Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 5

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 5

Để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa

trí khôn thụ tạo có cần ánh sáng thụ tạo nào chăng?

 

NGHI VẤN. Để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa hình như trí khôn thụ tạo không cần ánh sáng thụ tạo nào khác.

1. Quả thực trong các vật khả cảm, vật nào nguyên nó đã đủ sáng thì không cần ánh sáng khác để được xem thấy: cho nên trong các vật khả hội cũng không cần. Nhưng Thiên Chúa là ánh sáng khả hội. Cho nên hình như Người không cần ánh sáng thụ tạo nào khác để được nhìn thấy.

2. Nếu Thiên Chúa được nhìn thấy qua trung gian thì Người không được nhìn thấy trong yếu tính. Mà khi được nhìn thấy qua ánh sáng thụ tạo là được nhìn thấy qua trung gian. Cho nên Thiên Chúa không được nhìn thấy trong yếu tính của Người.

3. Điều gì đã được tác tạo thì không có chi cản trở để nó là điều tự nhiên đối với thụ tạo nào đó. Nếu yếu tính Thiên Chúa được nhìn thấy qua ánh sáng thụ tạo nào đó thì ánh sáng ấy có thể trở thành điều tự nhiên đối với thụ tạo ấy. Và như vậy thụ tạo này không cần ánh sáng nào khác để nhìn thấy Thiên Chúa: Đó là điều không thể có. Cho nên để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, không nhất thiết là mọi thụ tạo đều cần phải có ánh sáng tăng cường.

NHƯNG. Thánh vịnh có câu: “trong ánh sáng của Ngài chúng con nhìn thấy ánh sáng”.

LUẬN GIẢI. Để một vật được cất nhắc vượt trên bản tính của nó thì vật ấy phải được chuẩn bị trước bằng thứ chỉnh bị vượt trên bản tính của nó: ví dụ, nếu không khí phải đón nhận mô thể của lửa thì phải được chuẩn bị trước để đón nhận mô thể ấy. Vậy khi trí khôn thụ tạo nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, thì yếu tính Thiên Chúa trở thành mô thể khả hội của trí khôn. Cho nên cần phải có chỉnh bị siêu nhiên thêm vào để đưa nó lên cấp độ cao sang ấy. Mà vì sức tự nhiên của trí khôn thụ tạo không đủ để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, như đã chứng minh ở trên (m.4), cho nên sức hiểu biết của nó cần phải được tăng cường bởi ân sủng của Thiên Chúa. Và chúng tôi gọi sự tăng cường sức hiểu biết này là sự soi sáng trí khôn; cũng như chính điều khả hội được gọi là ánh sáng. Và đây cũng là ánh sáng được nhắc đến trong sách Khải huyền: “có vinh quang Thiên Chúa chiếu soi thành”, nghĩa là cộng đoàn các phúc nhân đang hưởng kiến Thiên Chúa. Nhờ ánh sáng này mà các ngài được thần hoá, nghĩa là nên giống như Thiên Chúa, theo lời thánh Gioan: “Khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

GIẢI ĐÁP

1. Nếu ánh sáng thụ tạo cần thiết để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, thì không phải là ánh sáng này làm cho yếu tính Thiên Chúa trở nên khả hội, vì yếu tính ấy vốn đã khả hội rồi; nhưng là để cho trí khôn đủ sức để hiểu biết, cũng một cách như nhờ tập quán mà tài năng trở nên cường tráng hơn; hoặc như ánh sáng thể lý cần thiết để nhìn thấy những vật bên ngoài, vì làm cho môi trường trở nên trong suốt thực sự, để thị giác được màu sắc tác động.

2. Để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa thì ánh sáng ấy không cần thiết như ảnh niệm biểu thị Thiên Chúa, mà như sự hoàn bị nào đó của trí khôn, kiện cường nó để nhìn thấy Thiên Chúa. Vì thế có thể nói, không phải như trung gian trong đó, mà như trung gian nhờ đó Thiên Chúa được nhìn thấy. Và điều đó không hủy diệt sự trực tiếp thị kiến Thiên Chúa.

3. Như sự chỉnh bị để tiếp nhận mô thể của lửa chỉ có thể là tự nhiên đối với chủ thể có mô thể của lửa, thì ánh vinh quang cũng chỉ có thể là tự nhiên đối với thụ tạo có bản tính Thiên Chúa. Điều đó không thể có. Thực ra, do ánh sáng ấy vật thụ tạo có lý trí được thần hoá, như đã nói trên (lg).

 


 MỤC 6
 MỤC 4

 


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt