VẤN ĐỀ 12 THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh
MỤC 6 Trong những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, người nọ có nhìn thấy cách hoàn bị hơn người kia chăng?
NGHI VẤN. Hình như trong những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, người nọ không nhìn thấy cách hoàn bị hơn người kia. 1. Thánh Gioan viết: “Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Cho nên Người sẽ được mọi người nhìn thấy như nhau. Bởi vậy, không có mức độ hoàn bị hơn kém. 2. Thánh Augustino nói: Đối với cũng một vật, người nọ không thể hiểu biết hơn người kia. Nhưng phàm ai xem thấy yếu tính Thiên Chúa thì hiểu biết yếu tính ấy: Thiên Chúa được nhìn thấy bằng trí khôn, chứ không phải bằng giác quan, như đã nói trên (m.3). Cho nên trong những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, người nọ không nhìn thấy minh bạch hơn người kia. 3. Việc một điều nào đó được người này nhìn thấy cách hoàn bị hơn người kia có thể xảy ra theo hai cách: hoặc do phía đối tượng, hoặc do thị lực của người nhìn. Do phía đối tượng, vì đối tượng được thâu nhận vào người nhìn cách hoàn bị hơn, nghĩa là theo hoạ ảnh hoàn bị hơn. Nhưng ở đây không xảy ra điều đó: thực vậy, Thiên Chúa hiện diện trong trí khôn nhìn thấy yếu tính của Người không bằng ảnh niệm nào cả, mà bằng chính yếu tính của Người. Thành thử nếu người nọ nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn bị hơn người kia, thì hẳn là tại sự khác biệt của khả năng hiểu biết. Nhiên hậu, khả năng hiểu biết tự nhiên của ai trác tuyệt hơn, thì nhìn thấy Thiên Chúa minh bạch hơn. Nhưng đây là điều bất tiện, vì hạnh phúc được hứa cho con người và hạnh phúc của các thiên thần thì ngang nhau... NHƯNG. Sự sống đời đời hệ tại nhìn thấy Thiên Chúa, như lời thánh Gioan: “sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha”. Vậy nếu mọi người đều nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa như nhau thì trong cuộc sống đời đời mọi người sẽ bằng nhau. Nhưng thánh Tông đồ nói ngược lại: “Ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia”. LUẬN GIẢI. Trong số những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, người này nhìn thấy cách hoàn bị hơn người kia. Tuy nhiên điều đó không phải bởi ảnh niệm của Thiên Chúa nơi người này thì hoàn hảo hơn nơi người kia: vì sự nhìn thấy đó không thể hiện bằng ảnh niệm, như đã chứng minh (m.2). Điều đó sẽ xảy ra vì trí khôn của người này sẽ có nghị lực hay khả năng trổi vượt hơn người kia để nhìn thấy Thiên Chúa. Nhưng trí khôn thụ tạo có khả năng để nhìn thấy Thiên Chúa như thế, không do bản tính tự nhiên mà do ánh vinh quang, là điều làm cho trí khôn được thần hoá cách nào đó, như đã chứng minh trên (m.5). Cho nên trí khôn nào càng thông dự ánh vinh quang nhiều hơn thì càng nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn bị hơn. Mà ai càng có đức ái thì càng thông dự ánh vinh quang nhiều hơn: vì ở đâu bác ái càng nhiều thì lòng ước muốn càng lớn; và một cách nào đó, lòng ước muốn làm cho chủ thể được thích hợp và sẵn sàng để lãnh nhận điều mình ước mong. Vì thế ai càng có đức ái nhiều hơn thì càng nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn bị hơn, và càng được hạnh phúc hơn. GIẢI ĐÁP. 1. Trong câu: “Người thế nào chúng ta sẽ được thấy Người như vậy”, kiểu nói “như vậy” xác định cách thức thị kiến về phía đối tượng được nhìn thấy; và nghĩa là chúng ta sẽ thấy Người hiện hữu, đích thị như Người là, vì chúng ta sẽ trông thấy chính hiện hữu của Người, sự hiện hữu vốn đồng nhất với yếu tính của Người. Nhưng không xác định cách thức thị kiến về phía chủ thể nhìn; và không có nghĩa là cách thức nhìn thấy cũng hoàn bị như cách thức hiện hữu hoàn bị nơi Thiên Chúa. 2. Và do đó nghi vấn thứ hai đã được giải đáp. Vậy khi nói: người nọ không hiểu biết cũng một vật cách hoàn hảo hơn người kia thì điều đó đúng khi qui chiếu với cách thức của vật được hiểu biết: vì nếu ai hiểu một vật khác với thực tại của nó, tức là không hiểu đúng. Nhưng điều đó lại sai khi qui chiếu với cách thức hiểu biết: vì sự hiểu biết của người nọ thì hoàn bị hơn sự hiểu biết của người kia. 3. Sự khác biệt trong cách trông nhìn không hệ tại phía đối tượng, vì cũng một đối tượng, ấy là yếu tính Thiên Chúa, được tỏ bày cho mọi người; cũng không hệ tại sự thông dự đối tượng cách khác nhau bởi những ảnh niệm khác nhau; mà hệ tại sự khác biệt về tài năng của trí khôn, không phải tài năng tự nhiên, nhưng đã được vinh quang, như đã nói (lg).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC