Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 8

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 8

Người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa 

có nhìn thấy mọi sự trong Thiên Chúa chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa thì nhìn thấy mọi sự trong Thiên Chúa.

1. Thánh Gregorio nói: “Kẻ nhìn thấy Đấng trông thấy mọi sự thì còn gì mà không nhìn thấy”? Nhưng Thiên Chúa là Đấng trông thấy mọi sự. Cho nên ai nhìn thấy Thiên Chúa thì nhìn thấy mọi sự.

2. Ai nhìn vào tấm gương cũng nhìn thấy mọi sự phản chiếu trong gương. Nhưng mọi vật được tạo thành hay có thể được tạo thành đều phản chiếu trong Thiên Chúa như trong tấm gương: vì Thiên Chúa biết mọi sự nơi chính Mình. Cho nên phàm ai trông thấy Thiên Chúa thì trông thấy mọi vật hiện hữu và có thể được tạo thành.

3. Ai hiểu biết điều hơn ắt có thể biết những điều kém, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng mọi vật Thiên Chúa đã làm ra hay có thể làm ra đều kém yếu tính của Người. Cho nên ai hiểu biết Thiên Chúa cũng có thể hiểu biết những gì Thiên Chúa đã làm ra hay có thể làm ra.

4. Theo tính tự nhiên, thụ tạo có lý trí muốn biết mọi sự. Nếu khi nhìn thấy Thiên Chúa mà vật thụ tạo không biết mọi sự thì ước vọng tự nhiên của nó chưa toại nguyện: và như vậy có nhìn thấy Thiên Chúa cũng chưa được hạnh phúc. Đó là điều vô lý. Cho nên nhìn thấy Thiên Chúa là biết hết mọi sự.

NHƯNG. Thiên thần trông thấy yếu tính Thiên Chúa, nhưng không biết hết mọi sự. Thực vậy, thiên thần cấp dưới được thiên thần cấp trên thanh luyện cho khỏi u minh, như Dionysio nói. Chính các thiên thần cũng không biết những tương lai bất tất và những ý nghĩ trong tâm khảm: Đây là điều chuyên biệt của Thiên Chúa. Cho nên không phải hễ ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa là thấy hết mọi sự.

LUẬN GIẢI. Dù trông thấy yếu tính Thiên Chúa, thì trong yếu tính ấy trí khôn thụ tạo cũng không trông thấy mọi sự Thiên Chúa đã tạo thành hay có thể tạo thành. Hiển nhiên là những vật được trông thấy trong Thiên Chúa đều được nhìn thấy như chúng có trong đó. Nhưng các vật khác không phải là Thiên Chúa thì có nơi Người như công hiệu trong tiềm lực của căn nguyên. Vậy các vật khác được nhìn thấy trong Thiên Chúa như công hiệu trong căn nguyên của nó. Nhưng hiển nhiên là ta càng nhận biết một căn nguyên cách hoàn bị hơn, thì ta càng nhận biết nhiều công hiệu trong căn nguyên ấy hơn. Thực vậy, khi một nguyên lý để chứng minh được trình bày, thì từ nguyên lý ấy người có trí khôn linh lợi lập tức suy diễn ra nhiều kết luận; còn người có trí khôn yếu kém chỉ có thể nhận biết bằng cách luận giải từng điều một. Cho nên chỉ trí khôn nào thấu hiểu một căn nguyên cách trọn vẹn mới có thể biết trong căn nguyên ấy những công hiệu và mọi lý do của chúng. Nhưng không trí khôn thụ tạo nào có thể thấu hiểu Thiên Chúa cách trọn vẹn, như đã chứng minh (m.7). Cho nên, dù nhìn thấy Thiên Chúa cũng không trí khôn thụ tạo nào có thể biết được mọi vật Thiên Chúa đã làm ra hay có thể làm ra: biết như thế là thấu hiểu năng lực của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong các vật Thiên Chúa đã làm ra hay có thể làm ra, trí khôn nào càng nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn bị hơn càng nhận biết những vật ấy cách hoàn bị hơn.

GIẢI ĐÁP

1. Thánh Gregorio nói về sự đầy đủ của đối tượng, nghĩa là của Thiên Chúa, vì về phần Mình, Thiên Chúa gồm thâu và giãi bày mọi sự cách đầy đủ. Do đó, ai nhìn thấy Thiên Chúa không tất nhiên là biết hết mọi vật: vì không ai thấu hiểu Người cách hoàn bị.

2. Ai nhìn tấm gương không nhất thiết nhìn thấy mọi sự phản chiếu trong đó, đừng kể với cái nhìn của mình, người ấy quán triệt tấm gương.

3. Mặc dầu nhìn thấy Thiên Chúa là chuyện cao quí hơn là nhìn thấy mọi vật, nhưng nhìn thấy Thiên Chúa cách nào để trong Người mọi vật được nhận biết, thì càng cao quí hơn là nhìn thấy chính Người, mà trong Người chỉ ít nhiễu vật được nhận biết chứ không phải tất cả. Vậy vừa chứng minh rằng (1g), số các vật được nhận biết trong Thiên Chúa thì nhiều hay ít là hệ tại cách thức nhìn thấy Người hoàn bị hơn kém.

4. Ước muốn tự nhiên của thụ tạo có lý trí là nhận biết tất cả những chi liên can đến sự hoàn bị của trí khôn: như những giống, loại và lý tính của các vật, những điều mà phàm ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa sẽ nhìn thấy. Còn việc biết những vật riêng lẻ khác, cũng như những tư tưởng và hành vi của chúng, thì không cần thiết cho sự hoàn bị của trí khôn thụ tạo, ước muốn tự nhiên không hướng đến đó, cũng không hướng đến việc biết các vật chưa hiện hữu nhưng có thể được Thiên Chúa tạo thành. Dù sao, nguyên việc nhận biết một mình Thiên Chúa, là cội nguồn và căn nguyên mọi hữu thể và mọi chân lý, cũng làm thỏa mãn nguyện vọng hiểu biết tự nhiên, đến độ người ta không còn tìm kiếm chi khác để được hạnh phúc. Vì thế thánh Augustino than thở: “Vô phúc cho người biết mọi vật đó (nghĩa là thụ tạo), nhưng không biết Chúa. Trái lại, hạnh phúc cho người biết Chúa, dù không biết mọi vật đó. Còn ai vừa biết Chúa vừa biết những vật đó, thì không phải vì chúng mà được hạnh phúc hơn, nhưng chỉ vì một mình Chúa mà được hạnh phúc”.

 


 MỤC 9
 MỤC 7

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt