Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 10

 

VẤN ĐỀ 1

THÁNH KINH LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 10

Phải chăng văn bản Thánh Kinh 

có thể hiểu theo nhiều nghĩa?

 

NGHI VẤN. Hình như không thích hợp nếu văn bản Thánh Kinh mang nhiều ý nghĩa, như nghĩa lịch sử hay nghĩa đen, nghĩa phúng dụ, nghĩa ngụ ý hay nghĩa luân lý, và nghĩa nhiệm lai.

1. Sự kiện một chữ trong Thánh Kinh mang nhiều ý nghĩa thường gây hoang mang và lẫm lẫn, làm suy yếu lý chứng: vì thế lý chứng không khởi phát từ những mệnh đề mang nhiều ý nghĩa; một vài lối ngụy biện cũng đã phát sinh từ những mệnh đề đa nghĩa ấy. Nhưng Thánh Kinh phải giãi bày chân lý cách hữu hiệu và không vương chút ngụy biện nào. Cho nên trong Thánh Kinh, với một chữ, không nên trình bày nhiều ý nghĩa.

2. Thánh Augustino nói: Thánh Kinh Cựu Ước được giải thích theo bốn ý nghĩa là: lịch sử, truy nguyên, loại suy và phúng dụ. Nhưng hình như bốn ý nghĩa này hoàn toàn khác với bốn ý nghĩa trên. Cho nên không nên giải thích Thánh Kinh theo bốn ý nghĩa trên kia.

3. Ngoài bốn ý nghĩa trên còn có ý nghĩa hoán dụ, không hàm chứa trong những ý nghĩa đó.

NHƯNG. Thánh Gregorio nói: Thánh Kinh trổi vượt trên mọi khoa học về chính cách diễn đạt, vì với cũng một lời văn đang khi tường thuật biến cố thì đồng thời cũng giãi bày mầu nhiệm.

LUẬN GIẢI. Tác giả của Thánh Kinh là Thiên Chúa, Đấng có thể diễn đạt ý tưởng chẳng những bằng lời nói (là điều con người có thể làm được), mà còn bằng cả chính sự vật nữa. Vì thế một đàng thánh khoa giống mọi khoa học ở chỗ dùng lời nói diễn đạt ý tưởng; đàng khác thánh khoa lại có điều riêng biệt là có thể dùng chính sự vật, được biểu thị trong lời nói để ám chỉ thực tại khác nữa. Cho nên cách diễn đạt thứ nhất, tức là dùng lời nói để chỉ sự vật, thì thuộc về ý nghĩa thứ nhất, là nghĩa lịch sử hay nghĩa đen. Cách diễn đạt thứ hai, qua đó những sự vật đang khi được biểu thị bằng lời nói, thì chính chúng lại giãi bày những vật khác nữa, gọi là nghĩa thiêng liêng, dựa trên nghĩa đen và giả định ý nghĩa ấy.

Nhưng ý nghĩa thiêng liêng này được phân thành ba. Như thánh Phao-lô nói: “luật cũ là hình bóng của luật mới”; còn chính luật mới như ông Dionysio nói, là hình bóng của vinh quang vị lai; và trong luật mới điều được thể hiện nơi Đầu cũng là dấu chỉ của những điều chúng ta phải làm. Như thế những điều hàm chứa trong luật cũ ám chỉ những điều thuộc luật mới, là ý nghĩa phúng dụ. Những điều đã được thể hiện nơi Đức Kitô, hay những điều giãi bày Người, là dấu chỉ những điều chúng ta phải làm, tức là nghĩa luân lý. Còn giãi bày những điều được thể hiện trong vinh quang hằng cửu là nghĩa nhiệm lai.

Vì nghĩa đen là ý nghĩa tác giả nhắm tới: mà tác giả của Thánh Kinh là Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu mọi sự một trật, vì thế, như thánh Augustino đã nói, không có gì bất tiện khi dựa trên nghĩa đen, một bản văn Kinh Thánh có thể có nhiều ý nghĩa.

GIẢI ĐÁP

1. Việc có nhiều ý nghĩa ở đây không gây ra sự hồ hay dẫn đến tình trạng phức tạp như những trường hợp đa nghĩa khác, vì như đã nói (lg), những ý nghĩa gia tăng không phải vì một lời nói ám chỉ nhiều điều; nhưng vì chính sự vật được biểu thị trong lời nói, cũng có thể là dấu chỉ của những vật khác. Do đó trong Thánh Kinh không có sự hàm hồ nào: vì tất cả các ý nghĩa đều xây dựng trên một ý nghĩa, ấy là nghĩa đen; chỉ có thể lập luận dựa trên nghĩa đó, chứ không phải trên những nghĩa bóng, như thánh Augustino đã viết trong thư gửi cho Vinh sơn thuộc phái Donato. Như thế cũng không làm cho Thánh Kinh mất mát gì, vì tất cả những điều cần thiết cho đức tin, hiểu theo nghĩa thiêng liêng, đều được giãi bày cách tỏ tường theo nghĩa đen, ở chỗ này hay chỗ khác trong Thánh Kinh.

2. Ba ý nghĩa lịch sử, truy nguyên, và loại suy thì thuộc về nghĩa đen. Vì ý nghĩa lịch sử, như thánh Augustino giải thích, là khi thuần túy kể lại sự việc; ý nghĩa truy nguyên là khi đưa ra nguyên nhân của điều được nói đến, như khi Chúa đưa ra lý do tại sao ông Môsê cho phép rẫy vợ, đó là vì những người Do thái lòng chai dạ đá; còn ý nghĩa loại suy là khi chân lý của đoạn văn Thánh Kinh được trình bày như không tương phản với chân lý của đoạn văn khác. Còn ý nghĩa phúng dụ, một trong bốn ý nghĩa, được dùng chỉ chung cả ba ý nghĩa thiêng liêng. Hugo Victor, trong sách các Châm ngôn, cuốn 3, do xếp nghĩa nhiệm lai vào loại ý nghĩa phúng dụ nên chỉ kể ra ba ý nghĩa là: lịch sử, phúng dụ và ngụ ý.

3. Nghĩa hoán dụ được hàm chứa trong nghĩa đen: vì trong ngôn từ có điều được biểu thị theo nghĩa đen, có điều được ám chỉ theo nghĩa bóng; và nghĩa đen ở đây không phải là hình bóng, mà là điều được nói bóng. Như khi Thánh Kinh nhắc đến cánh tay Thiên Chúa, thì không hiểu theo nghĩa đen là Thiên Chúa cổ cánh tay nhưng có sức hoạt động là điều mà chi thể ấy ám chỉ. Do đó hiển nhiên là theo nghĩa đen của Thánh Kinh, không bao giờ có chỉ sai lầm.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt