiên Chúa qua các hình ảnh kém hơn, thích hợp cho sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa trong đời sống hiện tại, ở trần gian. Vì điều Thiên Chúa thực sự không có, thì đối với chúng ta, nó rõ ràng hơn điều Thiên Chúa đang có. Bởi đó, các sự so sánh lấy ra từ các vật thì rất mực cách xa Thiên Chúa, tạo ra trong chúng ta một sựđánh giá  trung thực hơn là Thiên Chúa ở trên tất cả những gì chúng ta có thể nói, hoặc có thể tưởng nghĩ về Thiên Chúa. Thứ ba, là bởi vì các chân lý thuộc về Thiên Chúa, nhờ đó, được che khuất cách tốt đẹp hơn khỏi những người bất xứng.

 

TIẾT 10

PHẢI CHĂNG TRONG KINH THÁNH, TỪ NGỮ CÓ NHIỀU Ý NGHĨA ?

      VẤN NẠN :  Xem ra môn học thánh, từ ngữ không có nhiều nghĩa.

      1. Các từ ngữ có thể có nhiều nghĩa khác nhau; ý nghĩa lịch sử hay từ ngữ đen, ngụ ý ẩn dụ hoặc đạo đức và bí nhiệm. Vì nhiều ý nghĩa trong cùng một bản văn, tạo nên sự lộn xộn và sự lầm lẫn, cùng làm tiêu tan tất cả sức mạnh của chứng cứ. Bởi đó, không phải chứng cứ nhưng chỉ có những ngụy biện được kết luận do các vấn đề đa dạng phức tạp. Mà Kinh thánh phải có khả năng nói lên chân lý mà không chút sai lầm. vậy, Kinh thánh không thể có từ ngữ hiểu nhiều ý nghĩa.

      2. Thánh Augustinô nói: Cựu ước có bốn phần: Lịch sử, suy-nguyên-luận, suy tư và ngụ ý. Nhưng bốn phần này đi chung với  nhau thì khác biệt với bốn ý nghĩa nói ở vấn nạn 1.

      3. Hơn nữa, ngoài các ý nghĩa này, còn có ngụ ngôn không vào trong bốn phần nói trên.

      TRÁI LẠI : Gregôriô nói: Kinh thánh, do cách thức phát ngôn, vượt lên trên tất cả các khoa học, vì trong cùng một câu, đang khi diễn tả một sự kiện thì mặc khải một màu nhiệm (Maral. 20,21).

      TRẢ LỜI :  Tác giả của Kinh thánh là Thiên Chúa. Việc làm thuộc về quyền năng Thiên Chúa, là biểu thị ý định của Thiên Chúa, không những bằng ngôn ngữ, như nhân loại có thể làm, mà còn bằng chính các sự vật. Như thế, đang khi trong tất cả mọi khoa học, các sự vật được biểu thị bằng ngôn ngữ, thì môn học thánh có đặc tính là các sự vật được biểu thị bằng ngôn ngữ, chính chúng nó lại biểu thịý nghĩa khác nữa. Bởi đó, sự biểu thị thứ nhất sử dụng ngôn ngữ, bày tỏ các sự vật, đó là ý nghĩa thứ nhất, gọi là ý nghĩa lịch sử hay nghĩa đen. Chính sự biểu thị thứ nhất này mà nhờ đó, các sự vật được nói lên bằng ngôn ngữ và có ý nghĩa khác nữa, thì còn được gọi là thiêng liêng: Ý nghĩa thiêng liêng này có căn cứ trên nghĩa đen và giả định nghĩa đen. Còn nghĩa thiêng liêng có ba phần. Vì như Thánh Phaolô nói: Cựu ước là hình ảnh của Tân ước (Đức tin 10,1) và Denys nói: Tân ước là hình ảnh của sự vinh quang đời sau (De Eccl/ Hier. 5,2). Lại nữa, trong Tân ước, bất kì điều gì mà Đầu của chúng ta làm, là kiểu mẫu điều chúng ta phải làm. Bởi đó, theo mức độ các sự vật trong Cựu ước biểu thị các sự vật trong Tân ước, có ý nghĩa ngụ ý theo mức độ các sự vật đã thực hiện nơi Chúa Kitô, hay theo mức độ các sự vật biểu thị Chúa Kitô, là cái lệnh cho điều chúng ta phải làm, có ý nghĩa đạo đức; còn theo mức độ các sự vật biểu thị điều có quan hệ với vinh quang vĩnh cửu, có ý nghĩa bí nhiệm. Vì ý nghĩa đen là ý nghĩa được tác giả chú ý, và bởi vì tác giả của Kinh thánh là Thiên Chúa: Thiên Chúa bằng một hành động đơn nhất, bao gồm tất cả các sự vật do trí năng của Ngài; thánh Augustinô nói: Chính theo nghĩa đen, một từ ngữ trong Kinh thánh có nhiều nghĩa, thật là thích hợp.

      GIẢI ĐÁP :

     1. Sự đa dạng phức tạp của bốn ý nghĩa này không tạo nên sự dùng chữ không rõ nghĩa hay một thứ phức tạp nào khác, vì bốn ý nghĩa này hóa ra nhiều bởi một từ ngữ biểu thị nhiều sự vật; nhưng bởi vì chính các sự vật được biểu thị bởi các từ ngữ, lại biểu thị các sự vật khác. Vậy Kinh thánh không sinh ra sự lẫn lộn, vì tất cả mọi ý nghĩa đều căn cứ vào một ý nghĩa duy nhất, đó là ý nghĩa đen. Từ ý nghĩa đen duy nhất này, rút ra mọi chứng cứ, chứ không phải từ ý nghĩa ngụ ý, như thánh Augustinô chủ trưng. Tuy nhiên, không có gì trong Kinh thánh, mà mai một, bởi việc lấy ra ý nghĩa đen làm nền tảng, vì tất cả những gì cần thiết cho đức tin, đều được chứa đựng trong ý nghĩa thiêng liêng, mà các ý nghĩa thiêng liêng này được Kinh thánh trình bày rõ ràng trong ý nghĩa đen ở nơi khác.

      2.  Ba phần: lịch sử, tầm nguyên luận (suy nguyên luận) và bí nhiệm, được tập hợp nơi ý nghĩa đen. Vì như thánh Augustinô, cái gì được thuật lại, đó là lịch sử; nguyên nhân của các sự kiện lịch sử, được chỉ định đó là tầm-nguyên-luận, như chúng ta thấy tròn sự việc Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao Mô-sê cho phép li dị, tức là, sự cứng lòng của nhân loại (Mt 19,8). Cuối cùng có loại suy, khi một đoạn văn Kinh thánh được trình bày không mâu thuẫn với chân lý của một đoạn văn nữa. Trong bốn phần thì phần ngụ ý thay thế cho ba ý nghĩa thiêng liêng kia. Như vậy, Hugh de saint Victor bao gồm ý nghĩa bí nhiệm vào ý nghĩa ngụ ý, chỉ để lại ba ý nghĩa thôi, đó là ý nghĩa đen, ngụ ý và ẩn dụ.

      3. Ý nghĩa ngụ ý được chứa đựng trong nghĩa đen, vì nhờ từ ngữ mà các sự vật được biểu thị ý nghĩa chính xác và ý nghĩa bóng. Không phải chính hình ảnh là nghĩa đen; nhưng chính sự vật được hình ảnh biểu thị; là nghĩa đen. Khi Kinh thánh nói về cánh tay của Thiên Chúa có một chi thể này, tức là cái quyền năng hành động. Bởi đó, rõ ràng điều này là không có gì sai lầm ở trong nghĩa đen của Kinh thánh.

Người dịch: Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU

Người hiệu đính: Lm. Lud. NGUYỄN VĂN HẠNH

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt