VẤN ĐỀ 10 VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 2 Phải chăng Thiên Chúa thì hằng cửu?
NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không hằng cửu. 1. Những chỉ được làm nên thì không thể gán cho Thiên Chúa. Nhưng hằng cửu là điều được làm nên, vì Boetio nói: cái “hiện tại” trôi qua làm thành thời gian, cái “hiện tại” bất biến làm thành sự hằng cửu; thánh Augustino cũng nói: Thiên Chúa là tác giả của sự hằng cửu. Cho nên Thiên Chúa không hằng cửu. 2. Phàm chi có trước hoặc có sau sự hằng cửu thì không được đo lường bởi sự hằng cửu. Mà Thiên Chúa thì có trước sự hằng cửu, như thấy trong sách Về các căn nguyên, lại sau sự hằng cửu nữa, như thấy trong sách Xuất hành: “Chúa hiển trị vĩnh viễn và hơn thế nữa”. Cho nên hằng cửu không phù hợp với Thiên Chúa. 3. Hằng cửu là một thứ thước đo. Nhưng được đo lường là điều không phù hợp với Thiên Chúa. Cho nên hằng cửu không phù hợp với Thiên Chúa. 4. Trong hằng cửu không có hiện tại, quá khứ và tương lai, vì là toàn thể một trật, như đã nói (m.1). Nhưng trong Thánh Kinh những lời chỉ thời hiện tại, quá khứ và tương lai lại được gán cho Thiên Chúa. Cho nên Thiên Chúa không hằng cửu. NHƯNG. Thánh Athanasio viết: “Chúa Cha hằng cửu, Chúa Con hằng cửu, Chúa Thánh Thần hằng cửu”. LUẬN GIẢI. Lý tính của sự hằng cửu dẫn xuất bởi sự bất khả biến, như lý tính của thời gian dẫn xuất bởi chuyển dịch, như đã chứng minh trên (m.1). Vậy, vì Thiên Chúa là Đấng bất khả biến tuyệt đối, nên sự hằng cửu cũng phù hợp với Người cách tuyệt đối. Người chẳng những là hằng cửu, mà còn là chính sự hằng cửu; trái lại không vật nào là sự lưu tồn của mình, vì không vật nào là chính hiện hữu của mình. Nhưng Thiên Chúa là hiện hữu thuần nhất của mình. Cho nên, cũng như Thiên Chúa là chính yếu tính của mình thì Người cũng là sự hằng cửu của mình. GIẢI ĐÁP. 1. Sở dĩ Hiện tại bất biến được coi như làm nên sự hằng cửu là lối hiểu biết của chúng ta. Vì như ta nhờ thâu nhận cái hiện trôi qua mà nhận ra thời gian, thì cũng nhờ thâu nhậncái hiện tại bất biến mà nhận ra hằng cửu. Còn việc thánh Augustino nói Thiên Chúa là tác giả của sự hằng cửu thì phải hiểu về sự hằng cửu được thông dự; cũng như Thiên Chúa thông ban sự bất khả biến của mình cho một vài vật, thì cũng thông ban sự hằng cửu của mình như thế. 2. Cũng có thể dựa vào điều trên đây mà giải đáp nghi vấn thứ hai. Vì khi nói rằng Thiên Chúa có trước sự hằng cửu thì phải hiểu là sự hằng cửu Người thông ban cho các vật vô chất. Cho nên trong sách ấy cũng thấy viết: trí tuệ và hằng cửu thì bằng nhau. Để hiểu điều nói trong sách Xuất hành: “Đức Chúa hiển trị vĩnh viễn và hơn thế nữa” thì phải biết rằng, ở đây hằng cửu được hiểu như thế kỷ, vì thế có bản dịch kiểu khác. Bởi đó khi nói hiển trị vĩnh viễn và hơn thế nữa, là lâu dài hơn mọi thế kỷ, nghĩa là hơn bất cứ sự lâu dài phân minh nào: vì thế kỷ là thời kỳ của mỗi vật chứ không phải chi khác, như nhà Hiền triết đã nói. Hoặc sở dĩ nói rằng “hiển trị vĩnh viễn và hơn thế nữa” là vì dù có cái gì hằng cửu (như sự xoay vần của các thiên thể, theo ý kiến của một số triết gia), nhưng Thiên Chúa còn hiển trị hơn nữa, vì triều đại Người có toàn thể một trật. 3. Sự hằng cửu không phải là chi khác ngoài chính Thiên Chúa. Vì thế không nói Thiên Chúa thì hằng cửu như thể được đo lường cách nào đó; nhưng ở đây quan niệm thước đo được đưa vào vì lối hiểu biết của chúng ta thôi. 4. Ở đây những từ chỉ thời gian khác nhau được gán cho Thiên Chúa, vì sự hằng cửu của Người gồm thâu mọi thời gian: không phải vì Người thay đổi trong hiện tại, quá khứ và tương lai.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC