Triết học tôn giáo

Vấn đề 10. Về sự hằng cửu của Thiên Chúa. Mục 4

 

VẤN ĐỀ 10

VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 4

Phải chăng hằng cửu thì khác với thời gian?

 

NGHI VẤN. Hình như hằng cửu không khác với thời gian.

1. Không thể có hai thước đo sự lâu dài một trật, đừng kể thước này là phần của thước kia: vì không có hai ngày, hai giờ một trật; nhưng có ngày và giờ một trật, vì giờ là phần của ngày. Nhưng hằng cửu và thời gian thì có một trật: mà cả hai đều hàm súc thứ thước đo sự lâu dài. Vậy sự hằng cửu không phải là phần của thời gian: vì vượt trên và bao hàm thời gian. Cho nên hình như thời gian là phần của sự hằng cửu, chứ không khác với nó.

2. Theo nhà Hiền triết, cái hiện tại của thời gian thì y nguyên trong toàn thể thời gian. Mà hình như đều tồn tại y nguyên bất khả phân suốt dòng thời gian làm nên lý tính của sự hằng cửu. Cho nên sự hằng cửu là cái hiện tại của thời gian. Nhưng theo bản tính, cái hiện tại của thời gian là thời gian, chứ không phải chi khác. Cho nên, theo bản tính, sự hằng cửu không khác với thời gian.

3. Theo nhà Hiền triết, như thước đo sự chuyển động thứ nhất là thước đo mọi chuyển động, thì hình như thước đo hiện hữu thứ nhất cũng là thước đo mọi hiện hữu. Nhưng sự hằng cửu là thước đo hiện hữu thứ nhất, tức là hiện hữu của Thiên Chúa. Cho nên hằng cửu là thước đo mọi hiện hữu. Nhưng hiện hữu của các vật hay hư nát được đo bằng thời gian. Cho nên thời gian hoặc là sự hằng cửu, hoặc là chi đó của hằng cửu.

NHƯNG. Hằng cửu là toàn thể một trật: mà trong thời gian thì có trước có sau. Cho nên hằng cửu không đồng nhất với thời gian.

LUẬN GIẢI. Hiển nhiên là thời gian và hằng cửu không như nhau. Nhưng có người cho lý tính của sự khác biệt này hệ tại hằng cửu thì vô thủy vô chung, còn thời gian thì hữu thủy hữu chung. Nhưng sự khác biệt đó là phụ thuộc, chứ không phải tự thể. Vì dẫu thời gian đã có luôn luôn và sẽ lưu tồn mãi mãi, như lập trường của những người cho rằng bầu trời xoay vần vĩnh viễn, thì vẫn có sự khác biệt giữa hằng cửu và thời gian, như Boetio nói. Đó là vì sự hằng cửu thì có toàn thể một trật, là điều không phù hợp với thời gian: hằng cửu là thước đo của hữu thể thường tồn, còn thời gian là thước đo của chuyển động.

Nếu chúng ta áp dụng sự khác biệt ấy vào những vật được đo lường chứ không phải thước đo, thì lập luận này có phần hữu lý: vì chỉ có vật hữu thủy hữu chung trong thời gian mới được đo lường bằng thời gian, như nhà Hiền triết đã nói. Vì thế nếu sự xoay vần của bầu trời tồn tại mãi, thì thời gian không đo lường nó trong tất cả sự lâu dài của nó, vì điều hằng cửu thì không thể đo lường; nhưng sẽ đo lường từng đợt xoay vần một của nó, là thứ hữu thủy hữu chung trong thời gian.

Khi áp dụng sự khác biệt ấy vào sự đo lường thì lập luận ấy vẫn có phần hữu lý, nếu ta hiểu “thủy” “chung” theo tiềm năng. Vì dẫu thời gian tồn tại mãi, vẫn có thể xác định “thủy” “chung” của những quãng thời gian, như chúng ta nói đầu và cuối của năm hay ngày, là điều không xảy ra trong hằng cửu.

Nhưng những khác biệt ấy phát xuất từ sự khác biệt ưu tiên và tự thể, nghĩa là hằng cửu thì có toàn thể một trật, còn thời gian thì không.

GIẢI ĐÁP

1. Lý lẽ viện dẫn có thể được chấp nhận, nếu thời gian và hằng cửu là thước đo đồng loại: nhưng hiển nhiên không phải như thế, nếu ta để ý đến những vật mà thời gian và hằng cửu đo lường.

2. Xét về chủ thể, cái “hiện tại” của thời gian thì vẫn y nguyên trong suốt dòng thời gian, nhưng xét về lý tính thì có sự thay đổi. Vì như thời gian tương ứng với sự chuyển động, thì cái “hiện tại” của thời gian tương ứng với vật được chuyển động; xét về mặt chủ thể thì vật được chuyển động vẫn y nguyên trong suốt dòng thời gian, nhưng xét về lý tính thì thay đổi: lúc ở chỗ này lúc ở chỗ nọ, và sự luân chuyển này là sự chuyển động. Cũng vậy, dòng chảy của cái “hiện tại”, xét như thay đổi theo lý tính, thì là thời gian. Còn hằng cửu thì tồn tại y nguyên xét về chủ thể cũng như lý tính. Cho nên hằng cửu không đồng nhất với cái "hiện tại" của thời gian.

3. Như hằng cửu là thước đo riêng của hiện hữu, thì thời gian cũng là thước đo riêng của sự chuyển động. Cho nên, một vật tách xa sự trường tồn của hiện hữu, và lệ thuộc vào sự thay đổi chừng nào, thì cũng tách xa sự hằng cửu và lệ thuộc vào thời gian chừng ấy. Quả thực, thời gian chẳng những đo lường những vật thực sự thay đổi, mà cả những vật có thể thay đổi nữa. Cho nên nó đo lường chẳng những sự chuyển động, lại cả sự yên nghỉ của những vật có thể chuyển động, dù hiện không chuyển động.

 


 MỤC 5
 MỤC 3

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt