VẤN ĐỀ 2 VỀ SỰ THỰC HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
Chủ đích chính của thánh khoa là trình bày sự nhận biết Thiên Chúa, không những trong chính Người, mà còn như là khởi nguyên và cùng đích của mọi vật, nhất là của thụ tạo có lý trí, như đã nói trên. Do vậy khi chủ tâm trình bày đạo lý này, trước hết chúng tôi bàn về Thiên Chúa (P.I); rồi về sự vận hành của thụ tạo có lý trí về với Thiên Chúa (P.II); về Đức Ki-tô, Đấng theo tư cách con người, là con đường để chúng ta tiến về Thiên Chúa (P.III). Việc nghiên cứu Thiên Chúa gồm ba mục. Trước hết chúng tôi sẽ nghiên cứu những điều thuộc yếu tính; thứ đến nghiên cứu những điều liên quan đến việc phân biệt các Ngôi vị (vđ.27); ba là về việc các vật thụ tạo phát xuất từ Thiên Chúa (vđ.44). Riêng về chính yếu tính Thiên Chúa, trước hết phải nghiên cứu xem Thiên Chúa có hiện hữu chăng; thứ đến, Người hiện hữu cách nào, hay đúng hơn là Người không hiện hữu cách nào (vđ.3); ba là những điều thuộc về hoạt động của Người, nghĩa là về tri thức, về ý muốn và quyền năng của Người (vđ.14). Về điểm thứ nhất, cần tìm hiểu ba điều: 1. Phải chăng Thiên Chúa hiện hữu là điều tự hiển minh? 2. Phải chăng đó là điều có thể chứng minh? 3. Phải chăng Thiên Chúa thực hữu?
MỤC 1 Phải chăng “Thiên Chúa hiện hữu” là điều tự hiển minh?
NGHI VẤN. Hình như “Thiên Chúa hiện hữu là điều tự hiển minh. 1. Những điều được ta biết cách tự nhiên thì được kể là tự hiển minh, như trường hợp những nguyên lý thủ yếu. Vậy thánh Damasceno quả quyết ở đầu cuốn sách của người rằng: việc nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa được ghi khắc nơi mọi người cách tự nhiên. Cho nên “Thiên Chúa thực hữu" là điều tự hiển minh. 2. Những mệnh đề được nhận biết ngay khi biết các vế của chúng cũng được kể là tự hiển minh: đó là điều nhà Hiền triết gán cho các nguyên lý đệ nhất dùng để chứng minh, như hễ biết toàn thể là gì và thành phần là gì, thì biết ngay được toàn thể lớn hơn thành phần. Vậy hễ biết hạn từ Thiên Chúa là gì thì lập tức cũng biết là Thiên Chúa hiện hữu, vì với danh từ ấy ta ám chỉ điều vĩ đại nhất mà ta có thể quan niệm: nhưng điều có cả trong trí tuệ và trong thực tại thì vĩ đại hơn điều chỉ có trong trí tuệ. Bởi đó, một khi hiểu được danh từ Thiên Chúa, tức khắc Thiên Chúa có trong trí tuệ, và nhiên hậu cũng có trong thực tại. Cho nên “Thiên Chúa thực hữu” là điều tự hiển minh. 3. Mặt khác, “có sự thật” là điều tự hiển minh: ai chối rằng không có sự thật tức là thừa nhận có sự thật; vì nếu đích thị “không có sự thật” thì ít ra mệnh đề đó là thật. Vậy nếu đã có điều gì thật, ắt phải có sự thật. Mà Thiên Chúa là chính sự thật, như thánh Gioan chép: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Cho nên “Thiên Chúa hiện hữu” là điều tự hiển minh. NHƯNG. Không ai có thể quan niệm ngược với điều tự hiển minh, như nhà Hiền triết đã trình bày khi bàn về những nguyên lý đệ nhất dùng để chứng minh. Nhưng người ta có thể quan niệm ngược với khẳng định “Thiên Chúa hiện hữu”, như Tv 52, 1 viết: “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chỉ có Thiên Chúa”. Cho nên “Thiên Chúa hiện hữu” không phải là điều tự hiển minh. LUẬN GIẢI. Một điều có thể tự hiển minh theo hai cách: một là nguyên nó chứ không đối với chúng ta; hai là nguyên nó và đối với chúng ta. Sở dĩ một mệnh đề tự hiển minh là vì thuộc từ của nó hàm chứa trong quan niệm của chủ từ, như: mệnh đề “con người là động vật” là điều tự hiển minh, vì động vật hàm chứa trong quan niệm con người. Nếu mọi người đều biết túc từ và chủ từ là gì, thì mệnh đề đó là mệnh đề hiển minh đối với mọi người: như trường hợp những nguyên lý đệ nhất dùng để chứng minh, những hạn từ của chúng là điều thông thường đến nỗi chả ai không biết, như hữu thể và phi hữu, toàn thể và thành phần, và những thứ tương tự như thế. Nhưng nếu có ai không biết nội dung của thuộc từ và chủ từ là gì, thì tuy mệnh đề ấy nguyên nó là hiển minh, nhưng không phải là hiển minh đối với những ai không biết nội dung túc từ và chủ từ của mệnh đề đó. Sở đã xảy ra như thế là vì có những quan niệm chung và tự hiển minh đối với những nhà thông thái mà thôi, như vật vô chất thì không chiếm chỗ. Do đó, tôi cho rằng: mệnh đề Thiên Chúa hiện hữu nguyên nó là mệnh đề tự hiển minh: vì thuộc từ thì đồng nhất với chủ từ: Thiên Chúa là chính sự hiện hữu của mình, như sẽ thấy dưới đây (vđ.3, m.4). Nhưng mệnh đề đó không phải là hiển minh đối với chúng ta, vì chúng ta không biết bản tính của Thiên Chúa. Thành thử nó cần phải được chứng minh bằng những điều được ta biết rõ hơn, ấy là bằng những công hiệu, mặc dầu theo bản tính thì công hiệu lại kém phần rõ rệt. GIẢI ĐÁP 1. Thực ra, tự nhiên chúng ta biết một cách mờ mờ là có Thiên Chúa, vì lẽ Thiên Chúa là hạnh phúc của con người: tự nhiên con người muốn được hạnh phúc, và điều gì con người tự nhiên ước muốn thì được con người nhận biết cách tự nhiên. Nhưng như thế thực sự không phải là biết Thiên Chúa hiện hữu, cũng như khi ta biết có ai đang đến, không có nghĩa là biết Phêrô, mặc dầu Phêrô là người đang đến. Vì nhiều người cho điều thiện hoàn bị của con người, tức là hạnh phúc, hệ tại tài sản; có người cho là hệ tại khoái lạc; có người cho là hệ tại điều gì khác nữa. 2. Khi nghe danh từ Thiên Chúa không hẳn mọi người đều hiểu là điều vĩ đại nhất người ta có thể quan niệm, vì có người cho Thiên Chúa là vật thể. Cho dù ai ai cũng hiểu danh từ Thiên Chúa là điều vĩ đại nhất ta có thể quan niệm đi nữa, thì cũng không tất nhiên là điều được quan niệm như thế phải có trong thực tại, nhưng chỉ có trong quan niệm của trí khôn. Cũng không thể chứng minh hữu thể đó có trong thực tại, đừng kể khi giả thiết rằng điều vĩ đại nhất, mà ta có thể quan niệm, hiện hữu trong thực tại: đó là điều những ai, chủ trương không có Thiên Chúa, cho là không có thực. 3. Hiện hữu của sự thật nói chung là điều hiển minh; nhưng sự hiện hữu của sự thật đệ nhất lại không hiển minh đối với chúng ta.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC