Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 3

 

VẤN ĐỀ 1

THÁNH KINH LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 3

Phải chăng thánh khoa là khoa học thuần nhất?

 

NGHI VẤN. Hình như thánh khoa không phải là khoa học thuần nhất.

1. Nhà Hiền triết viết trong cuốn I Post.: “Khoa học có chủ thể thuần loại là khoa học thuần nhất”. Vậy thánh khoa bàn về Đấng Tạo Hoá và về vật thụ tạo, những chủ thể không thuần loại. Cho nên thánh khoa không phải là khoa học thuần nhất.

2. Thánh khoa cũng bàn về các Thiên thần, về những vật thụ tạo hữu hình, và về phong hoá nhân loại, là những điều thuộc nhiều môn triết học. Cho nên không phải là khoa học thuần nhất.

NHƯNG. Thánh Kinh nói về thánh khoa như về một khoa học thuần nhất, vì sách Khôn ngoan có câu: “[khôn ngoan] ban cho ông (Gia-cóp) biết những kiến thức của các thánh”.

LUẬN GIẢI. Thánh khoa là khoa học thuần nhất. Vì sự thuần nhất của tài năng và tập quán hệ tại đối tượng, không theo khía cạnh chất thể, mà là lý tính mô thể của đối tượng: chẳng hạn, con người, con lừa và hòn đá, giống nhau trong cũng một lý tính mô thể của màu sắc, nên đều là đối tượng của thị giác. Bởi vì thánh khoa bàn về một số vấn đề như được Thiên Chúa mặc khải. Mà, như đã nói trên, phàm chỉ có thể được Thiên Chúa mặc khải thì giống nhau ở chỗ chúng đều là đối tượng mô thể của khoa học này, cho nên được gồm thâu trong thánh khoa, như trong một khoa học thuần nhất.

GIẢI ĐÁP.

1. Thánh khoa không bàn về Thiên Chúa và các vật thụ tạo như nhau, nhưng chủ yếu bàn về Thiên Chúa, còn bàn về những vật thụ tạo như có tương quan với Thiên Chúa là khởi nguyên và cứu cánh của chúng. Vì thế không cản trở tính thuần nhất của khoa học.

2. Không chi cản trở để những tài năng và tập quán hạ cấp vốn khác nhau về đối tượng, cùng được chi phối bởi cũng một tài năng hay tập quán cao hơn: tài năng hay tập quán cao cấp nghiên cứu đối tượng theo lý tính mô thể cao hơn. Ví dụ đối tượng của công giác là điều khả cảm, gồm thâu cả điều khả thị và khả thính: do đó, công giác, dù là một tài năng nhưng vẫn bao trùm mọi đối tượng của cả năm giác quan. Cũng một lẽ, thần học, dù là khoa học thuần nhất, cũng có thể nghiên cứu những điều được bàn trong các bộ môn khác nhau của Triết học, dưới một khía cạnh duy nhất này là: chúng có thể được Thiên Chúa mặc khải. Như vậy thánh khoa là như bản sao của tri thức Thiên Chúa, là tri thức đơn thuần và duy nhất hơn hết.

 


 MỤC 4
 MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt