VẤN ĐỀ 10 VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 3 Phải chăng vĩnh cửu là thuộc tính riêng của Thiên Chúa?
NGHI VẤN. Hình như vĩnh cửu không phải là thuộc tính riêng của Thiên Chúa. 1. Sách ngôn sứ Đa-ni-en có viết: “Những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng đến muôn trùng vĩnh cửu như những vì sao". Nhưng không có nhiều hằng cửu, nếu chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu. Cho nên không phải chỉ Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu. 2. Trong Tin Mừng thánh Mát-thêu có chép: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi... mà vào lửa hằng cửu. Cho nên không phải chỉ một mình Thiên Chúa là hằng cửu. 3. Phàm điều gì tất yếu đều hằng cửu. Nhưng có nhiều điều tất yếu: như tất cả các nguyên lý tự hiển minh, và tất cả các mệnh đề hiển minh. Cho nên không phải chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu. NHƯNG. Thánh Giêrônimô viết: “Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vô thủy”. Nhưng phàm chi hữu thủy thì không phải là vĩnh cửu. Cho nên chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu. LUẬN GIẢI. Sự hằng cửu đích thực và sát nghĩa chỉ thấy nơi Thiên Chúa. Vì sự hằng cửu dẫn xuất bởi sự bất khả biến như đã thấy trên đây (m.1). Mà chỉ một mình Thiên Chúa là bất khả biến tuyệt đối, như đã chứng minh (vđ.9 m.2). Nhưng một vật nhận được sự bất khả biến từ Thiên Chúa theo mức độ nào thì nó cũng thông dự sự hằng cửu của Người theo mức độ ấy. Vậy có những vật được Thiên Chúa cho tham dự sự bất khả biến đến độ không bao giờ mất hiện hữu: và theo nghĩa này sách Giảng Viên viết: “trái đất vĩnh viễn trường tồn”. Trong Thánh Kinh có vật mặc dầu hay hư nát nhưng cũng được gọi là hằng cửu vì bền bỉ lâu dài, như Thánh vịnh nói: “những núi non vĩnh cửu” (Vg) và sách Đệ Nhị Luật: “sản phẩm của đồi nương hằng cửu” (Vg). Cũng còn những vật được thông dự lý tính của sự hằng cửu nhiều hơn, vì chẳng những bất khả biến về hữu thể, lại về cả hoạt động nữa, như nơi các thiên thần và các phúc nhân được hưởng kiến Ngôi Lời, vì xét về việc hưởng kiến ấy, các thánh không còn những tư tưởng mau qua, như thánh Augustino đã nói. Cho nên những ai thị kiến Thiên Chúa được gọi là có sự sống vĩnh cửu, theo lời thánh Gioan: “sự sống vĩnh cửu đó là họ nhận biết...” GIẢI ĐÁP. 1. Nói rằng có nhiều hằng cửu vì có nhiều người tham dự sự hằng cửu do chính việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. 2. Lửa địa ngục được gọi là hằng cửu chỉ vì là bất tận mà thôi. Nhưng có sự thay đổi trong những hình phạt, như lời sách Gióp: “Họ sẽ trải qua từ nước của tuyết đông sang lửa nóng rực”. Cho nên trong địa ngục không có sự hằng cửu đích thực, nhưng có thời gian lâu dài thì đúng hơn, như lời Thánh vịnh (81,16 Vg): “Thời gian của chúng sẽ kéo dài nhiều thế kỷ”. 3. Hạn từ tất yếu ám chỉ một cách thức của chân lý. Còn điều chân thật thì có trong trí khôn, như nhà Hiền triết nói. Do đó điều chân thật và điều tất yếu thì hằng cửu, vì có trong trí khôn hằng cửu, là trí khôn duy nhất của Thiên Chúa. Cho nên không thể có chi hằng cửu ngoài Thiên Chúa.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC