Triết học tôn giáo

Vấn đề 3. Về sự đơn thuần của Thiên Chúa. Mục 7

 

VẤN ĐỀ 3

VỀ SỰ ĐƠN THUẦN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 7

Phải chăng Thiên Chúa hoàn toàn đơn thuần?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không hoàn toàn đơn thuần.

1. Phàm chi bởi Thiên Chúa thì bắt chước Thiên Chúa; như thế từ hữu thể đệ nhất phát xuất ra mọi hữu thể, từ điều thiện đệ nhất phát xuất ra mọi điều thiện. Nhưng nơi các vật bởi Thiên Chúa chẳng có chi hoàn toàn đơn thuần. Cho nên Thiên Chúa không hoàn toàn đơn thuần.

2. Phàm chỉ là tuyệt hảo thì phải gán cho Thiên Chúa. Nhưng nơi chúng ta những phức thể thì hoàn hảo hơn những đơn thể: như hợp chất thì hoàn hảo hơn nguyên tố, và nguyên tố thì hơn thành phần của chúng. Cho nên không nên nói Thiên Chúa thì hoàn toàn đơn thuần.

NHƯNG. Thánh Augustino nói: Quả thật Thiên Chúa đơn thuần tuyệt đối.

LUẬN GIẢI. Phải nói rằng Thiên Chúa hoàn toàn đơn thuần và có thể chứng minh nhiều cách.

Một là, căn cứ vào những điều đã nói (trong vđ.3 này). Vì nơi Thiên Chúa không có sự phức hợp của những phần định lượng, và Người không phải là vật thể, cũng không phức hợp bởi chất thể và mô thể: nơi Người bản tính không khác với bản vị; yếu tính cũng không khác với hiện hữu; cũng không có sự phức hợp của giống và dị điểm; của chủ thể và phụ thể: hiển nhiên Thiên Chúa không phức hợp cách nào hết, mà tuyệt đối đơn thuần.

Hai là, mọi phức thể thì có sau những thành tố và lệ thuộc vào chúng. Nhưng Thiên Chúa là hữu thể đệ nhất, như đã chứng minh (vđ.2, m.3).

Ba là, mọi phức thể đều có căn nguyên, vì chỉ do căn nguyên nối kết mà những cái khác nhau mới phối hợp nên một. Nhưng Thiên Chúa không có căn nguyên, như đã chứng minh, vì là tác căn đệ nhất.

Bốn là, trong mọi phức thể đều có tiềm thể và hiện thể; mà điều đó không có nơi Thiên Chúa: vì hoặc một trong các phần là hiện thể của phần khác; hay ít ra tất cả các phần là như tiềm thể đối với toàn thể.

Năm là, vì phức thể thì khác với mỗi thành phần của nó. Đó là điều hiển nhiên nơi các vật phức hợp bởi những thành phần dị tính: không có thành phần nào của con người là con người, cũng chẳng có thành phần nào của chân là chân. Còn nơi các vật phức hợp bởi những phần đồng tính, dù có cái chỉ về toàn bộ cũng có thể chỉ cho thành phần, như phần không khí là không khí, phần nước là nước; nhưng cũng có cái chỉ về toàn bộ lại không phù hợp với từng phần, chẳng hạn nếu tất cả lượng nước là hai thước khối thì lại không thể nói như thế về mỗi phân lượng nước. Cho nên nơi mọi phức thể có cái gì không phải là chính phức thể. Điều đó mặc dầu có thể nói về vật có mô thể (như nơi vật trắng có cái gì không phải là chính sắc trắng), nhưng nơi chính mô thể không có gì dị tính. Vậy vì Thiên Chúa là mô thể, hay nói đúng hơn, là chính hữu thể, cho nên tuyệt nhiên không thể là phức thể. Đó là điều thánh Hilario đã dạy khi tuyên bố rằng, Thiên Chúa là sức mạnh không hợp thành bởi những điều yếu kém, và Người là ánh sáng không hội tụ bởi những bóng mờ.

GIẢI ĐÁP.

1. Những chi bởi Thiên Chúa thì hoạ theo Thiên Chúa như vật thụ tác họa theo tác căn đệ nhất. Vật thụ tác nhất thiết là phức thể cách nào đó: vì ít ra hiện hữu của nó thì khác với yếu tính, như sẽ thấy dưới đây.

2. Nơi chúng ta, vật kép thì hoàn hảo hơn vật đơn, vì sự thiện hảo hoàn bị của thụ tạo không có nơi một vật đơn độc, mà do nhiều vật hợp thành. Nhưng sự thiện hảo hoàn bị của Thiên Chúa hệ tại sự duy nhất và đơn thuần của Người, như sẽ nói sau.

 


MỤC 8
MỤC 6

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt