Triết học tôn giáo

Vấn đề 11. Về sự đơn nhất của Thiên Chúa. Mục 4

 

VẤN ĐỀ 11

VỀ SỰ ĐƠN NHẤT CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 4

Phải chăng Thiên Chúa thì đơn nhất tuyệt đối?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không đơn nhất tuyệt

1. “Một” là nói về vật thiếu sự phân chia. Nhưng sự thiếu không chấp nhận hơn kém. Cho nên không thể nói Thiên Chúa là “một” hơn những vật khác cũng là “một”.

2. Không chi bất khả phân cho bằng điều bất khả phân theo hiện thể và tiềm thể, như điểm và đơn vị. Nhưng sở dĩ vật nào đó được gọi là một vì là vật bất khả phân. Cho nên Thiên Chúa không là một hơn điểm và đơn vị.

3. Điều tốt do yếu tính là điều tốt tột mức; cho nên điều là “một” do yếu tính cũng là một tột mức. Nhưng mọi hữu thể là một theo yếu tính, như nhà Hiền triết đã nói. Cho nên mọi hữu thể là một tột mức. Cho nên Thiên Chúa không đơn nhất hơn các hữu thể khác.

NHƯNG. Thánh Bernardo nói: trong các vật được mệnh danh là một, thì sự đơn nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi là tuyệt đỉnh.

LUẬN GIẢI. Vì một là hữu thể bất khả phân, nên để vật nào là một tột mức thì vật ấy phải là hữu thể tuyệt đối và bất khả phân tuyệt đối. Mà cả hai điều đó đều phù hợp với Thiên Chúa. Quả thực, Người là hữu thể tuyệt đối, vì sự hiện hữu của Người thì tuyệt đối không bị hạn định bởi một bản tính ngoại lai nào, mà là sự hiện hữu tự lập hữu và vô hạn về mọi mặt. Cũng là hữu thể bất khả phân tuyệt đối, vì không bị phân chia trong hiện thể và tiềm thể, bất cứ cách nào, mà là đơn thuần về mọi mặt, như đã chứng minh (vđ. 3 m.7). Cho nên hiển nhiên Thiên Chúa là thuần nhất tuyệt đối.

GIẢI ĐÁP

1. Dù nguyên nó, sự khuyết phạp không chấp nhận hơn và kém, nhưng điều đối lập với nó chấp nhận hơn kém theo mức độ nào thì chính những vật thiếu sót cũng được coi là thiếu sót hơn kém theo mức độ đó. Vì thế, tùy theo một vật được phân chia hay có thể được phân chia nhiều hay ít, hoặc không mảy may, mà vật ấy được gọi là đơn nhất hơn, kém hay tột mức.

2. Điểm và đơn vị, như khởi đầu của số, không phải là những hữu thể tột mức, vì chúng chỉ hiện hữu nơi một chủ thể nào đó. Cho nên cả điểm lẫn đơn vị chả thứ nào là một tột mức. Vậy vì chủ thể không phải là một tột mức, thì do sự khác biệt giữa phụ thể và chủ thể, nên [phải nói] cả phụ thể cũng không.

3. Mặc dầu mọi hữu thể là một theo bản thể, nhưng không phải bản thể nào cũng phát sinh ra sự đơn nhất như nhau; vì bản thể của một số vật thì kép bởi nhiều yếu tố, còn của một số vật khác thì không.

 


 VẤN ĐỀ 12
 MỤC 3

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt