Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 7

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 7

Những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa 

có thấu hiểu Người chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa thì thấu hiểu Người.

1. Thánh Tông đồ viết: “Nhưng tôi đang cố gắng chạy tới mong chiếm đoạt”. Mà thánh nhân không theo đuổi cách luống công, vì người nói: “tôi cũng chạy như thế, nhưng không phiêu lưu”. Cho nên chính thánh Tông đồ đã chiếm đoạt, và cả những người khác cũng vậy, những người mà thánh nhân kêu mời: “Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng”.

2. Thánh Augustino nói: “Điều được chiếm đoạt là điều được trông thấy toàn diện, đến nỗi không còn chi ẩn khuất đối với kẻ trông nhìn”. Vậy nếu Thiên Chúa được nhìn thấy theo yếu tính, là Người được nhìn thấy toàn diện, và không có chỉ ẩn khuất đối với người nhìn: vì Thiên Chúa là Đấng đơn thuần. Vì thế phàm ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa thì nhìn thấy Người toàn diện. Cho nên người ấy thấu hiểu Thiên Chúa.

3. Gián hoặc có ai nói: được trông thấy toàn diện, nhưng không phải cách trọn vẹn thì xin đáp lại: “trọn vẹn” có thể hiểu về cách thức của người nhìn thấy, hay của vật được nhìn thấy. Nếu hiểu về cách thức của vật được nhìn thấy thì ai nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính là nhìn thấy Người cách trọn vẹn: vì Người thế nào cũng được nhìn thấy như thế, như đã nói trên (m.6 gđ.1). Nếu hiểu về cách thức của người nhìn thấy, thì chủ thể trông nhìn cũng nhìn thấy Người trọn vẹn: vì trí khôn, với tất cả năng lực của mình, nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Bởi đó phàm ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa là nhìn thấy Người cách trọn vẹn. Cho nên thấu hiểu Người.

NHƯNG. Ngôn sứ Giêrêmia viết: “Thiên Chúa vĩ đại và uy hùng, danh Ngài là Đức Chúa các đạo binh. Ngài vĩ đại trong ý định, và khôn thấu trong tư tưởng”. Cho nên không ai có thể thấu hiểu Người.

LUẬN GIẢI. Không trí khôn thụ tạo nào có thể thấu hiểu Thiên Chúa, nhưng hiểu biết Thiên Chúa đôi chút, đã là hạnh phúc lớn lao, như thánh Augustino nói.

Để hiểu rõ điều đó, nên biết rằng, một điều được thấu hiểu là được nhận biết hoàn bị. Nhưng một điều được nhận biết hoàn bị là khi điều đó khả tri ngần nào thì được nhận biết ngần ấy. Vì thế, nếu một điều là khả tri bằng chứng minh, mà chỉ được công nhận theo kiểu ý kiến hay do lý lẽ cái nhiên nào đó, thì chưa phải là được thấu hiểu. Thí dụ, người nào biết bằng chứng minh khoa học rằng, ba góc của tam giác bằng hai góc vuông, thì người ấy đã hiểu rõ tam giác là gì; còn ai chỉ công nhận điều đó như ý kiến cái nhiên, căn cứ trên lời quả quyết của những nhà thông thái hay của nhiều người thì người ấy không thấu hiểu, vì không đạt tới cách nhận biết hoàn bị như cách thức khả tri của nó.

Nhưng không một trí khôn thụ tạo nào có thể đạt tới cách thức nhận biết yếu tính Thiên Chúa theo mức độ hoàn bị như cách thức khả tri của yếu tính ấy. Quả vậy, phàm chi càng ở trong hiện thể chừng nào thì càng khả tri chừng ấy. Vậy Thiên Chúa là Đấng khả tri vô hạn, vì hiện hữu của Người thì vô hạn, như đã chứng minh (vđ.7, m.1). Mà không trí khôn thụ tạo có thể nhận biết Thiên Chúa cách vô hạn. Trĩ khôn thụ tạo nhận biết Thiên Chúa cách hoàn bị nhiều hay ít là tùy theo nó được ánh vinh quang thấu nhập nhiều hay ít. Nhưng vì ánh vinh quang thụ tạo, được tiếp nhận vào trí khôn thụ tạo, không thể là vô hạn, thành thử trí khôn thụ tạo không thể nhận biết Thiên Chúa cách vô hạn. Cho nên không thể thấu hiểu Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP.

1. Từ comprehensio có hai nghĩa: Một là nghĩa hẹp và nghĩa đen, nói lên việc một vật bị gồm thâu trong vật thâu gồm nó. Theo nghĩa này, tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể do trí khôn hay điều chi khác thấu hiểu: vì Người là Đấng vô hạn, không thể bị gồm thâu trong vật hữu hạn nào hết, chẳng vậy vật hữu hạn lại vây bọc Người cách vô hạn, vì chính Người hiện hữu cách vô hạn. Ở đây chúng tôi hiểu tiếng comprehensio theo nghĩa này. – Tiếng comprehensio còn có nghĩa khác, rộng hơn, như thể đối lập với sự theo đuổi. Quả thực, ai đuổi kịp người nào và đã chiếm lấy người ấy, thì được coi là chiếm đoạt người ấy. Theo nghĩa này Thiên Chúa được những phúc nhân chiếm đoạt, theo lời sách Diễm ca: “tôi níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra”. Phải hiểu những lời của thánh Tông đồ theo nghĩa này. — Như thế chiếm đoạt là một trong ba ân huệ của linh hồn và tương ứng với đức cậy; cũng như sự thị kiến tương ứng với đức tin, và sự vui hưởng tương ứng với đức mến. Thực ra nơi chúng ta, không phải mọi điều chúng ta thấy là chúng ta đã chiếm hữu hay đã có: vì đôi khi chúng ta thấy những vật xa cách hay không thuộc quyền của chúng ta. Đàng khác, chúng ta cũng chẳng vui hưởng mọi thứ ta có, vì hoặc chúng ta không hoan lạc trong những thứ ấy, hoặc vì chúng không phải là cùng đích tối hậu ta ước mong, đến độ làm ta được toại nguyện và an nghỉ. Nhưng các phúc nhân được ba thứ đó nơi Thiên Chúa: vì các ngài nhìn thấy Người; mà khi nhìn thấy tức là có Người hiện diện, và có thể nhìn thấy Người luôn mãi; và vì chiếm hữu Người nên vui hưởng Người như cứu cánh làm thoả mãn mọi ước vọng

2. Khi nói Thiên Chúa là Đấng khôn thấu, thì không phải là nơi Người có điều chi không được nhìn thấy; nhưng vì không được nhìn thấy cách hoàn bị như có thể được nhìn thấy. Chẳng hạn, một mệnh đề có thể chứng minh lại được nhận biết bằng lẽ cái nhiên nào đó, thì không có chi trong mệnh đề ấy không được nhận biết, dù là chủ từ, túc từ, hay mối liên kết; nhưng toàn thể mệnh đề không được nhận biết cách hoàn bị như có thể được nhận biết. Vì thế thanh Augustino đã định nghĩa sự thấu hiểu khi nói: “Toàn thể một đối tượng được ta thấu hiểu khi trông thấy, và được trông thấy cách tường tận đến độ không còn chi ẩn khuất đối với người trông nhìn, hay khi toàn thể biên giới của nó có thể được nhìn thấy”. Thực vậy, toàn thể biên giới của một vật được nhìn thấy khi ta đạt tới chỗ khả tri cuối cùng của nó.

3. Trọn vẹn ám chỉ cách thức của đối tượng: không phải vì toàn thể cách thức của đối tượng không được nhận biết; nhưng vì cách thức hiện hữu của đối tượng không phải là cách thức hiện hữu của người nhận biết. Vậy ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, sẽ nhận thấy Người, là Đấng hiện hữu vô hạn và khả tri vô hạn; nhưng cách thức vô hạn này không phù hợp với người nhận biết, như thể chính người ấy nhận biết một cách vô hạn: chẳng hạn một người biết một cách cái nhiên rằng có thể chứng minh mệnh đề nào đó, dù đương sự không biết bằng cách chứng minh.

 


 MỤC 8
 MỤC 6

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt